Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 14 tháng 12 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Trung Quốc áp sát bờ biển Đài Loan để ‘uy hiếp’ cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng 

    14/12/2023 

    Reuters 

    Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của Đảng Dân Tiến đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử Tổng thống Đài Loan.

    Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của Đảng Dân Tiến đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò bầu cử Tổng thống Đài Loan. 

    Quân đội Đài Loan ngăn chặn bốn nỗ lực của lực lượng Trung Quốc nhằm tiếp cận khu vực tiếp giáp nhạy cảm của hòn đảo vào tháng trước, các quan chức an ninh Đài Loan loan báo và cho rằng đây là một chiến dịch rầm rộ của Trung Quốc nhằm “đe dọa” cử tri trước cuộc bầu cử quan trọng.

    Các quan chức Đài Loan đã nhiều lần cảnh báo rằng Trung Quốc đang cố gắng lôi kéo cử tri về phía các ứng cử viên đang tìm kiếm mối quan hệ gần gũi hơn với Bắc Kinh, nơi chính phủ coi cuộc bầu cử tổng thống và quốc hội vào ngày 13/1 sang năm là sự lựa chọn giữa “hòa bình và chiến tranh” và kêu gọi người Đài Loan đưa ra “lựa chọn đúng đắn”. 

    Trong 4 năm qua, Đài Loan đã phàn nàn về các cuộc xâm phạm quân sự thường xuyên của Trung Quốc khi Bắc Kinh gia tăng áp lực nhằm buộc hòn đảo dân chủ này chấp nhận là thuộc chủ quyền của Bắc Kinh.

    Các quan chức an ninh Đài Loan và các nhà ngoại giao ở Đài Bắc cho biết, Trung Quốc đã tăng cường các nhiệm vụ như vậy trước cuộc bầu cử ở Đài Loan khi chiến dịch tranh cử được đẩy mạnh.

    Theo nhiều quan chức an ninh Đài Loan, vào tháng 11 vừa qua, các lực lượng không quân và hải quân của Trung Quốc đã tổ chức bốn cuộc diễn tập phối hợp tiếp cận khu vực tiếp giáp của Đài Loan, cách bờ biển của Đài Loan 44 km. 

    Bản ghi nhớ viết rằng các động thái quân sự của Trung Quốc là một phần của “chiến dịch can thiệp bầu cử trên nhiều mặt trận”, đồng thời nói rằng nó cũng bao gồm các hoạt động trao đổi với các chính trị gia Đài Loan và truyền bá thông tin sai lệch để làm lung lay dư luận.

    Một quan chức yêu cầu giấu tên vì tính nhạy cảm của vấn đề nói các cuộc tập trận ở khu vực tiếp giáp đang “mô phỏng một cuộc xâm nhập và kiểm tra phản ứng của quân đội quốc gia chúng ta”. Nguồn tin cho biết thêm, Đài Loan đã phái lực lượng tới xua đuổi lực lượng Trung Quốc.

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc và Văn phòng Đài Loan sự vụ không trả lời yêu cầu bình luận. Khi bình luận về cuộc bầu cử trước đây, Văn phòng Đài Loan sự vụ cho biết họ tôn trọng “hệ thống xã hội” của Đài Loan.

    Các quan chức nói, các hoạt động của Trung Quốc trong tháng 11 còn bao gồm việc khinh khí cầu vượt qua đường trung tuyến nhạy cảm của Eo biển Đài Loan trong hai ngày liên tiếp, cũng như các tàu nghiên cứu biển tiếp cận gần khu vực tiếp giáp ngoài khơi bờ biển phía đông và phía tây của Đài Loan.

    Theo các nguồn tin, vào tháng 11, một tàu kéo thương mại của Trung Quốc đã đi vào lãnh hải phía nam của Đài Loan, được xác định là 12 hải lý tính từ bờ biển của Đài Loan.

    Quan chức này nói: “Thông qua các lực lượng quân sự và phi quân sự này, họ đã đưa ra tuyên bố rằng họ có thể làm điều gì đó với Đài Loan bất cứ lúc nào trong khi vẫn tiếp tục gia tăng căng thẳng”. “Đó rõ ràng là chiến tranh tâm lý. Họ đang loan truyền thông điệp ‘hòa bình và chiến tranh’ mỗi ngày.”

    Một quan chức Đài Loan thứ hai mô tả các cuộc diễn tập của Trung Quốc là một phần trong chiến dịch leo thang chiến tranh “vùng xám” của Bắc Kinh nhằm làm suy yếu Đài Loan bằng các cuộc tập trận lặp đi lặp lại và “đe dọa” cử tri.

    “Họ muốn làm cho lời tiên tri của họ có vẻ như có thể trở thành sự thật”, người này nói, đồng thời chỉ ra câu chuyện rằng nếu Đảng Dân Tiến (DPP) cầm quyền tiếp tục nắm quyền, một cuộc chiến tranh với Trung Quốc có thể xảy ra.

    Phó Tổng thống Lại Thanh Đức và người đồng tranh cử Tiêu Mỹ Cầm của DPP đang dẫn đầu trong các cuộc thăm dò. Trung Quốc coi họ là những kẻ ly khai và đã từ chối lời đề nghị đàm phán của ông Lại.

    Trong bối cảnh căng thẳng gia tăng khoảng một tháng trước cuộc bầu cử, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết 12 máy bay chiến đấu của Trung Quốc và một khinh khí cầu bị tình nghi là khí cầu thời tiết vào tuần trước đã vượt qua đường trung tuyến.

    Đài Loan hôm 11/12 đã cử lực lượng theo dõi đội hình hải quân Trung Quốc, do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu, đi qua Eo biển Đài Loan.

    Chính phủ Đài Loan đang cảnh giác cao độ về những gì họ coi là nỗ lực của Trung Quốc nhằm can thiệp vào cuộc bầu cử bằng cách tài trợ bất hợp pháp cho các ứng cử viên thân Bắc Kinh bằng cách sử dụng các ứng dụng liên lạc, các chuyến tham quan theo nhóm hoặc các chiến dịch thông tin sai lệch, các báo cáo an ninh nội bộ được Reuters xem xét cho thấy.

    Reuters đưa tin, trích dẫn các nguồn tin và tài liệu, rằng Bắc Kinh cũng đã tài trợ các chuyến đi giảm giá tới Trung Quốc cho hàng trăm chính trị gia địa phương của Đài Loan trước cuộc bầu cử.

    Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật AUKUS, nhằm chống lại ‘các mối đe dọa chưa từng có’ 

    Henry Jom 

    14/12/223

    Thượng nghị sĩ Schumer nói: “Dự luật sẽ tạo ra một hạm đội mới gồm các tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân để chống lại mối đe dọa và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thái Bình Dương.”  

    Thượng viện Hoa Kỳ thông qua dự luật AUKUS, nhằm chống lại ‘các mối đe dọa chưa từng có’

    Tổng thống Joe Biden (Giữa) tham dự cuộc gặp ba bên với Thủ tướng Anh Rishi Sunak (Phải) và Thủ tướng Úc Anthony Albanese (Trái) trong hội nghị thượng đỉnh AUKUS tại Căn cứ Hải quân Loma ở San Diego, California, hôm 13/03/2023. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images) 

    Thượng viện Hoa Kỳ đã bật đèn xanh cho đạo luật AUKUS, mà trong đó sẽ cho phép bán ít nhất ba tàu ngầm lớp Virginia cho Úc. 

    Hành động này được đưa ra trong bối cảnh liên minh AUKUS hướng đến việc kiềm chế hành vi thâu đoạt quyền kiểm soát của Bắc Kinh ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. 

    Vào tối hôm 13/12, tổng cộng 87 thượng nghị sĩ đã bỏ phiếu ủng hộ Dự luật Ủy quyền Quốc phòng thường niên trị giá 886 tỷ USD, mà sau đó sẽ được chuyển đến Hạ viện vào ngày 14/12. 

    Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) cho biết thỏa thuận AUKUS là một “nhân tố thay đổi cuộc chơi” và sẽ “phê chuẩn một cách nghiêm túc thỏa thuận ba bên của Tổng thống Biden về tàu ngầm hạt nhân giữa Hoa Kỳ, Vương quốc Anh, và Úc.” 

    Thượng nghị sĩ Schumer cho biết: “Thỏa thuận đó sẽ tạo ra một hạm đội tàu ngầm chạy bằng năng lượng hạt nhân mới [giúp Úc] chống lại mối đe dọa và ảnh hưởng của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Thái Bình Dương.” 

    “Dự luật sẽ mang lại cho các quân nhân của chúng ta mức tăng lương xứng đáng, sẽ tăng cường nguồn lực của chúng ta trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn hành động gây hấn của chính quyền Trung Quốc, cũng như cung cấp các nguồn lực cho quân đội ở Đài Loan.” 

    Sau khi được thông qua, Úc sẽ trả 3 tỷ USD (4.5 tỷ USD) để mua tàu ngầm lớp Virginia, và đẩy nhanh hoạt động sản xuất tại các công xưởng đóng tàu của Hoa Kỳ. 

    Đạo luật này đang bị bế tắc do lo ngại rằng thỏa thuận AUKUS sẽ khiến Hải quân Hoa Kỳ không có đủ tàu ngầm trong khi phải mất hàng thập niên mới cung cấp được cho hạm đội Úc. 

    Hồi tháng Mười Một, Phó Đô đốc Hoa Kỳ William Houston cho biết Hải quân dự kiến rằng việc chuyển giao hai tàu ngầm lớp Virginia từ hạm đội Hoa Kỳ và chiếc thứ ba (đang được sản xuất) sẽ bắt đầu vào năm 2032. 

    Theo dự luật, một tổng thống tương lai sẽ phải chứng nhận — 270 ngày trước khi chuyển giao — rằng thương vụ bán tàu ngầm này phù hợp với lợi ích chính sách ngoại giao của Hoa Kỳ và sẽ không “làm suy giảm” khả năng hoạt động dưới biển của nước này. 

    Ngoài ra, dự luật này yêu cầu tổng thống phải thông báo cho các nhà lãnh đạo Quốc hội một tháng trước khi tàu ngầm được chuyển đến Úc rằng Úc đã sẵn sàng khai triển sáng kiến “Lực lượng Luân chuyển Tàu ngầm phía Tây” — luân chuyển tối đa bốn tàu ngầm của Mỹ và một tàu ngầm của Anh ra khỏi Tây Úc.

    Trong một tuyên bố chung, bốn nhà lãnh đạo Đảng Cộng Hòa và Đảng Dân Chủ trong Ủy ban Quân Vụ cho biết, sau “nhiều tháng đàm phán đầy khó khăn nhưng có hiệu quả,” Dự luật Ủy quyền Quốc phòng sẽ cho phép Hoa Kỳ hoàn thành nghĩa vụ bảo vệ an ninh quốc gia của mình trước “các mối đe dọa chưa từng có” từ Trung Quốc, Iran, Nga, và Bắc Hàn.

    Thanh Nguyên lược dịch

    Meta hợp tác cùng IBM thúc đẩy thành lập liên minh AI

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/openai12.jpg

    Hơn 50 công ty và tổ chức nghiên cứu AI đã thành lập liên minh nhằm thúc đẩy mô hình mở đa dạng hóa thị trường này. (Ảnh minh họa: Rafapress/Shutterstock) 

    Phó chủ tịch kiêm người đứng đầu bộ phận R&D tại công ty công nghệ và đổi mới toàn cầu IBM (trụ sở chính tại New York), ông Dario Gil gần đây cho biết kể từ tháng 8 năm nay công ty đã hợp tác với công ty mẹ Meta Platform (Metaverse) của Facebook để thành lập một liên minh gồm hơn 50 công ty và tổ chức nghiên cứu AI (trí tuệ nhân tạo), nhằm thúc đẩy mô hình mở đa dạng hóa thị trường này.

    Theo WSJ, do vào cuối tháng 11 công ty công nghệ OpenAI đột ngột có biến về nhân sự, nhiều công ty mong có nhiều nhà cung cấp sản phẩm AI trên thị trường như những lựa chọn thay thế, tránh giảm rủi ro phụ thuộc một nhà cung cấp duy nhất.

    Vốn dĩ OpenAI là công ty đi tiên phong, đã tạo ra một hệ sinh thái AI khổng lồ dựa trên dịch vụ mô hình GPT và được dùng phổ biến trên thế giới. Nhưng vấn đề là công ty này có quyền sở hữu trí tuệ độc quyền đối với GPT, việc quản lý và phát triển công nghệ này được OpenAI hoàn thành một cách độc lập, để sử dụng thì người dùng phải trả tiền, cho nên đây là một hệ sinh thái tương đối khép kín.

    Gil cho rằng việc thành lập liên minh AI mới đáp ứng được ý định của các doanh nghiệp có nhu cầu đa dạng. Ông nói: “Đây là một con đường khác, một cách tiếp cận phân tán hơn nhưng cũng linh hoạt hơn, không một tổ chức nào có thể làm suy yếu sự thành công của con đường cởi mở này”.

    Các thành viên sáng lập của liên minh mới đến từ khắp nơi trên thế giới đều có các sản phẩm AI của riêng họ, chỉ có điều sản phẩm của họ chưa được chú ý nhiều như OpenAI và đối tác đầu tư Microsoft. Các tổ chức tham gia tiêu biểu như các Intel, Oracle, AMD, Dell Technologies, Red Hat, Sony, Stability AI, Linux Foundation, National Science Foundation, Đại học Cornell, Đại học Dartmouth, Imperial College London, Đại học California, Berkeley, Đại học Illinois, Đại học Tokyo, Đại học Yale, tổ chức MOC do Đại học Boston và Đại học Harvard điều hành…

    Hiện tại, liên minh đang tích hợp các nguồn lực để hỗ trợ “đổi mới mở và khoa học mở” trong lĩnh vực AI. Tất cả các thành viên đều bày tỏ sự ủng hộ đối với nguồn mở, có nghĩa là chia sẻ công nghệ miễn phí.

    Đối với nhiều nhà phát triển AI, lợi nhuận công ty của họ chủ yếu đến từ thu nhập do các khoản đầu tư công nghệ của công ty vào AI mang lại. Theo dữ liệu từ công ty nghiên cứu thị trường International Data Corp (IDC), các doanh nghiệp toàn cầu chỉ trong năm nay đã chi khoảng 16 tỷ USD cho các giải pháp AI tạo sinh, chi tiêu trong lĩnh vực này đến năm 2027 có thể tăng gần gấp 10 lần đạt 143 tỷ USD.

    Phó chủ tịch Tập đoàn Trí tuệ nhân tạo toàn cầu IDC là Ritu Jyoti cho biết, sự xuất hiện của các liên minh mới có thể hấp dẫn các công ty đang tìm cách đa dạng hóa nhà cung cấp của họ. Nhưng bà nhấn mạnh rằng “tất cả sẽ phụ thuộc vào việc họ thực hiện nó tốt như thế nào”. Ví dụ, liên minh cần giải pháp bao gồm phần cứng, phần mềm và các công cụ khác để hỗ trợ việc sử dụng nhiều hệ thống AI.

    Công ty ADM (Advanced Semiconductor) chuyên thiết kế và sản xuất bộ vi xử lý cho ngành máy tính, truyền thông và điện tử tiêu dùng, cho biết phần cứng do họ phát triển có thể hỗ trợ hệ sinh thái AI mở này.

    Phó chủ tịch điều hành kiêm Giám đốc Trung tâm Dữ liệu của công ty là Forrest Norrod cho biết, AMD sẽ làm việc với các thành viên liên minh AI khác để xây dựng phần mềm, cho phép các doanh nghiệp sử dụng chip của công ty. Chip tăng tốc AI mà hãng dự định trình diễn trong tuần này sẽ trở thành một lựa chọn “có sức mạnh” khác ngoài NVIDIA.

    Nhóm nghiên cứu AI gồm 50 người của nhà sản xuất phần mềm doanh nghiệp ServiceNow cũng sẽ tham gia vào liên minh mới, để cùng hợp tác vì tiến bộ khoa học mở của hệ thống AI. Phó chủ tịch phụ trách sản phẩm của ServiceNow là Jeremy Barnes cho biết, công ty sẽ cho khách hàng thấy họ có nhiều lựa chọn hơn.

    Phó chủ tịch Gil của IBM nhấn mạnh, “Ai nghĩ rằng tương lai của AI sẽ chỉ được quyết định bởi vài tổ chức thì người đó đã nhầm. Chúng ta cần nhận thức rõ hơn rằng đặt cược vào thế giới đổi mới cởi mở là đúng đắn, nên tự tin về điều đó”.

    Trình Phàm, Vision Times

    Putin họp báo trên sóng truyền hình trực tiếp

    Vào thứ Năm, Vladimir Putin dự kiến sẽ tổ chức một cuộc họp báo và trực tiếp trả lời điện thoại từ công dân Nga trên truyền hình. Đây sẽ là cơ hội cho tổng thống thể hiện phong thái của mình. Các sự kiện này vẫn diễn ra mọi năm, cho đến khi bị Điện Kremlin hủy bỏ vào năm 2022 vì cuộc xâm lược Ukraine.

    Việc tổ chức lại cho thấy ông Putin đã phục hồi sự tự tin của mình. Kể từ những ngày đầu hỗn loạn của cuộc xâm lược, tổng thống đã ổn định nền kinh tế và dập tắt bất đồng chính kiến. Tuần trước, ông xác nhận ra tranh cử vào năm 2024 và dường như chắc chắn sẽ giành chiến thắng. Sự ủng hộ đang dao động của phương Tây dành cho Ukraine cũng là một tin tốt lành cho ông.

    Tuy nhiên, Nga sẽ nhận thấy gánh nặng của việc duy trì các khoản chi khổng lồ cho chiến tranh – chi tiêu quốc phòng lên tới 6% GDP vào năm 2024. Mọi nỗ lực chiêu mộ thêm quân trong một chiến dịch huy động khác cũng sẽ không được ủng hộ. Ông Putin muốn nuôi sống cuộc chiến của mình trong khi ít làm xáo trộn cuộc sống của người dân nhất có thể. Nhưng từ trong nội tại vấn đề đã có đầy mâu thuẫn.

    Guayna và Venezuela tổ chức thượng đỉnh bàn về tranh chấp lãnh thổ

    Tổng thống Guyana và Venezuela dự kiến sẽ gặp nhau tại St Vincent và Grenadines vào thứ Năm để giảm bớt căng thẳng trong bối cảnh tranh chấp biên giới kéo dài. Cuộc khủng hoảng về vấn đề này phần lớn do Nicolás Maduro tạo ra. Nhà độc tài Venezuela đã tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý vào ngày 3 tháng 12 để hỏi liệu nước này có nên tuyên bố 2/3 diện tích của Guyana là đất của Venezuela hay không. Câu trả lời vang dội từ cử tri là “có.”

    Điều này không có gì đáng ngạc nhiên, khi hầu hết người dân Venezuela đều được dạy ở trường rằng đất của nước họ bị cướp đi bởi một thỏa thuận trọng tài thiên vị vào năm 1899. Người Guyana phản bác, cho rằng việc phân định biên giới đã được giải quyết công bằng giữa tất cả các bên và vấn đề đã kết thúc. Tổng thống Guyana Ifraan Ali nói ông đồng ý tham gia cuộc họp với điều kiện biên giới chung của hai nước không nằm trong nội dung thảo luận. Song ông Maduro lại nói họ nên đàm phán chính xác về điều này.

    ECB sắp quyết định lãi suất ở khu vực đồng euro

    Nhiệm vụ chính của Ngân hàng Trung ương châu Âu là đảm bảo ổn định giá cả trong khu vực đồng euro. Tuy nhiên, nhiều người cho rằng ECB đã chậm tăng lãi suất khi lạm phát tăng mạnh vào năm ngoái. Do đó, giờ đây, những người đứng đầu ngân hàng muốn đảm bảo chắc chắn là lạm phát đã chết trước khi họ cắt giảm lãi suất. Tại cuộc họp vào thứ Năm, ECB có thể sẽ giữ nguyên lãi suất tham chiếu ở mức cao kỷ lục 4% và đẩy lùi kỳ vọng của thị trường về đợt giảm lãi suất lớn trong nằm 2024.

    Nhưng kỳ vọng của thị trường là hợp lý. Lạm phát đang giảm nhanh hơn dự kiến. Theo các chỉ số khảo sát, nền kinh tế EU, bao gồm cả dịch vụ, có thể đang suy thoái. Và mặc dù tốc độ tăng lương vẫn ở mức cao so với tiêu chuẩn của châu lục này, đã có những dấu hiệu ban đầu về sự chậm lại. Hơn nữa phải mất một thời gian để cắt giảm lãi suất đi vào hiệu lực. Sẽ thật tệ nếu ECB lại bỏ lỡ thời cơ.

    Ethiopia đứng trước nguy cơ vỡ nợ

    Các quan chức Ethiopia dự kiến sẽ tổ chức một cuộc gọi với các trái chủ quốc tế của nước họ vào thứ Năm. Họ đang cố gắng tránh vỡ nợ đối với trái phiếu Eurobond trị giá 1 tỷ USD vào cuối năm 2024. Lời kêu gọi này là dấu hiệu mới nhất cho thấy cuộc khủng hoảng mà nền kinh tế Ethiopia đang đối mặt. Nó theo sau các thỏa thuận gần đây với các chủ nợ chính thức, bao gồm Trung Quốc, để tạm thời đình chỉ thanh toán nợ.

    Như một số quốc gia châu Phi khác, Ethiopia đang phải vật lộn với gánh nặng nợ ngày càng lớn, càng trở nên trầm trọng hơn bởi các yếu tố toàn cầu như covid-19. Kể từ năm 2021, họ đã tìm cách giảm nợ theo “Khuôn khổ Chung” của G20, một thỏa thuận lỏng lẻo giữa các chủ nợ. Tuy nhiên, tiến trình hướng tới một thỏa thuận đã bị cản trở do cuộc nội chiến kéo dài hai năm ở khu vực Tigray, khiến hàng trăm nghìn người được cho là đã thiệt mạng. Nhiều vùng ở Ethiopia vẫn chìm trong xung đột sắc tộc. Giờ đây tất cả phụ thuộc vào việc liệu thủ tướng Abiy Ahmed có thể đảm bảo nguồn tài trợ khẩn cấp từ IMF vào đầu năm 2024 hay không.

    Thêm một làn sóng sa thải lao động mới ở Trung Quốc

    Liên Thành

    https://www.dkn.tv/wp-content/uploads/2023/12/anh-man-hinh-2023-12-14-luc-074112.png

    Ảnh minh họa. 

    Nền kinh tế Trung Quốc đang đóng băng, và mới đây ngành năng lượng mặt trời nước này cũng đã báo cáo rằng một làn sóng sa thải lao động với quy mô lớn làn sóng đang sắp sửa diễn ra trong mùa đông này.

    Những chuyên gia trong ngành năng lượng Trung Quốc phân tích rằng, năng lực sản xuất ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của nước này hiện đang dư thừa do đơn đặt hàng quốc tế giảm.

    Khi sự phát triển của ngành công nghiệp năng lượng này ngày càng tăng và lợi nhuận đang đà giảm sút, việc sa thải quy mô lớn này ở các công ty là điều không thể tránh khỏi vì yêu cầu giảm chi phí.

    Mạng lưới năng lượng Hua Xia gần đây đã trích dẫn bảng thống kê của Internet Chuanda và chỉ ra rằng hơn một chục công ty năng lượng mặt trời hiện đang phải đối mặt với việc cắt giảm sản xuất, thậm chí ngừng hoạt động và sa thải số lượng lớn nhân công.

    Hầu hết các công ty này đều là những nhà sản xuất lớn và có trụ sở tại Hà Bắc, Nội Mông, Vân Nam, Giang Tô, Chiết Giang, Thiểm Tây, An Huy, Tứ Xuyên và các tỉnh khác ở Trung Quốc. 

    Một công ty năng lượng mặt trời ở Hà Bắc tiết lộ rằng, công suất của nhà máy đã bị dừng lại một nửa và các nhân viên được thông báo họ có thể nghỉ bao nhiêu ngày tùy thích.

    Những người trong ngành năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đại lục cho rằng, nguyên nhân thứ nhất dẫn đến đơn hàng ngoại thương giảm là thuộc về các yếu tố chính trị. 

    Nguyên nhân thứ hai là khi môi trường kinh tế không tốt, một số công ty khác đổ xô gia nhập ngành, điều này làm tăng quy  mô lẫn tốc độ sản xuất. Bất chấp việc ngành công nghiệp năng lượng mặt trời đang trên đà phát triển việc đổ bộ đầu tư vào lĩnh vực này dẫn đến tỉ suất lợi nhuận giảm, dư thừa nguồn cung và nhiều yếu tố phức tạp khác.

    Do vậy, việc thiếu đơn hàng, cắt giảm công suất hoạt động và sa thải nhân sự công ty là một kết quả không thể tránh khỏi trong năm nay, và nó dự kiến sẽ còn nghiêm trọng hơn trong năm tới.

    Theo báo cáo, ngành công nghiệp năng lượng mặt trời ở Trung Quốc đại lục hiện rất ảm đạm và đã bước vào cuộc đua hạ giá, để giảm hàng tồn kho. Nhiều công ty cấp hai và cấp ba không có đơn đặt hàng và đã chọn cách tạm dừng sản xuất và nghỉ lễ dài hạn, nhân viên của họ chỉ có thể được nhận được mức lương cơ bản hoặc thấp hơn.

    Các chuyên gia trong ngành nhận định rằng, những khó khăn mà ngành ngành công nghiệp năng lượng mặt trời của Trung Quốc phải đối mặt là hậu quả rõ ràng từ các chính sách kinh tế sai lầm của ĐCSTQ. Trung Quốc đã vào mùa Đông, và nền kinh tế của họ cũng đã chính thức bắt đầu.

    Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên về ‘viễn cảnh huỷ diệt’

    Hàn Quốc cảnh báo Triều Tiên về 'viễn cảnh huỷ diệt'

    Người dân xem bản tin về vụ thử tên lửa của Triều Tiên, tại một nhà ga ở Seoul, Hàn Quốc, ngày 22/7/2023. (Ảnh: Jung Yeon-Je/AFP qua Getty Images) 

    Bộ trưởng Quốc phòng Shin Won-sik cảnh báo Triều Tiên về viễn cảnh bị hủy diệt nếu nước này thực hiện các hành động “liều lĩnh”.

    Bộ trưởng Quốc phòng Hàn Quốc Shin Won-sik đưa ra cảnh báo này trong cuộc họp với các chỉ huy quân sự hàng đầu của nước này hôm 13/12.

    Bộ trưởng Shin Won-sik nói: “Triều Tiên chỉ có hai lựa chọn – hòa bình hoặc hủy diệt. Nếu Triều Tiên thực hiện những hành động liều lĩnh gây tổn hại đến hòa bình, thì viễn cảnh bị hủy diệt đang chờ đợi họ”, theo Yonhap.

    Theo Bộ Quốc phòng Hàn Quốc, cuộc họp hôm 13/12 đã thảo luận về các nỗ lực phòng thủ, trong đó có việc triển khai thêm vệ tinh và mở rộng hợp tác an ninh ba bên với Hoa Kỳ và Nhật Bản nhằm chống lại các mối đe dọa từ Triều Tiên.

    Bên cạnh đó, quan chức quân đội nước này cũng đã thảo luận về nỗ lực tăng cường hệ thống răn đe, ra mắt bộ chỉ huy chiến lược vào năm tới để thiết lập hệ thống hoạt động hạt nhân chung giữa Hàn Quốc và Hoa Kỳ.

    Tuần trước, ông Shin đến thăm bộ chỉ huy tên lửa nước này. Ông Shin nói rằng bộ chỉ huy tên lửa sẽ có nhiệm vụ “tấn công chí mạng vào kẻ thù” trong trường hợp xảy ra chiến tranh.

    Trong khi đó, ông Kim Myung-soo – tân Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hàn Quốc (JCS) cũng sẽ chủ trì một cuộc họp gồm các sĩ quan quân sự hàng đầu của Hàn Quốc để đánh giá các mối đe dọa quân sự của Triều Tiên.

    Cảnh báo của người đứng đầu Bộ Quốc phòng Hàn Quốc được đưa ra trong bối cảnh Triều Tiên tuyên bố tháng trước sẽ khôi phục tất cả các biện pháp quân sự bị tạm dừng theo hiệp ước liên Triều. 

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/12/ntdvn_gettyimages-1248424735.jpg

    Một người đàn ông xem màn hình tin tức truyền hình chiếu hình ảnh vụ thử tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (ICBM) Hwasong-17 gần đây của Triều Tiên, tại một nhà ga đường sắt ở Seoul vào ngày 17/3/2023. (JUNG YEON-JE/AFP via Getty Images) 

    Động thái bất thường của Triều Tiên

    Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho hay, kể từ khi hủy bỏ hiệp định, Triều Tiên đã bắt đầu xây dựng lại các trạm gác và triển khai vũ khí hạng nặng trong khu phi quân sự (DMZ).

    Ngày 1/12, KCNA đưa tin nhà lãnh đạo Kim Jong Un đã kêu gọi quân đội sẵn sàng đáp trả bất kỳ “hành động khiêu khích” nào của kẻ thù, sau khi Bình Nhưỡng tuyên bố sẽ triển khai các lực lượng vũ trang mạnh hơn và vũ khí mới dọc biên giới với Hàn Quốc.

    Hôm 3/12, Triều Tiên cảnh báo xung đột vũ trang trên bán đảo này chỉ còn là vấn đề thời gian. Theo đó, KCNA dẫn lời quan chức quân sự Triều Tiên đổ lỗi cho Hàn Quốc về việc hủy bỏ thỏa thuận quân sự liên Triều. Bình Nhưỡng cũng cho rằng, “hành động thù địch” của Seoul sẽ dẫn đến “sự hủy diệt hoàn toàn” trên toàn bán đảo Triều Tiên.

    Trong bài viết về việc thỏa thuận quân sự liên Triều trở nên vô hiệu và hai bên đã tăng cường hoạt động quân sự dọc biên giới, báo Hankyoreh (Hàn Quốc) bình luận: “Nếu không có vùng đệm, cuộc khẩu chiến giữa Triều Tiên và Hàn Quốc có thể leo thang thành một cuộc chiến thực sự”.

    Tình trạng căng thẳng trên bán đảo Triều Tiên gia tăng kể từ khi Triều Tiên phóng vệ tinh trinh sát quân sự đầu tiên Malligyong-1 (Kính Vạn Lý số 1) vào hôm 21/11. Triều Tiên nói vệ tinh này được thiết kế để theo dõi các hoạt động quân sự của Mỹ và Hàn Quốc. Người dân đi bộ ngang qua màn hình chiếu bản tin về vụ phóng vệ tinh trinh sát ‘Malligyong-1’ của Triều Tiên, tại quận Akihabara, Tokyo, Nhật Bản, ngày 22/11/2023. (Ảnh: KAZUHIRO NOGI/AFP qua Getty Images)

    Mỹ và các đồng minh đã lên án mạnh mẽ vụ việc, coi động thái này vi phạm nhiều nghị quyết của Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc.

    Ông Leif-Eric Easley, giáo sư nghiên cứu quốc tế tại Đại học Ewha (Hàn Quốc), đánh giá các rủi ro có thể gia tăng khi thỏa thuận bị hủy.

    “Nếu không có thỏa thuận, Triều Tiên có thể ít kiềm chế hơn trong việc triển khai vũ khí và tiến hành các hoạt động gần khu phi quân sự (DMZ), và điều này có thể làm tăng nguy cơ tính toán sai lầm cũng như leo thang xung đột trên bán đảo Triều Tiên” – ông giải thích.

    Thăm dò: Người Palestine ngày càng ủng hộ Hamas 

    14/12/2023 

    AP 

    Ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị lưu vong của Hamas.

    Ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị lưu vong của Hamas. 

    Một cuộc thăm dò ý kiến thời chiến giữa những người Palestine được công bố ngày 13/12 cho thấy sự ủng hộ dành cho Hamas ngày càng tăng, dường như đã tăng lên ngay cả ở Dải Gaza bị tàn phá, và sự phản đối mạnh mẽ đối với Tổng thống Mahmoud Abbas được phương Tây hậu thuẫn, với gần 90% nói rằng ông phải từ chức.

    Kết quả thăm dò cho thấy sẽ có nhiều khó khăn phía trước đối với tầm nhìn của chính quyền Biden đối với Gaza thời hậu chiến và đặt ra nghi vấn về mục tiêu đã nêu của Israel là chấm dứt khả năng cai trị và quân sự của Hamas.

    Washington kêu gọi Chính quyền Palestine PA có trụ sở tại Bờ Tây, hiện do ông Abbas lãnh đạo, cuối cùng nắm quyền kiểm soát Gaza và điều hành cả hai vùng lãnh thổ như tiền thân của việc trở thành nhà nước. Các quan chức Mỹ cho biết PA phải được hồi sinh nhưng không cho biết liệu điều này có đồng nghĩa với việc thay đổi lãnh đạo hay không.

    PA quản lý các khu vực ở Bờ Tây do Israel chiếm đóng và đã quản lý Gaza cho đến khi bị các phần tử hiếu chiến Hamas tiếp quản vào năm 2007. Người Palestine đã không tổ chức bầu cử kể từ năm 2006 khi Hamas giành được đa số trong quốc hội.

    Thủ tướng Benjamin Netanyahu, người lãnh đạo chính phủ cánh hữu nhất trong lịch sử Israel, đã thẳng thừng bác bỏ bất kỳ vai trò nào của PA ở Gaza và khẳng định Israel phải duy trì quyền kiểm soát an ninh mở ở đó.

    Các đồng minh Ả Rập của Hoa Kỳ cho biết họ sẽ chỉ tham gia vào công cuộc tái thiết sau chiến tranh nếu có sự thúc đẩy đáng tin cậy hướng tới giải pháp hai nhà nước, điều khó xảy ra dưới thời chính phủ Netanyahu.

    Chuyên gia khảo sát ý kiến công chúng Khalil Shikaki nói, với kết quả khảo sát cho thấy tính hợp pháp của PA ngày càng bị xói mòn, vào thời điểm không có con đường rõ ràng nào hướng tới việc bắt đầu lại các cuộc đàm phán đáng tin cậy về quy chế nhà nước của Palestine, thì mặc định đối với Gaza thời hậu chiến là sự chiếm đóng không có giới hạn của Israel.

    “Israel bị mắc kẹt ở Gaza,” ông Shikaki nói với hãng tin AP trước khi Trung tâm Nghiên cứu Khảo sát và Chính sách Palestine, hay PSR, công bố kết quả cuộc khảo sát.

    “Có thể chính phủ (Israel) tiếp theo sẽ quyết định rằng ông Netanyahu đã sai khi đưa ra tất cả những điều kiện này và họ có thể quyết định đơn phương rút khỏi Gaza. Nhưng mặc định cho tương lai Israel và Gaza, là Israel sẽ tái chiếm hoàn toàn Gaza.”

    Cuộc khảo sát được thực hiện từ ngày 22/11 đến ngày 2/12 với 1.231 người ở Bờ Tây và Gaza và có sai số là 4 điểm phần trăm. Tại Gaza, các nhân viên thăm dò đã thực hiện 481 cuộc phỏng vấn trực tiếp trong thời gian ngừng bắn kéo dài một tuần kết thúc vào ngày 1/12.

    Ông Shikaki, người điều hành các cuộc thăm dò thường xuyên, cho biết tỷ lệ sai sót cao hơn bình thường 1 điểm phần trăm vì bị gián đoạn bởi sự di tản hàng loạt của cư dân trong cuộc chiến Israel-Hamas. Hàng trăm ngàn người Palestine đã chạy trốn khỏi cuộc giao tranh ác liệt ở phía bắc Gaza, và các nhân viên thăm dò chỉ thực hiện các cuộc phỏng vấn ở miền trung và miền nam Gaza, bao gồm cả những người phải di tản, vì họ không thể đến được miền bắc trong thời gian ngừng bắn.

    Cuộc khảo sát cung cấp những hiểu biết sâu sắc về quan điểm của người Palestine về cuộc tấn công của Hamas hôm 7/10 ở miền nam Israel khiến khoảng 1.200 người thiệt mạng, hầu hết là thường dân. Hơn 18.400 người Palestine, khoảng 2/3 trong số đó là phụ nữ và trẻ em, đã thiệt mạng trong một chiến dịch ném bom kéo dài và tấn công trên bộ ở Gaza trong cuộc chiến trả đũa của Israel nhắm vào Hamas, hiện đã bước sang tháng thứ ba.

    Ông Shikaki nói rằng cư dân Gaza chỉ trích Hamas nhiều hơn những người ở Bờ Tây, rằng sự ủng hộ dành cho Hamas thường tăng đột biến trong thời gian xung đột vũ trang rồi chững lại và ngay cả bây giờ hầu hết người Palestine cũng không ủng hộ nhóm chiến binh này.

    Cuộc thăm dò chỉ ra rằng bất chấp sự tàn phá, 57% số người được hỏi ở Gaza và 82% ở Bờ Tây tin rằng Hamas đã đúng khi phát động cuộc tấn công vào tháng 10. Phần lớn tin rằng tuyên bố của Hamas rằng họ hành động để bảo vệ một ngôi đền Hồi giáo lớn ở Jerusalem chống lại những kẻ cực đoan Do Thái và đòi Israel phóng thích các tù nhân Palestine. Chỉ 10% cho biết họ tin rằng Hamas đã phạm tội ác chiến tranh, với phần lớn nói rằng họ không thấy các video quay cảnh các phần tử hiếu chiến Hamas thực hiện hành động tàn bạo.

    Các đoạn video, cùng với lời khai của nhân chứng và tường trình của AP và những người khác, cho thấy hàng trăm thường dân ở miền nam Israel, bao gồm cả phụ nữ và trẻ em, đã bị bắt cóc hoặc bắn chết trong chính ngôi nhà của họ. Cũng có những báo cáo về bạo lực tình dục lan rộng.

    Nhưng trong khi truyền thông Israel tập trung mạnh mẽ vào cuộc tấn công trong những tuần lễ tiếp sau đó, thì các cơ quan truyền thông của Palestine lại tập trung vào cuộc chiến ở Gaza và sự đau khổ của thường dân ở đó.

    Ông Shikaki cho biết chính trị gia được yêu thích nhất vẫn là ông Marwan Barghouti, một nhân vật nổi bật trong phong trào Fatah của Abbas, người đang phải chịu nhiều án tù chung thân trong một nhà tù ở Israel vì bị cáo buộc có vai trò trong một số vụ tấn công chết người trong cuộc nổi dậy thứ nhì của người Palestine cách đây hai thập niên. Vẫn theo ông Shikaki, trong cuộc đua tổng thống hai chiều, ông Ismail Haniyeh, nhà lãnh đạo chính trị lưu vong của Hamas, sẽ đánh bại ông Abbas trong khi trong cuộc đua ba chiều, ông Barghouti sẽ chỉ dẫn trước một chút.

    Nhìn chung, 88% muốn ông Abbas từ chức, tăng 10 điểm phần trăm so với ba tháng trước. Ở Bờ Tây, 92% kêu gọi ông Abbas, 80 tuổi, người đã lãnh đạo một chính quyền bị nhiều người coi là tham nhũng, chuyên quyền và kém hiệu quả, từ chức.

    Đồng thời, 44% ở Bờ Tây cho biết họ ủng hộ Hamas, tăng từ mức chỉ 12% vào tháng 9. Tại Gaza, các phần tử hiếu chiến Hamas nhận được sự ủng hộ 42%, tăng nhẹ so với 38% ba tháng trước.

    Ông Shikaki cho biết sự ủng hộ dành cho PA ngày càng giảm, với gần 60% hiện cho rằng tổ chức này nên giải tán. Ở Bờ Tây, việc ông Abbas tiếp tục phối hợp an ninh với quân đội Israel chống lại Hamas, đối thủ chính trị gay gắt của ông, không được nhiều người tán thành.

    Ông Netanyahu đã đả kích ông Abbas trong nhiều năm, cáo buộc ông ta kích động chống Israel ở Bờ Tây, đồng thời cho phép các khoản tài chính hỗ trợ thường xuyên từ Qatar cho Gaza để củng cố Hamas. Những người chỉ trích cách tiếp cận tổng thể của ông Netanyahu cho rằng nó nhằm mục đích ngăn chặn các cuộc đàm phán về tư cách nhà nước của Palestine.

    Cuộc thăm dò cũng báo hiệu sự thất vọng lan rộng đối với cộng đồng quốc tế, đặc biệt là Hoa Kỳ, các nước châu Âu chủ chốt và thậm chí cả Liên hiệp quốc, vốn đã thúc đẩy lệnh ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức ở Gaza.

    Ông Shikaki nói: “Mức độ chống chủ nghĩa Mỹ và chống chủ nghĩa phương Tây ở người Palestine là rất lớn vì lập trường của họ liên quan đến luật nhân đạo quốc tế và những gì đang xảy ra ở Gaza”.

    Trump và Biden, ai sẽ tác động nhiều hơn trên quan hệ Mỹ-Trung nếu được bầu vào 2024?

    Phan Minh /RFI

    14/12/2023

    Còn chưa đầy một năm nữa sẽ diễn ra cuộc bầu cử tổng thống Hoa Kỳ năm 2024, và các cử tri Mỹ sẽ định đoạt về phương hướng điều hành của đất nước trong 4 năm tới. Đương kim tổng thống, Joe Biden, nhiều khả năng sẽ tái tranh cử với tư cách là ứng cử viên đại diện cho đảng Dân Chủ, trong khi cựu tổng thống Donald Trump có thể sẽ đại diện cho đảng Cộng Hòa. Nói cách khác, cuộc đối đầu của năm 2020 có thể sẽ tái diễn. 

    Ảnh ghép ông Donald Trump và ông Joe Biden, hai ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024.

    Ảnh ghép ông Donald Trump và ông Joe Biden, hai ứng cử viên tiềm năng của cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2024. AFP - SERGIO FLORES,BRENDAN SMIALOWSKI 

    Các cuộc thăm dò gần đây cho thấy ông Biden đang xếp sau Donald Trump ở một số bang then chốt như Wisconsin hay Michigan, những bang mà Biden giành chiến thắng rất sít sao trong cuộc bầu cử lần trước, và điều này làm tình hình càng thêm phức tạp, theo nhận định của một think tank Trung Quốc.

    Trong những năm gần đây, quan hệ giữa Trung Quốc và Mỹ đã biến thành mối quan hệ cạnh tranh trực tiếp và hai bên có những bất đồng liên quan đến nhiều vấn đề. Từ chính quyền Trump cho đến chính quyền Biden, xu hướng này dường như không thay đổi. Với khả năng vẫn sẽ là một trong hai ứng cử viên này đắc cử tổng thống vào năm tới, ai sẽ gây nhiều tác động hơn cho mối quan hệ Trung-Mỹ đang căng thẳng ? Vấn đề này từ lâu đã là mối quan tâm của các học giả và nhà phân tích Trung Quốc, những người luôn theo dõi chặt chẽ cách tiếp cận của Washington.

    Đường lối của Trump: Đơn phương và đối đầu

    Donald Trump đã luôn chú trọng đến khẩu hiệu “Nước Mỹ trên hết” khi đề cập đến chính sách đối nội và đối ngoại quan trọng, liên quan trực tiếp đến lập trường của ông về chính sách áp dụng với Trung Quốc. Trong nhiệm kỳ 4 năm của ông, rõ ràng là chiến lược của Mỹ đối với Bắc Kinh đã trở thành một cuộc đối đầu trực tiếp, ngoại trừ trong một số lĩnh vực mà cả hai bên có thể đạt được sự hợp tác hoặc đồng thuận ngắn hạn.

    Theo Wu Xinbo, giám đốc và giáo sư của Trung tâm Nghiên cứu Mỹ tại đại học Phúc Đán, cách tiếp cận của chính quyền Trump với Trung Quốc trải qua ba giai đoạn. Vào thời điểm chính quyền Trump mới lên cầm quyền, Mỹ tìm cách tạo ra bầu không khí tích cực để “thỏa thuận” với Bắc Kinh về các vấn đề an ninh khu vực cũng như vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên.

    Tuy nhiên, sự cân nhắc này đã được thay thế bằng những suy nghĩ cạnh tranh trong giai đoạn thứ hai. Chiến lược An ninh Quốc gia của Mỹ, công bố vào cuối năm 2017, đã coi Trung Quốc là “đối thủ cạnh tranh” và “cường quốc theo chủ nghĩa xét lại”, khởi đầu cuộc cạnh tranh trực tiếp giữa Washington với Bắc Kinh, bao gồm cả cuộc chiến thương mại. Ở giai đoạn thứ ba, dưới áp lực của cuộc bầu cử năm 2020 và tác động của đại dịch Covid-19, chính quyền Trump quyết định chuyển sang thế đối đầu hoàn toàn, khiến tương tác giữa hai bên ngày càng xấu đi. Vào thời điểm đó, mối quan hệ Mỹ - Trung đã đạt đến mức căng thẳng nhất trong nhiều thập kỷ.

    Đặc điểm rõ nhất trong cách tiếp cận Trung Quốc của Donald Trump là chủ nghĩa đơn phương, rất phù hợp với chiến lược chính sách đối ngoại tổng thể của ông. Một mặt, đặc điểm này khiến chính quyền Trump tập trung vào các cuộc đàm phán song phương trực tiếp với Trung Quốc, bao gồm cả hiệp định thương mại được ký kết đầu năm 2020. Chính quyền Trump theo đuổi chính sách trọng thương trong các vấn đề thương mại và kinh tế với Bắc Kinh.

    Chính quyền Trump mang lại nhiều yếu tố bất ổn và là nguyên nhân gây ra xung đột trực tiếp trong quan hệ Mỹ - Trung, đặc biệt, trong năm cuối cùng của nhiệm kỳ của ông. Việc Trump cố tình leo thang căng thẳng trong các vấn đề an ninh (bao gồm cả ở eo biển Đài Loan), áp thuế trừng phạt đối với hàng hóa Trung Quốc và ban hành các hạn chế toàn diện đối với các công ty công nghệ Trung Quốc như Huawei, ZTE và TikTok, đã có tác động mạnh mẽ và khiến quan hệ song phương rạn nứt.

    Wang Yizhou, giáo sư và hiệu phó trường Nghiên cứu Quốc tế tại đại học Bắc Kinh, chỉ ra rằng “di sản” quan trọng nhất của Trump là chính sách tổng thể của Washington áp dụng đối với Bắc Kinh, coi Trung Quốc là đối trọng và là đối thủ chính. Điều này chắc chắn sẽ được củng cố nếu ông tái đắc cử vào năm 2024.

    Đường lối của Biden: Cạnh tranh và đa phương

    Cách tiếp cận Trung Quốc của Biden đánh dấu sự tương phản đáng kể với phương pháp của Trump, với việc khẳng định lại tầm quan trọng của ngoại giao và hướng Hoa Kỳ trở lại chủ nghĩa đa phương. Mặc dù chính quyền Biden đã kế thừa ý tưởng cạnh tranh từ Trump và tiếp tục áp dụng một chiến lược cạnh tranh với Trung Quốc, nhưng vẫn có rất nhiều điểm khác biệt giữa hai chính quyền.

    Điểm khác biệt đầu tiên của Biden so với Trump là tìm cách tiếp cận lại Bắc Kinh thông qua nhiều kênh ngoại giao. Trong cuộc đối thoại trực tuyến đầu tiên giữa Joe Biden và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ đã nhấn mạnh đến việc “phải thiết lập một số hàng rào an toàn hợp lý”. Trong hai cuộc gặp trực tiếp giữa Biden và Tập – tại Bali, Indonesia vào tháng 11/2022 và tại San Francisco, Hoa Kỳ vào tháng 11/2023 – Biden đã nhắc lại rằng cả hai nước cần “kiểm soát sự cạnh tranh một cách có trách nhiệm để tránh đi đến xung đột, đối đầu hoặc một cuộc Chiến Tranh Lạnh mới”. Không giống như Trump, chính quyền Biden sẵn sàng duy trì sự liên lạc cần thiết về mặt chiến lược với Trung Quốc, tìm kiếm khả năng hợp tác trong một số lĩnh vực (như biến đổi khí hậu). Tuy nhiên, cách tiếp cận này chỉ có tác dụng ngăn không cho quan hệ giữa hai bên xấu đi thay vì là cải thiện quan hệ.

    Điểm khác biệt thứ hai là Biden tập trung vào hợp tác với các đồng minh và xây dựng một cách có hệ thống chính sách áp dụng với Trung Quốc. Theo Ni Feng, giám đốc Viện Nghiên cứu Hoa Kỳ tại Viện Khoa học Xã hội Trung Quốc (CASS), chính quyền Biden đã nỗ lực tìm cách xây dựng một cách tiếp cận Trung Quốc có hệ thống, bao gồm việc sử dụng khuôn khổ pháp lý để điều phối cạnh tranh chiến lược, tăng cường liên kết với các đồng minh thông qua nhiều tổ chức đa phương như QUAD, AUKUS, B3W hoặc IPEF. Không giống như các chính sách đơn phương và cứng rắn của Trump, chính quyền Biden đang nỗ lực xây dựng một hệ thống hoặc cấu trúc lâu dài, bền vững để “đối mặt với thách thức Trung Quốc”.

    Điểm khác biệt thứ ba của Biden so với Trump nằm ở việc phát triển công nghệ và kinh tế. Chính quyền Biden coi công nghệ là lĩnh vực quan trọng nhất trong cạnh tranh chiến lược, tập trung vào cuộc cạnh tranh công nghệ với Bắc Kinh. Biden đã tập hợp các quốc gia chủ chốt trong ngành công nghệ để tạo ra chiến lược “sân nhỏ, rào cao” đối với công nghệ cao cấp, mở rộng các biện pháp trừng phạt và hạn chế đối với các thực thể Trung Quốc nhằm ngăn chặn Bắc Kinh tiếp cận các sản phẩm công nghệ.

    Zhao Minghao, nhà nghiên cứu tại Trung tâm Nghiên cứu Hoa Kỳ tại đại học Phúc Đán, kết luận rằng cuộc cạnh tranh chiến lược của Biden với Trung Quốc tập trung nhiều hơn vào các tính năng bền vững, lâu dài và kiểm soát chi phí, tìm kiếm những biện pháp hiệu quả để cạnh tranh, đồng thời giảm thiểu những tác hại trực tiếp đến lợi ích của Hoa Kỳ. Tuy nhiên, điều cần lưu ý là cách tiếp cận dài hạn, có hệ thống của Biden cuối cùng có thể làm tổn hại đến nền tảng của mối quan hệ song phương. Vì vậy, Trung Quốc khó có thể “nhắm mắt” trước những tác động tiêu cực.

    Những rủi ro đối với Trung Quốc

    Vào lúc cử tri Mỹ đi bỏ phiếu vào tháng 11 năm sau, tương lai của quan hệ Mỹ - Trung theo đó cũng sẽ được định đoạt. Đối với các học giả hay nhà phân tích Trung Quốc, những bước ngoặt trong quan hệ song phương dưới thời hai chính quyền Mỹ trong 7 năm qua đã chứng minh rằng dù ai được bầu vào Nhà Trắng đi nữa, thì chiến lược tổng thể của Washington đối với Bắc Kinh sẽ không có nhiều biến động. Mỹ sẽ tiếp tục coi Trung Quốc là đối thủ số một và huy động các nguồn lực để cạnh tranh với Bắc Kinh.

    Dường như cả hai chính quyền đều nhất quán về đường hướng trong dài hạn. Sự khác biệt rõ rệt nhất giữa Biden và Trump sẽ là những hành động và quyết định về chính sách ngắn hạn. Trong khi chính quyền Biden sẽ tiếp tục tạo ra xu hướng “phân tách” dễ dự đoán hơn, thì việc Trump trở lại nắm quyền sẽ mang lại những bất đồng trực tiếp, căng thẳng trong ngắn hạn.

    Trong một số cuộc phỏng vấn truyền thông cuối cùng của cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger, một nhân vật am hiểu quan hệ Mỹ - Trung có tầm cỡ, đã lo ngại rằng số phận của nhân loại sẽ phụ thuộc vào việc Mỹ và Trung Quốc có hòa hợp được hay không, và nhận định rằng cả hai bên chỉ có “từ 5 đến 10 năm để tìm ra một con đường”. Những tác động gần đây do chính quyền Trump và Biden tạo ra trong quan hệ Mỹ - Trung đã cho thấy mọi người thấy về nguy cơ xung đột trực tiếp có thể xảy ra, nếu mọi chuyện không được kiểm soát đúng mực.

    Do cả hai ông Trump và Biden cùng với chính quyền của họ đều có thể tạo ra những tác động tương tự trên quan hệ Mỹ - Trung, điều quan trọng là phải bảo đảm rằng Bắc Kinh và Washington duy trì các kênh liên lạc để giảm thiểu những bất đồng không thể tránh khỏi. Cần phải hết sức thận trọng khi Hoa Kỳ bước vào năm bầu cử 2024 với Trung Quốc là một trong những ẩn số đằng sau cuộc bỏ phiếu.

    Nguồn : The Diplomat

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào