Header Ads

  • Breaking News

    Nicolai N. Petro - Vấn đề dân quyền và sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ Ukraine

    Nguồn: “Ukraine Has a Civil Rights Problem,” Foreign Policy, 18/12/2023

    Nicolai N. Petro là giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Rhode Island, đồng thời là tác giả cuốn “The Tragedy of Ukraine: What Classical Greek Tragedy Can Teach Us About Conflict Resolution.” Ông là học giả Fulbright tại Ukraine năm 2013-2014.

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    29/12/223

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/12/24.-Ukraine-Has-a-Civil-Rights-Problem.jpg

    Tình đoàn kết thời chiến cũng không thể giúp hàn gắn vết thương trong quá khứ.

    Nửa cuối năm 2022, khi việc Ukraine chiến thắng Nga vẫn còn là một viễn cảnh xa vời, những tiếng nói chất vấn các chính sách đối nội của Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky là rất hiếm. Tuy nhiên, giờ đây, dù những lời chỉ trích chiến lược quân sự của Kyiv vẫn là điều cấm kỵ, chúng ta đã bắt đầu chứng kiến những cuộc tranh luận thẳng thắn trên mạng xã hội Ukraine về tương lai của đất nước sau chiến tranh, và ai sẽ là người xây dựng tương lai ấy.

    Người Ukraine thuộc mọi thành phần trong phổ chính trị – từ các cựu quan chức, đồng minh chính trị của chính quyền đương nhiệm, đến những nhà phê bình lâu năm, và trí thức thân phương Tây – đều đang đặt câu hỏi về giá trị xã hội trong dài hạn của các chính sách thời chiến vốn đã đẩy những người nói tiếng Nga xuống vị thế công dân hạng hai vĩnh viễn. Cần lưu ý rằng hầu hết các nhà phê bình trong nhóm này đều đang sống tại Ukraine và ủng hộ nền độc lập của Ukraine một cách quyết liệt. Nhưng họ lo ngại rằng chính phủ đang lãng phí cơ hội tạo dựng đồng thuận xã hội lâu dài sau cuộc xâm lược, bằng cách áp dụng các chính sách gây xa lánh, hình sự hóa, hoặc trục xuất một bộ phận đáng kể dân số của đất nước.

    Cuộc tranh luận về quyền tự do tôn giáo, tự do báo chí, và quyền của người thiểu số ở Ukraine – những vấn đề mà phương Tây biết rất ít – đã cho thấy rằng: ngay cả khi Ukraine giành chiến thắng trong cuộc chiến, họ vẫn còn một chặng đường dài để trở thành một xã hội cởi mở và đa nguyên thực chất.

    TỰ DO TÔN GIÁO là quyền được bảo vệ bởi Hiến pháp Ukraina. Nhưng kể từ khi bắt đầu chiến tranh, quyền tự do này lại chuyển hướng bất lợi đối với các nhóm có liên hệ tượng trưng với Moscow. Giáo hội Chính thống giáo Ukraine (Ukrainian Orthodox Church, UOC), một trong những giáo phái tôn giáo lớn nhất đất nước, đã phải hứng chịu gánh nặng lớn nhất trong cuộc đàn áp này. Chính phủ Ukraina coi UOC là tác nhân gây ảnh hưởng của Nga, bất chấp thực tế là họ đã cắt đứt quan hệ hành chính với Giáo hội Chính thống Nga từ năm 1990, sau đó chấm dứt mọi quan hệ tôn giáo chính thức với Moscow vào tháng 5/2022.

    Thế nhưng, bất động sản, tài sản, và các thánh địa của UOC vẫn bị tịch thu, thậm chí từ nhiều năm trước khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, và các giáo sĩ của nhà thờ đã bị điều tra về tội danh chống nhà nước – mà nhiều trường hợp là do những cáo buộc bịa đặt. Tháng 10/2023, Quốc hội Ukraine đã thực hiện bước đầu tiên hướng tới việc cấm hoàn toàn UOC bằng cách thông qua dự luật cấm các nhóm tôn giáo “có liên kết với các trung tâm ảnh hưởng… nằm bên ngoài Ukraine, đặt tại quốc gia đang tiến hành xâm lược quân sự chống lại Ukraine”.

    Nhóm vận động hành lang chính cho việc loại bỏ UOC chính là đối thủ có cái tên gần tương tự, Giáo hội Chính thống Ukraine (Orthodox Church of Ukraine, OCU), được thành lập vào năm 2019 như một giải pháp thay thế mang tính dân tộc chủ nghĩa cho UOC. Năm 2019, Bộ Văn hóa Ukraine đã ban hành một nghị định yêu cầu UOC đổi tên thành “Giáo hội Chính thống Nga ở Ukraine”, một nỗ lực không hề che giấu – và cũng không thành công – nhằm kích động các cuộc đào tẩu hàng loạt.

    Nhiều người đã chỉ ra các vấn đề pháp lý, đạo đức, và thần học của các động thái này. Nhưng điều đáng ngạc nhiên là có rất ít người lo ngại về tình trạng bất ổn chính trị trong nước mà những động thái đó có thể gây ra. Việc coi UOC là một tổ chức tôn giáo bất hợp pháp và thù địch có nguy cơ kích động bạo lực chống lại Giáo hội này cũng như các thành viên của nó. Giáo sư Andrei Baumeister của Đại học Kyiv đã nhận định rằng: việc nhấn mạnh đến thù địch tôn giáo vào thời điểm đất nước đang rất cần sự đoàn kết có thể làm xói mòn hơn nữa niềm tin của công chúng vào chính phủ, tạo ra “sự thâm hụt tính chính danh,” vốn có thể bùng nổ trong vòng 5 đến 10 năm nữa.

    Tự do báo chí, và nhìn chung là tự do ngôn luận chính trị, cũng bị ảnh hưởng tương tự. Luật truyền thông mới, được thông qua vào tháng 3/2023, đã mở rộng phạm vi kiểm duyệt của Hội đồng Phát thanh và Truyền hình Quốc gia, để không chỉ bao gồm các phương tiện phát thanh và truyền hình, mà còn cả báo giấy và báo mạng. Cơ quan có 8 người này, do tổng thống và quốc hội đồng bổ nhiệm, đang nằm dưới quyền kiểm soát của đảng của tổng thống, và hiện có quyền kiểm duyệt nội dung của tất cả các phương tiện truyền thông Ukraina, cấm nội dung mà cơ quan này cho là mối đe dọa đối với quốc gia, và ban hành chỉ thị bắt buộc đối với các hãng truyền thông.

    Sang năm 2024, quyền hạn của hội đồng đối với việc sử dụng ngôn ngữ trên các phương tiện truyền thông sẽ được mở rộng hơn nữa. Chẳng hạn, kể từ tháng 1, tỷ lệ sử dụng tiếng Ukraina tối thiểu trên truyền hình sẽ tăng từ 75 lên 90%, và đến tháng 7, việc sử dụng các ngôn ngữ không phải tiếng Ukraina trên truyền hình sẽ bị cấm hoàn toàn trong những trường hợp nhất định. Luật này đã bị nhiều nhóm nhà báo chỉ trích dữ dội. Harlem Désir, đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác Châu Âu về quyền tự do báo chí, gọi đó là “sự vi phạm trắng trợn” quyền tự do ngôn luận.

    Nhà triết học công chúng chủ trương bài trừ hủ tục Sergei Datsyuk đã cảnh báo rằng: những nỗ lực của chính phủ Ukraine nhằm đảm bảo độc quyền thông tin vô thời hạn sẽ chỉ khiến công chúng càng thêm bất mãn với quyền lực chính trị. Ông lo ngại rằng cuối cùng mức độ căng thẳng xã hội trong chính thể Ukraine có thể cao đến mức “không còn biết được điều gì là nguy hiểm hơn cho chúng ta, chiến tranh với Nga hay nội chiến.” Oleksiy Arestovich, cựu cố vấn tổng thống của Zelensky, cũng bày tỏ quan ngại tương tự.

    Tại Ukraina, các quyền tự do tôn giáo và báo chí có mối liên hệ sâu sắc với vấn đề quyền của người thiểu số, đặc biệt là với cách đối xử với cộng đồng thiểu số lớn nhất đất nước, những người Ukraine thân Nga (Russophile Ukrainians) – những người xem bản sắc của mình là đồng nhất với di sản của Nga, qua ngôn ngữ, văn hóa, lịch sử hoặc tôn giáo.

    Đại đa số người Ukraine thân Nga từ chối coi mình là thiểu số. Họ tự coi mình đơn giản là công dân Ukraine, và do đó, họ lập luận rằng mình có quyền hiến định để nói bất kỳ ngôn ngữ nào và tán thành bất kỳ tôn giáo hoặc văn hóa nào mà họ muốn, chứ không chỉ những gì được nhà nước công nhận. Nhưng vấn đề là luật pháp Ukraine không công nhận người Ukraine thân Nga là người bản địa ở Ukraine, hay thậm chí là người thiểu số ở Ukraine. Do đó, họ không có quyền được bảo vệ về pháp lý đối với di sản văn hóa và ngôn ngữ của họ – đây là một mâu thuẫn trực tiếp với Điều 10 của hiến pháp Ukraine.

    Trong cuộc khảo sát nổi tiếng được thực hiện chỉ sáu tháng trước cuộc xâm lược của Nga, hơn 40% người Ukraine trên toàn quốc (và gần 2/3 ở miền đông và miền nam đất nước), đã đồng ý với Tổng thống Nga Vladimir Putin rằng người Ukraine và người Nga là “một dân tộc.” Các cuộc khảo sát được thực hiện kể từ đó đến nay cho thấy con số này đã giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ước tính của nhà phân tích chính trị Kost Bondarenko, hiện vẫn có ít nhất 8 đến 10% người Ukraine có thể được coi là “thân Nga.”

    Sự sụt giảm nhanh chóng này đã khuyến khích các nhà lập pháp theo chủ nghĩa dân tộc của Ukraine nghĩ ra những cách thức mới để biến nhóm công dân “có vấn đề” này thành những người Ukraine đúng nghĩa, đặc biệt là về mặt ngôn ngữ. Một đạo luật năm 2021 cho phép xử phạt việc sử dụng tiếng Nga trong lĩnh vực dịch vụ, trong khi các luật khác nhắm đến truyền thông, sách, phim, và âm nhạc bằng tiếng Nga, thậm chí cả khi chúng được sản xuất ở Ukraine. Theo Oleksiy Danilov, thư ký Hội đồng Quốc phòng và An ninh Quốc gia Ukraine, bằng cách này hay cách khác, “tiếng Nga phải biến mất hoàn toàn khỏi lãnh thổ của chúng tôi, [bởi] nó là một khía cạnh của tuyên truyền thù địch và nỗ lực tẩy não người dân của chúng tôi”.

    Những căng thẳng xoay quanh quyền của người thiểu số sẽ chỉ trở nên trầm trọng hơn sau khi chiến tranh kết thúc. Như một phần của cuộc đàm phán gia nhập Liên minh châu Âu, vào năm 2022, Ukraine đã thông qua một luật nêu rõ quyền của các dân tộc thiểu số, nhưng nước này lại miễn trừ việc bảo vệ những người nói tiếng Nga trong thời gian thiết quân luật và 5 năm sau đó.

    EU đã yêu cầu rút ngắn khoảng thời gian 5 năm này, nhưng phiên bản cuối cùng, gần đây đã được ký thành luật, dù mở rộng đáng kể quyền ngôn ngữ thiểu số đối với các ngôn ngữ chính thức của EU, lại loại bỏ hoàn toàn mọi quyền của tiếng Nga.

    HẦU HẾT CÁC LUẬT HẠN CHẾ NÀY đều đã được đề xuất trước năm 2022. Nhưng kể từ khi Nga bắt đầu cuộc xâm lược toàn diện, việc thực thi chúng đã được tăng tốc để thúc đẩy cái mà những người theo chủ nghĩa dân tộc gọi là khởi đầu của một kỷ nguyên “hậu thuộc địa” mới trong lịch sử Ukraine. Tuy nhiên, quá trình chuyển đổi này có thể sẽ kéo dài, tốn kém, và nguy hiểm.

    Đúng là tình cảm chống Nga đã tăng cao đột biến trong chiến tranh, nhưng học giả nổi tiếng Ella Libanova lập luận rằng tình cảm thân Nga chắc chắn sẽ quay trở lại sau khi chiến tranh kết thúc. Tất nhiên, không ai có thể đoán trước được dư luận, nhất là nếu chiến tranh tiếp diễn thêm nhiều năm nữa.

    Tuy nhiên, điều có thể chắc chắn là người dân ở miền đông và miền nam Ukraine, dù có thân Nga hay không, cũng sẽ không bằng lòng bị coi là vật tế thần cho cuộc xung đột và bị từ chối hàng loạt các quyền dân sự và chính trị. Mức độ ảnh hưởng mà các nhà lập pháp Ukraine đang cân nhắc là rất lớn. Theo Tamila Tasheva, đại diện của Zelensky tại Crimea, nếu bán đảo này được giải phóng ngay ngày mai, thì ít nhất 200.000 cư dân Crimea sẽ phải đối mặt với cáo buộc thông đồng với kẻ thù, và 500.000 đến 800.000 cư dân khác sẽ phải đối mặt với việc bị trục xuất. Refat Chubarov, chủ tịch Hội đồng Đại diện (Mejlis) của người Tatar ở Crimea, nói rằng hơn 1 triệu người – hơn một nửa dân số hiện tại – sẽ phải rời đi “ngay lập tức.”

    Do đó, sẽ là sai lầm khi tưởng tượng rằng tình đoàn kết được rèn giũa trong trận chiến có thể chữa lành mọi vết thương trong quá khứ. Như Bondarenko đã nói: “Chúng ta đang chiến đấu chống lại Nga, nhưng điều đó không có nghĩa là chúng ta đang chiến đấu vì Ukraine. Đó chính là vấn đề; đó chính là tai họa.”

    Tất cả người dân Ukraine đều đồng ý rằng để chấm dứt tai họa này, trạng thái bình thường phải được khôi phục. Nhưng đó cũng chính là nơi mà sự đồng thuận kết thúc, bởi nếu bình thường có nghĩa là quan hệ tốt hơn với Nga, thì đó chính là điều mà những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine và các chính phủ phương Tây lo sợ nhất. Đối với phương Tây, đó là minh chứng cho thất bại của một chính sách đã kéo dài hàng chục năm nhằm kéo Ukraine ra khỏi phạm vi ảnh hưởng của Nga để đứng về phía phương Tây. Còn đối với Ukraine, nó có nghĩa là thất bại của điều mà thanh tra viên ngôn ngữ đầu tiên của Ukraine, Tatyana Monakhova, gọi là giấc mơ dân tộc chủ nghĩa: “Giấc mơ vẫn luôn là nuôi dưỡng và xây dựng một khối Ukraine đồng nhất, hùng mạnh – một xã hội của những người có cùng chí hướng, những người cùng nói thứ ngôn ngữ của đất nước, và không có bất đồng nào về các vấn đề lớn của đất nước.”

    Cả hai cách tiếp cận này đều bỏ qua điều mà hầu hết người Ukraine thực sự mong muốn: các chính sách đối xử với tất cả người Ukraine một cách tôn trọng và mang lại cho họ sự bảo vệ bình đẳng trước pháp luật. Nhưng như lời Datsyuk, điều này sẽ không thể trở thành hiện thực chừng nào chính phủ còn coi kẻ thù của mình không chỉ là nước Nga, mà cả những người mà họ cho là “người Ukraina không đúng đắn.” Tư tưởng này đã tạo ra một tình huống trong đó, như nhà bình luận chính trị Ukraine Andrei Zolotaryov đã lưu ý, “một bộ phận đáng kể công dân đang di cư trong nước và không coi đây là đất nước của họ. Đây là một vấn đề rất lớn ở một quốc gia đang có chiến tranh.”

    Ukraine cần một con đường tốt hơn và giải pháp không nằm ở tài chính hay sự hỗ trợ quốc tế. Đó là vấn đề mang lại sự hàn gắn nội tâm để người Ukraine thuộc mọi thành phần tôn giáo, ngôn ngữ, sắc tộc, và đảng phái chính trị có thể hình thành mối liên kết chung về bản sắc công dân. Tuy nhiên, một bản sắc như vậy chỉ có thể bắt đầu hình thành nếu nhiều bản sắc phụ đã và đang tồn tại ở Ukraine được phép đóng góp vào nó. Cũng có nghĩa là phải từ bỏ lời kêu gọi đi theo chủ nghĩa biệt lập, rằng “Ukraine là dành cho người Ukraine,” và thay vào đó, chấp nhận khả năng Ukraine trở thành một xã hội thực sự cởi mở và đa nguyên.

    Như mọi nhà tư tưởng, những người theo chủ nghĩa dân tộc Ukraine đang bị mắc kẹt bởi nỗi sợ hãi rằng việc cho phép sự đa dạng trong xã hội được xây dựng một cách cẩn thận của họ sẽ đồng nghĩa với việc đánh mất tình đoàn kết dân tộc. Nhưng nghiên cứu của các giáo sư quan hệ quốc tế Barry Buzan và Ole Waever cho thấy rằng: khi một quốc gia bảo vệ quyền đa dạng, quốc gia đó có thể điều hướng sự đa dạng ấy theo những cách thực sự có thể củng cố đoàn kết dân tộc. Các quốc gia-dân tộc với dân số đa dạng sẽ làm tốt hơn nhiều nếu họ cho phép “một khái niệm chính trị tách rời khỏi đất nước, và chấp nhận những trường hợp mà chính trị bản sắc [là để] duy trì sự khác biệt thay vì tìm kiếm một hình ảnh tập thể”.

    Có một thực tế là người ta vẫn đang kháng cự việc ép buộc “Ukraine hóa” trong giáo dục, ngôn ngữ, truyền thông internet, và âm nhạc, trong lúc Ukraine đang đấu tranh đến tuyệt vọng để sinh tồn. Chắc chắn, điều đó cho thấy rằng những người Ukraine thân Nga không có ý định từ bỏ đất nước hoặc bản sắc của họ. Việc buộc họ phải lựa chọn sẽ gieo mầm mống cho một xung đột dân sự tồn tại rất lâu sau khi chiến tranh với Nga kết thúc.

    https://nghiencuuquocte.org/2023/12/29


    Không có nhận xét nào