30/11/223
Người viết ra những câu chữ quen thuộc đó đã từ giã chúng ta đi về cõi vĩnh hằng vào ngày hôm qua (28/11), thọ 87 tuổi. Người đó là Nhạc sĩ, nhà văn Nguyễn Đình Toàn, còn được mệnh danh là ‘Người tình không chân dung‘.
Theo báo Người Việt [1], Nhạc sĩ Nguyễn Đình Toàn sanh năm 1936 ở Gia Lâm (xưa thuộc tỉnh Bắc Ninh). Năm 1954 ông di cư vào Nam, và từng có thời làm việc như là một phát thanh viên của Đài Phát Thanh Sài Gòn, phụ trách chương trình Nhạc Chủ Đề nổi tiếng. Sau 1975, ông bị đi tù cải tạo 10 (?) năm. Cuối năm 1998 ông sang Mĩ định cư và tiếp tục sáng tác. Ông qua đời vào lúc 7:15 sáng ngày 28/11/2023 tại Nam California. Trước đó (năm 2021) phu nhân của ông, bà Nguyễn Thị Thu Hồng (cũng từng là một phát thanh viên đài Phát Thanh Sài Gòn), qua đời ở tuổi 78.
Nguyễn Đình Toàn là một tác giả nổi tiếng ở miền Nam thời trước 1975. Trong bộ sách Văn Học Miền Nam, Võ Phiến dành 2 chương viết về ông: một Nguyễn Đình Toàn là nhà văn, và một Nguyễn Đình Toàn nhà thơ. Là nhà văn, ông nổi tiếng với tác phẩm Áo Mơ Phai (Giải thưởng Văn Học Nghệ Thuật toàn quốc 1973). Nhà phê bình Võ Phiến nhận xét rằng thơ của Nguyễn Đình Toàn viết toàn sự thật, sống sao viết vậy. Có lẽ phản ảnh đời thường, nên thơ của ông không có những vần điệu hay tuân theo quy luật. Võ Phiến nhận xét rằng Nguyễn Đình Toàn là một ‘người đa tài’.
Cái đa tài của ông không chỉ trong văn và thơ, mà còn kịch và nhạc nữa. Có lẽ ca khúc Tình Khúc Thứ Nhất (giới thiệu lần đầu năm 1965) đã làm nên tên tuổi của ông (và Vũ Thành An) như là một nhạc sĩ. Theo nhạc sĩ Vũ Thành An kể lại, ca khúc này thoạt đầu do ông viết theo yêu cầu của một người ‘bạn gái’. Khi Vũ Thành An đưa ca khúc cho Nguyễn Đình Toàn xem (lúc đó hai người làm chung ở Đài Phát Thanh Sài Gòn) thì — vẫn theo nhạc sĩ kể — Nguyễn Đình Toàn ‘chê’ và đề nghị viết lại lời. Kết quả là một ca khúc bất hủ, nhạc Vũ Thành An, lời Nguyễn Đình Toàn.
Tình vui theo gió mây trôi
Ý sầu mưa xuống đời
Lệ rơi lấp mấy tuổi tôi
Mấy tuổi xa người
Ngày thần tiên em bước lên ngôi
Đã nghe son vàng tả tơi
Trầm mình trong hương đốt hơi bay
Mong tìm ra phút sum vầy
Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai
Những cánh dơi lẻ loi mù trong bóng đêm dài
Lời nào em không nói em ơi
Tình nào không gian dối
Xin yêu nhau như thời gian
Làm giông bão mê say
Lá thốt lên lời cây
Gió lũ đưa đường mây
Có yêu xin những ngày thơ ngây
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Tình vui trong phút giây thôi
Ý sầu nuôi suốt đời
Thì xin giữ lấy niềm tin
Dẫu mộng không đền
Dù trời đem cay đắng gieo thêm
Cũng xin đón chờ bình yên
Vì còn đây câu nói yêu em
Âm thầm soi lối vui tìm đêm
Lúc mắt chưa nhạt phai
Lúc tóc chưa đổi thay
Lúc môi chưa biết dối cho lời
Thần tiên gãy cánh đêm xuân
Bước lạc sa xuống trần
Thành tình nhân đứng giữa trời không
Khóc mộng thiên đường
Ngày về quê xa lắc lê thê
Trót nghe theo lời u mê
Làm tình yêu nuôi cánh bay đi
Nhưng còn dăm phút vui trần thế
Ca khúc này khi mới được giới thiệu đến công chúng năm 1965 là trở thành nổi tiếng ngay. Giới thanh niên thời đó, kể cả tôi sau này, thích ca khúc vì lời ca đầy chất thơ và lấp lánh lãng mạn. Những chữ trong ca khúc thoạt đầu như sáo ngữ, nhưng thật ra là sang và hiện đại, dễ dàng chinh phục những khán giả khó tánh nhứt.
Tình khúc thứ nhất qua tiếng hát của Lê Uyên
Nhưng có lẽ ông nổi tiếng nhứt là qua chương trình ‘Nhạc Chủ Đề’ do ông phụ trách được phát thanh trên làn sóng của Đài Phát Thanh Sài Gòn. Bằng một giọng đọc truyền cảm rất đặc biệt, ông đã giới thiệu những ca khúc nổi tiếng và những ca sĩ lừng danh đến hàng triệu khán giả thời đó. Chính nhờ chương trình này mà tôi đã tập tành thưởng thức cái đẹp của âm nhạc và đã say mê với những sáng tác của Phạm Duy, Trịnh Công Sơn, Từ Công Phụng, Vũ Thành An, v.v. Tôi nhớ hoài khi ông nhận xét rằng những bài tình ca của Trịnh Công Sơn là ‘những bản tình ca không có hạnh phúc‘.
Chương trình ‘Nhạc Chủ Đề’ cũng chính là ‘platform’ lăng xê các ca sĩ thời đó như Duy Trác, Sỹ Phú, Lệ Thu, Khánh Ly, Thái Thanh, v.v. Ông ưu ái với ca sĩ Thái Thanh qua nhận xét: “Giọng ca của Khánh Ly, Lệ Thu, Thanh Thúy, Thanh Tuyền … hiếm nhưng không quý, duy chỉ có giọng ca của Thái Thanh mới có đủ hai chất quý và hiếm.”
Thử nghe Nguyễn Đình Toàn giới thiệu về một chương trình Nhạc Chủ Đề [2]:
“Tình ca. Những tiếng nói thướt tha và tuyệt vời nhứt của một đời người bao giờ cũng bắt đầu từ một nơi chốn nào đó, một quê hương, một thành phố như người ta đã yêu nhau. Tất cả mùa màng, thời tiết, hoa lá, cỏ cây của cái vùng đất thần tiên đó, kết hợp lại, làm nên hạnh phúc, làm nên nỗi tiếc thương của chúng ta.
Em đâu ngờ anh còn nghe vang tiếng em trong tất cả những tiếng động ngù ngờ nhất của cái ngày sung sướng đó: Tiếng gió may thổi trên những cành liễu nhỏ, tiếng những giọt sương rơi trên mặt hồ, tiếng guốc khua trên hè phố… Ngần ấy thứ tiếng động ngân nga trong trí tưởng anh một thuở thanh bình nào, bây giờ đã gần im hơi, nhưng một đôi khi vẫn còn đủ sức làm ran lên trong ký ức một mùa hè háo hức, một đêm mưa bỗng trở về, gió cuốn từng cơn nhớ… Anh bỗng nhận ra anh vẫn còn yêu em, dù chúng ta đã xa nhau như hai thành phố.”
Lời giới thiệu như một bài văn. Nhà văn Võ Phiến rất tinh tế khi nhận xét rằng Nguyễn Đình Toàn đặc biệt quan tâm đến thời tiết: “Thời gian – thời tiết, đôi khi đó là những mối ám ảnh lớn lao của con người, cùng với cái chết.”
Cái chất giọng Bắc kì rất nhỏ nhẹ như ru ngủ đó đã làm say mê biết bao triệu người vào thập niên 1970s. Nhiều cô gái đã si tình cái giọng nói như thủ thỉ đó, hay bắt đầu với ‘Hỡi em yêu dấu’, nhưng có lẽ chẳng bao giờ gặp mặt ngoài đời. Thi sĩ Du Tử Lê có lần gọi ông là “Người tình không chân dung của khán giả Việt Nam,” và tôi thấy nhận xét này rất đúng.
Cá nhân tôi cũng là một ‘fan’ của chương trình này. Trong một bài viết trước đây, tôi viết rằng “Tôi tưởng tượng rằng như có một phép màu nào, xoay ngược lại thời gian. Kìa tôi, trong một hình hài nào đó, giữa đêm lập loè ánh điện, đang ngồi áp tai vào radio, ngồi nuốt từng lời dẫn của Nguyễn Đình Toàn, thả hồn vào những giai điệu tuyệt đẹp tuyệt vời của những bản tình ca không bao giờ tàn lụi.” Nghe lại CD Tình Ca Việt Nam của Nguyễn Đình Toàn 1970, tôi phải nói rằng mỗi lời dẫn cho một bản nhạc ở đây là một ‘nhạc thoại’ một tác phẩm khác. Nó thể hiện tính thẩm văn và thẩm nhạc của người tuyển chọn là Nguyễn Đình Toàn.
Sau 1975 thì cái giọng nói đó bị tắt. Tác phẩm của ông bị xếp vào nhóm ‘văn hoá đồi truỵ’ và phải thiêu đốt. Cũng như nhiều văn nghệ sĩ khác, Nguyễn Đình Toàn cũng đi tù cải tạo.
Cuối năm 1998, ông sang Mĩ định cư. Qua kí giả Trọng Minh, tôi có cơ duyên gặp ông một quán cà phê ở Little Saigon. Lúc đó, ông mới qua Mĩ nên chưa quen với thời tiết mát, ông mặc cái áo lạnh rộng, và đeo kiếng đen. Ông rất ít nói và chỉ nhìn chúng tôi tán chuyện nước Mĩ. Mấy năm sau, trong một chuyến công tác bên Mĩ, tôi lại gặp ông cũng trong một quán cà phê ở Little Saigon, và lần này thì ông đã quen với thời tiết Mĩ nên tỏ ra thoải mái hơn. Ông kể rằng một hôm trong trại cải tạo, nhà văn Nguyễn Tuân dược ban quản lí trại sắp xếp một buổi nói chuyện với tù nhân,. Tù nhân chủ yếu là văn nghệ sĩ và trí thức miền Nam. Nguyễn Tuân ngồi trên bàn nhưng … chẳng nói gì. Đột nhiên, một con bướm bay ngang và ông ấy chạy đi bắt bướm, bỏ lại những tù nhân ngơ ngác. Nhà văn Nguyễn Đình Toàn xem đó là một hành vi khó hiểu hay lập dị. Còn các tù nhân thì chẳng ai quan tâm hay để ý đến hành vi khó hiểu của Nguyễn Tuân.
Sau khi định cư ở Mĩ, ông xuất bản tập thơ Hiên Cúc Vàng (1999) và Mưa Trên Cây Hoàng Lan (2002). Trong tập thơ sau, có một bài được phổ thành nhạc với tựa đề là Nước Mắt Cho Sài Gòn và sau này được biết đến qua một tựa đề mới Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên rất nổi tiếng.
Với tôi, ca khúc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên là một kỉ niệm sâu sắc. Tôi nghe bài đó lần đầu trong trại tị nạn Songkhla ở Thái Lan mà cảm xúc cứ dâng trào. Những lời nhạc sao mà ray rức và tình cảm thế! Câu mở đầu ‘Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên’ như là một tiếng kêu sững sờ khi nghe tin thành phố đã bị đổi tên. Còn câu ‘Sài Gòn ơi’ được lặp đi lặp lại suốt ca khúc như một cơn đau quặn thắt trước sự mất mát lớn. Ca khúc này, cùng với những sáng tác thời đó của Việt Dũng (Một Chút Quà Cho Quê Hương), Nam Lộc (Người Di Tản Buồn) và Trầm Tử Thiêng (Đêm Nhớ Về Sài Gòn), đã là hành trang vĩnh viễn của những người ‘di tản buồn’.
Theo một nguồn, ca khúc Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên được sáng tác lúc ông còn trong tù cải tạo. Thời đó, khi nghe tin những con đường nổi tiếng như Tự Do thành Đồng Khởi và Công Lý thành Nam Kỳ Khởi Nghĩa, thi sĩ Vũ Hoàng Chương bèn cảm tác ngay hai câu “Nam Kỳ Khởi Nghĩa tiêu Công Lý / Đồng Khởi vùng lên mất Tự Do”. Riêng Nguyễn Đình Toàn thì âm thầm cho ra bài Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên. Qua một tù nhân (Hồ Trường An) đã được trả tự do viết theo trí nhớ, ca khúc này được phổ biến khi ông còn trong tù, và vì vậy mà có vài lời khác nhau. Ca khúc lần đầu được Jeannie Mai trình bày, nhưng có vài lời do Võ Văn Ái thêm vào. Năm 1981, Khánh Ly trình bày ca khúc lần đầu, chị ấy hát:
“Đâu rộn ràng giọng hát Thái Thanh”
Nhưng thật ra, nguyên bản của nhạc sĩ là:
“Đâu rộn ràng giọng hát Khánh Ly”.
Sài Gòn Niềm Nhớ Không Tên qua tiếng hát Khánh Ly
Giờ nhìn lại nền văn học nghệ thuật của miền Nam chỉ tồn tại 20 năm. Trong thời gian ngắn ngủi đó, đã có rất nhiều ‘ngôi sao’ sáng chói xuất hiện, và trong số này phải kể đến Nguyễn Đình Toàn. Ông đã đem đến âm nhạc Việt những câu ca giàu chất thơ, lãng mạn và sang trọng, đóng góp vào sự phong phú hoá tiếng Việt. Nếu Phạm Duy được xem là ‘Phù thuỷ âm nhạc’ thì Nguyễn Đình Toàn là một ‘phù thuỷ âm thanh.’ Trái tim của Nguyễn Đình Toàn đã ngừng đập, nhưng khi nào chúng ta còn ngân nga câu ‘Có biết đâu niềm vui đã nằm trong thiên tai’ hay‘Sài Gòn ơi! Ta mất người như người đã mất tên’ thì ông vẫn còn thổn thức với chúng ta.
___
[1] https://www.nguoi-viet.com/van-hoc-nghe-thuat/nguyen-dinh-toan-tai-hoa-tu-giong-noi
[2] Nhạc chủ đề: https://www.youtube.com/watch?v=pJYBs2wo-co
https://nguyenvantuan.info/2023/11/30/co-biet-dau-niem-vui-da-nam-trong-thien-tai/
Không có nhận xét nào