Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Quang Dy - Tập Cận Bình Du Giang Nam

    28/12/2023

    " Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam “tuy muộn còn hơn không”. Để giữ thể diện, ông muốn nâng cấp quan hê Viêt-Trung lên “tầm cao mới” là cộng đồng chia sẻ tương lai, và hợp tác để nâng cấp tuyến đường sắt kết nối Côn Minh với Hải Phòng, để khai thác “đất hiếm”.  

    Theo Alexander Vuving (APCSS), Tập Cận Bình muốn thuyết phục Việt Nam gia nhập “cộng đồng chung vận mênh” tương tự như quảng cáo bán “cái bình không có rượu”. Nói cách khác, nội hàm của “cộng đồng chia sẻ tương lai” không rõ. Trong bàn cờ “bất đối xứng” (asymmetric), việc đánh đổi quân mã lấy quân xe là cần thiết. Cái lợi từ nước cờ CSP với Mỹ lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả, mà không bị Trung Quốc chiếu tướng". 

    https://daisukybiendong.files.wordpress.com/2023/12/bcp.cdnchinhphu.vn-334894974524682240-2023-12-12-_img7917-17023603439211973548329.jpeg?w=1024

    Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội, bắt đầu thăm cấp Nhà nước tới Việt Nam – Ảnh: VGP/Nhật Bắc

    Chủ tịch Tập Cận Bình đã đến thăm Việt Nam (trong hai ngày 12 và 13 tháng 12 năm 2023) như Hoàng đế Trung Hoa “du Giang Nam”. Chuyến thăm được dự kiến vào cuối tháng 10 hay đầu tháng 11, đã phải hoãn lại vì Tập Cận Bình đi Mỹ gặp Joe Biden (quan trọng hơn). Trong chuyến thăm lần này, hai bên đã ký 36 văn kiện (kỷ lục), và một tuyên bố chung 8.000 từ (dài bất thường). Nếu đây là cách “lấy số lượng bù chất lượng” thì đó là “kết quả tốt nhất có thể”.     

    Bối cảnh bất thường 

    Từ khi lên cầm quyền (2012), Tập Cận Bình đã sang thăm Việt Nam hai lần (2015, 2017).  Chuyến thăm lần này của ông diễn ra hơn ba tháng sau chuyến thăm Việt Nam của ông Joe Biden để nâng cấp quan hệ Viêt-Mỹ lên “đối tác chiến lược toàn diện” (ngày 10 tháng 9 năm 2022). Theo các chuyên gia, đó là một bước “nhảy cóc” bất thường mà Bắc Kinh đành chấp nhận. (Nguyễn Quang Dy, 2023a). 

    Theo các chuyên gia phân tích, Tập Cận Bình không thể sang thăm Việt Nam trước Joe Biden vì nội bộ có nhiều vấn đề bất ổn. Sau đó, ông phải hoãn chuyến thăm Việt Nam để chuẩn bị đi Mỹ gặp Joe Biden (ngày 15 tháng 11), bên lề hội nghị cấp cao APEC. Chuyến thăm Mỹ quan trọng hơn, nhằm giảm căng thẳng với Mỹ trước sức ép kinh tế và chính trị trong nước, và để “giữ thể diện.” (Nguyễn Quang Dy, 2023b). 

    Hội nghị TƯ 3 của Trung Quốc đã phải hoãn đến tháng 12, nay hoãn tiếp sang năm sau, chủ yếu do nền kinh tế Trung Quốc đang gặp khó khăn chưa từng có. Tập Cận Bình đến California gặp Joe Biden, nhưng cuộc gặp không mang lại tiến bộ nào trong việc gián đoạn chuỗi cung ứng, là vấn đề quan trọng nhất với Trung Quốc lúc này. (Katsuji Nakazawa, 2023). 

    Dường như đang có xung đột quan điểm nghiêm trọng trong nội bộ của Tập Cận Bình, khiến họ không phối hợp được với nhau. Tập Cận Bình đã đến thăm Thượng Hải, trong một nỗ lực tuyệt vọng để cứu vãn nền kinh tế. Hà Lập Phong (phó thủ tướng phụ trách kinh tế thay Lưu Hạc) đã không có mặt tại California với Tập Cận Bình, mà Thái Kỳ (chánh văn phòng TƯ, phụ trách an ninh) là người đối thoại với Bộ trưởng tài chính Janet Yellen.   

    Theo báo chí, Bắc Kinh muốn Hà Nội gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” để nâng cấp quan hệ với Việt Nam, nhưng Hà Nội vẫn theo đuổi chiến lược cân bằng (hedging strategy). Trong khi tăng cường hợp tác kinh tế với Trung Quốc, Hà Nội đang xích lại gần Mỹ, nhằm đối phó với Trung Quốc tại Biển Đông. (Shi Jiangtao, 2023). 

    Theo Tiến sỹ Nguyễn Khắc Giang (ISEAS), chuyến thăm lần này của Chủ tịch Tập Cận Bình chứng tỏ tầm quan trọng của Việt Nam trong chính sách đối ngoại của Trung Quốc. Nó cũng phản ánh lo ngại của Bắc Kinh trước thực tế Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ và với Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Tập Cận Bình muốn lãnh đạo Hà Nội đảm bảo và cam kết không liên minh với Mỹ và với Nhật để chống Trung Quốc.  

    Nói cách khác, Bắc Kinh muốn lôi kéo Việt Nam vào vòng ảnh hưởng (phere of influence), qua sáng kiến “cộng đồng chung vận mệnh” và sáng kiến “An ninh/Phát triển Toàn cầu”. Việt Nam biết lợi thế địa chính trị của mình, không muốn hy sinh cho “Vành đai và Con đường”.  Nguyễn Khắc Giang cho rằng chuyến thăm của Tập không làm thay đổi chính sách ngoại giao của Hà Nội. Quan hệ Việt-Trung đã tột đỉnh, không thể cao hơn nữa.    

    Tiến sỹ Lê Hồng Hiêp (ISEAS) cũng cho rằng mục đích chính của Bắc Kinh là đảm bảo Hà Nội không quá gần Mỹ mà rời quỹ đạo Trung Quốc. Trong lịch sử, người Việt không tin vào Trung Quốc, và hiện nay vẫn có nhiều tranh chấp tại Biển Đông. Nhưng người Việt hiểu tầm quan trọng của hợp tác với Trung Quốc. Ngay cả những người dân tộc chủ nghĩa cứng rắn nhất với Trung Quốc cũng không phủ nhận vai trò của Trung Quốc.  

    Theo Lê Hồng Hiệp, Bắc kinh muốn thuyết phục Hà Nội chấp thuận tuyên bố về “cộng đồng chung vận mệnh” trong chuyến thăm của Tập Cận Bình. Họ đề nghị nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở Nam Trung Quốc, với Hải Phòng ở Bắc Việt Nam, đi qua khu vực có nhiều mỏ đất hiếm. Chừng nào Trung Quốc còn đe dọa Biển Đông, Việt Nam vẫn cần giữ hòa khí với Trung Quốc, và cân bằng với hai siêu cường trong khu vực. 

    Theo các chuyên gia, Bắc Kinh muốn xác định ảnh hưởng của Mỹ với Việt Nam và các nước khác tới đâu, và làm thế nào để Trung Quốc có vị thế thuận lợi hơn, hay làm thế nào để tránh một vị thế bất lợi hơn. Bắc Kinh lo ngại Hà Nội ngả theo Mỹ, còn Việt Nam vẫn nhạy cảm với phản ứng của Trung Quốc. “Việt Nam lo ngại bị Trung Quốc hiểu lầm, không hài lòng, và thậm chí có thể trừng phạt vì nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật”. 

    Trong dịp này, Trung Quốc và Việt Nam thỏa thuận nâng cấp một số tuyến đường sắt và triển khai một số dự án hạ tầng bao gồm công nghệ số và cáp ngầm dưới đáy biển. Theo các nhà ngoại giao và chuyên gia, kết nối Việt Nam bằng công nghệ số nằm trong kế hoạch của Trung Quốc về “Con đường Tơ lụa số” (Digital Silk Road). Theo Lê Hồng Hiệp, Việt Nam rất thận trọng về các dự án chiến lược, nên chỉ thỏa thuận về hình thức. 

    Trung Quốc sẵn sàng viện trợ không hoàn lại cho Việt Nam để nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Mình với Hải Phòng, trong khi Hà Nội vừa bắt một số lãnh đạo doanh nghiệp đất hiếm. Trung Quốc muốn viện trợ cho các dự án như đòn nhắm vào các dự án hạ tầng của Mỹ và Phương Tây. (Francesco Guarascio & Khang Vu, 2023). 

    Theo các chuyên gia, “đất hiếm” thường chứa 17 kim loại đất hiếm (REM). Các kim loại này được phân thành các nhóm: “nhẹ”, “nặng”, “trung bình”. Trên thế giới có hơn 250 khoáng vật chứa oxit đất hiếm (REO) được tìm thấy ở 51 nước, trong đó có Việt Nam (đứng thứ hai sau Trung Quốc). Công nghệ khai thác đất hiếm khá đơn giản, Việt Nam có thể làm được, nhưng công nghệ tuyển, chế biến, phân lập thì không đơn giản như vậy. 

    “Đất hiếm” có đặc tính vật lý rất quý là “bền, cứng, chịu lửa”, có thể kết hợp với kim loại khác tạo thành hợp kim có giá trị. Công nghệ đất hiếm gồm: khai thác (thu được quặng nguyên khai), tuyển/làm giàu (thu được tinh quặng), chế biến (thu được các tổng oxit đất hiếm), và tách/phân lập (thu được các kim loại đất hiếm riêng lẻ). Từ 1985 đến nay là “kỷ nguyên đất hiếm Trung Quốc”, không có nước nào cạnh tranh được với Trung Quốc.  

    Tốt nhất có thể   

    Gần đây, Trung Quốc đã công bố Sách Trắng “Cộng đồng toàn cầu về tương lai chung: Đề xuất và hành động của Trung Quốc” (Tháng 9 năm 2023), giới thiệu cơ sở lý thuyết, thực tiễn và sự phát triển của một cộng đồng cùng chung tương lai. Đó là một khái niệm ngoại giao đã được ông Tập Cận Bình sử dụng. Để thực thi khái niệm đó, Bắc Kinh đã có các sáng kiến “Vành đai và Con đường, An ninh Toàn cầu, Phát triển Toàn cầu, Văn minh Toàn cầu”. 

    Khái niệm “Cộng đồng chung vận mệnh” được Bộ trưởng Ngoại giao Vương Nghị nhắc tới tại các cuộc gặp với lãnh đạo Việt Nam trong chuyến thăm Hà Nội (ngày 01 và 02 tháng 12), làm “tiền trạm” cho chuyến thăm của Tập Cận Bình. Trung Quốc muốn Việt Nam chấp thuận đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào Tuyên bố chung giữa hai nước, với hàm ý “đối tác chiến lược toàn diện” với Trung Quốc cao hơn với Mỹ. (Dự án Đại Sự Ký Biển Đông, 2023).

    Đến nay, cụm từ “Cộng đồng chung vận mệnh” đã được đề cập gần một trăm lần, chứng tỏ Bắc Kinh ngày càng tự tin trong việc định hình cấu trúc khu vực, trong đó có cấu trúc an ninh. Bắc Kinh muốn buộc các nước thành viên ASEAN vào một hệ thống khu vực lấy Trung Quốc làm trung tâm. Các chuyên gia đã vạch ra nghịch lý giữa lời hứa tốt đẹp của Bắc Kinh về “cộng đồng chung vận mệnh” và hành động thực tế của họ tại Biển Đông.   

    Trung Quốc đang thảo luận với Việt Nam về việc nâng cấp các tuyến đường sắt, trong đó có tuyến đường sắt kết nối Côn Minh với Hải Phòng, đi qua khu vực có nhiều đất hiếm của Việt Nam. Nói cách khác, Trung Quốc muốn tạo điều kiện thuận lợi để vận chuyển quặng đất hiếm của Việt Nam về Trung Quốc để chế biến. Trong khi Trung Quốc đang thống trị thị trường đất hiếm thì Việt Nam vẫn chưa làm chủ được công nghệ này. 

    Gần đây, CEO của Tập đoàn Đất hiếm Trung Quốc đã họp với Chủ tịch Uỷ ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp (CMSC), về khả năng hợp tác giữa phía Trung Quốc và tập đoàn khai thác mỏ Vinacomin thuộc giám sát của CMSC. Vừa rồi, ông Joe Biden đã thỏa thuận giúp Việt Nam thu hút các nhà đầu tư khai thác đất hiếm, và giúp Việt Nam lập bản đồ đất hiếm để “thu hút đầu tư chất lượng” và xây dựng chuỗi cung ứng đất hiếm. 

    Bộ Ngoại giao Mỹ cho biết Mỹ sẵn sàng giúp Việt Nam chuẩn bị đấu giá các mỏ đất hiếm, để  Việt Nam trở thành nước có vai trò quan trọng trong lĩnh vực đất hiếm toàn cầu. Mỹ cũng muốn giúp Việt Nam phát triển nghành bán dẫn. Ông Jensen Huang (Nvidia CEO) đã tới Việt Nam, làm việc với Bộ Kế hoạch Đầu tư và các công ty công nghệ, ngay trước chuyến thăm của Tập Cận Bình, để bàn về cơ hội hợp tác và chuyển giao công nghệ. 

    Việt Nam là đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trong 9 tháng đầu năm 2023, Trung Quốc đã đăng ký 8,2 tỷ USD đầu tư trực tiếp vào Việt Nam, gấp đôi cùng kỳ năm ngoái. Trong 10 tháng đầu 2023, khi xuất khẩu từ Việt Nam sang Mỹ giảm 15%, còn 79,25 tỷ USD, thì xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên 50 tỷ USD, tuy nhập khẩu giảm do Việt Nam mua nhiều linh kiện từ Trung Quốc để lắp ráp. 

    Ngoại trưởng Vương Nghị đã đến Hà Nội để đồng chủ tọa phiên họp 15 của Ban Chỉ đạo Hợp tác Song phương Viêt-Trung. Khi gặp các lãnh đạo Việt Nam như ông Nguyễn Phú Trọng, Vương Nghị đã trao đổi về khái niệm “cộng đồng chung vận mệnh”, về đầu tư vào công nghệ cao, và bất đồng giữa hai nước trên Biển Đông. (Sabastian Strangio, 2023). 

    Hai bên thảo luận về việc nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh với Hải Phòng, và về đất hiếm. Tuần trước, Việt Nam đã nâng cấp quan hệ Viêt-Nhật lên đối tác chiến lược toàn diện (CSP), và sẽ nâng cấp quan hệ CSP với Singapore, Úc, và Indonesia. Việc nâng cấp quan hệ với các đối tác đó làm Bắc Kinh lo ngại. Họ muốn nâng cấp quan hệ Viêt-Trung lên một “tầm cao mới” trong chuyến thăm Việt Nam của Tập Cận Bình. 

    Nhật Bản và Việt Nam là “đối tác chiến lược sâu rộng” từ 2014. Ngày 27 tháng 11, hai nước đã nâng cấp quan hệ lên “đối tác chiến lược toàn diện” như với Mỹ. Nhật là nước viện trợ ODA lớn nhất cho Việt Nam, đối tác lớn thứ hai về hợp tác lao động, lớn thứ ba về đầu tư, du lịch và lớn thứ tư về thương mại. Viện trợ song phương gồm cơ sở hạ tầng, chuyển đổi kỹ thuật số, chuyển đổi xanh, thích ứng với biến đổi khí hậu và chăm sóc sức khỏe. 

    Gần đây, Nhật Bản đã tài trợ 36,63 tỷ yên (252,32 triệu USD) cho chương trình đóng 6 tàu tuần tra cảnh sát biển cho Việt Nam. Kế hoạch chuyển giao công nghệ quốc phòng và chia sẻ thông tin tình báo có liên quan đến chương trình hỗ trợ “hệ thống chỉ huy, kiểm soát, thông tin liên lạc, máy tính mạng, tình báo, giám sát và trinh sát” (C5ISR). (Hà Hoàng Hợp, 2023) 

    Theo số liệu chính thức của Tổng Cục Hải Quan Việt Nam, thương mại hai chiều giữa Trung Quốc và Việt Nam vượt 200 tỷ USD lần đầu vào năm 2021, đạt 230,2 tỷ USD, tăng hàng năm 19,7%. Theo số liệu chính thức của Văn Phòng Đại diện Thương mại Mỹ, thương mại hai chiều giữa Mỹ và Việt Nam năm 2022 là 142 tỷ USD, với tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của Mỹ từ năm 2021 là 3% và tăng trưởng nhập khẩu của Mỹ là 25%. 

    Theo Khang Vũ (2023), trong quan hệ bất đối xứng về quyền lực giữa Việt Nam và Trung Quốc, Hà Nội ưu tiên duy trì quan hệ ổn định với Bắc Kinh, và hội nhập vào chuỗi cung ứng của Trung Quốc. Sức khỏe nền kinh tế và tính chính danh của Hà Nội phụ thuộc vào Trung Quốc. Ngoài kết cục cụ thể về thương mại và đầu tư, dư luận chờ xem Việt Nam gia nhập thế nào vào cộng đồng “chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai”. 

    Các chuyên gia cho rằng Bắc Kinh ép Hà Nội chấp thuận cụm từ cộng đồng “chung vận mệnh” hay “chia sẻ tương lai” là cách Bắc Kinh phản ứng trước thực tế Hà Nội đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện”. Nói cách khác, thái độ quyết đoán của Bắc Kinh đã xô đẩy Hà Nội về phía Mỹ. Theo khảo sát của ISEAS (Tháng 2 năm 2023), đa số người Việt coi ảnh hưởng Mỹ là tích cực, còn ảnh hưởng Trung Quốc là tiêu cực. 

    Thay lời kết

    Thủ tướng Hun Manet sang thăm Việt Nam đúng lúc này (ngày 11-12 tháng 12) chắc không phải là ngẫu nhiên mà có thể liên quan đến chuyến thăm của ông Tập Cận Bình. Tuy Campuchia đã trở thành một lá bài của Bắc Kinh để thao túng ASEAN và răn đe Việt Nam, nhưng vẫn là một ẩn số. Quân cảng Ream là căn cứ quân sự mà Trung Quốc có thể sử dụng. Trong khi đó Hun Manet định triển khai kênh đào nối sông Mekong với vịnh Thái Lan.  

    Việt Nam đã nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật lên “đối tác chiến lược toàn diện” (CSP). Trung Quốc tuy không hài lòng, nhưng buộc phải chấp nhận như “chuyện đã rồi”. Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam “tuy muộn còn hơn không”. Để giữ thể diện, ông muốn nâng cấp quan hê Viêt-Trung lên “tầm cao mới” là cộng đồng chia sẻ tương lai, và hợp tác để nâng cấp tuyến đường sắt kết nối Côn Minh với Hải Phòng, để khai thác “đất hiếm”.  

    Theo Alexander Vuving (APCSS), Tập Cận Bình muốn thuyết phục Việt Nam gia nhập “cộng đồng chung vận mênh” tương tự như quảng cáo bán “cái bình không có rượu”. Nói cách khác, nội hàm của “cộng đồng chia sẻ tương lai” không rõ. Trong bàn cờ “bất đối xứng” (asymmetric), việc đánh đổi quân mã lấy quân xe là cần thiết. Cái lợi từ nước cờ CSP với Mỹ lớn hơn nhiều so với cái giá phải trả, mà không bị Trung Quốc chiếu tướng. 

    Tài liệu tham khảo

    1. Francesco Guarascio & Khang Vu (2023, ngày 11 tháng 12). As Xi visits China offers rail grants to Vietnam pushes Digital Silk Road. Reuters. https://www.reuters.com/world/asia-pacific/xi-visits-china-offers-rail-grants-vietnam-pushes-digital-silk-road-2023-12-11

    2. Hà Hoàng Hợp (2023, ngày 11 tháng 12). Vietnam could use more friends like Japan. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Opinion/Vietnam-could-use-more-friends-like-Japan

    3. Katsuji Nakazawa (2023, ngày 7 tháng 12). Xi-Biden summit leaves China’s economic policies up in air. Nikkei Asia. https://asia.nikkei.com/Editor-s-Picks/China-up-close/Analysis-Xi-Biden-summit-leaves-China-s-economic-policies-up-in-air

    4. Nguyễn Quang Dy (2023, ngày 30 tháng 10). CSP giữa Việt Nam với Mỹ và Hoàng đế Trung Hoa. Bauxite Vietnam. https://boxitvn.blogspot.com/2023/11/csp-giua-viet-nam-voi-my-va-hoang-e.html

    5. Nguyễn Quang Dy (2023, ngày 25 tháng 11). Hàm ý của Tập Cận Bình gặp Joe Biden. Bauxite Vietnam. https://boxitvn.online/?p=86794

    Advertisements

    REPORT THIS AD

    6. Nhóm Bản Tin Biển Đông (2023, ngày 11 tháng 12). Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam: Cộng đồng chung vận mệnh, đường sắt và đất hiếm. Dự án Đại Sự Ký Biển Đông. https://dskbd.org/2023/12/11/chu-tich-trung-quoc-tap-can-binh-tham-viet-nam-cong-dong-chung-van-menh-duong-sat-va-dat-hiem/

    7. Sabastian Strangio (2023, ngày 8 tháng 12). China’s Leader Xi Jinping to Visit Vietnam Next Week. The Diplomat. https://thediplomat.com/2023/12/chinas-leader-xi-jinping-to-visit-vietnam-next-week/

    8. Shi Jiangtao (2023, ngày 11 tháng 12). In Vietnam, a ‘shared destiny’ and the US are likely to be high on Xi Jinping’s agenda. South China Morning Post. https://www.scmp.com/news/china/diplomacy/article/3244603/vietnam-shared-destiny-and-us-are-likely-be-high-xi-jinpings-agenda

    9. Thông Tấn Xã Việt Nam (2023, ngày 13 tháng 12). TTXVN giới thiệu toàn văn Tuyên bố chung Việt Nam Trung Quốc. https://www.vietnamplus.vn/ttxvn-gioi-thieu-toan-van-tuyen-bo-chung-viet-nam-trung-quoc-post915403.vnp

    10. VOA Tiếng Việt (2023, ngày 13 tháng 12). Tập Cận Bình ở Hà Nội: Hai bên nhất trí về cộng đồng chia sẻ tương lai. https://www.voatiengviet.com/a/7394998.html

    Nguyễn Quang Dy là một nhà ngoại giao Việt Nam đã nghỉ hưu và là Harvard Nieman Fellow năm 1993. Trước đó ông đã từng du học tại Đại học Quốc gia Úc (năm 1976-1979). Hiện ông là một nhà nghiên cứu và nhà báo độc lập tại Hà Nội.

    https://dskbd.org/2023/12/28


    Không có nhận xét nào