Header Ads

  • Breaking News

    Lobsang Sangay * - Cuộc chiến xác định người kế vị Đức Đạt Lai Lạt Ma

    Nguồn: “The Battle for the Soul of the Dalai Lama,” Foreign Affairs, 6/11/2023

    Biên dịch: Nguyễn Thị Kim Phụng

    Để kiểm soát Tây Tạng, Đảng Cộng sản Trung Quốc đã tiến vào cõi tâm linh.

    * Lobsang Sangay là Giảng viên tại Trường Luật Harvard. Ông là Sikyong, hay Thủ tướng Chính phủ lưu vong Tây Tạng, từ năm 2011 đến năm 2021.

    https://nghiencuuquocte.org/wp-content/uploads/2023/11/13.-The-Battle-for-the-Soul-of-the-Dalai-Lama.jpg

    Năm 1954, Mao Trạch Đông, nhà lãnh đạo tối cao của Trung Quốc, đã gặp Tenzin Gyatso, khi đó mới 19 tuổi và đang là Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, nhà lãnh đạo tinh thần và thế tục của Tây Tạng. “Tôn giáo là thuốc độc,” Mao nói với Đức Đạt Lai Lạt Ma trẻ tuổi một cách gay gắt. Năm năm sau, quân Trung Quốc tràn vào Tây Tạng và chiếm đóng nước này, đẩy Đức Đạt Lai Lạt Ma và nhiều người dân Tây Tạng khác vào cảnh lưu vong. Phe cộng sản, những người tán dương chủ nghĩa vô thần và thường chế nhạo các tôn giáo, đã tìm cách trói buộc Tây Tạng vào Trung Quốc bằng cách đàn áp văn hóa địa phương và các truyền thống lịch sử; phá hủy các tu viện, ni viện, cùng nhiều hiện vật văn hóa Phật giáo Tây Tạng; đồng thời ngăn cấm việc thực hành tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng.

    Tuy nhiên, gần đây, Bắc Kinh dần trở nên đặc biệt quan tâm đến những chi tiết sâu hơn của Phật giáo Tây Tạng. Trong hai năm qua, tờ Thời báo Hoàn cầu, cơ quan ngôn luận của nhà nước Trung Quốc, đã xuất bản một loạt bài viết khẳng định quyền kiểm soát của nhà nước Trung Quốc không chỉ đối với lãnh thổ mà còn đối với tinh thần. Các bài viết cho rằng Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) mới là người có tiếng nói cuối cùng đối với các truyền thống đằng sau niềm tin của người Tây Tạng vào sự tái sinh – đặc biệt là sự tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.

    Khi Đức Đạt Lai Lạt Ma già đi, Trung Quốc ngày càng quan tâm nhiều hơn đến vấn đề người kế vị ngài. Thông thường, khi một Lạt Ma cấp cao qua đời, chức vụ của vị này sẽ được đảm nhiệm bởi một người được xác định là tái sinh của Lạt Ma đó. Truyền thống này đã ăn sâu vào tinh thần và văn hóa của Phật giáo Tây Tạng. Nhưng giờ đây, Trung Quốc Cộng sản, ngay từ thời Mao đã có định hướng vô thần mạnh mẽ và kiên quyết, đang tìm cách kiểm soát quá trình xác định hiện thân tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Động thái táo bạo này cho thấy nỗ lực của Trung Quốc nhằm củng cố quyền kiểm soát Tây Tạng, một chiến lược không chỉ tìm cách làm suy yếu quyền thế của Đức Đạt Lai Lạt Ma, mà còn xâm phạm đến người dân Tây Tạng, nền văn hóa phong phú và nền văn minh của họ.

    Ngoài sự gia tăng đáng kể gần đây trong hoạt động tuyên truyền của Trung Quốc về chủ đề này, Bắc Kinh đã triệu tập một ủy ban bao gồm các tăng sĩ Tây Tạng do chính phủ lựa chọn và các quan chức chủ chốt của Đảng Cộng sản, để chủ trì quá trình lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo. Nhà chức trách đã tổ chức nhiều triển lãm bảo tàng về sự tái sinh của các Đạt Lai Lạt Ma ở cả Bắc Kinh và Lhasa, thủ phủ Tây Tạng, nêu bật những tuyên bố của chính phủ Trung Quốc về tính chính danh của họ khi giám sát việc tuyển chọn Đạt Lai Lạt Ma mới. Động thái đó vi phạm trắng trợn truyền thống Tây Tạng và gây lo ngại lớn cho người dân Tây Tạng.

    Các quy tắc về luân hồi trong Phật giáo Tây Tạng và lập trường của Đức Đạt Lai Lạt Ma về sự tái sinh của chính ngài phải là yếu tố dẫn dắt quá trình xác định người kế vị trong tương lai. Theo truyền thống đó, những chỉ dẫn mà Đức Đạt Lai Lạt Ma để lại trước khi qua đời phải là cơ sở cho bất kỳ cuộc tìm kiếm nào nhằm xác định người kế nhiệm ngài. Tuy nhiên, Bắc Kinh muốn chiếm đoạt cả quyền lực thế tục lẫn quyền lực tinh thần ở Tây Tạng. Chính phủ Trung Quốc đã có vô số hành động xâm phạm, từ việc can thiệp vào pháp luật, chủ nghĩa xét lại lịch sử, đến việc phủ nhận hoàn toàn quyền cơ bản của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong việc hướng dẫn lựa chọn người kế nhiệm mình. Cùng với những nỗ lực rộng lớn hơn của chính phủ nhằm đàn áp văn hóa Tây Tạng, các hành động của Trung Quốc cấu thành sự vi phạm nghiêm trọng các quyền con người cơ bản của nhân dân Tây Tạng.

    NGUỒN GỐC CŨ CỦA KHỞI ĐẦU MỚI

    Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14 của Tây Tạng là một nhà lãnh đạo tinh thần đáng kính, người đã tiếp tục thu hút được một lượng lớn tín đồ trên toàn thế giới. Những lời dạy của ngài, nhấn mạnh đến hòa bình và lòng từ bi, đã gây được tiếng vang khắp các nền văn hóa và tôn giáo, đồng thời đã nâng cao ảnh hưởng của ngài trong những thập niên qua. Nhằm ghi nhận những đóng góp của ngài cho hòa bình và bất bạo động toàn cầu, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã nhận được nhiều sự công nhận quốc tế, bao gồm Giải Nobel Hòa bình và Huy chương Vàng của Quốc hội Mỹ.

    Sự tôn trọng mà Đức Đạt Lai Lạt Ma nhận được trên khắp thế giới hoàn toàn trái ngược với sự chỉ trích mà chính phủ Trung Quốc dành cho ngài. Các quan chức Trung Quốc đã liên tục phỉ báng ngài, gọi ngài là “kẻ chia rẽ” và “con sói đội lốt thầy tu,” đồng thời chế nhạo những tín đồ đi theo ngài là “Bè lũ Đạt Lai Lạt Ma.” Bắc Kinh coi Đạt Lai Lạt Ma là một mối đe dọa, dù ngài đã sống lưu vong ở Ấn Độ từ năm 1959. Tất nhiên, mối đe dọa đó đã bị thổi phồng quá mức. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã không kêu gọi một nền độc lập cho Tây Tạng kể từ những năm 1970; thay vào đó, ngài yêu cầu quyền tự trị thực sự cho Tây Tạng trong khuôn khổ hiến pháp Trung Quốc. Kể từ năm 2011, ngài đã chuyển giao mọi trách nhiệm chính trị và hành chính của mình cho một chính quyền Tây Tạng được bầu cử dân chủ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc vẫn tiếp tục cáo buộc ngài kích động bất ổn chính trị chống lại nhà nước.

    Tháng 7 vừa qua, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã bước sang tuổi 88, và đến một lúc nào đó, câu hỏi về người kế nhiệm sẽ nảy sinh. Trung Quốc muốn xác định ai sẽ là Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, và các quan chức Trung Quốc rất quan tâm đến truyền thống tái sinh thiêng liêng của người Tây Tạng, được gọi là tulku. Truyền thống ấy quy định rằng một Lạt Ma trẻ tuổi của Phật giáo Tây Tạng sẽ kế thừa các trách nhiệm tôn giáo, kinh tế, và chính trị của người tiền nhiệm sau khi vị này qua đời. Quá trình xác định vị Lạt Ma tái sinh sẽ tuân theo những hướng dẫn do vị Lạt Ma tiền nhiệm để lại, và được thực hiện bởi các học giả Phật giáo được đào tạo bài bản, thường cũng do đích thân vị Lạt Ma tiền nhiệm lựa chọn. Trong trường hợp của các Đức Đạt Lai Lạt Ma, quá trình này thường được giám sát bởi một vị nhiếp chính do Đức Đạt Lai Lạt Ma bổ nhiệm hoặc bởi chính phủ Tây Tạng. Trong tám thế kỷ qua, nhiều Lạt Ma tái sinh đã được tìm thấy trên khắp cao nguyên Tây Tạng, cũng như ở những nơi khác trong thế giới Phật giáo Tây Tạng, như vùng Himalaya của Bhutan, Ấn Độ, và Nepal, thậm chí ở những khu vực như Mông Cổ và các vùng khác của Nga, nơi có nhiều hành giả Phật giáo Tây Tạng, cụ thể là ở các nước cộng hòa Buryatia, Kalmykia và Tuva thuộc Nga.

    CUỘC ĐỐI ĐẦU GIỮA LẠT MA VÀ CHÍNH PHỦ

    Năm 2007, chính phủ Trung Quốc đã chính thức khẳng định quyền của mình đối với các vấn đề tâm linh, và tuyên bố rằng hệ thống tulku chỉ có thể hoạt động khi có sự chấp thuận của nhà nước. Các tiền lệ truyền thống là không đủ cho quá trình lựa chọn các Lạt Ma tái sinh, và giờ đây, mọi việc phải tuân theo luật pháp Trung Quốc. Giới lãnh đạo đã ban hành một nghị định cấp quốc gia thông qua Cục Sự vụ Tôn giáo, theo đó chính thức hóa một bộ quy tắc về tái sinh mà trước đó từng được Khu tự trị Tây Tạng do Trung Quốc kiểm soát công bố vào năm 1995.

    Dù bề ngoài là một quốc gia vô thần, nhưng thông qua những đạo luật kiểu này, chính phủ Trung Quốc đã tiếp tục can thiệp vào đời sống tôn giáo của người dân. Nhưng quá trình Trung Quốc can thiệp vào việc lựa chọn các Lạt Ma tái sinh của Tây Tạng phần lớn không thành công, thường dẫn đến sự lo lắng và bối rối lan rộng trong người dân Tây Tạng. Một ví dụ đáng lo ngại là trường hợp của Ban Thiền Lạt Ma thứ 11, vị Lạt Ma nổi tiếng thứ hai trong Phật giáo Tây Tạng, người vào năm 1995, khi mới 5 tuổi, đã được Đức Đạt Lai Lạt Ma xác nhận là hóa thân của Ban Thiền Lạt Ma thứ 10. Cùng năm đó, chính phủ Trung Quốc đã trục xuất cậu bé này khỏi quê hương Tây Tạng, sau đó họ đã đưa một cậu bé khác, vốn là sự lựa chọn của riêng họ, lên làm Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Cậu bé bị trục xuất đến nay đã mất tích 29 năm, cũng như cha mẹ cậu và các thành viên chính trong ủy ban đã chọn cậu.

    Sự can thiệp của Trung Quốc vào hệ thống luân hồi cũng đã mở đường cho nhiều tập tục xấu. Theo luật pháp Trung Quốc, tất cả các Lạt Ma tái sinh đều phải đăng ký với chính phủ, dẫn đến việc biến một hoạt động tôn giáo thiêng liêng thành một quy trình quan liêu, dễ bị lạm dụng. Năm 2016, Jampel Gyatso, một học giả Tây Tạng nổi tiếng và là thành viên cấp cao của ĐCSTQ, đã lên tiếng cáo buộc rằng hối lộ và tham nhũng đang lan tràn trong nhóm quan chức Trung Quốc tham gia vào quá trình công nhận các Lạt Ma tái sinh. Từ năm 2007 đến 2017, dưới vỏ bọc tôn giáo và truyền thống, số lượng Lạt Ma được đăng ký đã tăng gấp bốn lần, từ khoảng 300 lên hơn 1.300, một diễn biến liên quan nhiều đến tham nhũng chính trị hơn là nhu cầu tâm linh. Quyết định can thiệp chính trị của Trung Quốc đã phủ bóng đen đầy bất ổn và ngờ vực lên truyền thống lâu đời của Tây Tạng.

    Cùng với việc “quan liêu hóa” hoạt động văn hóa và tâm linh của người Tây Tạng, Trung Quốc còn dựa vào việc bóp méo lịch sử để khẳng định tính chính danh của mình khi can thiệp vào các vấn đề tôn giáo của người Tây Tạng. Năm 2021, một bài viết của Thời báo Hoàn cầu đã tuyên bố sai sự thật rằng tất cả các Đạt Lai Lạt Ma trước đây đều sinh ra ở Trung Quốc. Ngay cả với giả định rằng Tây Tạng luôn là một phần của Trung Quốc, thì không phải tất cả các Đạt Lai Lạt Ma đều sinh ra ở nơi được công nhận là Tây Tạng. Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ tư, Yonten Gyatso, là một người dân tộc Mông Cổ sinh ra ở Mông Cổ, trong khi Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ sáu, Tsangyang Gyatso, là một người dân tộc Monpa đến từ vùng Arunachal Pradesh thuộc Ấn Độ ngày nay. Thêm nữa, chính phủ Trung Quốc còn khẳng định một cách không chính xác rằng vào năm 1653, thời nhà Thanh, Hoàng đế Thuận Trị đã phong tước hiệu “Đạt Lai Lạt Ma” cho các nhà lãnh đạo tôn giáo ở Tây Tạng. Trên thực tế, danh hiệu “Đạt Lai” là một từ tiếng Mông Cổ có nghĩa là “Đại dương,” và đã được lãnh đạo người Mông Cổ Altan Khan ban tặng vào năm 1578. “Đạt Lai Lạt Ma” được dịch là “Đại dương Trí tuệ” và không hề có liên hệ nào với ngôn ngữ Trung Quốc hay lịch sử các triều đại Trung Quốc.

    SẮC LỆNH BỊ THẤT LẠC

    Lịch sử, hoặc ít nhất là một khía cạnh cụ thể của nó, là nền tảng cho sự can thiệp của Trung Quốc vào hệ thống luân hồi. Chính phủ Trung Quốc đã đặt quyền bổ nhiệm và công nhận các Lạt Ma tái sinh, đặc biệt là các Đạt Lai Lạt Ma, dựa trên một sắc lệnh quản lý Tây Tạng được cho là có từ thời nhà Thanh vào cuối thế kỷ 18.

    Tuy nhiên, cho đến nay, các học giả vẫn không thể tìm ra bản gốc hay bản sao của sắc lệnh này. Nó chắc chắn không có trong các kho lưu trữ thời nhà Thanh, và cũng không có phiên bản tiếng Trung hay tiếng Tây Tạng nào được tìm thấy. Chính quyền Trung Quốc viện dẫn một tài liệu bằng tiếng Tây Tạng mà họ tuyên bố là có chứa các ghi chú được biên soạn bởi một amban, đại sứ nhà Thanh, ở Tây Tạng. Việc thiếu vắng sắc lệnh vốn được cho là nền tảng của đạo luật quản lý toàn bộ Tây Tạng không chỉ gây tò mò, mà còn gây nghi ngờ. Sự thiếu vắng này thậm chí còn đáng ngạc nhiên hơn nếu chúng ta xét đến danh tiếng của các nhà lưu trữ văn khố thời phong kiến Trung Quốc, đặc biệt là thời nhà Thanh, về việc lưu giữ lượng hồ sơ khổng lồ một cách tỉ mỉ. Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc hiện đại lại khẳng định quyền bổ nhiệm Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo dựa trên cơ sở một sắc lệnh không tồn tại.

    Camera giám sát gần một ngôi chùa Phật giáo ở Lhasa, Khu tự trị Tây Tạng, Trung Quốc, tháng 6/2021. © Martin Pollard / Reuters 

    Cũng thật mỉa mai khi ĐCSTQ tìm cách viện dẫn quá khứ thời nhà Thanh để biện minh cho việc kiểm soát cuộc sống của người Tây Tạng. Một thế kỷ trước, cả phe Cộng sản lẫn phe Quốc Dân Đảng đều lên án nhà Thanh – những người cai trị đến từ Mãn Châu – là “ngoại bang”, “gây chia rẽ,” và “áp bức.” ĐCSTQ được thành lập để “đánh đổ ba ngọn núi” là “chủ nghĩa đế quốc” (sự can thiệp của phương Tây vào Trung Quốc), “chế độ phong kiến” (sự thống trị của nhà Thanh), và “chủ nghĩa tư bản quan liêu” (sự cai trị của Quốc Dân Đảng ở Trung Quốc). Ngày nay, không một đạo luật hay sắc lệnh nào từ thời nhà Thanh vẫn còn hiệu lực trong luật công ở Trung Quốc. Thế nhưng, bằng cách nào đó, Bắc Kinh nghĩ rằng họ có thể viện dẫn một sắc lệnh của nhà Thanh từ thế kỷ 18 để khẳng định quyền kiểm soát vấn đề tái sinh của các Lạt Ma Tây Tạng.

    Mối hoài nghi đó càng trở nên lớn hơn khi chúng ta xem xét lý do tại sao, và quan trọng nhất là từ khi nào, Bắc Kinh lại bắt đầu quan tâm đến vấn đề tái sinh của các Lạt Ma. Từ năm 1959 đến năm 1990, chính quyền Trung Quốc đơn giản là không cho phép người Tây Tạng lựa chọn các Lạt Ma mới trong hầu hết các dòng luân hồi của Phật giáo Tây Tạng. Chỉ đến năm 1990, sau khi Đức Đạt Lai Lạt Ma được trao giải Nobel Hòa bình năm 1989, chính phủ Trung Quốc mới tìm cách khôi phục các thể chế tôn giáo ở Tây Tạng, chẳng hạn như truyền thống tulku, nhằm cân bằng với sự nổi tiếng ngày càng tăng của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Việc giới thiệu các quy định về tái sinh vào năm 1995 đã được tính toán để cho phép chính phủ can thiệp vào việc lựa chọn Ban Thiền Lạt Ma thứ 11. Và những nỗ lực gần đây hơn của Trung Quốc: viện đến sự kế thừa các quy định thời nhà Thanh và nhấn mạnh vào tính liên tục của lịch sử – dù các quy định thời kỳ nhà Thanh rõ ràng không được áp dụng trong bất kỳ lĩnh vực nào khác của luật pháp Trung Quốc – dường như là vì một lý do: để kiểm soát việc bổ nhiệm Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo.

    HƯỚNG DẪN CHO KIẾP SAU

    Theo truyền thống Tây Tạng, những cuộc thảo luận về kiếp sau của một tăng sĩ không được khuyến khích khi cá nhân đó vẫn còn sống. Việc làm này bị xem là thiếu tế nhị và thiếu tôn trọng, như thể cộng đồng đang háo hức chờ đợi cái chết của vị Lạt Ma. Vậy mà chính phủ Trung Quốc lại thể hiện sự quan tâm sâu sắc tới hiện thân tương lai của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, trong khi chính Đức Đạt Lai Lạt Ma lại tiếp cận những suy đoán này một cách rất nhẹ nhàng. Chẳng hạn, vào năm 2019, khi được hỏi về kiếp sau của mình, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã hài hước trả lời “Sao tôi phải vội tái sinh? Tôi có thể đã 84 tuổi nhưng sức khỏe của tôi vẫn tốt mà.”

    Chắc chắn, Đức Đạt Lai Lạt Ma và cộng đồng Tây Tạng không hề thờ ơ trước tác động sâu sắc của cái chết và sự tái sinh của ngài đối với tương lai của Tây Tạng và của thế giới Phật giáo rộng lớn hơn. Sự vô lý của một nhà nước cộng sản vô thần, liên tục phỉ báng Đức Đạt Lai Lạt Ma và cấm trưng bày chân dung của ngài, nhưng lại cố gắng chỉ huy quá trình tái sinh của ngài đã không lọt khỏi mắt các nhà quan sát. Từ năm 2009 đến năm 2022, 157 người đã tự thiêu ở Tây Tạng để kêu gọi sự trở lại của Đức Đạt Lai Lạt Ma và tự do cho người Tây Tạng. Mâu thuẫn ngày càng tăng bởi thực tế là ĐCSTQ, sau khi xâm lược Tây Tạng vào những năm 1950, đã ra lệnh phá hủy gần như toàn bộ 6.000 tu viện và ni viện Tây Tạng, tước bỏ y phục của hầu hết các tăng ni ở Tây Tạng. Vài nghìn tấn hiện vật văn hóa cổ của Tây Tạng, chiếm tới 3/4 tổng số hiện vật được lưu giữ tại các địa điểm trên khắp đất nước, đã bị phá hủy, cướp bóc, hoặc đem làm nguyên liệu tái chế. Vì vậy, việc ĐCSTQ tuyên bố rằng họ có quyền lựa chọn các lãnh đạo Phật giáo, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo, đơn giản là không thành thật.

    Năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma đã đưa ra tuyên bố rõ ràng nhất về sự tái sinh của mình, dứt khoát bác bỏ sự can thiệp của Trung Quốc. Ngài tuyên bố rằng mình sẽ để lại những hướng dẫn rõ ràng bằng văn bản, sẽ được thực hiện bởi văn phòng riêng của Đức Đạt Lai Lạt Ma, sau khi tham khảo ý kiến từ các Lạt Ma cấp cao của dòng truyền thừa Phật giáo Tây Tạng và nhiều nhân vật theo Phật giáo Tây Tạng khác. Ngài cũng nói rõ rằng chỉ cá nhân chuẩn bị tái sinh mới có thẩm quyền xác định địa điểm và cách thức tái sinh của mình, cũng như cách thức để việc tái sinh đó có thể được công nhận. Đức Đạt Lai Lạt Ma tuyên bố rõ ràng rằng nếu ngài qua đời trong cảnh lưu vong, thì hiện thân tái sinh của ngài sẽ được sinh ra bên ngoài Trung Quốc. Đây rõ ràng là lời lên án những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm can thiệp vào hệ thống luân hồi, một quan điểm đã được chia sẻ tại hội nghị năm 2019 giữa các nhà lãnh đạo tinh thần của Phật giáo Tây Tạng và Đạo Bon (truyền thống tôn giáo Tây Tạng có trước Phật giáo), tất cả những vị này đều sống lưu vong. Trong tuyên bố từ năm 2011, Đức Đạt Lai Lạt Ma nêu rõ rằng ngài sẽ làm rõ các hướng dẫn về việc kế vị khi ngài được 90 tuổi (năm 2025).

    Tuy nhiên, chính phủ Trung Quốc có thể sẽ bác bỏ bất kỳ lựa chọn kế vị nào mà Phật tử Tây Tạng và văn phòng của Đức Đạt Lai Lạt Ma đặt ra. Do đó, chính phủ của các quốc gia ủng hộ quyền tự do biểu đạt tôn giáo như một quyền cơ bản của con người cần phải ủng hộ và nhấn mạnh rằng quá trình lựa chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma tiếp theo cần diễn ra mà không có sự can thiệp chính trị của Trung Quốc.

    IM LẶNG LÀ ĐỒNG LOÃ

    Suốt nhiều thế kỷ, người Tây Tạng đã duy trì một truyền thống huyền bí và phức tạp để quản lý sự kế vị của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Truyền thống này đã đảm bảo sự chuyển giao quyền lực gần như suôn sẻ và giản đơn, chỉ với một vài ngoại lệ. Chúng ta không thể chấp nhận việc Trung Quốc cố gắng chiếm đoạt quyền cơ bản của Đức Đạt Lai Lạt Ma trong quá trình chọn ra người kế nhiệm ngài, vốn là một truyền thống đã được tuân thủ trong 5 thế kỷ.

    Trung Quốc không có thẩm quyền đạo đức hay pháp lý nào để can thiệp vào việc kế vị, và việc họ làm vậy là một tình huống đáng báo động đòi hỏi phải có phản ứng toàn cầu để bảo vệ tự do tôn giáo và đảm bảo tình hình ổn định. Mỹ đã có một bước đi quan trọng khi ban hành Đạo luật Chính sách và Hỗ trợ Tây Tạng vào năm 2020, trong đó tuyên bố “bảo vệ quyền tự do tôn giáo và tín ngưỡng được quốc tế công nhận, bao gồm đảm bảo rằng việc xác định và bổ nhiệm các nhà lãnh đạo tôn giáo Phật giáo Tây Tạng, bao gồm cả Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 trong tương lai, là vấn đề được quyết định duy nhất bởi cộng đồng tín ngưỡng Phật giáo Tây Tạng, dựa trên chỉ dẫn của Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, mà không có sự can thiệp của Chính phủ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa.” Bất kỳ quan chức Trung Quốc nào can thiệp vào quá trình này sẽ phải đối mặt với các lệnh trừng phạt.

    Dù lập trường của Mỹ có ích, nhưng chính sách này sẽ không thành công nếu không có sự hỗ trợ cụ thể từ các nước và khối chủ chốt khác. Nhóm này bao gồm Châu Âu và Hiệp hội các Quốc gia Đông Nam Á (ASEAN), các quốc gia như Ấn Độ và Mông Cổ với các cộng đồng lớn theo Phật giáo Tây Tạng, và các quốc gia như Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc vốn có mối quan hệ đặc biệt với Đức Đạt Lai Lạt Ma.

    Nghị viện Châu Âu nên đồng ý thông qua một đạo luật tương tự như đạo luật được thông qua ở Mỹ, trong đó nêu rõ EU (nơi Phật giáo là tôn giáo lớn thứ ba hoặc thứ tư ở nhiều nước Châu Âu) công nhận Đức Đạt Lai Lạt Ma là người duy nhất có quyền quyết định quá trình tái sinh của ngài. Ấn Độ cũng có trách nhiệm đặc biệt trong việc công khai thể hiện quan điểm. Đức Đạt Lai Lạt Ma đã sống ở Ấn Độ như một vị khách quý trong hơn sáu thập niên qua, và ngài tự gọi mình là người con của Ấn Độ vì Phật giáo có nguồn gốc từ đất nước này từ hơn 2.000 năm trước. Mông Cổ, với phần lớn dân số theo đạo Phật, hầu hết đều là tín đồ của Đức Đạt Lai Lạt Ma, cũng nên tuyên bố rõ ràng rằng việc tái sinh là tùy thuộc vào ý định của Đức Đạt Lai Lạt Ma.

    Nhật Bản, nước thường xuyên đón tiếp Đức Đạt Lai Lạt Ma và là quê hương của nhiều tín đồ của ngài, cũng nên đưa ra những tuyên bố tương tự. Và Đức Đạt Lai Lạt Ma là công dân danh dự của Canada, do đó chính phủ Canada có trách nhiệm bảo vệ quyền tự do tôn giáo của ngài. Điều quan trọng đối với các quốc gia Phật giáo như Hàn Quốc và một số thành viên của ASEAN là bảo vệ truyền thống và phong tục của Phật giáo. Nếu chính phủ Trung Quốc có thể chọn Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 15 mà không vấp phải sự phản đối, điều đó sẽ tạo tiền lệ để ĐCSTQ đưa các ứng viên của họ trở thành người đứng đầu tăng đoàn, hay các tu viện, ở các quốc gia Phật giáo khác.

    Người ta thường nói “Im lặng là đồng lõa.” Điều này đúng với trường hợp tái sinh của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Những thất bại trong việc bảo vệ công lý và tự do tôn giáo sẽ không chỉ khuyến khích một chế độ bành trướng, mà còn có nguy cơ gây ra bất ổn ở châu Á và các quốc gia Phật giáo, với hàm ý cho cả phương bắc và phương nam toàn cầu. Thay vào đó, các chính phủ trên khắp thế giới nên có lập trường về vấn đề nguyên tắc này. Các Phật tử Tây Tạng có quyền lựa chọn người lãnh đạo tinh thần của mình và việc phát huy quyền đó là điều cần thiết để bảo vệ nhân quyền cho tất cả mọi người.

    https://nghiencuuquocte.org/2023/12/04


    Không có nhận xét nào