Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 08 tháng 12 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Đường sắt Trung Quốc qua vùng mỏ đất hiếm Việt Nam: chuyên gia nói gì?

    07/12/2023

    Đường sắt Trung Quốc qua vùng mỏ đất hiếm Việt Nam: chuyên gia nói gì?

    Một khu mỏ khai thác đất hiếm 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngReuters 

    Việt Nam và Trung Quốc đang nâng cấp đáng kể các tuyến đường sắt đi qua trung tâm đất hiếm của Việt Nam đến cảng biển hàng đầu của láng giềng phía bắc. Hoạt động này được tiến hành trong bối cảnh Hà Nội đang nỗ lực phát triển mạnh mẽ ngành công nghiệp đất hiếm.

    Tiềm năng kinh tế ngành đất hiếm

    Reuters hôm 1/12 cho biết tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua khu vực Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới sau Trung Quốc.

    Cũng theo Reuters, các chuyên gia ngành đất hiếm Trung Quốc và Việt Nam đã thảo luận về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến khoáng sản.

    Chuyên gia kinh tế, tiến sỹ Nguyễn Huy Vũ nhận định rằng hiện nay, dù Việt Nam đang rất cố gắng vươn lên thành một trong những nguồn cung đất hiếm lớn của thế giới; năng lực và công nghệ của quốc gia Đông Nam Á này hiện giờ vẫn còn nhiều hạn chế nên chỉ có thể bán thô nguồn nguyện liệu đó qua Trung Quốc, nơi đã có sẵn các nhà máy xử lý nguồn đất hiếm thô. Việc nâng cấp tuyến đường sắt có thể có lợi trong quá trình vận chuyển: 

    “Cái vấn đề hiện nay là liên quan đến vận chuyển. Nếu Việt Nam bán thô cho Trung Quốc thì vận chuyển nó sẽ gần hơn. Việt Nam hiện nay không có khả năng để tinh luyện, cho nên họ chỉ bán thô mà thôi.

    Trung Quốc sẽ họ xử lý lại rồi bán lại sản phẩm đã tinh luyện thì giá thành nó sẽ rẻ hơn so với việc các nước khác mua quặng ở Việt Nam đem về nước của họ để họ xử lý, thì chi phí sẽ rất là cao.”

    Ngoài ra, theo ông Vũ, các doanh nghiệp Việt Nam muốn đầu tư các nhà máy xử lý để nâng giá trị của đất hiếm Việt Nam cũng phải chịu rủi ro chính trị. Cho nên, thay vì đầu tư tiền bạc khổng lồ để xử lý đất hiếm thì việc đào quặng thô lên bán thẳng qua Trung Quốc có lợi về mặt kinh tế hơn nhiều:

    “Phải có sự chống lưng ở trong chính quyền để mà bảo đảm làm sao nguồn đất hiếm doanh nghiệp được khai thác…

    Rồi còn rủi ro về chuyện xuất khẩu nguyên liệu thì cũng phải cần có sự chống lưng của chính quyền…

    Ví dụ như các công ty về điện mặt trời đi. Họ đầu tư vào rất nhiều, bây giờ đã làm ra điện rồi nhưng mà Bộ Công thương họ không kết nối thì bao nhiêu vốn liếng bỏ vào xây dựng hệ thống điện mặt trời nhưng bây giờ bán không được thì cũng phải đành chịu chết mà thôi.”

    Trong một bài viết của chuyên gia quan hệ quốc tế, tiến sỹ Lê Hồng Hiệp, có tựa đề tạm dịch là “Tham vọng đất hiếm của Việt Nam: động lực kinh tế và chiến lược”, được đăng trên trang web Fulcrum vào tháng 11 vừa qua cho rằng nếu Việt Nam phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm để chiếm 10% thị trường toàn cầu vào năm 2035 thì có thể tạo ra doanh thu khoảng hai tỷ USD mỗi năm. Tuy nhiên, lợi nhuận tiềm năng có thể thấp hơn nhiều nếu tính đến tất cả chi phí sản xuất.

    Tình trạng công nghệ kém hiện đại và những lo ngại về vấn đề môi trường cũng là những thách thức cản bước tiến của Việt Nam trong việc phát triển ngành đất hiếm.

    Chiến lược ngoại giao của Hà Nội

    Khu đất đang được quy hoạch xây dựng nhà máy xử lý đất hiếm ở Lai Châu. Ảnh: Reuters 

    Tuy nhiên, động lực khiến Hà Nội vẫn quyết tâm theo đuổi phát triển ngành công nghiệp là do những lợi ích về chiến lược đối ngoại mà Việt Nam có thể đạt được, đặc biệt là trong bối cảnh căng thẳng Mỹ - Trung ngày càng gia tăng.

    Trung Quốc hiện chiếm 63% sản lượng khai thác đất hiếm của thế giới. Các hợp kim và nam châm đất hiếm mà Trung Quốc đang kiểm soát là những thành phần quan trọng trong các ngành công nghiệp như điện tử, xe điện và tua-bin gió, hay thậm chí là các ngành sản xuất vũ khí tiên tiến, bao gồm tên lửa, radar và máy bay tàng hình.

    Điều này khiến Mỹ và các đồng minh tìm cách đa dạng hóa nguồn cung đất hiếm thay thế, ngoài Trung Quốc. Một trong các lựa chọn thay thế tiềm năng là Việt Nam, nơi có trữ lượng đất hiếm lớn thứ hai thế giới, với ước tính khoảng 22 triệu tấn, chiếm khoảng 19% trữ lượng được biết đến của thế giới.

    Nếu Việt Nam có thể phát triển thành công ngành công nghiệp đất hiếm và trở thành nhà cung cấp đáng tin cậy cho Hoa Kỳ và các đồng minh, thì vị thế của Hà Nội sẽ được nâng cao đáng kể trong chiến lược của Washington và các đồng minh.

    Nó giúp củng cố mối quan hệ của Hà Nội với các đối tác này, bù đắp cho sự miễn cưỡng của Hà Nội không muốn tham gia cùng với họ vào một số hoạt động hợp tác quốc phòng nhạy cảm.

    Bình luận về vấn đề này, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế, thạc sỹ Hoàng Việt cho rằng ngoài lợi ích về kinh tế, tham vọng nâng cao vị thế địa chính trị mới là quan trọng hơn đối với chính quyền Hà Nội:

    “Nếu Mỹ và các đồng minh phương Tây, trong cạnh tranh căng thẳng với Trung Quốc, thì họ phải tìm một nguồn nguyên liệu để có thể thay thế Trung Quốc, và đương nhiên là trong mối quan hệ giữa Mỹ và Việt Nam đang tốt đẹp gần đây và với chính sách của Mỹ thì Việt Nam cũng sẽ được hưởng lợi khá nhiều.”

    Vậy, tuyến đường sắt kết nối Trung Quốc với các tỉnh có mỏ đất hiếm ở Việt Nam liệu có ảnh hưởng tới ý định hợp tác với Việt Nam của các cường quốc như Mỹ và phương Tây hay không? Trả lời câu hỏi này, thạc sỹ Hoàng Việt nhận định:

    “Tôi cho là nó không liên quan nhiều. Bởi vì, tuyến đường sắt đi qua thì nó cũng không liên quan đến việc khai thác và xuất khẩu đất hiếm đâu.

    Cá nhân tôi cho rằng không phải ngẫu nhiên mà nhiều nhà máy sản xuất chip của Mỹ đặt ở phía Bắc. Trong trường hợp Mỹ và Trung Quốc căng thẳng và Trung Quốc ngăn chặn xuất khẩu nguồn đất hiếm sang Mỹ, doanh nghiệp Trung Quốc bị ngăn cấm xuất khẩu sang Mỹ chứ đâu có ngăn cấm xuất khẩu sang Việt Nam.”

    Hãng chip bán dẫn Nvidia bàn thỏa thuận với Việt Nam vào tuần tới

    08/12/2023

    Hãng chip bán dẫn Nvidia bàn thỏa thuận với Việt Nam vào tuần tới

    Logo của hãng Nvidia 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Hãng chip khổng lồ của Hoa Kỳ là Nvidia vào thứ hai tới sẽ thảo luận một thỏa thuận hợp tác trong lĩnh vực bán dẫn với phía Việt Nam.

    Reuters loan ngày 8/12, dẫn thư mời tham gia cuộc thảo luận vừa nêu mà hãng tin này đọc được.

    Tin cho biết Chủ tịch Nvidia, ông Jensen Huang, vào ngày thứ hai 11/12 sẽ gặp đại diện giới chức Chính phủ, và các công ty trong nước Việt Nam để bàn thảo cách thức thúc đẩy ngành công nghiệp bán dẫn tại quốc gia này và khả năng đối tác có thể giữa Nvidia và các hãng công nghệ Việt  Nam.

    Một nguồn tin không muốn nêu tên vì không được phép công khai vấn đề cho Reuters biết Nvidia muốn đạt được một thỏa thuận về chuyển giao công nghệ với ít nhất một đối tác Việt Nam.

    Bộ Kế hoạch- Đầu tư Việt Nam được cho biết là đơn vị chủ quản tổ chức cuộc thảo luận chưa phúc đáp yêu cầu bình luận mà Reuters đưa ra.

    Việt Nam hiện là nơi có những nhà máy lắp ráp cho các hãng lớn như Intel; và Hà Nội đang cố mở rộng sang lĩnh vực thiết kế chip cũng như sản xuất chip bán dẫn vào khi căng thẳng thương mại Mỹ-Trung được nhận định tạo ra cơ hội cho ngành chiến lược bán dẫn này tại Việt Nam.

    Đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam tăng vọt khi Chủ tịch Tập đến thăm Hà Nội 

    08/12/2023 

    Reuters 

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào năm 2017.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm Việt Nam vào năm 2017. 

    Dữ liệu chính thức cho thấy đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam đã bùng nổ trong năm nay, trái ngược với sự suy giảm trong đầu tư và thương mại của Mỹ, khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới tranh giành ảnh hưởng tại quốc gia chiến lược Đông Nam Á này, theo Reuters.

    Trung tâm sản xuất trải dọc Biển Đông này ngày càng trở thành mắt xích lắp ráp quan trọng trong chuỗi cung ứng toàn cầu vốn thường phụ thuộc vào linh kiện Trung Quốc và người tiêu dùng Mỹ.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden đạt được sự nâng cấp quan hệ ngoại giao với cựu thù trong chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9, sau một năm nỗ lực ngoại giao mạnh mẽ để nâng Hoa Kỳ lên ngang tầm với Trung Quốc trong cấp bậc xếp hạng ngoại giao của Việt Nam.

    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ tới thăm Việt Nam vào tuần tới với mục đích làm sâu sắc hơn nữa mối quan hệ giữa hai nước. Các nhà ngoại giao cho biết rằng ông Tập có thể đồng ý tuyên bố rằng hai nước có “chung vận mệnh”, điều này có thể được Bắc Kinh hiểu là một sự nâng cấp chính thức trong quan hệ ngoại giao.

    Không rõ sự nâng cấp mang tính biểu tượng nào sẽ có trọng lượng hơn, nhưng về mặt kinh tế, cho đến nay, Trung Quốc dường như chiếm thế thượng phong, một phần là do chính sách thương mại của Mỹ. Căng thẳng giữa Washington và Bắc Kinh và nhiều biện pháp trừng phạt khác nhau do Mỹ dẫn đầu đối với Trung Quốc trong những năm gần đây đã thúc đẩy luồng đầu tư của Trung Quốc vào Việt Nam.

    Theo số liệu thống kê chính thức của Việt Nam, tính chung vốn đầu tư đăng ký từ Trung Quốc và Hong Kong đã tăng lên 8,2 tỷ USD trong 11 tháng của năm nay, cao gấp đôi so với cùng kỳ năm ngoái, khiến Trung Quốc trở thành nhà đầu tư lớn nhất tại Việt Nam.

    Trong khi đó, vốn đầu tư đăng ký của Hoa Kỳ giảm xuống còn 0,5 tỷ USD trong năm nay so với mức 0,7 tỷ USD vào năm 2022, khiến nước này trở thành nhà đầu tư lớn thứ 10, đứng sau cả đảo Samoa và Hà Lan.

    Thương mại song phương cũng giảm sút do người tiêu dùng Mỹ phải vật lộn với cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt trong năm nay và không có thỏa thuận cắt giảm thuế quan nào trong chuyến thăm của ông Biden.

    Dữ liệu của Việt Nam cho thấy xuất khẩu từ Việt Nam sang Hoa Kỳ giảm 15%, xuống còn 79,25 tỷ USD trong 10 tháng đầu năm và nhập khẩu của Hoa Kỳ cũng giảm.

    Trong cùng thời kỳ, xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc tăng 5% lên gần 50 tỷ USD, mặc dù nhập khẩu giảm do Việt Nam chủ yếu mua linh kiện từ Bắc Kinh để lắp ráp xuất khẩu sang các nước phương Tây.

    Bất chấp trao đổi kinh tế mạnh mẽ, quan hệ với Trung Quốc vẫn phức tạp do tranh chấp ranh giới ở Biển Đông. Tâm lý bài Trung Quốc cũng phổ biến trong người dân Việt Nam đã dẫn đến các cuộc biểu tình thường xuyên, trong đó có một cuộc biểu tình vào năm 2018 phản đối việc thành lập các đặc khu kinh tế có lợi cho các công ty Trung Quốc.

    Giảm rủi ro

    Việc nâng cấp ngoại giao của Hoa Kỳ đi kèm với cam kết của Nhà Trắng về đầu tư nhiều hơn và thương mại dễ dàng hơn.

    Ông Zachary Abuza, giáo sư về chính trị Đông Nam Á tại trường National War College ở Washington DC, cho biết: “Bất chấp sự phô trương trong chuyến thăm của ông Biden, chúng tôi cho đến nay vẫn chưa thấy nhiều điều thành hiện thực”. Ông Abuza lưu ý rằng các doanh nghiệp nước ngoài phải đối mặt với những thách thức đáng kể khi đầu tư vào Việt Nam.

    Một số nhà tư vấn kinh doanh tại Việt Nam cho thấy sự quan ngại của các nhà đầu tư Hoa Kỳ ngày càng tăng và lưu ý rằng các quyết định đầu tư mất thời gian để thực hiện.

    Ông Kyle Freeman, đối tác tại công ty tư vấn kinh doanh Dezan Shira cho biết, sự bùng nổ trong đầu tư của Trung Quốc, không tính của Hong Kong, đã tăng gần gấp đôi trong năm nay so với mức trước đại dịch lên 3,9 tỷ USD, một phần là nhờ chiến lược giảm thiểu rủi ro của các công ty trong bối cảnh căng thẳng thương mại Mỹ-Trung.

    Ông Chad Ovel, đối tác tại công ty cổ phần tư nhân Mekong Capital ở Việt Nam, cho biết sự suy thoái của Trung Quốc cũng là một yếu tố ảnh hưởng đến các quyết định đầu tư. “Triển vọng vĩ mô yếu kém trong ngắn hạn và trung hạn ở Trung Quốc đang thúc đẩy người Trung Quốc tìm kiếm cơ hội đầu tư bên ngoài đất nước của họ”.

    Khi nhà khoa học nước ngoài không được lưu trú tại tư gia ở Việt Nam

    Thái Hạo

    08/12/2023 

    Có một vị giáo sư đầu ngành và nổi tiếng thế giới về Ngôn ngữ học, là người Mỹ gốc Việt, nhân dịp xuất bản hai cuốn sách về tiếng Việt, thì được các trường đại học lớn của Việt Nam như ĐH Sư Phạm Hà Nội, ĐHSP Đà Nẵng, ĐH Ngoại ngữ Huế, ĐH Khoa học Xã hội và Nhân văn TP.HCM… tha thiết mời nói chuyện học thuật cho sinh viên, giảng viên.

    Hôm nay, sau khi nói chuyện ở trường đại học Hồng Đức (Thanh Hóa) vị ấy cùng đại diện nhà xuất bản ghé qua nhà tôi chơi, ngồi chưa ấm chỗ thì công an tới làm việc về vấn đề cư trú.

    Vị giáo sư ấy năm ngoái cũng được trường Hồng Đức mời nhưng không thể thu xếp được, lần này mới “bén duyên”. Chị nói, nếu không có tôi (Thái Hạo) ở Thanh Hóa thì cũng chẳng bao giờ có cơ hội đến trường Đại học Hồng Đức để nói chuyện được. Hôm nay chị chia sẻ đề tài “Giọng Thanh Hóa trong tương quan với vần Quảng Nam và thanh điệu Bắc”. Sau buổi nói chuyện, một vị phó giáo sư còn có đề nghị rằng mong muốn tác giả sẽ đóng góp cho tỉnh Thanh Hóa bằng một công trình, và sẽ liên hệ với lãnh đạo tỉnh để thu xếp đề án này.

    Sáng nay nhà nghiên cứu Hoàng Tuấn Công cũng đến dự buổi trao đổi học thuật của vị giáo sư đã nhắc, và anh nói với tôi rằng, những phát hiện của nhà khoa học này quá độc đáo và nó cần một công trình nghiên cứu xứng đáng. Hơn nữa, theo anh, đề tài này phải được cấp tỉnh quan tâm và đầu tư nghiêm túc…

    Thế nhưng…

    Chiều nay, trên cổng thông tin của Đại học Hồng Đức, khi những lời cảm ơn còn chưa ráo mực thì bây giờ, sau khi công an vào làm việc, lập biên bản và nêu quy định tại nhà tôi, vị giáo sư ấy đã vừa phải đi thuê khách sạn rồi, vì theo lời cán bộ công an (tên là Nguyễn Văn Sơn), ở khu vực này, người nước ngoài không được lưu trú tại tư gia người khác.

    Nếu luật quy định như thế (?) thì với tinh thần luôn tôn trọng luật pháp, mọi người đã chấp hành. Tuy nhiên, là một học giả thường xuyên về Việt Nam để trao đổi học thuật và đã lưu trú ở nhiều địa điểm khác nhau, vị giáo sư rất bất ngờ trước “quy định” này. Bản thân tôi cũng lần đầu tiên nghe đến, nên thật sự băn khoăn về một quy định nhiều bất cập như thế (nếu nó có thật), nên đăng lên đây để tham khảo ý kiến của những người am hiểu luật pháp.

    Dù thế, vị giáo sư là bạn tôi thì vẫn bất ngờ và buồn mãi. Vì chị đã bước vào nhà tôi với tâm trạng vui mừng, phấn chấn bởi một buổi nói chuyện nhiều ý nghĩa và cả những tiếp đón chu đáo hết mực của Đại học Hồng Đức. Chị cũng đã nghĩ đến việc viết một cuốn sách về “tiếng Thanh Hóa” sau đề nghị của vị phó giáo sư trường sở tại, nhưng giờ chị bảo không còn tâm trạng nào nữa…

    Thày giáo Đỗ Việt Khoa - Chuyện giáo viên đánh học sinh và học sinh đánh giáo viên ở địa phương tôi 

     

    1) Trường THPT Ng. Tr xảy ra ít nhất ba vụ đánh giáo viên

    - Giáo viên (GV) Thai dạy Hóa có vấn đề về tâm thần, nóng nảy mất kiểm soát ngôn từ, đánh học sinh, cuối cùng thì bị học sinh đánh lại vài bận.

    - GV Huong mắt rất kém, dạy Toán. Cứ học sinh này mất trật tự thì đánh nhầm sang học sinh khác. Lớp trưởng can thì đánh luôn lớp trưởng. Kết quả bị các nam sinh lao vào đánh, khiêng lên văn phòng bàn giao cho hiệu trưởng và dọa : Nhà trường mà để giáo viên này lên lớp là chúng em đánh tiếp. Chán chường, GV này xin chuyển về trường THPT Va.T. 

    - GV Hoa dạy Lý. Vừa mới bị học sinh đánh vài bận vì nóng nảy, chửi bới nói năng vung vít, đánh học sinh.

    2) Trường THPT Va.T.

    - Thầy Ha dạy Toán. Giờ kiểm tra học kỳ, thầy móc túi một học sinh lôi ra cái điện thoại rồi bảo mang vật cấm vào phòng. Vài tháng sau học sinh ra trường, thầy không trả. Học sinh xin lại nhiều lần không được đã vác dao đuổi thầy chạy quanh sân trường la hét như sắp chết. 

    - Một học sinh bị bảo vệ chặn cổng nhục mạ bèn mang dao đuổi chém, may mà bảo vệ này chạy được.

    - Hiệu trưởng L.X.T. Được cặp vợ chồng L-K mời về nhà ăn tất niên. Bất ngờ hai học sinh cũ là hàng xóm cạnh nhà phát hiện ra, gọi nhau đến đánh hội đồng, khiến ông hiệu trưởng phải bỏ chạy mất dép.

    Nguyên nhân : Vài tháng trước hai học sinh này trèo tường bỏ về ở tiết cuối, khi mà toàn bộ giáo viên không ai lên lớp vì được huy động đi lên nhà hát thành phố để cổ vũ đội văn nghệ của trường tham gia cuộc thi "Tiếng hát thầy và trò trường THPT TP HN lần thứ hai".

    Vừa trèo tường buổi trưa, đầu giờ chiều hai học sinh này đã có quyết định đình chỉ học một năm. Cha con nhà ấy đến tìm gặp hiệu trưởng nhiều lần không được đã chửi bới đứng gác cổng chờ hiệu trưởng đến để đánh, khiến hiệu trưởng không dám đến trường cả tháng trời. Hiệu trưởng phải nhờ công an xã mà cũng không đuổi được cha con nhà kia đi.

    Cũng hiệu trưởng này bị cụ già 80 đến tìm gặp chửi bới vì đuổi học cháu của cụ rất tùy tiện. Mỗi năm hiệu trưởng đuổi học vài chục đến hơn trăm học sinh. Quyết định đuổi học in sẵn, phát cho các giáo viên thân cận, chỉ việc điền tên học sinh nào vi phạm vào là xong.

    - GV Tha. dạy Thể dục. Buổi khai giảng, trời quá nóng. Nam sinh Tùng ra vòi nước sạch, vục nước lên đầu xả nhiệt. GV Tha. túm cổ lôi đánh nam sinh này. Nam sinh này hét to thì bị lôi vào phòng kín. Tha. cùng bảo vệ tên Đ. đã đánh hội đồng nam sinh này. GV B chạy đến đạp cửa cứu ra thì học sinh đã bị đánh thâm tím. Mẹ của nam sinh này là giáo viên cùng trường phản ánh với hiệu trưởng L.X.T  thì hiệu trưởng này bảo: Tôi kết thầy Tha. làm đệ tử xem đứa nào làm gì được. Từ đó mẹ của nam sinh bị xếp không hoàn thành nhiệm vụ vài năm liên tiếp.

    - GV Huong mắt kém ở trên chuyển về sau vụ bị học sinh đánh hội đồng. Tính nóng nảy vẫn không bỏ được. Học sinh lớp 12C chỉ quay xuống hỏi bạn bên dưới về bài toán thì bị thầy túm tóc đánh luôn, đập đầu học sinh này vào tường gây chảy máu. Vào tiết dạy bị 5 giáo viên khác dự giờ, GV này đã gọi hai học sinh lên bảng làm bài tập 1 và 2 toán 10, cộng, trừ véc tơ. Học sinh làm đúng cả, GV gạch chéo bảo sai, rồi chữa lại...dở chừng thì hết giờ. Cháy giáo án.

    ---------

    Còn một số vụ khác.

    Nói chung, lực lượng giáo viên rất đông đảo, có người này người kia. Một số dạy lắm sinh tâm thần, điên điên dở dở mất kiểm soát bản thân. Một số thì có bản tính không thân thiện, coi học sinh như giặc. Số khác thì ngộ độc quyền lực, coi mình trên cả luật pháp, coi trời bằng vung, xử phạt học sinh tùy tiện không theo văn bản quy định nào. Và hậu quả nhãn tiền là bị học sinh, phụ huynh đánh.

    Bên cạnh đó có nhiều giáo viên giữ được chuẩn mực nhất định.

    ĐỖ VIỆT KHOA 06.12.2023

    Thủ đô nhục với Cố đô

    Phạm Xuân Nguyên

    08/12/2023

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/1-9.jpeg

    Ô trống khi bức Phùng Quán bị gỡ đi. Ảnh: FB tác giả 

    Hôm nay (8/12/2023) cuộc triển lãm tranh chân dung gò đồng văn nghệ sĩ của nhà thơ Phạm Xuân Trường (Hải Phòng) tại Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam kết thúc sau một tuần bày tranh.

    Hôm qua tôi đến lại phòng tranh chia tay anh Trường. Tôi thấy lại khoảng trống chỗ Bảo tàng “treo nhầm” bức chân dung nhà thơ Phùng Quán (có trong danh sách 30 bức bị Sở VH-TT HN cấm treo). Ngay hôm khai mạc phát hiện ra cái sự nhầm tai hại đó Bảo tàng đã cho gỡ Phùng Quán xuống và lấy một bức khác trám vào. Bức treo thế đó hôm qua đã được tác giả tặng cho nhân vật nên cái khoảng trống Phùng Quán để lại, lại hiện ra.

    Triển lãm kết thúc nhưng bức xúc của dư luận về việc tại sao Sở VH-TT HN quyết định cấm treo 30 bức vẫn chưa được trả lời dù đã có đơn chất vấn của người trong cuộc.

    Nhân chuyện này liên hệ với Huế tôi thấy thủ đô thật nhục với cố đô. Nhà thơ Phùng Quán bị nạn Nhân Văn – Giai Phẩm thế nào ai cũng đã biết. Nhưng khi ông được phục hồi, được trao Giải thưởng Nhà nước về VHNT, thì tại phường Thuỷ Dương (Huế) quê hương ông, chính quyền thành phố đã lấy tên ông đặt cho một con đường dài hơn ba cây số. Con đường đó bắt ra đường lớn mang tên Nguyễn Tất Thành chạy từ thành phố về phía Nam.

    https://baotiengdan.com/wp-content/uploads/2023/12/2-6.jpeg

    Đường Phùng Quán ở Thuỷ Dương (Huế) cạnh đường Nguyễn Tất Thành. Ảnh trên mạng 

    Trong khu nghĩa trang nằm cạnh con đường mang tên Phùng Quán, khu mộ vợ chồng ông đã được bạn bè văn nghệ sĩ chung sức xây dựng khang trang, đẹp đẽ. Tấm bia mộ khắc ghi đoạn thơ lẫm liệt của ông trong bài “Lời mẹ dặn” (1957) mà vì thế đời ông đã bị khốn khổ:

    “Yêu ai cứ bảo là yêu

    Ghét ai cứ bảo là ghét

    Dù ai ngon ngọt nuông chiều

    Cũng không nói yêu thành ghét

    Dù ai cầm dao doạ giết

    Cũng không nói ghét thành yêu.”

    Huế xử sự với Phùng Quán đẹp vậy đã từ mười mấy năm qua. Vậy mà thủ đô Hà Nội đã ở năm thứ hai lăm của thế kỷ XXI vẫn cấm treo một bức chân dung gò đồng của Phùng Quán trong một cuộc triển lãm bình thường. Tôi đồ rằng ở Hà Nội với những quan làm văn hoá mà vô văn hoá, cấm treo tranh như thế này thì tấm bia mộ trên của Phùng Quán sẽ không được dựng, mà có dựng thì cũng không được khắc thơ, mà có được khắc thơ thì cũng bị đục, mà không bị đục thì cũng bị phá đổ bia.

    Thật là THỦ ĐÔ NHỤC VỚI CỐ ĐÔ!

    Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức báo động cao trong nhiều ngày

    08/12/2023

    Ô nhiễm không khí ở Hà Nội lên mức báo động cao trong nhiều ngày

    Người dân đi trong ô nhiễm không khí ở Hà Nội hôm 30/11/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Ô nhiễm không khí ở Hà Nội trong ba tuần qua liên tục ở mức cao, đang báo động mà đỉnh điểm là vào lúc 9 giờ 30 sáng ngày 8/12 bị xác định là đứng đầu thế giới.

    Truyền thông Nhà nước hôm 8/12 trích dẫn chỉ số quan trắc ô nhiễm không khí của Pam Air (kênh thông tin tham khảo về diễn biến chất lượng không khí tại nhiều địa điểm khác nhau tại Việt Nam) vào lúc 9 giờ 30 sáng cho thấy chỉ số AQI ở nhiều điểm trên địa bàn Hà Nội dao động chủ yếu ở mức trên 150 đơn vị, mức có hại cho sức khỏe, cần hạn chế ra ngoài đường khi không cần thiết.

    IQAir (ứng dụng theo dõi chất lượng không khí trên toàn thế giới) cùng lúc xếp mức ô nhiễm không khí ở Hà Nội ở mức cao nhất thế giới với chỉ số AQI trung bình 200 đơn vị.

    Các hình ảnh được báo trong nước đăng tải vào sáng ngày 8/12 cho thấy nhiều khu vực ở Hà Nộ bị bao phủ trong bầu không khí trắng đục mịt mù của sương và khói bụi.

    Cách đây năm ngày, nhiều trạm quan trắc cho kết quả đo chất lượng không khí Hà Nội ở mức xấu. Ứng dụng IQAir sáng 3/12 xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm không khí thứ ba thế giới.

    Theo thống kê của AirVisual, từ ngày 18/11 đến ngày 3/12, chỉ số ô nhiễm theo ngày của Hà Nội chỉ có một ngày ở mức trung bình (1/12) khi trời chuyển mưa, 15 ngày còn lại đều được cảnh báo có chỉ số ô nhiễm ở mức đỏ - có hại cho sức khỏe.

    Theo truyền thông Nhà nước, Hà Nội luôn nằm trong top đầu các thành phố ô nhiễm nhất toàn cầu với nồng độ bụi mịn PM2.5 cao gấp hàng chục lần giới hạn cảnh báo của WHO.

    Theo đánh giá của các chuyên gia, chỉ số AQI (ô nhiễm không khí) ở Hà Nội thường lên cao vào tháng 10 năm trước đến tháng 3 năm sau. Ngoài ra còn có nguyên nhân là nguồn phát thải ra không khí không được kiểm soát tốt. Cộng hưởng với đó là các yếu tố của khí hậu mùa đông gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng.

    Các nguồn phát thải gây ô nhiễm không khí ở Hà Nội được xác định bao gồm khí thải từ phương tiện giao thông, khí thải từ các hột động sản xuất công nghiệp, đốt rác, từ các làng nghề tái chế không được kiểm soát, khí thải từ các công trình xây dựng.


    Không có nhận xét nào