Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ sáu 01 tháng 12 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    Sự lạc điệu của một phái đoàn

    Bình luận của blogger Nguyễn Anh Tuấn
    30/11/2023

    Sự lạc điệu của một phái đoàn

    Giáo sư Al-Misnad Sheikha là học giả hàng đầu của Qatar và là nữ chủ tịch đầu tiên của Đại học Qatar. Bà là một trong 18 thành viên được bầu và hoạt động độc lập của Ủy ban CERD. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngPhoto: RFA 

    Chính trị luôn gắn liền với tranh luận. Tuy nhiên những ai trông đợi các cuộc tranh luận nảy lửa trong chính trị dòng chính Việt Nam sẽ không khỏi thất vọng. 

    Thay vì là nơi các quan điểm khác biệt va đập với nhau, sinh hoạt Quốc Hội ở Việt Nam mang màu sắc hiệp thương kiểu mặt trận với những đại biểu cầm giấy ê a đọc. Ngay cả những phiên chất vấn Chính phủ được kỳ vọng nóng bỏng nhất thì lại quá nể nang, né tránh, chẳng hề có dáng dấp của một phiên điều trần ở các xứ dân chủ tự do. 

    Những buổi tiếp xúc cử tri cũng chẳng khá hơn. Thay vì rèn giũa khả năng hùng biện, thuyết phục, tranh luận từ việc gặp gỡ cử tri thật, đại biểu Quốc Hội tham gia những buổi tiếp xúc với cử tri được lựa chọn, thông thường là cán bộ hưu trí, với những phần hỏi đáp được chuẩn bị sẵn. 

    Lâu dần, các cuộc tranh luận nghiêm túc vắng bóng trên đời sống chính trị dòng chính ở Việt Nam. Điều này để lại hệ quả là khi cần sử dụng các kỹ năng tranh luận, quan chức Việt Nam thường phát ngôn lúng túng, diễn đạt quanh co, lập luận lòng vòng, khiến không ít người ngao ngán.

    Ví dụ điển hình là phiên rà soát việc thực thi Công ước Xóa Bỏ Mọi Hình thức Kỳ thị Chủng tộc (CERD) của Việt Nam vừa diễn ra ngày 29/11/2023 tại Geneva, Thụy Sĩ, mà may mắn thay được trực tiếp và phát lại trên website của UN để ai cũng có thể xem. Chứng kiến cách mà phái đoàn hùng hậu cán bộ từ các bộ ban ngành Việt Nam trả lời câu hỏi từ các thành viên Ủy ban Xóa bỏ Kỳ thị Chủng tộc (CERD) mới thấy hạn chế này lớn tới mức nào. 

    Chẳng hạn trước câu hỏi đơn giản của Bà Al-Misnad Sheikha (Qatar), một thành viên của Ủy ban CERD, là nếu Luật An ninh Mạng của Việt Nam cấm xúc phạm người nổi tiếng (famous people), thì hãy định nghĩa người nổi tiếng gồm những ai, phái đoàn Việt Nam đã trả lời lan man tới mức Chủ tọa phải nhắc. Hài hước hơn nữa là thành viên phái đoàn đến từ Bộ Thông tin Truyền thông còn tiện thể bày tỏ lòng biết ơn với Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khai sinh lập quốc Việt Nam khi được giao trả lời câu hỏi. 

    Bà Al-Misnad Sheikha còn dẫn từ báo cáo quốc gia về thực thi Công ước của Chính phủ Việt Nam đoạn nói rằng “người sắc tộc thiểu số dễ bị dụ dỗ, kích động” và “các tập tục lạc hậu của người sắc tộc thiểu số ngăn họ bảo vệ quyền của họ một cách tích cực” để chất vấn liệu đây có phải là quan điểm chính thức của Chính phủ Việt Nam và nếu một báo cáo quốc gia mà nhìn nhận như thế thì thái độ coi thường này sẽ lan tỏa xuống những người thực thi pháp luật như công an, giáo viên và ảnh hưởng đến cách hành xử của họ. 

    Trước bình luận mạnh mẽ và chất vấn xác đáng này, phái đoàn Việt Nam đã không phản hồi được gì. 

    Một thành viên Ủy ban CERD khác là Ông Kut Gun (Thổ Nhĩ Kỳ) đã bình luận rằng điều mà Ủy ban kỳ vọng ở phiên rà soát này không phải là nghe đi nghe lại các quy định trên giấy mà là giải thích từ phái đoàn Việt Nam về những vấn đề thực tế và vụ việc cụ thể mà Ủy ban đã nêu sau khi tổng hợp thông tin báo cáo từ nhiều nguồn khác nhau, trong đó quan trọng nhất là từ các nạn nhân bị xâm phạm quyền. 

    Phái đoàn Việt Nam cũng chẳng phản hồi được gì trước bình luận và chất vấn này của Ông Kut Gun. 

    Hơn hai giờ đồng hồ của phiên rà soát tràn ngập những “tầm chương trích cú” luật, nghị định, thông tư mỗi lần những thành viên của phái đoàn Việt Nam phát biểu. Không rõ đây có phải là chiến thuật câu giờ có chủ đích hay đơn thuần đây là tất cả những gì phái đoàn có thể nói. Song một điều rõ ràng là mục tiêu bảo vệ báo cáo quốc gia của Việt Nam, như phái đoàn từng nói trước chuyến công tác, đã không đạt được vì những gì họ đem đến chỉ là một sự chán ngán không giấu nổi không chỉ trên gương mặt các thành viên Ủy ban CERD mà còn của những ai theo dõi phiên này.

    Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam

    RFA
    01/12/2023

    Mỹ khởi xướng điều tra chống trợ cấp tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ Việt Nam

    Tại phân xưởng sản xuất tôm đông lạnh (HMH) 

    Reuters 

    Sản phẩm tôm của Việt Nam bị Mỹ điều tra chống trợ cấp do sản phẩm này bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

    Theo Cục phòng vệ Thương mại, ngày 21/11, Bộ Thương mại Mỹ (DOC) đã khởi xướng điều tra chống trợ cấp (CTC) đối với sản phẩm tôm nước ấm đông lạnh nhập khẩu từ một số nước gồm Ecuador, Ấn Độ, Indonesia và Việt Nam. Trong đó, Việt Nam chỉ bị điều tra CTC do sản phẩm tôm của Việt Nam đang bị Mỹ áp thuế chống bán phá giá từ năm 2004 đến nay.

    Cũng theo Cục phòng vệ, DOC khởi xướng điều tra trợ cấp đối với cả tôm đông lạnh và tôm tươi từ Việt Nam, do tôm tươi nguyên liệu chiếm tỷ trọng lớn, chiếm đến 95% giá trị của tôm nước ấm đông lạnh. Do vậy, các trợ cấp cho các nhà cung cấp tôm tươi của Việt Nam cũng được coi là trợ cấp dành cho các nhà sản xuất, xuất khẩu tôm đông lạnh của Việt Nam.

    Khoảng 1.046 doanh nghiệp Việt Nam có xuất khẩu sản phẩm bị điều tra vào Mỹ trong thời kỳ điều tra.

    Sau 65 ngày kể từ ngày khởi xướng, DOC sẽ ban hành kết luận sơ bộ, dự kiến vào ngày 18/1/2024 (có thể gia hạn). Sau khi có kết luận sơ bộ, DOC có thể thẩm tra tại chỗ Chính phủ và doanh nghiệp.

    Sau 75 ngày kể từ ngày công bố kết luận sơ bộ, DOC sẽ đưa ra kết luận cuối cùng về vụ việc, dự kiến ngày 2/4/2024 (có thể gia hạn).

    Về phía Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ (ITC), đại diện Cục phòng vệ Thương mại cho biết, đơn vị này dự kiến sẽ đưa ra kết luận sơ bộ vào ngày 11/12/2023 và kết luận cuối cùng vào ngày 17/5/2024.

    Năm ngoái, Việt Nam xuất khẩu khoảng 800 triệu USD sản phẩm bị cáo buộc sang Mỹ, chiếm khoảng 20% tổng thị phần xuất khẩu tôm vào thị trường này.

    Trung Quốc, Việt Nam tính kết nối đường sắt xuyên qua trung tâm đất hiếm 

    01/12/2023 

    Reuters 

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Hà Nội, ngày 1/12/2023.

    Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị và Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang, Hà Nội, ngày 1/12/2023. 

    Trung Quốc và Việt Nam đang nỗ lực nâng cấp đáng kể các tuyến đường sắt còn kém phát triển để tăng cường tuyến đường đi qua trung tâm đất hiếm và đến cảng biển hàng đầu ở miền bắc của Việt Nam, Reuters dẫn lời các quan chức cấp cao và nhà ngoại giao cho biết hôm 1/12.

    Các quan chức và các nhà ngoại giao cho biết rằng cuộc đàm phán này là một phần trong quá trình chuẩn bị cho chuyến thăm Hà Nội trong vài tuần tới của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, điều này sẽ khẳng định thêm vai trò chiến lược ngày càng tăng của Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu khi các cường quốc, trong đó có Hoa Kỳ, tranh giành ảnh hưởng chuỗi cung ứng này.

    Các nhà ngoại giao cho biết rằng mối quan hệ thương mại sâu sắc hơn và kết nối đường sắt dự kiến sẽ được thảo luận vào ngày 1/12 khi nhà ngoại giao hàng đầu của Trung Quốc Vương Nghị gặp Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang tại Hà Nội.

    Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính kêu gọi nâng cấp tuyến đường sắt nối Côn Minh ở miền nam Trung Quốc với thành phố cảng Hải Phòng của Việt Nam trong một tuyên bố đưa ra vào tháng trước, sau khi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào có chuyến thăm hiếm hoi tới Việt Nam.

    Từ trước đến nay các quan chức Trung Quốc luôn nhấn mạnh tầm quan trọng của việc tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng với nước láng giềng phía Nam.

    Việt Nam có đường sắt kết nối với Trung Quốc nhưng hệ thống này cũ kỹ và năng lực vận chuyển từ phía Việt Nam còn hạn chế. Hai hệ thống này hiện không thể tương tác với nhau, nghĩa là các chuyến tàu phải dừng ở biên giới để hành khách và hàng hóa được chuyển sang dịch vụ nội địa.

    Tuyến đường sắt được nâng cấp sẽ đi qua khu vực Việt Nam có trữ lượng đất hiếm lớn nhất, mà Trung Quốc cho đến nay là nhà tinh chế đất hiếm lớn nhất thế giới.

    Việt Nam đang cố gắng xây dựng ngành đất hiếm của riêng mình. Nhưng điều này có thể thách thức sự thống trị của Trung Quốc, và dường như sự đấu đá nội bộ đã phủ bóng đen lên những nỗ lực này.

    Theo truyền thông nhà nước Việt Nam, các chuyên gia ngành đất hiếm Trung Quốc và Việt Nam hồi tuần trước đã thảo luận vào về việc hợp tác mạnh mẽ hơn trong việc chế biến đất hiếm.

    Không rõ Trung Quốc sẽ đóng góp bao nhiêu cho việc nâng cấp tuyến đường sắt ở Việt Nam và liệu Hà Nội có chấp nhận khoản tài trợ lớn từ Bắc Kinh cho việc này hay không.

    Một nhà ngoại giao cho biết rằng tuyến đường này có thể được coi là một phần của Sáng kiến Vành đai và Con đường (BRI) hàng đầu của Trung Quốc nhằm hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng trên toàn thế giới, nhưng không rõ liệu nó có được gắn nhãn là dự án BRI hay không.

    Tuyến đường sắt được tăng cường cũng có thể thúc đẩy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, chủ yếu là các sản phẩm nông nghiệp, thúc đẩy du lịch Trung Quốc đến miền Bắc Việt Nam và hội nhập hơn nữa các ngành công nghiệp sản xuất của hai nước, điều mà các chuyên gia coi là sự cộng sinh, với các nhà máy ở Việt Nam chủ yếu lắp ráp linh kiện sản xuất tại Trung Quốc.

    Trung Quốc là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam và từ đầu năm đến nay cũng là nhà đầu tư chính, bao gồm cả đầu tư từ Hong Kong, khi nhiều công ty Trung Quốc chuyển một số hoạt động sang Việt Nam trong bối cảnh căng thẳng thương mại giữa Bắc Kinh và Washington.

    Bất chấp các mối liên kết kinh tế đang bùng nổ, hai quốc gia cộng sản vẫn bị lôi kéo vào cuộc tranh chấp lãnh hải kéo dài nhiều năm ở Biển Đông và từng xảy ra một cuộc chiến ngắn vào năm 1979, cuộc chiến gần đây nhất của Trung Quốc.

    Chủ tịch VNCS Võ Văn Thưởng phủ nhận vai trò lãnh đạo của Đảng? 

    Nguyễn Huyền /VNTB

    30/11/2023

    Ông Võ Văn Thưởng tin Thượng đế đã sắp xếp nên quan hệ Nhật – Việt hôm nay. Theo cách hiểu trong diễn đạt tiếng Việt, đã là “lương duyên trời định” thì đó không còn là kết quả của chính sách “ngoại giao cây tre” mà Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng thường đắc ý nhắc đến lâu nay nữa. 

    Trong bài phát biểu trước Quốc hội Nhật Bản – cơ quan lập pháp lâu đời nhất châu Á hôm 29-11, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đã diễn đạt rằng: “Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: Lương duyên trời định”. 

    Bài phát biểu này được ông Võ Văn Thưởng dẫn dắt với câu chuyện từ thế kỷ thứ 8, nhà sư Phật Triết của Việt Nam đã tới tỉnh Nara tham dự pháp hội khai nhãn đại tượng Phật, mở đầu lịch sử giao lưu về Phật giáo và nhã nhạc cung đình giữa hai nước. 

    Đến thế kỷ 16, những Châu ấn thuyền của Nhật Bản đã qua Việt Nam buôn bán, làm ăn, lập nên những con phố, cây cầu mang đậm kiến trúc Nhật Bản, nay vẫn được gìn giữ ở Hội An. Đó còn là mối lương duyên giữa công chúa Ngọc Hoa và thương nhân Araki Sotaro, là tình bạn cao đẹp giữa nhà chí sĩ yêu nước Phan Bội Châu với bác sĩ Asaba Sakitaro…. 

    “Nhà chí sĩ Phan Bội Châu của Việt Nam đã nhận định Việt Nam – Nhật Bản là hai nước “đồng văn, đồng chủng, đồng châu”. Tuy không gần nhau về địa lý nhưng hai nước có nhiều sự tương đồng, gắn kết về văn hóa, lịch sử, con người. 

    Sự tương đồng về văn hóa, lịch sử, con người và truyền thống giao lưu bền chặt giữa nhân dân hai nước hàng nghìn năm qua đã là chất keo gắn kết tình cảm hữu nghị, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước. 

    Nếu dùng một câu thật khái quát, ngắn gọn và cảm xúc về quan hệ hai nước chúng ta, tôi xin nói đó là: Lương duyên trời định” – Chủ tịch Võ Văn Thưởng đã lược thuật về dòng chảy văn hóa Nhật – Việt với nhiều gợi nhớ cho phong trào Đông Du như vậy. 

    Cuối bài phát biểu trên, ông Võ Văn Thưởng khéo léo đưa vào mệnh đề so sánh: “Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Việc gì có lợi cho dân phải hết sức làm. Nhà vua Minh Trị có câu: Chỉ suy nghĩ có lợi cho dân mới mãi trường tồn trong xã hội của chúng ta”. 

    Ở hôm ‘ra mắt’ Quốc hội Nhật Bản đó, cùng với bài phát biểu trên, Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tặng bức tranh Văn Miếu – Quốc Tử Giám cho Thư viện Quốc hội Nhật Bản. 

    Các diễn biến trên cho thấy việc ông Võ Văn Thưởng không sử dụng bất kỳ ‘từ ngữ tuyên giáo’ nào mang dáng dấp của ‘dấu ấn Nguyễn Phú Trọng’, là một chủ đích, và chủ đích ấy phải chăng là ‘tự tin’ của ‘bản lĩnh chính trị Võ Văn Thưởng’, hay đây là điềm báo nguy tương tự như nhận xét ‘dậy sóng’ hồi cuối năm 2019 của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng: “Cơ đồ ta xây dựng 75 năm nay sụp đổ hay không cũng do chúng ta thôi, chẳng phải do kẻ thù đâu. Chẳng ai xâm lược mình, chẳng ai mang máy bay, đại bác đến xâm lược, lật đổ chúng ta đâu. Ta không làm tốt thì tự ta lật đổ ta thôi”. 

    Lúc phát biểu câu để đời ở trên, ông Trần Quốc Vượng được đồn đoán rằng đã “một chân” bước vào ghế kế nhiệm Nguyễn Phú Trọng. Rốt cuộc có lẽ do ‘ngã bài’ quá sớm nên ở kỳ đại hội đó ông Trần Quốc Vượng được ‘quyền nghỉ hưu’ dù ông kém đến chục tuổi so ông Nguyễn Phú Trọng. 

    Hoạn lộ của chính khách Võ Văn Thưởng cũng đi lên từ Thường trực Ban Bí thư, và lâu nay ông vẫn được đánh giá là ‘ngoan ngoãn, khôn khéo’ của ‘gọi dạ, bảo vâng’ đối với Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng. 

    Liệu có gì liên quan đến việc Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị sẽ thăm Việt Nam trong tuần này, và Chủ tịch Tập Cận Bình có thể sẽ đến Việt Nam trong tháng tới? 

    Chiều 30-11, phái đoàn của ông Võ Văn Thưởng đã về lại Việt Nam.

    https://vietnamthoibao.org/vntb-chu-tich-vo-van-thuong-phu-nhan-vai-tro-lanh-dao-cua-dang/ .

    Hôm nay 1-12, Ngoại trưởng Vương Nghị có mặt ở Hà Nội 

    30/11/2023

     Vương Nghị chuẩn bị ‘dọn đường’ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng bí thư Tập Cận Bình Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cùng Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang đồng chủ trì phiên họp lần thứ 15 Ủy ban chỉ đạo hợp tác song phương Việt Nam-Trung Quốc tại Hà Nội từ ngày 1 đến 2-12. 

    Dự kiến ông Vương Nghị sẽ chào Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng; hội kiến với Trưởng Ban Đối ngoại Trung ương Lê Hoài Trung; hội đàm với Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Bùi Thanh Sơn. 

    Tin tức hậu trường cho biết Ngoại trưởng Vương Nghị đến Hà Nội lần này còn có trọng trách của ‘sứ giả’ cho việc chuẩn bị ‘dọn đường’ cho chuyến thăm Hà Nội của Tổng bí thư Tập Cận Bình trễ lắm là vào đầu năm 2024, tức trước kỳ họp bất thường của Quốc hội Việt Nam khóa XV. 

    Luật gia Hoàng Việt – chuyên gia thuộc Ban nghiên cứu Luật biển và hải đảo của Liên đoàn Luật sư Việt Nam, đưa ra bình luận nhanh như sau về việc Vương Nghị có mặt ở Hà Nội: “Chúng ta đã thấy cho đến thời điểm này những vấn đề căng thẳng ở Biển Đông giữa Trung Quốc và Việt Nam ở trong tình trạng cố gắng hạn chế ở mức tối đa. Có lẽ để chuẩn bị cho chuyến thăm của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam bên Trung Quốc sẽ kiềm chế tối đa để bầu không khí khi ông Tập Cận Bình đến Việt Nam sẽ được ôn hòa hơn”. 

    Việt Nam và Trung Quốc đã thiết lập quan hệ ngoại giao từ năm 1950. Tuy nhiên, hai nước trong nhiều thập kỷ qua cũng có những căng thẳng mà nổi bật nhất là cuộc chiến biên giới năm 1979 và những tranh chấp về chủ quyền ở Biển Đông. Việt Nam trong các năm qua đã nhiều lần lên tiếng phản đối các hành động lấn lướt của Trung Quốc ở hai quần đảo đang tranh chấp ở Biển Đông là Hoàng Sa và Trường Sa. 

    Các nguồn tin thân cận cho biết chuyến thăm Hà Nội lần này của Ngoại trưởng Vương Nghị còn nhằm tiếp tục thảo luận về việc cùng nhau tồn tại trong một “cộng đồng có chung vận mệnh”, một cụm từ thường được ông Tập sử dụng và một số người thấy gây tranh cãi. Có tin cho biết, các quan chức Việt Nam thận trọng khi thêm tài liệu tham khảo đó. 

    Với tư cách là chủ tịch Trung Quốc, ông Tập Cận Bình đã tới Việt Nam hai lần, với chuyến thăm gần đây nhất vào năm 2017, khi ông tham dự hội nghị thượng đỉnh châu Á-Thái Bình Dương với Donald Trump, Vladimir Putin và các nhà lãnh đạo khác. 

    Theo dữ liệu của chính phủ Việt Nam, về thương mại, năm 2022, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam – Trung Quốc đạt 175,56 tỷ USD (tăng 5,47%). Việt Nam tiếp tục giữ vị trí đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN và đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc tính theo quốc gia đơn lẻ. 

    Trong 9 tháng đầu năm 2023, đầu tư của Trung Quốc đạt gần 2,1 tỷ USD với 478 dự án, là nhà đầu tư FDI lớn thứ 2 tại Việt Nam. Trung Quốc duy trì vị trí thứ 6/144 quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư FDI vào Việt Nam với hơn 4.000 dự án còn hiệu lực, tổng vốn đăng ký đạt hơn 26 tỷ USD. Về du lịch, Trung Quốc nhiều năm dẫn đầu về lượng du khách đến Việt Nam. Từ ngày 15-3-2023, Trung Quốc chính thức khôi phục cho phép các đoàn khách du lịch đi Việt Nam, mở lại một số tuyến bay thương mại giữa các địa phương hai nước (Hà Nội – Bắc Kinh) và điều chỉnh chính sách thị thực, xuất nhập cảnh, kiểm dịch y tế đối với người nước ngoài đến Trung Quốc. Trong chuỗi sự kiện ngoại giao liên quan thì tin tức cựu ngoại trưởng Mỹ Henry Kissinger đã qua đời vào ngày 29-11 (giờ Mỹ) tại nhà riêng ở bang Connecticut, hưởng thọ 100 tuổi cũng ít nhiều cho thấy khả năng ‘điều chỉnh’ các dự tính công du của ông chủ Tử Cấm Thành. Hồi 20-7-2023, ở tuổi 100 ông Henry Kissinger vẫn thăm Trung Quốc, được Tập “âu yếm” gọi là “người bạn cũ” của Bắc Kinh. 

    Với thế giới, Henry Kissinger là chính khách tài năng nhưng với Việt Nam ông có nhiều nợ nần, nhiều người không có thiện cảm với ông. Nhiều người ca ngợi Kissinger vì sự thông minh và kinh nghiệm chính trường, nhưng có một số người coi ông là tội phạm chiến tranh vì ủng hộ các chế độ độc tài. 

    Một thế kỷ trên trần thế ông đủ thời gian lật tung cả thế giới, nhưng với Việt Nam ông có nhiều nước đi sai lầm, ảnh hưởng cho tới hôm nay. Liệu Tập Cận Bình sẽ ‘khai thác’ những sai lầm đó từ “người bạn cũ của Bắc Kinh” cho chuyến công cán Việt Nam sắp tới đây? – một chính khách mà mặc dù nghĩa tử là nghĩa tận, song thể chế miền Nam Việt Nam sẽ tiễn bằng câu “cút về địa ngục mà gặp lại Hitler!”…
    https://vietnamthoibao.org/vntb-hom-nay-1-12-ngoai-truong-vuong-nghi-co-mat-o-ha-noi/ .

    Một Quốc hội đìu hiu…

    Phân tích của blogger Trần Hiếu Chân/RFA
    30/11/2023

    Một Quốc hội đìu hiu…

    Toàn cảnh họp Quốc hội tại Hà Nội hôm 23/10/2023 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    “Thắng lợi nhãn tiền” của Bộ Công an và các cơ quan Tư pháp là đã tạm thời “tảo thanh” được đội ngũ phản biện “chối tai” tại nghị trường. Những buổi chất vấn ở Quốc hội từ nay sẽ đìu hiu, buồn tẻ. 

    Phó ban Dân nguyện Lưu Bình Nhưỡng xộ khám hơn 10 ngày nay mà báo chí Nhà nước không cho biết thêm thông tin gì (1). Tiếng nói của ông, tiếng nói phê phán trực tiếp công an và kiểm sát, từ này không còn được cất lên ở chốn nghị trường. Nữ Trung tá Ksor H'bơ Khăp, thần tượng của đa số cử tri trong cả nước do những chất vấn của bà tại các kỳ họp trước đây, thì nay cũng đã “được đề bạt” về địa phương công tác (2). Những cuộc chất vấn tại tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, vì thế đã diễn ra khá buồn tẻ và đìu hiu, “theo đúng quy trình”.

    Về các vụ án điển hình, Ban Nội chính Trung ương cho biết, từ nay đến hết năm 2023, Tòa án sẽ đưa ra xét xử sơ thẩm bốn vụ trọng điểm: Vụ án tại Học viện Quân y Bộ Quốc phòng; Vụ án Công ty Việt Á, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) tại Hải Dương và các địa phương liên quan; Vụ án tại Công ty Tân Hoàng Minh; Vụ án tại Liên hiệp Hợp tác xã thương mại TP. HCM (Saigon Co.op) (3). Trong các vụ này thì Việt Á và Tân Hoàng Minh sẽ là hai vụ đặc biệt nghiêm trọng.

    Liên quan đến các phiên họp chất vấn, kỳ này sẽ tiến hành theo bốn nhóm, gồm các lĩnh vực kinh tế tổng hợp – vĩ mô; kinh tế ngành; văn hóa – xã hội, và tư pháp – nội chính – kiểm toán nhà nước. Theo Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ, hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn dịp này chỉ bàn về những vấn đề đã từng được chất vấn và giám sát trước đây, chứ không phải là về những vấn đề đang nổi cộm lên hiện nay. Theo đó, Quốc hội chỉ tiến hành chất vấn việc thực hiện các lời hứa, cam kết của các thành viên Chính phủ, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tổng Kiểm toán Nhà nước (4).

    Lèo lái chương trình theo cách nói trên, Chủ tịch Quốc hội đã tạo điều kiện cho các đại biểu né tránh được những đề tài đang gây sốc trong công luận. Đặc biệt nhất là hai “scandal” hiện đang nóng như Hỏa Diệm Sơn: “Scandal” về Lưu Bình Nhưỡng và vụ án tày đình về Trương Mỹ Lan – Vạn Thịnh Phát. Trong khi các trang mạng xã hội và dư luận trong công chúng “sôi sùng sục”, thì các ông bà Nghị có đầy đủ lý do để “phú lỉnh” các đề tài này, vì nghị trình chất vấn chưa cho phép đề cập đến những vấn đề nóng đang nổi lên hiện nay. Tuy nhiên, những “slogan” quen thuộc vẫn được mạng xã hội dóng lên. Nhìn gương ông Lưu Bình Nhưỡng nhiều cử tri tự hỏi: “Đấu tranh rồi... ‘tránh đâu’?” hoặc “Một cán bộ cao cấp đại biểu quốc hội còn vậy thì dân đen sẽ ra sao?” (5)

    luubinhnhuongconganthaibinh.jpeg

    Ông Lưu Bình Nhưỡng. Hình: Ảnh chụp màn hình video 

    Những bình luận ngắn sau đây đều trích dẫn từ nguồn YouTube nói trên đủ thấy lòng dân ngao ngán đến nhường nào khi thấy các nghị sỹ từng dám cất lên tiếng nói đại diện cho những bức xúc của họ đều bị vô hiệu hóa theo cách này hay cách khác. Bình luận viên có đuôi @tranminhty-ob2dd viết: “Cái sai của ông Nhưỡng là nói thẳng nói thật, động chạm nhiều người, và các vị có tật, đã uất hận trả thù ông. Chuyện này trình độ thấp cũng hiểu được”. Một nick name là @ChauNguyen-mw5nt nhận xét: “Mọi chuyện lùm xùm này không chỉ do do bộ công an, hay do tòa, viện... mà chủ yếu là do chế độ không kiểm soát được quyền lực”. Một nick name khác, @dungthai3224 thì chất vấn: “Lưu Bình Nhưỡng bị bắt hơn tuần nay rồi mà sao đài báo và các quan chức đều im như thóc vậy?”

    Nhưng Quốc hội càng đìu hiu bao nhiêu thì mạng xã hội và đài báo đài quốc tế càng sôi sục bấy nhiêu. Một ngày sau khi ông Nhưỡng bị “bắt khẩn cấp”, RFA có ngay phóng sự dài, phản ánh tâm trạng của dân chúng. Khi không còn người của họ ở nghị trường, người dân phát biểu qua truyền thông quốc tế, dù không dám nêu tên vì lý do an ninh. Theo người này,“cứ mỗi lần chuẩn bị nhân sự của Đảng cho nhiệm kỳ mới là lại có những vụ án gây chấn động dư luận...” và giải thích trường hợp công an bắt nóng ông Nhưỡng là vì “ông đã va chạm quá nhiều đối với những lực lượng siêu quyền lực ở Việt Nam. Người ta muốn ông im lặng trước Đại hội 14” (6).

    Như vậy, cái đích mà ĐCSVN hướng tới trong việc bắt Phó ban Dân nguyện không chỉ là để “bịt mồm” các đại biểu muốn chuyển tải “lòng dân” lên Quốc hội, mà Đảng còn nhắm tới một tương lai xa hơi hơn, đó là “dọn dẹp bãi đáp” cho chuyến bay “chia chác quyền lực”  trong nội bộ. Mặc dầu, việc chia chác này mãi tới 2026 mới xẩy ra. Đúng là “ý Đảng” thật “nhìn xa trông rộng”. Như một sự diễu cợt công khai, người dân so sánh “màn kịch” do chính quyền dựng lên với ông Nhưỡng không khác gì “trường hợp hai bao cao su đã qua sử dụng của Tiến sĩ luật Cù Huy Hà Vũ năm nào...”  Mỉa mai thay nền tư pháp XHCN, hai cánh cổng lớn ở nhà từ đường của ông Nhưỡng hay hai bao cao su đã qua sử dụng trong nhà khách của TS. Vũ đều có thể được đảng dùng làm ‘tang vật” cho các  đại án!!!

    Còn đối với vụ Vạn Thịnh Phát – “cơn động đất chính trị” rung chuyển cả xã hội Việt Nam lẫn hệ thống quyền lực trong nội bộ ĐCS – từ cách đây hơn một năm, nhà báo Trần Đông A đã  từng bình  luận trên VOA: “Đảng và Nhà nước đang sử dụng vụ Trương Mỹ Lan và tập đoàn Vạn Thịnh Phát cho trò chơi ‘vương quyền’ của mình. Nếu vụ này không được xử lý rốt ráo, nhất là khi cựu Bí thư Thành ủy Lê Thanh Hải vẫn nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật thì đấy là sự bỡn cợt ‘nhà đốt lò vĩ đại’ Nguyễn Phú Trọng (7). Ngay cả một vài tờ báo mậu dịch cũng tìm cách “xé rào”, sử dụng ý kiến thảo luận từ các đại biểu hoặc các cuộc phỏng vấn tại hành lang Quốc hội để báo động cho công luận về bản chất các vụ án, chứ không chỉ dừng lại ở “những tảng băng vỡ trên bề mặt”(8).

    Tóm lại, ĐCSVN muốn thông qua các công cụ của mình là Công an và các cơ quan Tư pháp để bằng mọi giá phải “tảo thanh” cho được đội ngũ phản biện “chối tai” tại nghị trường, bất chấp sự công phẫn của xã hội. Bời vì, não trạng hiện nay của lãnh đạo ĐCSVN là, càng có quan hệ “đối tác chiến lược toàn diện” với Mỹ và phương Tây, thì cảng phải tăng cường bắt bớ và đàn áp, đến mức “xóa sổ” được xã hội dân sự cũng như những tiếng nói “trung ngôn” ngay trong nội bộ đảng, ra khỏi sinh hoạt chính trị của đất nước. Tuy nhiên, những đợt sóng Hỏa Diệm Sơn trong lòng chế độ khó có thể dập tắt bằng bạo lực và trấn áp. “Bão ngày mai là gió nổi hôm nay...” Giờ là lúc đảng nên học lại câu thơ này của Tố Hữu!

    ------------------------------------

    THAM KHẢO:

    (1) https://www.rfa.org/vietnamese/news/comment/blog/why-is-luu-binh-nhuong-arrested-11152023083421.html

    (2) https://thanhnien.vn/nu-trung-ta-ksor-hbo-khap-pho-gd-cong-an-tinh-gia-lai-phu-nu-can-coi-troi-chinh-minh-1851512369.htm

    (3) https://xaydungchinhsach.chinhphu.vn/tu-nay-den-het-2023-se-dua-ra-xet-xu-so-tham-4-vu-an-trong-diem-119231122162727724.htm

    (4) https://tuoitre.vn/4-nhom-linh-vuc-nao-se-duoc-quoc-hoi-chat-van-tai-ky-hop-thu-6-20231030203720455.htm

    (5) https://www.youtube.com/watch?v=FZme2HmkkUI

    (6) https://www.rfa.org/vietnamese/in_depth/opinion-surrounding-the-arrest-of-luu-binh-nhuong-11162023102800.html

    (7) https://www.voatiengviet.com/a/van-thinh-phat-sup-do-tu-loan-cao-cao-den-thuyet-am-muu/6788348.html

    (8) https://thanhnien.vn/vu-van-thinh-phat-co-the-chi-la-be-noi-cua-tang-bang-bi-vo-185231121111049744.htm 


    Không có nhận xét nào