Quê Hương tổng hợp
EU chưa rút thẻ vàng IUU cảnh báo thủy sản Việt Nam
14/12/223
Ngư dân trên tàu cá Việt Nam ở đảo Lý Sơn, Quảng Ngãi hôm 20/8/2022 (minh họa)
AFP
Thẻ vàng đánh cá bất hợp pháp-không khai báo-không được quản lý (IUU) mà Liên minh Châu Âu cảnh báo đối với Việt Nam vẫn chưa được gỡ.
Truyền thông Nhà nước Việt Nam dẫn thông báo vừa nêu do Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn (NN-PTNT) Việt Nam- ông Phùng Đức Tiến, đưa ra ngày 13/12 tại cuộc họp trực tuyến Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định (IUU) lần thứ tám dưới sự chủ trì của Trưởng Ban Chỉ đạo IUU- Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang.
Lý do mà Đoàn Thanh tra của Ủy ban Châu Âu EC qua đợt kiểm tra lần thứ tư vào tháng 10 vừa qua chưa đồng ý gỡ thẻ vàng cho Việt Nam được nói vì vẫn còn nhiều tồn tại, hạn chế chậm khắc phục; đặc biệt là công tác tổ chức triển khai thực hiện trên thực tế tại địa phương.
Tin nói nếu tình trạng hiện nay vẫn kéo dài, nguy cơ thẻ đỏ IUU đối với hải sản Việt Nam sẽ rất cao.
Đoàn Thanh tra của EC dự kiến vào tháng 4/2024 sẽ sang Việt Nam trở lại để tiến hành lần kiểm tra thứ năm.
Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang để nghị các bộ, ngành và địa phương có tàu đánh cá trong cả nước từ nay đến ngày 30/4/2024 phải đặt mục tiêu “ghi điểm” với Đoàn Thanh tra của EC để gỡ thẻ vàng IUU.
Việt Nam-Trung Quốc nhất trí xây dựng “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”
Trọng Nghĩa /RFI
14/12/2023
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đã rời Hà Nội vào hôm nay, 13/12/2023, kết thúc chuyến công du hai ngày. Trong một bản tuyên bố chung, hai bên cam kết thúc đẩy quan hệ song phương theo hướng xây dựng một cộng đồng chung mà cách gọi theo phía Việt Nam là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, khác với từ ngữ của phía Trung Quốc là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính (P) và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình (T) tại văn phòng chính phủ Việt Nam ở Hà Nội, ngày 13/12/2023. AP - Nhac Nguyen
Trong bản tuyên bố chung tổng kết chuyến thăm của chủ tịch Trung Quốc được báo chí Việt Nam công bố hôm nay, hai bên đã nhất trí “tiếp tục làm sâu sắc và nâng tầm quan hệ Đối Tác Hợp Tác Chiến Lược Toàn Diện Việt Nam-Trung Quốc”, đồng thời ''xây dựng Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai Việt Nam - Trung Quốc có ý nghĩa chiến lược, nỗ lực vì hạnh phúc của nhân dân hai nước, vì sự nghiệp hòa bình và tiến bộ của nhân loại”.
Về cộng đồng chung mà hai bên đồng ý hướng tới, trong lúc phía Việt Nam gọi đó là “Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai”, thì theo các bản tin trên Tân Hoa Xã, từ ngữ phía Trung Quốc dùng là “Trung Việt Mệnh Vận Cộng Đồng Thể”, tức là “Cộng Đồng Chung Vận Mệnh”.
Theo nhận định của hãng tin Mỹ AP, đây là một nhượng bộ ngoại giao từ phía Việt Nam, vốn cho đến gần đây vẫn tránh dùng khái niệm đó. Tuy nhiên lần này, Hà Nội đã đồng ý nhằm xoa dịu những lo ngại của Bắc Kinh sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với cả Hoa Kỳ lẫn Nhật Bản lên hàng “Đối Tác Chiến Lược Toàn Diện”.
AP trích lời một chuyên gia nghiên cứu tại Viện Nghiên Cứu Đông Nam Á ISEAS-Yusof Ishak ở Singapore, cho rằng nhượng bộ trên ngôn từ của Hà Nội “không có nghĩa là Việt Nam ủng hộ các sáng kiến chính trị do Trung Quốc lãnh đạo, mà là một hành động phòng ngừa tế nhị, đặc biệt sau khi nâng cấp quan hệ với Mỹ và Nhật gần đây.” Theo chuyên gia này, đây là “một động thái được chờ đợi trong bối cảnh ông Tập Cận Bình đã đích thân đến Hà Nội.”
Theo ghi nhận của các nhà quan sát, khi chấp nhận cùng với Trung Quốc xây dựng một "Cộng Đồng Chia Sẻ Tương Lai", Việt Nam đã nối gót một số quốc gia Đông Nam Á khác như Lào, Cam Bốt, Miến Điện, hay Thái Lan, Indonesia.
Nhân chuyến công du Việt Nam, lãnh đạo Trung Quốc cũng không quên nhắc nhở Việt Nam về quan hệ với Mỹ. Theo hãng tin Pháp AFP, phát biểu vào hôm nay tại Hà Nội, ông Tập Cận Bình cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần phải phản đối mọi “nỗ lực gây rối ở Châu Á-Thái Bình Dương”. Ông Tập không nhắc đến nước nào, nhưng trong thời gian gần đây, Bắc Kinh liên tục tố cáo Mỹ là “kẻ gây rối tại vùng châu Á” và không mấy thiện cảm với việc Mỹ mở rộng ảnh hưởng qua Việt Nam.
Trong chuyến đi của ông Tập Cận Bình, Việt Nam và Trung Quốc đã ký kết hơn 30 thỏa thuận, trong đó có kế hoạch phát triển các tuyến đường sắt giữa Việt Nam và Trung Quốc, hay trong lãnh vực viễn thông. Tuy nhiên, theo Reuters, không có thỏa thuận nào được công bố về đất hiếm, mặc dù ông Tập Cận Bình từng kêu gọi hợp tác rộng rãi hơn về các khoáng sản trọng yếu.
Lưu Trọng Văn - Tuyên truyền hiệu quả nhất là "thấy mới tin"
Gã từ bản Lướt xa xôi về Hà Nội đúng lúc kẹt đường như nêm, ngạc nhiên thấy bà con Hà Nội xôn xao nhất về chuyến thăm Hà Nội của ngài Tập là tuyến đường nào bị phong tỏa để tránh kẹt.
Trong khi đó ở Hà Nội bà con khoái trá bàn tán nhiều nhất là chuyện chàng áo da đen Huang, chủ tập đoàn nghìn tỉ đô la Nvidia, ăn bún ốc vỉa hè, cam kết đào tạo một triệu người am hiểu AI cùng lập căn cứ thứ hai về công nghệ chip của tập đoàn ngàn tỉ đô la này tại Việt Nam.
Ai cũng biết cái gì thực sự đang diễn ra trong suy nghĩ, tâm trí, tình cảm của đa số Dân Việt đối với các ông chủ láng giềng khổng lồ Trung Quốc và đối với các ông chủ công nghệ Mỹ.
Chính vì vậy, trước làn sóng tuyên truyền xưa nay không như ý này, sẽ không ngạc nhiên khi tìm hiểu 36 văn bản ký kết giữa Trung Quốc và Việt Nam sẽ thấy có đến 9 văn bản tức 1/4 liên quan đến Tuyên giáo- Tuyên truyền.
Trong đó những thỏa thuận về Tuyên giáo - Tuyên truyền giữa hai đảng cộng sản cầm quyền được đưa lên hàng đầu tiên:
1. Thỏa thuận hợp tác giữa Ban Tuyên giáo Trung ương đảng cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương ĐCS Trung Quốc giai đoạn 2024 -2028 .
2. Bản Ghi nhớ giữa Ban Tuyên giáo Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam và Ban Tuyên truyền Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về việc dịch và xuất bản các tác phẩm kinh điển.
Và tiếp theo là các thỏa thuận, bản ghi nhớ về Tuyên giáo- Tuyên truyền- Truyền thông giữa các bộ, ngành liên quan:
20. Bản ghi nhớ hợp tác giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam với Bộ Thương mại Trung Quốc về hợp tác đầu tư trong lĩnh vực kinh tế số.
21. Biên bản nhớ về hợp tác trong lĩnh vực viễn thông, công nghệ thông tin, truyền thông và chuyển đổi số giữa Bộ Thông tin và Truyền thông Việt Nam và Bộ Công nghiệp và Công nghệ Thông tin Trung Quốc.
22. Biên bản ghi nhớ về hợp tác trong lĩnh vực truyền thông số giữa Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và Tổng cục Phát thanh Truyền hình Nhà nước Trung Quốc.
23. Biên bản ghi nhớ về trao đổi hợp tác truyền thông giữa Bộ Thông tin và Truyền thông nước CHXHCN Việt Nam và Văn phòng Báo chí Quốc vụ viện nước CHND Trung Hoa.
24. Biên bản Ghi nhớ về tăng cường hợp tác kinh tế số và dữ liệu số giữa Bộ Thông tin Truyền thông Việt Nam và Cục Quản lý Dữ liệu quốc gia nước CHND Trung Hoa.
31. Thỏa thuận hợp tác giữa Đài Tiếng nói Việt Nam (VOV) và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).
32. Bản Ghi nhớ hợp tác giữa Đài truyền hình Việt Nam (THVN) và Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CMG).
Bà con chè chén chém gió vỉa hè Hà Nội cho rằng:
Ồi dào, anh chàng áo da đen, chủ Công ty chip nghìn tỉ USD Nvidia Jensen Huang nó có tuyên truyền quái gì đâu, chỉ cần chia sẻ công nghệ chip ở Việt Nam ai cũng hoan hô Huang.
Còn mọi lời vàng ngọc tốt đẹp đặc biệt của ông bạn vàng đổ sông biển hết ráo nếu:
1/ Tàu đánh cá của bà con Việt mình bị tàu lạ phun vòi rồng, đâm chìm ở vùng biển của mình tại Hoàng Sa, Trường Sa.
2/ Ông bạn vàng tiếp tục quân sự hoá các đảo của Việt Nam bị cưỡng chiếm mà không chịu trả cho anh em cùng “vận mệnh chia sẻ tương lai” những gì họ cướp đoạt của Việt Nam.
3/ Ông bạn vàng tiếp tục chặn dòng Mê Kông, cổ vũ Campuchia cùng chặn dòng Mê Kông triệt đường sống của nông dân Nam bộ.
Vân vân…
Chao ôi, hơn bao giờ hết người Việt Nam mình nguyền rằng: Thấy mới tin.
Tập Cận Bình sẽ chả cần bộ máy tuyên truyền nào hết để ngợi ca. Khi xóa bỏ tham vọng “đường lưỡi chó” ở Biển Đông và trả lại chủ quyền Hoàng Sa, Trường Sa cho Việt Nam, lập tức sẽ được cả triệu người vẫy cờ hoa chào đón. Lập tức các quán nhậu khắp nơi sẽ zô zô và hát: Việt Nam Trung Hoa núi liền núi, sông liền sông…
LƯU TRỌNG VĂN 13.12.2023
Thấy gì qua Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023?
Định Tường /VNTB
14/12/2023
(VNTB) – Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Ở góc độ quản trị nhà nước, báo cáo cho rằng chưa thấy sự kết nối của quy hoạch từng địa phương với tổng thể vùng, cơ chế quản trị tài nguyên phân mảnh, cơ chế điều phối vùng và giữa các tỉnh thành còn rời rạc, chưa tạo kết quả mong đợi…
Báo cáo kinh tế thường niên ĐBSCL năm 2023 được công bố vào sáng ngày 12-12 tại thành phố Cần Thơ một lần nữa cho thấy bức tranh của vùng kinh tế châu thổ này, tuy có những điểm sáng đáng kể, song vẫn còn nhiều khía cạnh cần phải lưu tâm. Theo đó, ở góc độ điều hành thị trường, chuỗi giá trị còn bị chia cắt, các cụm ngành sản xuất lớn chưa hoàn chỉnh, thị trường tài chính tín dụng chưa thực sự phát huy để thúc đẩy, hỗ trợ cho các ngành chủ lực phát triển… Quá trình nghiên cứu cho thấy có những điểm nghẽn về thể chế, quản trị và liên kết vùng, nếu không có giải pháp kịp thời thì nó không chỉ làm tiêu hao nguồn lực mà có thể còn làm giảm động lực của bộ máy, không khai thác được lợi thế giữa các địa phương, không nâng cao năng lực cạnh tranh của kinh tế vùng ĐBSCL nói riêng cũng như cho quốc gia nói chung. Điểm đáng lưu tâm là vòng xoáy đi xuống về nguồn nhân lực vẫn đang tiếp diễn, chất lượng lao động, tỷ lệ lao động qua đào tạo của vùng tuy có cải thiện song vẫn luôn là một quan ngại lớn. Trong năm 2022, tỷ lệ này tại ĐBSCL chỉ đạt 15%, thấp hơn cả Tây Nguyên (17%) và thấp hơn nhiều so với cả nước (26%). Số lượng và chất lượng lao động thấp đã làm suy giảm đáng kể tính cạnh tranh của vùng. Theo nhóm nghiên cứu, tuy nông nghiệp giữ vai trò quan trọng nhất trong GRDP của vùng nhưng lại không phải là động lực chính thúc đẩy kinh tế. Ngành này hiện tạo ra 34% GRDP của vùng, được đầu tư lớn thứ 2 với khoảng 32.000 tỷ đồng mỗi năm, nhưng chỉ đạt tốc độ tăng trưởng là 3%. Theo báo cáo, ĐBSCL giàu tiềm năng nhưng lại đang tụt hậu so với đà tăng trưởng kinh tế của cả nước. Nếu như 2 thập niên trước vùng đóng góp khoảng 16% GDP của cả nước thì đến nay tỷ trọng này chỉ còn 12%. Còn so với TP.HCM, mức độ tụt hậu của ĐBSCL nghiêm trọng hơn khi chỉ xấp xỉ 3/4.
Tại lễ công bố, tiến sĩ Vũ Thành Tự Anh, trưởng nhóm nghiên cứu, đưa ra 5 khuyến nghị để khắc phục các nút thắt cho vùng ĐBSCL, đó là:
1. Sửa đổi Luật Đất đai;
2. Tư duy mới về an ninh lương thực;
3. Quản trị và quản lý tài nguyên nước;
4. Thể chế quản trị và điều phối vùng;
5. Các thể chế liên kết phi chính thức và vi mô.
Theo ông Tự Anh, chỉ khi bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 trong năm 2020, 2021 thì người lao động mới trở về ĐBSCL. Nhưng đến năm 2022 khi hết dịch, người dân lại di chuyển đến các vùng khác tìm kiếm việc làm và cho rằng “đó là quy luật khách quan của thị trường, lao động sẽ về đâu có nhiều cơ hội nhất, có điều kiện phát triển nhiều nhất”. “Đây là điều đáng suy nghĩ đối với các nhà làm chính sách. Khi chúng ta chấp nhận phải có lượng di dân, nhưng ngay khi di dân rồi thì với lực lượng còn lại vẫn thất nghiệp cao, vẫn thiếu công ăn việc làm. Thực trạng đó có nghĩa là chúng ta đang thiếu cơ hội nội sinh của nền kinh tế ĐBSCL”, ông Vũ Thành Tự Anh phân tích.
Vẫn theo ông Tự Anh, có điều thú vị là ở ĐBSCL, dù các doanh nghiệp có tỷ suất lợi nhuận thấp nhưng tỷ lệ doanh nghiệp có lãi lại cao, với khoảng 52% các doanh nghiệp trong vùng báo cáo có lãi. “Có một lý do đằng sau chuyện này là không gian kinh tế chúng ta còn rộng rãi, mức độ cạnh tranh chưa quá gay gắt nên kinh doanh ở đây vẫn dễ có lãi hơn các vùng khác. Tuy nhiên có lãi đấy nhưng lãi rất mỏng, làm sao tăng lên. Lãi mỏng là do chi phí cao, chi phí logistics, nguyên vật liệu đầu vào đều cao, trong khi giá bán thì phải theo thị trường, cạnh tranh sòng phẳng các vùng khác” – ông Tự Anh lưu ý.
Về mặt kinh tế, ĐBSCL đang phải đối diện với ít nhất ba “vòng xoáy đi xuống” bao gồm “vòng xoáy ngân sách”, “vòng xoáy lao động” và “vòng xoáy cấu trúc kinh tế”. Nhóm nghiên cứu chỉ ra thông điệp chủ chốt trong Báo cáo này là làm sao phá vỡ một số mắt xích của các vòng xoáy đi xuống về kinh tế - xã hội - môi trường, sau đó đảo ngược thành các vòng xoáy đi lên cho ĐBSCL. Tất nhiên, đây cũng chính là câu chuyện dài của vùng đất trù phú và cũng đã được bàn luận của rất nhiều diễn đàn trước đây.
Đ.T.
Nguồn: Vietnamthoibao.org
TPHCM khởi công xây dựng cụm trường học ở Vườn Rau Lộc Hưng, người dân tiếp tục khiếu nại
RFA
14/12/2023
Một góc Vườn rau Lộc Hưng trước khi bị cưỡng chế đầu năm 2019
Fb Vườn Rau Lộc Hưng Pháp Lý
Chính quyền quận Tân Bình (thành phố Hồ Chí Minh) đã khởi công xây dựng cụm trường học trên khu đất thuộc Vườn rau Lộc Hưng (VRLH) trong khi người dân bị cưỡng chế ở khu vực này tuyên bố sẽ tiếp tục gửi đơn khiếu nại và tố cáo lên cơ quan trung ương.
Theo báo mạng Công an thành phố HCM ngày 11/12, quận Tân Bình sẽ xây dựng Trường mầm non Sơn Ca, Trường tiểu học Hùng Vương, và Trường THCS Mạc Đĩnh Chi trên phần đất hơn 5 héc-ta tại Phường 6. Dự kiến dự án này sẽ được hoàn thành vào cuối tháng tư năm tới.
Đây chính là phần đất mà chính quyền địa phương cưỡng chế từ người dân ở VRLH sau khi sử dụng máy móc san bằng hơn 500 ngôi nhà cùng vườn tược của họ ở nơi đây vào đầu năm 2019.
Ông Cao Hà Trực, một trong số người dân có nhà bị phá huỷ và đất đai trồng rau bị thu hồi, cho biết vào ngày 12/12, chính quyền quận đã thực hiện nghi thức khởi công dự án cụm trường học cho dù chưa giải quyết các khiếu nại của gần 100 người dân.
Ông nói với Đài Á Châu Tự Do (RFA) trong ngày 14/12:
“Ngày 12/12, họ đã thực hiện cái chuyện gọi là khởi công xây cụm trường học ở trên đất Vườn Rau Lộc Hưng.
Đến ngày hôm nay thì họ vẫn chưa có động thái trả lời khiếu nại và tố cáo và chúng tôi tiếp tục chuẩn bị gửi đơn từ tiếp theo cho những sự kiện mới xảy ra như là rào đất ở chúng tôi khi có khiếu nại và tố cáo.
Thứ hai nữa là họ tuyên bố khởi công trên mặt đất (đã san bằng -PV) cho nên là về vấn đề này thì sắp tới đây nhóm của chúng tôi có đơn từ tiếp.”
Như đã đưa tin, vào sáng sớm ngày 07/12, chính quyền thành phố và quận Tân Bình huy động lực lượng công an và dân phòng với số lượng lớn phong toả các con đường ở khu vực xung quanh VRLH và cho công nhân cùng máy móc đổ cọc bê-tông và dùng tôn quây kín phần đất VRLH.
Mấy ngày tiếp sau đó, công nhân sử dụng máy móc để chặt cây và đổ cát san nền.
Ông Trực cho biết trong năm ngày liên tục, chính quyền cho nhiều công an mặc thường phục chốt chặn gần nhà ông và nhiều người dân có đất ở VRLH bị tịch thu để quấy rối và khủng bố tinh thần của họ.
Việc quấy rối này chỉ chấm dứt từ ngày 12/12 đến nay khi chính quyền chính thức khởi công công trình trên.
Ông Trực nằm trong số khoảng 90 người dân chưa nhận hỗ trợ cho việc nhà cửa vườn tược bị thu hồi. Họ cho rằng nếu thực sự chính quyền địa phương muốn triển khai Dự án xây dựng trường học trên khu đất VRLH thì cũng cần phải có chính sách bồi thường thoả đáng và đúng quy định pháp luật, bảo đảm quyền lợi hợp pháp của người dân khi thu hồi đất vì giá hỗ trợ 11.250.000 đồng/mét vuông là quá thấp.
Người dân VRLH khẳng định họ không phản đối dự án xây dựng vì lợi ích cộng đồng xã hội nếu chính quyền quận Tân Bình thực hiện theo đúng trình tự pháp luật quy định.
Họ quả quyết việc sử dụng đất có nguồn gốc rõ ràng, lương thiện và hợp pháp liên tục từ trước năm 1975 đến năm 2019- là thời điểm bị cưỡng chế. Họ có đóng thuế đất, kê khai và được Uỷ ban Nhân dân phường 6 xác nhận, và do vậy, có đủ điều kiện để được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định tại Luật đất đai.
Theo họ, với mức hỗ trợ mà chính quyền địa phương công bố gần đây, họ không có đủ khả năng để tìm nơi ở mới cũng như có công ăn việc làm thay thế.
Không có nhận xét nào