Bình luận của Hà Lệ Chi/Việt Nam
08/12/2023
Bộ trưởng Ngoại giao TQ Vương Nghị và Phó thủ tướng VN Trần Lưu Quang tại Hà Nội hôm 1/12/2023
AFP
Chuyến đi của Vương Nghị
Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị mới có chuyến thăm Hà Nội gần đây. Chuyến đi này được coi là “dọn đường” cho chuyến thăm của Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ sang thăm Việt Nam từ ngày 12-13/12/2023 (1)
Theo phía Trung Quốc thì đây là chuyến thăm đáp lễ của ông Tập, khi năm ngoái, vào đầu tháng 11, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có chuyến thăm Trung Quốc ngay sau khi đại hội đảng 20 của Đảng cộng sản vừa kết thúc.
Tuy nhiên, mặc dù không nói ra, nhưng giới quan sát đều có thể nhận ra, chuyến thăm này của ông Tập không chỉ đơn thuần là một chuyến thăm đáp lễ, mà là một chuyến đi nhằm cân bằng lại vị thế và ảnh hưởng của Bắc Kinh đối với nước cộng sản láng giềng là Việt Nam.
Hồi tháng 9 năm nay, Việt Nam đã có một quyết định lịch sử khi quyết định nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đối với Mỹ - nước cựu thù của Việt Nam và hiện nay đang là đối thủ lớn nhất của Trung Quốc.
Sau khi Việt Nam và Mỹ nâng cấp quan hệ, mới đây Việt Nam cũng nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất đối với Nhật Bản - đồng minh truyền thống và thân thiết của Washington ở châu Á, cũng là một đối thủ của Trung Quốc.
Trong sự cạnh tranh quyết liệt Mỹ - Trung, vai trò của ASEAN rất quan trọng trong chiến lược của cả hai cường quốc này. Việt Nam đang đóng một vai trò tích cực trong khối ASEAN và trên trường quốc tế, cho nên cả Mỹ và Trung Quốc đều muốn thúc đẩy quan hệ với Việt Nam.
Phái đoàn đi cùng ông Tập lần này sẽ có cả bà Bành Lệ Viện - vợ của ông Tập, cùng với Ủy viên Thường vụ Bộ Chính trị Trung Quốc, Chánh Văn phòng Trung Ương Thái Kỳ, các Phó Thủ tướng của Quốc Vụ Viện Trung Quốc…
Hà Nội mong muốn gì từ Bắc Kinh?
Nội dung các đàm phán và thoả thuận của hai bên sẽ là chủ đề nhiều người quan tâm. Đối với Hà Nội, vấn đề cần ưu tiên hàng đầu của họ chính là tăng cường các hoạt động kinh tế - thương mại với thị trường lớn nhất hành tinh này.
Điều này được thể hiện rõ trong các phát biểu của giới chức Việt Nam mà báo chí trong nước đưa tin. Trong cuộc gặp gỡ giữa ông Vương Nghị và ông Trần Lưu Quang - Phó Thủ tướng Chính phủ, ông Quang đã “đề nghị hai bên phối hợp nâng cao hiệu suất thông quan hàng hóa tại các cửa khẩu, lối mở, cặp chợ biên giới Việt - Trung; đẩy nhanh tiến độ mở cửa thị trường Trung Quốc cho một số loại nông, thủy sản của Việt Nam; sớm hoàn tất thủ tục thành lập Văn phòng Xúc tiến thương mại Việt Nam tại Hải Khẩu, tỉnh Hải Nam; tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam triển khai các hoạt động xúc tiến thương mại, xúc tiến đầu tư và tham dự các hội chợ, triển lãm lớn tại Trung Quốc.
Cùng với đó, đẩy nhanh kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt giữa hai bên; thúc đẩy hợp tác du lịch quay trở lại mức như trước dịch COVID-19” (2).
Đây là vấn đề Việt Nam luôn trông đợi từ Trung Quốc. Trong cuộc gặp giữa ông Vương Nghị và ông Bùi Thanh Sơn - Ngoại trưởng Việt Nam, ông Sơn cũng lặp lại điều này: “Bộ trưởng Ngoại giao Bùi Thanh Sơn đề nghị Trung Quốc tiếp tục mở rộng nhập khẩu hàng hóa, nông thủy sản của Việt Nam; tăng cường kết nối hạ tầng giao thông, nhất là đường sắt và đường bộ; tích cực trao đổi, sớm tìm ra phương án giải quyết dứt điểm các dự án tồn đọng vướng mắc; tạo điều kiện về thủ tục để Việt Nam sớm thành lập các Văn phòng Xúc tiến thương mại tại một số địa phương Trung Quốc.” (3)
Hà Nội đang chờ mong Bắc Kinh sẽ đáp ứng một phần các nguyện vọng này của Việt Nam.
Các xe container chở hàng chờ tại cửa khẩu Hữu Nghị giữa Việt Nam và Trung Quốc năm 2020. Reuters
Trung Quốc muốn gì?
Người Việt Nam có câu “Bánh ít đi, bánh quy lại” hay nói như người phương Tây “không có bữa trưa nào là miễn phí cả”. Bắc Kinh từ xưa đến nay, luôn sử dụng sức mạnh thị trường để đổi lấy việc ủng hộ các quyết sách chính trị của họ.
Báo chí Trung Quốc cho biết, Vương Nghị trong cuộc gặp với Bùi Thanh Sơn tại Hà Nội cho rằng Trung Quốc và Việt Nam cần tích cực thúc đẩy hợp tác cùng có lợi trên biển, ngăn chặn sự can thiệp của các thế lực bên ngoài, đẩy nhanh tham vấn về Bộ Quy tắc ứng xử ở Biển Đông và biến Biển Đông thành một vùng biển hòa bình và hợp tác (4).
Bộ trưởng Ngoại giao Trung Quốc cũng nhắc nhở rằng Trung Quốc và Việt Nam có cùng hệ thống xã hội và có chung lý tưởng cũng như niềm tin.Ông Vương nói thêm rằng việc xác định một vị thế mới và đặt ra các mục tiêu mới cho mối quan hệ sẽ không chỉ mở ra những triển vọng mới cho sự phát triển của mối quan hệ mà còn có những đóng góp mới cho sự phát triển của hai nước. vì hòa bình và tiến bộ của nhân loại (5).
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam cho biết, phía Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp, hợp tác với phía Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực, duy trì hòa bình, ổn định trên biển theo sự đồng thuận cấp cao giữa hai nước (6).
Tàu cảnh sát biển Việt Nam đi qua một tàu hải cảnh của Trung Quốc tại giàn khoan dầu Trung Quốc triển khai ra vùng Biển Đông hôm 14/5/2014 (minh hoạ) gây căng thẳng trong quan hệ hai nước. AFP
Vành đai và Con đường
Một Sáng kiến nổi tiếng của Chủ tịch Tập mang tên Vành đai Con đường (BRI), chắc chắn sẽ là một nội dung quan trọng sẽ được thông báo với những dự án cụ thể như tuyến đường sắt Lào Cai - Hải Phòng và trục đường sắt cao tốc Bắc - Nam.
Trong chuyến thăm Hà Nội mới đây, ông Vương Nghị tái khẳng định “hai bên tăng cường kết nối chiến lược giữa sáng kiến “Vành đai, Con đường” với khuôn khổ “Hai hàng lang, một vành đai”, thúc đẩy hợp tác kinh tế - thương mại, đầu tư; giao lưu văn hóa, giáo dục, du lịch; phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn quốc tế.” (7)
Một bài viết của Tiến sĩ Nguyễn Thị Phương Hoa mới đây cho biết rõ hơn về điều này:
“Kết nối về kết cấu hạ tầng đã có nhiều kết quả khi hai nước thực hiện kết nối BRI với “Hai hàng lang, một vành đai kinh tế”. Trong những năm gần đây, Trung Quốc đẩy mạnh thực hiện Tuyến đường bộ - đường biển mới phía Tây, coi đó là một hợp phần của BRI ở khu vực phía Nam, thông qua việc triển khai kết nối đường sắt Trung Quốc - Lào, Trung Quốc - Thái Lan, Thái Lan - Lào. Vì vậy, đẩy nhanh kết nối hợp tác Lan Thương - Mê Công, kết nối Việt Nam với Tuyến đường bộ - đường biển mới là một điểm nhấn hợp tác mới mà Trung Quốc mong muốn, bao gồm kết nối từ hướng Quảng Tây và kết nối từ hướng Vân Nam (kết nối đường sắt Vân Nam - Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng). Tuyên bố chung năm 2022 nêu “sớm hoàn thiện đánh giá Quy hoạch tuyến đường sắt khổ tiêu chuẩn Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng” và “tập trung trao đổi thống nhất phương án kết nối đoạn đường sắt giữa ga Lào Cai (Việt Nam) - ga Hà Khẩu Bắc (Trung Quốc)”. Trong thời gian tới, hai nước tập trung hợp tác trong các lĩnh vực năng lượng tái tạo, thương mại điện tử, chuyển đổi số và kinh tế số, đường sắt cao tốc Bắc - Nam.” (8)
Cộng đồng chung vận mệnh
Trung Quốc đã đưa ra các sáng kiến toàn cầu của mình, và một vấn đề nhiều quốc gia quan tâm đó là liệu Việt Nam có tham gia Cộng đồng chung vận mênh với Trung Quốc?
Mặc dù báo chí Việt Nam lặng im không đề cập đến vấn đề này. Nhưng báo chí Trung Quốc lại dẫn lời Ngoại trưởng Bùi Thanh Sơn cho biết: “Phía Việt Nam sẵn sàng tăng cường phối hợp, hợp tác với phía Trung Quốc trong các vấn đề quốc tế và khu vực, ủng hộ xây dựng cộng đồng có tương lai chung cho nhân loại, Sáng kiến Phát triển Toàn cầu, Sáng kiến An ninh Toàn cầu và Sáng kiến Văn minh Toàn cầu.” (9)
Giáo sư Alexander Vuving, Trung tâm nghiên cứu an ninh châu Á - Thái Bình Dương của Mỹ, có đưa một đoạn lên tài khoản riêng của ông ta trên trang X (Twitter), với nội dung:
“Liệu Việt Nam có chịu khuất phục và gia nhập “cộng đồng chung vận mệnh” Trung Quốc? Áp lực là rất lớn. Tất cả các nước khác trong tiểu vùng sông Mê Kông (Lào, Campuchia, Myanmar, Thái Lan) và thậm chí cả Indonesia (bên kia Biển Đông) đều đã tham gia. Nhưng đối với Việt Nam…
... một "cộng đồng chung vận mệnh" với Trung Quốc là vô cùng rủi ro. Nó sẽ mang lại cho Bắc Kinh đòn bẩy mạnh mẽ để gây sức ép hơn nữa với Việt Nam trong nhiều vấn đề khác nhau. Nó sẽ tương đương với việc Việt Nam chấp nhận “tình trạng bình thường mới” của Trung Quốc ở Biển Đông: tăng cường hiện diện trên các đảo mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, tước bỏ vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, quấy rối các hoạt động của Việt Nam ở Biển Đông. Với “quan hệ đối tác chiến lược toàn diện” mới với cả Mỹ và Nhật Bản, Việt Nam giờ đây có thêm sức mạnh để chống lại mồi của Trung Quốc. Liệu Hà Nội có đủ can đảm để làm điều đó hay không thì chưa rõ. Các cuộc gặp của Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị tại Hà Nội đưa ra một số gợi ý về điều này. Ông ấy đến đó để chuẩn bị cho chuyến thăm của Tập Cận Bình (vào tháng 12?). Trong khi các thông tin của Việt Nam im lặng về việc nâng cấp, thì các thông tin của Trung Quốc cho biết, "Hai bên đã đạt được sự đồng thuận quan trọng về việc nâng cấp quan hệ song phương, điều này sẽ mở ra một giai đoạn mới của quan hệ song phương, ông Vương nói.”
Có thể không có thỏa thuận cụ thể nào về một “cộng đồng chung vận mệnh”, chỉ có sự sẵn sàng chung để nâng cấp quan hệ. Có thể Việt Nam đang cố gắng đòi hỏi nhiều nhượng bộ hơn từ Trung Quốc vì lời “đồng ý” của mình. Có thể họ đang cố gắng tìm một tên gọi khác cho mối quan hệ đang được nâng cao của mình.
Nhưng có một điều rõ ràng: Sự phản kháng của Việt Nam đối với Bắc Kinh có giới hạn theo đại chiến lược hiện tại của Hà Nội.” (10)
Có lẽ, chúng ta cùng trông chờ bản lĩnh và sự khéo léo của “chính sách ngoại giao cây tre” của Việt Nam có thực sự thể hiện qua lần này.
_______
Tham khảo:
1. https://vn.rti.org.tw/news/view/id/2010578
2. https://baophapluat.vn/day-nhanh-tien-do-mo-cua-thi-truong-trung-quoc-cho-nong-thuy-san-cua-viet-nam-post497429.html
3. https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-bui-thanh-son-hoi-dam-voi-bo-truong-ngoai-giao-trung-quoc-vuong-nghi-post1062908.vov
4. https://news.cgtn.com/news/2023-12-02/China-Vietnam-agree-to-jointly-maintain-peace-stability-at-sea-1pcw81yXMJO/index.html
5. https://news.cgtn.com/news/2023-12-02/China-Vietnam-agree-to-jointly-maintain-peace-stability-at-sea-1pcw81yXMJO/index.html
6. https://news.cgtn.com/news/2023-12-02/China-Vietnam-agree-to-jointly-maintain-peace-stability-at-sea-1pcw81yXMJO/index.html
7. https://vov.vn/chinh-tri/bo-truong-bui-thanh-son-hoi-dam-voi-bo-truong-ngoai-giao-trung-quoc-vuong-nghi-post1062908.vov
8. https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/tin-binh-luan/-/asset_publisher/DLIYi5AJyFzY/content/tiep-tuc-cung-co-quan-he-huu-nghi-truyen-thong-lam-sau-sac-hon-quan-he-doi-tac-hop-tac-chien-luoc-toan-dien-viet-nam-trung-quoc
9. https://english.news.cn/20231202/c49d48a9004642d4a27f57fbfb07101d/c.html
10. https://x.com/Alex_Vuving/status/1731146140052291724?s=20
* Tác giả Hà Lệ Chi là một nhà nghiên cứu độc lập, đã tốt nghiệp ngành quan hệ quốc tế ở Úc. Hà Lệ Chi đã có thời gian làm việc tại Bộ Ngoại giao Việt Nam. hiện tác giả đang sinh sống và làm việc tại Việt Nam.
Không có nhận xét nào