Tạp Ghi - Anh Phương Trần Văn Ngà
21/12/2023
" Trên đây là những con số biết nói về một cuộc chiến phi lý, đáng lẽ không xảy ra nếu cộng sản quốc tế và CSVN không có ý đồ thôn tính cả nước Việt Nam... và thế giới. Hơn nữa, cuộc chiến tranh dai dẳng tại Việt Nam giữa 2 đối cực quốc cộng cũng minh chứng rõ ràng thế giới dân chủ tự do và tập đoàn cộng sản quốc tế phải trả một cái giá quá đắt. Với sự đau thương mất mát to lớn về số người thương vong của 2 miền Nam Bắc Việt Nam (trên dưới 5 triệu), hơn 58 ngàn chiến sĩ Mỹ đã hy sinh cùng với nhiều ngàn chiến sĩ đồng minh khác của VNCH cũng đã chết trận. Và với chiến phí kinh hoàng hàng mấy trăm tỷ đô la thật là điên rồ, vô lý cũng vì đế quốc cộng sản quyết chiến chiếm cho bằng được Miền Nam Việt Nam để cào bằng với "xã hội chủ nghĩa" của Miền Bắc VN đang nghèo khổ cùng cực".
Ngày Quốc Hận lần thứ 45, đánh dấu ngày mất nước Việt Nam Cộng Hòa từ ngày 30.4.1975 - sự xâm lược, xé toạc Hiệp Định Paris năm 1973 của một tập đoàn toàn trị độc ác cộng sản Bắc Việt, cưỡng chiếm cho bằng được Miền Nam tự do bất chấp đạo lý.
Sau ngày 30.4, hơn một tháng, đánh dấu ngày tôi làm tài xế đầu tiên "đèo" bà xã đến trường Pétrus Ký "trình diện" Ban Quân Quản, đóng đủ tiền ăn một tháng trên 13 ngàn cho một người để được "ở tù cải tạo". Sau bao năm, tôi và bà xã đi làm việc có xe đưa rước riêng, ít khi nào đi cùng một xe mà là "xế điếc" nữa như sau 30 tháng tư năm 1975. Kỷ niệm này làm cho tôi nhớ mãi cái ngày tàn tạ đau thương đổi đời của đất nước Việt Nam Cộng Hòa và của gia đình tôi. Vợ chồng tôi trình diện đi ở tù cùng một chỗ, cùng một ngày và được nhà hàng Ngọc Lan Đình đãi cho một bữa ăn như tiệc cưới mà vợ chồng tôi nuốt không vô vì mãi nhớ đến bốn đứa con nhỏ từ 3 đến 9 tuổi đang nheo nhóc xa mẹ cha, sống với bà ngoại và dì, chưa biết bao giờ chúng tôi gặp lại... Lúc bấy giờ tôi đúng 40 tuổi. Thời gian qua nhanh như là một giấc mộng, bây giờ, tôi lên hàng U90 và ngày lên bàn thờ không còn xa nữa. (Sacramento 30.4.2020)
Nhân một chuyến về quê thăm gia đình, tôi có dịp đi thăm bà con ở nhiều tỉnh Miền Tây - Đồng bằng sông Cửu Long, "những kỷ niệm xưa còn gợi ta chi?! như là những mũi kim đâm vào da thịt, làm cho tôi nhớ lại chiến trường xưa ở Miền Tây đã nuốt trọn những năm tháng trai trẻ tươi đẹp nhứt cúa tôi - từ năm 1963 đến năm 1970.
Thời oanh liệt, nay còn đâu?! Sau hơn nửa thế kỷ, bây giờ đã qua tuổi 85, kỷ niệm chiến trường xưa lại dồn dập quay về trong ký ức.
Những biến cố về quân sự, những trận chiến ác liệt khắp bốn Vùng Chiến Thuật cũng trở lại trong tâm thức, những con số tử vong giữa ta & địch (VC), và đồng minh. Những con số biết nói về những năm tháng nghiệt ngã trong các trại tù khổ sai "cải tạo" của cộng sản VN đối với những người ngã ngựa, chỉ vì tội yêu nước, yêu dân chủ tự do mà phải trả một cái giá quá đắt cho một kiếp người bị thua cuộc.
Tôi miên man suy tư, nhớ nhiều, vội ghi lại để chúng ta những chiến sĩ già về tuổi tác mà sự nhận xét và suy nghĩ vẫn còn tinh anh và trung thực, ôn cố tri tân.
Tôi viết tổng lược những sự kiện lịch sử qua những con số biết nói.
Nếu so sánh sự thiệt hại về người, Hoa Kỳ tham chiến ở chiến trường Việt Nam hơn 10 năm mà tử sĩ, có 58,220 (có tài liệu khác: 58,307) hy sinh và trên dưới 300 ngàn bị thương nhẹ nặng... Còn đại dịch COVID 19, Hoa Kỳ công bố chính thức chưa tới 2 tháng (tháng 3&4.2020) - tính đến sáng sớm ngày 30.4.2020, Hoa Kỳ đã có số tử vong hơn 61,000 người và có trên một triệu (1,04,488) người bị nhiễm coronavirus Vũ Hán. Ngân sách quốc gia HK, chỉ có một tháng rưỡi, chi ra một số tiền khổng lồ trên 3 ngàn tỷ USD so với 150 tỷ chiến phí trên 10 năm ở Việt Nam chỉ là 1 hạt muối bỏ biển, có nhầm nhò gì đâu mà Hoa Kỹ vẫn bỏ của chạy lấy người!!!
Thật trớ trêu và oan nghiệt cho một đất nước nhược tiểu tự do dân chủ Việt Nam Cộng Hòa non trẻ đã bị đồng minh Hoa Kỳ chôn sống và cũng vì sự bi đát đó, hiện nay có trên dưới 2 triệu người Việt định cư trên đất nước Hoa Kỳ tự do...
Tôi còn nhớ một câu nói của một nhà văn Pháp: Tout passe, tout casse, tout lasse, le souvenir seul est vivace (Mọi sự đều qua đi, đều gẫy đổ, đều mệt chán, chỉ có kỷ niệm là sống mãi). Người chiến sĩ Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa trong mọi hoàn cảnh “hoạn nạn tương cứu, sanh tử bất ly”, nên thường nhớ thời quá khứ xa xưa.
Dấu ấn thời gian một thuở tung hoành, nay tuổi già xế bóng, ngoảnh mặt lại, chỉ còn trông thấy một màu xanh xanh đang nhô lên, ló dạng ở chân trờì hay ống khói cao ngất vẫy gọi... sẽ đưa tôi về phục vụ ở Vùng V Chiến Thuật.
Nhân ngày Cựu Chiến Binh (Veterans Day 2014) 11, Mitch Stacy viết một bài, trong mục Remembering WW II veterans, hảng thông tấn Associated Press phổ biến, với tựa đề: U.S. is losing its WWII heroes và với phụ đề bên dưới: Nearly 1,000 vets die each day nationwide; within 15 years the “greatest generation” may be nearly gone - Những chiến sĩ tham dự Đại Chiến Thế Giới II, những năm 40 “thế hệ vĩ đại nhất” của Hoa Kỳ (và nhiều nước khác) đang lụi tàn và sẽ mất hút trong vòng 15 năm nữa.
Lúc bấy giờ, mỗi ngày có khoảng 1,000 ngườì cựu chiến binh thời Đệ Nhị Thế Chiến (39 – 45), chỉ riêng ở Hoa Kỳ, đã ra đi.
Hoa Kỳ đã tham chiến ở hải ngoại gọi là Foreign Wars, rất nhiều lần, từ đệ nhất, đệ nhị thế chiến, chiến tranh Hàn Quốc, Việt Nam và gần đây chiến tranh vùng Vịnh, Kuwait, Afghanistan, Iraq... chỉ có cuộc chiến tranh VN có thể nói theo cách nói của các nhà ngoại giao Mỹ “không thắng không thua”. Nhưng, chúng ta biết, Mỹ chỉ có ôm đầu máu “bỏ của chạy lấy người” và nướng miền Nam Việt Nam vào lò thiêu của tập đoàn CS quốc tế. Còn những cuộc tham chiến khác, Hoa Kỳ đều chiến thắng và vẻ vang nhất là trận chiến thế giới lần thứ hai - WWII, nên người Mỹ gọi thế hệ tham chiến này là Greatest Generation.
Những chiến binh đệ nhất thế chiến (1914 – 1918), nay nếu còn sống cũng trên trăm tuổi, chẳng còn mấy người. Những chiến binh thời đệ nhị thế chiến, trẻ nhất,18 tuổi vào năm 1945, đến năm 2020, hơn 75 năm sau... Chiến tranh Hàn Quốc (50 – 53) và cuộc chiến Việt Nam mà Mỹ trực tiếp tham chiến (65 – 73 và 2 năm gián tiếp 74,75 ), nói đúng hơn, Hoa Kỳ đã bắt đầu tham chiến ở Việt Nam từ năm 1955 (hay trước đó), nay các cựu chiến binh Mỹ cũng già nua, tàn tạ, xếp hàng chờ lệnh "lên đường" sang thế giới khác.
Các thế hệ chiến binh trong các cuộc chiến gần đây, chừng một hai thập niên nữa cũng đến thời điểm giã từ vũ khí, về với cát bụi.
Nghĩ cho cùng, kẻ chiến thắng, người thua cuộc, trước sau gì cũng đến ngày đi về “Cõi Vô Cùng” (tên một tập truyện của nhà văn nữ, đang ở Houston - Texas. Nguyên Nhung, thời còn đi học, có gởi bài cho tôi đăng trên tạp chí Chiến Sĩ Miền Tây do tôi làm Tổng Thư Ký tòa soan).
Nhiều vì sao đã lần lượt rơi rụng dần của 2 miền Nam Bắc VN, những vị tướng Bộ Binh trẻ nhất trong QLVNCH còn sống hiện nay, cũng đã qua tuổi 80 như Chuẩn Tướng Mạch Văn Trưởng (cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 21 Bộ Binh - đang sinh sống tại Houston - Texas), Thiếu Tướng Lê Minh Đảo (cựu Tư Lệnh Sư Đoàn 18 Bộ Binh - định cư ở Connecticut). Thiếu Tướng Đảo vừa mới qua đời trong mùa đại dịch COVID 19, cuộc đời của các vị tướng, toàn quân Việt Nam Cộng Hòa, nay cũng đã và đang lụi tàn dần theo năm tháng.
Thế hệ thanh niên trong cuộc chiến ý thức hệ quốc cộng - hay còn gọi là cuộc nội chiến huynh đệ tương tàn đẫm máu nhất trong lịch sử Việt Nam rồi cũng tan biến vào cõi hư vô và lúc ấy chế độ cộng sản cũng đi vào cõi hư không, đất nước Việt Nam sẽ hồi sanh, an bình ấm no thạnh phúc, không còn hận thù và chắc chắn dân giàu nước mạnh, người viết cầu mong như thế!
QUÂN SỐ QLVNCH & TÙ CẢI TẠO
Sau ngày 30 tháng 4 năm 1975 , tất cả quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa đều trở thành đối tượng của “chế độ tù lao động cải tạo”, một chính sách do cộng sản Việt Nam du nhập từ Trung cộng và được tôi luyện từ miền Tây Bá Lợi Á của "thiên đường mù" Nga sô viết.
* Tài liệu của Viện Bảo Tàng Việt Nam tại San Jose cũng có ghi nhận số lượng quân nhân trong Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa và tù cải tạo.
- Năm 1975 QLVNCH có 980.000 quân nhân gồm 1/10 cấp Tá và cấp Tướng tổng cộng 9.600, cấp úy là 80.000, còn lại là hạ sỹ quan và binh sĩ.
Thời cao điểm nhứt, quân số Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa lên trên 1 triệu 100 ngàn chiến sĩ, được xếp hạng tư (quân số cộng sản Bắc Việt cũng được xếp hạng như vậy) trên thế giới, chỉ đứng sau Trung Cộng, Liên Xô và Hoa Kỳ.
Hình: Phù Hiệu: Bộ Tổng Tham Mưu QLVNCH - Hải Quân - Không Quân
Quân Lực Việt Nam Cộng Hòa, gồm có chủ lực quân và địa phương quân & nghĩa quân, với: 11 Sư đoàn Bộ Binh (SĐ: 1- 2 - 3 - 5 - 7 - 9 - 18 - 21 - 22 - 23 - 25), và đơn vị tổng trừ bị cấp trung ương và Quân Khu hay còn gọi Vùng Chiến Thuật: Sư đoàn Dù - Sư đoàn Thủy Quân Lục Chiến, nhiều Liên đoàn Biệt Động Quân (quân số trên 2 Sư Đoàn. Những ngày tháng cuối cùng trước ngày chính thể VNCH sụp đổ 30.4.75, Biệt Động Quân đã thành lập xong 2 Sư Đoàn đặt thuộc dụng Biệt Khu Thủ Đô). Một Sư đoàn Bộ Binh (BB) hay lực lượng tổng trừ bị, ước tính có quân số khả dụng trên 10 ngàn chiến binh) - Quân chủng Không Quân và Hải Quân cũng lập thành sư đoàn: 6 Sư Đoàn Không Quân và Hải Quân cũng có 5 Vùng Duyên Hải và 2 Vùng Sông Ngòi (Vùng III và Vùng IV Sông Ngòi) cũng kể tương đương như Sư đoàn Lục Quân, nhưng quân số ít hơn nhiều so với Sư đoàn BB - Dù - TQLC hay BĐQ...
Hình: Phù Hiệu: Sư Đoàn Nhảy Dù - Sư Đoàn Thủy Quân Lục Chiến -
Biệt Động Quân
Còn các binh chủng có quân số cũng khá nhiều như Thiết Giáp, Pháo Binh, Công Binh, Quân Y, Quân Cảnh, Truyền Tin, Nữ Quân Nhân và các binh chủng, binh sở, chuyên môn...Tính chung chủ lực quân, cộng lại cũng đạt được con số 1/3 hay cao hơn 1 chút của 1 triệu 100 ngàn quân - từ 300 đến 400 ngàn chiến sĩ. Tất cả số quân còn lại là Địa Phương Quân và Nghĩa Quân - những chiến sĩ diện địa - chiếm gần 2/3 quân số của toàn thể QLVNCH, một lực lương hứng chịu nhiều thiếu thốn, gian khổ, trực tiếp đối đầu thường trực với cán binh VC ở điạ phương.
- Cấp Tướng tại ngũ đến 30 tháng 4 năm 75 là 112, bị tù cải tạo: 32 vị, 80 tướng lãnh di tản và còn vài vị tướng không bị bắt giam trong các đợt đi tù cải tạo tập thể.
- Ðại tá có 600, bị tù 366.
- Trung tá có 2.500, bị tù 1.700.
- Thiếu tá có 6.500, bị tù 5.500.
- Cấp úy có 80.000, bị tù 72.000.
Trong số tù "cải tạo" này chưa kể đến các thành viên đảng phái và các cấp chính quyền, cảnh sát, cán bộ...
Ðây là con số ghi nhận được từ phía Hoa Kỳ và Việt Nam Cộng Hòa, không có tài liệu của các trại giam phía cộng sản để đối chiếu; và không có con số chính xác tù cải tạo bị chết trong khi giam cầm, một con số khá lớn.
Ghi chú: Tất cả danh từ “học tập cải tạo” thực sự đều là tù của những người thua cuộc, tù chính trị bị khổ sai, không có bản án.
NHỮNG NGƯỜI TÙ KHÔNG ÁN
Không kể thành phần bị bắt trước 1975, nhưng, không được trao trả tù binh sau 1973, khi có Hiệp Định Paris, thời gian tù “cải tạo” kéo dài từ 1 năm đến 17 năm. Từ 1975 đến 1992. (H: Cảnh 1 trại tù cải tạo ở miền Nam hay miền Trung, miền Bắc, cũng đều rập khuôn như trong hình).
Năm 1988 gần như là năm cuối cùng, hầu hết tù được trả tự do. Suốt 4 năm tiếp theo - đến năm 1992 - chỉ còn lại 120 tù bị giam tại Z30D gọi là Trại Thủ Ðức (Rừng Lá) Hàm Tân. Trong số này có 9 vị tướng lãnh. Ðại tá Phạm Duy Khang khóa 6 Võ bị, làm thư ký Trại còn nhớ tên từng người. 4 Thiếu tướng: Lê Minh Ðảo, Ðỗ Kế Giai, Trần Bá Di, Hoàng Lạc, và 5 Chuẩn Tướng: Lê Văn Thân, Nguyễn Ngọc Sang, Mạch Văn Trường, Trần Quang Khôi, Phạm Duy Tất.
Cấp Ðại tá có 22 người, 20 thiếu tá và các thành viên cảnh sát, đảng phái...
Thiếu tướng Ðỗ Kế Giai (đã qua đời tại Dallas, tháng 3.2016) tả lại quang cảnh khi tất cả mọi người được thả hết chỉ còn mấy ông Tướng. Trại Hàm Tân hoàn toàn vắng lặng. Cộng sản cho xe chở 5 ông tướng về chuyến cuối cùng. Vì đường đi thuận tiện, xe về Saigon, chạy đến nhà các vị Tướng, hết 1 vòng, Thiếu Tướng Ðỗ Kế Giai là người về sau cùng. Ông bước xuống xe, tâm trạng thực băn khoăn khó tả, ở tù vừa tròn 17 năm. Những ông tướng khác về trước ông chừng nửa giờ nên Tướng Giai là người tù sau cùng, theo ý nghĩa tiêu biểu của lịch sử.
Hỏi chuyện ngục tù, ông Tướng Giai nhắc lại câu danh ngôn của người xưa: “Bại binh chi tướng, bất khả ngôn dũng“ (Tướng quân thua trận, không thể nói mạnh).
Lại hỏi rằng, suốt thời kỳ 17 năm có thấy các nhà báo cộng sản hay thế giới tự do vào quay phim hay chụp hình để bây giờ có thể đi tìm dấu tích của những năm dài “cải tạo”; vị Chỉ Huy Trưởng binh chủng Biệt Động Quân cho biết, dường như chẳng thấy gì.
NHỮNG NĂM THÁNG KHÔNG QUÊN:
* 1975 : Hàng mấy trăm ngàn quân cán chính Việt Nam Cộng Hòa bị cộng sản tập trung “cải tạo” (bị bắt bỏ tù) - có tài liệu viết gần 1 triệu người ngã ngựa bị cộng sản đày ải giam cầm từ gần mũi Cà Mau đến gần ải Nam Quan.
1980 : Sau 5 năm tranh đấu, dư luận Mỹ và thế giới áp lực Hà Nội phải thả tù .
1982 : Tại Pháp, Phạm văn Ðồng, Thủ tướng Hà Nội thách thức sẽ trả tự do nếu Mỹ nhận hết tù cải tạo.
1982 : Ngoại trưởng Mỹ điều trần tại Quốc Hội cho biết sẽ nhận 10,000 tù chính trị Việt Nam (tù cải tạo) và gia đình.
1985 : Lần đầu tiên, cơ quan IRCC, Inc. tại San Jose (của cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc) nhận được 1 video tape do phóng viên tự do Hoa Kỳ quay tại Việt Nam. Trong đó có bốn đoạn hết sức đặc biệt:
1) Phi công Việt Nam Cộng Hòa, vừa được tự do
2) Vợ con tù thăm nuôi tại Hàm Tân;
3) Ban văn nghệ của Trại Hàm Tân;
4) Phỏng vấn 1 người tù cụt chân cấp Thiếu tá.
1985 : Hoa Kỳ và Việt Nam gặp nhau tại New York bàn về việc thả tù cải tạo.
1987 : Lần đầu tiên nhà báo Thụy Ðiển được vào làm phóng sự tại Trại Nam Hà, tiếp theo Hà Nội bắt đầu chuyển thêm tù cải tạo vào Nam và trả tự do từng đợt .
Tháng 7 năm 1988 : Phái đoàn Hoa Kỳ Funseth đi Hà nội họp về việc nhận tù cải tạo.
Tháng 8 năm 1988 : Hà Nội đơn phương loan báo (làm eo, đưa thêm yêu sách) đình chỉ việc thảo luận.
Tháng 1 năm 1989 : Lần đầu tiên Hồng Thập Tự Hoa Kỳ được phép gửi quà cho tù “cải tạo”.
Một chiến dịch gửi quà rầm rộ được phát động tại hải ngoại .
Tháng 4 năm 1989 : Phái đoàn Quốc hội Cali về Việt Nam thảo luận về đề tài xã hội và tù “cải tạo”. Có các thành phần tỵ nạn Việt Nam cùng đi. Ðại diện IRCC trách nhiệm tiểu ban tù chính trị. Phái đoàn yêu cầu trả tự do cho ông Võ Ðại Tôn. Phỏng vấn thu thanh nhà văn Quân Đội Phan Nhật Nam vừa được tự do tại Saigon.
* Tháng 6 tháng 1989 : Thượng viện Mỹ tuyên bố yêu cầu Hà Nội trả tự do cho tù “cải tạo” và Hoa Kỳ sẽ đón nhận .
Tháng 7 năm 1989 : Phái đoàn Hoa kỳ về Việt Nam ký thỏa ước nhận định cư tù “cải tạo” (với nhiều điều kiện, giới hạn...)
Tháng 8 tháng 1989 : Báo San Jose Mercury News gửi phóng viên về Saigon làm một loạt bài phỏng vấn “tù cải tạo” sắp ra đi có gia đình chờ đợi tại San Jose.
Tháng 1 tháng 1990 : 15 gia đình H.01 đi chuyến đầu tiên đến phi trường San Francisco, có 4 gia đình về Bắc Cali. 11 gia đình chuyển tiếp đến các tiểu bang khác và Quận Cam.
Tháng 8 năm1992: Ðại tá Phạm Duy Khang, sau 17 năm tù đã trở về đợt sau cùng với 120 người. Ông đến San Jose và dự lễ thượng kỳ ngày 8/8/1993.
Sau đó các đợt HO bổ túc và chương trình đoàn tụ gia đình HO lần lượt tiếp diễn suốt 15 năm từ 1994 đến 2009. Cho đến tháng 4 năm 2009 vẫn còn gia đình thuộc diện “tù cải tạo” đến Hoa Kỳ. (Đoạn này, tôi sưu tầm tài liệu của IRCC - cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc).
(H: Tổng Thống Ngô Đình Diệm)
Qua cuốn sách The Vietnam War - Day by Day của John S.Bowman do Barnes & Noble xuất bản năm 1989, như là tập nhựt ký hành quân tại các Trung Tâm Hành Quân của QLVNCH năm xưa, ghi chép tỉ mỉ các sự kiện quân sự xảy ra hàng ngày - trong cuộc chiến VietNam War...
Dù cuốn sách này, viết còn thiếu sót hay chưa thật trung thực, người Mỹ tô vẽ quân đội Mỹ luôn ngon lành và luôn chiến thắng, còn Quân đội Việt Nam Cộng Hòa thường "yếu xìu".
Nhưng, với các sử liệu được ghi chép trong The Vietnam War - Day by Day cũng nói lên được những sự kiện lịch sử mà chúng ta cần suy gẫm, nghiên cứu. Đặc biệt là những con số biết nói trong cuộc chiến giữa ta và địch, đồng minh Hoa Kỳ cùng các đồng minh khác có tham chiến ở Việt Nam: quân số tham chiến, thương vong cũng như những chi phí quân sự, những phương tiện chiến tranh tại chiến trường VN mà Hoa Kỳ và Nga Sô & Trung Cộng sử dụng.
The Vietnam War - Day by Day của Bowman, trong phần đầu, trang 29, tác giả đã mô tả hay lý giải cái chết của Tổng Thống Ngô Đình Diệm và bào đệ - Cố Vấn Ngô Đình Nhu, Bowman viết như sau: Major Duong Hieu Nghia and General Minh's body guard, captain Nhung, murder Diem and Nhu on their way for staff headquarters, at Minh's orders. President Kennedy is shocked...Sau này định cư ở Mỹ, Đại Tá Dương Hiếu Nghĩa cực lực cái chính, ông làm sao dám giết? Hiện nay, năm 2020, với tuổi trên dưới 95, ông Nghĩa đã quy y cửa Thiền nhiều năm.
(H: Ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu)
Tác giả Bowman đã nói rõ ai (người VN) ra lệnh giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm và ông Cố Vấn Ngô Đình Nhu. Nhưng, cao hơn nữa, ai "cho phép ra lệnh" giết Tổng Thống Ngô Đình Diệm, là một bí mật.
Chúng ta có thể lý giải, một năm sau Tổng Thống Diệm bị sát hại dã man, quân Mỹ tự do đổ quân vào chiến trường Việt Nam từ ngày 8.3.1965 mà không còn bị ngăn trở như thời điểm Tổng Thống Diệm còn sanh tiền...
Sáng ngày 2.11.1963, khi đoàn xe, dưới sự chỉ huy của Thiếu Tướng Mai Hữu Xuân, đến đón hai anh em Tổng Thống từ nhà thờ Cha Tam ở Chợ Lớn đưa về Bộ Tổng Tham Mưu - nơi làm việc (Staff headquarters) của các tướng lãnh đảo chánh ngày 1.11.1963. Hai anh em Tổng Thống Ngô Đình Diệm & Ngô Đình Nhu đã bị đại úy Nguyễn Văn Nhung giết chết dã man sáng sớm ngày 2.11.1963 ngay trong thiết vận xa M113 trước khi về đến Bộ Tổng Tham Mưu. (H: TT Ngô Đình Diệm đượcTT Hoa Kỳ Eisenhower tiếp đón tại sân bay 8.5.57)
Bowman còn nói rõ, khi hay tin Tổng Thống Ngô Đình Diệm bị phe đảo chánh giết chết, Tổng Thống Mỹ Kennedy bị sốc.
Không sốc sao được, trước đó 6 năm, cả thế giới đều biết rõ, ngày 8.5.1957, chính Tổng Thống siêu cường quốc Hoa Kỳ Eisenhower - một vị anh hùng của Đệ Nhị Thế Chiến - long trọng đón tiếp Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa với lễ nghi cao quý nhứt của Hoa Kỳ. Trải thảm đỏ đón tiếp Tổng Thống Ngô Đình Diệm tại cầu thang máy bay và đích thân Tổng Thống Eisenhower (anh hùng dân tộc Mỹ trong Thế Chiến II) tiếp đón.
Trong cuộc công du Hoa Kỳ 11 ngày, từ ngày 8.5 đến 19.5.1957, khi Tổng Thống Hoa Kỳ Eisenhower đọc diễn văn chào mừng Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, gọi Tổng Thống Ngô Đình Diệm là một vị lãnh đạo lịch sử - siêu việt - kỳ diệu (A miracle man of Asia and (US) reaffirms support for his regime) của Việt Nam và của châu Á. Tổng Thống Hoa kỳ còn tái khẳng định cam kết hổ trợ (hay viện trợ) cho chế độ của Tổng Thống Ngô Đình Diệm (trang 18 - The Vietnam War - Day by Day).
(H: Ảnh của Vietnam Magazine).
Trong phần cuối cuốn sách, Bowman còn công bố một số tài liệu bằng những con số về lực lượng Mỹ và đồng minh tham chiến ở chiến trường Việt Nam cũng như số thương vong của cả các phía và chi phí cho cả cuộc chiến quốc cộng, tác giả gọi là cái giá phải trả cho một cuộc chiến - The Price of War.
Đây là những con số kinh khủng cho 1 cuộc chiến đáng lý không xảy ra, nếu cộng sản Bắc Việt (CSBV) không mê muội, ngu xuẩn theo quan thầy Liên xô, Trung cộng nhập cảng cái lý thuyết công sản phi nhân, chuyên chính sắt máu và ác độc giết hại đồng bào ruột thịt Việt Nam.
Về phía lực lượng Hoa Kỳ tham chiến ở Việt Nam, có đến 8,744,000 lượt chiến sĩ trong 4 quân chủng Hải Lục Không Quân, Thủy Quân Lục Chiến (và Lực Lượng Đặc Biệt) đến chiến trường Việt Nam. Tất cả các chiến sĩ Mỹ tham chiến ở ViệtNam với 1 nhiệm kỳ là 1 năm, nhưng có rất nhiều chiến binh xin phục vụ thêm 1 hay nhiều năm.
Thời cao điểm, chiến binh Hoa Kỳ chiến đấu trên chiến trường Việt Nam, từ năm 1965 đến năm 1970, có lúc lên gần 600 ngàn quân (536 ngàn quân Mỹ và các đồng minh khác trên dưới 80,000 quân).
Quân bộ chiến Mỹ đã ồ ạt đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng từ năm 1965 mà chẳng có một thỏa thuận cam kết quan trọng gì hết bằng văn bản giữa 2 chánh phủ Việt Mỹ.
Đơn vị Mỹ đầu tiên đổ bộ lên bờ biển Đà Nẵng vào ngày 8 tháng 3 năm 1965, trong đó có 2 tiểu đoàn Thủy Quân Lục Chiến thuộc Sư Đoàn 3 TQLC (the first U.S. ground combat troops landing in Vietnam (March 8, 1965), when two battalions from the 3rd Marine Division arrive at Da Nang - Vietnam magazine - Vol.28 No.4 - December 2015) .
Hoa Kỳ thừa cơ hội nội tình Việt Nam lúc bấy giờ (1965) chưa ổn định sau cuộc chính biến - đảo chánh sát hại Tổng Thống Ngô Đình Diệm ngày 2.11.1963. Các phe nhóm tướng lãnh, tôn giáo, đảng phái tranh dành quyền lực, hết đảo chánh đến chỉnh lý, rồi đổi sang biểu dương lực lượng, lên đường xuống đường chống đối lẫn nhau. Thời điểm này, là cơ hội thuận lợi bằng vàng CSBV ồ ạt đưa thêm quân chính quy và chiến cụ tối tân xâm nhập vào Miền Nam VN. Vì vậy, cũng là cái lý cớ mà Mỹ tự do đưa các đại đơn vị đến Việt Nam tham chiến để đánh cộng sản "thay thế" thay vì trợ giúp VNCH với quân viện dồi dào như đòi hỏi trước đây của cố Tổng Thống Ngô Đình Diệm.
Trước đây, dưới thời Tổng Thống Việt Nam Cộng Hòa Ngô Đình Diệm, Tổng Thống Diệm không muốn hay cực lực chống đối Hoa Kỳ đưa đại quân Mỹ vào chiến trường Việt Nam. TT Diệm quan niệm CSBV phát động cuộc chiến tranh xâm lược miền Nam Việt Nam phải để QLVNCH chủ động trực diện chiến đấu tự vệ mới có đầy đủ chính nghĩa và chủ quyền quốc gia. Mỹ chỉ đứng đàng sau chánh phủ VNCH yểm trợ phương tiện chiến tranh, viện trợ tài chánh, huấn luyện quân sự, giúp đỡ chính quyền VNCH thêm vững mạnh để tự vệ đánh trả lại quân CSBV. Nhưng, chánh sách Mỹ lúc bấy giờ, có lẽ bị thúc ép bởi giới tài phiệt nhằm tiêu thụ vũ khí, hay Mỹ muốn thử nghiệm chánh sách mới nên phải đưa quân Mỹ trực tiếp tham chiến tại Việt Nam?. Thật sự không cần thiết cho Việt Nam Cộng Hòa mà Mỹ vẫn làm theo ý họ.
Đến thời điểm, "sứ mệnh" hoàn thành khi Mỹ "đi đêm" bắt tay được với Trung cộng thì Mỹ tự ý rút quân và cắt viện trợ VNCH cho sớm chết, một hình thức biếu tặng cộng sản Tàu, cộng sản Việt...món quà Miền Nam Việt Nam sụp đổ, ngày 30.4.1975.
(H: Lính Dù Mỹ SĐ 101 Airborne tử trận tại chiến trường An Khê - 1965)
Quân Mỹ tham chiến ồ ạt ở Việt Nam cũng là lúc quân số Mỹ lên cao, tính từ tháng 8.1964 đến tháng 1.1973, trong 9 năm. Trước đó, từ năm 1955 và sau tháng 1.73, quân Mỹ vẫn có hiện diện giúp VNCH với 1 số quân nhỏ không trực tiếp chiến đấu.
Năm 1968 là năm có cuộc tổng công kích - tổng nổi dậy của tập đoàn cộng sản Bắc Việt trong dịp Tết Mậu Thân và tiếp theo các tháng sau đó, quân xâm lược cộng sản hoàn toàn thảm bại. Chúng nướng hàng trăm ngàn bộ đội, cán bộ và tất cả cơ sở "nằm vùng" bí mật ở miền Nam đã bị lộ diện phơi bày. Cái đau đớn nhứt của kế sách xâm lăng Miền Nam qua chiến dịch Tết Mậu Thân của Bộ Chánh Trị đảng cộng sản Việt Nam là không có nơi nào trên toàn quốc VNCH dân chúng nổi dậy tiếp tay với CSBV biểu tình, chống phá giựt sập chế độ VNCH. Như CSBV đã tổ chức học tập, các "đỉnh cao trí tuệ" cộng sản tiên đoán chuyện tất thắng phải xảy ra như vậy...
Hoa Kỳ và đồng minh đưa quân vào chiến trường Việt Nam càng nhiều thì số thương vong cũng càng lên cao.
LỰC LƯỢNG THAM CHIẾN CỦA VNCH & ĐỒNG MINH & CS
Dựa vào tài liệu trong Wikileaks mà cái mốc thời gian là năm 1968, được coi xem như là đỉnh cao của cuộc chiến Việt Nam với quân số của QLVNCH, Hoa Kỳ và các đồng minh lên đến con số chóng mặt 1,830,000 người, phân chia như sau:
- QLVNCH 850,000 (có lúc lên trên 1,1 triệu)
- Mỹ 536,000
Quân đồng minh trên dưới 80,000, gồm có:
- Đại Hàn 50,000
- Thái Lan 11,570
- Úc 7,672
- Phi Luật Tân 2,020
- Tân Tây Lan 552
* Lực lượng cộng sản tham chiến, không kể đến các đại đơn vị và các đơn vị địa phương của cộng sản tại miền Nam (đều do CSBV chỉ huy), được gọi cái tên khá mỹ miều là Mặt Trận Giải Phóng Miền Nam (gồm những cán bịnh CS tập kết ra Bắc năm 1954, xâm nhập vào Miền Nam và những cán binh VC được cài đặt lại gọi là nằm vùng). Tài liệu Wikileaks không có con số thống kê những thành phần to lớn này, chỉ có các con số các đơn vị chính quy xâm nhập từ Miền Bắc VN cùng với các "đồng chí" cộng sản quốc tế khác trực tiếp tham chiến. Tổng cộng là 461,000:
- Cộng sản Bắc Việt 287,465 (quân chính huy CSBV tương đương với quân số chính quy trực tiếp tác chiến của QLVNCH).
- Trung cộng 170,000 (từ năm 1965 đến năm 1969)
- Liên xô 3,000
- Bắc Hàn từ 300 đến 600
SỐ THƯƠNG VONG CỦA TA & ĐỊCH (KỂ CẢ ĐỒNG MINH & CS QUỐC TẾ)
* Số chiến sĩ QLVNCH & Đồng Minh tử trận và bị thương:
- QLVNCH từ 220,357 đến 313,000 tử trận & 1,170,000 bị thương
* Số thương vong của Quân đội Mỹ và đồng minh:
- Mỹ 58,307 chết & 303,644 bị thương, trong đó có 153,300 bị thương nặng.
- Đại Hàn 5,099 chết - 10,962 bị thương & 4 mất tích
- Úc 500 chết & 3,129 bị thương
- Thái Lan 351 chết & 1,358 bị thương
- Tân Tây Lan 37 chết & 187 bị thương
- Phi Luật Tân 9 chết.
Tổng số quân VNCH - Mỹ và đồng minh:
- Tử trận: từ 479,660 đến 807,303
- Bị thương: 1,490,000.
* Số thương vong của phe cộng sản:
- Cộng sản BV và VC chết từ 444,000 đến 1,100,000 (hay cao hơn nhiều mà CSBV còn che giấu) & hơn 600,000 bị thương.
- Trung cộng: 1,100 chết & 4,200 bị thương
- Liên sô: 16 chết
Tổng cộng khối cộng sản:
- CSBV & VC và các "đồng chí" Trung cộng & Liên sô chết từ 455,462 đến 1,170,462 và bị thương 608,000.
Đây là con số phỏng đoán của bên phiá Mỹ, cộng sản Bắc Việt hoàn toàn bưng bít giấu kín, có thể số thương vong của phía công sản tăng lên cao gắp đôi, ba...
Chú Ý: Số bộ đội cộng sản bị thương cao gấp nhiều lần hơn quân VNCH và đồng minh vì cộng quân hứng chịu nhiều trận mưa phi pháo kinh hoàng, nhưng chúng chỉ còn có khoảng 608,000 còn phe đồng minh bị thương lên đến con số 1,490,000 chiến binh. Lý do chính do cán binh VC hồi chánh cho biết, những thương binh cộng sản thường bị cấp chỉ huy bắn bỏ ngay mặt trận khi đơn vị rút chạy khỏi chiến trường.
Số thường dân Việt Nam bị chết vì chiến tranh từ 627,000 đến trên 2 triệu người. Nếu tính luôn số người chết của cả Đông Dương Việt Miên Lào, thường dân chết từ 847,000 đến hơn 2,500,000 người. Chưa kể, Khmer rouge của cộng sản Miên giết dã man dân của họ lên mấy triệu người sau năm 1975.
Tổn thất nhân mạng tính chung cho cả cuộc chiến Việt Nam, chết cả quân lẫn dân trên 3 triệu rưỡi người (có tài liệu nói 5 triệu rưỡi người) cũng chỉ vì CSBV xâm lăng và du nhập cái gọi là chủ thuyết cộng sản phi nhân vào miền Nam tự do.
CHI PHÍ CHO CUỘC CHIẾN VIỆT NAM
Theo tài liệu thống kê của Mỹ, suốt cuộc chiến tranh Việt Nam gần 10 năm chính thức và tính thêm 2 năm "bán chánh thức" (từ năm 1955 đến năm 1965 và từ năm 1973 đến 30.4.1975), Hoa Kỳ đã chi phí và viện trợ VNCH trên 2 lãnh vực quân sự và cả kinh tế nữa, lên đến con số 150 tỷ đô la. Trong khi đó Liên sô và Trung cộng chỉ tính riêng chi phí quân sự lên đến 2 tỷ đô la của Trung cộng và Nga sô $1 tỷ (con số này chưa chắc trung thực???).
Về phi cơ, quân Mỹ và QLVNCH bị thiệt hại 4,865 chiếc trực thăng, mỗi chiếc giá trên dưới $250,000, có 3,720 máy bay khác bị tiêu hủy. Một chiếc máy bay cánh quạt lớn hay các phản lực chiến đấu với giá thành cao hơn nhiều so với giá trực thăng.
Trên cả 3 chiến trường Đông Dương Việt Miên Lào, quân Mỹ sử dụng bom trên 8 triệu tấn, cao hơn gắp 4 lần số lượng (2,236,000 tấn) sử dụng trong Đệ Nhị Thế Chiến (1939 - 1945).
Chi phí về bom đạn của 1 phi vụ B52 trên $30,000 chưa kể xăng dầu và các thứ tổn phí khác. Về đạn đại bác các loại, tính trung bình 1 quả đạn thành tiền trên $100 mà quân Mỹ và QLVNCH sử dụng trung bình 1 ngày bắn 10 ngàn quả, trị giá trên $1 triệu...
Trên đây là những con số biết nói về một cuộc chiến phi lý, đáng lẽ không xảy ra nếu cộng sản quốc tế và CSVN không có ý đồ thôn tính cả nước Việt Nam... và thế giới. Hơn nữa, cuộc chiến tranh dai dẳng tại Việt Nam giữa 2 đối cực quốc cộng cũng minh chứng rõ ràng thế giới dân chủ tự do và tập đoàn cộng sản quốc tế phải trả một cái giá quá đắt. Với sự đau thương mất mát to lớn về số người thương vong của 2 miền Nam Bắc Việt Nam (trên dưới 5 triệu), hơn 58 ngàn chiến sĩ Mỹ đã hy sinh cùng với nhiều ngàn chiến sĩ đồng minh khác của VNCH cũng đã chết trận. Và với chiến phí kinh hoàng hàng mấy trăm tỷ đô la thật là điên rồ, vô lý cũng vì đế quốc cộng sản quyết chiến chiếm cho bằng được Miền Nam Việt Nam để cào bằng với "xã hội chủ nghĩa" của Miền Bắc VN đang nghèo khổ cùng cực.
Phi lý và phi lý - thậm chí nguy cho đất nước Việt Nam hơn bốn ngàn năm Văn Hiến. Than ôi!!!. @
Sacramento 25.4.2020 (edit)
Anh Phương Trần Văn Ngà (Khóa 13 Ấp Chiến Lược Thủ Đức)
Email: tranvannga35@gmail.com - (tel: 916.519.8961)
* Tham khảo: The Vietnam War - Day by Day của John S. Bowman - nhiều số tạp chí Vietnam magazine - Wikipedia - Tài liệu của IRRC (cựu Đại Tá Vũ Văn Lộc)./.
Không có nhận xét nào