Header Ads

  • Breaking News

    VNCS: Ai tăng giá điện và giá điện đánh vào ai?

    Đặng Đình Mạnh /SGN

    10/11/2023

    " Theo ước tính của EVN, tính từ ngày 09 Tháng Mười Một 2023, là thời điểm tăng giá điện cho đến cuối năm. Với thời gian chỉ không quá 02 tháng, tuy vậy, đã đủ mang đến cho EVN thêm số tiền lên đến 3,200 tỷ đồng. Trong đó, chưa tính năm 2024. 

    Vậy giới cư dân nào trong nền kinh tế sẽ là nạn nhân của con số 3,200 tỷ đồng cho đến hết năm 2023 và sau đó?".


    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/maxresdefault-3.jpg

    Ảnh: CafeLand 

    Theo quy định hiện tại, mọi văn bản chỉ có hiệu lực pháp luật sau khi đăng công báo 15 ngày. Nhưng với EVN (Tập đoàn Điện lực Việt Nam), thì họ đứng trên pháp luật. Ngày 8 Tháng Mười Một 2023, sau khi ban hành Quyết định số 1416/QĐ-EVN về việc tăng giá điện lên đến mức 4.5%, thì họ quy định áp dụng việc tăng giá vào ngay ngày hôm sau, ngày 9 Tháng Mười Một 2023. Tức không quá 24h kể từ ngày ban hành văn bản.

    Chưa hết, với việc thông báo, bài báo có tựa đề “Việc điều chỉnh giá điện đã hướng tới bảo vệ người có thu nhập thấp” đăng trên trang Cổng thông tin điện tử chính phủ vào ngày 10 Tháng Mười Một 2023, còn giải thích theo cách không thể đểu hơn, cho việc tăng giá điện như sau: 

    “Để hạn chế thấp nhất tác động đến nền kinh tế và đời sống người dân, thực hiện chỉ đạo của Bộ Công thương, Tập đoàn Điện lực Việt Nam đã có Quyết định số 1416/QĐ-EVN ngày 08/11/2023 về việc điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân, theo đó giá bán lẻ điện bình quân là 2006,79 đồng/kWh (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng) từ ngày 09 tháng 11 năm 2023”. Có vẻ như, họ muốn người dân phải biết ơn vì tăng giá điện là cách… họ giúp dân vậy(?!)

    Lúc này, khi hoàn cảnh nền kinh tế đang ở mức yếu kém nhất, giá điện tăng đã làm tăng thêm gánh nặng chi phí cuộc sống cho người dân lao động. Dĩ nhiên, người dân ta thán, lên tiếng chỉ trích ngành điện mặc cho sự đe dọa của chế độ sẽ trừng phạt mọi lời khen chê, phê bình của người dân. 

    Tuy nhiên, có vẻ người dân đã chỉ trích nhầm đối tượng. Vì lẽ, tuy EVN ban hành văn bản tăng giá điện, nhưng tác giả của chủ trương đó vẫn chưa lộ mặt, họ đang khéo léo ẩn mình sau bức màn nhung quyền lực.

    Ai chủ trương tăng giá điện?

    Ngay sau thông báo về quyết định tăng giá điện, đồng loạt, truyền thông trong nước lập tức rầm rộ dẫn lời các nhà khoa học, các chuyên gia, thậm chí, của cả Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng lên tiếng để bảo vệ cho quyết định tăng giá điện. Bạn nghĩ EVN có đủ quyền lực sai khiến cả hệ thống truyền thông gần cả nghìn báo, đài vào cuộc như vậy không? Dĩ nhiên không, chỉ có Đảng [1] mới có quyền lực đó. 

    Cũng thế, quyết định tăng giá điện không chỉ tác động mạnh mẽ, sâu rộng vào nền kinh tế quốc gia, mà còn tác động đến cuộc sống cả trăm triệu người dân và vài chục triệu gia đình. Thế nên, bạn nghĩ EVN có thẩm quyền lớn như vậy để quyết định không? Dĩ nhiên không, chỉ có Đảng mới có thẩm quyền đó.

    Chưa hết, dù có quy định rằng văn bản chỉ có hiệu lực pháp luật sau khi đăng công báo 15 ngày. Nhưng văn bản tăng giá điện của EVN lại có hiệu lực ngay sau 24h. Bạn nghĩ EVN có thể đứng trên pháp luật như vậy không? Dĩ nhiên không, chỉ có Đảng mới đứng trên pháp luật? 

    Vậy bạn đã biết ai là người quyết định tăng giá điện rồi phải không? Cho nên, ông Tổng giám đốc EVN chỉ giữ vai trò con rối thò bàn tay ký văn bản tăng giá điện thay mặt cho Đảng, người ngồi sau bức màn nhung quyết định mà thôi.

    Chuẩn bị dư luận cho khả năng tăng giá điện, trong cuộc họp chính phủ vào cuối Tháng Mười 2023, ông Phạm Minh Chính trong vai trò thủ tướng yêu cầu đối với EVN rằng “Không để thiếu điện trong bất cứ hoàn cảnh nào”. Yêu cầu của ông Chính đưa ra với hàm ý về khả năng thiếu điện sẽ là một trong các nguyên nhân tăng giá điện theo quy luật cung cầu của nền kinh tế thị trường. Theo đó, nếu nguồn cung thiếu thì nhất thiết giá cả phải tăng. 

    Thực tế, từ việc EVN đang xuất khẩu điện năng cho nhiều quốc gia láng giềng: Trung Quốc, Lào và Cambodia, đồng thời, đang tính đến việc xuất khẩu cho cả Singapore. Thế thì, nguồn cung cấp điện năng của Việt Nam không hề thiếu, nếu không muốn nói là rất dồi dào.

    Bên cạnh đó, nguyên nhân tăng giá điện cũng còn được giải thích là thu không đủ bù chi. Để bênh vực cho lời giải thích đó, truyền thông trong nước dẫn lời các chuyên gia:

    Chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên được báo chí dẫn lời cho rằng: “Giá điện cao chưa chết, nhưng mất điện là gay”. Tài tình, từ sự việc tăng giá điện đầy tệ hại, ông chuyên gia kinh tế đã đánh tráo khái niệm, lấy khả năng tệ hại hơn là mất điện để ngụy biện, bênh vực cho việc tăng giá điện. Mặc cho thực tế không có khả năng mất điện, vì Việt Nam đang là nước xuất khẩu điện năng ra nước ngoài cho nhiều quốc gia láng giềng.

    Tương tự, ông Nguyễn Mạnh Hùng, Chủ tịch Hội Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam nêu quan điểm: “Mọi người đều thấy rằng, chi phí đầu vào cho sản xuất điện ngày càng tăng. Nếu giá điện không được điều chỉnh kịp thời, sẽ gây rất nhiều khó khăn cho ngành Điện. 

    Đối với khách hàng, việc điều chỉnh giá điện là một khoản phải chi thêm. Tuy nhiên, ở góc độ người tiêu dùng, tôi thấy rằng, khi điều chỉnh giá điện, Nhà nước cũng như ngành Điện luôn hướng tới bảo vệ và hỗ trợ người có thu nhập thấp. Cụ thể, mức điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân đợt này, với những hộ tiêu thụ điện ở bậc 1 và bậc 2 (đa số là những người thu nhập thấp), thì giá sau điều chỉnh vẫn ở dưới mức giá điện bình quân”. 

    Với phát biểu này, có lẽ như ông chủ tịch Hội Bảo vệ Người Tiêu dùng đang nhầm lẫn về đối tượng mình bảo vệ, thay vì là người tiêu dùng, ông ấy đang bảo vệ cho EVN khi đưa ra khái niệm giá điện bình quân đầy mơ hồ để làm nhẹ đi việc người tiêu dùng đang phải chi thêm cho hóa đơn tiền điện.

    https://saigonnhonews.com/wp-content/uploads/2023/11/gia-dien-1-.jpg

    Hình minh hoạ. Ảnh: Báo Công Lý 

    Giá điện đánh vào ai?

    Theo ước tính của EVN, tính từ ngày 09 Tháng Mười Một 2023, là thời điểm tăng giá điện cho đến cuối năm. Với thời gian chỉ không quá 02 tháng, tuy vậy, đã đủ mang đến cho EVN thêm số tiền lên đến 3,200 tỷ đồng. Trong đó, chưa tính năm 2024. 

    Vậy giới cư dân nào trong nền kinh tế sẽ là nạn nhân của con số 3,200 tỷ đồng cho đến hết năm 2023 và sau đó? 

    Chiếm số lượng khổng lồ, giới cần lao đã được EVN trấn an ngay từ đầu. Theo bài báo đã dẫn trên đăng trên trang Cổng thông tin điện tử chính phủ, trong đó, EVN đã cho rằng: “Về cơ bản, việc điều chỉnh giá điện lần này sẽ bảo đảm các hộ nghèo, các gia đình chính sách bị ảnh hưởng ở mức không đáng kể” và “Việc điều chỉnh giá điện đã hướng tới bảo vệ người có thu nhập thấp”.

    Thực tế, người dân đã từng có trải nghiệm rất xấu với mọi sự tuyên bố hoặc giải thích của EVN, thường thì lời nói không đi đôi với việc làm. Ngay cả tỷ lệ tăng giá được công bố với mức 4.5% cũng không có gì là chắc chắn cả. Trước đây, nhiều người dân đã từng bật ngửa khi cầm hóa đơn tiền điện trên tay với mức tăng vài chục phần trăm so với lời trấn an của EVN khi công bố quyết định tăng giá điện.

    Và nếu tin lời của EVN, thì việc tăng giá điện không nhắm vào giới cần lao, vậy thì nhắm vào ai? 

    Với giới trung lưu trở lên. Hoàn cảnh kinh tế và thu nhập khá hơn nên khoản tăng giá điện chỉ khiến họ khó chịu chứ không bị tác động quá lớn về chi phí cuộc sống. Tuy nhiên, giới trung lưu trở lên chỉ chiếm số lượng rất ít trong nền kinh tế. 

    Còn lại là với giới sản xuất và dịch vụ. Dĩ nhiên, các hóa đơn tiền điện đều được đưa vào chi phí sản xuất hoặc chi phí dịch vụ và trở thành giá thành của sản phẩm. Người tiêu dùng phải thanh toán tiền mua hàng hoặc trả phí dịch vụ đều đã cộng thêm khoản tăng giá điện. Người tiêu dùng là ai nếu không phải chính là giới cần lao với đồng lương còm cõi?

    Cho thấy, mặc cho lời trấn an của EVN như thế nào đi nữa, thì giới cần lao vẫn là đối tượng và là nạn nhân chủ yếu của việc tăng giá điện. Trước ngày tăng giá điện, nếu khoản lương hàng tháng đủ nuôi sống họ trong khoảng thời gian 30 ngày, thì nay phải thanh toán các khoản chi phí cuộc sống cao hơn vì tăng giá điện, thì họ không thể sống đủ 30 ngày với khoản lương đó nữa. Vì lẽ, họ đã phải chia sẻ bớt phần thu nhập của mình cho EVN dưới danh xưng “tăng giá điện”. 

    Song song với việc công bố giá điện mới, chính quyền công bố việc bắt giữ giám đốc kinh doanh Công ty mua bán điện thuộc EVN cùng năm cán bộ khác trong EVN và Bộ Công thương. Điều này chỉ như liệu pháp giúp xoa dịu cho công chúng, rằng mọi việc tại EVN đều nằm trong sự kiểm soát an ninh chặt chẽ của chính quyền, cứ yên tâm mà móc hầu bao ra trả tiền cho giá điện đang tăng cao ngất ngưỡng.  

    Cuối cùng, như đã phân tích trên, EVN chỉ là con rối dưới sự chỉ đạo toàn diện của Đảng. Cho nên, bạn đọc cần quy đổi các chữ “EVN” trong bài viết bằng từ “Đảng” thì sẽ thấy rõ câu trả lời cho tựa đề bài viết: “Ai tăng giá điện và giá điện đánh vào ai?”

    [*] Đảng Cộng sản Việt Nam

    https://saigonnhonews.com


    Không có nhận xét nào