Header Ads

  • Breaking News

    Việt Nam cố giữ cân bằng trong quan hệ với Mỹ và Trung Quốc

    Thanh Phương /RFI

    06/11/2023

    Hãng tin Anh Reuters ngày 06/10/2023 loan tin là các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm của chủ tịch Tập Cận Bình tới Hà Nội có thể vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11.  

    Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 27/06/2023.


    Ảnh do Tân Hoa Xã cung cấp: Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính và chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trước cuộc họp tại Bắc Kinh ngày 27/06/2023. AP - Yao Dawei 

    Cho tới nay, đã đầu tháng 11, cả Hà Nội và Bắc Kinh đều không có thông báo gì về chuyến đi này. Nhưng nếu có diễn ra thì đây sẽ là chuyến thăm cấp nhà nước đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Việt Nam kể từ năm 2017. Chuyến đi này cũng sẽ diễn ra đúng vào dịp kỷ niệm 15 năm quan hệ đối tác chiến lược toàn diện Trung Quốc-Việt Nam.

    Việc chủ tịch Trung Quốc chấp nhận đi thăm Việt Nam phải chăng cho thấy Bắc Kinh đã không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên thành đối tác chiến lược toàn diện nhân chuyến thăm Hà Nội vào tháng 9 của tổng thống Mỹ Joe Biden?

    Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ ngày 25/10/2023, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang, Đại học Boston, Hoa Kỳ, nhận định:  

    “Đúng vậy. Nguyên nhân chính Bắc Kinh không có phản ứng gay gắt về việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Mỹ lên đối tác chiến lược toàn diện là do các nỗ lực ngoại giao của Việt Nam để điều hòa quan hệ với Trung Quốc, ít nhất là từ tháng 6 cho đến nay. Thủ tướng Phạm Minh Chính đã đến thăm Trung Quốc vào cuối tháng 6 khi tàu sân bay Ronald Reagan ghé thăm Đà Nẵng. Ông Chính cũng có chuyến thăm Trung Quốc lần hai vào tháng 9 tại Nam Ninh chỉ vài ngày sau khi tổng thống Joe Biden thăm Hà Nội. Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng mới đây cũng đã đến Bắc Kinh và hội kiến chủ tịch Tập Cận Bình. 

    Cả ba chuyến viếng thăm trên đều thể hiện một thông điệp chính của Việt Nam là Hà Nội mong muốn hai nước tiếp tục duy trì quan hệ ngoại giao nồng ấm và Việt Nam không có ý định ngả theo Mỹ để chống Trung Quốc. Nếu chủ tịch Tập Cận Bình đến thăm Việt Nam, đây sẽ là một chỉ dấu rất lớn là các nỗ lực trấn an Trung Quốc của Việt Nam đã thành công. Đây cũng sẽ là chuyến đi đáp lễ 3 chuyến đi của lãnh đạo Việt Nam, đặc biệt là chuyến đi của tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng vào tháng 10, tháng 11/2022.” 

    Nhà phân tích Sebastian Strangio của trang mạng The Diplomat ( Nhật Bản ) cũng có cùng nhận định: 

    “Thật khó để tưởng tượng rằng Việt Nam đã không báo trước cho Bắc Kinh về việc nâng cấp quan hệ với Mỹ và trấn an họ rằng hành động này không nhắm vào Trung Quốc. Tổng thống Biden cũng đã nhấn mạnh chuyến thăm Việt Nam của ông là nhằm mục đích xây dựng các mối quan hệ của Hoa Kỳ trên khắp châu Á, chứ không phải để kiềm chế Trung Quốc. 

    Nhưng sau khi Việt Nam nâng cấp quan hệ với Hoa Kỳ lên thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đặt Hoa Kỳ ngang hàng với Trung Quốc và Nga, Trung Quốc có thể cảm thấy cần phải đòi Việt Nam chấp nhận một bản “nâng cấp” mới trong quan hệ song phương.”

    Theo hãng tin Reuters, trước chuyến viếng thăm của ông Tập Cận Bình, Hà Nội và Bắc Kinh đang thảo luận về việc có thể đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào tuyên bố chung để mô tả mối quan hệ song phương.

    Cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” đã trở nên “thịnh hành” sau khi ông Tập lên nắm quyền vào năm 2012, thể hiện mức độ quan hệ song phương cao nhất đối với chính quyền Tập Cận Bình. Trung Quốc đã thiết lập “cộng đồng chung vận mệnh” với Lào vào năm 2017 và Cam Bốt vào năm 2018, sau đó là với Miến Điện trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình đến nước này vào tháng 1/2020. 

    Mặc dù Bắc Kinh rõ ràng muốn Việt Nam gia nhập nhóm các quốc gia “có chung vận mệnh” với Trung Quốc, hai nguồn tin nói với Reuters rằng các quan chức Việt Nam thận trọng về việc thêm cụm từ đó vào tuyên bố chung. Trung Quốc được cho là đã từng tỏ ý muốn tuyên bố một cộng đồng chung vận mệnh với Việt Nam trong chuyến thăm cấp nhà nước của ông Tập Cận Bình vào năm 2017, nhưng Hà Nội lúc đó đã bác bỏ.

    Trả lời phỏng vấn RFI Việt ngữ, nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang cho rằng dù không muốn “cộng đồng chung vận mệnh” với Trung Quốc, thật ra Việt Nam cũng khó mà thoát khỏi vòng ảnh hưởng của Bắc Kinh: 

    “Theo chính sách ngoại giao của Trung Quốc, cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" là dành cho những nước mà Trung Quốc coi là những đối tác quan trọng. Việc Việt Nam có đưa cụm từ "cộng đồng chung vận mệnh" vào tuyên bố chung hay không thật ra cũng không quá quan trọng. Về bản chất, Việt Nam cũng không có nhiều lựa chọn trong quan hệ với Trung Quốc, khi Trung Quốc đã cho Việt Nam thấy rằng các nỗ lực thoát Trung trong quá khứ của Việt Nam đã thất bại, nhất là sau khi Việt Nam phải đồng ý bình thường hóa quan hệ với Trung Quốc trên thế yếu vào năm 1991, sau khi đồng minh Liên Xô đã không còn khả năng giúp Việt Nam thoát Trung như giai đoạn từ 1978 đến 1988.

    Trung Quốc muốn một Việt Nam trung lập nằm trong ảnh hưởng của Trung Quốc. Do vậy, nếu Việt Nam có thể đảm bảo với Trung Quốc rằng Việt Nam không có ý định chống Trung Quốc, Trung Quốc cũng không cần phải ép Việt Nam. Nếu Việt Nam chấp nhận đưa cụm từ “cộng đồng chung vận mệnh” vào tuyên bố chung thì có thể hiểu Hà Nội muốn thể hiện với Trung Quốc rằng quan hệ hai nước vẫn đang phát triển tốt đẹp và là kết quả của các chuyến thăm cấp cao giữa hai nước từ tháng 6 đến nay, và cũng nhằm để cân bằng bước “nhảy cóc” từ đối tác toàn diện lên đối tác chiến lược toàn diện với Mỹ vào tháng 9 vừa qua.”

    Tuy nhiên, Trung Quốc vẫn muốn cho Việt Nam thấy tính chất đặc biệt trong quan hệ giữa hai nước. Theo Tân Hoa Xã, trong cuộc gặp với chủ tịch nước Võ Văn Thưởng ở Bắc Kinh ngày 20/10 nhân diễn đàn “Vành đai và Con đường”, ông Tập Cận Bình kêu gọi Việt Nam “đừng quên cội nguồn của tình hữu nghị” giữa hai quốc gia Cộng sản này. 

    Về phần mình, trong cuộc hội kiến với Thái Kỳ, Chánh Văn phòng Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, ông Võ Văn Thưởng cũng nhìn nhận Việt Nam và Trung Quốc là hai nước “tương đồng về thể chế chính trị, con đường phát triển và mục tiêu xây dựng chủ nghĩa xã hội”.  Ông khẳng định: “ Việt Nam coi trọng việc củng cố và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc, coi đây là lựa chọn chiến lược và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa của Việt Nam”.

    Trong bài viết đăng trên trang web của Viện nghiên cứu Đông Nam Á Yusof Ishak ( ISEAS – Yusof Ishak Institute ), một nhà nghiên cứu của Viện này, Lye Liang Fook, nhấn mạnh đến quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Trung Quốc và Việt Nam: 

    “Việt Nam dường như đang xích lại gần hơn với Hoa Kỳ với việc nâng cấp quan hệ gần đây lên thành quan hệ đối tác chiến lược toàn diện. Tuy nhiên, không nên đánh giá quá cao diễn biến này, vì quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, đặc biệt là quan hệ giữa hai đảng, vẫn bền chặt. ( … ).  Trung Quốc và Việt Nam đều có lợi ích trong việc đảm bảo cho các đảng cộng sản cầm quyền của họ duy trì sự thống trị.”

    Lye Liang Fook nhắc lại: “Vào thời điểm quan hệ song phương xuống thấp, Hà Nội và Bắc Kinh đã dựa vào mối quan hệ giữa hai đảng để kiểm soát những bất đồng và đưa quan hệ trở lại đúng hướng. Sau những đụng độ căng thẳng trong sự cố giàn khoan Hải Dương 981 năm 2014, tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng đã cử đặc phái viên Lê Hồng Anh, Ủy viên Bộ Chính trị, tới Bắc Kinh vào tháng 8/2014 để hàn gắn quan hệ. Đổi lại, Tập Cận Bình đã cử ông Du Chánh Thanh (Yu Zhengsheng) đến thăm Việt Nam vào tháng 12/2014. Việc Du Chánh Thanh là nhân vật đứng hàng thứ tư trong Đảng cộng sản Trung Quốc cho thấy quan hệ Việt-Trung đã bắt đầu được cải thiện trở lại.” 

    Lye Liang Fook cũng ghi nhận: “Các cuộc trao đổi cấp cao thường xuyên giữa Đảng cộng sản Trung Quốc và Đảng cộng sản Việt Nam có mức độ tương tác cao hơn so với các trao đổi cấp chính phủ giữa hai nước. Kể từ khi Tập Cận Bình trở thành tổng bí thư Đảng cộng sản Trung Quốc vào năm 2012, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có ba chuyến thăm Trung Quốc ( 04/2015, 01/2017 và 10/2022 )”. 

    Chuyến thăm tháng 10/2022 nổi bật vì chuyến thăm này nhằm thực hiện lời hứa của Nguyễn Phú Trọng với Tập Cận Bình là sẽ thực hiện chuyến công du ngoại quốc đầu tiên tới Trung Quốc sau khi tái đắc cử tổng bí thư vào tháng 1/2021. Về phần mình, sau khi tái đắc cử tổng bí thư, ông Tập Cận Bình cũng đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tiên qua chuyến thăm vào tháng 11/2017.  

    Phải chăng mối quan hệ giữa hai đảng Cộng sản Việt Nam và Trung Quốc vẫn rất bền chặt và như vậy Việt Nam sẽ phải tiếp tục xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu hơn bất cứ quốc gia nào khác, cho dù giữa hai  nước vẫn thường có căng thẳng do tranh chấp chủ quyền Biển Đông? Nhà nghiên cứu Vũ Xuân Khang đưa ra một ý kiến khác: 

    “Quan hệ giữa hai Đảng không nói hết được tại sao Việt Nam phải xem Trung Quốc là đối tác hàng đầu. Về bản chất, dù có theo thể chế chính trị nào đi chăng nữa, Việt Nam vẫn là một nước nhỏ so với Trung Quốc, và đã là nước nhỏ thì phải chịu sự ảnh hưởng của nước lớn dù muốn hay không. 

    Các hoàng đế phong kiến Việt Nam hơn 1000 năm từ sau khi đất nước giành được độc lập dưới thời Ngô Quyền đều hiểu rõ bài học này, nên cho dù Việt Nam có đánh thắng Trung Quốc trên chiến trường, thì Việt Nam vẫn phải cử sứ giả để cầu hòa và chấp nhận tiếp tục làm chư hầu của Trung Quốc. 

    Đảng Cộng Sản Việt Nam đã quyết tâm thoát Trung vào giai đoạn 1978-1991, nhưng cũng như các triều đại phong kiến Việt Nam, dù thắng trên chiến trường nhưng cũng phải chấp nhận cầu hòa với Trung Quốc, vì Việt Nam không đủ sức mạnh để đối đầu với Trung Quốc lâu dài. Do vậy, Việt Nam nên khôn khéo bảo vệ chủ quyền bằng các biện pháp ngoại giao, do Việt Nam không thể chiến thắng trong một cuộc đua vũ trang với Trung Quốc. Trung Quốc chỉ ủng hộ chính sách đối ngoại đa phương của Việt Nam khi Việt Nam khẳng định với Trung Quốc là chính sách đa phương đó không làm tổn hại tới lợi ích cốt lõi của Trung Quốc. Bất kể cùng chung ý thức hệ, Trung Quốc giai đoạn 1978-1991 đã cho Việt Nam thấy rằng chỉ cần Bắc Kinh muốn cô lập Hà Nội, thì Hà Nội cũng không có cách nào thoát được, kể cả khi Liên Xô đã nỗ lực giúp Việt Nam thoát Trung.

    Nhà phân tích Jeff Zeberlein, nguyên là một sĩ quan hải quân Mỹ, trên trang web của Jamestown Foundation ngày 20/10 đã viết: 

    “Các nhà hoạch định chính sách ở Hoa Kỳ hoan nghênh những phát triển ngoại giao ( trong quan hệ Mỹ-Việt ), nhưng các chuyên gia khu vực cảnh báo rằng bối cảnh địa lý của Việt Nam ngăn cản việc tăng cường hơn nữa quan hệ với phương Tây: Trung Quốc và Việt Nam có chung đường biên giới trên bộ và trên biển, đó là một phần lý do tại sao nền kinh tế Việt Nam phụ thuộc nhiều vào xuất khẩu của Trung Quốc. 

    Vì lợi ích chiến lược của mình, Việt Nam không thể đoạn tuyệt hoàn toàn với Trung Quốc. Trong khi đó, Hoa Kỳ được coi là một đối tác không đáng tin cậy, không chỉ vì lý do lịch sử, mà còn do hệ thống chính trị khác nhau giữa hai nước: Dưới con mắt của giới lãnh đạo cộng sản Việt Nam, các tiến trình chính trị dân chủ của Hoa Kỳ dẫn đến việc ra những quyết định thất thường, ngắn hạn. 

    Nhưng sự cải thiện rõ rệt trong quan hệ Mỹ-Việt là tích cực cho cả hai nước, ngay cả khi Việt Nam khó có thể từ bỏ cách tiếp cận hòa giải đối với Bắc Kinh. Chính sách Bốn Không sẽ được triển khai với cả các đối tác phương Tây và Trung Quốc để mang lại cho Việt Nam nhiều quyền tự chủ hơn. Các quan chức quốc phòng Hoa Kỳ có thể thấy thất vọng vì tiến trình hội nhập quân sự chặt chẽ hơn bị đình trệ khi Việt Nam điều chỉnh quan hệ với phương Tây để xoa dịu Trung Quốc. Tuy nhiên, việc Việt Nam chuyển sang một chính sách Bốn Không ít hạn chế hơn là bằng chứng cho thấy cam kết mạnh mẽ hơn của Việt Nam trong việc đối đầu với hành động mang tính cưỡng ép của Trung Quốc ở Biển Đông, mặc dù điều đó cũng có thể báo trước nhiều cuộc đụng độ hơn để bảo vệ các yêu sách biển của Việt Nam.”

    https://www.rfi.fr/vi


    Không có nhận xét nào