Header Ads

  • Breaking News

    UC Berkeley Nhìn Lại 20 Năm VNCH Xây Dựng Quốc Gia Trong Thời Chiến

    Trùng Dương /Tạp chí Da Màu

    09/11/2016

     

    clip_image002

    “ Mục đích của hội thảo trước nhất là vì học thuật. Chúng tôi không có mục đích chính trị, không phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào […], càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.”
    — Giáo sư Vũ Tường, Đại học Oregon

    [Kỳ 1]

    Vào hai ngày 17 và 18 tháng 10 vừa qua tại Đại học Tiểu bang California, Berkeley đã diễn ra cuộc hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc của Miền Nam Việt Nam trong 20 năm từ 1955 đến 1975, qua hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà. Cuộc hội thảo do Center for Southeast Asia Studies và Journal of Vietnamese Studies thuộc UCB tổ chức, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư khoa Sử Peter Zinoman, phối hợp với một số học giả đến từ các tiểu bang khác và Canada, trong đó có một số giáo sư trẻ gốc Việt. Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về kinh nghiệm xây dựng quốc gia của VNCH đã được thảo luận, bao gồm không chỉ cuộc chiến và quân sự mà còn cả các lãnh vực khác như văn hoá, xã hội, kinh tế, giáo dục tới các sinh hoạt văn học nghệ thuật và truyền thông và dân sự. 

    Và cũng hãn hữu là việc quy tụ một số nhân vật trong giới lãnh đạo và dân sự của thời VNCH, phần lớn đã ở tuổi trên dưới 70 tới ngoài 90, bên cạnh những khuôn mặt học giả trẻ cả gốc Mỹ và Việt, để cùng nghiên cứu về một giai đoạn phát triển không tiền khoáng hậu trong lịch sử Việt Nam dưới một thể chế tự do dân chủ mặc dù những khó khăn của thời chiến. Trên 40 năm tuy vừa đủ cho một thế hệ học giả trẻ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi cuộc chiến nhìn lại một cách khách quan và tổng quan, do đấy phản ảnh trung thực hơn. Nhưng cũng là trễ cho một số vị có kinh nghiệm trực tiếp trong việc xây dựng một thể chế dân chủ lần đầu tiên được thiết lập tại Việt Nam. Trễ, do đấy, vài ngày trước khi Hội thảo diễn ra, hai vị đã qua đời vì lớn tuổi và bệnh hoạn, đó là nhà báo và chính khách đối lập Võ Long Triều, và nhà giáo dục Nguyễn Thanh Liêm. Ngoài ra, Giáo sư Vũ Quốc Thúc, đã ngoài 90, từ Pháp, và Luật sư Cao Văn Thân, cũng đã trọng tuổi và từ Canada, bị bệnh bất ngờ nên không lên Skype chuyện trò được trong hội thảo.

    clip_image004

    clip_image006

    Quang cảnh phòng hội thảo trong Doe Memorial Library, University of California, Berkeley. Hình trên, ngày đầu hội thảo; hình dưới, ngày hội thảo thứ hai và cuối cùng. (Hình Trùng Dương)

    Mục đích hội thảo

    “Hội thảo nhằm mục đích tìm hiểu thêm về kinh nghiệm xây dựng quốc gia dưới thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng Hòa ở miền Nam Việt nam, cả những ưu điểm và những yếu kém, thành công hay thất bại,” Giáo sư Vũ Tường, giám đốc Chương trình Nghiên cứu Á châu thuộc Phân khoa Chính trị học tại Đại học Oregon, Eugene, và là một trong những người đứng ra tổ chức chương trình hội thảo, nói trong một cuộc trao đổi với người viết bài này.(*) “Tôi tin rằng hội thảo sẽ giúp mở rộng hiểu biết về VNCH mà hiện nay còn rất hạn hẹp và thiên lệch […]. Hội thảo cũng có thể gợi ra vài bài học bổ ích cho việc xây dựng một thể chế dân chủ, kinh tế tư nhân phát triển, và xã hội tự do ở Việt nam vào thời điểm này và trong tương lai. Đường hướng phát triển này đã hiện hữu trong cơ cấu chính trị, kinh tế, và xã hội của VNCH, nhưng bị khuynh đảo bởi cuộc chiến tàn bạo và bị chôn vùi trong bốn thập niên qua sau khi đất nước thống nhất bởi những người cộng sản.”

    “ Mục đích của hội thảo trước nhất là vì học thuật,” Giáo sư Tường cho biết. “Chúng tôi không có mục đích chính trị, không phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào trong cộng đồng người Việt ở hải ngoại, càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.” 

    Đồng chủ toạ hội thảo với các Giáo sư Peter Zinoman và Vũ Tường, còn có Giáo sư Trần Nữ-Anh đến từ Đại học Connecticut. Cả ba cùng thuộc lứa tuổi 50, lớn lên sau khi cuộc chiến VN đã kết thúc, nên, theo GS Tường, không bị các định kiến của giới học giả phản chiến chi phối.

    Hội thảo viên gồm hai thành phần, một là những người có kinh nghiệm trực tiếp trong việc xây dựng và phát triển Miền Nam về mọi mặt, từ thời Đệ nhất, 1955-1963, tới Đệ nhị Cộng Hoà, 1967-1975, để cung ứng cho giới học giả tương lai nguồn tài liệu nguyên thủy (primary source). Và nhóm thứ hai gồm các học giả, trong số đó có một số ứng viên tiến sĩ trẻ đang làm luận án, trình bầy những công trình nghiên cứu của họ dựa vào các nguồn tài liệu khác nhau và cả những phỏng vấn của riêng họ.

    Nội dung thuyết trình được chia thành bẩy nhóm đề tài: 1) Chính trị Đa nguyên; 2) Phát triển Kinh tế; 3) Chính trị và Kinh tế; 4) Giáo dục và Truyền thông; 5) An ninh và Quân sự; 6) Xã hội, Văn hoá và Nghệ thuật; và 7) Đời sống Dân sự trong Thời chiến. Riêng nhóm đề tài 3 và 7 do các học giả trẻ, trong đó có hai gốc Việt, một gốc Á và ba gốc Mỹ, trình bầy những nghiên cứu một số khía cạnh đời sống tại Miền Nam thời Cộng hoà qua sách báo và phỏng vấn của họ. Những nhóm đề tài còn lại là do các nhân vật đã từng hoạt động đóng góp vào công cuộc xây dựng và vun sới cho nền dân chủ trẻ trung và duy nhất cho tới nay trong lịch sử Việt Nam. Đặc biệt có sự tham dự của Giáo sư John Schafer, với bài nghiên cứu về Ngô Kha, một trong những người bạn của và đã ảnh hưởng tới nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. Ông Schafer là tác giả cuốn “Vo Phien and the Sadness of Exile.”

    Hội thảo Ngày 1:
    Đặt Nền tảng Chính trị; Phát triển Kinh tế; Giáo dục và Truyền thông

    Trong một công trình xây dựng quốc gia, theo Giáo sư Tường, thì việc đầu tiên và cần thiết là xây dựng một nền tảng chính trị. Đặt vào bối cảnh Việt Nam hiện nay, ông nói: “[V]iệc cấp thiết nhất với Việt Nam hiện nay là cải tổ chính trị sâu sắc và rộng lớn theo hướng dân chủ hóa. Giải quyết được điều này có thể giải phóng được rất lớn trí tuệ và năng lực người Việt Nam. Nếu sợ dân chủ sẽ dẫn đến hỗn loạn, hãy có lộ trình, nhưng không được lấy cớ hỗn loạn để trì hoãn.” 

    clip_image008  clip_image010clip_image012

    Hình trên, trái và giữa, các ông Lâm Lễ Trinh và Huỳnh Văn Lang, qua Skype, trình bầy về giai đoạn thiết lập nền Đệ nhất Cộng hoà dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Phải, Ông Hoàng Đức Nhã nói về tiến trình đưa tới Hiệp định Paris 1973 dưới thời Đệ nhị Cộng hoà của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu. (Ảnh TD)

    Trong tinh thần đó, cuộc hội thảo mở đầu với chủ đề Chính trị Đa nguyên (ý muốn nói là gồm các nhân vật của cả hai thời Đệ nhất và nhị Cộng hoà vốn còn nhiều bất đồng chính kiến?), với sự tham dự của các nhân vật đã tham gia vào các sinh hoạt chính trị của cả hai giai đọan này của VNCH. Luật sư Lâm Lễ Trinh, 93 tuổi, nguyên tổng trưởng Bộ Nội vụ trong thời Đệ nhất Cộng Hoà, qua hệ thống Skype, mở đầu với phần trình bầy về “Tổng thống Ngô Đình Diệm và nền Đệ nhất Cộng Hoà, 1954-1963.” 

    Cũng nói qua Skype, Ông Huỳnh Văn Lang, nguyên giám đốc Viện Hối Đoái và bí thư Liên kỳ bộ Nam Bắc Đảng Cần Lao Nhân Vị thời Đệ nhất Cộng Hoà, sáng lập viên Hội Văn hoá Bình dân và tạp chí Bách Khoa, và là một nhà kinh doanh thành công thời Đệ nhị Cộng hoà, cũng qua Skype, nói về “Đảng Cần Lao” của Đệ nhất Cộng hòa. Ông Lang cũng đã dự tính bàn thêm về đê tài “Nền Văn hoá nào cho Người Tị nạn Vĩnh viễn ở Hải ngoại” trong nhóm chủ đề về văn hoá, nhưng hệ thống nối với Skype bị trở ngại, nên thôi. 

    Kết thúc cho nhóm chủ đề Chính trị Đa nguyên là phần trình bầy của ông Hoàng Đức Nhã, nguyên Tổng trưởng Bộ Thông tin và Chiều hồi thời đệ nhị Cộng hoà, tập trung vào kinh nghiệm của ông đối với Thỏa hiệp Paris năm 1973 khi Hoa kỳ, dưới thời Tổng thống Richard Nixon và Ngoại trưởng Henry Kissinger, áp lực chính phủ của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu ký Thoả hiệp, với những hứa hẹn tuy trên giấy tờ nhưng đã không hề được đệ trình lên Quốc hội Mỹ thông qua, do đấy vô giá trị đối với các nhà lập pháp Mỹ.

    Nhóm chủ đề thứ hai về Kinh tế và Phát triển, tuy khô khan nhưng lại chứa nhiều thông tin thực tiễn, nói lên những thành quả tích cực mà, nếu không vì chiến tranh và phá hoại của cộng sản trên mọi mặt, thì VNCH có lẽ ngày nay đã phát triển không thua các nước Nam Hàn và Đông Nam Á, và nhất là đã không chịu sự chi phối của Trung Cộng, như đã và đang diễn ra trên mảnh đất đang bị nhiễm độc trầm trọng, cả ở nghĩa đen lẫn nghĩa bóng. Miền Nam, sau khi đất nước bị chia đôi và vừa thoát ra khỏi chế độ thuộc địa, nhiều cơ chế kinh tế và thương mại cần được xây dựng từ móng. Giáo sư Vũ Quốc Thúc, nay đã 96 tuổi, dự tính nói từ Pháp qua Skype, về “Sự ra đời của Ngân hàng Trung ương,” nhưng tiếc là không thành. Thay vì thế, Ông Nguyễn Đức Cường đã thay Ông Thúc trình bầy.

    clip_image014clip_image016

    Hình trên, trái, Ông Nguyễn Đức Cường đang trình bầy về việc phát triển hệ thống ngân hàng của Việt Nam Cộng hoà; với Giáo sư Vũ Tường điều khiển cuộc thảo lận và các ông Phạm Kim Ngọc và Trần Quang Minh chờ tới phiên thuyết trình. Phải, các diễn giả đang trả lời những câu hỏi của khán giả sau phần thuyết trình. (Ảnh TD)

    Cũng trong nhóm hội thảo về phát triển kinh tế, có ông Phạm Kim Ngọc, 88 tuổi, tốt nghiệp ngành kinh tế tại Đại học Southampton và ngân hàng và tài chính quốc tế tại London School of Economics, Anh quốc, nguyên Bộ trưởng Bộ Kinh tế thời Đệ nhị Cộng hoà. Qua đề tài “Canh tân hay Tan rã,” ông nói về những kế hoạch “thắt lưng buộc bụng” (austerity measures) và khó khăn trong giai đoạn Miền Nam cần tự lực cánh sinh để có thể sống còn một khi quân đội Mỹ rút về nước và do đấy những tài trợ cũng bị cắt giảm. Một trong những đề nghị tuy nhỏ nhưng đã bị phản ứng công khai và dữ dội là quyết định cắt phụ cấp giấy in báo nhập cảng, một nguồn lợi không nhỏ của một số chủ báo. Do đấy ông cho biết đã bị nhiều báo Sài Gòn dạo ấy xúm vào tấn công.

    Nối tiếp ông Ngọc là ông Nguyễn Đức Cường, tốt nghiệp đại học Massachusetts Institute of Technology và nguyên bộ trưởng Bộ Thương mại và Kỹ nghệ thời Đệ nhị Cộng hoà, qua đề tài “Nền móng cho Sự Tự lập và Tăng trưởng.” Bài thuyết trình của ông bao gồm cả hai thời Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà, cho khán giả một cái nhìn toàn diện về những nỗ lực để tự túc tự cường của một quốc gia dân chủ non trẻ còn nhiều tàn tích di sản của thời thuộc địa dài cả thế kỷ, lại đang gặp chiến tranh do phương Bắc gây ra, và những gì lẽ ra phải làm nhưng đã không được thực hiện. 

    “Nhìn lại, chúng ta đã có thể làm được hơn cho ngành kỹ nghệ hồi ấy,” ông nói. “Chẳng hạn như chúng ta đã không quan tâm đủ về tiềm năng sản xuất các quân trang quân dụng cho quân đội của các kỹ nghệ trong nước. Bộ Quốc phòng Mỹ hiện đã quan tâm tới việc giao cho địa phương việc cung cấp quân trang quân dụng thay vì nhập cảng, việc mà dạo đó các cơ sở kỹ nghệ của ta có thể khai triển với số vốn khiêm nhượng để thu về những đồng Mỹ kim khan hiếm. Nền kinh tế đã có thể nhờ đó thu lợi thay vì phải đầu tư lớn vào việc nhập cảng những thứ này.”

    Cũng trong khuôn khổ nhóm thuyết trìnhh về phát triển kinh tế, Luật sư Cao Văn Thân, xuất thân từ các trường đại học Pháp và Mỹ, nguyên Bộ trưởng Bộ Cải cách và Phát triển Nông nghiệp thời Đệ nhị Cộng Hoà, cũng đã được lên chương trình và sẽ nói qua Skype, với đề tài “Cải cách Ruộng đất, Phát triển Nông thôn và Nông Nghiệp.” Tuy nhiên, hai ngày trước Hội thảo, ông bị bệnh, nên ông Trần Quang Minh, nguyên tổng giám đốc kế hoạch Ngũ niên Phát triển Canh nông và phó bộ trưởng Bộ Canh nông thời Đệ nhị Cộng hoà, được mời thay thế. Sinh năm 1938 tại Châu Đốc và, như những người thuộc thế hệ ông hồi ấy được huấn luyện tại Hoa kỳ, ông Minh tốt nghiệp ngành thú y và đã từng giảng dậy tại Đại học Nông Lâm Súc Oklahoma trước khi về Việt Nam tiếp tay kiến quốc. Ông Minh có óc hài hước, mặc dù đề tài của ông đầy tính chuyên môn, nhưng vài câu khôi hài của ông, kể cả hai lần đề cập tới Donald Trump, đã khiến khán giả cười rộ, thoải mái.

    Đề tài thuyết trình của ông Minh, đặt trọng tâm vào Chương trình Người Cầy Có Ruộng của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, cũng chính là đề tài ông đã thuyết trình bốn năm trước tại kỳ hội thảo lần đầu ở Đại học Cornell do Giáo sư Keith W. Taylor khởi xướng. Nội dung của cuộc Hội thảo Cornell, tuy vậy, chỉ thu hẹp trong khuôn khổ trao đổi kinh nghiệm kiến quốc của các vị làm việc trong chính quyền thời Đệ nhị Cộng hoà. Bài này đã được khai triển và in trong tuyển tập “Voices from the Second Republic of South Vietnam, 1967-1975.” (**) Đây cũng là một trong những bài tôi đã đọc với tất cả thích thú lẫn ngạc nhiên — thích thú vì đề tài thiết thực, và ngạc nhiên vì sao mình đã không biết nhiều những chi tiết về cuộc cải cách nông nghiệp quan trọng này.

    Việt Nam, kể từ khi chính thức độc lập khỏi sự cai trị của người Pháp vào năm 1945, đã trải qua ba cuộc cải cách nông nghiệp. Lần đầu là vào đầu thập niên 1950 tại các vùng do Việt Minh đã tiếp thu tại miền Bắc, đó là cuộc Cải Cách Ruộng Đất đẫm máu mà ai cũng đã từng nghe biết, khiến hàng ngàn người bị liệt vào thành phần địa chủ, bị đem ra đấu tố, làm nhục, bị cướp đi đất đai của cải từ nhiều đời và không được đền bù, đã vậy nhiều người còn bị sát hại. Lần thứ hai là chương trình Cải cách Điền địa dưới thời Tổng thống Ngô Đình Diệm. Chương trình này không mấy thành công vì sự đề kháng của các nhà đại điền chủ ở Miền Nam và vì nhiều những lý do khác. Và lần thứ ba là chương trình Người Cầy Có Ruộng dưới thời Đệ nhị Cộng hoà, với sự trợ giúp của Hoa kỳ, đã khá thành công. Vào khoảng đầu năm 1973, khoảng 3 triệu mẫu ruộng, tức 60 phần trăm tổng số 7.5 triệu mẫu đất cầy cấy của Miền Nam, đã được phân phát cho khoảng 800,000 gia đình nông dân. Các đại và trung điền chủ được bồi thường bằng tiền mặt, chứ không bị cưỡng đoạt như trong cuộc Cải cách Ruộng đất của cộng sản Việt vào dầu thập niên 1950 và tại Trung Quốc trước đó. Từ đấy là khả năng sản xuất lúa gạo đã gia tăng, đặc biệt với việc trồng loại lúa “Thần nông”, mà kết quả là vào đầu năm 1973, thời kỳ Thoả hiệp Paris được ký kết, VNCH đã có thể tự nuôi và còn chuẩn bị để xuất cảng gạo.

    “Vào cuối cuộc chiến, chúng tôi đang tập trung vào công tác xây dựng hạ tầng cơ sở cho việc xuất cảng gạo tương lai,” ông Minh kết luận trong bài viết trong cuốn “Voices,” nên tôi tạm mượn trích đọan trong sách cho bài được đầy đủ hơn một chút. “ Nhìn lại, thật đáng kể là những thành tựu trong việc tái phân phối sở hữu ruộng đất ở thôn quê, gia tăng sản xuất lúa gạo, và hợp lý hoá giá gạo đã được thực hiện vào cao điểm của một cuộc chiến kéo dài do Bắc quân gây ra.”

    “Cuộc chiến Việt Nam không chỉ là bắn giết và gây thương tật, trận thua trận được, và Việt Mỹ bất bình nhau, như hầu như đã chỉ được mô tả trong sách vở và qua truyền thông,” Ông Minh chia sẻ. “Đối với chúng tôi phần nhiều đó là việc xây dựng một quốc gia và thay đổi những cuộc đời, là cách mạng xã hội, là tái thiết nông thôn, là phát triển nông nghiệp, phát triển kinh tế, và xây dựng một tương lai hạnh phúc cho con cháu chúng ta. Đây chính là di sản trường tồn và hữu dụng mà nền Đệ nhị Cộng hoà, dưới sự lãnh đạo của Tổng thống Nguyễn Văn Thiệu, để lại cho một dân tộc đã nhiều khổ đau. Và chúng tôi, những thành phần dân sự trong cuộc chơi này, đã và còn hãnh diện về các thành quả và đóng góp trong cuộc đấu tranh chống lại chủ nghĩa cộng sản quốc tế. Mặc dù chúng tôi thua trận vì thiếu sự hộ trợ hậu cần (logistics), song điều đó không làm giảm hay vô hiệu hoá các nỗ lực của chúng tôi.”

    Vào cuối chương trình của ngày hội thảo đầu, trước khi bước qua phần trao đổi kinh nghiệm về Giáo dục và Truyền thông, khán giả có dịp thay đổi không khí qua một số nghiên cứu của các học giả trẻ, dựa trên nghiên cứu các tài liệu lưu trữ và phỏng vấn do chính họ thực hiện. 

    Kevin Li, sinh viên tiến sĩ sử học tại UC Berkeley, với đề tài có lẽ ít ai còn để ý, do đấy đặc biệt, "Yêu nước hay nối giáo cho giặc: Xét lại lực lượng Bình Xuyên trong thời hậu thuộc địa.” Ryan Nelson, sinh viên tiến sĩ sử học tại UC Berkeley, qua những tin tức và một số hí hoạ trên báo Sài Gòn thời ấy, nêu lên những vấn đề xã hội mà sự hiện diện của quân đội Mỹ đã gây ra, qua đề tài "Để mất lòng dân: Nhìn vào bốn vấn đề xã hội tại đô thị từ 1965-1966." Simon Toner, sinh viên hậu tiến sĩ ngành Đông Nam Á tại đại học Columbia University, với đề tài "Đường tới thất thủ: Cuộc khủng hoảng kinh tế của Việt Nam Cộng Hòa, 1969-1975.” Cuối cùng, Sean Fear, sinh viên hậu tiến sĩ ngành chính sách ngoại giao Hoa Kỳ và an ninh quốc tế tại đại học Dartmouth College, bàn về đề tài "Những suy nghĩ về chính phủ và xã hội dân sự trong nền Đệ Nhị Cộng hoà.”

    clip_image018

    Trái, sinh viên tiến sĩ sử Ryan Nelson đang trình bầy nghiên cứu về xã hội Miền Nam, đặc biệt tại Sài Gòn, vào giữa thập niên 1960, dưới ảnh hưởng của sự có mặt ồ ạt của quân Đội Mỹ vào Việt Nam. Cạnh Nelson, từ trái, Giáo sư Trần Nữ-Anh, người điều khiển hội luận, Kevin Li, Simon Toner và Sean Fear đang cùng nhìn lên màn ảnh thứ hai trong hội trường. (Ảnh TD) 

    Kết thúc ngày đầu của cuộc hội thảo kéo dài hai ngày này là phần chia sẻ kinh nghiệm về giáo dục và truyền thông, với các thuyết trình viên: Tiến sĩ Võ Kim Sơn, nguyên giảng sư Đại học Sư phạm Saigòn, trình bầy về “Việc Điều hành Hệ thống Giáo dục Công lập của Nam Vietnam”; Tiến sĩ Nguyễn Hữu Phước, phu quân của bà Sơn, nguyên Viện trưởng Phân khoa Đào tạo Giáo chức Tiểu học tại Saigon, đóng góp về đề tài “Triết lý Giáo dục và Phát triển Hệ thống Trường Kiểu mẫu của Việt Nam Cộng Hoà”; Nhà báo Phạm Trần, với trên 50 năm kinh nghiệm trong báo giới từ cả trước và sau 1975, nói về đề tài “Sống và làm việc trong vai trò ký giả dưới chế độ Việt Nam Cộng Hoà”; và Vũ Thanh Thủy, cựu phóng viên chiến trường trước 1975 và hiện là giám đốc Đài Phát thanh Saigon Houston, nói về “Chiến tranh Việt Nam qua cái nhìn của các phóng viên chiến trường người Việt.”

    Quan trọng không kém các công cuộc đặt nền móng pháp lý, phát triển kinh tế, cải cách nông nghiệp và xây dựng quân đội của một tân quốc gia trong thời chiến, bên cạnh những khó khăn nội bộ, là việc xây dựng một hệ thống giáo dục để đáp ứng những đòi hỏi cấp thời, cũng như đặt nền tảng chuẩn bị cho tương lai. Trong khi Tiến sĩ Sơn nói về những nỗ lực tái thiết nền giáo dục từ chế độ thuộc địa ảnh hưởng của Pháp, huấn luyện giáo viên tiểu và trung học, phát triển hệ thống đại học, soạn thảo sách giáo khoa, và những công tác liên hệ khác; Tiến sĩ Phước bàn về nền tảng triết lý giáo dục của VNCH. 

    Lịch sử nền giáo dục của Việt Nam là lịch sử của 10 thế kỷ (từ năm 939, là lúc đất nước thoát khỏi sự đô hộ kéo dài cả ngàn năm của Tầu, tới khi Pháp qua thuộc địa hoá Việt Nam vào cuối thế kỷ 19) chịu ảnh hưởng bởi hệ thống giáo dục Khổng Tử chỉ nhằm huấn luyện quan lại phục vụ cho chế độ quân chủ. Rồi nối tiếp là gần một thế kỷ ảnh hưởng bởi giáo dục của Pháp nhằm đào tạo một tầng lớp trí thức tiêm nhiễm văn hoá phương Tây. Kể từ khi Việt Nam lấy lại được nền độc lập vào năm 1945, thay vì xây dựng đất nước, người cộng sản, sau khi cướp được chính quyền từ tay người quốc gia, đã tự ý phát động một cuộc chiến gọi là giành lại độc lập từ tay Pháp, mà thực ra không cần thiết. Không cần thiết bởi vì sau Đệ nhị Thế chiến, các nước thuộc địa, với sự hỗ trợ của Liên Hiệp Quốc tuy lúc ấy cũng chỉ mới được thành lập và còn phôi thai, trước sau đều khôi phục được độc lập của mình mà không cần phải đổ máu. 

    Sau Hiệp định Geneva 1954 chia đôi đất nước, cộng sản Miền Bắc chuẩn bị các thế hệ tương lai cho cuộc chiến “giải phóng và thống nhất” Miền Nam. Trong khi đó, với sự hỗ trợ của Hoa Kỳ, VNCH chuẩn bị cho một tương lai với một hệ thống giáo dục đặt trên ba nền tảng chỉ đạo: Nhân bản, Dân tộc, và Khai phóng.

    Mặc dù những khó khăn, như cuộc chiến ngày một gia tăng cường độ giữa Miền Nam tự do với cộng sản Miền Bắc, và các nỗ lực của Pháp qua những thỏa hiệp văn hoá tiếp tục ảnh hưởng tới đường lối giáo dục của VNCH, ông Phước ghi nhận những trợ giúp tích cực của chính phủ Hoa Kỳ qua các chương trình hợp tác của các trường đại học Mỹ. Trong số đó có Đại học Tiểu bang Michigan giúp VNCH tái tổ chức và điều hành các hệ thống công lập; Đại học Nam Tiểu bang Illinois giúp huấn luyện các giáo viên tiểu học; Đại học Ohio trong việc thiết lập hệ thống Trung học Tổng hợp; và Đại học Wisconsin/Stevens Points tiếp tay khai triển hệ thống giáo dục cao cấp. Kết quả là Nam Việt Nam đã, sau 20 năm, thiết lập và phát triển được nhiều cơ sở giáo dục như các trường trung học tổng hợp, hệ thống đại học cộng đồng, hệ thống trắc nghiệm và thẩm định, các đại học huấn luyện giáo chức. Số học sinh, sinh viên gia tăng, như cầu sách vở cũng nhờ vậy mà tăng trưởng, tiếp tay đẩy mạnh các sinh hoạt văn hoá khác, trong đó có các ngành thuộc văn học nghệ thuật.

    “Không may là cuộc chiến tranh ý thức hệ diễn ra từ 1959 tới 1975 giữa Miền Bắc cộng sản và Miền Nam tự do đã đưa tới sự xụp đổ của Miền Nam và thay đổi toàn diện và vĩnh viễn số phận của hệ thống giáo dục của VNCH,” Ông Phước ngậm ngùi – niềm ngậm ngùi mà nhiều người trong nước hiện nay cũng đã và đang cảm thấy một cách thấm thía hơn bao giờ hết — kết thúc bài thuyết trình. “Đối với chúng tôi những nhà giáo của VNCH, một thời giáo dục hoàng kim đã biến mất cùng với sự xụp đổ của VNCH.”

    clip_image020clip_image022clip_image024clip_image026

    Hình trên, trái, nhà báo Phạm Trần, qua hệ thống Skype, đang trình bầy về 20 năm báo chí Miền Nam. Hình thứ hai từ trái, Tiến sĩ Nguyễn Văn Phước chia sẻ cuốn “Giáo Dục Ở Miền Nam Tự Do Trước 1975” mà ông đã sử dụng cho bài thuyết trình về triết lý giáo dục của VNCH. Giữa, bên phải, Tiến sĩ Võ Kim Sơn chia sẻ kinh nghiệm giáo dục tại Miền Nam. Phải, cựu phóng viên chiến trường Vũ Thanh Thủy trong một phút xúc động khi nói về sự dũng cảm và hy sinh của các sĩ quan và binh sĩ VNCH mà bà đã tận mắt chứng kiến ngoài mặt trận vào các năm cuối cuộc chiến. (Ảnh TD)

    Tiếp theo phần trình bày của hai nhà giáo Sơn và Phước, hai nhà truyền thông lần lượt trình bầy về vai trò của người ký giả và phóng viên chiến trường tại Miền Nam. Nhà báo Phạm Trần, vì lý do riêng không thể trực tiếp tham dự hội thảo nên nói qua hệ thống Skype, về đề tài “Sống và Làm việc như một Ký giả thời VNCH.” Với 15 năm, tức kinh nghiệm dài bằng ba phần tư cuộc đời ngắn ngủi của VNCH, lăn lộn trong nghề báo với các cơ quan báo tư nhân cũng như truyền thông của chính quyền tại Miền Nam, ông Phạm Trần đã đưa khán giả đi một vòng lược sử báo chí sinh động của Miền Nam, từ một chế độ kiểm duyệt khá khe khắt của thời Đệ nhất Cộng hoà khiến báo chí đâm dè dặt, xoay ra đặt trọng tâm vào thương mại và giải trí; tới thời Đệ nhị tương đối tự do hơn, song cũng do đó mà sự xâm nhập của cộng sản vào giới này càng trở nên dễ dàng hơn, khiến tình thế càng trở nên phức tạp. 

    Không bao biện mọi sinh hoạt của nền báo chí VNCH với một tốc độ chóng mặt như phần thuyết trình của nhà báo Phạm Trần, Vũ Thanh Thủy thu gọn đề tài của mình vào góc nhìn đối với cuộc chiến của một phóng viên chiến trường trong giai đọan năm năm cuối cùng của VNCH. Đồng tác giả cuốn “Hồi ký Phóng viên Chiến trường: Tình yêu, Ngục tù & Vượt biển” vừa phát hành, viết chung với phu quân, nguyên đồng nghiệp của bà, là nhà báo Dương Phục, bà Thủy đã mang đến cho khán giả cuộc hội thảo một bản tường trình nhiều xúc cảm chân thành, khiến nhiều người cũng muốn rớt nước mắt theo khi bà kể lại những gì chính mắt mình thấy, đó là sự dũng cảm và cả hy sinh mạng sống của các tướng tá và binh lính VNCH ngoài mặt trận.

    “Tôi thấy phẫn uất khi báo chí ngoại quốc gọi quân đội Việt Nam là một quân đội bù nhìn,” bà nói, rồi ngưng một lúc như để ngăn cơn xúc động như muốn tuôn trào.

    Bà Thủy dành một phần ba của bài nói chuyện tập trung vào báo chí và các ký giả ngoại quốc tường trình về cuộc chiến tại Việt Nam, và vì những thiếu sót của giới này đã đưa tới cái nhìn lệch lạc, thiển cận đối với cuộc chiến đấu cho tự do của Miền Nam. 

    “Giới truyền thông Mỹ không bao giờ hiểu cuộc chiến như chúng ta đã hiểu,” bà nói. “Trong cái nhìn của họ, đó là cuộc chiến giữa chính phủ họ với chính phủ Hà Nội. Với chúng ta, đó là cuộc nội chiến do những dị biệt về nếp sống. Nó còn lớn hơn cả chính chúng ta (vì) đó là cuộc Chiến tranh Lạnh châm ngòi bởi chính quyền Sô viết và Trung cộng nhằm bành chướng chủ nghĩa cộng sản xã hội. Người Mỹ cũng biết đó là sự thực, do đấy đã hỗ trợ Miền Nam trong việc ngăn chặn sự bành chướng này, nhưng họ không biết gì về chúng ta… chúng ta đã từ chối bỏ rơi tinh thần tự do.” Theo bà, giới truyền thông Mỹ vốn thiếu khả năng ngôn ngữ và chỉ dựa vào những nhận xét một chiều của các ký giả đi trước, bên cạnh những thông tin do các nhà báo cộng sản nằm vùng tại Miền Nam, như trường hợp gián điệp Phạm Xuân Ẩn, mớm cho, những cái nhìn thiên lệch và nông cạn ấy đã được giới truyền thông Mỹ lặp đi lặp lại, và do đấy ảnh hưởng tới dư luận Mỹ. 

    “Ý niệm là thế giới biết về chúng ta qua những hiểu lầm của các phóng viên đã không chịu bỏ thì giờ để đào sâu thêm, quả thật là hãi hùng,” Bà Thủy tiếp. “Rằng lịch sử và tương lai của một quốc gia đã chỉ được nhào nặn bởi một nhóm nhỏ không thấu đáo sự việc đúng là một cuộc xẩy thai nghề nghiệp bi thảm.” 

    UC Berkeley Nhìn Lại 20 Năm VNCH Xây Dựng Quốc Gia Trong Thời Chiến- Kỳ 2/2

    ucb-symposium2016_flyer

    “Mục đích của hội thảo trước nhất là vì học thuật. Chúng tôi không có mục đích chính trị, không phục vụ ý đồ của bất kỳ phe nhóm chính trị nào […], càng không nhằm phê phán, tôn vinh, hay khôi phục chế độ VNCH.”
    — Giáo sư Vũ Tường, Đại học Oregon

    [Kỳ 2 & hết] 

    Vào hai ngày 17 và 18 tháng 10 vừa qua tại Đại học Tiểu bang California, Berkeley đã diễn ra cuộc hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc của Miền Nam Việt Nam trong 20 năm từ 1955 đến 1975, qua hai thời kỳ Đệ nhất và Đệ nhị Cộng hoà. Cuộc hội thảo do Center for Southeast Asia Studies và Journal of Vietnamese Studies thuộc UCB tổ chức, dưới sự hướng dẫn của Giáo sư khoa Sử Peter Zinoman, phối hợp với một số học giả đến từ các tiểu bang khác và Canada, trong đó có một số giáo sư trẻ gốc Việt. Có thể nói đây là lần đầu tiên một cuộc hội thảo về kinh nghiệm xây dựng quốc gia của VNCH đã được thảo luận, bao gồm không chỉ cuộc chiến và quân sự mà còn cả các lãnh vực khác như văn hoá, xã hội, kinh tế, giáo dục tới các sinh hoạt văn học nghệ thuật và truyền thông và dân sự. 

    Mời độc giả theo giõi tiếp: 

    Hội thảo Ngày 2:
    An ninh và Quân sự; Xã hội và Văn học Nghệ thuật;
    và Đời sống Dân sự trong Thời chiến 

    Một điều tôi cảm thấy thú vị, và ấm lòng, là qua ngày thứ hai và cuối cùng này, hầu như mọi người, diễn giả và khán giả, gồm các thân hữu của các thuyết trình viên, vài người trong giới báo chí, và một số bạn trẻ và sinh viên quan tâm, như đã quen nhau từ lâu, chứ không phải chỉ mới gặp và quen nhau ngày hôm trước. Không khí đại học — nơi mọi khác biệt hình như bị xoá mờ, nơi mọi người thoải mái trao đổi mà không ngại bị phán đoán, nơi những người trẻ hay không còn trẻ trở lại với sách đèn trong khi xây đủ các thứ mộng cho tương lai – như bao bọc lấy chúng tôi. 

    Ngày thứ hai của hội thảo mở đầu bằng bài thuyết trình của Ông Trần Minh Công, cựu đại tá chỉ huy trưởng Học viện Cảnh sát Quốc gia thời Đệ nhị Cộng hoà, chia sẻ kinh nghiệm và những thách thức trong việc gìn giữ an ninh trật trong một xã hội thời chiến. 

    “Cảnh sát tại Việt Nam phải đảm nhận một vai trò hết sức khó khăn,” Ông Công tâm sự. “Ngoài những trách nhiệm bình thường của một cơ quan công lực, như bảo vệ an toàn và tài sản của người dân, cảnh sát Việt Nam phải đối phó với một cuộc chiến tranh du kích, chiến đấu như một người lính. Đối phó với chiến tranh du kích không phải là một việc dễ dàng. Rất khó để đánh những người trông giống y như mình, trà trộn vào sinh hoạt của mình, nhất là khi mình phải thượng tôn pháp luật, phải cân nhắc nhiều giữa lằn ranh của tội phạm và tự do ngôn luận.” 

    clip_image004clip_image006

    Trên, hình bên trái, Giáo sư Peter Zinoman, đồng chủ toạ chương trình Hội thảo Kiến quốc, đặt câu hói với các diễn giả Bùi Quyền và Trần Minh Công, hình bên phải, trong phần chủ đề An ninh và Quân sự. Ngồi bên phải ông là phu nhân của ông, Tiến sĩ Nguyễn Nguyệt Cầm, nhà văn Nhã Ca và nhà báo Bùi Văn Phú. (Ảnh TD) 

    Đấy là bối cảnh của công cuộc giữ gìn an ninh hậu phương. Nối tiếp là phần trình bầy của cựu Trung tá Quân lực VNCH với 16 năm trong quân ngũ tiếp theo với 13 năm tù cộng sản, Ông Bùi Quyền, 79 tuổi, đến từ San Jose, nói về “Quan điểm của một Quân nhân Tiền tuyến.” Giới hạn trong 20 phút, nhưng ông Quyền cũng đưa khán giả đi một vòng lược sử của quân đội VNCH qua hai thời Đệ nhất và nhị Cộng hoà, từ thành hình, tổ chức, phát triển các binh chủng thủy lục không quân và các lực lượng địa phương, các ưu và khuyết điểm, những thách thức của chiến tranh tâm lý và chiến dịch bình định nông thôn, Việt Nam hoá chiến tranh, và nhiều các lãnh vực quân sự khác. Ông ghi nhận những ưu điểm của quân VNCH, như ký giả Vũ Thanh Thủy đã chia sẻ trong bài nói chuyện hôm trước bằng chính kinh nghiệm của một phóng viên chiến trường, đó là “tinh thần quân đội nói chung rất cao,” và “cấp chỉ huy cũng như binh sĩ, qua thực hành, học hỏi được rất nhiều về cách đánh trong chiến tranh quy ước với đủ loại chiến cụ tối tân lúc đó (và) họ đã sử dụng kiến thức này trong trận đánh mùa Hè năm 1972 tại An Lộc, Kontum và Quảng Trị.” 

    Tuy nhiên, ông Quyền nêu lên một khuyết điểm trầm trọng của VNCH, đó là sự thiếu sót một quốc sách sau khi Hoa kỳ rút quân. “Sau hiệp định đình chiến ở Paris trong đó có nhiều điều khoản bất lợi cho VNCH và nhất là sự kiện Trung Cộng chiếm đoạt quần đảo Hoàng Sa (1974) và quốc gia đồng minh là đệ thất hạm đội HK hiện diện gần đấy, không những chỉ làm khán giả đứng ngoài xem mà còn không cứu vớt các thủy thủ HQ/VN đang loi ngoi bơi trên biển,” Ông Quyền nói. “Tất cả sự kiện trên đều thể hiện rõ sự phủi tay của người đồng minh cũ, không còn muốn dính líu vào số phận của VNCH nữa. Đáng lẽ vị lãnh đạo đất nước phải trù hoạch kế sách tự lực tự tồn cho đất nước, song có lẽ quá tin vào lời cam kết của Nixon qua những lá thư riêng của ông này nên vị lãnh đạo quên rằng khi CS miền Bắc tung hết quân xâm lăng, sự thiếu chuẩn bị kế hoạch ngăn chặn hay phản công, thiếu đạn dược săng nhớt và phối trí đơn vị hợp lý ở các khu vực mang đặc điểm riêng của mỗi vùng chiến thuật sẽ dễ dẫn đến thảm bại và mất nước.” 

    Ngắm vẻ khắc khổ chịu đựng của người quân nhân và cựu tù nhân chính trị, người dự khán cũng không ngăn được xúc động cảm thương cho cả một thế hệ đầy nhiệt tâm một thời muốn xây dựng phần đất tự do cuối cùng của Miền Nam, mà cuối cùng đành nuốt hận, gạt nước mắt, kẻ vào tù, người liều chết ra đi tìm đất sống khắp mọi chân trời góc bể. Ngồi cạnh tôi, phóng viên Hà Giang của nhật báo Người Việt nghiêng qua, nói nhỏ, “Vẫn còn nhiều raw emotions (xúc động nguyên thủy), chị…” Tôi gật đầu đồng ý. “Chính mình cũng còn mang cái đau đó, nói chi.” 

    Đúng lúc đó, điều hợp viên của nhóm chủ đề An ninh và Quân sự, Giáo sư Vũ Tường, sau khi cám ơn hai thuyết trình viên Trần Minh Công và Bùi Quyền, hướng về phía gần cửa ra vào, nói với ánh mắt sáng lên như reo vui, báo có khách từ Hollywood tới đang chờ. Chúng tôi quay lại thấy nữ tài tử Kiều Chinh, 79, tha thướt trong chiếc áo dài mầu nâu vạt dài chấm đất, trên vạt áo trước thêu tay nhiều mầu sắc hình hoa văn trên mặt trống đồng Đông Sơn, biểu tượng của văn minh Việt cổ xưa, cổ đeo vòng treo toòng teng một vòng ngọc thạch đặc trước ngực. Ngồi gần đó là nhà văn Nhã Ca, 78 tuổi, trong chiếc áo dài gấm mầu đen may kiểu dựa vào mẫu áo dài lam đơn giản của các vị tu hành bên đạo Phật, có lớp vải bên trong mầu đỏ, cổ đeo tràng hạt Bồ đề. Hội trường bỗng có vẻ như rộn rã hẳn lên khi các bà theo nhau lên bàn Hội thảo chuẩn bị cho phần chủ đề “Xã hội, Văn hoá và Nghệ thuật,” do Giáo sư Vân Nguyễn-Marshall thuộc Đại học Trent, Ontario, Canada điều hợp. 

    Từ những hào hứng góp công xây dựng quốc VNCH thời mới thành lập, qua những khó khăn chính trị dẫn tới sự xụp đổ của nền Đệ nhất Cộng hoà. Tiếp theo là một khoảng trống chính trị với nhiều tranh chấp nội bộ giữa các tướng lãnh kéo dài từ 1963 tới 1967 khiến tình thế vô cùng biến động, bên cạnh cuộc chiến do cộng sản khởi động ngày một khốc liệt, kéo theo sự ồ ạt tham chiến của quân đội Mỹ đưa tới những biến đổi trong đời sống của Miền Nam. Rồi sự ra đời của nền Đệ nhị Cộng hoà, Mỹ chuẩn bị rút chân dưới áp lực của phong trào phản chiến, và nhiều nữa. 

    Tuy vậy, nhờ không khí tự do dân chủ dù hạn chế, và nhờ việc Miền Nam mở ra với thế giới tự do (bên cạnh một Miền Bắc bị kềm kẹp, cô lập) thu nhập những trào lưu tư tưởng khai phóng của thế giới vào các thập niên 1950 và 1960, người làm văn học nghệ thuật của Miền Nam đã sống, cảm, và ghi nhận. Ngoài ra cũng phải kể tới công trình duy trì và tiếp tục di sản truyền thống văn học nghệ thuật đã bị chính quyền cộng sản khai tử tại Miền Bắc, do đấy văn nghệ sĩ Miền Nam đã lên đường với tất cả vốn liếng hành trang quý giá của dân tộc, càng thêm vững chân. 

    Nhà văn Nhã Ca, tác giả của khoảng 40 cuốn sách trong đó có cuốn “Giải Khăn Sô Cho Huế” gần đây đã được dịch ra Anh ngữ, đã mở đầu bài nói chuyện về người cầm bút tại Miền Nam, những đóng góp ghi lại một giai đọan bùng nở không tiền khoáng hậu, bất kể ranh giới Bắc hay Nam, của văn học Việt Nam trong một thời gian chỉ vỏn vẹn có 20 năm. Nền văn học ấy đã được các thế hệ lớn lên sau cuộc chia đôi đất nước nuôi dưỡng tiếp nối. Việc các trường học và nhất là đại học mọc lên như nấm đó đây, góp phần đào tạo nên một lớp độc giả và giới thưởng ngoạn cần thiết cho việc phát triển, sinh sôi nẩy nở của văn học nghệ thuật, trong đó có ngành xuất bản. Ngay cả những lúc VNCH gặp khó khăn do cuộc chiến gây ra, người cầm bút lại càng sáng tác mạnh, nhờ có không khí tự do mặc dù sự hiện hữu của một chế độ kiểm duyệt hạn chế, nhắm vào báo chí tư nhân nhiều hơn 

    clip_image008clip_image010clip_image012

    Hình bên trái và giữa, nữ tài tử điện ảnh Kiều Chinh đang thuyết trình về 20 năm nghệ thuật điện ảnh của Miền Nam, một tiếp nối từ quá khứ bên những phát triển nhờ không khí tự do và những tiếp xúc với thế giới tự do. Cũng trong không khí tự do và khai phóng ấy là nội dung bài thuyết trình của nhà văn Nhã Ca, hình bên phải, nhưng bao gồm hơn, về 20 năm của toàn thể các bộ môn văn học nghệ thuật của Miền Nam, một rộ nở có thể nói là độc nhất vô nhị trong lịch sử văn học Việt. Tuy kết thúc bi thảm, nhưng nền văn học nghệ thuật ấy vẫn sống, không chỉ giữa người Việt hải ngoại, mà cả trong nước. Tuy nhiên, Nhã Ca nhấn mạnh, đó là thành tựu không chỉ của Miền Nam, mà của cả dân tộc không phân biệt ranh giới vùng miền. (Ảnh TD) 

    Rồi tất cả bỗng khựng lại khi Bắc quân kéo vào Sài Gòn. Tác phẩm của họ bị lên án, bị đốt. Nhà văn bị đi tù, nhiều người bỏ mạng trong tù. Bà và chồng, nhà thơ Trần Dạ Từ, cũng cùng số phận tù đầy cho tới năm 1988, nhờ sự can thiệp của quốc tế, đặc biệt là nhờ Writers in Prison Committee / PEN International và sự bảo lãnh trực tiếp của Thủ Tướng Thụy Điển Ingvar Carlsson, gia đình bà được đi định cư ở Thụy Điển, rồi từ đó qua Mỹ. Hai người trong số các con của Nhã Ca đã chọn ở lại lập nghiệp ở Thụy Điển, giúp duy trì một liên hệ với quốc gia đã ra tay cứu giúp gia đình bà trong cơn hoạn nạn. 

    “Đã hơn 40 năm. Không biết bao nhiêu chiến dịch đã được nhà nước cộng sản thực hiện để cố xóa mọi dấu vết mà họ gọi là ‘nọc độc văn hóa Mỹ Ngụy,’” Nhã Ca nói trước một khán giả dường như nín thở chăm chú theo giõi. “Nhưng những thành tựu 20 năm Việt Nam Cộng hòa còn đó. Văn hóa giáo dục, văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng hòa còn đó. Một nhà văn nữ miền Bắc viết hồi ký kể thời đi ‘giải phóng miền Nam,’ ngày đầu vào ‘Giải phóng Sài Gòn,’ ngay khi được nhìn thấy những cuốn sách của miền Nam, chị khóc vì hiểu mình bị lừa, nhiều thế hệ bị lừa. Tôi tin điều chị viết. Như con người, như đường phố, ruộng vườn, văn hóa, văn học nghệ thuật miền Nam là loại thành tựu đã hiện ra ngay trong sự sụp đổ. Và ngày càng rõ hơn. Không cách gì xóa nổi.” 

    “Bốn mươi năm sau, dân Hà Nội nô nức đi nghe Chế Linh rồi Khánh Ly hát nhạc vàng ra sao. Ngó thêm mấy trang web thơ truyện trong nước, thấy ngay con số hàng triệu lượt người tìm đọc các tác giả thời Việt Nam Cộng hòa,” bà Nhã Ca tiếp. “Văn học nghệ thuật thời Việt Nam Cộng hòa 1955-1975 không chỉ là của riêng miền Nam. Đó là một hành trình chung, thành tựu chung của cả một dân tộc. Chính người dân Việt từ Nam ra Bắc cùng xác nhận điều này.” 

    Góp phần vào bức tranh văn học nghệ thuật bao quát song linh động đầy mầu sắc của nhà văn Nhã Ca, nữ diễn viên điện ảnh Kiều Chinh kể về những đóng góp của nghệ sĩ Miền Nam, không phân biệt xuất thân từ Bắc hay Nam hay lý lịch thế nào, vào nghệ thuật điện ảnh đầy tính khai phóng của nền Cộng hoà. Khác với phần trình bầy của Nhã Ca đòi khán giả chăm chú nghe nếu hiểu tiếng Việt, hoặc bận đọc phần dịch Anh ngữ chiếu trên hai màn ảnh lớn, phần trình bầy của bà Kiều Chinh vừa bằng Anh ngữ lại vừa gồm nhiều hình ảnh, như một thay đổi không khí và do đấy cũng nhẹ nhàng hơn. 

    Tuy nhiên, những điều nữ nghệ sĩ Kiều Chinh chia sẻ về 20 năm tiếp tay xây dựng nền nghệ thuật điện ảnh thời Cộng hoà cũng là những chất liệu quý giá. Sau khi đưa khán giả qua một số phim kèm với hình ảnh mà bà đã có dịp tham dự trong phần tự giới thiệu, bà đã đưa người nghe một vòng lịch sử điện ảnh thế giới rồi thu gọn lại vào Việt Nam (Việt Nam, theo bà, thực ra đã có dịp tiếp xúc với điện ảnh thế giới ngay từ khởi thủy cách đây trên 100 năm); và cuối cùng trở về Miền Nam dưới thời Cộng hoà. Đó là một nền điện ảnh từ phôi thai trong thời Đệ nhất Cộng hoà đã vươn mình đứng dậy vào thời Đệ nhị Cộng hoà khi Miền Nam bước từ giai đoạn chiếu phần lớn phim nhập cảng đã phát triển và trình chiếu nhiều phim sản xuất nội địa, qua phong trào Người Việt Xem Phim Việt với sự tiếp tay của chính quyền Cộng hoà, không để kiểm duyệt mà để nâng đỡ, do đấy giúp cho nhiều chuyên viên và nghệ sĩ có thể sinh sống bằng nghề làm và đóng phim. 

    “Từ năm 1920 khi rạp chiếu bóng đầu tiên được khánh thành bên bờ hồ Hoàn Kiếm tới khi đất nước chia đôi vào năm 1954, dân Việt Nam hầu như chỉ có thể xem phim ngoại quốc. Ngành điện ảnh Việt Nam chỉ là những mảnh vụn đó đây chôn vùi trong bóng tối chiến tranh và lệ thuộc,” Kiều Chinh nói. “Vậy mà trong vòng có 20 năm, ngay cả vào lúc chiến tranh căng thẳng nhất, kỹ nghệ điện ảnh Việt đã có thể sản xuất ra các phim đủ loại. Vào dịp Tết năm 1975, tất cả rạp chiếu bóng ở Sài Gòn đầy khách, họ đến để xem phim – không phải phim Tây phương, Tầu hay Ấn độ, mà là xem phim Việt […] Đấy là một bình minh tuyệt vời, một bắt đầu đầy hứng khởi.” Thế nhưng hai tháng kế đó là sự xụp đổ của Sài Gòn, chấm dứt một nền văn học nghệ thuật tự do, nhân bản và khai phóng, thay vào đó là những sản phẩm nặng mầu sắc tuyên truyền cho chủ nghĩa cộng sản. 

    Cuộc hội thảo về kinh nghiệm kiến quốc của VNCH tiếp nối với nhóm đề tại cuối cùng, “Đời sống Dân sự trong Thời chiến,” với các diễn giả trong giới học thuật đại học. Tiến sĩ Vân Nguyễn Marshall thuộc Đại học Trent, Canada, qua đề tựa “Xoa Dịu Các Vong Hồn Trên Đại Lộ Kinh Hoàng,” trình bầy bài nghiên cứu công phu về chương trình tìm kiếm xác nạn nhân chiến cuộc trên “Đại lộ Kinh hoàng” sau trận chiến Mùa Hè Đỏ Lửa năm 1972, do nhật báo Sóng Thần chủ xuớng, với sự tham gia đóng góp đông đảo của độc giả khắp nơi cho một công trình nhân đạo, nhưng ít được biết tới. Kết quả của hơn nửa năm làm việc, với sự tiếp tay của nhiều tình nguyện viên dưới sự hướng dẫn của Nguyễn Kinh Châu, đại diên nhật báo Sóng Thần tại Huế, tổng cộng 1,841 xác nạn nhân đã được tìm thấy và chôn cất. 

    Để thực hiện bài khảo cứu này, Giáo sư Vân đã tìm tới bộ phim báo Sóng Thần hiện tồn trữ tại thư viện của Đại học Cornell (mà chính cá nhân tôi cũng chưa có dịp nhìn thấy), và in lại nhiều hình ảnh về cuộc “Hốt xác” từ những số báo tháng 7 và 8 năm 1972, trong đó có bài phóng sự của người viết bài này về một tuần lễ theo chân nhóm “Hốt xác” trên “Đại lộ Kinh Hoàng” gần nửa thế kỷ về trước. Ngoài ra, bà cũng phỏng vấn nhiều người trong cuộc, đặc biệt anh Nguyễn Kinh Châu hiện còn ở Việt Nam. Bài thuyết trình của Giáo sư Vân đã phản ảnh một khía cạnh nhân bản của người dân Miền Nam, đó là không quên người quá cố mặc dù những khó khăn trong cuộc chiến, qua sự đóng góp nồng nhiệt cho chương trình “Chết Một Nấm Mồ” hồi ấy. 

    clip_image014clip_image016clip_image018

    Hình bên trái, Giáo sư Vân Nguyễn-Marshall trình bầy bài bài tham khảo về chương trình “Hốt xác” nạn nhân chiến cuộc trên “Đại lộ Kinh hoàng” tại Quảng trị năm 1972 do nhật báo Sóng Thần phát động. Giữa, sinh viên tiến sĩ Nguyễn Dịu Hương chia sẻ công trình nghiên cứu về đời sống Huế vào những năm cuối của Đệ nhất Cộng hoà. Phải, Giáo sư nghỉ hưu John Schafer kể về Ngô Kha, một người bạn thân của và một ảnh hưởng đáng kể trên nhạc sĩ Trịnh Công Sơn. (Ảnh TD) 

    Cũng trong khuôn khổ chủ đề “Đời sống dân sự” này, Giáo sư đã nghỉ hưu John Schafer của Đại học Tiểu bang California tại Humbold trình bầy nghiên cứu của ông về Ngô Kha, nổi tiếng trong phong trào sinh viên tranh đấu ở Huế vào thập niên 1960 dưới thời Đệ nhất Cộng hoà với những bài thơ đã là đề tài của một số bài hát đã đưa tên tuổi nhạc sĩ Trịnh Công Sơn lên tại Miền Nam. Cũng trong giai đoạn Huế vào đầu thập niên 1960 là bối cảnh của công trình nghiên cứu của sinh viên ban tiến sĩ Sử thuộc Đại học Washington, WA, Nguyễn Dịu Hương, qua đề tài “Những Đợt Sóng ngầm, Các Cuộc đời Đảo lộn: Xã hội Thành phố Huế năm 1963.” 

    Chương trình hội thảo kết thúc với phần giới thiệu tác phẩm “South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnamese War and After,” do nhà xuất bản Praeger ấn hành năm nay, của Giáo sư Nathalie Huỳnh Châu Nguyễn đến từ Đại học Monash, Melbourne, Úc. 

    Giáo sư Zinoman, trong phần đúc kết chương trình hội thảo, nói sẽ khuyến khích sinh viên nghiên cứu các đề tài liên hệ tới 20 năm kiến quốc của VNCH vì nhiều khía cạnh chưa được khai thác, tìm hiểu. Giáo sư Tường, sau khi cám ơn các diễn giả, những vị đã tiếp tay trong việc tổ chức chương trình hội luận độc đáo này, và khán giả tham dự trong một tinh thần hoà nhã, tương kính, đã ngỏ lời xin lỗi về việc chỉ dành cho mỗi thuyết trình viên được có 20 phút để trình bầy đề tài của mình. Riêng Giáo sư Nữ-Anh bầy tỏ niềm thích thú trước khối lượng thông tin lớn mà các đề tài thảo luận đã giúp gợi ý, và do đấy là nhu cầu muốn tìm hiểu thêm; và bà đề nghị mỗi người có kinh nghiệm về VNCH nên viết hồi ký để giúp cho thế hệ nối tiếp những tài liệu sống.# 

    clip_image020clip_image022clip_image024

    Trái, bìa cuốn sách “South Vietnamese Soldiers: Memories of the Vietnam War and After” (Praeger, 2016). Giữa, Giáo sư tác giả Nguyễn Huỳnh Châu đang trò chuyện với một khách tham dự hội thảo. Phải, bích chương của cuộc hội thảo kinh nghiệm kiến quốc. (Ảnh TD) 

    [TD, 11/2016] 

    Chú thích: 

    (*) “Trùng Dương Chuyện trò với Giáo sư Vũ Tường về cuộc Hội thảo ‘Kinh nghiệm Kiến quốc Trong Thời chiến của Việt Nam Cộng hoà, 1955-1975’” tại UC Berkeley
    http://www.diendantheky.net/2016/10/trung-duong-chuyen-tro-voi-giao-su-vu.html 

    (**) “Voices from the Second Republic of South Vietnam (1967-1975),” do Giáo sư K.W. Taylor hiệu đính, Cornell Southeast Asia Program Publications ấn hành, 2014, hiện có trên Amazon.com. Độc giả tiếng Việt có thể đọc thông tin bằng tiếng Việt về cuộc hội thảo tại Cornell và bài giới thiệu của GS Taylor, do GS Vũ Tường dịch ra tiếng Việt tại  https://tuannyriver.com/2015/07/26/bai-gioi-thieu-sach-ve-de-nhi-vnch/

    https://damau.org/44805/uc-berkeley-nhin-lai-20-nam-vnch-xay-dung-quoc-gia-trong-thoi-chien-ky-22


    Không có nhận xét nào