Header Ads

  • Breaking News

    Toàn cảnh diễn biến ở bãi Cỏ Mây

    Tháng 11 năm 2023

    Bản tin Biển Đông


    ĐỘI TÀU TIẾP TẾ CỦA PHILIPPINES PHẢI ĐỐI MẶT VỚI SỐ LƯỢNG TÀU TRUNG QUỐC LỚN NHẤT TỪ TRƯỚC ĐẾN NAY

    Vào ngày 10 tháng 11, Philippines đã triển khai hai tàu vận tải nhỏ và ba tàu cảnh sát biển trong chuyến tiếp tế mới nhất tới Bãi Cỏ Mây.


    BRP Melchora Aquino, con tàu dài 97 mét mà Philippines mới nhận về năm ngoái đã tham gia sứ mệnh tiếp tế Bãi Cỏ Mây ngày 10 tháng 11. Ảnh: Joseph Morong/GMA News

    Theo tường thuật của AP, trong sự theo dõi chặt chẽ của máy bay trinh sát Hải quân Hoa Kỳ bay vòng vòng ở trên, hàng chục tàu Trung Quốc gồm tàu hải cảnh và các tàu dân binh đã truy đuổi và bao vây các tàu Philippines trong cuộc đối đầu mới nhất khi Philippines tiếp tục tổ chức chuyến tiếp tế Bãi Cỏ Mây ngày 11 tháng 11.



    Các tàu hải cảnh và dân binh Trung Quốc bao vây xung quanh tàu cảnh sát biển Philippines. Ảnh: GMA News, Rappler




    Cận cảnh một số tàu dân binh Trung Quốc tham gia cuộc vây chặn tàu tiếp tế của Philippines. Các tàu dân binh có kích thước từ 55 - 60 mét, dài hơn tàu cảnh sát biển BRP Cabra (MRRV-4409), một trong ba tàu cảnh sát biển Philippines hộ tống đoàn tiếp tế và đã bị bao vây xung quanh.

    Chuyển động nguy hiểm của Tàu Trung Quốc nhằm ngăn chặn tàu tiếp tế MLK của Philippines. Diễn biến xảy ra vào khoảng 7h30' sáng ngày 10 tháng 11 năm 2023. Nguồn: Gigie Arcilla/Daily Tribune

    Phóng viên Frances Mangosing của tờ The Philippine Inquirer Daily ghi lại hình ảnh máy bay Hoa Kỳ khi theo đoàn tàu tiếp tế của Philippines

    Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines cho biết có 38 tàu Trung Quốc đã được phát hiện ở khu vực lân cận Bãi Cỏ Mây, trong đó có một tàu tấn công nhanh của hải quân Trung Quốc và một tàu bệnh viện. Theo Người phát ngôn Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines, đây là số lượng tàu Trung Quốc cao nhất từ trước tới giờ tham gia vào chiến dịch chặn chuyến tiếp tế của Philippines. Theo phóng viên Barnaby Lo của Al Jazeera quan sát từ trên tàu của Philippines, có 28 tàu dân binh, 5 tàu hải cảnh và 5 tàu hải quân Trung Quốc đã bao vây xung quanh các tàu tiếp tế khi họ chỉ cách Bãi Cỏ Mây 1 hải lý. Theo Rappler, có 11 tàu Trung Quốc đã có những hành vi di chuyển nguy hiểm quấy nhiễu tàu Philippines, trong khi những tàu Trung Quốc còn lại theo dõi diễn biến. Nhiều tàu tham gia vào các hành vi nguy hiểm đã tắt AIS để tránh bị theo dõi qua các công cụ viễn thám. Theo Ray Powell, trong số các tàu dân binh có các tàu đến từ Đá Chữ Thập và Đánh Vành Khăn đã tiếp viện.

    Vào đỉnh điểm của cuộc đối đầu kéo dài bốn giờ, một tàu hải cảnh Trung Quốc mang số hiệu 5203 đã phun vòi rồng về phía thuyền máy M/L Kalayaan của Philippines, một trong hai tàu đang vận chuyển thực phẩm và các vật tư khác tiếp tế cho tiền đồn BRP Sierra Madre tại Bãi Cỏ Mây.

    Ảnh cắt từ thước phim của Lực lượng Cảnh sát Bờ Biển Philippines.

    Một trong những tàu bảo vệ bờ biển Philippines, BRP Cabra, đã 5 lần bị lực lượng hải cảnh Trung Quốc và các tàu khác bao vây, nhưng mỗi lần đều cố gắng di chuyển ra xa cho đến khi bị bao vây gần bãi cạn.

    Bản đồ AIS cho thấy hai tàu BRP Sindangan & BRP Melchora Aquino của Lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đang tiến vào tuyến ngoài vòng phong tỏa. Hải cảnh Trung Quốc 3303, 21551 & 21555 cùng với 5 tàu dân binh đang ở rất gần. Hai tàu Việt Nam (có thể là tàu cá) cũng có mặt trong khu vực. Ảnh: Ray Powell

    Bất chấp sự phong tỏa và hành động ép buộc của Trung Quốc, lực lượng Philippines vẫn cố gắng cung cấp hàng tiếp tế cho một số lính thủy đánh thuỷ Philippines trên tàu BRP Sierra Madre và rời đi mà không xảy ra sự cố. Tàu chiến Philippines do Mỹ tài trợ đã cũ kỹ nhưng vẫn được đưa vào biên chế, có nghĩa là một cuộc tấn công vũ trang sẽ bị Manila coi là một hành động chiến tranh.

    Tàu BRP Sierra Madre của Hải quân Philippines neo đậu ở Bãi Cỏ Mây được ghi hình bởi phóng viên Frances Mangosing của tờ The Philippine Daily Inquirer đi theo đoàn tiếp tế ngày 10 tháng 11 năm 2023.

    Theo phóng viên Barnaby Lo của Al Jazeera, trong nhiệm vụ tiếp tế lần này, lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines đã đưa các nhà báo đến Bãi Cỏ Mây trên những chiếc xuồng cao su, mục đích chủ yếu là muốn cho dư luận thấy Trung Quốc không thể kiểm soát tình hình. Các nhà báo bị tàu Trung Quốc truy đuổi trong một màn mèo vờn chuột nguy hiểm trong những đợt sóng dữ dội, nhưng vẫn có thể đến gần BRP Sierra Madre, tàu chiến cũ mà Manila đã neo đậu từ năm 1999 để ngăn chặn Trung Quốc thúc đẩy yêu sách của mình.


    Tàu hải cảnh Trung Quốc đang đuổi theo chiếc xuồng cao su chở các nhà báo. Ảnh: Barnaby Lo

    DIỄN NGÔN CÁC BÊN

    Tuyên bố của Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia-Biển Tây Philippines


    Tuyên bố của Đô đốc Ronnie Gil Gavan, Tư lệnh Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines

    Cùng với Lực lượng Đặc nhiệm Quốc gia về Biển Tây Philippines, Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines một lần nữa lên án các hành động ép buộc và hành động nguy hiểm vô cớ của Hải

    cảnh Trung Quốc chống lại nhiệm vụ luân chuyển và tiếp tế thường lệ và hợp pháp của Philippines tới Bãi Cỏ Mây, khiến tính mạng của nhân viên trong đoàn tiếp tế gặp nguy hiểm. Phía Philippines đã cáo buộc các tàu hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện hành vi theo cách thức có hệ thống và nhất quán không phù hợp với hành vi được chấp nhận rộng rãi của lực lượng bảo vệ bờ biển.

    “Trớ trêu thay, lẽ ra họ phải đảm bảo an toàn sinh mạng trên biển nhưng lại là những người cố tình vi phạm Công ước về Quy định quốc tế về phòng ngừa va chạm trên biển năm 1972 mà Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa cũng là một quốc gia ký kết. Việc điều động nguy hiểm của các tàu hải cảnh là những hành động bất hợp pháp và vô trách nhiệm, đặt ra nghi vấn và nghi ngờ đáng kể về tuyên bố của họ về việc thực thi pháp luật cũng như danh tính thực sự của họ với tư cách là một tổ chức bảo vệ bờ biển,” tuyên bố viết.

    Phía Philippines khẳng định Lực lượng Bảo vệ Bờ biển Philippines đã hành động có trách nhiệm, phù hợp với luật pháp quốc tế dựa trên quy tắc, phù hợp với thông lệ khu vực giữa các tổ chức bảo vệ bờ biển trong khu vực và đảm bảo quyết tâm kiên quyết sẽ không khiến căng thẳng leo thang.

    Các thượng nghị sĩ Philippines gọi các hành vi của Trung Quốc là mô hình bắt nạt, cướp biển hiện đại

    Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Jinggoy Estrada cho biết chính phủ nên nghiêm túc xem xét việc thực hiện Nghị quyết 79 mà Thượng viện đã thông qua - trong đó đề xuất một số biện pháp hành động đối với hành vi gây hấn liên tục của Trung Quốc tại Biển Tây Philippines. Estrada cho biết một trong số đó là việc đệ trình nghị quyết lên Đại hội đồng Liên Hợp Quốc kêu gọi chấm dứt mọi hoạt động quấy rối tàu Philippines và vi phạm các quyền đã được xác lập của người Philippines trong Biển Tây Philippines.

    Trong khi đó, Thượng nghị sĩ Win Gatchalian nhắc lại sự cần thiết phải luật hóa việc thành lập vùng biển của Philippines để “củng cố và giúp thực thi” yêu sách của nước này như đã được khẳng định trong phán quyết của trọng tài năm 2016.


    Người phát ngôn Hải cảnh Trung Quốc

    Ông Cam Vũ cho biết trong một tuyên bố hôm thứ Sáu rằng hải cảnh Trung Quốc đã giám sát hợp pháp các tàu Philippines và thực hiện các biện pháp kiểm soát, đưa ra các thỏa thuận tạm thời đặc biệt cho phép Philippines vận chuyển các vật tư cần thiết như thực phẩm.

    Ông Cam khẳng định Trung Quốc có chủ quyền không thể tranh cãi với Quần đảo Nam Sa (tên

    Trung Quốc của Quần đảo Trường Sa), trong đó có Bãi Cỏ Mây và các vùng biển xung quanh, cáo buộc Philippines đã vi phạm chủ quyền lãnh thổ của Trung Quốc, trái với Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông và trái với cam kết của chính nước này. Ông kêu gọi phía Philippines “ngay lập tức chấm dứt các hành động vi phạm” và khẳng định Hải cảnh Trung Quốc “sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động thực thi pháp luật để bảo vệ chủ quyền quốc gia cũng như các quyền và lợi ích hàng hải trong vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung Quốc.”

    Tán thành hành động của Hải cảnh Trung Quốc, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc kêu gọi Philippines kéo tàu ra khỏi Bãi Cỏ Mây “của Trung Quốc"

    Theo Vương Văn Bân, hải cảnh Trung Quốc đã thực hiện các biện pháp thực thi cần thiết đối với các tàu Philippines theo đúng pháp luật và khẳng định Trung Quốc sẽ tiếp tục thực hiện các biện pháp cần thiết theo luật pháp "để bảo vệ vững chắc chủ quyền lãnh thổ cũng như các quyền và lợi ích hàng hải" của Trung Quốc.

    Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ: Hoa Kỳ ủng hộ Philippines ở Biển Đông, tái khẳng định Hiệp ước phòng thủ chung áp dụng cho tàu cảnh sát biển

    Như những sự cố trước đây giữa Philippines và Trung Quốc, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ đã ra thông cáo khẳng định Trung Quốc không có yêu sách lãnh thổ hoặc yêu sách biển hợp pháp đối với Bãi Cỏ Mây theo Phán quyết vụ kiện Biển Đông, cáo buộc các hành động của Trung Quốc không phù hợp với luật quốc tế và nằm trong mô hình hành vi hoạt động nguy hiểm ở Biển Đông. Hoa Kỳ khẳng định sát cánh cùng đồng minh Philippines, tái rằng định rằng Điều IV của Hiệp ước phòng thủ chung Mỹ-Philippines năm 1951 mở rộng tới các cuộc tấn công vũ trang vào lực lượng vũ trang, tàu công vụ hoặc máy bay của Philippines – bao gồm cả Lực lượng Bảo vệ Bờ biển của nước này – ở bất kỳ đâu trên Biển Đông.

    Đô đốc Samuel Paparo, Tư lệnh Hạm đội Thái Bình Dương Hoa Kỳ

    Người được Tổng thống Joe Biden đề cử làm lãnh đạo kế nhiệm Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, đã phát biểu hôm thứ Tư ngày 08 tháng 11 về xu hướng các phi công và máy bay quân sự Trung Quốc thể hiện hành vi hung hăng hơn đối với Hoa Kỳ và các đồng minh.

    Ông nhận xét: “Họ ngày càng khiêu khích và điều đó gây lo ngại sâu sắc.” “Đôi khi, họ đã gây nguy hiểm cho chính mình và những người trên tàu và máy bay mà họ đã tương tác.”

    Khi được hỏi liệu ông có nghĩ quân nhân Trung Quốc trong những vụ việc này đã tự ý hành

    động, ông trả lời: “Tôi tin rằng họ đã được chỉ đạo phải hung hăng hơn và họ đã tuân theo những mệnh lệnh đó.”

    Đại sứ EU tại Philippines

    Trên Twitter, Đại sứ Luc Véron khẳng định "Chúng tôi tái khẳng định sự ủng hộ của chúng tôi đối với Philippines trong lời kêu gọi tuân thủ đầy đủ Luật pháp quốc tế ở Biển Đông."

    Đại sứ Đức tại Philippines

    Trên Twitter, Đại sứ Andreas Pfaffernoschke nói Đức tái khẳng định sự ủng hộ đối với Philippines trong việc ủng hộ tôn trọng luật pháp quốc tế ở Biển Đông như một trụ cột thiết yếu cho hoà bình và an ninh.

    Đại sứ Úc tại Philippines

    Trên Twitter, bà Hae Kyong Yu tuyên bố "Úc một lần nữa lo ngại trước hành vi nguy hiểm, bao gồm cả việc sử dụng vòi rồng, của tàu Trung Quốc trong vùng đặc quyền kinh tế của Philippines. Đề cao luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS, là nền tảng cho hòa bình và an ninh quốc tế. Chúng tôi kêu gọi UNCLOS được tôn trọng."


    Bản tin Biển đông tháng 11 năm 2023



    Không có nhận xét nào