Header Ads

  • Breaking News

    Tô Đông Pha: Những phương trời viễn mộng

     TÔ ĐÔNG PHA: NHỮNG PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG

    Tuệ Sỹ






    Tựa

    Trong ta là núi là rừng

    Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi

    (Tuệ Sỹ – THÂN PHẬN)

    Kinh Thi và Kinh Dịch như đôi cánh của con chim nhạn mang chở định mệnh lịch sử của Trung Hoa bay lượn suốt mấy mươi thế kỷ trên vòm trời Viễn Đông. Dịch trải rộng con đường cho những bước đi lịch nghiệm trong cuộc tồn sinh; Thi là tâm nguyện khẩn thiết và trung thực từ giữa chỗ sâu thẳm của tình người và lòng người, được mang ra để lịch nghiệm cuộc Lữ mà Dịch đã phơi bày ra đó. Âm hưởng của Thi là tiếng vang của nhịp bước trong cuộc Lữ.

    Nhưng thảm họa lịch sử, vì những tham vọng cuồng dại si ngốc của con người, càng lúc càng đổ dồn lên cuộc Lữ. Thi đã đổi cách điệu trở thành những âm vang thống thiết của Ly tao kinh. Cuộc Lữ trở thành cuộc đày ải; Thi cũng trở thành ẩn tình hoài vọng Quê Hương; hoài vọng những phương trời viễn mộng của Quê Hương. Một lúc nào đó, Cuộc Lữ bị vây phủ trong trận đồ mù mịt của tư tưởng, Thi là chứng tích sa đọa của một thời. Buổi thịnh triều rầm một nhà Đường, Thi như một con thuyền biểu diễn tất cả tài hoa của nó trên ba đào lịch sử, giữa một

    đại dương rập rình hiểm họa. Nó vẫn đủ khả năng đưa người vào lục địa, hay lướt sóng đi về vô tận khơi vơi hoằng viễn. Nhưng cũng có thể âm thầm xô ngã vô số người say sóng. Lý Bạch là một trong những tay lái cự phách, và có thể là nhất. lãng đãng với tài hoa vừa lãng mạn vừa kiêu hùng, nên quyến rũ và tạo ra một trường say sóng. Say trong một buổi tiệc, lượm lặt những vật phế khí của trời đất, để thống ẩm cuồng ngôn. Gậy lục ngọc của Lý Bạch được mượn để gõ lên đầu lịch sử, đẩy lịch sử đi vào mê cung bát trận đồ. Chỗ hay không bù lại chỗ dở; cái được không thấm vào đâu với cái mật. Thi ca khai diễn một trường hưởng thu cho những tay đầu cơ lịch sử có hạng.

    Cái đó chỉ là dự tưởng về những chuyện có thể có cho Thơ mà thôi, nên khỏi phải

    nói dài dòng.

    Thơ vẫn là một cuộc lịch nghiệm Riêng và Chung, của Thời đại và Lịch sử. Từ cuộc Riêng, Thơ nương theo đôi cánh Thi và Dịch để đi về nơi Hoằng viễn, dẫn Lịch sử Uyên nguyên tụ hội với Thời đại. Hình như những sự này tôi nghe được từ nơi thơ của Đông Pha, có nghe lộn hay không, thì không biết. Nhưng cứ xin lấy chỗ nghe được đó ra để bố trí cho quyển sách này.

    Tuệ Sỹ


    NHỮNG PHƯƠNG TRỜI VIỄN MỘNG

    I

    KHUYẾT NGUYỆT QUẢI SƠ ĐỒNG

    缺 月 掛 疏 桐

    Trong ta là núi là rừng

    Là trăm tiếng hát đã dừng trên môi (THÂN PHẬN)

    1.

    Khuyết nguyệt; đó là mảnh trăng non, là con trăng sơ huyền. Trăng của thời kỳ vừa chớm, và thơ cũng sẽ bắt đầu từ một cõi mộng đơn sơ. Những cái u sầu hay hoan lạc trong mỗi cuộc giao tình, phảng phất một ẩn ngữ cao kỳ. Ân tình cùng giao thoa trong tương ứng, nó đơn giản như hai với hai là một. Rồi từ đó sẽ mở ra một phương trời đọa đày viễn mộng. Cuộc tình tan rã, thì cuộc chơi đột ngột phơi bày trong tuế nguyệt. Bấy giờ là mùa thu; và tóc trắng tung bay trong cõi mộng kiêu hùng. Mùa đó, nước lũ ào ạt đổ xuống Trường giang; rầm rộ tràn qua những đống loạn thạch, lũ lượt trôi phăng như mây ngàn bạt đỉnh, sóng kinh hoàng xẻ

    đôi hai bờ bến, dâng cao như đống tuyết bay: Giang sơn như họa, Anh hùng hào kiệt một thời!

    Thế thì, trong cõi thơ, trăng cũng kiêu hùng như gió ngàn bạt đỉnh. Từ đó, nhìn lại con trăng như sợi lông mày vắt ngang trên con mắt sầu mộng đăm chiêu; mảnh trăng non trơ vơ trên ngọn ngô đồng thưa lá: thơ là ẩn ngữ hay không là ẩn ngữ? Vừa ẩn ngữ, vừa không là ẩn ngữ: Trời viễn mộng đọa đày đi mấy thuở; Mộng kiêu hùng hay muối mặn giữa mù khơi?

    Thơ không là ẩn ngữ. Trong cuộc giao tình vừa khởi sự, cuộc thơ cũng phơi bày lồ lộ những nét thanh kỳ tú lệ; cũng lãng đãng như màn trăng trong những giọt sương lóng lánh; cũng tươi như nụ hồng vừa chớm nở; cũng trong ngọc trắng ngà như băng tuyết; và cũng trơ vơ như chiếc sao Hôm trong buổi hoàng hôn, tư lự

    như sao Mai giữa trời khuya ngất tạnh. Vậy, những cái đó không là ẩn ước hay ẩn mật; mà chính là những tâm tình được thổ lộ phơi trần, hoặc bằng lân la nay khóm trúc mai chồi lan; hoặc đột ngột như gió dục mây Tần. Tâm tình đã thổ lộ, thì cuộc giao tình thắm thiết mở ra. Bấy giờ mới là lúc:

    Vén thanh sắc đổ mù khơi về đối diện Cuộc ân tình lơi lả vội chia phôi

    Trăng nằm xuống ruỗi dài hai bến hẹn Một dòng sông vồn vã động chân trời

    Từ tâm tình đến cuộc tình, từ cuộc tình đến cuộc chơi, rồi từ cuộc chơi đến cuộc hẹn; thế là, đang lân la, bỗng đột ngột phát hiện một phương trời viễn mộng, xa xôi. Trong cõi đó, lữ khách bao giờ cũng thấy mình đang bươn bả ra đi, đi biền biệt, đi triền miên, tưởng như không bao giờ có bến bờ để đổ lại; nhưng, đi và đi mất, trong từng khoảnh khắc, cái đến và nơi đến, đã đến tự bao giờ. Cuộc tình chia phôi từ độc đó. Bên này là những dòng tuế nguyệt cứ mãi trôi đi, và bên kia là một chân trời đồng vọng không có đến. Bóng chiều rủ lên tàng đá bên đường, đọng trong mắt của người một mối sầu cô lữ. Không vì ẩn ngữ, nhưng vì đã phơi bày tất cả ra đó, nên cuộc tình và cuộc chơi hay cuộc lữ cuộn tròn trong ẩn ngữ thiên thu. Đó là một tình tự hoang đường? Hoặc giả:

    Đá mòn phơi nẻo tà dương

    Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

    …….?

    2.

    Đó là tình thơ trong cuộc thơ và cõi thơ; không quyết là của Đông Pha hay không là của Đông Pha. Nhưng người chơi thơ, mở cuộc giao tình với cuộc thơ, ban đầu chỉ như đi tìm một cõi mộng đơn sơ; rồi đột ngột, và sững sờ, cảm khái như một mối sầu cô lữ, thấy mình lưu lạc ở một phương trời đọa đày viễn mộng

    *

    * *

    Bây giờ bắt đầu bằng con trăng sơ huyền, mảnh trăng non treo trên ngọn ngô đồng thưa lá. Trăng trên đồi xuân cỏ mượt, hay trăng trong mùa thu tóc trắng. Nói chung, là trăng trong cõi mộng đơn sơ. Trong đó, tình thơ đồng vọng từ mùa xuân, từ lúc hoa bắt đầu rã những cánh hồng xơ xác:

    Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu Yến tử phi thời

    Lục thủy nhân gia nhiễu

    Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu Thiên nhai hà xứ vô phương thảo

    花 褪殘 紅 青 杏 小燕 子飛 時

    綠 水人 家 遶

    枝 上柳 綿 吹 又 少天 涯何 處 無 芳 草

    Hoa đang rã những cánh hồng xơ xác, và cây hạnh xanh gầy. Khi con én liệng, dòng nước biếc lượn quanh. Lớp bụi phấn bông liễu trên cành, gió thổi rồi vơi dần. Ven trời hàng vạn nẻo, nơi nào không là cỏ non?

    Đồng vọng xuân mà cũng là đồng vọng thu; đồi cỏ non và tóc trắng. Ân tình một nỗi mà chia hai. Tình thơ là tình xuân, nhưng tình người đã quá xế muộn, của tuổi già, cái tuổi gần 60, trong những ngày bị đày ải, lưu lạc nơi cảnh man dại Nam hoa.

    Lúc đó, và năm đó, Giáp tuất (1094), ông 59 tuổi, đang từ chức Đoan minh điện kiêm Thị độc học sĩ, ngoại nhiệm ở Định Châu, bị giáng chức, đày đi Hải Nam. Đó là đoạn đường gian nan hiểm trở. Trên đoạn đường đó, thơ ông vang lên những tiếng dội lạ lùng. Khổ đau cùng cực, trộn lẫn với hào khí ngất trời; nhưng lại đượm những chân tình hoài vọng xa xôi.

    Đường đi xuống Hải Nam, ngang qua Cống châu; sông Cống chảy qua 18 ghềnh

    thác đổ. Ngày mồng 7 tháng 8 (âm lịch) năm đó, bắt đầu vào Cống châu, và ngang qua một thác nước ào ạt, được mệnh danh là thác Hoàng khủng. Cái tên đó cũng đủ thấy các thế tuôn trào của nó. Trong cái kinh hoàng nơi khách địa đó, thơ ông vọng về cố quận khơi vơi. Nơi quê ông, có phố chợ, được gọi là phố Hỉ hoan. Hỉ hoan và Hoàng khủng, tình trong một mà cảnh tượng đôi bờ. Bên này là những nét kiêu hùng man dại của đất khác; bên kia là tình nồng đượm của quê hương.

    Chỗ đó, ông gọi là “lao viễn mộng”, là đọa đày viễn mộng. Bốn chữ ấy, vừa kiêu

    sa vừa cô quạnh, mùa thu và tóc trắng hiện ra những nét vừa khốc liệt vừa man mác. Bài thơ của ông làm lúc đó

    Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân Thập bát than đầu nhất diệp thân Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng

    Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần Trường phong tống khách thiêm phàm phúc Tích vũ phù chu giảm thạch lân

    Tiện hiệp dữ quan sung thủy thủ Thử sinh hà chỉ lược tri tân

    七 千里 外 二 毛 人十 八灘 頭 一 葉 身山 憶喜 歡 勞 遠 夢地 名惶 恐 泣 孤 臣長 風送 客 添 帆 腹積 水浮 舟 減 石 鱗便 恰與 官 充 水 手此 生何 止 略 知 津

    Hai thứ tóc, người đi ngoài bảy nghìn dặm; Một thân côi, thác đổ xuống mười tám ghềnh. Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng;

    Đất tên Hoàng khủng lệ khóc cô thần. Gió ruỗi khách cánh buồm mở rộng, Mưa đầy sông thuyền nhẹ lênh đênh. Góp sức quan thử làm thủy thủ,

    Đời trôi xuôi bờ bến là đâu?

    Con đường đó còn mở rộng bát ngát những hùng ca và bi ca. Thơ ông bấy giờ như cánh chim hồng lẻ loi bạt gió.

    Ngày 3 tháng 10 năm đó, đến Huệ châu, thuộc tỉnh Quảng đông ngày nay. Ông ở đây gần 4 năm, rồi bị đày xa xuống nữa.

    Tháng 11 năm đó (giáp tuất), ông làm bài thơ đùa Triêu Vân. Ông tự viết lời dẫn cho bài thơ, nói:

    “Đời bảo Lạc Thiên (bạch Cư Dị) có bài từ Chúc lạc mã phóng theo điệu Dương liễu chi, khen con ngựa lúc chủ già bịnh không nỡ bỏ. Nhưng tôi nằm mộng có làm mấy câu thơ:

    Xuân tận nhứ phi lưu bất đắc Tùy phong hảo khứ lạc thùy gia

    春 盡絮 飛 留 不 得隨 風好 去 落 誰 家

    “Thơ lạc Thiên cũng nói:

    Bịnh dữ lạc Thiên tương bạn trụ Xuân tùy Phàn tử nhất thời qui

    病 與樂 天 相 伴 住春 隨樊 子 一 時 歸

    “Nhà tôi có vài thị thiếp; bốn, năm năm đã nối nhau bỏ đi; chỉ một mình Triêu Vân theo tôi đày sang Nam. Nhân đọc thơ Lạc Thiên, làm bài thơ đùa đó. Triêu Vân họ Vương, người Tiền đường, có con tên Cán, chưa đầy năm đã yểu”

    Bài thơ đó:

    Bất tợ dương chi biệt Lạc Thiên

    Hiệp như Thông Đức bạn Linh Huyền Ả nô Lạc Tú bất đồng lão

    Thiên nữ Duy Ma tổng giải Thiền Kinh quyển dược lô tân hoạt kế Vũ xam ca phiến cựu nhân duyên Bất tác Vu dương vân vũ tiên

    不 似楊 枝 別 樂 天恰 如通 德 伴 伶 玄阿 奴絡 秀 不 同 老天 女維 摩 總 解 禪經 卷藥 爐 新 活 計舞 衫歌 扇 舊 因 緣丹 成逐 我 三 山 去不 作巫 陽 雲 雨 仙

    Gọi là đùa, mà kỳ thực là để tạ cái chân tình thắm thiết của Triêu Vân hầu ông. Nàng cốt cách như thiên nữ, dù không là sắc nước hương trời, nhưng cũng trang nhã thanh cao. Trước kia, nàng chỉ biết ca hát và múa. Từ khi theo ông đi đày, nàng làm bếp; tợ như ngọc nữ quạt lò thuốc luyện đan. Khi nào tiên đan luyện thành rồi, sẽ đuổi ông chơi xa ngoài năm non bảy núi, không làm tiên nữ mây mưa trên đỉnh Vu dương nữa.

    Một ngày nhàn hạ, ông ngồi với Triêu Vân. Lá ngô đồng vừa bắt rơi vài ngọn, gió heo may vừa trổi, và sương thu lạnh. Ông bảo Triêu Vân cầm cốc rượu làm phách đánh nhịp, hát bài từ của ông, theo điệu Điệp luyến hoa:

    Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu. Yến tử phi thời,

    Lục thủy nhân gia nhiễu.

    Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu. Thiên nha hà xứ vô phương thảo

    Tường lý thiên thu tường ngoại đạo, Tướng ngoại hành nhân,

    Tường lý giai nhân tiếu.

    Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiểu, Đà tình khước bị vô tình não.

    Ca và Triêu Vân sụt sùi khóc, nước mắt đẫm áo. Ông hỏi tại sao khóc. Nàng chỉ vào bài từ, chính là ở chỗ

    Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu. Thiên nha hà xứ vô phương thảo

    Trên cành liễu, bông liễu đã kết trái, trên hạt của nó có những sợi lông như lông tơ của cái kén, gọi là liễu miên, hay bụi bông liễu. Ngọn gió muộn của mùa thu thổi qua, bông liễu bay đi; ngoài kia bông liễu tản mạn triền miên, tản mạn bay đi, ngoài kia ven trời vạn nẻo, đâu không là cỏ non!

    Nàng khóc là ở chỗ đó. Ông cười lớn: Chính là chố ta ngậm ngùi mùa thu, mà nàng khóc với mùa xuân.

    Mùa xuân và mùa thu, cùng trong một tình thơ đó. Tình đạm bạc như bông liễu; và cũng tình đó, triền miên như bụi bông liễu. Mịn như tơ trời và lây lất triền miên theo gió thổi; trên cành liễu và ngoài kia mấy vạn ven trời diệu vợi. Càng đơn bạc, càng nồng nàn.

    Tình vương vấn như sợi tơ trời, triền miên và thắm thiết. Triền miên và triền miên, một thứ triền miên kỳ lạ. Triền miên đó là cái bịn rịn, cái dây dưa, cái vương vấn, cái quyến luyến, của bụi bông liễu như tơ trời. Lồ lộ trong cơn gió thanh xuân, mà e ấp trong một tình thơ sầu vạn đại.

    Cuộc giao tình dồn lại rồi chia phôi: Tường lý thu thiên tường ngoại đạo Tường ngoại hành nhân,

    Tường lý giai nhân tiếu.

    Tiếu tiệm bất văn thanh tiệm tiểu Đa tình khước bị vô tình não

    牆 裏鞦 韆 牆 外 道牆 外行 人

    牆 裏佳 人 笑

    笑 漸不 聞 聲 漸 小多 情卻 被 無 情 惱

    Bên trong tường là cái xích đu và bên ngoài tường là con đường cái. Bên ngoài

    tường là lữ khác đi và bên trong tường là người đẹp đang cười. Cười càng lúc càng nhỏ và tiếng cười càng lúc càng ngậm ngùi. Cái đa tình đã thường bị cái vô tình

    làm ray rứt.

    Tình thơ, và cuộc tình trong thơ, thắt chạt rồi buông lơi; gió thổi cuộc tình ra ngoài một vạn phương trời viễn mộng. Hùng ca hay bi ca? Mòn con mắt sầu đưa từ cổ

    độ:

    Bụi thu mờ ai phủ với hai tay

    (Bùi Giáng)

    Bụi thu mờ và bụi thu bay. Trời thu cao ngất tạnh trong bụi thu mờ. Rừng thu rỗ biếc ố hồng vì bụi thu mờ. Chiều mùa thu đổ xuống trong bụi thu mờ. Mờ và xa,

    Em về rủ áo mù sa

    Trút quần phong nhụy cho tà huy bay

    (Bùi Giáng)

    Chẳng bao lâu, Triêu Vân bịnh và mất. Nàng mất lúc tuổi mới 34, và ông đã 61 tuổi. Rồi từ đó, sầu cô quạnh tung trời lên Bắc đẩu, dải Ngân hà tan tác bụi thu bay.

    Từ đó trở đi, ông không bao giờ còn nghe lại:

    Hoa thốn tàn hồng thanh hạnh tiểu

    ….

    Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu Thiên nhai hà xứ vô phương thảo Ông viết “Mộ chí minh”:

    “Thị thiếp của Đông Pha tiên sinh là Triêu Vân, tự Tử Hà, họ Vương thị; người Tiền đường. Thông minh và thích việc nghĩa, thờ tiên sinh 23 năm, một mực trung và kỉnh. Năm Thiệu thánh thứ 3 (1096), tháng 7, ngày nhâm thìn, mất ở Huệ châu, 34 tuổi. Tháng 8, ngày canh thân, táng trên Phong hồ, phía đông nam chùa Thê hiều. Sinh con tên Độn, chưa đầy năm đã yểu. Nàng thường theo tì khưu ni Nghĩa

    xung học Phật pháp, cũng hiểu biết sơ qua đại ý. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt. Bài minh rằng:

    Phù đồ thị chiêm Già lam thị y Như nhữ túc tâm Duy Phật chi quy

    浮 屠是 瞻伽 藍是 依如 汝宿 心唯 佛之 歸

    (Hướng về đức Phật. Nương về cửa chùa. Theo tâm nguyện đó. Nay Phật đón đi). Ông làm bài thơ truy điệu, và tự viết lời dẫn:

    “Thiệu thánh nguyên tiêu (1094), tháng 11, làm bài thơ đùa Triêu Vân. Năm Thiệu thánh thứ 3, tháng 7, ngày 5, Triêu Vân mất vì bịnh ở Huệ Châu, táng phía đông

    nam trong rừng thông chùa Thê hiền, kề tháp Đại thánh. Tôi làm bài Minh khắc lên mộ nàng; nay làm bài thơ học vận bài trước.

    “Ban đầu, Triêu Vân không biết chữ. Lớn tuổi, bỗng học viết; viết hơi có ngay ngắn. Lại thường theo bà tì khưu ni Nghĩa Xung ở Tứ thượng học Phật pháp, cũng có biết sơ qua đại nghĩa. Lúc chết, tụng 4 câu kệ trong kinh Kim cương rồi tuyệt”

    Bài thơ:

    Miên nhi bất tú khởi kỳ thiên Bất sử Đồng Ô dữ ngã huyền Chú cảnh hận vô thiên tuế dược

    Tặng hành duy hữu Tiểu thừa thiền Thương tâm nhất niệm thường tiền trái Đàn chỉ tam sinh đoạn hậu chuyên

    Qui ngọa trúc căn vô viễn cận Dạ đăng cần lễ tháp trung niên

    苗而不秀豈其天不使童烏與我玄景恨無千歲藥駐贈行唯有小乘禪傷心一念償前債彈指三生斷後緣

    歸臥竹根無遠近夜燈勤禮塔中仙

    Nàng như đám mạ đã xanh chưa kịp trổ đòng đòng. Đó là mệnh trời ư? Miêu nhi bất tú, hữu hỉ phù? Tú nhi bất thật, hữu hỉ phù: mạ đã xanh chưa kịp trổ đòng đòng, có điều đó sao? Lúa đã trổ đòng đòng nhưng lại chưa kịp kết hạt, có vậy

    sao? Đó là những lời Đức Không Tử khóc Nha Hồi, một người đệ tử tài hoa nhưng yểu mệnh.

    Hoặc giả, sao nàng không như cậu Đồng Ô, chồi non chưa kịp trổ thành mạ xanh? Dục nhi bất miêu giả ngô gia chi Đồng Ô hồ? Cửu linh nhi dữ ngã huyền văn hồ?

    Triêu Vân mất tháng 7. Tháng 10 năm đó, hoa mai nở rộ nơi đất Huệ châu, ông

    làm bài từ theo điệu Tây giang nguyệt , như âm thầm hoài vọng Triêu Vân. Nàng tiên nữ từ cõi Bồng lai đến.

    Bài từ đó vịnh hoa mai như sau:

    Tây giang nguyệt

    Ngọc cốt na sầu chương vụ Băng cơ tự hữu tiên phong

    Hải tiên thời khiển thám phương tòng Đảo quải lục y yêu phượng

    Tố diện thường hiềm phấn uyển Tẩy trang bất thốn tàn hồng

    Cao tình dĩ trục hiểu vân không Bất dữ lê hoa đồng mộng

    西江月

    玉骨那愁瘴霧冰肌自有仙風海仙時遣芳叢倒掛綠依幺鳳

    素面常嫌粉 洗妝不褪殘紅

    高情已逐曉雲空不與梨花同夢

    Trong đó có cả hoa và chim. Hoa mai và chim lục y yêu phượng; loại chim mỏ đỏ, lông xanh, mỗi khi đậu thì treo ngược trên cành. Chúng là sứ giả của thần tiên trên đảo Bồng lai, ngoài khơi Đông hải.

    Huệ châu ở mãi vùng cực nam Trung hoa; đất Lĩnh nam nhiều chướng khi. Hơi núi và sa mù nườm nượp trong những tháng lạnh. Mùa đó, từ tháng 10, hoa mai đã nở. Nhưng cốt cách của mai là tuyết ngọc nên không ngại ngùng sa mù và chướng khí ở đó; và da trắng như bằng giá, hoa mai đã sẵn cái phong vận thần tiên. Là hoa mai, và cũng có thể là Triêu Vân, cái đó chưa cần vội vã. Thơ không ngụ ý, người đọc thơ khỏi cần đi tìm ngụ ý của thơ.

    Hoa mai đất Lĩnh nam nở nụ màu hồng. Nụ hồng và lá xanh, có giống như những con lục y yêu phượng? Hoa và chim, có thể là một, có thể là hai; tùy cảm hứng của người đọc.

    Nhưng bấy giờ là mùa mà các thần tiên ngoài hải đảo sai sứ giả đi tìm các cụm cây non trong đất liền; cho nên trên cành thấy treo ngược những con lục y yêu phượng:

    Ngọc cốt na sầu chương vụ Băng cơ tự hữu tiên phong

    Hải tiên thời khiển thám phương tòng Đảo quải lục y yêu phượng

    Cả bốn câu của bài từ tuyệt không một lời nào để ngụ một ẩn tình nào đó. Cái đó

    tạm thời hãy cứ cho nằm đó. Bây giờ nên đọc chơi những bài thơ vịnh hoa mai của ông. ba bài thơ làm dưới đình Tùng phong, mùa mai nở rộ, đề ngày 26 tháng 11

    năm giáp tuất, ông 59 tuổi. trước Triêu Vân mất ba năm. Bài thứ nhất.

    Xuân phong lĩnh thượng Hoài nam thôn Tích niên mai hoa tằng đoạn hồn

    Khởi tri lưu lạc phục tương kiến Man phong Đản vũ sầu hoàng hôn Trường điều bán lạc lệ chi phố Ngọa thọ độc tú quang lang viên Khởi duy u quang lưu dạ sắc

    Trực khủng lãnh diễm bài đông ôn Tùng phong đình hạ kinh cức lý Lưỡng chu ngọc nhụy minh triêu thôn Hải nam tiên vân kiều đọa thế

    Nguyệt hạ cảo y lai khấu môn

    Tửu tỉnh mộng giác khởi nhiễu thọ Diệu ý hữu tại chung vô ngôn

    Tiên sinh độc ẩm vật thán tức

    Hạnh hữu lạc nguyệt khuy thanh tôn

    春風嶺上懷南村昔年梅花曾斷魂豈知流落復相見蠻風雨愁黃黃昏長條半落荔枝浦臥樹獨秀光榔園豈惟幽光留夜色直恐冷豔排冬溫松風亭下荊棘裏兩株玉蕊明朝暾海南仙雲嬌墮砌月下縞衣來扣門酒醒夢覺起繞樹妙意有在終無言先生獨飲勿嘆息幸有落月窺清樽

    Thôn Hoài nam gió ngàn bạt đỉnh Từng năm xưa hồn rụng mai vàng Rồi lưu lạc ai ngờ là ước hẹn

    Gió Mường mưa Mọi phủ chiều hoang

    Phố lệ chi cành dài nghiêng đổ nửa Vườn quang lang cây tú lệ nằm không Còn ngại lắm bởi màu đêm ủ rũ

    Và lạnh lùng xua chút ấm tàn đông

    Đình Tùng phong với rừng gai dưới đó Hai nàng mai ngà ngọc đón hừng đông Tiên mấy Hải nam yêu kiều xuống độ Choàng áo the gõ cửa dưới màn trăng

    Rượu tỉnh mơ tàn vòng cây tản bộ Ý tình tuyệt diệu lời ẩn toàn không Tiên sinh độ ẩm đừng than thở Một mảnh trăng rơi đáy rượu nồng

    Bài thứ hai

    La phù sơn hạ mai hoa thôn Ngọc tuyết vi cốt băng vi hồn

    Phân phân sơ nghi nguyệt quải thọ Cạnh cạnh độc dữ Sâm hoàng hôn Tiên sinh sách cư giang hải thượng Tiễu như bịnh hạc thê hoang viên

    Thiên hương quốc diễm khẳng tương cố Tri ngã tửu thục thi thanh ôn

    Bồng lai cung trung hoa điểu sứ Lục y đảo quải phù tang thôn

    Bảo tòng khuy ngã phương túy ngọa Cố khiển trác mộc tiên xao môn

    Ma cô quá quân cấp sái tảo Điểu năng ca vũ hoa năng ngôn Tửu tỉnh nhân tán sơn tịch tịch

    Duy hữu lạc nguyệt khuy không tôn

    羅浮山下梅花村玉雪為骨冰為魂紛紛初疑月掛樹

    耿 耿獨 與 參 黃 昏先 生索 居 江 海 上悄 如病 鶴 栖 荒 園千 香國 豔 肯 相 顧蓬 萊宮 中 花 鳥 使綠 衣倒 掛 扶 桑 暾抱 叢窺 我 方 醉 臥故 遣啄 木 先 敲 門麻 姑過 君 及 洒 掃鳥 能歌 舞 花 能 言酒 醒人 散 山 寂 寂惟 有落 月 窺 空 樽

    Dưới núi La phù mai hoa thôn Tuyết ngọc là xương băng là hồn Phơi phới ngỡ chừng trăng gác ngọn Trơ vơ như sao Hôm hoàng hôn

    Tiên sinh lênh đênh đời sông biển Rầu như hạc ốm đậu vườn hoang Hương trời sắc nước không buồn ngó Biết ta rượu mùi thơ ấm trong

    Trong cung Bồng lai hoa chim làm sứ

    Áo xanh treo ngược cây dâu hừng đông Ôm cây liếc ta đang say nằm đó

    Mổ cây gõ cửa nhắn đợi sẵn sàng Tiên bà qua đây hãy lo quét tước Chim hay ca múa hoa biết nói năng

    Rượu tỉnh người tan non vắng vẻ Hững hờ nhị rụng đáy ly không

    Bài ba, không trích ở đây.

    Trong các bài thơ đó, hoa mai khi lộ liễu, khi e dè; khi bát ngát, khi đìu hiu. Kỳ thực, ở đây là cả một cuộc đời, xa và rộng; một trời thơ mở rộng vô ngần. Nhưng hoa mai đã lên nguồn cảm hứng; vì cốt cách tuyết ngọc, vì phong vận thần tiên. Gương mai không cần tô điểm phấn son; cánh rã mà nụ hồng còn thắm. Tình nơi hoa mai bốc lên cao vút tận trời, đẹp như những đám mây trong nắng sớm:

    Tố diện thường hiềm phấn uyển Tẩy trang bất thốn tàn hồng

    Cao tình dĩ trục hiểu vân không Bất dữ lê hoa đồng mộng

    Tình hoa mai tráng lệ và huy hoàng là như thế. Mà chân tình một thuở của Triêu Vân cũng là như thế. Tình không là cõi mộng; không là những cánh hoa lê nườm nượp như mây trời trong mộng. Cuộc tình chưa rã, thì cuộc tình như giấc mộng

    đăm chiêu. Khi cuộc tình bỏ đi, mộng sẽ bốc thành mây trời trong nắng sớm. Tình và mộng; đến và đi như chưa từng có. Duyên và nợ; có như chưa từng đến và đi. Nợ ân tình trong một thuở, đem cái tấm lòng đày đọa truân chuyên ra để đền bù. Duyên tình mộng của nghìn năm, trong thoáng chốc, trong một cái búng tay, đã trở thành không không trong vĩnh cửu:

    Thương tâm nhất niệm thường tiền trái Đàn chỉ tam sinh đoạn hậu duyên

    Duyên nàng là duyên của Phật. Nàng đến, để làm thiên nữ tán hoa, rải hoa trời lên cõi thơ lồng lộng. Trước Triêu Vân mất một năm, lúc đó ông đã 60 tuổi, làm tặng nàng bài Từ theo điệu “Nê nhân kiều”:

    Bạch phát thương nhan Chính thị Duy Ma cảnh giới

    Không phương trượng tán hoa hà ngại Chu thần trợ điểm

    Cánh kế hoàn sinh thái

    白 髮蒼 顏

    正 是維 摩 境 界 空 方丈 散 花 何 礙朱 唇箸 點

    更 髻還 生 彩

    Da mồi tóc trắng, chính là cảnh giới của Duy Ma. Cảnh giới đó là cõi đối biện thượng thừa; cõi im lặng vô ngôn bát ngát của cư sĩ Duy Ma Cật. Và cũng là cõi tịch mặc nhưng tráng lệ của thi ca. Căn nhà của Duy Ma Cật là khoảng rộng vuông vức một trượng; và là một phương trượng trống trải, nhưng đã chứa cả ba nghìn tòa sư tử; khách từ ba nghìn thế giới tụ lại để nghe một lời không nói của Duy Ma.

    Và thiên nữ tại đó đã rải hoa trời tán thưởng một lời không nói; cũng tán thưởng luôn những lời có nói. Thiên nữ đó là Triêu Vân? và cõi của một lời không nói đó là cõi thơ của ông?

    Chu thần trợ điểm

    …..

    Một nụ son, nụ của hoa mai bé bỏng Kết trên quấn tóc trở thành diễm lệ…

    Tình nợ và tình thơ, giao nhau trong cõi tình mộng của những lời, hay của một lời,

    không nói.

    Rồi tình nợ theo xác người trở về với cát bụi; tình thơ theo cõi mộng bốc cao: Cao tình dĩ trục hiểu vân không.

    Nàng gửi thân cát bụi nghìn đời dưới gốc thông; ban đêm, hồn sẽ theo ánh đèn lên diện kiến với tiên trong cõi Phật:

    Qui ngọa trúc căn vô viễn cận. Dạ đăng cần lễ tháp trung tiên

    *

    * *

    Nghìn năm sau, mùa xuân, rồi mùa thu, và một cánh én liệng mùa xuân ngang qua con nước mùi thu, và

    Chi thượng liễu miên xuy hựu thiểu Thiên nha hà xứ vô phương thảo

    Bông liễu cứ triền miên vương vấn như tơ trời, lại bắt đầu từ một cõi mộng đơn sơ; rồi lân la nay khóm trúc mai chồi lan, nửa chiều tà nửa nắng quái, lần hồi từ phố chợ đến đồng quê, từ ân tình đầm ấm của quê hương đến phương trời đọa đày

    viễn mộng, để đến một cõi có hoa trời, có thiên nữ, và “dạ đăng cần lễ tháp trung tiên” để xin nghe một lời trong tịch mặc vô ngôn. Sơn cùng lộ tuyệt, thơ của ông ở đây ư? Có thể ở đó, hoặc ở chỗ

    “Chết từ sơ ngộ màu hoa trên ngàn”

    (Bùi Giáng)

    3.

    Thập niên sinh tử lưỡng mang mang Bất tư lương,

    Tự nan vong.

    Thiên lý cô phần

    Vô xứ ngoại thê lương

    Túng sử tương phùng ưng bất thức, Trần mãn diện

    Mãn như sương.

    Dạ lai u mộng hốt hoàn hương Tiểu hiên song

    Chánh sơ trang.

    Tương cố vô ngôn Duy hữu lệ thiên hàng.

    Liệu đắc niên niên trường đoạn xứ, Minh nguyệt dạ

    Đoản tùng cương.

    十 年生 死 兩 茫 茫不 思量

    似 難忘 千 里孤 墳

    無 處話 悽 涼

    縱 使相 逢 應 不 識塵 滿面

    鬢 如霜

    夜 來幽 夢 忽 還

    小 軒雙 正 梳妝相 顧無 言

    唯 有淚 千 行

    料 得年 年 腸 斷 處明 月夜

    短 松岡

    Mười năm trôi đi, hai ngã sống và chết chia đôi biền biệt. Dù không nghĩ tới,

    Mà cũng không sao quên được. Nấm mồ đơn chiếc xa xôi, Lạnh lẽo nói làm sao cho xiết;

    Dù có gặp nhau rồi cũng chẳng nhận ra nhau:

    Gương mặt đầy cát bụi,

    Tóc mai đã bạt trắng như sương.

    Đêm qua trong giấc mộng triền miên, chợ thấy trở về quê cũ. Đứng tựa cánh cửa sổ.

    Lúc đó bà đang gỡ tóc

    Nhìn nhau không nói,

    Chỉ có nước mắt tuôn trào.

    Tưởng chừng năm năm đứt ruột, Mỗi lúc đêm trăng sáng,

    Trên đồi thông bóng ngả

    Trên đây là bài Từ làm theo điệu “Giang thành tử”. Ông có ghi chú nhỏ: “Năm ất mão (1074), tháng giêng, ngày 20, ban đêm, ghi lại giấc mộng” Năm đó ông 40 tuổi, làm quan ở Mật châu; vợ chánh thất của ông, Vương thị, Thông Nghĩa Quận quân, mất đã đúng 10 năm:

    Thập niên sinh tử lưỡng mang mang

    Bà đối với ông, tình duyên và tình nợ thì có; mà tình thơ thì không. Nhưng, bà mất 10 năm, mà tình nhớ nhung của ông vẫn còn cay đắng. Rồi tình đó phát hiện thành lời thơ, thì cũng là tình thơ vậy.

    Bảy năm sau đó, khi xuôi dòng Trường giang, dạo chơi Xích bích, vẫn thấy còn phảng phất một mối ngậm ngùi hoài vọng:

    Cố quốc thần du

    Đa tình ưng tiếu ngã Tảo sinh hoa phát

    故 國神遊多情應笑我早生花髮

    Hồn thả về chơi cố quận Bạn tình chung có lẽ cười ta Chưa chi đầu đã bạc

    Bạn tình chung, hay khách đa tình nơi cố quận là vong hồn bà Vương thị.

    Nước Trường giang ào ạt đổ xuống: “Đại giang đông khứ”, bài Từ đó là cả một phong độ kiêu hùng nơi ông

    Đại giang đông khứ Lãng đào tận

    Thiên cổ phong lưu nhân vật

    ……..

    Loạn thạch băng vân Kinh đào liệt ngạn

    Quyển khởi thiên đôi tuyết Giang sơn như họa

    Nhất thời đa thiểu anh hùng

    大 江東 去浪 濤盡

    千 古風 流 人 物

    ………..

    亂 石崩 雲 驚 濤洌 岸捲 起千 堆 雪江 山如 畫

    一 時多 少 英 雄

    Giữa cái kiêu hùng đó còn có vấn vương một sợi tơ trời. Thì đó cũng là một cõi mộng đơn sơ, trong con mắt hùng thị tất cả anh hùng vạn đại.

    4.

    Những tháng cuối năm canh thân (1080), ông ngồi tù trong ngục Ngự sử. Miệng ông nó đày đọa thân ông. Ngồi tù trên ba tháng, được thả ra; bị cách chức, cho làm Hoàng châu Đoàn luyện phó sứ; đời Tống, đó là một chức hờ. Rồi bị an trí, tức là bị đày, ở Hoàng châu. Vừa đến Hoàng châu, ông làm bài thơ tự trách:

    自 笑平 生 為 口 忙老 來事 業 轉 荒 唐

    Tự tiêu bình sinh vị khẩu mang

    Lão lai sự nghiệp chuyển hoang đường

    Bình sinh vì cái miệng mà mang họa; càng về già, sự nghiệp càng trở nên hoang đường.

    Ông bị đày ở Hoàng châu từ đầu năm ông vừa 45 tuổi cho đến hết năm 49 tuổi. Trong 5 năm trời đó, Hoàng châu không khổ đày đọa như ở Huệ châu và Đam nhĩ

    (tức Hải nam) sau này. Nhưng cái cảnh làm ruộng của ông cũng qua nhiều khổ nhọc. Ông tự bảo, bình sinh đi kiếm ăn bằng cái nghiên mẻ; hận là đã không học nghề làm ruộng. Cũng trong thời gian đó, thơ ông lại phiêu bồng bát ngát.

    Khi vừa đến Hoàng châu, ông ngụ cư tại chùa Định huệ trong một thời gian ngắn, chưa đầy một năm, thì dời sang Lâm cao đình. Lúc ngụ tại chùa Định huệ, ông có bài thơ vịnh Hải đường, giữa các thứ hoa rừng dại thô tục. Bài thơ đó quả tình là một cảm hứng trác việt (đọc ở phần Những phương trời lữ thứ). Cũng trong thời gian đó, ông làm bài Từ được trích ở dưới đây, mà người ta đã bàn bạc phân vân về ngụ ý của ông. Bài Từ làm theo điệu “Bốc toán tử”. Đầu bài Từ, có ghi chú nhỏ của ông: “Làm khi ngụ cư tại chùa Định huệ ở Hoàng châu”. Bài Từ đó như sau:

    Khuyết nguyệt quải sơ đồng, Lậu đoạn nhân sơ tỉnh

    Thùy kiến u nhân độc vãng lai, Phiêu diễn cô hồng ảnh

    Kinh khởi khước hồi đầu Hữu hận vô nhân tĩnh

    Giản tận hàn chi bất khẳng thê Tịch mịch sa châu lãnh

    缺 月掛 疏 桐漏 斷人 初 靜

    誰 見幽 人 獨 往 來飄 渺孤 鴻 影

    驚 起卻 回 頭有 恨無 人 省

    簡 盡寒 枝 不 肯 栖寂 寞沙 洲 冷

    Trăng sơ huyền treo trên ngọn ngô đồng thưa lá.

    Trời khuya, người bắt đầu thưa vắng, chỉ nghe tiếng tí tách của đồng hồ canh chừng giờ đêm

    Chỉ thấy ẩn sĩ một mình đi lui đi tới Thấp thoáng như bóng chim hồng lẻ loi

    Giật mình quay đầu nhìn lại

    Ngậm ngùi giữa lúc mọi người đang say ngủ

    Lần lựa hết những cành cây trơ trọi, mà không chịu đậu, Một mình bơ vơ trên cồn cát.

    Dịch dài dòng luộm thuộm như thế, để tìm thử có ngụ ý hay thác ý gì không. Bài Từ hoàn toàn vịnh con chim hồng. Cánh chim hồng lẻ loi, lang bạt. Từ cành này đến cành cây khác, mà không bao giờ chịu đậu lại. Xưa nay, chim hồng có lúc nào lại chịu đậu trên cành cây? Nó đứng trơ vơ trên cồn cát:

    Giản tận hàn chi bất khẳng thê Tịch mịch sa châu tĩnh

    Nhưng câu chuyện xung quanh bài Từ đã kể khác.

    Tại Hoàng châu, có người con gái của bà Vương thị. Nàng tên là Siêu Siêu, cũng khá có nhan sắc, 16 tuổi mà không chịu lấy chồng. Đông Pha bị biếm trích ra ở Hoàng châu. Biết tin ông đến, nàng mừng lắm. Ông ngụ tại chùa Định huệ. Đêm đêm nàng lén đến núp ngoài cửa sổ, bồi hồi nghe ông ngâm thơ. Ông thường chong đèn đêm, đi qua đi lại ngâm thơ một mình. Khi ông hay có người rình nghe ngoài cửa sổ, ông đẩy cửa sổ ra, nàng trèo tường bỏ chạy. Ông đuổi theo, bảo: Sẽ gọi Vương lang đến làm sui gia.

    Thế thì, lời trong thơ là thác ý cho nàng Siêu Siêu. Nhưng bóng con chim hồng trong đó vẫn là bóng của ông:

    Cánh hồng bay bổng tuyệt vời

    Đã mòn con mắt phương trời đăm đăm

    Đó thực là cõi phiêu bồng của phương trời viễn mộng. tình thơ nồng đượm, nhưng tình duyên hay tình nợ thì không không.

    LÔ SƠN CHÂN DIỆN MỤC

    Ngược xuôi nhớ nửa cung đàn Ai đem quán trọ mà ngăn nẻo về (T.S.)

    1.

    Lô sơn là một danh thắng kỳ tuyệt. Núi non hùng vĩ, cảnh trí u trầm, mây trắng và sương mù quanh năm bao phủ, từ bao nhiêu đời, nơi đó ẩn tích những cao nhân

    đắc đạo. Tìm đến đó, để nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn, là đã quyết tâm đoạn tuyệt với những vương vấn, buông lơi và thắt chặt, từ mấy vạn đời

    trước. Thấy chỗ đó, là thấy Tâm Thiền. Nhưng Tâm Thiền thì tịch mặc không nói. Một khi đưa lưỡi dao lên cắt đứt mớ tóc, đoạn tuyệt hồng trần, thì cõi thơ sẽ mất một ngọn sao trời rọi sáng, cho khách tục tử đang còn cặm cụi làm thơ. Nhà thơ phát tâm đại nguyện thượng thừa vác lên vai vô số khổ lụy đoạn trường. Đại nguyện đó sẽ làm sáng lên cái chân lý Dị và Đồng. Dị biệt và Đồng nhất là những con đường chia rẽ phân đôi; nhưng đạt tới công án hiểm hóc của tử sinh, thì đã xóa tan chân lý Dị Đồng. Đó là chỗ ta và người, tình và cảnh, đều trở thành tịch

    mặc Không Không. Từ đó, nhà Thơ hẹn với nhà Thiền, mở ra cánh cửa bắc, cất đầu nhìn lên 36 ngọn núi xanh kia.

    Những lời dài dòng lôi thôi trên đây quảng diễn từ những câu thơ này của ông: Vị văn Lô nhạc đa chân ẩn

    Cố tựu cao nhân đoạn túc phan Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ

    Thương hiềm thế phát hữu thi ban Dị đồng mạc vấn nghi Tam ngữ Vật ngã chung đương phó Bát hoàn Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ.

    Cử đầu tam thập lục thanh sơn

    為聞盧嶽多真隱 故 就高人 斷 宿 攀已喜禪無別語心尚嫌沏髮有詩班

    異同莫問疑三語

    物我終當赴八還到後與君開北櫸頭三十六青

    (Nghe nói trên Lô sơn có nhiều bậc chân ẩn. Vì vậy, tôi tìm đến cao nhân để xin cắt đứt những vấn nhiều đời nhiều kiếp. Tôi đã vui với cái lẽ rằng Tâm Thiền thì không có ngôn ngữ gì khác biệt với ngôn ngữ thường tình. Nhưng còn ngại rằng khi đã cạo tóc mà tình thơ vẫn còn. Thôi thì, thiền đạo và thi ca là đồng hay là khác, cũng chớ nên nghi ngờ mà tra hỏi. Hãy quên đi những sự phân biệt Ta và Người. Cuối cùng, tôi với anh mở cánh cửa bắc, ngẩng đầu nhìn lên ba mươi sáu ngọn núi xanh.)

    Nói như vậy, bằng lời lẽ như vậy; người ta gọi là bộc bạch, là thổ lộ tâm tình. Ở đây cứ tạm nói chắc là tình thơ và tình đạo, một cuộc giao tình để xẻ chiếc chiếu làm hai. Còn ẩn tình nào sau đó, nó đã ẩn thì vĩnh viễn là nó ẩn, không thể cưỡng bức để kéo nó ra.

    Chỉ thẳng không quanh co, gãy gọn và khúc chiết, bài thơ có chương pháp như một bản tường trình. Những người đang ruổi ngựa chạy như bay, đang đi giữa

    phố chợ ồn ào, vừa nghe một lần là hiểu; và có thể diễn lại tràng giang đại hải, như một bài thuyết trình của một nhà thạc học đúc kết mười năm trời nghiên cứu sách vở. Nhà thơ bất chợt đến nghe, ôm bụng cười. Ông sẽ về Hàn lâm viện thảo chiếu đề nghị và quyết định bổ nhiệm, rồi sau đó, trở lại Lô sơn, đẩy cánh cửa bắc, nhìn ra 36 ngọn thanh sơn. Nhưng khi trở lại Hàn lâm viện, ông sẽ chứng kiến một cảnh

    tượng hãi hùng: tên người được bổ nhiệm là Ông. Thì người bộc bạch là nhà thơ, người đi quảng diễn là nhà thơ; nhà thơ và nhà thơ, bóng dáng nhà thơ trùng trùng điệp điệp, ẩn hiện giữa mây trắng và sương mù như đỉnh núi Lô sơn. Vậy, đâu là chân diện mục của Lô sơn?

    Cái đó có thể là đề tài cho Trang Tử và Huệ Thi bàn cãi về lẽ Đồng và Dị: “anh và con cá lội dưới ao là Đồng hay Dị?” Họ bàn cãi nhau, từ thế hệ này đến thế hệ khác. Ông lại đứng ra làm trọng tài; làm một đại quan của triều đình chứ không là một nhà thơ, vì lời lẽ khúc chiết:

    Mạc tương đồng dị giảo tri thù

    . . . . . . . . .

    Nhược tín vạn thù qui nhất bản Ngã kim tri nhữ nhữ tri ngư

    Ông bảo họ đừng cãi nhau, chớ so đo về lẽ Dị Đồng nữa. Vạn thù qui nhất bản, muôn vàn sai biệt cùng quy về một gốc, cho nên, ông này biết ông kia, ông kia biết cá. Nếu Huệ Thi mà có thể hiểu được Trang Tử, thì Trang Tử cũng có thể hiểu được rằng đàn cá đang lội nhởn nhơ kia là đang vui đấy.

    Nhưng kỳ cùng, ai dám bảo đó không là thơ? Đó cũng là một công án hiểm hóc (của thiền sư Vô Trước trên Ngũ đài sơn): Tiền tam tam hậu diệc tam tam, trước ba ba sau cũng ba ba, là gì?

    Nói trắng ra, người ta muốn hỏi, chỗ sơn cùng lộ tuyệt nơi thơ của Ông là gì? Hay nói gọn lại, thơ Đông Pha nói gì trong đó? Ông nói những tình cố quận, sầu tha hương, những mùa thu tóc trắng, những thanh xuân và mộng tưởng; Ông nói những thứ vân vân đó ư? Thì quả nhiên, thơ Ông chỉ nói vân vân như vậy. Nhưng khi nghe ra những khổ lụy kỳ cùng trong đó, người ta tự hỏi, đồng vọng của một phương trời đọa đày viễn mộng nào đây? Đọa đày tức viễn mộng; viễn mộng tức đọa đày. Cái đó nó phơi trần lộ liễu, nên một người thô lỗ vội vàng cũng có thể nhận ra. Sau lớp mây trắng và sương mù, là Lô sơn, ai lại không biết. Đã biết là

    như vậy; còn chân diện mục của Lô sơn thì sao?

    2.

    Trong những ngày tháng bị đày ải ở Hoàng châu; ngày thiếu cơm, chiều thiếu gạo; (ông làm ruộng), trời nắng ruộng khô, lúa mọc không nổi; (ông kêu trời), trời mưa thì xối xả, nhà dột như mảng bè trôi. Ông làm một bài thơ dài gởi cho bạn. Mấy câu đầu như sau:

    Đông Pha tiên sinh vô nhất tiền Thập niên gia hỏa thiêu phàm duyên Hoàng kim khả thành hà khả tắc

    Chỉ hữu sương bính vô do huyền Long Khâu cư sĩ diệc khả liên

    Đàm Không thuyết Hữu dạ bất miên Hốt văn sư tử Hà đông hống

    Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên

    . . . . .

    東坡先生無一錢十年家火燒凡緣黃金可成河可塞龍丘居士亦可憐談空說有夜不眠忽聞獅子河東吼拄杖落手心忙然

    Đông Pha tiên sinh không một tiền Mười năm đèn lửa xin hai bên.

    Hoàng kim làm được, sông lấp được; Chỉ có tóc sương không chịu đen.

    Long Khâu cư sĩ cũng vô duyên. Bàn Không bàn Hữu thức suốt đêm. Bỗng nghe sư tử Hà đông rống;

    Hốt hoảng tâm thần rơi gậy thiền.

    Bài thơ làm gởi tặng Trần Quí Thường. Có lẽ trong số những người bạn, Thường là người được ông mến chuộng và kính phục nhất, về cốt cách cũng như về đời sống.

    Trần Tháo tự Quí Thường, hiệu Long Khâu cư sĩ; cũng được gọi là Phương Sơn

    Tử. Đọc bản tiểu sử của Quí Thường do ông viết cũng có thể thấy sự mến phục của ông như thế nào. Bản tiểu sử được viết:

    “Phương Sơn Tử, người ẩn cư trong khoảng Quang Hoàng. Thiếu thời, hâm mộ Chu Gia và Quách Giải. Bọn hào hiệp trong làng xóm đều qui phụ theo. Hơi lớn, biết chiều lụy người, và đọc sách; muốn lấy việc đó mà chen chân với đời. Nhưng rồi không gặp thời. Đến tuổi xế, về ẩn lánh trong khoảng Quang Hoàng, nơi chỗ gọi là Kỳ đình. Ở nhà tranh, ăn rau trái, không giao thiệp với người đời. Bỏ xe ngựa, vứt áo mão, đi bộ. (…..)

    “Tôi bị biếm trích ở Hoàng châu, qua Kỳ đình, thì thấy. Mới kêu: ‘Hỡi ôi! Đó là cố nhân của tôi, Trần Tháo Quí Thường đó. Sao lại ở đây?’ Phương Sơn Tử cũng kinh ngạc, hỏi tôi tại sao đến đây. Tôi nói duyên cớ. Ông cúi đầu không đáp; rồi ngửa lên trời mà cười. Gọi tôi ngủ lại nhà. Tường vách xơ xác, nhưng vợ con trông chừng có vẻ thỏa ý. Tôi giật mình lấy làm kinh ngạc.

    “Tự nghĩ, Phương Sơn Tử khi thiếu thời, ưa rượu và thích kiếm, xài tiền như đất cát (….)

    “Tôi nghe nói trong khoảng Quang Hoàng có nhiều dị nhân, thường thường giả bộ ngây dại, dơ bẩn, khó gặp được. Phương Sơn Tử cũng trong hạng đó ư?”

    Trong cái được mến phục đã ẩn hiện một phần cốt cách và cuộc đời của mình. Phần đó nằm ngoài ven trời viễn mộng.

    Đông Pha tiên sinh và Long Khâu cư sĩ, mỗi người ở mỗi ven trời, cùng nhìn nhau qua một cõi mộng, và cũng mang những khổ lụy hình hài như nhau. Khổ lụy của hình hài, mà lại khôi hài. Đông Pha tiên sinh có tài làm ra vàng, có thể lấp được sông, nhưng không thể làm cho tóc của mình đừng bạc trắng. Long Khâu cư sĩ say sưa đạo lý thượng thừa, nhưng không giữ nổi cây gậy của đạo đó trong tay, khi nghe tiếng sư tử Hà Đông rống:

    Hốt văn sư tử Hà Đông hống

    Trụ trượng lạc thủ tâm mang nhiên

    Tâm mang nhiên, tâm sững sờ ngơ ngác, là lúc sắp tỏ ngộ, sắp hoát nhiên đại ngộ. Thế thì, là chuyện đùa hay chuyện thật, mà chân tướng của nó, của cõi mộng đó, ra sao? Chân diện mục của Lô Sơn không dễ gì khám phá.

    Bất thức Lô sơn chân diện mục Chỉ duyên thân tại thử sơn trung

    (Không biết được chân diện mục của Lô sơn, tại vì mình đang ở trong đó, hay tại vì mình không ở trong đó?)

    3.

    Từ thượng cổ, Lô sơn đã quyến rũ những người tiêu dao thế ngoại. Tương truyền, trong buổi giao thời giữa nhà Thương và nhà Chu, trên một nghìn năm trước Tây lịch, có người tên Khuông Tục, trốn đời, hay lánh đời, đến ẩn dưới núi, lập nhà tranh (lô) ở đó, và sau đắc đạo tiên. Vì vậy, núi được gọi là Lô sơn, hoặc Khuông sơn.

    Đời Tam quốc, có đạo gia Đổng Phụng chân nhân đến tu tiên và luyện đan tại đây. Bấy giờ Thái thú Giao chỉ là Sĩ Nhiếp mất đã ba ngày; tiên ông cho một hoàn thuốc, cạy răng đổ vào miệng, đổ nước vào, rồi nâng đầu lên cho thuốc chạy xuống cổ. Trong khoảng bữa cơm, nhan sắc tươi lại như thường. Một nửa ngày, đứng dậy, đi lại được. Bốn ngày sau, nói năng như bình thường. Đến đời Đường, có Từ Tri Chương làm bài ký cho miếu thờ của Chân nhân. Đến thời Đông Pha, người ta vẫn còn đọc được bài ký đó.

    Thời Đông Tấn, tăng Tuệ Viễn cất am tu ở đó, nơi sườn núi bắc; phía dưới có khe Hổ khê, nơi Tuệ Viễn dừng chân mỗi khi tiễn khách; và trọn đời thề không bước qua khe đó. Sư cùng mười tám người bạn cùng ẩn cư tại chùa Đông lâm, đời sau kính trọng, gọi họ là “Đông lâm thập bát hiền”.

    Trải qua nhiều đời, Lô sơn càng quyến rũ, từ đạo gia, tăng lữ, công khanh, văn sĩ, thi sĩ, vân vân. Từ Tấn cho đến Đường, Tống, đã có rất nhiều bài thơ lưu đề rất nổi tiếng, từ Tạ Linh Vận, Bảo Chiêu cho đến Mạnh Hạo Nhiên, Lý Bạch, Hàn Dũ, Bạch Cư Dị, vân vân….

    Ơ đây, xin trích một ít bài để thưởng thức cảnh trí Lô sơn.

    Thơ của Mạnh Hạo Nhiên, buổi chiều thuyền đổ bến Tầm dương, vọng về Lô sơn: Quải tịch kỷ thiên lý

    Danh sơn đô vị phùng

    Bạc châu Tầm dương quách Thủy kiến Hương lô phong Thường độc Viễn Công truyện Vĩnh hoài trần ngoại tung Đông lâm tinh xá cận

    Nhật mộ đản văn chung

    挂席幾千里名山都未逢泊舟尋暘郭始見香盧夆嘗讀遠公傳永懷塵外蹤東林精舍近日暮但聞鐘

    Lang thang mấy vạn dặm; Lô sơn vẫn tít mù.

    Bến Tầm dương thuyền đỗ, Chợt thấy đỉnh Hương lô. Từng đọc truyện Tuệ Viễn; Hoài mộ gót phiêu du.

    Chùa Đông lâm gần đó;

    Sớm tối nghe chuông đưa.

    Từ bến Tầm dương, nhìn lên thấy một ngọn trong dãy Lô sơn, mây vần vũ như khói bốc từ lò hương, ngọn núi đó gọi là Hương lô phong.

    Lý Bạch có đến sáu bài thơ về Lô sơn. Bài được truyền tụng rất nhiều là “Lô sơn dao”, bài ca từ Lô sơn: “Ta vốn là người cuồng nước Sở, cuồng ca cười Không Khâu. Tay cầm gậy lục ngọc, sớm từ Hoàng hạc lâu… đi tìm khắp các núi non, vân vân…” Bài thơ đó dài quá, không tiện trích ra ở đây.

    Dãy Lô sơn núi non trùng trùng, mây bay điệp điệp. Sông hồ in bóng Lô sơn như từng chấm nốt ruồi xanh xanh trên mặt nước trong xanh kiều diễm. Những thác nước từ chóp đỉnh cao tuyệt mù đổ xuống, như giải Ngân hà treo chênh vênh bên cầu Tam thạch. Từ giã sư tăng chùa Đông lâm, Lý Bạch lưu đề bài thơ:

    Đông lâm tống khách xứ Nguyệt xuất bạch viên đề Tiếu biệt Lô sơn Viễn

    Hà phiền quá Hổ khê

    東林送客處月出白猿啼笑別盧山遠何煩過虎溪

    Đường Đông lâm tiễn khách Vượn trắng gọi trăng ngàn Chào Lô sơn ở lại

    Khe Cọp cách hồng trần

    Lô sơn ba mặt là nước, một mặt đất liền. Trước mặt, phía nam, là sông Trường giang đổ vào khúc Cửu giang. Phía tây là bến Tầm dương, phía đông là bến Bành lãi. Núi có bảy ngọn lớn chập chùng, chân núi chiếm một khoảng rộng chừng năm trăm dặm. Cảnh trí hùng vĩ được ông ghi lại trong hai bài thơ, vịnh hai nơi: đình Thấu ngọc chùa Khai tiên và cầu Tam giáp chùa Thê hiền. Đại khái như sau:

    Đình Thấu ngọc, nói theo nghĩa đen của nó là đình “đánh răng”. Thác nước từ đỉnh cao chót vót đổ xuống, mà Lý Bạch nói là trông giống như giải Ngân hà đổ xuống; thác đổ đến phía đông chùa Khai tiên, chảy thành dòng suối; hai bên đá nhấp nhô như những hàng răng ngọc, có lẽ vì thế mà gọi là Thấu ngọc đình:

    Cao nham hạ xích nhật Thâm cốc lai bi phong

    Phách khai thanh ngọc giáp Phi xuất lưỡng thanh long Loạn mạt tán như sương Tuyệt đàm dao thanh không Dư lưu hoạt vô thanh

    Khoái tả song thạch hồng vân vân…

    高嵒下赤日深谷來悲風擘開青玉峽飛出兩白龍亂沫散如霜餘流滑無聲快瀉雙石洪

    Sườn cao tuôn nắng đỏ Hang sâu động gió rầu Chẻ đôi mõm thanh ngọc Hai rồng bạc đổ ào

    Bọt nước bay sương trắng Đầm tuyết rung trời cao Dòng suối tuôn lặng lẽ Chảy xiết qua hang sâu

    ….

    Rồi đến cầu Tam giáp, phía đông chùa Thê hiền. Những tảng đá qua hàng vạn

    năm thi đua kêu gào với những dòng nước vỗ ầm như sấm sét. Cầu bắc ngang qua một khe nước sâu hun hút không thấy đáy. Sóng cuốn những con cá trôi nổi bập bềnh; tiếng sóng kinh hoàng cho đến vượn khỉ leo lên cây cũng rụng rời rớt xuống đất. Hơi lạnh thấm vào sương tủy của núi. Cỏ và cây cứng, và gầy. Giữa lớp mây mù kéo qua các hốc trống, khua lên những âm thanh như tiếng nhạc tấu lên từ những tiếng kim tiếng thạch. Chiếc cầu uốn cong treo lơ lửng trên suối như mảnh trăng vòng cung…

    Núi non bên trong rầm rộ với những tiếng reo hò, gào thét như thác nước, của gió ào ạt và mây vần vũ. Nhưng ở ngoài xa, chỉ thấy chập chùng một dãy núi, ẩn hiện mơ hồ giữa đám mây trắng và sương mù. Thế thì, đâu là chân diện mục của Lô

    sơn?

    4.

    Trong thời kỳ bị biếm trích ở Hoàng châu, ông mới có dịp lên dạo Lô sơn. Ông nói, khi mới đến Lô sơn, thấy cảnh núi non thanh kỳ tú lệ, quả là điều mơ ước được thấy từ trước. Tăng và tục trong núi thấy ông, ai cũng nói: “Tô Tử Chiêm đến rồi

    đó”.

    Ông tự cho là mình có duyên rất đậm đà với Lô sơn. Trước ngày ông đến, ngài viện chủ Viên thông thiền viện đã được báo mộng; cho đến chiều hôm sau thì ông

    lên. Sư nói: “Hôm qua nằm mộng thấy bửu cái bay xuống, chỗ đó liền có lửa cháy sáng lên. Há không là điềm báo tốt đẹp cho ngày hôm nay sao? ” Ông cảm động, làm tặng ngài viện chủ một bài thơ thất luật, có hai câu 5 và 6 như sau:

    Tụ lý bửu thơ do vị xuất

    Mộng trung phi cái dĩ tiên truyền 袖裡蓍寶由未出夢中飛蓋已先傳

    Bửu thơ trong tay áo chưa lôi ra, mà bửu cái từ trời đã bay xuống báo mộng trước.

    Ông ghé lại đề thơ nơi sơn phòng của Lý Thường, tại Bạch thạch tăng xá. Lý Thường, tự Công Trạch, vốn là bạn của ông. Thường trước khi ra làm quan, đọc sách tại đây. sách vở chất chứa hàng vạn quyển. Sau khi Thường ra làm quan, chỗ đó được dọn thành thư viện, lấy tên là “Lý thị sơn phòng”. Ông có viết bài ký cho sơn phòng này. Ông lưu đề tại đây một bài thơ tứ tuyệt:

    Ngẫu tầm lưu thủy thượng thôi ngôi Ngũ lão thương nhan nhất tiếu khai Nhược kiến Trích tiên phiền ký ngữ Khuông sơn đầu bạch tảo qui lai

    偶尋流水上崔嵬五老蒼顏一笑開若見謫仙煩記語匡山頭白早歸來

    Ông nói, ngẫu hứng lần theo dòng suối mà lên đến chỗ cao chót vót đó. Ngọn Ngũ lão, như năm ông lão da mồi, cùng nở nụ cười chào đón. Nếu có gặp Trích tiên Lý Bạch, nhớ nhắn hộ là bao giờ đầu tóc bạc trắng hãy trở về Khuông sơn, tức Lô sơn. Ông nhắc đến Lý Bạch, có lẽ gợi hứng từ bài thơ “Trông về ngọn Ngũ lão trên Lô sơn” của Lý Bạch với lời hẹn trong hai câu thơ:

    Cửu giang tú sắc khả lãm kết

    Ngô tương thử địa tỏa vân tùng

    九江秀色可攬結吾將此地鎖篔松

    Lô sơn với dòng Cửu giang thanh kỳ tú lệ, sẽ chọn nơi này để khóa cửa tùng cao vút tận mây.

    Đến chùa Đông lâm, ông đề một bài tứ tuyệt lên vách, và kể từ đó, Lô sơn trở thành một ẩn ngữ kỳ lạ cho thi ca:

    Hoành khan thành lãnh trắc thành phong Viễn cận cao đê các bất đồng

    Bất thức Lô sơn chân diện mục Chỉ duyên thân tại thử sơn trung

    橫看成嶺惻成峰遠近膏低各不同不識盧山真面目只緣身在此山中

    Lô sơn, được nhìn ngang, nó như một dải núi dài; nhìn nghiêng, lại thấy nó là một ngọn núi cao. Nhìn thấy gần, hay xa, thấy núi cao hay núi thấp. Lô sơn ẩn hiện thiên hình vạn trạng. Vậy thì, chân diện mục của Lô sơn làm sao mà biết cho nổi? Cứ vào trong núi thì biết.

    Một bài thơ khác, được truyền tụng thịnh hành trong giới Thiền tông, nói là của ông. Nhưng không rõ ông làm lúc nào. Trong các tập thi văn của ông, không thấy có. Bài thơ nói khá tinh tế về đạo Thiền, cũng khó biết rõ chân diện mục như Lô sơn.

    Lô sơn yên tỏa Triết giang triều Vị đáo sinh bình hận bất tiêu Đáo đắc hoàn lai vô biệt sự

    Lô sơn yên tỏa Triết giang triều

    盧山湮鎖浙江潮未到生平 恨不逍到得還來無別事盧山湮鎖浙江潮

    Bài dịch thơ bằng tiếng Việt hay nhất (không nhớ dịch giả): Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang.

    Khi chưa đến đó hận muôn vàn.

    Đến rồi về lại không gì lạ.

    Mù tỏa Lô sơn sóng Triết giang. Sách Tục Truyền đăng lục chép:

    “Dòng thiền Huệ Năng, đời thứ 14, pháp tự của Đông Lâm Chiếu Giác Thường Tổng thiền sư: Nội hàn Tô Thức cư sĩ.

    “Nội hàn, Đông Pha cư sĩ, Tô Thức, tự Tử Chiêm. Nhân ngủ đêm tại chùa Đông lâm (trên Lô sơn), cùng với Chiếu Giác luận về đề tài “vô tình”, rồi tỉnh ngộ. Sáng ra, làm bài kệ trình sư:

    Khe thanh tiện thị quảng trường thiệt Sơn sắc khởi phi thanh tịnh thân

    Dạ lai bát vạn tứ thiên kệ Tha nhật như hà cử tợ nhân

    溪聲便是廣長舌山色豈非清淨身夜來八萬四千偈他日如何舉似人

    Suối reo vẫn Pháp âm bất tuyệt Màu non kia Chân thể Như lai Đêm đó tám vạn bốn nghìn kệ Ngày sau nói lại làm sao đây?

    “Ít lâu sau, đến Kinh nam. Nghe đồn thiền sư Ngọc Tuyền Thừa Hạo, biện luận sắc bén đụng không nổi. Ông mới thay đổi y phục, trá hình tìm đến xin ra mắt. Hạo hỏi:

    ” – Tánh danh của tôn quan? “Ông đáp:

    ” – Tôi tên Cân; tức là Cân hết thảy các cái Cân trưởng lão trong thiên hạ. “Hạo hét lên một tiếng, rồi hỏi:

    ” – Nặng bao nhiêu?

    “Ông không đáp được. Rồi từ đó khâm phục.

    Về sau, qua Kim sơn; ở đó có bức chân dung của ông. Ông đề giỡn vào đó: Tâm tợ dĩ hôi chi mộc

    Thân như bất hệ chi châu Vấn nhữ bình sinh hà nghiệp

    Hoàng châu Quỳnh châu Huệ châu

    心似已灰之木身如不繫之舟問汝平生何業黃州惠州瓊州

    Tâm như thanh củi tro tàn

    Thân như thuyền lỏng theo ngàn nước trôi

    Hỏi ông công nghiệp một đời

    Hoàng châu, Quỳnh, Huệ, những ngày những năm.

    …”

    Hoàng châu, Quỳnh châu, Huệ châu, vân vân châu; những đoạn đường đày ải; những ngày tháng đoạn trường. Cuộc đời ông như một con thuyền buông lỏng, thả trôi cho nước cuốn. Nhưng cuộc thơ của ông thì sao: khổ lụy? Phiêu bồng? Đọa đày? Viễn mộng? Đâu là chân tướng, chân thể, chân tâm? Chân diện mục của Lô sơn, không phải là dễ thấy.

    Ông bị biếm trích ở Hoàng châu, rồi sau qua Thường châu; 51 tuổi, được ân xá, chiếu hồi về triều. Cuộc đời ông bây giờ sẽ bắt đầu một đoạn đường danh vọng gần mức tột cùng. Sau năm năm trường đày ải, trên đường trở về triều, ngang qua Tiền đường, ông gặp Dương Kiệt. Dương Kiệt, tự Thứ Công, hiệu Vô Vi cư sĩ, bấy giờ đang làm quan ở bộ Lễ, Kiệt vâng mạng triều đình hộ tống vương tử Triều tiên, đạo hiệu Nghĩa Thiên tăng thống, đi du lãm các danh thắng vùng đất Giang nam. Ông làm bài tiễn Dương Kiệt và tự viết lời dẫn cho bài thơ:

    “Vô Vi cư sĩ đã có lần phụng sứ lên Thái sơn tuyệt đỉnh, được thấy mặt trời lúc gà bắt gáy nửa đêm. Lại đã có lần hữu sự ngang qua Hoa sơn, ngày trùng cửu (ngày lễ hoa cúc, mồng 9-9), uống rượu trên ngọn Liên hoa phong. Nay ông lại phụng chiếu cùng Tăng thống Cao ly sang chơi Tiền đường. Tất cả đều là do vương sự mà lại được cái vui thế ngoại. Quả là kỳ diệu, chưa từng có.”

    Lời dẫn hé cho thấy một góc trời trong cõi thi ca của ông; một góc cạnh nào đó của Lô sơn chân diện mục. Cuộc chơi trong cõi mộng của thi ca còn có phong độ phiêu bồng của những cuộc giao tình phương ngoại; cuộc giao tình với ngoài kia những phương trời diệu vợi. Lô sơn hùng vĩ, phiêu bồng, nhưng u ẩn. Lòng núi dấu kín những tâm sự nghìn năm không nói; lòng núi ủ kín những cuộc đời trầm mặc; những thân thể khô gầy như hạc như trúc, những tâm hồn nguội lạnh như tro tàn mùa đông. Núi âm thầm, cho gió ngàn gào thét, cho mây trời vần vũ, và những dòng thác từ trên tuyệt đỉnh cao mù đổ ào xuống. Lô sơn đồng vọng một cõi thi ca bát ngát. Cõi thi ca trùng trùng điệp điệp những ẩn ngữ kỳ diệu. Khách phàm trần bươn bả, thuyền đỗ bến Bành lãi hay Tầm Dương, chỉ thấy đó là một cõi đẹp của khói mờ sương phủ; chỉ thấy đó là một bầu trời trong chiều tà rồi nắng quái, trong nắng quái rồi chiều tà. Làm sao thấy và nghe những tình tự u trầm trong đó? Hoặc u trầm, hoặc cuồng nộ, Lô sơn có thiên hình vạn trạng. Những chiếc nón hoàng quan của đạo sĩ, những chiếc áo phá nạp của thiền tăng; đầu này vẳng tiếng Huỳnh đình, đầu kia dội tiếng chuông triêu mộ. Những hình bóng và những âm hưởng đó, từ thế kỷ này đến thế kỷ khác, bên dòng lịch sử trường mộng của nhân sinh đổ ầm xuống; có những cuộc thi gan tuế nguyệt diễn ra trong lạnh lùng, cô

    tịch. Ngày và đêm, đày đọa hình hài và tâm trí, đứng trơ vơ, kinh đảm hãi hùng, trên chiếc cầu độc mộc, bắc ngang qua ghềnh sinh tử. Phương ngoại là cõi của ngày tháng phiêu bồng, có trăng thanh gió mát, có nắng quái tà dương, có xuân lan thu cúc, có đủ tất cả mọi thứ thanh nhàn, tiêu sái, phóng dật… mà người đời mong ước. Nhưng đó chỉ là Lô sơn từ bến Tầm dương nhìn lại, hay từ bến Bành lãi trông sang. Xa hay gần, cao hay thấp, Lô sơn đẹp trong thiên hình vạn trạng. Giữa lòng Lô sơn, ngày tháng u trầm trôi qua trong một phương trời đọa đày viễn mộng. Phải chăng đây đã là nơi sơn cùng thủy tận của một cõi thi ca bát ngát?

    Từ khi bước ngang qua:

    Một vùng cỏ mọc xanh rì

    Nước ngâm trong vắt thấy gì nữa đâu (Kiều)

    Và từ đó đã bước ngay vào một trường thiên lịch sử đọa đày, khổ lụy:

    Mối tình đòi đoạn vò tơ

    Giấc hương quan luống lần mơ canh dài Song sa vò võ phương trời

    Nay hoàng hôn đã lại mai hôn hoàng (Kiều)

    Tình cố quận, tình tha hương, trong những ngày lưu lạc, và chân trời phương ngoại cho những ngày tháng tiêu dao, hồn thơ bay cao vút đến mấy vạn trời mây, vẫn còn đồng vọng Lô sơn; một chiếc cầu độc mộc cheo leo, bắc ngang qua bên này và bên kia, hai bên bờ của một cõi sống và chết, mà bên dưới là vực thẳm tuyệt mù, dội lên những ẩn ngữ kỳ lạ của dòng lịch sử kinh hoàng, trôi ào ạt trong cái lặng lẽo vô thanh vô tức. Ẩnn ngữ cùng tuyệt của thi ca đồng vọng từ đó, hay từ

    đâu? Lô sơn đẹp trong thiên hình vạn trạng, và chân diện mục của Lô sơn ra sao?

    Ông viết về Sâm Liêu Tử, một người bạn trong mối giao tình thi ca, và trong cuộc giao tình phương ngoại:

    “Đông Pha cư sĩ nói: Thưa! Sâm Liêu Tử, có cái thân lạnh mà đạo giàu. Văn thì rành rõi mà nói năng chậm chạp. Bên ngoài mềm nhũn mà bên trong cứng cỏi. Đối với người thì không ganh đua mà đối với cái quấy của bạn bè thì hay châm chọc.

    Hình khô tâm tro lạnh mà thích nói lời cảm khái với thời, thưởng ngoạn với vật, và không thể vong tình. Đó là chỗ mà tôi gọi là Sâm Liêu Tử có năm điều không thể hiểu.”

    Xưa kia, Lý Bạch cũng có một người bạn tên Sâm Liêu Tử. Đông Pha cũng có một ngưòi bạn như vậy. Sâm Liêu Tử của Đông Pha là biệt hiệu của tăng Đạo Tiềm,

    một sư tăng tu ở Tiền đường. Đạo Tiềm rất thích thơ. Trước khi Đông pha đáo

    nhiệm Tiền đường hai người đã biết nhau, qua giấc mộng. Nên khi tới Tiền đường, Đông Pha liền đi tìm gặp ngay Đạo Tiềm, rồi viết Ứng mộng ký (?). Hai người qua lại và làm thơ với nhau. Thơ của họ được khắc nhiều nơi các vách đá trong vùng Giang Triết.

    Năm Nguyên hựu thứ 6 (1091), từ Tiền đường, ông được lịnh gọi trở về triều, ông để lại bài từ, theo điệu “Bát thanh cam châu”, tặng Sâm Liêu Tử:

    Hữu tình phong vạn lý quyển triều lai, Vô tình tống triều qui.

    Vấn Tiền đường giang thượng, Tây hưng phố khẩu

    Kỷ độ tà huy.

    Bất dụng tư lương kim cổ, Phủ ngưỡng tích nhân phi, Thùy tợ Đông Pha lão, Bạch thủ vong ky.

    Ký thủ Tây hồ tây bạn, Chánh xuân sơn hảo xứ Không thúy yên phi Toán thi nhân tương đắc, Như ngã dữ quân hi.

    Ước tha niên đông hoàn hải đạo, Nguyện Tạ công nhã ý mạc tương vi. Tây châu lộ,

    Bất ưng hồi thủ, Vị ngã triêm y.

    有情風萬里卷潮來,無情送潮歸。

    問錢塘江上,西興浦口, 幾度斜暉?

    不用思量今古,俯仰昔人非。 誰似東坡老:白首忘機。

    記取西湖西畔,正春山好處, 空翠煙霏。

    算詩人相得,如我與君稀。

    約它年東還海道, 願謝公雅志莫相違。西州路,

    不應回首,為我沾衣

    Hữu tình thì ngọn gió từ một vạn dặm cuộn sóng tới. Vô tình thì đưa con sóng trở về. Thử hỏi, trên sông Tiền đường, và phố khẩu Tây hưng, qua mấy độ tà huy?

    Không kể gì kim hay cổ; cúi và ngước, thấy người xưa đã khác. Xem chừng lão Đông Pha, đầu bạc dửng dưng đời.

    Nhớ lấy cảnh bờ tây của Tây hồ, sắc xuân lồng lộng, trời xanh thăm thẳm, khói mưa mù. Người thơ tương đắc, như tôi với Ngài, phỏng được bao nhiêu? Hẹn sang năm, vượt bỏ dặm ngàn trở lại đây, giữ mãi tấm lòng hoài vọng không bao giờ thôi. Đường Tây châu, đừng có quay đầu, vì tôi mà đẫm áo.

    Đó là cuộc giao tình tương đắc của những người bạn thơ. Ngoài cuộc đó, còn là

    cuộc giao tình phương ngoại. Phương ngoại du, là cuộc chơi của những mặt công hầu rám nắng, trong một thuở tạm thời rửa mặt đi bàn chuyện Không hư, bàn cái Không và cái Hữu của tử sinh trường mộng. Thì ở đó, một tấm lòng thơ đã mở ra bao trùm cả hai cõi. Lời thơ sẽ lai láng cho tình thơ nồng nàn. Lời thơ sẽ điềm đạm cho trời thơ nghiêm nghị. Lời thơ sẽ phiêu bồng cho trời thơ lãng đãng. Lời thơ sẽ ngậm ngùi cho trời thơ cô tịch. Lời thơ sẽ cay đắng cho trời thơ đày đọa. Lời thơ vần vũ, và trời thơ trùng trùng điệp điệp bao la. Làm sao để mở rộng tấm lòng của mình cho thành tấm lòng của trời thơ lồng lộng, nhìn thẳng vào chân diện mục của Lô sơn, ba mươi sáu ngọn núi xanh cao ngất?

    Thơ ông tiễn Đạo Tiềm nói:

    Thượng nhân học Khổ Không Bách niệm dĩ hôi lãnh

    Kiếm đầu duy nhất quyết Tiều cốc vô tân dĩnh

    Hồ vi trục ngã bối Văn tự tranh ủy bính Tân thi như ngọc tiết

    Xuất ngữ tiện thanh kỉnh Thối Chi luận thảo thơ Vạn sự vị tường bính

    Ưu sầu bất bình khí

    Nhất ngụ bút sở sính Phả quái Phù đồ nhân Thị thân như khâu tỉnh Đồi nhiên ký đạm bạc Thùy dữ phát hào mãnh Tế tư nãi bất nhiên Chân xảo phi ảo ảnh

    Dục linh thi ngữ diệu Vô áp Không thả Tĩnh Tĩnh cố liễu quần động Không cố nạp vạn cảnh

    Duyệt thế tẩu nhân gian Quán thân ngọa vân lĩnh Hàm toan tạp chúng hảo Trung hữu chí vị vĩnh

    Thi Pháp bất tương phương

    Thử ngữ đương cánh thỉnh 上人学苦空,

    百念已灰冷。剑头唯一吷,焦谷无新颖。为逐吾辈,文字争蔚炳?新诗如玉屑,语便清警。退之论草书,万事未尝屏。忧愁不平气,一寓笔所骋。颇怪浮屠人,视身如丘井。颓然寄淡泊,谁与发豪猛?细思乃不然,真巧非幻影。欲令诗语妙,厌空且静。静故了群动,空故纳万境。阅世走人间,观身卧云岭。

    成酸杂众好,中有至味永。诗法不相妨,语当更请

    Đó là một bài thơ, hay một bài văn luận về phép làm thơ, gọi nó là thế nào cũng được. Lô sơn có thiên hình vạn trạng, nhìn ngang hay nhìn dọc, tùy. Ông nói, đại khái như thế này:

    Thượng nhân học về cái lẽ Khổ Không; một trăm thứ niệm tưởng đã thành tro lạnh hết. Cũng tợ thể vung lưỡi kiếm một cái là y như gió thổi chẻ hạt thóc lép, không còn chút bụi cám. Tại sao ngài lại phải chạy theo bọn tôi, tranh đua cái vẻ rực rỡ của văn tự? Bài thơ bọn tôi mới làm, nó đẹp như tán vụn viên ngọc lóng lánh; lời thơ vừa ra là đã trong veo kỳ lạ. Hàn Thối Chi (Hàn Dũ), luận cách viết chữ thảo, mà chưa hề bỏ bê mọi việc. Cái u sầu, cái khí bất bình, nội một nét bút là hàm tất

    cả.

    Lạ thay, những người đi tu Phật, coi thân này như là gò, như là giếng, chật hẹp và tù túng, nên chịu cảnh đạm bạc trơ vơ, thì đi bộc bạch cái hào, cái mãnh với ai?

    Tuy nhiên, suy nghĩ kỹ thì không phải thế. Cái ảo diệu không phải là cái ảo ảnh. Muốn cho lời thơ tuyệt diệu, thì phải là đừng gò ép, vừa Không và vừa Tĩnh. Tĩnh cho nên thâu tóm hết mọi vọng động. Không cho nên bao hàm vạn cảnh. Ngắm nhìn sự đời, bôn ba giữa đời, mà thấy mình như nằm trên chóp đỉnh mây cao. Đủ hết các thứ mặn nồng, chua chát; trong đó có cái hương vị tuyệt vời.

    Thơ và Pháp (Đạo) không chống trái nhau, không hại nhau. Cái đó lại nhờ Thượng nhân hạ quyết.

    Nhờ hạ quyết? Không nhờ, cũng đã quyết. Người học Thiền, học từ cái khổ đau,

    hư ảo; học cho thân tâm ra là thứ tro tàn nguội lạnh. Học như thế là học để mà đoạ đày. Sở đạt của sở học đó, là buông thả, hóa thành cái Không và trở thành cái Tĩnh. Buông thả, thì không câu chấp, không còn bị ràng buộc. Cũng tiêu dao như hồn thơ thoát sái và lãng mạn. Tâm Tĩnh, thì trầm lặng như mặt nước không gợn sóng, phản chiếu trọn vẹn ngoại cảnh. Tâm Không, thì Tâm rộng như mặt biển bao la, dung nạp tất cả ngân hà tinh đẩu. Người học Thiền chịu đọa đày cho thân mình gầy, cho tâm mình nguội, trong đó có cái diệu dụng phi thường của nó. Người làm thơ, cuộc đời bị đày ải truân chuyên, trong đó cũng có cái ảo diệu của vị chua, vị mặn. Suốt đời học Thiền; suốt đời vẫn đày đọa thân tâm; đày đọa trong cái Không và cái Tĩnh. Đày đoạ đó, mà kỳ thực không là đày đọa. Cũng vậy, suốt đời làm thơ, thì suốt đời khổ lụy lao đao; nhưng không là khổ lụy lao đao. Chỗ ảo diệu đó, chưa đạt đến cõi thượng thừa của thi ca, làm sao hiểu nổi?

    Nhưng, ai nói người học Thiền phải chịu đày đọa thân tâm? Họ nhàn hạ, họ thong dong, họ tiêu sái; họ lãng đãng như Lô sơn thấp thoáng giữa mây trắng và sương mù. Tuy nhiên như thế, nhưng ai quyết rằng tâm hồn đó trầm mặc như nước hồ không dao động? Giữa lòng Lô sơn, giải Ngân hà trên bầu trời cô tịch không ngừng đổ xuống ầm ầm như sấm sét.

    Thi sĩ và Thiền sư cùng lao đao, và cùng tiêu sái, trong cùng một cõi trầm mặc phiêu bồng, vừa Không vừa Tĩnh. Ngọc đường kim mã hay Giang bắc Giang nam; hay lão thần cô quạnh nơi Hoàng châu, Huệ châu… , đày ải hay không đày ải, hồn thơ vẫn điềm đạm bao la trong thơ huy hoàng bát ngát.

    Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng nghe chừng như là phải kinh hoàng táng đảm, nó làm cho đất liền cũng trở thành sa mạc, với nóng cháy và với gió rét kinh hồn. Thế mà lại khác hẳn. Đó là cái Không Không và Tĩnh Tĩnh, cõi của mây trời trên đỉnh núi. Khách phàm trần chưa bước tới nổi, nên cứ tưởng là nơi khổ lụy tột cùng, hoặc huy hoàng tráng lệ. Cả hai, vừa phải vừa không phải. Lô sơn có thiên hình vạn trạng. Cõi thơ có trùng trùng ẩn ngữ.

    Đạt tới cõi thượng thừa của Thơ, như người học Thiền chứng chỗ Không tịch của Đạo; cái đó vừa khó vừa dễ. Học Thiền ba mươi năm, ba mươi năm đày đọa thân tâm, mà không thành. Phẫn chí, bỏ đi; bất chợt thấy một cánh hoa rơi, cõi Không tịch cũng hoát nhiên, đột ngột mở ra. Chỗ ảo diệu đó, khó giảng cho thông. Cho nên, không thể nào lấy tay chỉ thẳng vào cõi thơ, rồi bảo đây là chân diện mục của nó. Nói được một cách dễ dãi, hay không dễ dãi, như thế chẳng khác nào đàn bà

    con nít cũng biết giảng chỗ ảo diệu của Ngộ Thiền. Ông viết trong bài bạt của khắc kinh Lăng già như thế này:

    “… Chỉ lấy theo chỗ giản tiện; được một câu kinh, một bài kệ, tự cho là liễu chứng. Cho đến cả bọn đàn bà, con nít, dong tay cười giỡn, đua nhau bàn bạc hương vị Thiền. Kẻ cao thì vì danh, kẻ thấp thì vì lợi. Cái dư ba mạt lưu đó không đâu không chảy tới. mà cái vi diệu của Phật Pháp đã mất rồi. Chẳng khác nào thầy lang quê mùa… (may mà chữa lành bịnh nhẹ)…”

    Đại khái, nơi cõi Thiền cũng có cái khó phân biệt Chân và Ngụy. Cõi thơ há lại không? Nhưng chỉ thẳng vào chỗ đó, không thể được. Nó không phải là chỗ dị đồng giữa con chó và con cọp, hay giữa cọp thực và cọp giấy.

    Quả nhiên, điều thấy rõ là ông đã giảng giải thế nào là Thơ, và thế nào là Thiền. Và cũng thấy rõ là trong đó có chỗ đồng và chỗ dị. Nhưng chỉ thẳng vào những chỗ đó, thiên nan vạn nan.

    Có thể đọc lại bài thơ ông tặng Đạo Tiềm, đã dẫn ở trên kia. Bài thơ:

    Vị văn Lô nhạc đa chân ẩn

    Cố tựu cao nhân đoạn túc phan Dĩ hỉ Thiền Tâm vô biệt ngữ

    Thượng hiềm thế phát hữu thi ban Dị đồng mạc vấn nghi tam ngữ

    Vật ngã chung đương phó bát hoàn Đáo hậu dữ quân khai bắc hộ

    Cử đầu tam thập lục thanh sơn.

    Tống Triết tông, năm đầu niên hiệu nguyên hựu (1086), vương tử Cao li, Tăng thống Nghĩa Thiên, sang thăm Trung Hoa, tìm hiểu Phật giáo Hoa Nghiêm tông. Vua sắc chỉ Đông kinh Giác nghiêm Thành thiền sư ứng đối. Thành đề cử sư Tịnh Nguyên ở Tiền Đường, thay thế mình. Vua mới lịnh cho Dương Kiệt hộ tống Nghĩa Thiên tăng thống đến Tiền đường. Các tự viện làm lễ đón và đưa rất rầm rộ.

    Khi Nghĩa Thiên mới đến Kinh sư, vua sắc Lễ bộ Tô Thức tiếp đón. Rồi đến yết Viên chiếu. Bản thiền sư, thảo luận về tông chỉ Phật Pháp. Sau đó, đến Kim Sơn. Ở đó, Phật Ấn ngồi mà đón và nhận lễ cúng nạp. Dương Kiệt kinh ngạc hỏi. Phật Ấn đáp: Nghĩa Thiên là tăng nước ngoài, nhưng luật của người xuất gia không phân biệt biên vức quốc gia, do đó, không vì Nghĩa Thiên đến với tư cách một vương tử ngoại quốc, được triều đình đãi như một thượng khách, mà sư phải theo cách tiếp đãi của triều đình. Triết tông biết việc đó, rất khâm phục thái độ của Phật Ấn. Về sau, vua mang chiếc áo nạp do Cao li tiến cống tặng cho Phật Ấn. Đông Pha viết bài nạp tán:

    “TỰA:

    “Trưởng lão Phật Ấn đại sư Liễu Nguyên, dạo chơi Kinh sư. Thiên tử nghe danh sư, đem chiếc áo Ma nạp do nước Cao lệ cống hiến ban cho sư.

    “Khách có người thấy, khen rằng: Hỡi ôi! Đẹp thay! Chưa từng thấy vậy. tôi và con tôi đã thử nắm vạt nó trải ra, theo cái chéo nó trương lên mà tung ra; từ phía đông tận đất Ngung di, phía tây tới Muội cốc, phía Nam Giao chỉ, phía bắc U đô, tất cả đều nằm trong lỗ kim khe chỉ của tôi cả.

    “Phật Ấn cười hô hố, nói: Ăn thua gì! Cái ông nói còn quê mùa lắm. Tôi lấy con mắt Pháp mà nhìn nó, thấy trong mỗi lỗ kim có vô lượng thế giới. Rồi trong mỗi thế giới đó, có bao nhiêu chúng sinh, mà mỗi lỗ kim khe chỉ của mỗi chiếc áo chúng mặc đều là thế giới. Cứ lần lượt như thế cho đến tám mươi lần, mà quang minh của Phật tôi đều rọi tới, cùng với Thánh đức của Quân thượng tôi bao trùm như đem biển cả mà đổ vào một lỗ chân lông, như để cõi đất mà lấp một lỗ kim.

    Thì những Ngung di, Muội cốc, Giao chỉ, U đô, có gì đáng nói. Nên biết rằng, chiếc

    áo nạp đó không phải lớn, không phải nhỏ, không phải vắn, không phải dài, không phải nặng không phải nhẹ, không phải mỏng, không phải dày, không phải Sắc không phải Không. Hết thảy thế gian chịu lạnh đến nứt da, rụng ngón mà áo nạp đó không lạnh; nóng đến độ đá tan, vàng chảy mà áo nạp đó không nóng;

    năm thứ dơ bẩn lai láng của thế gian không làm nó bợn; lửa kiếp tận hừng hực đốt rụi thế gian mà áo nạp đó không hoại. Sao lại có tâm tư duy sinh ra nghĩa tưởng hèn kém?

    “Nhân đó, người đất Thục là Tô Thức nghe vậy mới làm bài tán rằng: Xếp lại mà cất

    Thấy nạp không thấy sư

    Mặc mà không xếp Thấy sư không thấy nạp Chỉ sư với nạp

    Phi một phi hai Chột mắt mà nhìn Rận rệp rồng voi.

    …”

    Phật Ấn Liễu Nguyên, hiệu Giác Lão. Lúc Đông Pha bị biếm trích ở Hoàng châu, thì sư trụ ở chùa Qui tông, Lô sơn. Hoàng châu và Qui tông đối ngạn, nên ông và sư thường hay qua lại giao thiệp, trao đổi làm thơ, đi ngoạn cảnh.

    Sau sư dời sang ở chùa Kim sơn. Một hôm, ông đến thăm vào lúc sư đang giảng kinh cho tăng trong chùa. Họ đứng hai hàng để nghe. Ông đến, sư nói: “Nơi đây không có giường ghế. Cư sĩ đến, biết ngồi đâu bây giờ?” Ông bảo: “Vậy thì muợn đỡ tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi.” Nghĩa là, ông mượn cái thân tứ đại của Phật Ấn làm giường ngồi. Phật Ấn nói: “Sơn tăng này có một câu hỏi, nếu thí chủ đáp được, sẽ theo lời cho mượn thân tứ đại này làm giường ngồi. Nếu không, xin để lại sợi ngọc đái làm vật trấn sơn môn.” Ngọc đái là giải dây buộc ngang lưng của bậc thượng lưu thời đó, được đem ra đánh cuộc, để làm bửu vật trấn giữ cửa chùa. Ông liền cởi ngay giải dây đặt lên bàn. Sư hỏi: “Tứ đại giai không, ngũ uẩn phi hữu. Cư sĩ muốn ngồi vào đâu? ” Ông ngẫm nghĩ, chưa kịp trả lời, thì sư đã gọi gấp thị giả mang sợi đái đi cất, để làm vật trấn sơn môn. Ông làm ngay hai bài thơ tặng sư (trích một bài đọc chơi):

    Bịnh cốt nan kham ngọc đái vi Độn căn nhưng lạc tiễn phong ki Dục giao khất thực ca cơ viện Cố dữ sơn vân cựu nạp y.

    病骨難堪玉帶圍,鈍根仍落箭鋒機。欲教乞食歌姬院,故與雲山舊衲衣

    Xương gầy giải ngọc buộc sao vô? Hồ đồ thấp trí chịu thua cơ.

    Những mong kiếm chác trò con hát; Nay để làm duyên với cửa chùa.

    Chuyện đó trở thành cái giai thoại mà người ta truyền tụng là “Ngọc đái trấn sơn môn” rất thịnh hành.

    Năm ông 49 tuổi. Kể từ khi bị biếm trích ra Hoàng châu đến bây giờ, là đã hơn bốn năm. Tháng 4 năm đó, Giáp tý (1084), ông được lệnh phải dời sang ở Nhữ châu.

    Trên đường đi Nhữ châu, ông gặp Tử Do ở Quân châu. Lúc này, Tử Do ở Quân châu; sư Vân Am ở chùa Động sơn; Thông thiền sư, người đất Thục, ngụ tại chùa Thọ thánh. Tối đó, cả ba người cùng thấy một giấc mộng giống nhau. Họ thấy đi đón Ngũ Tổ Sư Giới hòa thượng. Sư Giới là một thiền sư đời thứ 9 của dòng thiền Huệ Năng. Cả ba cùng vỗ tay cười lớn: “Thế gian quả có chuyện đồng mộng, lạ thay!” Ít lâu, thư của ông đến báo tin là ông đã tới Phụng tân, sẽ gặp nhau trong

    sớm tối. Ba người cùng ra ngoài 20 dặm chùa Kiến sơ thì gặp ông. Mỗi người lần lượt kể giấc mộng của mình. Oâng mới nói: “Tôi hồi 7, 8 tuổi, có lần nằm mộng thấy mình làm tăng, qua lại bên Thiểm hữu.” Sư Vân Am cả kinh, nói: “Sư Giới là người ở Thiểm hữu. Tuổi về già, bỏ chùa Ngũ tổ đến dạo ở Cao an, sau mất tại chùa Đại ngu. Tính ngược lại, đã đúng 50 năm.” Bấy giờ ông 49 tuổi. Vậy, đại khái, đời trước ông là thiền sư Ngữ tổ Sư Giới. Nhưng nghe nói Sư Giới đã tỏ ngộ đạo thiền, đã đắc đạo, sao thác sinh ra ông lại phải trải qua một kiếp lao đao đày ải

    như thế?

    Ông bị đày xuống Quảng đông, rồi Hải nam, từ năm 59 tuổi , cho đến 66 tuổi thì được tha về.

    Trong thời gian này, ông quen thân với sư Trùng Biện. Ông viết dật sự của sư Trùng Biện, tức Nam Hoa trưởng lão.

    “Thiền sư Khế Tung thường sân; người ta chưa từng thấy sư cười. Sư Hải Nguyệt Biện thường vui, người ta chưa từng thấy sư giận. Tôi ở Tiền đường, chính mắt thấy hai vị đó đều ngồi kiết già mà hóa (chết). Khế Tung đã trà tì (thiêu xác), mà lửa không hủy hoại. Thêm củi cho lửa đỏ đến năm lần mới thôi. Hải Nguyệt đến khi táng mà gương mặt vẫn tươi như còn sống, lại còn cười nụ.

    “Thế mới biết, hai người lấy cái sân và cái hỉ mà làm Phật sự vậy.

    “Người đời coi thân hình như vàng ngọc, không để cho gót chân dính bụi. Bậc Chí nhân thì ngược lại. Tôi lấy đó mà biết rằng, hết thảy các Pháp đều do ái mà hoại;

    do xả mà thường. Há không phải vậy sao?

    ‘Tôi từ Hải nam trở về, thì Trùng Biện tịch đã lâu. Qua Nam hoa điếu. Hỏi chúng tăng ở đó về chỗ mộ tháp của Sư. Họ bảo: “Thầy tôi xưa đã có làm thọ tháp, về phía đông Nam hoa vài dặm. Có người không ưa thầy, nên táng ở mộ khác. Đã hơn bảy trăm ngày rồi. Nay Trưởng lão Minh Công ra sức một mình, dời về thọ tháp. Thay quan, đổi áo, thấy trọn cả thân thể vẫn như đang còn sống; áo vẫn tươi và thơm. Mọi người hỗ thẹn và kỉnh phục.”

    “Đông Pha cư sĩ nói: Trùng Biện coi thân là vật gì? Vứt nó vào rừng Thi đà để nuôi chim, nuôi quạ, đâu có sự để ở thọ tháp cho an ổn. Vì là, Minh công là người biết rõ Trùng Biện, nên đặc biệt muốn lấy sự họa phúc đồng dị mà thôi.

    “Tôi mới đem trà, quả đến cúng ở tháp sư, rồi viết lại sự việc đó để gởi cho thượng túc đệ tử của sư là sư Khả Hưng. Nam hoa tháp chủ.

    “Bấy giờ, niên hiệu Nguyên phù thứ 3 (1100), tháng 12, ngày 19.” Độ nửa tháng sau, ông viết bài “Nam hoa trưởng lão đề danh ký”

    “Học giả lấy sự thành Phật làm khó ư? Con nít vọc đất, vẽ cát mà giỡn thôi, cũng đủ thành Phật; lấy đó mà cho là dễ ư?

    “Những bậc đã được thọ ký, đã đắc đạo, như các vị Bồ tát và các Đại đệ tử (của Phật Thích Ca) mà còn không dám đi thăm bịnh (cư sĩ Duy-ma-cật); cái nghĩa đó là thế nào?

    “Lúc đang mê loạn điên đảo, trôi lăn trong biển khổ, mà vừa có một niệm Chân thành, thì vạn pháp đều có đủ cả. Còn như, cần khổ dụng công, như đắp núi đã cao đến chín bậc, sau chỉ vì một chút sai sẩy cỏn con mà một nghìn đời không

    phục lại nổi.

    “Hỡi ôi, Đạo vốn là như vậy đó!

    “Nhưng riêng gì Phật thôi ư? Thầy Tử Tư có nói: “Hạng phàm phu phụ không ra gì cũng có thể hành (đạo) được; còn như chỗ tột cùng, thì dù là Thánh nhân cũng có chỗ chưa đủ sức.” Mạnh Tử thì cho rằng Đạo của Thánh nhân bắt đầu ở chỗ không làm việc trèo tường khoét vách mà cái ác của việc trèo tường khoét vách đã hiện ở lời nói. Không nói người chưa có ý muốn làm việc trèo tường khoét vách, thì dù có việc trèo tường khoét vách cũng không muốn. Từ cái tâm mình không muốn làm mà đi cầu nó (đạo), thì việc trèo tường khoét vách đã đủ để làm Thánh nhân rồi.

    “Đáng nói mà không nói. Không đáng nói mà lại nói: những điều như vậy, dù là Hiền nhân, Quân tử cũng không thể tránh khỏi. Nhân từ cái lỗi không thể tránh mà tiến tới, dù là Hiền nhân Quân tử cũng có lúc phải đi ăn trộm.

    “Đó là hai Pháp ngược nhau, nhưng lạm dụng lẫn nhau. Nho và Thích cũng như nhau ở chỗ đó.

    “Nam Hoa trưởng lão Minh Công, trước kia theo cái học của Tử Tư, Mạnh tử. Sau bỏ nhà theo Phật. Người không biết, cho là trốn Nho theo Phật, chứ không biết Sư vẫn còn Nho.

    “Chùa Nam hoa này, từ Ngài Lục tổ Đại Giám (Huệ Năng) thị diệt, những người truyền Pháp đắc đạo đều phân tán tứ phương, cho nên Nam hoa lâu nay là chùa Luật (tông).

    “Đến đời Tống ta, trong niên hiệu Thiên hi thứ 3 (1019) mới bắt đầu có chiếu cử Tri Độ thiền sư Phổ Toại làm trụ trì. Cho đến sư Minh Công bây giờ, đã được 11 đời.

    “Minh Công nói với Đông Pha cư sĩ: “Tể quan hành pháp thế gian. Sa môn hành pháp xuất thế gian. Thế gian tức xuất thế gian, như nhau không khác. Nay các tể quan truyền nhau đều có đề danh ghi lên vách; chỉ riêng sa môn là không có. Vả lại, đạo tràng tôi ở đây, sửa sang chỗ Phật Tổ thì được, nhưng sự truyền không nghiêm. Nhờ thầy viết hộ tôi bài ký.

    “Cư sĩ thưa: Vâng.

    “Rồi luận Nho và Thích không gặp nhau nhưng đồng nhau, lấy đó làm bài ký này. “Năm đầu niên hiệu Kiến trung tĩnh quốc (1101), tháng giêng, ngày mồng 1.”

    12

    Trên đường về Kinh, Ông nằm mộng thấy làm một bài thơ gởi cho Chu Hành Trung. Hôm sau thức dậy, còn nhớ rõ cả. Và ông chép lại:

    Thuấn bất tác lục khí Thùy tri quí Dư Phiên Ai tai Sở cuồng sĩ

    Bảo Phác hào không sơn Tương Như khởi nghễ trụ Đầu bích tương dữ hoàn Hà như Trịnh Tử Sản Hữu lễ quốc tự nhàn

    Tuy vi Hàn Tuyên Tử Bỉ phu diệc hoài Hoàn.

    Chí kim bất tham bửu

    Lẫm nhiên siêu trần hoàn.

    舜 不作 六 器誰 知貴 璵 蹯哀 哉楚 狂 士抱 撲號 空 山相 如起 睨 柱頭 壁相 與 還何 如鄭 子 有 澧國 自 閑雖 微韓 宣 子鄙 夫亦 懷 還至 今不 貪 寶凜 然超 塵 寰

    Ít hôm sau, ngày 28 tháng 7, ông mất. Bài thơ làm trong mộng trên đây được người dời truyền tụng là tuyệt bút của ông.

    Nếu vua Thuấn không chế ra sáu thứ dụng cụ, ai biết ngọc Phiên, ngọc Dư của bậc quân vương là quí ?

    Cuồng sĩ nước Sở có viên ngọc phác, nhưng trong đời không ai cho đó là ngọc, mà coi nó là đá cuội, nên thương thay! ôm ngọc mà kêu gào với núi hoang.

    Khi người ta nhận được ngọc Bích là quí, thì Lạn Tương Như cầm nó trong tay, liếc nhìn cái trụ, quyết ý đầu và ngọc sẽ cùng nát cả, thế mà hăm dọa được vua Tần, mang được trọn vẹn cả đầu cổ và ngọc Bích trở về Triệu.

    Trịnh Tử Sản hộ tống Trịnh bá sang Tấn. Tấn hầu vì cớ có tang, không chịu tương kiến. Tử Sản cho phá sập nhà cửa, tường vách của Tấn, cho là chỗ chật hẹp, không phải lễ đãi khách đối với chư hầu như vậy. Làm dữ, thế mà quốc gia nhờ đó lại được yên ổn, vì là có lễ. Nhưng có cần làm vậy ư?

    Có gia bảo ngọc Hoàn như Hàn Tuyên Tử, dù đến khi nghèo kiệt, bọn đầy tớ trong nhà cũng có ngọc mà đeo.

    Cho đên bây giờ, ta vẫn chưa hề tham đến những món quí, món báu. Cho nên, hiên ngang lẫm liệt đứng cao vọi bên trên tất cả cõi đời.

    Đó là những lời tuyệt bút? Được truyền tụng là như thế. Và tuyệt bút của một người trong mộng. Trong cõi mộng, tâm sự của khách tài hoa nó kiêu hùng trong phong độ lẫm liệt hiên ngang. Tài hoa lãng mạn bát ngát như Lô sơn ẩn hiện giữa

    mây trắng và sương mù. Lẫm liệt siêu trần hoàn cũng y thể như ngọn Lô sơn sừng sững giữa một cõi trời cô tịch.

    Học thơ, và làm thơ, đạt đến cõi thượng thừa lẫm liệt của trời thơ, đến chỗ tài hoa tuyệt đỉnh của trời thơ; như viên ngọc quí giá vô tận. Đời không biết tới, người có nó cũng khổ lụy kêu gào với ngọn núi hoang vắng cô liêu. Mà đời biết đến nó, thì cũng khổ lụy kỳ cùng cho người có nó. Có, hay không có cái tài hoa tuyệt thế, cái lẫm liệt siêu trần, của một viên ngọc quí, vẫn là những cái làm khổ lụy cuộc đời. Khổ lụy, và triền miên khổ lụy, nó là thứ gì? Và tại sao lại có nó? chân diện mục của Lô sơn được gói trọn vào trong một câu hỏi này ư? Nếu thế thì, Lô sơn trùng trùng điệp điệp, không làm sao bước tới, cho thấy tường tận chân diện mục nó.

    Nhưng người dù đã bước tới, tận vào chỗ sơn cùng lộ tuyệt của nó, cũng không làm sao nói lại được một góc cạnh của cái thấy đó. Rồi từ đó, đột nhiên, trời Thơ

    trở nên là một, hay là những phương trời đọa đày viễn mộng. Đọa đày cho đến kỳ cùng, đọa đày cho thành kỳ diệu tuyệt mức.

    “Lao viễn mộng”, đọa đày viễn mộng, của nhà thơ đó, một chân diện mục của Lô sơn mà khách trần tục lụy, nghìn đời không sao hé thấy.

    Cõi thơ mở ra, và khép lại trong một cõi mộng không lời.

    Từ bến Tầm dương, hay bến Bành lãi nhìn lên, Lô sơn khói tỏa sương mù. Chân diện mục của Lô sơn?

    Chân diện mục của Lô sơn?


    NHỮNG PHƯƠNG TRỜI LỮ THỨ

    Thơ từ phế phủ ra Lại làm sầu phế phủ

    Nào chỉ có thế thôi ư? Thơ phát ra từ những khổ lụy và những nguyện ước khơi vơi của cuộc tồn sinh; từ độ đó, Thơ đi vào giữa những thảm họa hoành sinh của Lịch sử. Từ buổi bình mình, Thơ vang vọng những lời tình tự thiết tha, từ tiếng

    chim thư cưu nơi cồn cát, đến những đêm dài trăn trọc, trong nguyện ước lứa đôi. Cho tới lúc, Thơ là Ly tao, là nỗi buồn cô quạnh của một lão thần nơi đất Trích, bên dòng sông Mịch la. Lịch sử đã gây nên những trường khốc liệt, cuộn sòng Thơ trôi mãi, trôi không bao giờ thấy lại được nguồn suối ban sơ; đừng nói chi đến việc trở về. Thơ bị đẩy trôi theo tuế nguyệt. Mà Tuế nguyệt đã đi là đi mất. Thế là, từ những phương trời viễn mộng ban sơ, Thơ dấn bước đi vào Cuộc Lữ, kỳ cùng trong những phương trời của Cuộc Lữ. Nhưng Cuộc Lữ không bao giờ cùng tận.

    Vì tượng của cuộc Lữ là những ngọn lửa bốc cháy trên đỉnh núi, cháy liên miên

    không hề gián đoạn. Núi vẫn đứng trơ ra đó, mà lửa thì cứ mãi bốc thẳng và mất hút trong bầu trời cô tịch. Tại sao lại phải từ cái có, muôn đời có đó, để đi vào cái không? Kiệt tận bình sinh, hay sống trọn đời với tuổi đời, hay sống cho tận cùng cuộc sống, thì tất cả đời sống đó đã không ngừng mang trọn tài hoa phong nhụy đổ vào khơi vơi, vào cõi miền hư tịch, không hư, không hình tích, không bóng dáng và không lời. Cuộc Lữ nếu được đi trong mực Trung Dung, thì cũng đi như

    mũi tên bắn thẳng tới phía trước, dù có bắn được một con chim Trĩ, chim của biểu tưởng văn minh, của lịch sử hiền hòa; nhưng mũi tên bắn đi không còn cách nào quay đầu trở lại. Nếu Cuộc Lữ được dẫn tới chỗ kỳ cùng của Cuộc Lữ, đấy là lúc con chim trên rừng đã đốt tổ bay đi. Có muốn về, cũng không còn tổ ấm bao dung của Quê Hương nguyên thủy nữa.

    Thơ phát ra từ cuộc Lữ đọa đày, rồi trở lại đọa đày cuộc Lữ. Cuộc Lữ là trường thể nghiệm Lịch sử tồn sinh thảm họa của Thơ. Và Thơ mở rộng những phương trời

    Lữ Thứ. Quê Hương nguyên thủy chỉ là những âm vang của Lịch sử, vang dội ngân dài trong những phương trời viễn mộng. Cho nên, Đất của Thơ đất Trích, là những vùng đày ải; Đường của Thơ là Quán Trọ, là những bước đường ngược gió. Mặn nồng nơi Đất Trích, lân la nơi Quán Trọ, cuộc thể nghiệm dây dưa hằng triệu vấn vương, và cũng là cuộc thể nghiệm cho khước từ tuyệt đối. Cho nên lời Thơ càng lúc càng trầm trọng, như viên sỏi rơi vào lòng biển bao giờ cho tới đáy thì thôi. Biết bao giờ cho tới đáy, để lấy đó làm Quê Hương hằng cửu? Bởi cách điệu

    trầm trọng như thế, nên Thơ là phong vận tài hoa, đẹp như những cụm mây trời trong nắng sớm.

    Từ đây trở xuống, Thơ của ông sẽ được công bố cho thành một Cuộc Đi, đi trong những đoạn đường Lữ Thứ, đi trong những phương trời Lữ Thứ. Bố trí cho Thơ lịch nghiệm trong cuộc Riêng, để thể nghiệm trong cuộc Chung của Lịch sử. Trong cuộc Riêng, Tình Thơ sẽ cũng chỉ là Tình Riêng. Một vài lời phụ chú, một ít chuyện bàn bạc của người soạn sách, từ cuộc Riêng đó, nỗ lực giới hạn, trên những trang lịch sử của phong trần cổ lục, để xem có thể dẫn tới được một cuộc Chung đồng vọng nào đó chăng?

    I.

    TRỜI QUÊ HƯƠNG KHÓI MÙ BAY VIỄN MỘNG

    (1061 -1071)


    LỜI DẪN

    1061-1071, trong khoảng 10 năm này, ông làm quan tại các chỗ: Kiểm phán tại Phượng tường, rồi Giám quan cáo viện tại Sử quán ở Kinh đô, và sau đó xin ngoại nhiệm, được đổi ra Hàng châu vào năm 1071. Những chi tiết về sự vụ làm quan của ông, ở đây chỉ lược đại khái.

    Bắt đầu với bài thơ Hoài Cựu. Rồi chúng ta sẽ thấy, Đất Khách luôn luôn phảng phất bóng dáng Quê Hương; trời của quê hương là vang vọng của lịch sử. Sầu cố quận hay tình tha phương là những tiếng ngân dài của lịch sử. Đó là đoạn đầu của một cuộc lịch nghiệm. Thơ được trích do bố trí dự định sẵn, thì những cách điệu

    khác nhau của chúng chỉ là những sai dị trong bước đi mà thôi. Cái Tình ẩn và cái Tình hiện trong mỗi bài thơ chỉ cùng chung một nỗi. Nỗi đó, tạm thời gói lại trong Trời quê hương khói mù bay viễn mộng ở đây. Gọi là trời quê hương, là muốn nói tới hoài vọng của người khách vừa bước ra đi, từ giã quê hương, cho đoạn đầu của Lữ Thứ. Quê hương qua lớp khói mù, là muốn nói tới hoài vọng trẻ trung, vì quê hương là nơi ngụ ẩn tình của lịch sử. Bay viễn mộng, là đoạn đường Lữ Thứ đã mở ra rồi, nên cuộc lịch nghiệm thoáng hệin những nét đăm chiêu. Cũng có thể lưu ý rằng, những chữ này chỉ dùng theo nghĩa Riêng của đoạn này, để tương xứng với một cuộc Tình Riêng của Thơ

    I.

    Đồi mai ngơ ngác nụ cười

    Cánh hồng là mộng của đời lưu ly Tồn sinh thấp thoáng nẻo về

    Dấu trơ bãi tuyết ngoài tê cánh đồng Sư già tháp mới hồn không

    Tường rêu đổ xuống đâu đồng vọng Thơ Gập ghềnh năm tháng hay chưa

    Đường dài người mỏi gót lừa kêu đau

    Năm canh tý (1060), Ông làm chủ bạc tại huyện Phước xương, tỉnh Hà nam. Năm trước, sau khi mãn tang mẹ, Ông và Tử Do theo cha, Lão Tô, dong thuyền Nam du. Thơ văn của hai anh em được gói thành “Nam hành tập”. Đó là những bài thơ của tuổi trẻ; người ta nói như vậy. Hồn thơ bộc phát tự nhiên, như cánh chim hồng đang ước hẹn với trời cao. Trong con mắt của người đời, cái cảnh giang sơn thanh kỳ tú lệ đã tô điểm cho phong cách tự phụ của thời niên thiếu:

    Giang sơn dưỡng hào tuấn Lễ số khốn anh hùng

    Chấp bản nghinh quan trưởng Xu trần bái hạ phong

    Cốt cách đó chưa hiện rõ những nét cuồng ngạo. Sóng Trường giang vẫn ào ạt mùa nước lũ trong từng năm một; nhưng lịch sử vẫn mãi triền miên bất động trải dài thành hai bờ bến. Hồn thơ sẽ đến để mở cánh cửa trời, và rồi sẽ khép lại thành một cõi của từ sinh trường mộng. Lúc nào mở, và lúc nào đóng? Con chim trên rừng đốt tổ bay đi, cuộc Lữ không tính được khoảng đầu và khoảng cuối.

    Trên con đường của những ngày tháng đầu tiên từ giã quê hương, thơ Ông đồng vọng tiếng hát này:

    Đài thượng hữu khách ngâm thu phong Bi thanh tiêu tán phiêu nhập cung

    Đài biên du nữ lai thiết thính Dục học thanh đồng ý bất đồng Quân bi cánh hà sự?

    . . . . .

    Trên gò cao, khách đứng hát với ngọn gió mùa thu. Âm hưởng trầm buồn hững hờ bay vào khung cửa kín. Bên gò có nàng du nữ đến nghe lén. Muốn học tiếng hát đó, nhưng chỉ có thể cùng âm vang mà không thể cùng đồng vọng. Thế thì, ngài buồn chuyện gì nhỉ?

    Gió thu rồi cũng sẽ tới lúc thổi lên tóc trắng. Và cánh chim hồng rồi cũng sẽ để lại dấu vết trên bãi tuyết trắng… Ngẫu nhiên:

    HOÀI CỪU

    Nhân sinh đáo xứ tri hà tợ Ưng tợ phi hồng đạp tuyết nê

    Nê thượng ngẫu nhiên lưu chỉ trảo Hồng phi na phục kế đông tây

    Lão tăng dĩ tử thành thân tháp Hoại bích vô do kiến cựu đề Vãng nhật kỳ khu hoàn ký phủ Lộ trường nhân khốn kiển lô tê

    懷舊

    人生到處知何似應似飛 鴻踏雪泥泥上偶然留指爪鴻飛那計東西

    老僧已死成新塔壞壁無由見舊題往日崎嶇還記否路長人困蹇驢嘶

    Bài thơ của Ông được trích ở đây, nó là một tình tự trẻ trung; cái tình hoài cựu chưa đượm mùi sương gió. Mãi về sau, thơ và từ của Ông vẫn còn âm hưởng đồng vọng của một cánh chim hồng, lẻ loi và cao vút. Dù là tung cánh trong bình minh hay giữa nắng quái, nguồn thơ đó càng lúc càng ngời sáng phong vận cuồng ngạo

    và phóng dật. Bắt được tiết điệu của bài thơ, và thấy ra phong vận của nó, thì cái dòng thơ triền miên bất tuyệt của Ông cũng được thấy ra từ đó.

    Cuộc nhân sinh, rồi đây biết nó sẽ như thế nào? Có lẽ, nên coi như một cánh chim hồng dẫm chân lên bãi tuyết. Ngẫu nhiên mà trên bãi tuyết đó còn in nguyên vẹn những vết chân của cánh hồng. Cánh hồng sẽ bay bổng mù khơi, còn kể gì đến những dấu chân kia.

    Sư già vừa chết, ngôi tháp mới cũng vừa được dựng lên. Tường rêu đã đổ xuống, không tìm đâu ra những bài thơ đề trên đó nữa. Một ngày qua, đường đời gập ghềnh, có biết chưa? Đường thì dài, người thì mỏi, con lừa khấp khiểng kêu đau.

    2.

    THẠCH TỊ THÀNH

    Bình thời chiến quốc kim hà tại

    Mạch thượng chinh nhân tự bất nhàn Bắc khách sơ lai thí tân hiểm

    Thục nhân tùng thử tống tàn sơn Độc xuyên ám nguyệt mông lung lý Sầu độ bôn hà thương mang gian

    Tiệm nhập tây nam phong cảnh biến Đạo biên tu trúc thuỷ sàn sàn

    石鼻城

    时战国今无在,陌上征夫自不闲。北客初来试新险,蜀人从此送残山。独 穿暗月朦胧里,愁渡奔河苍茫间。渐入西南风景变,边修竹水潺

    Thạch tị thành, không rõ địa danh này. Hoặc giả là núi Thạch thành; phía đông nam, huyện Tín dương, tỉnh Hà nam có một ngọn; phía tây huyện Nghi tân, tỉnh Tứ Xuyên, thấy một ngọn; đông bắc huyện Thiệu hưng, tỉnh Triết giang, một ngọn. Trong thơ có nói Thục nhân, tức người đất Thục, tỉnh Tứ xuyên ngày nay. Quê Ông, huyện My Sơn, cũng ở trong vùng này. Thơ cũng nói Bắc khách, người khách từ phương bắc đến; tất nhiên chỉ cho Ông. Có lẽ bấy giờ Ông từ Kinh đô về tại vùng này.

    Năm tân sửu (1061), từ Hà nam, Ông được triệu về Kinh, rồi được bổ làm Kiểm phán phủ Phượng tường, trong hạt Tứ xuyên. Đến năm bính ngọ (1066), 5 năm sau

    đó, Lão Tô mất. Ông về quê chôn cha. Vậy, bài thơ được làm trong khoảng thời gian này, từ 26 đến 31 tuổi.

    Bấy giờ Ông còn trẻ, lời thơ sảng hoạt mà thanh thiết. Đó cũng là bản sắc độc đáo trong tiết điệu thơ của Ông. Hai câu 3-4, ngụ những ẩn tình nồng hậu, thắm thiết.

    Thi tân hiểm, thưởng thức cảnh lạ giữa những ngọn đá cheo leo; ứng với 4 chữ

    “Bắc khách sơ lai” ở trước, và đối với 3 chữ “tống tàn sơn” ở câu dưới. Ứng và đối trong một bút pháp tuyệt vời, nói được cái tình tự đậm đà của khách phương xa đến và đi, cùng tấm lòng đón và đưa của những gì ở đó.

    Tống tàn sơn, đưa tiễn ngọn núi tàn, ngọn núi trơ vơ. Thơ Đỗ Phủ có những câu: Thặng thủy thương giang phá

    Tân sơn kiệt thạch khai

    Nước lũ sông đầy vỡ Non trơ đá chởm lên

    Thặng thủy tàn sơn tả cảnh núi non không tề chỉnh; núi thì thấp xuống, nước thì tràn ra, chẳng hạn

    *

    * *

    Dấu vết của một thời chiến quốc không thấy đâu đây nữa; nhưng người rong ruổi trên con đường qua đó vẫn còn phải bươn bả.

    Khách phương bắc mới tới, đã tìm đến thưởng thức các lạ giữa những ngọn đá

    cheo leo;

    Và từ đó, người đất Thục ở đó sẽ hằng ngày đưa tiễn những ngọn núi trơ vơ kia.

    Khi thì một mình len lỏi qua con trăng mờ trong cảnh mông lung. Khi thì ngậm ngùi vượt qua dòng sông chảy xiết giữa nước xanh mênh mang.

    Càng về phía tây nam, phong cảnh càng thay đổi dần.

    Ở đó, hai bên đường có những hàng tre thẳng tắp và những con nước dật dờ.

    3.

    Đá mòn phơi nẻo tà dương

    Nằm nghe nước lũ khóc chừng Cuộc Chơi Nghìn năm vang một nỗi đời

    Gió đưa cuộc Lữ lên lời Viễn phương Đan sa rã mộng Phi thường

    Đào tiên trụi lá bên đường Từ Sinh

    Đồng hoang Mục tử Chung tình

    Đăm chiêu dư ảnh nóc đình Hạc khô

    Tâm tình Hoài vọng của Lữ khách y nhiên là tâm nguyện chí thành được khơi dậy từ những bước đường ngược gió. Con đường của Lịch sử, của dòng sông trôi xuôi, và trôi ào ạt như nước lũ, cuốn trôi tất cả những giấc mộng bình sinh. Đó là lịch sử của tử sinh trường mộng. Trong cõi mộng đó, trên bước đường ngược gió của Lữ khách đó, nắng hiu hắt trổi màu trầm tư tịch mặc giữa những tàn lụi, hoang phế, và băng hoại; là sự chung cục của tất cả trong sự hủy diệt nồng nàn. Hơi thở mòn mỏi tiêu pha; Người đã lãng phí trọn vẹn tinh thể của Người, để cho Thiên nhiên bày tỏ ân tình trơ trọi, như viên sỏi bên đường lây lất với nắng và với gió. Nắng lên cùng với dấu hiệu của hao mòn và sụp đổ. Gió lên cùng với những ước nguyện thiên thu phảng phất ra ngoài khung trời Hoằng viễn và Tịch nhiên. Mộng Phi thuờng được ký thác trong đan sa, trong dấu hiệu của trường sinh bất tử; nhưng đường Sinh tử đi trong cõi Hoằng viễn Tịch nhiên, ấy thế mà không bao giờ dừng bước cho Lữ khách một lần ngụ cư ở đó. Sống và chết vẫn như một nỗi đời hư huyễn, vẫn rầm rộ như một cuộc chơi. Giữa khoảng đồng rộng, đồng trống, đồng không mông quạnh, Mục tử đăm chiêu tư lự những chuyện đường đời và Lịch sử qua bóng dáng con Hạc gầy; rồi tự hỏi: đâu là cõi Mộng Thiên Thu?

    *

    * *

    Năm đó, tân sửu (1061), ông 26 tuổi, làm kiểm phán tại phủ Phượng tường. Trong bài ký viết cho “Phượng tường bát quan thi”, những bài thơ về tám chỗ Ông đến

    thăm viếng tại phủ Phượng tường, Ông, viết: “Phượng tường nằm nơi chỗ giao tiếp của đất Tần và Yhục; các bậc sĩ đại phu, sớm chiều thường qua lại đó”. Và đoạn trước của bài ký, Ông viết: “Đấy là buồn cho đời, cảm khái cho tục, và tự thương mình đã không thấy được người xưa mà lại muốn một lần xem thấy những di tích của họ.” Cái ý đó, được thấy hiện rõ nơi bài thơ dưới đây:

    LÂU QUÁN

    Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương Duyệt thế như lưu sự khả thương Trường hữu u nhân bi Tấn Huệ[1] Cưỡng tu di miếu học Tần Hoàng[2] Đan sa [3]cửu diếu tỉnh thủy xích Bạch truật thùy triêu trù táo hương Văn đạo thần tiên diệc tương quá Chỉ nghi điền tẩu thị Canh Tang[4]

    摟 觀

    門 前古 碣 臥 斜 陽

    閲 世如流事可傷長有幽人悲晉惠 強修遺廟學秦皇丹砂久窖井水赤白朮誰 燒 廚 灶香聞道神仙亦相過只疑田叟是庚 桑

    Lâu quán, gác của đạo sĩ, tại phủ Phượng tường. Ông tự viết lời dẫn: “Tần Thủy Hàng lập miếu Lão tử phía nam của quán. Tấn Huệ đế mới sửa lại quán này”

    Ngọa tà dương; “Môn tiền cổ kiệt ngọa tà dương”, trước cửa quán, hòn đá chởm nằm trơ trong nắng chiều. Có thể cùng bắt gặp một cảm hứng như vậy trong một bài từ của Ông, làm theo điệu từ “Hoán khê sa” (Toàn mạt hồng trang khán sứ quân), câu kết như vầy:

    Đạo phùng túy tẩu ngọa tà dương

    Giữa đường, người ta gặp ông cụ say năm trơ giữa nắng chiều. Có lẽ đó là cảnh khi ông bị đày ra ở Hải Nam. Lúc đó đã già lắm rồi. Một già, một trẻ, cùng một quãng đời chìm nổi, cách xa nhau, mà vẫn cùng một tiết điệu, một cảm hứng, một phong vận tài hoa kỳ lạ, giữa những mòn mỏi tiêu dao của tuế nguyệt:

    Đá mòn phơi nẻo tà dương.

    Nằm nghe nước lũ khóc chừng cuộc chơi

    Trước cửa quán, hòn đá chởm nằm trơ trong nắng chiều.

    Ngắm sự đời, như nước chảy, trôi đi và đi mất, thấy mà đau.

    Cho đến nay vẫn còn có người không thiết sự đời — tức Ông — ngậm ngùi cho Tấn Huệ đế — mộng trường sinh hóa thành bất đắc kỳ tử. Cũng có người vẫn còn bắt chước Tần Thủy Hoàng, gượng sửa lại cái miếu hoang.

    Đan sa ngày đó luyện thuật trường sinh, nay không dùng nữa, chìm dưới giếng, làm đỏ cả nước giếng.

    Bạch truật ngày đó, nay thấy có người lấy làm nhang đốt trong bếp.

    Nghe đâu thần tiên cũng thường có giao thiệp với người đời. Vậy có lẽ cụ già cày ruộng kia chắc là lão tiên Canh Tang Sở.

    4.

    VI TUYẾT HOÀI TỬ DO

    (I)

    Kỳ dương [5]cửu nguyệt thiên vi tuyết Dĩ tác tiêu điều tuế mộ tâm

    Đoản nhật tống hàn châm xử cấp Lãnh quan vô sự ốc lô thâm[6] Sầu trường biệt hậu năng tiêu tửu Bạch phát thu lai dĩ thượng trâm

    Cận mãi điêu cừu[7] kham xuất tái Hốt tứ thặng truyền vấn tây sâm

    (2)

    Giang thượng đồng [8]chu thi mãn hiệp Trịnh tây phân mã [9]thế thùy ưng

    Vị thành báo quốc tàm thơ kiếm Khởi bất hoài qui úy hữu bằng Quan xá độ thu kinh tuế vãn

    Tự lậu kiến tuyết dữ thùy đăng Diêu tri độc Dịch đông song[10] hạ Xa mã xao môn định bất ưng

    微雪怀子

    (1)

    岐阳九月天微雪,

    已作萧条岁暮心。短日送寒砧杵急,

    冷官无事屋庐深。肠别后能消酒

    发秋来已上簪。买貂裘堪出塞

    忽思乘传问西琛

    (2)

    江上同舟诗满箧

    郑西分马涕垂膺。

    未成报国惭书剑

    岂不怀归畏友朋。

    官舍度秋惊岁晚

    寺楼见雪与谁登。

    遥知读《易》东窗下

    车马敲门定不应

    Bây giờ là năm nhâm dần (1060), Ông 27 tuổi, làm một chức quan nhỏ tại phủ Phượng Tường. Chức quan Ông nhỏ, mà tài Ông cao, chí Ông lớn. Cho nên, người đời nói, trong hai bài thơ này, tình tự Ông ẩn hiện những uẩn khúc, cũng khá kỳ lạ. Đó là tâm sự của tuổi già với cái tuổi 27, thấy trong bài 1, các câu: từ 2-5; nhưng vẫn là phong vận trẻ trung, thấy được nơi bài 1 trong câu 6. Bài 2 mới thật sự tỏ rõ cái cao ngao và thị tài của tuổi trẻ.

    Tháng 11 năm trước, Ông chia tay Tử Do ở Trịnh Châu (thuộc tỉnh Hà Nam) để đi Phượng Tường; lúc chia tai ngoài cửa Tây, ngồi trên ngựa, Ông làm thơ gởi lại Tử Do, với 4 câu cuối:

    Hàn đặng tương đối ký trù tích Dạ vũ hà thời thinh tiêu sắt Quân tri thử ý bất khả vong Thận vật khổ ái cao quan chức.

    Đại khái, hai anh em cùng đang ngồi dưới ngọn đèn mờ nhạt mà tính nhẩm, biết bao giờ cùng ngồi nghe mưa đêm tiêu sắt? và Ông dặn em đừng bao giờ quen ý đó, nên đừng bươn bả đuổi theo chức quan cao.

    Tháng 9, tại huyện Kỳ Dương, trời đổ tuyết nhẹ;

    Cũng đủ làm cho tâm tình trong cảnh năm già trở nên vẻ xơ xác. Ngày vắng, tiếng chày xua đuổi cái lạnh nghe như vội vã.

    Viên quan nhỏ, không việc gì, ngồi trong nhà tranh hun hút Gan ruột sầu héo có thể làm tiêu tan được rượu,

    Tóc trắng, mùa thu tới, đã thấy như cài trâm.

    Vừa mới bán chiếc áo lạnh lông điêu, nên không dám đi chơi xa. Bỗng nghĩ đến việc ruỗi xe đi tìm cái lạnh.

    Năm xưa, hai anh em cùng dong thuyền, xách theo những túi thơ đầy

    Năm ngoái, chia tay nhau rẽ ngựa ngoài cửa tây Trịnh Châu, nước mắt ướt đẫm ngực.

    Chưa làm nên sự nghiệp với đời nên thẹn cùng sách và kiếm. Há không mong trở về; nhưng về lúc này hẳn là ngại với bạn bè. Nhà quan qua mùa thu, kinh sợ cho năm đã quá xế

    Trên nóc chùa đã đầy tuyết, nhưng không biết rủ ai cùng lên đó. Tưởng chừng em hẳn ngồi đọc kinh Dịch bên cửa sổ mái tây.

    Lúc đó, dù xe ngựa có đến gõ cửa, hẳn là không đáp lại.

    5.

    Cuối năm Nhâm Dần, bấy giờ Ông đang công tác tại Kỳ Dương; lúc mọi người đang sửa soạn ngày tết, nhớ nhà, Ông làm ba bài thơ gửi Tử Do: Quĩ tuế, Biệt tuế và Thủ tuế. Đây trích một bài. Phong tuc ở đất Tây Thục, quê của ông, cuối năm người ta tặng đồ ăn cho nhau gọi là “quĩ tuế”; mang rượu và thức ăn tặng nhau thì gọi là “biệt tuế”; kể từ đêm trừ tịch cho đến rạng ngày nguyên đán mà không ngủ, gọi là “thủ tuế”, thức đêm để canh chừng một năm cũ rắp qua và một năm mới sắp đến.

    Thủ pháp già dặn và lời thơ điềm đạm, tạo cho thành một khí vị rất cổ kính. Cái đó không những phản ảnh một nỗi nhớ, hoài vọng quê hương, mà còn phản ảnh

    cái ray rứt kỳ lạ của ngày tháng trôi đi biền biệt. Cảnh đưa đón cuối năm, coi cũng có vẻ tấp nập, nhưng không che dấu nổi cái lạnh nhạt: nhà quan thì vắng bóng những người bạn cũ, mà làng xóm thì nhộn nhịp chờ đón những ngày mới sẽ đến. Tình dù có, cũng bằng không. mấy câu thơ cuối trong bài “Quĩ tuế”

    Quan cư cố nhân thiểu Lý hạng giai tiết quá

    Diệc dục cử hương phong Độc xướng vô nhân họa

    Nhà quan người thưa bóng Thôn ấp rộn ngày vui

    Quê cũ tình dẫu đượm Tình riêng nói với ai

    Năm cũ sắp qua đi qua, như một con rắn đang chui vào lỗ, làm sao bắt nó lại? Nắm lấy đuôi, cũng bằng vô dụng. ngày tháng trôi đi như con rắn trườn đi; cái hoài vọng ở đó quả khắc nghiệt và độc hại.

    BIỆT TUẾ

    Cố nhân thích thiên lý Lâm biệt phượng trì trì

    Nhân hành do khả phục Tuế hành na khả truy Văn tuế an sở chi

    Viễn tại thiên nhất nha Dĩ trục đông lưu thủy Phó hải qui vô thì Đông lân tửu sơ thục Tây xá trệ diệc phì Thả vị nhất nhật hoan

    Ủy thử cùng niên bi Vật sai cựu tuế biệt Hành dữ tân niên từ Khứ khứ vật hồi cố Hoàn quân lão dữ suy

    别岁

    故人适千里,

    临别尚迟迟。

    人行犹可复,

    岁行那可追。问岁安所之

    远在天一涯。

    已逐东流水

    赴海归无时。东邻酒初熟

    西舍彘亦肥。且为一日欢

    慰此穷年悲。勿嗟旧岁别

    行与新岁辞。去去勿回

    还君老与衰

    Cố nhân lên đường đi xa

    Lúc chia tay vẫn còn bịn rịn

    Người đi còn mong có ngày trở lại;

    Năm tháng ra đi, làm sao đuổi theo kịp?

    Hỏi thử, “năm” đi đâu?

    Đi xa đến một ven trời nào?

    Hay đã theo dòng nước chảy xuôi về đông, Đổ vào biển và không bao giờ trở lại?

    Xóm đông, rượu vừa chín;

    Nhà mé tây, lợn nái cũng vừa mập thêm ra Hãy cứ vui cho hết trọn một ngày

    Để bù lại trọn một năm đầy sầu héo.

    Đừng quên giã từ một năm cũ,

    Và hãy để cho năm cũ giã từ năm mới. Bảo nó hãy đi đi,

    Đừng có quay đầu lại.

    Gởi trả lại nó tuổi già và sức yếu kém.

    6.

    LÂU QUÁN[11]

    Điểu thảo viên hô trú bế môn

    Tịch liêu thùy thức Cổ hoàng tôn[12] Thanh ngưu[13] cửu dĩ từ viên ách Bạch hạc lai thời phỏng tử tôn

    Sơn cận sóc phong xuy tích tuyết Thiên hàn lạc nhật đạm cô thôn

    Đạo nhân ưng quái du nhân chúng Cấp tận giai tiền tỉnh thủy hồn

    摟 觀

    鳥 噪猿 呼 晝 閉 門 ,寂 寥誰 識 古 皇 尊 。青 牛久 已 辭 轅 軛 ,白 鶴時 來 訪 子 孫 。山 近朔 風 吹 積 雪 ,天 寒落 日 淡 孤 村 。道 人應 怪 遊 人 眾 ,汲 盡階 前 井 水 渾 。

    Ông tự dẫn: “Từ Thanh Bình trấn, chơi tại các nơi: Lâu quán, Ngũ quận, Đại tần, Diên sinh, Tiên du. Vừa đi vừa về hết 4 ngày, làm được 11 bài thơ gửi xá đệ Tử Do”

    Khí vị của thơ là hoài cổ, phảng phất âm hưởng thời Đường; đặc biệt là nơi hai câu

    5-6.

    Chim gào vượn hú; ban ngày vẫn đóng cửa.

    Đìu hiu vắng vẻ, ai biết ngài Cổ hoàng tôn đi đâu?

    Con trâu xanh của ngài, từ lâu đã cởi bỏ cái ách, cái gọng; Và bây giờ, con hạc trắng bay đến hỏi thăm con cháu.

    Núi gần đó, gió bấc thổi tung những đống tuyết. Trời lạnh, mặt trời ngã bóng nhạt trên xóm vắng. Có lẽ đạo nhân lấy làm lạ, sao du khách đông thế! Họ uống sạch hết cả một giếng nước phía trước sân.

    7.

    THỌ KINH ĐÀI[14]

    Kiếm vũ hữu thần thông thảo thánh[15] Hải sơn vô sự tác cầm công

    Thử đài nhất lãm Tần xuyên[16] tiểu Bất đãi truyền kinh ý dĩ không

    授 經臺

    剑舞有神通草聖,海山無事化琴工 此台一览秦川小不待傳經 意已空

    Những ngọn cỏ với dáng dấp cao kỳ như Thánh, khi đong đưa, trông như những ngọn thần kiếm đang vũ lộng.

    Núi và sông, nhàn rỗi vô sự, tự nhiên trở thành những tay thợ đàn.

    Chỉ một lần nhìn thấy đài này rồi, cả một dãy Tần xuyên thành ra nhỏ bé. Không phải đợi nghe được lời kinh, mà ý đã là không.

    8.

    THIỀN THƯỢNG TIỂU THI

    Oa minh thanh thảo bạc Thiền tháo thùy dương phố Ngô hành diệc ngẫu nhiên Cập thử tân quá vũ

    船 上小 詩

    蛙 鳴青 草 泊 ,蟬 噪垂 楊 浦 。吾 行亦 偶 然 ,及 此新 過 雨 。

    Ếch kêu bên thanh thảo Ve khóc bãi thùy dương Ta đi cùng ngẫu nhĩ Đến đó mưa qua đường.

    1. TẤN HUỆ Tấn Huệ đế, làm vua từ 290 -300, bị đầu độc mà chết. Sửa miếu lão Tử, là cốt ý muốn tìm học phép trường sinh. Rồi trường sinh và bất đắc kỳ tử: nghìn năm vẫn một nỗi đời

    2. TẦN HOÀNG Tần Thủy Hoàng, mộ phép trường sinh của Đạo gia. Nghe đồi ngoài

    khơi Đông hải có đảo Bồnt Lai của tiên, có thuốc trường sinh; cho đóng thuyền và sai

    bọn An Kỳ Sinh đi kiếm. Nhưng họ đi không về. Và cơ nghiệp đế vương của Tần Thủy

    hoàng cũng không lâu.

    1. ĐAN SA, BẠCH TRUẬT, các loại dược thảo làm thuốc luyện thuật trường sinh của đạo sĩ.

    2. CANH TANG. Canh Tang Sở, được nói đến trong thiên “Canh Tang Sở”. Nam hoa kinh

    của Trang Tử; ông là đệ tử đắc đạo của Lão Tử

    1. KỲ DƯƠNG, tên huyện ở phía đông huyện Phượng Tường. Ngày 20 tháng 9 năm

    Nhâm Dần, trời đổ tuyết nhẹ. Ông nhớ Tử Do, làm thơ

    1. ỐC LÔ THÂM, nhà tranh hun hút. Kỷ Hiểu Lam phê: ba chữ đó (tuyền thần). Ở đây bóng dáng Ông ẩn hiện trong cái không khí u trầm, phảng phất tâm trạng mùa thu tóc trắng. trời lạnh, tiếng chày nghe như rộn rã, gấp rút, xua đuổi cái lạnh đi xa.

    2. ĐIÊU CỪU, Áo lạnh làm bằng lông con điêu. Tử điểu Thiều Chữu: Điêu là một loài chuột to như con rái cá, đuôi to lông rậm dài hơn một tấc, sắc vàng và đen, sinh ở xứ rét, da nó làm áo mặc rất ấm, nên rất quí báu.

    3. GIANG THƯỢNG ĐỒNG CHÂU… Nhắc lại những ngày hai anh em cùng dong thuyền

    du lãm và làm thơ.

    1. TRỊNH TÂY PHÂN MÃ: Năm trước, hai anh em rẽ ngựa chia tay ngoài cửa tây thành

    Trịnh Châu.

    1. ĐÔNG SONG ĐỘC DỊCH: ngồi đọc kinh Dịch ở cánh cửa sổ dưới mái đông. Chỗ đó tỏ ý chờ đợi, và đọc Dịch tỏ chí lớn. Ở đây chỉ việc đang hoài bão chí lớn (Quản Ninh và Hoa Hâm cùng ngồi đọc sách. Xe ngựa đi ngang trước cửa, Hoa Hâm bỏ sách chạy ra xem. Từ đó Quản Ninh xẻ chiếu, dứt tình bạn vĩnh viễn)

    2. Lâu quán, xem chú dẫn ở trên

    3. Cổ hoàng tôn, chỉ Lão Tử (của Đạo gia). Ba chữ này làm cho cả bài thơ có tiết điệu

    và phong vận tiêu sái riêng của Ông.

    1. Thanh ngưu , con trâu xanh. Tương truyền Lão Tử cưỡi con trâu xanh ra quan

    ngoại, sau khi viết để lại bộ “Đạo đức kinh” rồi đi mất.

    1. THỌ KINH ĐÀI, đài trao kinh. Ông tự chú: “Đó là một ngọn núi trong dãy Nam sơn chứ không phải là một cái đài được dựng lên”

    2. Thảo thánh, Thánh cỏ hay cỏ thánh; mô tả những ngọn cỏ đong đưa theo gió một

    cách tuyệt diệu. Nhưng cũng chính từ cái Thảo thánh này làm cho bài thơ trầm trọng ra.

    1. Tần xuyên , một dãy đất Thiểm tây.


    II.

    Trời thu cao cây lá ngủ mơ hồ (1072-1079)

    LỜI DẪN

    Trời mùa Thu, là trời cho nỗi sầu Riêng Biệt của Thơ. Trời Thu thuờng quạnh ráo, nen cao vọi không cùng. Càng cao, càng trong, càng tĩnh lặng trong điệu buồn thiên cổ. Cũng ở chỗ đó mà trời Thu đẹp với cốt các diễm lệ kiêu kỳ. Diễm lệ kiêu kỳ như Nàng Tây Tử.

    Tuy nhiên, trời Thu cũng thường có mưa gió, cũng có mùa nước lũ. Vậy thì, buồn tĩnh lặng của vòm trời nhưng cũng là nỗi buồn xôn xao của mặt đất. Tây Hồ và

    Tây Tử, hoặc xôn xao với mưa gió và xiêm y; hay tư lự khi quạnh ráo hay lột hết trang phục , nét thanh tân tú lệ vẫn là cốt cách tài hoa:

    Dục bả Tây Hồ tỉ Tây Tử

    Đạm trang nùng diễm tổng tương nghi

    Trong ngọn gió thu, bàng bạc có những cuộc giao tình. Tình của Thiên nhiên bủa rộng bao la và tình của những tao nhân tri ngộ. Ở đây Lịch sử hoá thân nơi mùa thu và tóc trắng. Cuộc lịch nghiệm nghe ra những thống thiết nguyên sơ.

    I.

    Mắt người mang cả quê hương

    Lòng ta mang cả đoạn trường tháng năm

    (HOÀI KHANH)

    Năm Hi ninh thứ 5, nhâm tý (1072), Ông 37 tuổi, bấy giờ ra giữ chức thông phán tại Hàng châu. Trước đó, năm ất tỵ (1065), Ông được triệu về kinh sư, làm việc tại sử quán. Cho đến năm 36 tuổi, tân hợi (1071), lúc đang giữ chức Giám quan cáo viện; nhân việc Vương An Thạch muốn sửa đổi thể lệ thi cử, Thần tông đưa ra cho Lưỡng chế và Tam quán nghị sự. ông dâng lên Thần tông ba điểm, khiến đảng Vương An Thạch bất mãn, nên tìm cớ vu tấu những lỗi lầm của Ông. Ông không một lời biện hộ, xin đi ngoại nhiệm để tránh. Do đó được cử đi làm thông phán tại Hàng châu. Lúc mới đến được hàng châu, Ông làm hai bài thơ tuyệt cú gửi Tử Do, lời co 1 đôi chút than trách pha lẫn vẻ tràolộng. Đại để như 2 câu:

    Thánh triều khoan đại hứa toàn thân Suy bịnh tồi đồi tự ý nhân

    Ông nói đến bịnh hoạn của mình và làm như có vẻ sợ thiên hạ

    Những bài thơ Ông làm kể từ năm 36 tuổi về sau, phong vận không thay đổi, nhưng tình tự hình như đã biến cách rất nhiều. Rồi ta sẽ thấy, càng già dặn phong trần, tình quê hương của Ông càng thắm thiết. Thơ Ông như là những đồng vọng từ phương trời diệu vợi vủa quê hương. Đó là một thứ tình cảm hoài vọng thoạt trông có vẻ dung dị, bình thường, nhưng cảng đọc thơ Ông, càng thấy cái tình đó mở ra một trời thơ bát ngát

    Văn Trưởng lão, một nhà sư đồng hương với Ông, hình như là hiện thân cụ thể của một cõi nào đó trong thơ Ông. Cho nên, những bài thơ Ông làm tặng nhà sư này đều từ một cảm hứng tự nhiên và rất bình thường, nhưng cũng từ đó, thơ bỗng chuyển thành âm hưởng kỳ lạ, vọng tới một khát vọng u trầm nào đó. Cõi thơ có thể là nơi trường mộng của đêm dài sinh tử, mà cũng chính ở đó là cõi Hư Không tịch mặc, với một màu xanh thẳm nhưng xa xôi không cùng tận.

    Ba bài thơ trích ở dưới đây, Ông làm rải rác trong các thời gian khác nhau. Đọc chung một lần, sẽ thấy cốt cách của Ông, và đó là cốt cách cho suốt cả thời gian Ông làm thông phán tại Hàng châu.

    Bài thứ nhất, sau khi đến Hàng châu một năm, trên đường đi Nhuận châu, Ông ghé thăm. Sáu năm sau, Ông đến thăm lần nữa, bấy giờ Văn trưởng lão bịnh. Mười năm sau, từ Hàn lâm học sĩ, Ông ra làm thái thú Hàng Châu, bấy giờ Văn đã tịch

    BÀI THỨ NHẤT

    秀州報本禪院

    鄉僧文長老方

    TÚ CHÂU[1] BÁO BẢN THIỀN VIỆN

    HƯƠNG TĂNG VĂN TRƯỞNG LÃO PHƯƠNG TRƯỢNG

    Vạn lý gia sơn nhất mộng trung Ngô âm[2] tiệm dĩ bến nhi đồng

    Mỗi phùng Thục tẩu[3] đàm chung nhật Tiện giác Nga mi[4] thúy tảo không

    Sư dĩ vong ngôn chân hữu đạo Ngã trừ sưu cú bách vô công

    Minh niên thái dược Thiên thai[5] khứ Cánh dục đề thi mãn Triết đông[6]

    萬里家山一夢中,吳音漸已變兒童。每逢蜀叟談終日,便覺峨眉翠掃空。師已忘言真有道,我除搜句百無功。明年採藥天台去,更欲題詩滿浙東。

    Quê hương diệu vợi tưởng chừng như trong một giấc mộng. Bấy giờ, giọng của ta đã dần dần bập bẹ như giọng trẻ nít

    Nhưng mỗi lần gặp cụ Thục thì vẫn còn bàn bạc suốc cả một ngày. Rồi bỗng thấy ra ngọn núi Nga Mi xanh mướt quét bầu trời

    Sư đã quên lời, quả tình là sư đã có Đạo

    Tôi thì ngoài việc tìm câu nối chữ, hoàn toàn vô công. Sang năm sẽ vào núi Thiên thai hái thuốc để cầu Đạo Những vẫn còn muốn đề thơ đầy cả Triết đông

    BÀI HAI:

    DẠ CHÍ VĨNH LẠC VĂN TRƯỞNG LÃO VIỆN


    Dạ văn[7] Ba tẩu[8] ngọa hoang đồn[9] Lai đả tam canh nguyệt hạ môn

    Vãng sự[10] quá niên như tạc nhật Thử thân vị tử đắc trùng luân

    Lão phi hoài thổ tình tương đắc Bịnh bất khai đường đạo ích tôn Duy hữu cô thê cựu thời hạc

    Cử đầu kiến khách tợ trường ngôn

    愁聞巴叟臥荒村,來打三更月下門。往事過年如昨日,此身未死得重論。老非懷土情相得,病不開堂道益尊。惟有孤棲舊時鶴,舉頭見客似長言。

    Ban đêm, Ông đến Vĩnh Lạc, thăm Văn trưởng lão. Bấy giờ trưởng lão ngọa bịnh không tiếp khách. Ông làm thơ tặng. Từ và ý của bài thơ cũng bình thường.

    Nhưng nếu đã đọc lại bài thơ Ông tặng Văn trưởng lão ở trên, và sẽ đọc một bài khác sau này nữa, ta sẽ thấy nơi Ông, tình thơ và tình quê hương là hai mối tình khắng khít. Tình quê hương thì thấp thoáng như những bóng hình trong mộng. Tình thơ thì hiu hắt như đồng vọng không lời của hư không.

    Chừng đêm, hay cụ Ba thục ngọa bịnh nơi xóm vắng; Canh ba đến gõ cửa dưới trăng

    Chuyện qua năm trước, trông như vừa hôm qua;

    May nhờ cái thân này chưa chết nên được cùng ngài chuyện trò nữa.

    Cụ tuổi già mà không phải là hạng bo bo (khép kín miệnt) cho nên tình lại càng tương đắc;

    Nhưng lúc này cụ bịnh, không khai đường, không tiếp khách hay giảng đạo, thì cái đạo của cụ lại càng thêm cao. (Ông muốn nói, đến thăm, dù không được tiếp chuyện mà vẫn không có ý trách).

    Chỉ có con hạc tự năm nào vẫn đứng lẻ loi ở đó. Ngẩng đầu nhìn khách vẻ như đã nói rất nhiều.

    BÀI BA:

    過 永樂 文 長 老 已 卒

    QUÁ VĨNH LẠC VĂN TRƯỞNG LÃO DĨ TỐT


    Sơ kinh hạc sấu bất khả thức Tuyền giác vân qui vô xứ tầm Tam quá môn gian lão bịnh tử

    Nhất đàn chỉ khoảnh khứ lai kim Tồn vong quân kiến hồn vô lệ

    Hương tỉnh[11] nan vong thượng hữu tâm Dục hướng Tiền đường phỏng Viên Trạch[12]

    Cát Hồng[13] xuyên bạn đãi thu thâm

    初 驚鶴 瘦 不 可 識旋 覺雲 歸 無 處 尋

    三 過門 間 老 病 死 一 彈 指 頃 去 來 今存 亡慣 見 渾 無 淚

    井難 忘 尚 有 心欲 向錢 塘 訪 圓 澤葛 洪川 畔 待 秋 深

    Ban đầu, sửng sốt vì cánh hạc đã hao gầy mà không hay.

    Nhưng vừa tỉnh cơn sửng sốt, thì cụm mây trời đã bay về nơi không vết tích. Người đời có ba cửa ải: già, bịnh và chế (mà ngài đã đi qua hết cả ba).

    Cuộc đời thoảng trong một cái búng tay là đủ cả cái đã qua, cái đang đó và cái sẽ đến (bây giờ ngài trong một thoáng đó mà đã là thiên thu)

    Chuyện mất còn nhìn đã quen, nên nước mắt ráo quạnh; Nhưng cái tình hương lý khó nguôi được trong lòng.

    Tôi muốn đến Tiền đường hỏi thăm Viên Trạch. Tiên Cát Hồng đứng bên bờ suối đợi cái thu già.

    2.

    湖上飲

    HỒ THƯỢNG ẨM

    (I)

    Triêu hi nghinh khách diễm trùng cương Vãn vũ lưu nhân nhập túy hương

    Thử ú tự giai quân bất hội

    Nhất bôi đương chúc thủy tiên vương[14]

    朝曦迎客艷重岡晚 雨留人入醉此意自佳君不會一杯當屬水仙王

    (II)

    Thủy quang liễm diễm tình phương hảo Sơn sắc không mông vũ diệc kỳ

    Dục bả Tây hồ[15] tỉ Tây Tử[16]

    Đạm trang nùng mạt tổng tương nghi.

    水光瀲灩晴方好山色空濛雨亦奇欲把西湖比西子淡妝濃抹總相宜

    Nguyên đề: “Ẩm Hồ thượng sơ tình hậu vũ nhị thủ”. Uống rượu trên tây hồ, vừa tạnh sau cơn mưa, 2 bài.

    Bút pháp trong bài vô cùng độc đáo, nên thường được truyền tụng. Khi trời mưa, hồ được bao phủ trong lớp bụi mờ như nàng Tây Thi khoác lên mình lớp áo lụa mỏng. Lúc trời tạnh ráo, cảnh hồ lộ liễu như nàng Tây Thi đẹp với vẻ trong ngọc trăng ngà. Có thể thấy cái tài hoa lãng mạn của Ông trong lối thơ ngoạn cảnh như bài này.

    (Bài I)

    Nắng mai đón khách rải vẻ tươi thắm trên những sườn núi chập chùng Buổi chiều, cơn mưa cầm chân khách, rồi đưa khách vào làng say

    Tình ý đó bộc lộ một cách nồng nàn mà tự nhiên cho những người ngoạn cảnh. Vậy hãy nâng một chén mời ngài Thủy tiên vương.

    (Bài II)

    Mặt nước sáng lóng lánh, mưa vừa tạnh trông càng đẹp Sắc núi quạnh ráo, mưa lại càng làm cho trông lạ ra.

    Có thể đem Tây hồ mà sánh với nàng Tây Tử

    Dù trang điểm sơ sài, hay rửa sạch hết phấn son, cả hai đều diễm lệ

    3

    DU TÂY BỒ ĐỀ TỰ


    Lộ chuyển sơn yêu vị túc di

    Thủy thanh thạch sấu tiện năng ký Bạch vân tự chiếm đông tây lãnh Minh nguyệt thùy phân thượng hạ trì Hắc tất hoàng lương sơ thục hậu

    Chu cam lục quất bán kiềm thì Nhân sinh thử lạc tu thiên phó Mạc khiến nhi lang thủ thứ tri

    遊西菩寺

    转山腰足未移水清石瘦便能奇白雲自占东西嶺明月谁分上下池黑黍黄粟初熟候朱柑绿橘半甜時人生此樂须天付莫遣兒曹取次知

    Kỷ Hiểu Lam, nhà bình thơ Đông Pha khá nổi tiếng, nói, nội một bài này đã đủ mở ra thì phái Kiếm nam.

    Kiếm nam là đất Tứ xuyên, phong thổ đó đã lôi cuốn được tay thi bá một thời: Tống Lục Du. Rồi tên đó trở thành tập sách bất hủ của Lục Du.

    Niên hiệu Hi ninh thứ 7 (1074), theo lời chú của ông, ngày 27 tháng 8, ông cùng Mao Quan Bảo và Úy Phương Quân Vũ đi chơi ở Minh Trí viện trên núi Tây bồ; tương truyền thơ đề khắc vào đá nay vẫn còn (?). Chùa Tây bồ (đề) cách huyện Tiềm (?) 25 dặm.

    Bài thơ tả những phong thổ và nhân tình. Cảnh trí thơ mộng với những con đường uốn lượn quanh co qua eo núi, với những dòng nước trong, những tảng đá gầy

    ngộ nghĩnh, những cánh đồng nức mùi lúa chín, những khu vườn đầy cam quít. Không cần ngụ tình mà tình vẫn đẹp, đó cũng là chỗ độc đáo trong lối thơ ngoạn cảnh của Ông.

    Dịch nghĩa. _ Đường đã chuyển quanh eo núi mà chân chưa dời bước. Nước trong, đá gầy, càng trông lạ.

    Mây trắng chiếm trọn một giải từ ngọn núi đông sang tây. Trăng sáng, như chia ao ra làm trên và dưới.

    Lúa hắc thử, thóc hoàng lương vừa đến độ chín Cam đỏ quít xanh đang nửa mùa ngọt

    Cái vui đó của cuộc nhân sinh phải nói là của trời cho.

    Đừng để lại cho con cháu coi thường điều ấy. (Có lẽ ông ngụ ý chê tân pháp của Vương An Thạch; cái thanh bình giả tạo của người không sao hơn nổi cái vui có sẵn của trời cho)

    4.

    Những bài thơ cảm hứng từ nhạc, ít khi được phô diễn trực tiếp. Âm thanh phát ra từ cung bậc của nhạc, vượt ra ngoài sự rung động bình thường; nó rung từ một chiều sâu bất tận. Do đó, tiếng nhạc khi kích động dòng cảm hứng của thơ, không còn là những tiếng có thể nghe bằng lỗ tai. Các thi sĩ Trung Hoa cũng thường làm các bài thơ gợi hứng từ nhạc, mà được truyền tụng nhiều nhất có lẽ là bài “Cầm sắt” của Lý Thương Ẩn, với các câu độc đáo:

    Trang Chu hiểu mộng mê hồ điệp Vọng đế xuân tâm thác đỗ quyên Thương hải nguyệt minh châu hữu lệ Lam điền nhật noãn ngọc sinh yên.

    Khúc đâu đầm ấm dương hòa Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh Khúc đâu êm ái xuân tình

    Ấy hồn Thục đế hay mình Đỗ quyên

    Trong sao châu dọ duềnh quyên

    Ấm sao hạt ngọc Lam điền mới đông

    Một bài khác của Lý Hạ với những âm hưởng kỳ dị: Nghe Lý Bằng đàn Không hầu. Đàn này là một loại nhạc khí được chế từ đời Hán, có gốc ở rợ Hồ; hình gãy và dài, có 23 dây. Lý Bằng là tay đàn trong đám nhạc công của Đường Huyền Tôn. Những câu tiêu biểu trong bài thơ này của Lý Hạ:

    Côn sơn ngọc toái, phượng hoàng khiếu Phù dung khấp lộ, hương lan tiếu

    Thập nhị môn tiền dung lãnh quang Nhị thập tam ty động Tử hoàng

    Nữ Oa luyện thạch bổ thiên xứ Thạch phá thiên kinh đậu thu vũ (…..)

    Lộ cước tà phi thấp hàn thố

    Tiếng đàn như tiếng ngọc rạn vỡ trên Côn sơn, quê hương của các loại ngọc. Tiếng đàn như tiếng phượng hoàng réo rắt. Long lanh như phù dung khóc sương sớm.

    Như hương lan vừa hé nụ. Mười hai cổng thành Trường an như đẫm ánh sáng mờ lạnh lẽo. Hai mươi ba sợi tơ đàn ngân tiếng vang dội đến chín cung trời. Chỗ Nữ Oa luyện đá vá trời, tiếng đàn nghe đá vỡ, trời rung, tuôn mưa thu xuống…. Tiếng đàn như sương mù lảng vảng dưới chân; như sương mù đẫm ướt vầng trăng lạnh.

    Nhạc mà nghe đến chỗ đó là đã đến mức thượng thừa. Nhưng vì lời thơ không nói thẳng vào lời nhạc được, mà luôn luôn phải thác lời vào những cái không phải là

    nhạc, cho nên, dễ trở thành sáo.

    Một bài thơ khác của ông, gợi hứng từ cuộc nghe đàn tranh tại chùa Cam lộ, cũng chỉ phô diễn gián tiếp cảm hứng về nhạc:

    Giang phi xuất thính vụ vũ sầu

    Bạch lãng phiên không động phù ngọc Hoán thủ ngô gia song phượng tào Khiển tác Tam giáp cô viên hào

    Ở đây, tiếng nhạc lên khơi vơi cho bầu trời như thu mình trong lớp bụi mưa mù. Từng tiếng nhạc bềnh bồng như từng hạt ngọc lóng lánh trên lớp sóng. Đôi cánh phượng múa, và con vượn lẻ loi kêu gào giữa sườn núi vắng.

    Chỗ tận cùng của nhạc là những đồng vọng không lời, mà lời thơ lại cảm hứng từ đồng vọng đó; nghe đã khó mà nghe qua lời thơ lại càng khó.

    Bài thơ của ông được trích dưới đây cũng nằm trong chỗ khó này. Nó chỉ nói cái cảnh chung quanh chỗ tấu nhạc, mà không nói thẳng tiếng nhạc. Nhưng nghe được từ chỗ đó, thì thấy tình tự tài hoa của ông. Dĩ nhiên, không thể bàn cho thấu đáo nổi. Trừ phi muốn nói lai rai mà chơi.

    THÍNH HIỀN SƯ CẦM


    Đại huyền xuân ôn hòa thả bình

    Tiểu huyền liêm chiết lượng dĩ thanh Bình sinh vị thức cung dữ giốc

    Đản văn ngưu minh ảnh trung Trĩ đang mộc môn tiền bác trác Thùy khấu môn sơn tăng vị nhàn Quân vật sân

    Qui gia thả mịch thiên hộc thủy Tịnh tẩy tùng lai tranh địch nhĩ

    聽賢師琴

    大 絃春 溫 和 且 平小 絃廉 折 亮 以 清平 生未 識 宮 與 角但 聞牛 鳴 盎 中 雉 登木 門 前 剝啄誰 叩門 山 僧 未 閑君 勿嗔

    歸 家且 覓 千 斛 水淨 洗從 前 箏 笛 耳

    Sư Hiền là ai thì không rõ, nhưng tài chơi đàn của sư có lẽ khá tuyệt vời. Nghe sư đàn, ông có cảm tưởng những tiếng nhạc được nghe trước đây chỉ như tiếng trâu rống trong ảng sành hay tiếng chim sẻ mổ cánh cửa gỗ; rửa sach cái lỗ tai đó, cũng phải mất hết hằng nghìn thùng nước.

    Tiết điệu thơ bắt nhịp với cảm hứng thơ, tạo cho bài thơ có phong vận tiêu sái đặc biệt.

    * * *

    Giây lớn tỏa hơi ấm mùa xuân, vừa thong thả vừa nhịp nhàng. Giây nhỏ nghe thanh thót, gãy gọn, mà trong sáng

    Bình sinh, tôi chưa biết cung và giốc là gì Chỉ nghe tiếng trâu rống trong ảng sành

    Hoặc con chim sẻ đậu trước cửa gỗ, mổ và rỉa Rồi có ai đến gõ cửa, thầy không còn rảnh nữa Ngài đừng giận!

    Về nhà, hãy kiếm một nghìn thùng nước,

    Rửa sạch cái lỗ tai vướng những tiếng tranh tiếng sáo trước kia.

    5.

    HỌA TỬ DO TỐNG XUÂN

    子由送椿

    Mộng lý thanh xuân khả đắc truy Dục tương thi cú bạn dư huy

    Tửu lan bịnh khách duy tư thụy Mật thục hoàng phong diệc lại phi Thược dược anh đào cu tảo địa Bính ti thiền sắp tưỡng vong ki Bằng quân tá thủ pháp giới quán Nhất tẩy nhân gian vạn sự phi

    夢裏青春可得追欲將詩句絆餘暉酒闌病客惟思睡蜜熟黃蜂亦懶飛芍葯櫻桃俱掃地鬢絲禪榻兩忘機憑君借取 法界觀一洗人間萬事非

    Bài họa thơ Tống xuân của Tử Do

    Bấy giờ là cuối mùa xuân năm ất mão (1075), Ông 40 tuổi, đã đổi sang làm quan ở Mật chây. Bài trích là một trong bốn bài họa gởi cho Tử Do. Ông với Tử Do, ngoài tình anh em, còn có mối giao tình thi tứ rất đậm đà, nên những bài thơ qua lại mang nỗi ngậm ngùi khôn tả.

    Trong thời này, Ông phải ra đi một cách bất đắc dĩ, để tránh tai họa; ẩn tình đó còn thấy rõ ở bài khác: vị ưng hồi thủ yểm lung tù, chưa dám quay đầu, vì còn sợ tù đày giam hãm.

    Suốt tám năm đi thông thú các nơi: Hàng châu, Mật châu, rồi Từ châu, thơ Ông phần nhiều bị gò bó, rất ít bài có phong vận tài hoa cố hữu. Những bài thơ làm để thù tạc thì không đáng kể. Chúng vẫn hay về âm vận thanh tao, bút pháp điêu luyện, nhưng vẫn chỉ là thù tạc. Những bài khác, thường vương cái sầu héo, hiu hắt, của một người lữ khách bất đắc dĩ:

    Thanh xuân thấp thoáng mộng dài Muốn đem thi tứ dệt lời tà huy

    Tuổi thanh xuân chỉ còn tìm thấy thấp thoáng trong giấc mộng.

    Nên chỉ muốn mượn câu thơ kết dệt cái ánh tà huy còn sót lại của một đời người. Rượu đã tàn, người mệt mỏi, chỉ tưởng đến giấc ngủ cho xong.

    Mật đã chín, mà con ong vàng lại biếng bay. Thược dược và anh đào rải đầy mặt đất.

    Mái tóc bạc trắng và chiếc giường thiền, cả hai cùng lỡ cả. Chi bằng mượn môn Pháp giới quán của nhà Phật,

    Để một lần rửa sách hết vạn sự trong nhân gian, tất cả là không cả.

    8.

    Năm đinh tị (1077), Ông 44 tuổi, từ Mật châu đổi sang Hà trung phủ, rồi đến tháng 4 năm đó lại đổi sang Từ châu. Trước khi đi, ông làm bài thơ lưu biệt này:

    LƯU BIỆT THÍCH CA VIỆN

    Xuân phong tiểu việc khước lai thì Bích gian duy kiến sứ quân thi

    Ưng vấn sứ quân hà xứ khứ

    Bằng hoa thuyết dữ xuân phong tri Niên niên tuế tuế hà cùng dĩ

    Hoa tợ kim niên nhân lão hỉ

    Khứ niên Thôi Hộ khước trùng lai Tiền độ Lưu Lang tại thiên lý

    留別釋迦院

    春 風小 院 卻 來 時壁 間惟 見 使 君 詩應 問使 君 何 處 去憑 花與 春 風 知年 年歲 歲 何 窮 已花 似今 年 人 老 喜去 年崔 護 若 重 來前 度劉 郎 在 千 里

    Nếu ngọn gió mùa xuân đi tới nơi chùa nhỏ, Hẳn là chỉ thấy bài thơ của sứ quân đề trên vắc. Có lẽ sẽ hỏi sứ quân đi đâu

    Nhờ hoa nói cho ngọn gió biết

    Năm này rồi năm khác, bao giờ cùng tận nổi; Nhưng hoa vẫn còn như là hoa năm nay,

    Mà người thì đã cằn cỗi ra rồi.

    Nếu chàng Thôi Hộ năm xưa có trở lại lần nữa, Thì chàng Lưu đã đi ngoài xa diệu vợi

    Từ đầu đến cuối, ông hoàn toàn mượn ý cổ nhân. Nhưng vẫn giữ được bản sắc. So hai câu 5 và 6 của ông với hai câu Lưu Hi Di đời Đường:

    Niên niên tuế tuế hoa tương tợ Tuế tuế niên niên nhân bất đồng

    Trong hai câu của Lưu Hi Di, những điệp ngữ muốn bắt theo cái nhịp vận hành, đi và đến rồi đi của tuế nguyệt, cùng cái đi mất của tuổi người. Nhưng lời còn pha nhiều vẻ tục.

    Ông cũng dùng các điệp ngữ đó, nhưng cốt cách của chúng, cứ so lại sẽ thấy. Đem tài hoa mà trộn vào tục, thì cái tục trở thành thanh tao kỳ lạ!

    9

    ĐỘC MẠNH GIAO THI

    (I)

    Dạ độc Mạnh Giao thi Tế tự như ngưu mao Hàn đăng chiếu hôn hoa Giai xứ nhất thời tao

    Cô phương[17] trạc hoang uế Khổ ngữ dư thi tao[18]

    Thủy thanh thạch tạc tạc Thoan kích bất thọ cao Sơ như thực tiểu ngư

    Sở đắc bất thường lao Hựu tợ chử bành việt[19] Cánh nhật trì không ngao

    Yếu đương đấu Tăng thanh Vị túc đường Hàn hào Nhân sinh như triêu lộ Nhật dạ hỏa tiêu cao

    Hà khổ tương lưỡng nhĩ Thính thử hàn trùng hào Bất như thả trí chi

    Ẩm ngã ngọc sắc giao.

    (II)

    Ngã tắng Mạnh Giao thi Phục tác Mạnh Giao ngữ Cơ trường tự minh hoán

    Không bích chuyển cơ thử Thì tùng phế phủ xuất Xuất triếp sầu phế phủ Hữu như Hoàng hà ngư Xuất cao dĩ tự chử

    Thượng ái đồng đấu ca[20] Bỉ lý phả cận cổ

    Đào cung xạ áp bãi

    Độc tốc[21] đoản thoa vũ Bất ưu đạp thuyền phiên Đạp lãng bất đạp thổ[22]

    Ngô cơ sương tuyết bạch Xích cước hoán bạch trữ Giá dữ đạp lãng nhi

    Bất thức li biệt khổ

    Ca quân giang hồ khúc Cảm ngã trường cơ lữ

    讀 孟郊 詩 細字如 牛 毛寒燈照 昏 花佳處一時 遭孤 芳擢 荒 穢苦 語餘 詩 騷水 清石 鑿 鑿湍 激不 受 篙初 如食 小 魚所 得不 償 勞又 似煮 彭 竟 日持 空 螯要 當鬥 僧 清未 足當 韓 豪人 生如 朝 露日 夜火 消 膏何 苦將 兩 耳聽 此寒 蟲 號不 如且 置 之飲 我玉 色 醪

    (II)

    我 憎孟 郊 詩復 作孟 郊 語飢 腸自 鳴 喚空 壁轉 飢 鼠詩 從肺 腑 出出 輒愁 肺 腑有 如黃 河 魚出 膏以 自 煮尚 愛銅 斗 歌鄙 俚頗 近 古桃 弓射 鴨 罷獨 速短 蓑 舞

    不 憂踏 船 翻 踏 浪不 踏 土吳 姬霜 雪 白赤 浣 白 紵嫁 與踏 浪 兒不 識離 別 苦歌 君江 湖 曲感 我長 羈 旅 。

    Mạnh Giao, tự Đông Dã (751-814), người Lạc dương, ẩn cư Tung sơn, gần 50 tuổi mới đến Trường An thi tiến sĩ. Năm Trinh nguyên 12 (795), đậu tiến sĩ; năm sau được tuyển ra làm Phiêu dương úy. Tính cô độc đơn bạc; thơ thì khúc mắc, khắc khổ, bài nào cũng trầm buồn cùng độ; chúng như ẩn khuất một tâm sự nào đó mà lời không nói hết. Hàn Dũ rất thích thơ ông, kết bạn rất thân thiết. Mất năm 64 tuổi.

    Hai bài trích ở trên, Đông Pha làm theo lối thơ khúc mắc của Mạnh Giao, gọi là thể thơ Đông dã. Kỷ Hiểu Lam phê rằng, thể đó, dù Hàn Dũ và Phàn Tông Sư đời Đường rất thích, nhưng chưa chắc đã làm nổi. Những Đông Pha cậy cái hùng tài quán triệt của mình nên không ngại.

    Lối thơ này không cần giàu âm vận như các bài luật thi. Hai bài của Đông Pha rất giàu hình ảnh, mà hình ảnh nào cũng độc đáo, được gói trong các tiết nhịp khúc mắc, rất trầm buồn. Buồn một cách cô đơn kỳ lạ.

    (I)

    Đêm đọc thơ Mạnh Giao Chữ nhỏ như lông trâu Đèn nhạt rọi hoa tối

    Cái hay lại gặp nhau Khơi vơi giủ cấu bợn Khúc mắc thơ héo sầu Nước trong đá vằng vặc Bọt xoáy không chịu sào Mới như ăn cá nhỏ

    Cái được chẳng thấm đâu Lại như bắt còng nấu Trọn ngày ôm cua sao?

    Có thể đọ Tăng thanh Chưa thể đọ Hàn hào

    Đời người như sương sớm

    Sáng tối lửa cạn dầu Sao khổ hai tai vễnh

    Nghe sâu lạnh lẽo kêu? Chi bằng bỏ quách đi

    Mời uống chén rượu ngầu.

    (II)

    Ta ghét thơ Mạnh Giao Lại làm thể Đông dã Bụng đói sôi sục reo Chuột đói lần vách đá Thơ từ phế phủ ra

    Lại gây sầu phế phủ Tựa như cá Hoàng hà Phun dầu tự nấu nó Còn ham đồng đấu ca

    Quê kệch mường tượng cổ Cung đào bắn con vịt Lênh đênh múa áo lá Không sợ đạp lệch thuyền Đạp sóng chê đất thó

    Vợ tớ sương tuyết trắng Chân trần giặt vải lụa

    Làm vợ gã rong chơi Không màng li biệt khổ Hát khúc chàng giang hồ Rầu ta mãi cô lữ

    10

    THỨ VẬN TĂNG TIỀM[23] KIẾN TẶNG

    Đạo nhân hung trung thủy kính thanh Vạn tượng khởi diệt vô đào hình

    Độc y cổ tự chủng thu cúc Yến bạn tao nhân xan lạc anh Nhân gian để xứ hữu nam bắc

    Phân phân hồng nhạn hà tằng minh Bế môn tọa huyệt nhất thiền sáp

    Đầu thượng tuế nguyệt không tranh vanh

    Kim nhật ngẫu xuất vị cầu pháp Dục dữ tuệ kiếm gia long hình

    Vân nam tân ma sơn thủy xuất Sương tì bất tiển nhi đồng kinh Công hầu dục thức bất khả đắc Cố tri ỷ thị vô khuynh thành

    Thu phong xuy mộng quá Hoài thủy

    Tưởng kiến quật dữu thùy không đình Cố nhân các tại thiên nhất giác

    Tương vọng lạc lạc như thần tinh

    Bành thành lão thú hà túc cố

    Táo lâm tang dã tương yêu nghinh Thiên sơn bất đạn hoang điếm viễn Lưỡng cước dục sấn như nhu khinh Đa sinh ỷ ngữ ma bất tận

    Thượng hữu uyển chuyển thi nhân tình Viên ngâm hạc lệ bản vô ý

    Bất tri hạ hữu hành nhân hành Không giai dạ vũ tự thanh tuyệt Thùy sử yểm ức đề cô quỳnh Ngã dục tiên sơn chuyết dao thảo

    Khuynh khuông tọa thán hà thời doanh Bạc thơ tiên phố tận điền ủy

    Chử minh thiêu lật nghi tiêu chinh Khất thủ ma ni chiếu trược thủy Cọng khan lạc nguyệt kim bồn doanh

    次韻僧潛見贈

    道 人胸 中 水 鏡 清萬 象起 滅 無 逃 形獨 依古 寺 種 秋 菊要 伴騷 人 餐 落 英人 問底 處 有 南 北紛 紛鴻 雁 何 曾 冥閉 門坐 穴 一 禪 榻頭 上月 空 崢 嶸今 年偶 出 為 求 法欲 與慧 劍 加 礱 硎雲 衲新 磨 山 水 出霜 髭不 剪 兒 童 驚公 侯欲 識 不 可 得故 知倚 市 無 傾 城

    秋 風吹 夢 過 淮 水想 見橘 柚 垂 空 庭故 人各 在 天 一 角相 望落 落 如 晨 星彭 城老 守 何 足 顧棗 林桑 野 相 邀 迎千 山不 憚 荒 店 遠兩 欲 趁 飛 猱 輕多 生綺 語 磨 不 盡尚 有宛 轉 詩 人 情猿 吟鶴 唳 本 無 意不 知下 有 行 人 行空 階夜 雨 自 清 誰 使掩 抑 啼 孤 惸我 欲仙 山 掇 瑤 草傾 筐坐 歎 何 時 盈簿 書鞭 扑 晝 填 委煮 茗燒 栗 宜 宵 征乞 取摩 尼 照 濁 水共 看落 月 金 盆 傾

    Bi này vốn là một bài họa, do thơ của Đào Tiềm tặng Ông. Nói là họa, nhưng bút pháp và chương pháp của thơ rất ung dung. Đó là chỗ điêu luyện của người làm thơ. Cốt cách và đời sống của Đạo TIềm được tả trong những nét rất linh hoạt.

    Ngay ở hai câu đầu, lời thơ và tứ thơ đã đi ngay vào chỗ độc đáo bằng biết nhịp và hình ảnh sống động. Thỉnh thoảng trong thơ đột nhiên nổi lên với những hình ảnh rất đẹp được gói trong lời và tứ kỳ diệu. Đại để các câu:

    Bế môn tọa huyệt nhất thiền sáp

    Đầu thượng tuế nguyệt không tranh vanh Khép cửa hang sâu một giường thiền Trên đầu năm tháng trôi chênh vênh

    Năm tháng là tuổi già, là mùa thu và tóc trắng, là những hoài vọng xa xôi của nhà thơ. Hoài vọng đó là hình ảnh hiu hắt khép kín cửa trong hang sâu giữa núi rừng xa vắng, và thầm lặng trôi qua trên đầu nhà sư cô quạnh. Cho nên, tấm lòng của

    sư như một mặt nước trong ngần, bao nhiêu chìm nổi thiên hình vạn trạng của cõi đời hiện rõ lên trong đó.

    Rồi khi sư thả bộ rong chơi, màu áo còn pha màu sương khói của núi rừng. Sư mang cái tình đạo đó kết duyên với tình thơ của khách thơ, như ngọn gió mùa thu

    thổi những phương trời viễn mộng đến làng thơ, thì tình thơ bỗng ngọt ngào như cam quít đang mùa chín đỏ; một thứ ngọt ngào trầm lặng:

    Thu phong xuy mộng quá Hoài thủy

    Tưởng kiến quật dữu thùy không đình

    Gió thu đưa mộng qua Hoài thủy Này cam nọ quít rũ sân buồn

    Khách làng thơ lại muốn bỏ qua những ngày bươn bả, để cùng sư, trong những

    đêm dài xa xôi, đốt củi nấu trà, ngồi xem bóng trăng nghiêng xuống đáy cốc. Tình thơ sống động, nhưng xa xôi và đơn bạc.

    Tấm lòng nhà đạo như nước phẳng; Rọi bóng chìm nổi của cõi đời.

    Chùa xưa lẻ bóng trồng thu cúc Bạn với làng thơ thưởng chút tài

    Cõi nhân gian có chia đường nam nẻo bắc Mà cánh hồng cánh nhạn vẫn đơn độc lẻ loi Trên đầu năm tháng trôi chênh vênh

    Nay hứng dậy tìm duyên cùng khách tục Muốn đem kiếm tuệ miệt mài thêm

    Áo mây vừa khoác vương màu non nước Râu sương không cạo trẻ thấy mà kinh Công hầu muốn quen, quen chẳng được Mới biết nơi chợ không kẻ khuynh thành

    Gió thu thổi mộng qua Hoài Thủy Tưởng thấy cam quít rũ sân buồn Bè bạn mỗi người riêng một cõi, Trông nhau lác đác như sao mai Người bận việc quan thôi khỏi nói

    Rừng táo nương dâu mong đợi nhau Đường xa quán lẻ không đáng ngại, Gót vượn nhẹ nhàng bước như bay. Lời đẹp mấy đời còn dệt mãi,

    Tình thơ uyển chuyển còn nhau đây, Vượn gào hạc réo thế là thế,

    Nào biết người đi qua dưới này

    Thềm vắng, mưa đêm, buồn da diết, Nghẹn ngào cô quạnh khóc ai đây? Tôi muốn núi tiên bứt cỏ dao,

    Nghiêng giỏ ngồi than, đầy được sao? Chép sách, đánh roi, đã làm hết,

    Nấu trà đốt củi hẹn đêm nào. Xin hạt ma ni soi nước đục, Cùng đợi đáy cốc trăng lao xao.

    1. TÚ CHÂU, một dãy đất chạy dài từ huyện Gia Hưng tỉnh Triết Giang đến huyện Tùng Giang tỉnh Giang Tô

    2. NGÔ ÂM, hay THANH GIANG, điệu nhạc Thanh thương khúc, thịnh hành tại các vùng Giang Nam, đất Ngô, qua các điệu dân dao. Đến đời Đường, điệu ca biến đổi về sau ít truyền tụng.

    Ngô âm cũng chỉ cho giọng nói vùng đất Ngô trung nằm ở đông bộ tỉnh Giang tô và tây bộ tỉnh Triết giang.

    Ngô âm ở đây có nghĩa bình thường: giọng nói của TỚ; lối nói thông thường của người đất Thục.

    1. THỤC TẨU, cụ giả đất Thục, chỉ cho Văn trưởng lão, cùng quê với Ông ở đất Thục.

    2. NGA MI, núi Nga Mi, hai ngọn đối nhau như hai nét lông mày. Nhà Phật gọi là núi Quang Minh. Đạo gia gọi là Hư linh động thiên; hoặc Linh Lăng thái điện thiên. Núi ở phía Tây nam huyện Nga mi tỉnh Tứ Xuyên. Tại tây bắc huyện giáp tỉnh Hà Nam cũng thấy một ngọn mà ông cho là giống với Nga Mi ở quê ông nên đặt tên là Tiểu Nga Mi, trên đó có đền thờ Tam Tô (ba cha con Ông)

    3. THIÊN THAI, ngọn núi phía bắc huyện Thiên thai tỉnh Triết Giang. Tương truyền, đời Hán có Lưu Thần và Nguyễn Triệu vào núi hái thuốc mà gặp tiên.

    4. TRIẾT ĐÔNG, đông nam bộ trong tỉnh Triết Giang

    5. DẠ VĂN, có chỗ chép SẦU VĂN

    6. BA TẨU, cũng như Thục tẩu, do chữ Ba thục (xem chú thích bài trước)

    7. HOANG ĐỒN, có chỗ chép HOANG THÔN

    8. VÃNG SỰ: hai câu 3 và 4, có lẽ ông muốn nhắc đến chuyện năm tân hợi, xích mích đảng Vương An Thạch, suýt vong mạng. Nay đi tìm lại người cố cựu, thấy lại tình quê hương vẫn đậm đà. Nhưng tình đó không nói thành lời được. Chỉ có “ Con Oanh học nói trên cành mỉa mai” thôi ư?

    9. HƯƠNG TỈNH, giếng làng, chỉ cho tình hương lý

    10. VIÊN TRẠCH, tăng đời Đường; bạn là Lý Thiện Nguyện ba lần chứng kiến sự tái sinh của sư. Lần chót, do hẹn gặp nhau tại chùa Thiên Trúc, vào đêm trăng thu, Thiện Nguyên y hẹn, vừa đến cổng chùa, bỗng thấy một mục đồng ngồi trên lưng trâu ca:

    Tam sinh thạch tượng cựu linh hồn Thưởng nguyệt ngâm phong bất yếu luân Tàm quĩ tình nhân viễn tương phỏng

    Thử thân tuy dị tánh thường tồn

    1. CÁT HỒNG, người đời Tấn, tự xưng Tiểu Cát tiên ông; thích phép đạo dưỡng của thần tiên; nghe đồn Giao chỉ có nhiều đan sa, dẫn con cháu đến núi La phù luyện đan, khi đan thành thì thi thể đã rã. Ở đây ngụ ý người không sao thoát khỏi cái chết.

    2. THỦY TIÊN VƯƠNG, Ông tựchú: trên hồ có miếu Thủy Tiên vương

    3. TÂY HỒ, có tám nơi tất cả, mà trong bài này chỉ cho Tây hồ thành tây huyện Hàng châu tỉnh Triết giang. Hồ này còn có những tên khác: hồ TIỀN ĐƯỜNG, hồ MINH THÁNH, hồ KIM NGƯU. Nhân câu thơ của Ông: “Dục bả “Tây hồ tỉ Tây Tử”, nên cũng được gọi là hồ Tây Tử. Ba mặt là núi vây quanh; nam và bắc có hai ngọn núi cao đối nhau, trong hồ có các con đê Tô, Bạch, chia nước hồ ra làm HỒ TRONG và HỒ NGOÀI và HỒ SAU. Bốn mùa phong vật tốt tươi, với 10 cảnh trí nên thơ và nổi danh.

    4. TÂY TỬ, tức Tây Thi

    5. CÔ PHƯƠNG, cao vọi một mình, tuyệt hẳn thói tục. Thơ Hàn Dũ:

    Dị chất kỵ xử quần

    Cô phương nan ký lâm

    (chất riêng không cùng bọn. Cao vọi khó ở rừng) Thơ Chu Hy:

    Long đông điêu bách hủy Giang hải lệ cô phương

    (Trời lạnh cây cỏ úa. Sông biển một mình trôi.)

    1. THI TAO, nỗi sầu héo của thơ. Thơ buồn khổ

    2. BÀNH VIỆT, có lẽ con còng, loại cua nhỏ

    3. ĐỒNG ĐẤU CA. Chữ trong thơ Mạnh Giao Đồng đấu ẩm giang tửu

    Thủ phách đồng đấu ca

    (Đấu đồng uống rượu sông, tay vỗ đấu đồng ca)

    1. ĐẠP THUYỀN, ĐỘC TỐC. Thơ Mạnh Giao:

    Cước đạp tiểu thuyền đầu Độc tốc vô quyển sa

    (Gót đạp đầu thuyền nhỏ, lênh đênh không bến cỏ.)

    1. ĐẠP LÃNG, ĐẠP THỔ. Chữ trong thơ Mạnh Giao:

    Nùng thị đạp lãng nhi Mỗi đạp thanh lãng du Tiếu y hương cống lang Đạp thổ xưng phong lưu.

    (Ta là người sóng xanh, cưỡi sóng mà rong chơi. Cười y gã hương cống, dẫm đất gọi phong lưu.)

    1. TĂNG TIỀM: Tăng Đạo Tiềm ở Tiền Đường, hiệu Sam Liêu Tử, trơ vơ như sao Hôm hoàng hôn, là bạn thơ rất thân với Đông Pha.

    III. TRỜI ÓNG Ả BẠC TƯỜNG RÊU LỮ THỨ

    (1080-1085)


    LỜI DẪN

    Trên đoạn đường Lữ Thứ, lịch sử bỗng đổ dồn lên Đất Trích. Đó là vùng đất hoành hành của mưa rừng gió núi, của Thiên Nhiên tàn bạo. Tạo hóa thì hung hăng, mà tạo vật thì bé bỏng. Giữa những đêm giông bão dị thường, giữa lúc đèn mờ khuya khoắt, con chuột đói mò ra đi kiếm ăn. Hoặc trong đám hoa rừng cỏ dại, chướng khí sơn lam, nhánh hải đường với nụ son bé bỏng cũng mang cốt cách thanh cao ra mà chen chúc.

    Cuộc lịch nghiệm nơi vùng đất Trích tàn bạo với nỗ lực phấn đấu kỳ cùng, trước thảm họa của Tử sinh trường mộng, ở đây cũng đã sẵn sàng vạch sẵn lối gai rừng

    để nghe đồng vọng của Lô sơn chân diện mục. Trong khi đó, thảm họa lịch sử theo nước lũ Trường Giang đổ vào Xích Bích. Thế thì, tại chỗ này, Lịch sử đã mang tài

    hoa của nó tụ về trong tinh thể Đông Pha. Và từ đó, Đông Pha cư sĩ bước ngay vào dòng Lịch sử Chung của một dân tộc, làm cha già tóc trắng cho Một dân tộc.

    Những bàithơ sau đây, không có những bài về Lô sơn hay đồng Lô sơn, hay mang âm hưởng ẩn hiện nào đó của Lô sơn chân diện mục, cũng không có những bài xuôi giòng Đại giang Đông khứ, trên mặt sông Xích bích. Hai chỗ đó là tinh thể và cách điệu tài hoa của ông. Một đằng là Lô sơn ẩn hiện giữa mây trắng sương mù

    ôm ấp những khát vọng sâu thẳm nhất của con người. Một đằng là nước lũ của một giang sơn như họa cuộn anh hùng hào kiệt một thời theo thảm hoạc lịch sử đổ dồn vào biển rộng mù khơi. Nhưng đấy là những tinh thể kết tụ trong phương trời viễn mộng. Nếu nơi đây chúng ta nghe được tận cùng những phấn đấu gian khổ của tồn sinh, những phẫn nộ và những ngậm ngùi cay đắng của tồn sinh, thì phương trời viễn mộng kia tức khắc sẽ mở ra.

    I

    Năm 1078, tháng 7, đổi sang Hồ châu, ông dâng biểu tạ về triều. Bị sàm tấu, phải ngồi tù. Án từ không nhất quyết. Thần tông mến tài, miễn tội tử. Lại nhờ em ông, Tử Do xin đổi chức quan chuộc tội cho ông. Tháng 12 năm đó ông ra khỏi ngục.

    Khi ở trong ngục, ông làm 2 bài thơ, nhờ cai ngục gởi cho Tử Do. Thơ tự trách và có vẻ tuyệt vọng, vì ông tưởng là không thoát khỏi án tử hình.

    Đại khái:

    Thị xứ thanh sơn khả mai cốt Tha niên dạ vũ độc thương thần Dữ quan thế thế vi huynh đệ Hựu kết lai sinh vị liễu nhân

    Nơi này non xanh có thể chôn xương được. Sang năm mưa đêm chỉ riêng hồn mình lạnh lẽo. Ước nguyện cùng nhau (ông và Tử Do) đời đời làm anh em; lại kết duyên nợ đời vĩnh viễn của văn chương.

    Ông được tha, giáng chức làm đoàn luyện phó sứ, bị đày đi quản thúc ở Hoàng

    châu.

    Tháng giêng năm canh thân 1079, ông lên đường. Tử Do từ Nam đô đến gặp ông tại Trần, ở lại cùng ông ba ngày, rồi chia tau. Ông làm bài thơ chia tay. Đại khái:

    Biệt lai vị nhất niên Lạc tận kiêu khí phù

    Mới cách nhau chưa đầy một năm, cái kiêu khí đã tan hết. và ông tự trách;

    Chí ngôn tuy cửu phục Phóng tâm bất tự thâu

    Đã học lời của Thánh Hiền từ bao lâu nằm lòng rồi, nhưng vẫn phóng tâm bừa bãi, gây tai vạ.

    Ngày 18 tháng giêng năm đó, trên đường đi ngang Thai châu gặp tuyết, ông làm 2 bài thơ cho Tử Do, lại nói:

    Vãn tuế ích khả tu

    Phạm tuyết phương nam bôn

    Càng già lại càng thêm thẹn; đội tuyết mà phải chạy sang nam!

    Ngang Tân tức, gặp người đồng hương lập nghiệp ở đó, ông tặng bài thơ thất ngôn cổ thi:

    Trần ai ngã diệc thất thâu thân Thử hành tắng đắng vưu khả bỉ

    Ông nói, mình cũng sa chân vào chốn trần ai, lưu lạc tha phương; nhưng cái đi đó gian nan quá tệ.

    Các nơi đi ngang qua, ông vẫn làm thơ, vẫn ngoạn cảnh; nhưng lời thơ đượm nỗi buồn phiền u ẩn. Khi chơi chùa Tịnh cư, nơi này trước kia Trí Khải gặp Huệ Tư đại sư mà đắc đạo, rồi về núi Thiên Thai trụ trì, lập ra Phật giáo Thiên Thai tông; ông làm thơ có những câu:

    Bất ngộ tục duyên tại Thất thân đạp nguy cơ

    Chưa tỏ ngộ đạo lý, tục duyên còn nặng; để cho sa chân vào bước nguy cơ.

    Và những câu khác:

    Khể thủ lưỡng túc tôn Cử đầu song thế huy Linh sơn hội vị tán Bát bộ do quang huy

    Cúi đầu lạy đức Như Lai; cất đầu dậy lau đôi hàng lệ. Tưởng như trên hội Linh Sơn ngày nào như lai giảng kinh Pháp hoa nói đạo lý thượng thừa, bây giờ vẫn còn đó, tám bộ chúng vẫn rực rỡ

    Lời thơ tuy không cao ngạo mà đảm lược hùng tâm vẫn còn. Cõi thơ của ông vì vậy mà mênh mông heo hút; lời thơ của ông là cả giọng chí thành. Sầu khổ thì có,

    mà sầu hận thô lỗ thì không. Đó là một điểm nhỏ trong cái phong vận tao nhã và cao kỳ và bao la của ông.

    Rồi đến Hoàng Châu, ngủ đêm tại chùa Thiền trí. Cảnh chùa hoang lương. Hình ảnh trong thơ hiện ra một màu hiu hắt. Một ngọn đèn tàn leo lét trên bàn Phật; một con chuột đói bò ra kiếm ăn,; mưa đêm đổ xuống hàng tre; và một bài thơ cổ sót lại trong trí nhớ. Khách phong trần lưu lạc gặp cảnh thơ đó có thể rũ sạch được những oan tình u ẩn nghìn đời.

    Phật đăng tiệm ám cơ thử xuất Sơn vũ hốt lai tu trúc minh

    Tri thị hà nhân cựu thi cú Dĩ ưng tri ngã thử thời tình.

    Ông tự viết lời dẫn : “: Lúc thiếu niên, có lần tôi đi ngang qua một thôn viện, thấy

    trên vách có thơ:

    Dạ lương nghi hữu vũ Viện tĩnh tợ vô tăng

    Đêm lạnh chừng mưa gió Chùa vắng như không sư.

    “Không biết thơ của ai. Ban đêm, ngủ lại chùa Thiền Trí, Hoàng Châu. Sư trong chùa đều vắng hết. Nửa đêm trời mưa. Ngẫu nhiên nhớ bài thơ đó, nên làm một bài tuyệt cú.”

    Bấy giờ ông vừa ở tù ra, bị đày tới Hoàng Châu. Lời thơ có vẻ mông lung, cay đắng.

    Ngày 1, tháng 2, tới Hoàng Châu. Gia đình Ông ở cả tại Nam Đô, chỉ một mình Tử Mại, con trai lớn của Ông, đến với Ông. Khi mới đến Hoàng Châu, ông làm bài thơ dưới đây:

    Tự tiếu bình sinh vị khẩu mang

    Lão lai sự nghiệp chuyển hoang đường Trường giang nhiễu quách tri ngư mĩ Hảo trúc liên sơn giác duẫn hương

    Trục khách bất phương viên ngoạI trí Thi nhân lệ tác thủy tào lang

    Chỉ tâm vô bổ ti hào sự

    Thượng phi quan gia áp tửu nang

    Cười ta bình sinh miệng nói nhăng Già rồi sự nghiệp càng hoang đường

    Trường giang vỗ bến cho cá béo Tre rậm đầy non thơm mùi măng

    Khách lang bạt khỏi phiền viên ngoại Lệ nhà thơ ghi sổ tang bồng

    Chỉ thẹn không nên chuyện gì hết Uổng thay dốc túi rượu nhà quan

    (Ông tự chú cho câu chót: Quan kiểm hiệu có lệ nếu ai làm được nhiều việc thì thưởng một bình rượu khi về. Ở đây, ý muốn nói, Ông tới là bận rộn người ta phải tốn công ghi danh vào sổ bạ)

    2.

    HẢI ĐƯỜNG

    Giang thành địa chướng phồn thảo mộc Chỉ hữu danh hoa khổ ưu độc

    yển nhiên nhất tiếu trúc ly gian Đào lý mạn sơn tổng thô tục Dã tri tạo vật hữu thâm ý

    Cố khiển giai nhân tại không cốc Tự nhiên phú quí xuất thiên tư Bất đãi kim bàn tiến hoa ốc

    Chu thần đắc tửu vựng sinh kiểm Thúy tụ quyển sa hồng ánh nhục Lâm thâm vụ án hiểu quang trì

    Nhật noãn phong khinh xuân thụy túc Vũ trung hữu lệ diệc thê thương Nguyệt hạ vô nhân cánh thanh thục Tiên sinh bão thực vô nhất sự

    Tán bộ tiêu dao tự môn phúc Bất vấn nhân gia dữ tăng xá

    Trụ trượng xao môn khán tu trúc Hốt phùng tuyệt diễm chiếu suy hủ Thán tức vô tín khải bịnh mục

    lậu bang hà xứ đắc thử hoa Vô nãi hiếu sự đi Tây Thục Thốn căn thiến lý bất dị đáo

    Hàm tử phi lai định hồng hộc Thiên nha lưu lạc cu khả niệm Vị ẩm nhất tôn ca thử khúc Minh triêu tửu tĩnh quá độc lai

    Tuyết lạc phân phân na nhẫn xúc

    海棠

    江城地瘴蕃草木只有名花苦幽独嫣然一笑竹桃李满山总粗俗也知造物有深意故遣佳人在空谷自然富贵出天姿不待金盘荐华屋朱唇得酒晕生脸翠袖卷纱红映肉林深雾暗晓光迟日暖风轻春睡足雨中有泪亦凄月下无人更清淑先生食饱无一事散步逍遥自腹不问人家与僧舍拄杖敲门看修竹忽逢绝艳照衰叹息无言揩病目陋邦何处得此花无乃好事移西蜀寸根千里不易到衔子飞来定鸿鹄天涯流落俱可念为饮一樽歌此

    明朝酒醒还独来雪落纷纷哪忍

    Ông cư ngụ tại chùa Định Huệ. Phía đông chùa, hoa tạp đầy núi, giữa đó chen một cây hải đường. Thổ nhân không biết là quí. Nhân đó, làm bài thơ vịnh hải đường.

    Thơ ngụ ẩn tình. Cốt cách trang nhã của hải đường gây nên nơi ông một cảm hứng tuyệt diệu. Lối thơ này, thường dễ trở thành một đề tài sáo, giả tạo và khoa trương. Kiểu cách của nó là sao cho đạt đến mức nói riêng vật mà tình ẩn, nói tiêng tình mà vật hiện. Nhưng còn phải đợi bàn tay tài hoa phổ vào mới thành tuyệt diệu. Vật trở thành cao quí trong tình ẩn, và người cũng trở thành tao nhã nơi vật hiện.. Cái đó là do phong tư tú lệ của tao nhân; tay phàm tùc khó mà vươn tới mức. Nó hệ ở chỗ tương ứng của thanh khí lẽ hằng. Cho nên, tiết nhịp của bài thơ không cần sôi nổi lãng mạn mà nguồn cảm hứng rung động sâu xa như là bất tận. Chỗ đó, Kỷ Hiểu Lam phê rằng: “Hoàn toàn nói về hải đường, nhưng tự ngụ ý phong tư tú lệ của mình. Bắt đầu hứng khởi thì thâm trầm vi nhiệm. Nửa chừng thì nở rộ tươi sáng. Lối thơ đó nếu không thực sự là Đông Pha thì không ai làm nổi. Đông Pha nếu không hứng khởi trong một lúc, vị tất đã làm nổi”

    Đất giang thành nhiều chướng khí nên nhiều cây cỏ hoang dại.

    Chỉ có một loại danh hoa, cây hải đường, mọc chen lấn giữa đó, nằm lẻ loi buồn tẻ. Một khi nó nhởn nhơ hé nụ nơi hàng dậu,

    Thì tất cả đào, lý khắp một vùng núi này thảy là thô tục Thế nên mới biết tạo vật có thâm ý,

    Nên khiến cho loài hoa quý đó lánh mình nơi hang hốc vắng vẻ. Cái cốt cách cao sang của nó vốn là trời cho tự nhiên vậy,

    Không phải đợi có mâm vàng dâng vào cửa nhà sang cả mới thành quí. Nụ hồng tươi như say men rượu ửng lên đôi má,

    Tàn lá như cánh tay áo màu xanh thẳm vén lên giải lụa để lộ thịt da ánh hồng. Sa mù phủ mờ cả khu rừng dày chằng chịt nên nắng mai lên trễ,

    Mặt trời ấm, gió nhẹ, giấc ngủ mùa xuân rất thoải mái.

    Lúc mưa, trong cơn mưa những giọt nước đọng long lanh trông cũng khá sầu muộn;

    Lúc có trăng, dưới trăng vắng bóng người, trông lại càng yểu điệu cao sang.

    Tiên sinh ăn một bữa no, không một việc làm,

    Ông thả bước tiêu dao, tự sờ tay vào bụng của mình. Không cần hỏi đó là nhà của người tục hay của sư tăng. Chống gậy đến gõ cửa xem hàng tre đứng thẳng

    Bỗng gặp một vẻ tuyệt diễm bừng lên giữa hàng giậu đổ nát. Ông than thở không nói một lời, nhướng con mắt mờ kém lên: Đất quê này sao lại có thứ hoa này?

    Há không phải do người hiếu sự mang nó từ đất Tây thục đến? Nhưng tấc rễ ngắn của nó không dễ gì mang đi xa xôi như vậy nổi. Có lẽ chim hồng hay chim hộc ngậm hạt của nó mang đến đây.

    Cũng đáng ngậm ngùi cho nó lưu lạc tận ven trời xa xôi này; Nên vì thay nó mà uống một chén và ca một khúc ca đó.

    Sáng hôm sau, tỉnh rượu lại, đến đây một mình,

    Thấy tuyết bay phơi phới, tưởng chừng như không nỡ đụng đến nó.

    3.

    Bấy giờ khoảng cuối tháng 2 hay đầu tháng 3 gì đó. Ông đến Hoàng châu trên dưới đã một tháng. Sau cơn mưa tạnh, ông thả bộ đến dưới đình Tứ vọng, bên trên hồ cá, rồi từ gò đông phía trước chùa càn Minh trở về, làm hai bài thơ luật năm chữ. Mùa hải đường đã qua, đang đợi mùa mai năm tới. Cảnh chiều, tiếng ếch nhái sau cơn mưa, tiếng chim trong nắng ngả về chiều, bóng người vắng vẻ. Cũng là một nỗi niềm tâm sự nào đó của tuổi ông.

    (I)

    Vũ quá phù bình hợp Oa thanh mãn tứ lân

    Hải đường chân nhất mộng Mai tử dục thường tân

    Trụ tượng nhân khiêu thái Thu thiên bất kiến nhân Ân cần mộc thược dược Độc tự điện dư xuân

    (II)

    Cao đình cửu dĩ phế

    Hạ hữu chủng ngư đường. Mộ sắc thiên sơn nhập

    Xuân phong bách thảo hương Thị kiều nhân tịch tịch

    Cổ tự trúc thương thương Quán hạc hà lai xứ

    Hào minh mãn tịch dương

    雨 過浮 萍 合蛙 聲滿 四 鄰海 棠真 一 夢梅 子欲 嘗 新拄 杖閑 挑 菜鞦 韆不 見 人殷 勤木 芍 藥獨 自殿 餘 春高亭久已廢 下有種魚塘暮色千山入春風百草香市橋人寂寂古寺竹蒼蒼鸛鶴來何處號鳴滿夕陽

    Mưa qua bèo kết tụ Ếch kêu dậy xóm làng

    Hải đườngqua cơn mộng Còn đợi mùa mai sang gậy thọc chơi rau cỏ

    Người không, vắng bóng tường Chăm chỉ cây thược dược

    Một mình riêmg một xuân Đình cao phế mấy độ

    Phía dưới có ngư đường Bóng chiều chen bóng núi Gió thoảng bay ngàn hương Cầu chợ người thưa thớt

    Chùa xưa tre xanh xanh Cò vạc từ đâu đến

    Kêu réo dậy tà dương

    4.

    Ngụ tại chùa Định Huệ được 3 tháng; tháng 5, ông dời sang Lâm cao đình (phía nam huyện Hoàng cương tỉnh Hồ bắc, bắc ngạn sông trường giang. Cũng gọi là lâm cao quán)

    Tử Do lược ký: Từ đình nhìn ra, nam bắc chừng trăm dặm, ban ngày ghe thuyền lui tới phía trước, ban đêm nghe tiếng như ngư long kêu gào ở phía dưới; phía tây trông thấy các ngọn núi huyện Vũ dương; gò đống nhấp nhô, cây cối hàng hàng, khói bốc cuồn cuộn, rải rác nhà ngư phủ, tiều phu, đếm được đầu ngón tay.

    Ông đến Lâm cao đình, dựng nhà ở, đặt tên là nhà Tuyết, vì làm trong mùa đại tuyết; đọc Chiến quốc sách, và làm bài thơ dưới đây:

    Ngã sinh thiên địa gian Nhất nghị ký đại má Khu khu dục hữu hành Bất cứu phong luân tả. Tuy vận tẩu nhân nghĩa Vị miễn vi hàng ngạ Kiếm mễ hữu nguy xuy Châm chiên vô ổn tọa Khởi vô giai sơn thủy Tá nhãn phong vũ quá Qui điền bất đãi lão Dũng quyết phàm kỷ cá Hạnh tư phế khí dư

    Bì mã giải yên đà Toàn gia cổ giang dịch

    Tuyệt cảnh thiên vi phá Cơ bần tương thừa trừ Vị kiến khả điếu hạ

    Đạm nhiên vô ưu lạc Khổ ngữ bất thành ta

    我生天地間,一蟻寄大磨。區區欲右行,不救風輪左。

    雖云走仁義,未免違寒餓。劍米有危炊,針氈無穩坐。豈無佳山水,借眼風雨過。歸田不待老,永訣凡幾個。幸玆廢棄餘,疲馬解鞍馱。全家占江驛,絕境天為破。飢貧相乘除,未見可弔賀。澹然無憂樂,苦語不成些

    Ta sinh trong trời đất Như kiến bò cối đá Nhắm hữu khu khu đi Không kể gió xoay tả

    Nói chạy theo nhân nghĩa Chưa khỏi chuyện cơm áo. Gạo như gươm, thổi rát mặt

    Áo như kim chích ngồi không yên Há không non nước đẹp

    Ghé mắt mưa gió qua Về ruộng nõ đợi già

    Sức lực còn đôi chút May nhờ đất phế thải

    Ngựa cùng thảo yên cương Lấy bến sông làm nhà

    Trời dọn cho tuyệt cảnh Đói rách thừa trừ nhau Khỏi chia buồn chia vui Vừa vừa không cực sướng Nói chi đến chuyện khổ

    5

    Buổi sáng, đến Ba hà khẩu đón Tử Do: Khứ niên ngự sử phủ

    Cử động xúc tứ bích U u bách xích tỉnh

    Ngưỡng thiên vô nhất tịch Cách tường văn ca hô

    Tự hận kế chi thất Lưu thi bất nhẫn tả Khổ lệ tí chỉ bút

    Dư sinh phục hà hạnh Vinh sự hữu kim nhật Giang lưu kính diện tĩnh Yên vũ khinh mạc mạc Cô chu như phù ế

    Điểm phá thiên khoảnh bích Văn quân tại Từ hồ

    Dục kiến cách chỉ xích Triêu lai hảo phong sắc Kỳ vĩ tây bắc trịch

    Hành đương trung lưu kiến Tiếu nhãn thanh quang dật Thử bang nghi khả lão

    Tu trúc đái tuyền thạch Dục mãi Kha thị lâm

    Tư mưu đãi quân tất

    去年御史府 举动触四壁。幽幽百尺井,仰天無一席。隔墙聞歌呼,自恨計之失。留詩不忍寫,苦淚渍紙筆。餘生復何幸,榮事有今日江流鏡面淨,煙雨輕冪冪。孤舟如鳧黳,點破千頃碧。聞君在磁湖,欲見隔咫尺。朝來好風色,

    腳西北擲。行當中流見,笑眼清光溢。此邦疑可老,修竹帶泉石。欲買柯氏林,玆謀待君必

    Mấy câu đầu, ông tả lại cảnh ngồi tù tại phủ ngự sử năm ngoái. Phần giữa nói tâm trạng của ông khi đi đón Tử Do, vào buổi sáng, tại Ba hà khẩu. Cuối cùng, ông nói với Tử Do về tình trạng sinh sống thường nhật, và cùng những dụ tính ngày sau. Ông có cảm giác như vĩnh viễn lưu đày tại đất Hoàng Châu đó.

    Năm ngoái phủ ngự sử Tay chân chạm vách tường Hun hút trăm thước giếng

    Trông trời không chiếu manh

    Nghe ca hô cách vách Hận mình tính hỏng trơn Thư lưu không nỡ viết Lệ khổ đẫm giấy bút Còn sống thế là may

    Mới có niềm vui này

    Sng trôi mặt nước phẳng Mưa nhẹ khói mù bay Thuyền lẻ như cò vạc Chấm phá biếc trời mây Nghe chú tại Từ hồ

    Muốn gặp trong gang tấc Buổi sáng phong cảnh tốt nhắm Tây bắc phất cờ Rồi gặp ở trung lưu

    cười hai mắt sáng chói Đất này thôi dưỡng già Hàng tre ôm đá suối Muốn mua rừng họ Kha Đợi chú lo mới nổi

    6.

    ĐÔNG PHA BẤT THỦ 東坡八首

    I

    Phế lỗi vô nhân cố

    Đồi viên mãn bồng cao Thùy năng quyên trợ lực Tuế vãn bất thường lao độc hữu cô lữ nhân thiên cùng vô sở đào đoan lai thập ngõa lịch tuế hạn thổ bất cao

    kỳ khu thảo cức trung Dục quát nhất thốn mao Vị nhiên thích lỗi thán Ngã lẫm hà thời cao

    II

    Hoang điền tuy lãng mãng Cao tì các hữu thích

    Hạ thấp chủng canh thuật Đông nguyên thì táo lật Giang nam hữu Thục sĩ Tang quả dĩ hứa khất

    Hảo trúc bất nam tài

    Đản khủng tiên hoành dật Nhưng tu bốc giai xứ

    Qui dĩ an ngã thất

    Gia đồng thiêu khô thảo Tẩu báo ám tỉnh xuất Nhất bão vị cảm kỳ Biều ẩm dĩ khả tất

    III

    Tự tích hữu vi tuyền Lai tùng viễn lĩnh bối Xuyên thành quá tụ lạc Lưu ác tráng bồng ngải Khứ vi Kha thị pha Thập mẫu ngư hà hội Tuế hạn tuyền dĩ kiệt

    Khô bình niêm phá khối Tạc dạ nam sơn vân

    Vũ đáo nhất lê ngoại Huyễn nhiên tầm cố độc Tri ngã lý hoang hội

    Nê cần hữu túc căn Nhất thốn ta độc tại Tuyết nha hà thời động Xuân cưu hành khả quái

    I

    Chủng đạo thanh minh tiền Lạc sự ngã năng sổ

    Mao khong ám xuân trạch Châm thủy văn hảo ngữ Phân ương cập sơ hạ

    Tiệm hỉ phong diệp cử Nguyệt minh khán lộ thượng Nhất nhất châu thùy lũ

    Thu lai sương huệ trọng Điên đảo tương xanh trụ Đản văn huề lũng gian Trách mãnh như phong vũ Tân xuân tiện nhập tắng

    Ngọc diệp chiếu không lữ Ngã cửu thực quan thương Hồng hủ đẳng nê thổ Hành đương tri thử vị Khẩu phúc ngữ dĩ hứa

    V

    Lương nông tích địa lực Hạnh thử thập niên hoang Tang giá vị cập thành Nhất mạch thứ khả vọng Đầu chủng vị dũ nguyệt

    Phúc khối dĩ thương thương

    Nông phu cáo ngã ngôn

    Vật sử miêu diệp xương

    Quân dục phú binh nhĩ Yếu tu túng ngưu dương Tái bái tạ khổ ngôn

    Đắc bảo bất cảm vong

    VI

    Chủng tảo kỳ khả bác Chủng tùng kỳ khả đoạn Sự tại thập niên ngoại

    Ngô kế diệc dĩ khác Thập niên hà thúc đạo Thiên tải như phong bạc Cựu văn Lý Hành nô

    Thử sách nghi khả học Ngã hữu đồng xá lang Quan cư tại Tiềm nhạc Di ngã tam thốn cam Chiếu tòa quang trác lạc Bách tài thảng khả trí Đương xuân cập băng ác Tưởng kiến trúc ly gian

    Thanh hoàng chiếu ốc giác

    VIII

    Phan tử cựu bất điệu Cô tửu Giang Nam thôn

    Quách sinh bản tương chủng Mại dược Tây thị viên

    Cổ sinh diệc hiếu sự Khủng thị áp nha tôn Gia hữu thập mẫu trúc Vô thời dung khấu môn Ngã cùng giao cựu tuyệt Tam tử độc kiến tồn Tùng ngã ư Đông Pha

    Lao hưởng đồng nhất xan Khả liên Đỗ Thập di

    Sự dữ Chu Nguyễn luân Ngô Sư Bốc Tử Hạ

    Tứ hải giai đệ côn.

    VIII

    Mã sinh bản cùng sĩ Tùng ngã nhị thập niên Nhật dạ vọng ngã quí Cậu phận mãi sơn tiền Ngã kim phản lụy quân Tá canh chuyết tư điền Quát mao qui bối thượng Hà thời đắc thành chiên Khả liên Mã sinh si

    Chỉ kim khoa ngã hiền Chúng tiếu chung bất hối Thí nhất đương hoạch thiên

    廢壘無人顧,頹垣滿篷篙。誰能捐筋力,晚不償勞。獨有孤旅人 天窮無所逃端來拾瓦礫歲旱土不膏崎嶇草棘中欲刮一寸毛喟焉釋耒嘆我廩何時高

    荒雖浪莽 高庳各有適下隰種秔稌東原蒔棗栗江南有蜀士桑果已許乞好竹不難栽但恐鞭橫逸仍須卜佳處規以安我室家僮燒枯草走報暗井出一飽未敢期瓢飲已可必

    自有微泉 來從遠嶺背穿城過聚落流惡壯蓬艾去為柯氏陂十畝魚蝦會歲旱泉已竭枯萍粘破塊昨夜南山雲雨到一犁外泫然尋故瀆知我理荒薈泥芹有宿根一寸嗟獨在雪芽何時動春鳩行可膾

    種稻清明前樂事我能數毛空暗春澤針水間好語分秧及夏初漸喜風葉舉月明看露上一一珠垂縷秋來霜穗重顛倒相撐拄但聞畦隴間蚱蜢如風雨新春便入甑玉粒照筐筥我久食官仓红腐等泥土行當知此味口腹語已許

    良農惜地力幸此十年荒桑柘未及成一麦庶可望投种未逾月覆塊已苍苍

    農父告我言勿使苗葉昌君欲富饼饵须纵牛羊再拜谢苦言饱不敢

    枣期可剥种松期可斫事在十年外吾計亦已十年何足道千载如風雹舊聞李衡奴此策疑可學我有同舍郎官居在灊岳遗我三寸甘照座光卓百栽倘可致當及春冰渥想見竹篱間青黄照屋角潘子久不調沽酒江南村郭生本将種賣葯西市垣古生亦好事恐是押牙孫家有十畝竹無時客叩門我穷交舊絕三子獨見存従我菸東坡劳饷同一餐可憐杜拾事與朱阮掄吾師卜子夏四海皆弟昆

    馬生本窮士従我二十年

    日夜望我貴求分買山我今反累君借耕輟兹田刮毛龜背上何時得成氈可憐馬生癡至今夸我賢眾笑终不悔施一當獲千

    Đông Pha, khoảng đất phía đông Hoàng Châu. Ông về làm ruộng ở đó, tự hiệu Đông Pha cư sĩ. Tám bài thơ làm tại đây, tả cảnh sinh hoạt thường nhật của Ông.

    Ông tự viết lời dẫn cho cả tám bài thơ:

    “Tôi đến Hoàng Châu được hai năm, càng ngày càng túng quẫn. Người bạn cũ Mã Chính Khanh, cám cảnh tôi thiếu ăn, nên lo hộ trong quân cho tôi được vài mươi mẫu đất trồng trọt, để tôi ở đó cày cuốc. Đất bỏ hoang từ lâu, gai, tranh, gạch ngói, các thứ chen chúc nhau tràn lan. Mà năm lại gặp đại hạn, việc khai khẩn quá mệt nhọc, gân sức rã rời hết, buông cày đứng than thở. Mới làm các bài thơ đó. Tư an ủi sự siêng năng của mình sẽ được đền bù năm sau, do đó quên cả mệt nhọc”

    Tám bài thơ thuật sự, nên chương pháp như một bài tản văn. Lời thơ và tình tự, chất phác và nồng nàn. Ở đây có thể thưởng thức tài làm thơ lão luyện của ông. Và cũng có thể nghe được đâu là tâm tình dịu ngọt của một nhà thơ. Ông nói tới những công lao cực nhọc của người làm ruộng, những lo lắng khi trời hạn hán. Rồi tới cái vui và tình làng xóm giao hảo. Tại đó, ông có ba ngườ bạn nông dân thân thiết, bác Phan, bác Quách và bác Cổ. Thú đồng quê cực nhọc mà tựa như nhàn.

    Hai câu kết trong bài (I) là hứng thơ như mạch ngầm chảy suốt qua cả tám bài:

    Vị nhiên thích lỗi thán Ngã lẫm hà thời cao

    Buông cây đứng than thở Kho lúa bao giờ đầy?

    Ông đã ghi lại ý tưởng đó trong lời dẫn. Buông cây đứng than thở, đứng bùi ngùi thở dài…. Thở dài cho kho lúa đầy cao, và cũng thở dài cho trời thơ và cõi mộng xa xôi.

    (I)

    Ruông đất bỏ hoang, không ai đoái tưởng tới. Vườn tược đổ nát, lau lách mọc đầy. Ai mà ra gân sức cho nổi; rồi vãn một năm không bù lại công khó.

    Chỉ có người bị lưu đày cô quạnh, góc bể chân trời không chỗ trốn, mới hăm hở đến dọn gạch, dọn ngói. Năm hạn, đất không dẻo. Giữa đám gai lởm chởm, chừng như muốn bứt từng sợi lông. Rồi bùi ngùi buông cày đứng than thở, biết bao giờ

    cho đụn lúa đầy cao?

    (II)

    Ruộng hoang dù cỏ dại mọc đầy, nhưng cũng cất được căn nhà thấp. Chỗ trũng thấp thì trồng lúa canh, lúa thuật; đất bằng ở mé đông trồng rau thì là, trồng táo, trồng dẻ.

    Đất Giang nam bấy giờ có kẻ quê ở đất Thục (tức là ông) đã yên phận trồng dâu trồng trái. Tre tốt trồng không khó, nhưng sợ người ta chặt làm roi (Gieo cái tài sản của mình cho tốt, tâm mình cho thẳng như tre, tránh sao khỏi đời nó bẻ làm roi)

    Nay đã chọn được chỗ ở tốt, việc nhà đã thu xếp ngăn nắp rồi. Sắp trẻ đốt cỏ khô, chạy tới báo tin có mạch nước ngầm. Nhưng một bữa no, không mong gì hơn nữa; uống nước trong cũng đã đủ lắm.

    (III)

    Chỗ này trước kia có con suối nhỏ, từ sau dãy núi xa xôi chảy đến, len lỏi qua thị thành, qua các làng mạc, cuốn đi những thứ hại, làm tươi tốt lau sậy. Rồi chảy qua bờ ruộng nhà họ Kha, cả mười mẫu đầy những tôm và cá. Đến năm nay, trời hạn, suối cũng cạn; bèo khô dính bám vào những mảng đất lở.

    Đêm hôm qua, mây kéo trên núi nam, mưa dâng chừng ngập lưỡi cày, mênh mông chảy theo con lạch cũ; mới biết ta đã dọn sạch hết cỏ dại. Rau cần, mọc chen dưới bùn, còn lại chút rễ, vắn chừng một tấc. Chồi trắng như tuyết bao giờ động, để đến mùa xuân, bắt chim cưu mà ăn thịt thái (Ông tự chú: Người đất Thục quí chồi non rau cần, xắt nó trộn với thịt thái chim cưu mà ăn)

    (IV)

    Trồng lúa trước thanh minh, có thể tính được nỗi vui sướng của mình. Trời mưa bay như lông bay, phủ mờ ao hồ mùa xuân; nghe những tiếng hớn hở nói lúa đã chích nước (ông tự chú: Người Thục gọi mưa bay là mưa lông. Lúa khi vừa trổ, nông phu bảo nhau là lúa sẽ chích nước.)

    Rải mạ đợi mùa hè, mừng dấn thấy gió đã lay ngọn. Trăng sáng rọi trên sương, như từng hạt ngọc kết vạt áo rũ. Mùa thu, sương nặng trên bông lúa; cọng lúa

    nghiêng ngửa giữ nhau đứng vững. Nghe trên các bờ ruộng, cào cào kêu như mưa như gió (Ông tự chú: tại đất Thục, vào mùa lúa chín, cào cào bay từng đàn giữa ruộng; dáng như sâu lúa, nhưng không làm hại lúa.)

    Xuân mới, chợt đi vào trong chậu; hạt ngọc lấp lánh trong thúng mủng. Từ lâu, ta ăn gạo thóc quan, trái hồng thúi coi như đất bùn. Đâu biết được mùi vị này, đã chịu vừa miệng vừa bụng ta lắm rồi.

    (V)

    Nhà nông giỏi thì biết tiếc sức của đất. Đất này nhớ mười năm bỏ hoang, dâu đỏ dâu đen chưa đến lúc lớn, có thể mong được một mùa lúa mạch. Gieo giống chưa đầy tháng, đã thấy xanh mượt trên các gò đất. Nông phu bảo ta rằng, đừng để lá mạ lên hết mức; nếu anh muốn giàu bánh trái, nên thả trâu dê ra. Lại bái tạ lời thiết tha đó. Được no cơm, sẽ không dám quên.

    (VI)

    Trồng cây táo chờ đến mùa bóc vỏ; trồng cây thông cũng chờ đến mùa đốn được. Đó là việc mười năm sau; nhưng việc tính toán của mình coi như đã tốt đẹp. Mười năm có là bao? Một nghìn năm thì cũng như gió rào, mưa đá. Xưa kia, có nghe chuyện người tớ của Lý Hành. Cái cách đó có lẽ học được.

    Tôi có người bà con, làm quan ở Tiềm Nhạc, tặng cho cây cam chừng ba tấc; rọi chỗ ngồi sáng chói. Trồng nó hàng trăm lần mới được. Gặp lúc mùa xuân, tuyết bám đầy, tưởng chừng như nơi hàng dậu, màu xanh màu vàng rũ bên góc nhà.

    (VII)

    Bác Phan từ lâu không đến rủ đi mua rượu xóm Giang nam. Bác Quách đang sửa soạn gieo giống, bán thuốc ở chợ Tây. Bác Cổ lại khá bày vẽ, chắc là bắt con cháu nhín răng. Nhà có mười mẫu tre, không hề có người đến đập cửa. Ta còn ở bước đường cùng, bạn ngày xưa không còn ai. Chỉ còn thấy có ba bác đó, theo ta ở Đông pha, cùng làm lụng mệt nhọc rồi cùng chung bữa. Khá thương Đỗ Thập Di (Đỗ Phủ). Việc gì mà bàn với Chu Nguyễn? Thầy ta là Bốc Tử hạ, bốn biển đều là anh em.

    (VIII)

    Bác Mã vốn một gã nghèo cùng, theo ta hai mươi năm; ngày đêm coi trọng ta, xin góp tiền mua núi! Ta nay làm lụy đến bác. Nhờ bác cho cày ruộng đó. Nhưng nhổ lông trên lưng con rùa, bao giò dệt thành chiếc mũ dạ cho nổI? Đáng thương bác mã dạI dột, đến nay cứ tâng bốc ta là hay. Người ta cười cho mà không hối, cứ như cho một lấy lại nghìn!

    7.

    Mùa đông chí, cháu ông, An Tiết đến thăm. Ông ra Hoàng châu đến bây giờ đã gần hai năm. Tình cố quận, tình tha hương, cả hai đền mặn mà. Tuổi ông lúc đó gần tròn 46, mà đầu đã bạc. Mùa thu, tóc trắng, đâu đâu cũng đồng vọng âm hưởng tịch liêu. Một già một trẻ, nơi đồi núi xa xăm, sự đời như sóng nước Trường Giang; tháng 9 đã bắt đầu mùa nước lũ; cuối đông, sương mù kéo dày trùng điệp. Cái nồng nàn, thắm thiết của hồn thơ, biết đâu là cùng tận? Con chuột đói lần ra trong những đêm vắng. Tạo vật vốn dĩ vô tình, nhưng tuế nguyệt la đà, mây trời

    chìm nổi; thì trên những triền núi cheo leo, có khi cũng có thể nghe được tiếng đồng vọng mơ hồ của đêm dài heo hút. Đồng vọng đó cũng có thể thấy ở chỗ

    “năm tháng cheo leo”, hay năm tháng trơ vơ. Nắng buổi chiều trợt dốc dài trên sườn núi, ruỗi dài giữa cô quạnh mông lung. Cái đó như là tâm sự được ký thác bên kia bờ viễn mộng; tâm sự riêng biệt của năm tháng, hay của cánh chim hồng, bay ngang qua dòng thác thời gian đổ xuống ào ạt?

    I

    Nam lai bất giác tuế tranh vanh Tọa bát hàn hôi thính vũ thanh Già nhãn văn thơ nguyên bất độc Bạn nhân đặng hỏa diệc đa tình Ta dư lạo đạo vô qui nhật

    Linh nhữ ta đà dĩ bán sanh Miễn sử Hàn công bi thế sự

    bạch đầu hoàn đối đoản đăng khanh[1]

    I

    Tâm suy diện cải sấu tranh vanh

    Tương kiến duy ưng thức cựu thanh Vĩnh dạ tư gia tại hà xư

    Tàn niên tri nhữ viễn lai tình Úy nhân mặc tọa thành si độn Vấn cựu kinh hô bán tử sanh

    Mộng đoạn tửu thinh thu vũ tuyệt Tiếu khan cơ thử thượng đăng khanh

    南来不觉岁峥嵘拨寒灰听雨聲遮眼文书元不

    伴人燈火亦多情嗟余潦倒無歸日

    今汝跎已半生。免使韩公悲世

    白頭遑對短燈檠心衰面改瘦峥嵘

    相見惟應識舊聲永夜思家在何處

    残年知汝遠来情。畏人默坐成痴

    問舊驚呼半死生梦断酒醒山雨

    笑看饑鼠上橙檠。

    (I)

    Từ sang nam, bỗng chốc năm đã chầy heo hút, Giữa đêm dài ngồi khơi tro lạnh nghe mưa rơi Tay che mắt, thơ văn nguyên chẳng đọc,

    Bên bóng đèn ánh lửa ấm tình người Ta lận đận mấy năm trường lưu lạc, Cháu bon chen bươn bả nửa đời rồi. Thế sự đó ông Hàn xưa khỏi khóc, Đèn vắn chân tóc trắng vẫn chưa thay.

    (II)

    Tâm suy mặt đổi gầy hốc hác, Gặp nhau qua giọng cũ mà thôi Quê hương xa đồng vọng đêm dài

    Cháu lặn lội sưởi tình năm tháng lại

    Ngồi lặng tiếng bởi sợ người nên ngây dại, Bạn bè xưa sống chết nghĩ mà kinh

    Rượu tỉnh mơ tàn mưa đã dứt Cười xem chuột đói leo chân đèn

    8

    I

    Cơ nhân hốt mộng phạn tắng dật Mộng trung nhất bão bách ưu thất Chỉ tri mộng phạn bản lai không Vị ngộ chân cơ thị hà vật

    Ngã sinh vô điền thực phá nghiễn Nhĩ lai nghiển khô ma bất xuất Khứ niên thái tuế không tại dậu Bàng xá hồ tương bất dụng khất Kim niên hạn tuế phục như thử Tuế vãn hà dĩ kiềm ngô đột Thanh thiên đãng đãng hô bất văn Huống dục khê thủ hào nê Phật Úng trung tích dịch vưu khả tiếu Kỳ kỳ mạch mạch hà đẳng trật

    Âm dương hữu thì vũ hữu số Dân thị thiên dân thiên tự tuất Ngã tuy cùng khổ bất như nhân Yếu diệc tự thị dân chi nhất Hình dung tuy thị táng gia cẩu Vị khẳng nhị nhĩ tranh đầu cốt Đảo quán lạc trách tạ bằng hữu Độc dữ văn lôi cọng khuê tất.

    Cố nhân sân ngã bất khai môn

    Quân thị ngã môn thùy khẳng khuất Khả liên minh nguyệt như bát thủy Dạ bán thanh quang phiên ngã thất Phong tùng nam lai phi vũ hầu

    Thả vị bì nhân tẩy chưng uất

    Khiên thường nhất họa khoái tai dao Vị hạ cơ hàn niệm minh nhật

    飢 人忽 夢 飯 甑 溢 ,夢 中一 飽 百 憂 失 。只 知夢 飽 本 來 空 ,未 悟真 飢 定 何 物 。

    我 生無 田 食 破 硯 ,爾 來硯 枯 磨 不 出 。去 年太 空 在 酉 ,傍 舍壺 漿 不 容 乞 。今 年旱 勢 復 如 此 ,晚何 以 黔 吾 突 。青 天蕩 蕩 呼 不 聞 ,況 欲稽 首 號 泥 佛 。甕 中蜥 蜴 尤 可 笑 ,跂 跂脈 脈 何 等 秩 。陰 陽有 時 雨 有 數 ,民 是天 民 天 自 卹 。我 雖窮 苦 不 如 人 ,要 亦自 是 民 之 一 。形 容可 似 喪 家 狗 ,未 肯耳 爭 投 骨 。倒 冠落 幘 謝 朋 友 ,獨 與蚊 雷 共 圭 蓽 。故 人嗔 我 不 開 門 ,君 視我 門 誰 肯 屈 。可 憐明 月 如 潑 水 ,夜 半清 光 翻 我 室 。風 從南 來 非 雨 候 ,且 為疲 人 洗 蒸 鬱 。褰 裳一 和 快 哉 謠 ,未 暇飢 寒 念 明 日 。

    II

    Khứ niên đông pha thập ngỏa lịch Tự chủng hoàng tang tam bách xích Kim niên ngải thảo cái tuyết đường

    Nhật chích phong xuy diện như mặc Bình sinh lại đọa kim thủy hối

    Lão đại cần nông thiên sở trực Phái nhiên lệ tứ tam xích vũ

    Tạo hóa vô tâm hoảng nan trắc

    Tứ phương thượng hạ đồng nhất vân Cam chú bất vi long sở cách

    Bồng cao hạ thấp nghinh hiểu lỗi Đăng hỏa tân lương thôi dạ chức Lão phu tác bãi đắc cam tẩm

    Ngọa thính tường đông nhân hưởng kịch Bôn lưu vị dĩ khanh cốc bình

    Chiết vi khô hà tứ phiêu nịch Hủ nho thô lệ chi bách niên

    Lực canh bất thọ chúng mục liên Pha pha lậu thủy bất nại hạn Nhân lực vị chí cầu thiên toàn

    Hội đương tác đường kính thiên bộ Hoành đoạn tây bắc già sơn tuyền Tứ lân tương suất trợ cử xử

    Nhân nhân tri ngã nang vô tiền Minh niên cọng khan quyết cừ vũ

    Cơ bão tại ngã ninh quan thiên Thùy năng bạn ngã điền gian ẩm Túy đảo duy hưu chi đầu chuyên去 年東 坡 拾 瓦 礫 ,

    自 種黃 桑 三 百 尺 。今 年刈 草 蓋 雪 堂 ,日 炙風 吹 面 如 墨 。平 生懶 惰 今 始 悔 ,老 大勸 農 天 所 直 。沛 然例 賜 三 尺 雨 ,造 物無 心 怳 難 測 。四 方上 下 同 一 雲 ,甘 霪不 為 龍 所 隔 。蓬 蒿下 濕 迎 曉 耒 ,燈 火新 涼 催 夜 織 。老 夫作 罷 得 甘 寢 ,臥 聽牆 東 人 響 屐 。奔 流未 已 坑 谷 平 ,折 葦枯 荷 恣 漂 溺 。腐 儒麤 糲 支 百 年 ,力 耕不 受 眾 目 憐 。破 陂漏 水 不 耐 旱 ,人 力未 至 求 天 全 。會 當作 塘 徑 千 步 ,橫 斷西 北 遮 山 泉 。四 鄰相 率 助 舉 杵 ,人 人知 我 囊 無 錢 。

    明 年共 看 決 渠 雨 ,飢 飽在 我 寧 關 天 。誰 能伴 我 田 間 飲 ,醉 倒惟 有 支 頭 磚 。 III

    Thiên công hiệu lệnh tái bất xuất Thập nhật sầu lâm tính vi nhất Quân gia hữu điền thủy mạo điện Ngã gia vô điền ưu nhập thất

    Bất như Tây châu Dương đạo sĩ Vạn lý tùy thân duy lưỡng tất Duyên lưu bất ố tố diệc giai

    Nhất diệp biển chu nhiệm phong đột Sơn khung mạch khúc đô bất dụng Nê hành lộ túc chung vô tật

    Dạ lai cơ trường như chuyển lôi Lữ sầu phi tửu bất khả khai Dương sinh tự ngôn thức âm luật Động tiêu nhập thủ thanh thả ai Bất tu cánh đãi thu tỉnh sáp

    Kiến nhân bạch cốt phương hàm bôi

    公号令再不出, 十日愁霖併為一。君家有田水冒田,

    我家無田憂入室。 不如西州杨道士,萬里随身惟两膝。沿流不恶惡斥亦佳,一葉扁舟任風突。山芎麦麴都不用,泥行露宿终無疾。夜來飢腸如轉雷,旅愁非酒不可開。

    杨生自言識音律,洞蕭入手清且哀。不须更待秋井塌见人白骨方衔杯

    Ba bài họa thơ của Không Nghị Phủ. Thơ họa vần, nhưng cốt cách không phải là họa. Không chỉ tài tình, mà còn tài hoa nữa. Giọng khinh bạc, thì cao vòi vọi.

    Giọng cay đắng, thì cay cùng cực. Giọng nồng nàn, giọng giận dữ. Trong một cảm tình, Đó há không là những phương trời viễn mộng, trong cùng một lúc, bỗng đột ngột hiện về? Ban đầu ông nói sử tình nắng hạn và cảnh khó của ông. Rồi bất chợt lời thơ như phẫn nộ, có thể thấy những chỗ ông gằn giọng, Cuối cùng là giọng thơ trở nên điềm đạm, và đến lúc chấm dựt thì ngậm ngùi: rượu nồng cho tình người nồng nàn trong một cõi nhân sinh, và xương trắng lạnh lùng với đất cho lịch sử trở thành những lời vĩnh tịch

    Nắng hạn cùng cực, mưa gió cùng cực; mọi cái hiện ra trong sự cùng cực sôi động. Lời thơ có phẫn nộ, có phóng dật, mang tất cả phong vận tài hoa sôi động, nhưng phảng phất một cõi trầm lặng tịch liêu; một viên đá nhỏ nằm giữa ngã ba đường, trong cảnh tượng náo nhiệt. Hồn thơ tỏa ra từ đó, bao trùm cả một cõi thơ bát ngát. Đá cuội say sưa nghiêng ngửa, và xương trắng lạnh lùng không nói: đâu là trời thơ? Đó là dấu lặng trong một bản đại hòa tấu. Không nên nghe một cách khinh suất.

    Dịch nghĩa

    (Các bài này vạn nhất đừng cố dịch theo vần điệu. Người đọc dù không biết một tí chữ Hán. Trời thơ sẽ đến bất ngờ. Mai sau xương trắng cửa mình nín lặng dưới lòng đất, nhưng đá cuội bên đường sẽ nghe ra hế, và gật đầu trong sự tình giao ứng.)

    I

    Người đói bỗng nằm mộng thấy bát cơm đầy;

    Một bữa no trong cơn mộng mà một trăm nỗi ưu phiền tiêu tất cả Chỉ biết rằng cái no trong mộng bản lai là không.

    Chứ chưa tỏ ngộ được cái đói thực sự là cái gì.

    Tôi sinh ra không có ruộng, kiếm ăn bằng nghiên mực mẻ; Từ lâu nghiên mực đã khô, mài không ra

    Năm ngoái sao Thái tuế nằm trơ tại dậu,

    Nhà bên cạnh, một lọ tương cũng không chịu xin. Mà năm nay, cái thế hạn lại như vậy.

    Cuối năm, lấy gì nấu cho đen ống khói nhà tôi? Trời xanh vòi vọi, kêu không thấu.

    Còn lại muốn cúi đầu réo Phật đất nữa ư? Con thằn lằn trong vò lại đáng nực cười

    Bò tới bò lui lịch kịch, chẳng ra đầu đuôi gì cả. Âm dương có thời, mưa gió có số

    Dân là dân của trời, trời phải thương; Tôi tuy cùng khổ, chẳng hơn được ai,

    Nhưng cũng là một người trong đám dân đó. Hình dung tuy như con chó nhà ma,

    Nhưng chưa chịu vểnh tai dành cái mẩu xương vứt ra đó. Bứt giải, lột mũ, tạ bạn bè,

    Một mình cùng với lũ ruồi, chúng kêu vo vo như sấm, bu lại trên đám hành. Bạn bè giận tôi không mở cửa

    Nhưng ngài thử coi, ai khứng nghiêng mình trước cửa nhà tôi? Chỉ thương tình trăng ngây thơ tuôn ánh sáng như nước xối, Nửa đêm đổ ánh sáng mát lọt vào nhà ta,

    Gió từ nam thổi tới, chưa phải là lúc có mưa

    Nhưng cũng vì cái người mệt mỏi mà rửa sách những nực nội ấm ức trong lòng Vén tay áo đáp lại bằng một bài dao: rằng sướng thay!

    Nhưng chưa một thoáng, lại nghĩ tới chuyện đói no ngày mai.

    II

    Năm ngoái, dọn gạch ngói tại đông pha, Tự trồng dâu trong ba trăm thước đất.

    Năm này cắt cỏ lợp nhà tuyết

    Nắng rám, gió thổi, mặt đen như mực. Bình sinh biếng nhác, nay mới hối.

    Già nua mà chăm chỉ làm ruộng, nên trời thương, Chiếu lệ đổ mưa rầm rầm, cao ba thước.

    Tạo hóa vô tâm, mù mờ khó lường nổi.

    Mây cả một vùng, khắp bốn phía, từ trên đến dưới; Đổ mưa dầm không ngớt, không cho rồng nghỉ ngơi. Sớm mai, lau sậy dưới đất trùng đã đón lưỡi cày.

    Đèn lửa sáng tươi trở lại, thúc giục người ta dệt vải ban đêm. Lão phu làm ruộng xong được một giấc ngon;

    Nằm nghe bên tường đông có người khua tiếng guốc. Nước chảy chưa bao lâu, hầm hố đầy cả.

    Lau gãy, sen héo, mặc tình chìm nổi.

    Hủ nho giã gạo thô tưởng chừng một trăm năm chưa chắc xong;

    Ra sức cày, mà cày không nổi, con mắt mọi người trông thấy mà thương. Bờ ruộng vỡ, nước chảy tràn vào, bất kể trời hạn.

    Sức người chưa ra hết sực, lại phải cầu trời làm trọn cho, mới mong! Lại phải đào ao, dài một nghìn bộ,

    Nằm ngang cắt đôi tây bắc, cản suối trên đổ xuống. Hàng xóm kéo nhau đến giúp tay, nhắc hộ cái chày! Ai ai cũng biết túi tôi không mống tiền.

    Sang năm rồi coi, mưa sẽ làm vỡ con kênh đó! Đói no tại ta, mắc chi đến trời?

    Ai có thể ngồi uống rượu với ta giữa ruộng?

    Đó là viên sỏi đầu ngã ba, nó đã say nghiêng ngửa.

    IV

    Ông trời không ban hiệu lệnh mưa nữa.

    Mưa một lần suốt luôn mười hôm, dầm dề ủ dột. Nhà bác có ruộng, nước tuôn ngập ruộng

    Nhà tôi không ruộng lại lo nước tràn lên thềm. Chẳng bằng như Tây Châu Dương đạo sĩ,

    Đi hàng vạn dăm, chỉ theo mình hai cái đầu gối. Xuôi dòng không ghét, ngược dòng cũng tốt Một mảng thuyền, mặc tình trôi.

    Cỏ thuốc rừng, rượu bếp tẻ, đều không cần. Lội bùn, ngủ sương, không vội vã;

    Nhưng đêm đến, bụng đói, kêu như sấm

    Thì cái sầu cô lữ, không rượu, làm sao nguôi? Lão Dương tự cho giỏi âm luật,

    Đưa sáo vào tay, tiếng nghe trong mà buồn. Khỏi đợi giếng mùa thu vỡ nước

    Thấy người xương trắng mới ngậm chén.

    [1] Đoản đăng khanh, chân đèn vắng, trong m ột b ài th ơ c ủa H àn Dũ . Đại khái: chân đèn dài, tám thước, chỉ để mà dài; chân đèn vắn, hai thước, vừa tiện lại vừa sáng, Anh học trò lúc 20 tuổi, giã nhà đi lập danh phận. Đêm đêm chong đèn ngồi đọc sách trước cây đèn chân vắn. Rồi sau giàu sang, chong đèn chân dài cho đẹp nhà đẹp cửa. Cây đèn chân vắn bị bỏ rơi, nằm buồn câm nín tại một góc tường

    Bóng đèn khuya, con chuột đói, và nỗi buồn lữ thứ


    IV. TRỜI TRĂNG SAO IN MỘNG TRIỆU SÔNG HỒ (1086-1093)


    LỜI DẪN

    Trăng thanh cấm trên kia vùng sa mạc Trời Vũ lâm in mộng triệu sông hồ

    Đó là bầu trời đồng vọng, trong tương ứng. Thơ chen chúc giữa những gió và nhưng bụi của kinh thành, của ngọc đường kim mã, nên cái đồng vọng nghe ra những tiếng nghẹn ngào. Thăng hay trầm trong cuộc sống, cái đó không làm ra Thơ, không tạo dựng nổi cõi thơ. Không phải đi từ cực đỉnh công hầu xuống đến tận chỗ đọa đày cùng quẫn áo cơm mà trời Thơ có thể mở rộng. Thơ là cánh nạn lạc bầy đi tìm kiếm quê hương khắp suốt sơn cùng thủy tận, mà quê hương vẫn đồng vọng trong cách điệu không lời, không chốn. Thì người lịch nghiệm tồn sinh trên đôi cánh mỏng của Thơ, đến đâu chẳng là đất Trích. Gió bấc lạnh kinh hồn thổi vèo sương tuyết lên cùng sa mạc của đất Trích, cho nên trời trăng sao kia vẫn in mộng triệu sông hồ. Nhưng, trăng sao trên đó, và sông hồ dưới này, hai cõi miền xa xôi hoằng viễn. Mộng triệu đó mới thành ra là Viễn mộng. Bầu trời đó mới trở nên Trời Viễn mộng đọa đày cuộc Lữ. Rồi kỳ cùng của cuộc Lữ sẽ là đâu?

    I

    (I)

    Trúc ngoại đào hoa tam lưỡng chi Xuân giang thủy noãn áp tiên tri Lâu cao mãn địa lô nha đoản Chính thị hà đồn dục thượng thì

    竹外桃花三两枝,春江水暖鸭先知萎蒿满地芦芽短正是河豚欲上

    (II)

    Lưỡng lưỡng qui hồng dục phá quần Y y hoàn tợ bắc qui nhân

    Diêu tri sóc mạc đa phong tuyết

    Cánh đãi Giang nam bán nguyệt xuân

    兩兩歸鴻欲破群,依依還似北歸人。遙知朔漠多風雪,更待江南半月春

    Mùa xuân, ở Huệ sùng, buổi chiều trên sông. Bấy giờ là vào năm bính dần (1086), ông đã trở về kinh, sau năm năm bị biếm trích. Tâm sự vẫn như cánh nhạn lạc bầy, giữa đất kinh kỳ của sa mạc bắc phương, đầy sương tuyết.

    I

    Ngoài khóm trúc đào hoa mấy nhánh Nước mùa xuân nắng ấm vịt hay rồi Lau lách um tùm, chồi vi lô vừa lú Cá lòng sông lên đớp bóng ăn mồi

    II

    Đường lên bắc mấy cánh hồng lẻ bọn Bay dật dờ như người trở gót lưu li

    Trời sa mạc tưởng chừng sương tuyết nặng Đợi con trăng nửa mảnh ở nam về.

    2.

    Bấy giờ là năm bính dần (1086), năm đầu của triều vua Triết tông, nguyên hựu thứ nhất. Ông 51 tuổi, được vận thất phẩm phục, vào hầu triều, giữ chắc Trung thư xá nhân, rồi được dời sang Hàn lâm viện phụ trách soạn Chế Cáo cho vua

    Ngày 29 tháng 11 năm đó, bàn chuyện cũ với Đặng Thánh Cầu. Cầu là Hàn lâm viện thừa chỉ, trước kia làm Vũ xương lệnh, thường chơi Hà khê, Tây sơn. Lúc Đông Pha bị biếm trích ở Hoàng châu, đối ngạn với Vũ Xương, cũng từng chơi mấy chỗ đó. Thánh Cầu có làm bài mình khắc tại vách đá ở Vũ Xương; nhân đó, Ông làm bài thơ để cho người khắc cạnh bài minh của Cầu. Ông nói những ngày tháng ngao du ở Vũ Xương, trng thời kỳ bị biếm trích. Đây là những câu cuối của bài thơ đó:

    Sơn nhân trướng không viên hạc oán Giang hồ thủy sinh hồng nhạn lai Thỉnh công tác thi ký phụ lão

    Vãng hoà vạn hác tùng phong ai

    Người thợ săn bủa lưới giăng trời làm cho vượn, hạc sinh oán. Sông hồ đầy nước, cánh hồng cánh nhạn bay đến. Bài thơ làm khắc bên vách đá để ngày tháng cùng kêu với gió thông và các hốc núi.

    Làm xong bài thơ đo, mà tình tự còn dài, cảm hứng tưởng còn đồng vọng xa xôi. Ông làm thêm một bài nữa, lấy vận của bài trước. Đó là bài được trích ở đây.

    Chu nhan phát quá như xuân phôi Hung trung lê táo sơ vị tài

    Đan sa vị dị tảo bạch phát

    Xích tùng khước dục tham Hoàng mai

    Hàn khê bản tự Viễn công xã bạch liên thúy trúc y thôi ngôi

    Đương thời thạch tuyền chiếu kim tượng Thần quang dạ phát như Ngũ đài

    Ẩm tuyền giám diện chân đắc ý Tọa khan vạn vật giai phù ai Dục thâu mộ cảnh phản điền lý Viễn tố giang thủy cùng ly đôi Hoàn triều khởi độc tu lão bịnh

    Tự thán tài tận khuynh không lôi Chư công cừ cừ nhược hạ ốc

    Thôn thổ phong nguyệt thanh ngung ôi

    Ngã như phế tỉnh cửu bất thực Cổ trứu khuyết lạc sinh âm đài

    Số thi vãng phục tương cảm phát Cấp tân trừ cựu hàn quang khai Diêu tri nhị nguyệt xuân giang khoát Vân lãng đảo quyển vân phong tồi Thạch trung vô thanh thủy diệc tĩnh Vân hà giải chuyển không sơn lôi Dục tựu chư công bình thử ngữ

    Yếu thức ưu hỉ hà tùng lai

    Nguyện cầu Nam tông nhất điếu thủy Vãng dữ Khuất Giả tiên dư ai

    朱 顏發 過 如 春 醅 ,胸 中梨 棗 初 未 栽 。丹 砂未 易 掃 白 髮 ,赤 松卻 欲 參 黃 梅 。寒 溪本 自 遠 公 社 ,白 蓮翠 竹 依 崔 嵬 。當 時石 泉 照 金 像 ,神 光夜 發 如 五 臺 。飲 泉鑑 面 得 真 意 ,坐 視萬 物 皆 浮 埃 。欲 收暮 景 返 田 里 ,遠 泝江 水 窮 離 堆 。還 朝豈 獨 羞 老 病 ,自 歎才 盡 傾 空 罍 。諸 公渠 渠 若 夏 屋 ,

    吞 吐風 月 清 隅 隈 。 我 如廢 井 久 不 食 ,古 甃缺 落 生 陰 苔 。數 詩往 復 相 感 發 ,汲 新除 舊 寒 光 開 。遙 知二 月 春 江 闊 ,雪 浪倒 卷 雲 峰 摧 。石 中無 聲 水 亦 靜 ,云 何解 轉 空 山 雷 。欲 就諸 公 評 此 語 ,要 識憂 喜 何 從 來 。願 求南 宗 一 勺 水 ,往 與屈 、 賈 湔 餘 哀 。

    Xích Tùng Tử là lão tiên ông đã dạy đạo cho Trương Lương, cái đạo công thành thân thoái của Lão Tử. Hoàng Mai là Ngũ tổ Hoằng Nhẫn trao diệu lý Thiền tông cho Huệ Năng. Tuệ Viễn, từ đời Tấn, đã ẩn mình thế ngoại trên Lô Sơn, trọn đời không bước qua khỏi Hổ khê; cùng với 18 người bạn, Đông lâm thập bát hiền, lập Bạch Liên xã tu Phật ở đó. Ngũ đài sơn là ngọn núi mà Bồ tát Văn Thù thường lai vãng, có khi hiện thân làm mục đồng hát nghêu ngao. Đó cũng là nhưng phương trời viễn mộng vang dội mãi trong thơ của ông.

    Nét thanh xuân nở rộ như rượu nồng trinh nguyên chưa lọc, Mà rừng táo ẩn dật đã chưa gieo trồng trong bụng

    Đan sa cũng chưa dễ gì quét sạch tóc bạc.

    Kiếm xích tùng rồi lại muốn hỏi đạo với Hoàng Mai Dòng suối lạnh vẫn chỉ riêng nơi bạn bè của Tuệ Viễn Sen trắng, tre xanh, vẫn còn cao xa diệu vợi.

    Lúc bấy giờ suối đá chiếu tượng vàng, Ban đêm thần quang rực rỡ trên Ngũ đài

    Uống nước suối, soi mặt, mà thấy được chân ý, Ngồi coi vạn vật đều như bụi mờ

    Những dọn cảnh trời chiều trở về ruộng rẫy

    Rong xa cùng sông nước, đi suốt cùng rặng núi Ly đôi (ở bên dòng Trường giang tại tỉnh Tứ xuyên)

    Nay trở về triều, đâu chỉ thẹn vì tuổi già và yếu kém, Mà sầu khô vì tài đã hết, đã dốc cạn chén không;

    Các bạn phơi phới như căn nhà rộng Còn tôi như giếng bỏ lâu không dùng Thành giếng gãy đổ, rêu mờ phủ kín.

    Vài câu thơ qua lại gợi nhớ mà thôi.

    Uống cái mới, trừ cái cũ, ánh sáng lạnh lẽo mở ra vắng vẻ. Trời tháng hai, ngoài kia con nước mùa xuân lai láng,

    Sóng cuồn cuộn đổ rầm như gió tuôn ào ạt Đá im hơi dòng nước lặng như tờ,

    Làm sao nghe được tiếng sấm dậy trên rừng hoang? Muốn gặp các bác bình việc đó,

    Để biết cái vui buồn từ đâu mà lại,

    Chỉ mong một giọt nước đạo Thiền đốn ngộ,

    Cùng Khuất Nguyên, Giả Nghị, rửa sạch mọi u sầu. Ông tự chú: Thơ Vị Ứng Vật:

    Thủy tánh bản vân tĩnh Thạch trung cố vô thinh Như hà lưỡng tương kích Lôi chuyển không sơn kinh.

    Tánh nước nói là tĩnh Trong đá vốn không tiếng Sao khi chúng chạm nhau Sấm dậy vang núi vắng?

    3

    Vân hải tương vọng ký thử thân Na nhân viễn thích cánh thiêm cân Bất từ dịch kỵ lăng phong tuyết Yếu sử thiên kiêu thức phụng lân Sa mạc hồi khan Thanh cấm nguyệt Hồ sơn ứng mộng Vũ lâm xuân Thiên vu nhược vấn quân gia thế Mạc đạo trung triều đệ nhất nhân.

    云海相望寄此身,

    那因远适更沾巾。不辞驿骑凌风雪

    要使天骄识凤麟。沙漠回看清禁月,

    湖山应梦武林春。单于若问君家世

    莫道中朝第一人

    Từ Tống Triết tông, nguyên hựu thứ 4, năm kỷ ty. (1089), ông xin ra ngoại nhiệm; cốt ý tránh tai vạ. Bấy giờ ông lĩnh chức Long đồ các học sĩ ra coi Hàng châu. Vì ông trực ngôn, gây nhiều oán hận nơi các quan lại đương triều, càng ngày càng nhiều.

    Kể từ lúc ông trở về triều, năm nguyên hựu thứ nhất, cho đến năm đó, trải qua bốn năm; ông giữ chức Trung thư xá nhân, rồi Hàn lâm viện học sĩ, Hàn lâm viện thị độc. Trong những năm này, thơ ông phần lớn là những bài thù tạc, đối ứng.

    Chúng chen chúc với khói bụi kinh thành. Cho nên khi trở lại Hoàng châu, ông dâng biểu về triều, có nói: “Giang sơn cố quốc, đến cũng như đi; phụ lão, di dân, cùng với thần chăm hỏi nhau…”. Đấy là lúc sau 15 năm trở lại Hàng châu. Rối lúc viếng lại Tây hồ, ông tưởng chừng như gặp lại cái gì đó thao thiết nhất của mình trong quá khứ:

    Hoàn tùng cựu xã đắc tâm ấn Tợ tỉnh tiền sinh mịch thủ thơ.

    Khi ông lãnh chức Long đồ các học sĩ ra coi Hàng châu, Tử Do thay ông giữ chức Hàn lâm viện Thị độc tại triều. Năm đó, kỷ tỵ (1089). Tử Do đi sứ Khiết đan. Năm trước, ông được cử đi, nhưng xin từ.

    Bấy giờ ông đang ở tại Hàng châu, nên thơ nói: “Vũ lâm…”, đó là ngọn núi ở Hàng châu. Và Tử Do cũng đang làm Hàn lâm viện thị độc tại triều, nên thơ nói: “… Thanh cấm…” Thanh cấm, tức câm cung ở nội triều, nơi làm việc của các quan Hàn. Thoạt tiên, thơ go85i hứng tự tình giữa ông và Tử Do, nên lời htơ bộc trực và đậm đà. Nhưng rồi trời thơ đó bỗng mở ra cánh cửa hoằng viễn. Trăng trên miền sa mạc bắc phương cùng hiện về trong cõi mộng trên các sông hồ của nam hoa. Đó là cách điệu thanh thiết, và tráng lệ của thơ. Hai câu 5 và 6 thật tuyệt diệu.

    Người từ biển đông trông sang; Người từ mây bắc ngó lại.

    Đường xa xôi và tình đẫm mấy lần khăn. Vượt gió tuyết qua mấy trùng quán trọ, Cho giặc trời trông rõ mặt phượng lân.

    Trăng Thanh cấm trên kia vùng sa mạc, Trời Vũ lâm in mộng triệu sông hồ.

    Thiền vu nếu hỏi gia thế chú, Đừng nói trong triều Đệ nhất nhân

    LỊCH NGHIỆM KỲ CÙNG CUỘC LỮ

    (……)

    Đài Thành một thuở Thi Thơ

    Xe Vàng còn mộng quanh tà áo Thu Tóc Mai về, sương Ngô điểm mái Thân tàn như cỏ dại bờ đê

    Đăm đăm từ giã Kinh Kỳ

    Lao đao thần tử miền quê lạc loài (thơ của Lý Hạ)

    1.

    Tống Huy Tông, Thiệu thánh nguyên niên, giáp tuất (1094), Ông 59 tuổi, bị đày xuống Huệ Châu

    Năm trước, Ông đang giữ chức Đoan minh điện học sĩ kiêm Hàn lâm viện thị độc. Huy Tông vừa lên ngôi mà mầm họa lớn đã chớm nở tại triều đình. Lại thêm một lần muốn tránh tai vạ không lường, Ông xin ra làm thái thú Định Châu. Nhưng đến năm sau, bị giáng chức, phải đổi đi Anh châu; đi chưa đến nơi, bị cách chức tuốt luốt, đày xuống Huệ châu.

    Bước ra đi, với người tiễn khách, thơ ông gửi Sâm Liêu Tử: Mạc Ngôn Tây Thục vạn lý

    Thả đáo Nam hoa nhất du

    Phù bịnh giang biên tống khách Trượng noa phố khẩu hồi đầu

    Đường Tây Thục đã là hiểm trở Miền Nam hoa một chuyến càng ghê

    Người gượng bịnh bên dòng tiễn khách Gậy cầm tay phố khẩu ngóng về.

    Ai đã từng đọc bài thơ “Đường vào đất Thục” của Lý Bạch, phải biết cái hiểm trở kinh người nó mang những sắc diện hãi hùng như thế nào. Thì đường đi Nam hoa của ông, thử một lần mới biết; với đường vào đất thục, mối kinh tâm động phách cũng ra ngoài tưởng tượng. Cuộc tiễn chân, ẩn chứa bi hùng trong nỗi trầm tư lữ thứ.

    Tháng 6 năm đó, thuyền ông đỗ bến Kim lăng, gặp giông tố, lời thơ ông vọng về mấy người bạn xa xôi:

    Kim nhật giang đầu thiên sắc ác Pháo xa vân khởi phong dục tác

    Độc vọng Chung sơn hoán Bảo công Lam gian bạch tháp như cô hạc

    Bảo công cốt lãnh hoán bất văn

    ….

    Sắc trời như sụp xuống đầu sông. Xe bay mây trổi gió đùng đùng. Chỉ còn nước vọng về Chung sơn mà réo gọi Bảo công. Giữa rừng, nơi tháp trắng lẻ loi như cánh hạc; Bảo công xương lạnh, réo không nghe.

    Rồi ngang qua Lô sơn, trời mây bỗng cuộn cuộn, như long lở núi. Ông kêu gọi thần linh yểm trợ:

    Ngũ lão sỗ tùng tuyết Song khê lạc thiên đàm Tuy vân mặc đảo ứng Cố hữu di văn tàm

    Ngọn Ngũ lão, đã có lần chào đón ông trong phong vận tài tử, và những con suối từ cao đổ xuống trước kia chúng kiêu hùng cho tài hoa thưởng ngoạn. Bây giờ, trông xa xa, Lô sơn bỗng là những biến tượng đọa đày. Chân diện mục đã một lần như vén mở, nhưng vén mở rồi khép lại từ nào, mà trong bước đường Lữ thứ bây giờ, trời Lô sơn trở thành khổ luỵ nhân sinh đổ ào ào xuống.

    Lại cái màu xanh biếc kia nữa. Màu xanh biếc của ngọn Nga mi, màu xanh trong phương trời đồng vọng quê hương thuở xưa. Trong những ngày đó, ngọn Nga Mi xanh biếc giữa bầu trời là tình tự đầm ấm của quê hương. Nhưng bây giờ, màu đó chợt một lần thoáng qua giấc mộng cũng đủ gây ra vô số đoạn trường:

    Thanh khê điện chuyển thất vân tung Mộng lý do kinh thúy tảo không

    Suối trong sấm sét dậy, sụp đỉnh mây ngàn. Trong giấc mộng, mà còn kinh màu biếc giữa trời.

    Cho đến tháng tám, ngày mồng 7, ông vào Cống châu, ngang qua thác Hoàng khủng. Thì nơi đây, thơ đột ngột hiện lên những lời của viễn mộng:

    Thất thiên lý ngoại nhị mao nhân Thập bát than đầu nhất diệp thân Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng

    Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần

    2.

    Trên đường đi tới Huệ châu, ông gặp chùa Thiên trúc, ghé lại thăm, gặp bút tích của Lão Tô, ông làm thơ và tự viết lời dẫn:

    “Tôi năm 12 tuổi, tiên quân từ Kiềng châu về nói với tôi rằng: Gần thành, trong núi

    có chùa Thiên trúc, có bài thơ Bạch lạc Thiên tự tay viết:

    Nhất sơn môn tác lưỡng sơn môn Lưỡng tử nguyên tùng nhất tự phân Đông giạn thủy lưu tây giạn thủy

    Nam sơn vân khởi bắc sơn vân Tiền đài hoa phát hậu đài kiến

    thượng giới chung thanh hạ giới văn Diêu tưởng ngô sư hành đạo xứ Thiên hương quế tử lạc phân phân

    “Bút thế kỳ dật, dấu vết như mới, nay đã 47 năm rồi.

    “Tôi đến hỏi thăm, thì thơ đã mất, chỉ còn tấm đá khắc mà thôi. Ngậm ngùi nước mắt chảy, nên làm bài thơ đó”

    Bài thơ ông như thế này:

    Hương Sơn cư sĩ lưu di tích Thiên trúc thiền tăng hữu cố gia

    Không vịnh liên châu ngâm điệp bích Dĩ vong phi điểu thất kinh xà

    Lâm thâm dã quế hàn vô tử

    Vũ ấp sơn khương bịnh hữu hoa Tứ thập niên tiền chân nhất mộng Thiên nhai lưu lạc thế hoành tà

    香山居士留遺跡 天竺禪師有故家空詠連珠吟疊璧,已亡飛鳥失驚蛇。林深野桂寒無子,雨浥山薑病有花。四十七年真一夢,天涯流落淚橫斜

    Hương sơn cư sĩ lưu di tích Thiên trúc thiền sư có của nhà

    Chuỗi hạt lần không, mòn vách đá

    Chim ngàn biền biệt rắn chuồn xa Mùa lạnh rừng sâu còn quế dại Người đau mưa núi đượm gừng tra Bốn bảy năm rồi như mộng ảo

    Ven trời đổ lệ đọa đày xa

    Thơ như thế là đồng vọng của cõi đời trầm mặc. Nhưng tình thơ nồng đượm khôn cùng, cho nên những tiếng thì thầm của lịch sử tồn sinh ngân vang khúc đoạn trường khổ lụy. Rừng núi thâm u, tiếng lần chuỗi của thiền sư trong nỗi đời trầm lặng cô liêu mà cũng trở thành những tiếng vang dậy, thì cánh chim đang ngơ

    ngác cũng giật mình sửng sốt bay đi, và con rắn đang cuộn tròn trong hốc đá cũng hoảng sợ chuồn mất. Tiếng đó là tiếng gì mà nghe nó kì dị như thế, nếu không là âm hưởng trầm trọng của thảm họa hoành sinh tràn đầy trong cuộc Lữ, cuộc Lữ của tồn sinh mộng ảo?

    3.

    Từ Quảng Châu ra đi, còn cách Huệ Châu đất trích khoảng một trăm cây số nữa. Trên đường đi ngang qua La phù sơn. Trước thời nhà Đường, đất này trực thuộc Giao chỉ. Đời Đông Tấn, có Cát Hồng, tự xưng là Tiểu Cát Tiên ông, và tự hiệu là Bảo Phác Tử, nghe đồn Giao Chỉ có nhiều đan sa, nên dẫn gia đình đến đây để luyện đan. Ông ấy ngụ và chết luôn tại La Phù Sơn này, chưa nếm được tiên đan

    trường sanh bất tử. Theo lời chú của ông, thơ Lưu Mộng Đắc có kể, tại La phù, nửa đêm có thể thấy mặt trời, và ông cho là chuyện lạ. Núi có hai lầu đá, chùa Diên

    Tường ở lầu nam, động Chu Minh ở phía sau Xung hư quán, được coi là động trời thứ bảy của cõi Bồng lai. Sau quán Xung hư có đàn Triều đẩu, tức đàn ngắm sao, của Chu Minh chân nhân. Gần đàn, ông lượm được 6 con rồng bằng đồng và một con cá cũng bằng đồng. Trong núi có thiết kiều, tức cầu sắt, và thạch trụ; ông nói, ít ai đi tới những chỗ đó. Tuốt trong núi sâu, có khe suối, có con cọp câm đi tuần sơn thường lai vãng đó.

    Tại đây, ông làm thơ:

    Nhân gian hữu thử bạch ngọc kinh La phù kiến nhật kê nhất minh

    Nam lâu vị tất Tề nhật quán Uất nghi tự dục triều Chu minh Đông Pha chi sư Bảo Phác lão Châu Khế tảo dĩ giao tiền sinh

    Ngọc đường kim mã cửu lưu lạc Thốn điền xích trạch kim qui canh Đạo Hoa diệc thường đạm nhất tảo

    Khế Hư chính dục cưu tam bành Thiết Kiều thạch trụ liên không hoành Trượng lê dục sấn phi nhu khinh

    Vân khê dạ phùng ám hổ phục Đẩu đàn trú xuất đồng long nanh Tiểu nhi thiếu niên kỳ hữu chi

    Trung tiêu khởi tọa tồn Huỳnh đình Cận giả hí tác Lăng vân phú

    Bút thế phảng phất Ly tao kinh Phụ thơ tùng ngã cái qui khứ

    Quần tiên chánh thảo tận cung minh Nhữ ưng nô lệ Thái Thiếu Hà

    Ngã diệc quí mạnh Sơn Huyền Khanh Hoàn tu lược báo Lão Đồng Thúc Doanh lương vạn lý tầm Sơ Bình

    间有此白玉京,羅浮見日雞一鸣。南楼未必齎日觀,鬱儀自欲朝朱明。東坡之師抱朴老,真契蚤已交前生 玉堂金馬久流落,寸田尺宅今歸耕。道華亦嘗啖一棗,契虚正欲仇三彭。铁橋石柱連空横,杖藜欲趁飛猱輕。雲溪夜逢暗虎伏,斗壇晝出铜龍獰。小兒少年有奇志,中宵起坐存黄庭。近者戏作凌蕓賦,筆勢髣艴籬騷經。負蓍從我盍歸去,群仙正草新宫铭。汝應奴隸蔡少霞,我亦季孟山玄卿。還須略報老同叔,赢糧萬里尋初

    Bài thơ kèm theo một số chú thích của chính ông. Ở đây, hãy ghi lại một ít chú thích đó:

    Đạo Hoa: Đời Đường, đạo sĩ ở Vĩnh Lạc, tên Hầu Đạo Hoa, uống vụng thuốc tiên của Đặng Thiên Sư rồi trốn đi. Ở Vĩnh Lạc có thứ táo không hạc; chỉ một mình Đạo Hoa có chứ không ai có. Tôi (lời ông) ở Kỳ Hạ có lần ăn được một quả

    Khế Hư: Tăng đời Đường. Khế Hư, gặp người dẫn chơi phủ tiên ở Trí Sơn; Chân nhân hỏi: “Ông tuyệt hết tam bành trong lòng chưa?”. Khế Hư không đáp được.

    Tân cung minh: (lời chú này của riêng người soạn sách): Quần tiên mỗi khi dụng xong cung điện, cần phải có một bài minh, để ghi khắc. Chuyện nhà thơ Lý Hạ: Lý Hạ chết yểu (26 tuổi); nửa đêm về báo mộng cho mẹ, nói thượng giới vừa dựng xong một cung điện, thiếu người viết bài minh, nên Ngọc đế sai người xuống trần triệu Lý Hạ lên

    Thái Thiếu Hà (lời chú của ông): Đời Đường, có người nằm mộng thấy viết bài thấy viết bài Tân cung minh, nói: Tử Dương Chân nhân Sơ Huyền Khanh, đại lược:

    Lương thường Tây lộc Nguyên trạch Đông tiết Tân cung hoằng hoằng Sùng hiên nghiệt nghiệt

    Lại có Thái Thiếu Hà mộng người sai viết bia, đại lược: “Công tích thừa ngư xa, kim lý thụy vân, xúc không ngưỡng đồ, ỷ lạc luân khôn”. Dưới hết đề: ngũ vân thư các Thái Thiếu Hà thư.

    Đồng Thúc: ông tự chú: Tử Do còn có tự là Đồng Thúc. Nhân gian sao có kinh bạch ngọc

    Phù sơn canh ba thấy mặt trời

    lầu nam chưa chắc quán Tề nhật (cao bằng mặt trời) Khúm núm như muốn chầy Chu minh

    Thầy Đông Pha là lão Bảo Phác Chân Khế là bạn giao du đời trước Nhà vàng của ngọc lưu lạc từ xưa

    Tấc vườn Đạo Hoa đã từng thưởng thức Tam bành Khế Hư ruột vẫn đeo mang

    Cầu sắt trụ đá kéo bắc ngang không Lê cao nghều nghệu muốn leo như khỉ

    Đêm gặp cọp rình nơi suối Vân Khê Ngày bắt nanh rồng trước đàn Triều đẩu

    Trẻ con nhỏ tuổi có chi lạ

    Nửa đêm dậy đọc kinh Huỳnh đình Vừa rồi làm chơi bài Lăng vân phú Bút thế từa tựa Ly tao kinh

    Cắp sách theo ta về nhà gấp

    Quần tiên đang thảo Tân cung minh Mi làm đày tớ Thái Thiếu Hà

    Ta cũng xấp xỉ Sơn Huyền Khanh Lại đến tin sơ chú Đồng Thúc Chứa lương vạn dặm tìm Sơ Bình

    4.

    Ngày 2 tháng 10 năm đó, giáp tuất (1094) ông đến Huệ Châu. Cảnh vật trông quen thuộc như từng đã thấy một lần đâu đó, trong mộng. Đến đây thì Tô Vũ cũng sẽ nguyện suốt đời chăn dê, không mong trở về Bắc mạc nữa. Và Quảng Ninh cũng sẽ vĩnh viễn ẩn thân nơi cõi Liêu đông, không bao giờ trở vào lục địa chen chân với đời.

    Phảng phất tằng du khởi mộng trung Hân nhiên kê khuyển thức tân phong Lại dân kinh quái tọa hà sự

    Phụ lão tương huể nghinh thử ông Tô Vũ khởi tri hoàn Mạc bắc

    Quản Ninh tự dục lão Liêu đông Lĩnh nam vân hộ giai xuân sắc Hội hữu u nhân khách ngụ công

    Phảng phất từng quen há mộng ư? Chó gào ríu rít đến chào ta

    Lại dân lạ hỏi chuyện gì thế? Phụ lão dìu nhau đón lão già Tô Vũ nào mong về Bắc mạc

    Quản Ninh từ nguyện cõi Liêu xa Lĩnh nam đây rượu vui ngày tháng Đất trích nhà quan đợi tuổi già.

    Cuộc Lữ từ đây cứ cho đi vào cõi mộng không lời. Khách Lữ thứ chọn đất trích làm quê hương. Những gì còn đồng vọng, là những tiếng đồng vọng ngoài kia, của mây phương trời viễn mộng.

    5.

    Bây giờ đã thấy lại cảnh trăng non, và cây ngô đồng thưa lá. Cõi thơ không nằm nguyên ở đó nữa. Chúng vẫn phơi trần ra đó, chịu đựng tuyết sương băng giá của ngày tháng phiêu du, nhưng âm vang của chúng đồng vọng ở ngoài kia, ngoài những ven trời vạn dặm; ngoài đó là những cánh chim hồng, lẻ loi, và bay bổng giữa mấy triệu phương trời lồng lộng. Từ cõi mộng đơn sơ, đến cái cõi của đọa đày viễn mộng, có hố thẳm tuyệt mù, chơi vơi không đáy. Bên này và bên kia, được nối liền bằng một chiếc cầu độc mộc cheo leo. Làm sao để đi qua, và đi lại, bằng hai chân nặng trĩu của hạng phàm phu tực tử? Một cuộc lữ hành như thế, phải trải qua biết bao là gian khổ, dù nơi đi và chỗ đến chỉ cách nhau trong một móng tâm. Đọa đày viễn mộng là ở chỗ đó ư? Nhưng so lại là đọa đày viễn mộng? Phải chăng tiếng đó chỉ mới vang dội, từ khi một lão đại thần, lôi thôi thê tử, khúm núm dắt nhau chịu đày ải đi về những vùng cùng cực của Nam hoa, hay đi vào tận chốn sơn cùng lộ tuyệt của một đời sống chết? Bơ vơ nơi khách địa, thì tình cố quận và tình tha hương, cả hai đều thắm thiết. Nhưng cố quận thì đâu không là cố quận, và tha hương thì nơi nào lại chẳng phải là tha hương. Đứng bên này mà vọng đến bên kia, con mắt cứ mỏi mòn trông đợi. Thế là lao tâm khổ tứ, là quằn quại hình hài. Nơi ngọc đường kim mã, mộng bình sinh đã cực đỉnh tang bồng.

    Nói năng thì như gươm Tần xẻ tóc, và rũ hai tay xuống thì lịch sử trào ra. Đẩy một vạn người bước tới, kéo một vạn người bước lui. Lên núi thì núi rừng cũng biến thành biển lửa. Đưa con mắt hùng thị bốn phương trời, bỗng thấy nước lũ Trường Giang đổ xuống:

    Giang sơn như họa

    Một thời hào kiệt anh hùng

    Ngọc đường kim mã bỗng vang lên những tiếng gào thét đoạn trường. Chim hồng giật mình tung cách bay cao. Biết nơi nào là cố quận, nơi nào là tha hương, để chim hồng đậu lại:

    Trạch tận hàn chi bất khẳng thê Tịch mịch sa châu lãnh

    Đường ra đi, qua trăng ngàn, qua gió bãi, mây vần vũ, núi non sụp xuống, nắng chiều đỏ như máu. Đau khổ, kinh hoàng, nên kêu réo, nên ngậm ngùi, và uất hận.

    Sơn ức Hỉ hoan lao viễn mộng

    Địa danh Hoàng khủng khấp cô thần.

    Đất khách là mười tám cái ghềnh thác kinh hoàng đổ xuống. Nhưng đất đó đọa đày thân xác mà không đọa đày viễn mộng. Quê hương với ân tình thắm thiết kia mới thực là đọa đày viễn mộng:

    Núi nhớ Hỉ hoan đọa đày viễn mộng Đất tên Hoàng khủng lệ khóc cô thần

    Trên đường vào Nam, ngang qua chùa Nam hoa, ông ghé lại chùa và làm thơ: Ngã bản tu hành nhân

    Tam thế tích tinh luyện

    Trung gian nhất niệm thất Thọ thử bách niên khiển Khu y lễ Chân Tướng

    Cảm động lệ vũ tản Tá sư tích đoan tuyền Tẩy ngã ỷ ngữ nghiễn

    Ta vốn người tu hành Ba đời dày tu luyện

    Nửa chừng một niệm hư Trăm năm đày đọa khiến Xốc áo lễ Chân Tướng Cảm động lệ mưa tuôn Ngọn suối đầu gậy sư Xin rửa nghiên ỷ ngữ

    Ông nói mượn dòng suối trên đầu gậy Thiền của sư, để rửa sạch cái nghiên mực ỷ ngữ, nói láo hay nói thêu dệt, của ông. Nhưng, ông ỷ ngữ như thế nào? Ông làm thơ, lời thơ ông thanh cao thần thánh. Ông làm quan thì lời quan của ông bộc trực thanh liêm. Đó là những lời nói đẹp đẽ; vì đẹp nên là ỷ ngữ ư? Có thể như thế, và chắc chắn không là như thế. Nhưng, ông làm quan thì lời quan nó đày đọa đời quan của ông. Ông làm thơ thì lời thơ nó đày đọa trời thơ của ông. Lời thơ của ông thì những là… Hỉ hoan lao viễn mộng. Lời quan của ông thì những là… Hoàng khủng khấp cô thần. Cả hai cùng đày đọa thân và tâm của ông. Nếu rửa sạch những thứ đó đi, chắc gì đã không là một cõi đọa đày khác nữa:

    Dĩ hỉ thiền tâm vô biệt ngữ Thượng hiềm thế phát hữu thi ban

    Tâm thiền không lời, cái đó ông hâm mộ rồi. Nó cũng trong phương trời viễn mộng của ông. Nhưng Đạo Thơ có lời, cũng là phương trời viễn mộng của ông. Không phải ông bị đày đọa vì bị ray rứt giữa hai đường. Cái đó dành cho tục tử,

    chứ không hề có nơi cốt cách cao kỳ tuyệt diệu như ông. Nhưng cả hai cái đó, thắt chặt rồi buông lơi, như một cuộc giao tình đến để rồi đi; cả hai đưa nhau, đẩy nhau, đưa đẩy mãi lên mấy từng trời cao diệu, trên những phương trời viễn mộng; đưa đẩy nhau cho đến cùng tuyệt càn khôn, trong bất động, trong vô ngôn; trong phương trời đọa đày viễn mộng. Thế thì, cái chỗ đọa đày viễn mộng đó cũng đơn sơ như cõi mộng ban đầu; ban đầu từ một gương mặt trong ngọc trắng ngà không son phấn, rã cánh hồng mà nụ vẫn còn tươi, cho tình lên cao vút với mây trời trong nắng sớm:

    Tố diện thường hiềm phấn uyển Tẩy trang bất thốn tàn hồng

    Cao tình dĩ trục hiểu vân không Bất dữ lê hoa đồng mộng

    Sau hết, và như là bắt đầu, thấy lại nó đơn sơ như mảnh trăng non và như cây ngô đồng thưa lá.

    Cõi thơ, có đến và có đi, nhưng không hề có dấu vết. Một cánh chim nhạn, một cánh chim hồng ngoài ven trời vạn dặm./.


    Nguồn: https://khungcuahep.com/suu-tam/tue-sy-to-dong-pha-nhung-phuong- troi-vien-mong.html


    www.vietnamvanhien.org


    Không có nhận xét nào