Võ Thái Hà tổng hợp
Trung Quốc sẵn sàng đối thoại với Mỹ ở ‘‘mọi cấp độ’’ để thúc đẩy hợp tác
Trọng Thành /RFI
08/11/2023
Washington và Bắc Kinh tiếp tục tìm cách cải thiện quan hệ. Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính (Han Zheng) hôm 08/11/2023 khẳng định Trung Quốc sẵn sàng đối thoại ở ‘‘mọi cấp độ’’ với Hoa Kỳ. Tuyên bố được đưa ra cùng lúc với các thông tin từ chính quyền hai nước xác nhận lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ dự thượng đỉnh APEC tại San Francisco, Mỹ.
Phó chủ tịch Trung Quốc Hàn Chính/Han Zheng (phải) tiếp thống đốc bang California Gavin Newsom tại Nhà Khách Quốc Gia Bắc Kinh. Ảnh ngày 25/10/2023. AP - Ng Han Guan
Theo AFP, trong một phát biểu tại Diễn đàn Kinh tế Mới Bloomberg (Bloomberg New Economy Forum) ở Singapore, phó chủ tịch Trung Quốc nhấn mạnh là các cuộc gặp cấp cao giữa các giới chức Trung – Mỹ đã gửi đi nhiều tín hiệu ‘‘tích cực’’, và ‘‘chúng tôi sẵn sàng tăng cường trao đổi thông tin, đối thoại với Hoa Kỳ ở mọi cấp độ, nhằm thúc đẩy hợp tác có lợi cho hai bên, và quản lý một cách có trách nhiệm các bất đồng, phối hợp cùng nhau hóa giải các thách thức toàn cầu’’. Cũng trong bài phát biểu nói trên, ông Hàn Chính nhắc lại lập trường của chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình : Quan hệ giữa Bắc Kinh và Washington ‘‘có tính chất quyết định đối với tương lai nhân loại’’.
Về chuyến công du Mỹ của lãnh đạo Trung Quốc, theo AFP, bộ Ngoại Giao Trung Quốc đã xác nhận hai ông Tập Cận Bình và Joe Biden sẽ hội kiến tại San Francisco. Tuy nhiên, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Uông Văn Bân (Wang Wenbin) cũng cảnh báo là ‘‘con đường đến San Francisco không bằng phẳng’’, ‘‘hai bên cần phải thực sự thực thi đồng thuận giữa lãnh đạo hai nước, nhằm vượt qua các trở lực…’’.
‘‘Đồng thuận’’ nói trên ngụ ý nhắc đến cuộc gặp giữa tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc tháng 11/2022 bên lề thượng đỉnh G20 ở Indonesia. Hãng tin Nhật Kyodo cũng dẫn lại thông tin từ một giới chức Mỹ cho biết cụ thể là hội kiến Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ diễn ra ngày 15/11.
Trung Quốc tuyên bố sẵn sàng đối thoại ở ‘‘mọi cấp độ’’ với Hoa Kỳ được đưa ra vào đúng vào lúc phó thủ tướng Hà Lập Phong (He Lifeng) bắt đầu chuyến công Mỹ 5 ngày, từ 08 đến 12/11. Trong hai ngày 09 và 10/11, phó thủ tướng Trung Quốc sẽ hội đàm với bộ trưởng Tài Chính Hoa Kỳ Janet Yellen về hàng loạt vấn đề song phương và đa phương, từ lo ngại của Hoa Kỳ về ‘‘các chính sách kinh tế bất công của Trung Quốc, đến các lĩnh vực hợp tác tiềm năng như chống biến đổi khí hậu, hay việc giảm nợ cho các nước thu nhập thấp’’. Theo một giới chức bộ Tài Chính Mỹ, cuộc họp này là một phần trong nỗ lực nhằm ‘‘tăng cường gắn kết quan hệ kinh tế song phương’’ Mỹ - Trung.
Phó thủ tướng Hà Lập Phong hôm 06/11, vừa được bổ nhiệm đứng đầu Ủy ban Tài chính Trung ương. Theo đài truyền hình Nhật NHK, kể từ giờ ông Hà Lập Phong – một cộng sự thân tín của Tập Cận Bình – đứng đầu ba cơ quan giám sát tài chính và kinh tế của chính phủ và Đảng Cộng sản Trung Quốc.
Phe nổi dậy Yemen tấn công Israel bằng tên lửa ‘‘ngoài khí quyển’’
Trọng Thành /RFI
08/11/2023
Phe nổi dậy người Houthi thân Iran ở Yemen dùng ‘‘tên lửa ngoài khí quyển’’ tấn công Israel. Đây là lần đầu tiên loại tên lửa này được sử dụng trong một cuộc xung đột.
Biểu tình tại Sanaa, Yemen, phản đối các vụ không kích của Israel vào Gaza, ngày 13/10/2023. REUTERS - KHALED ABDULLAH
Báo chí Pháp hôm qua, 06/11/2023, dẫn lại thông tin từ truyền thông Israel, theo đó hệ thống phòng không Arrow 2 của quân đội Israel đã bắn hạ thành công một tên lửa Qader của phe nổi dậy Yemen, tại khu vực nằm ngoài bầu khí quyển Trái đất, tức ở độ cao hơn 100 km. Theo nhật báo Israel Haaretz, mục tiêu tấn công là thành phố Eilat của Israel, cách Yemen khoảng 2.200 km.
Nhà nghiên cứu Gregory Brew, trung tâm tư vấn chính trị quốc tế Eurasia Group, nhận định ‘‘Yemen đã đi vào lịch sử như là quốc gia đầu tiên sử dụng tên lửa ngoài không gian trong xung đột’’. Tên lửa Qader mà phe nổi dậy Yemen sử dụng được coi là bản sao của tên lửa Iran Shahab 3.
Trong cuộc đọ sức đầu tiên ngoài không gian này, Israel cũng trở thành quốc gia đầu tiên đánh chặn thành công tên lửa ‘‘ngoài không gian’’ bằng hệ thống tên lửa đánh chặn Arrow 2, được đưa vào hoạt động từ năm 2000. Quân đội Israel ra một thông báo ngắn gọn cho biết hệ thống phòng không nước này đã theo sát lộ trình của tên lửa và đã đánh chặn ‘‘vào thời điểm và vị trí thích hợp nhất.’’Nhật báo Israel Haaretz cho biết cụ thể hơn là địa điểm đánh chặn nằm ngoài không gian.
Hồi tháng 3/2017, tên lửa Arrow từng được dùng để đánh chặn một hỏa tiễn tầm trung S-200 của Syria, có độ cao tối đa khoảng 40 km, nhưng không trúng mục tiêu.
Tàu ngầm Mỹ đến Trung Đông
Hôm qua, 06/11/2023, một tàu ngầm Mỹ được điều đến Trung Đông với mục tiêu ‘‘răn đe’’ các thế lực có mưu toan mở rộng xung đột Israel – Hamas ra toàn khu vực. Hành động trên được giới quan sát xem như nhằm cảnh cáo những lực lượng thân Iran.
Ứng viên sơ bộ Đảng Cộng hòa tiếp tục tranh luận mà không có Trump
Nhóm ứng viên bầu cử sơ bộ đang giảm dần của Đảng Cộng hòa sẽ tranh luận lần thứ ba vào thứ Tư này. Mike Pence, cựu phó tổng thống, gần đây đã thông báo kết thúc chiến dịch tranh cử của mình. Điều đó đồng nghĩa là chỉ còn lại năm ứng viên vừa đạt ngưỡng số phiếu và lượng tài trợ tối thiểu, vừa sẵn sàng tham gia tranh cử: Ron DeSantis, Chris Christie, Nikki Haley, Vivek Ramaswamy, và Tim Scott.
DeSantis, Thống đốc bang Florida, gần đây đã nhận được sự ủng hộ của Kim Reynolds, người đồng cấp của ông ở Iowa. Tuy nhiên, Haley, cựu đại sứ tại Liên Hiệp Quốc, đã nổi lên trong các cuộc thăm dò sau những màn tranh luận ấn tượng. Bà đang cố gắng cho cử tri và các nhà tài trợ thấy rằng mình có thể đối đầu với Donald Trump, người sẽ lại bỏ qua buổi tranh luận.
DeSantis chế nhạo: “Nếu Donald Trump có gan xuất hiện trong cuộc tranh luận, tôi sẽ đội một chiếc bốt lên đầu.” Cơ hội thực sự rất mong manh: cựu tổng thống nhận được rất ít lợi ích từ buổi tranh luận, bởi ông đã nhận được sự ủng hộ từ gần 60% cử tri sơ bộ của Đảng Cộng hòa.
Con đường mở rộng EU
Vào thứ Tư, Ủy ban Châu Âu sẽ công bố đánh giá của mình về những cải cách mà các quốc gia mong muốn gia nhập khối đã thực hiện. Ứng viên nổi bật nhất là Ukraine. Nhưng nhóm nước đang hy vọng tin tốt cũng bao gồm Gruzia, Moldova, Serbia, và năm quốc gia khác ở Tây Balkan. Sau một thập niên không mở rộng, 27 thành viên hiện tại của EU đã nghiêm túc xem xét việc cho phép các quốc gia mới gia nhập, phần lớn là để chống lại sự xâm lấn địa chính trị của Nga.
Đánh giá hàng năm của ủy ban sẽ đặc biệt có ý nghĩa đối với Ukraine, quốc gia chỉ mới trở thành ứng viên vào tháng 6/2022. Các quan chức châu Âu đang mong đợi một báo cáo tích cực cho Ukraine sau khi người đứng đầu ủy ban, Ursula von der Leyen, đến thăm thủ đô Kyiv vào cuối tuần trước. Điều đó sẽ dẫn đến việc Ukraine bắt đầu các vòng đàm phán kéo dài để gia nhập khối vào cuối năm nay, nếu chính phủ các nước thành viên đồng ý. Các ứng viên triển vọng khác, đặc biệt là Gruzia, có thể sẽ bị đánh giá khắt khe hơn.
Airbus phục hồi mạnh mẽ
Sự phục hồi ổn định của ngành hàng không sẽ được chứng minh vào thứ Tư khi Airbus công bố kết quả quý 3. Tập đoàn hàng không vũ trụ châu Âu dự kiến sẽ công bố rằng doanh thu và lợi nhuận đã vượt xa doanh thu và lợi nhuận cùng kỳ năm ngoái. Số lượng máy bay chở khách được giao đang tiếp tục tăng lên khi nhu cầu đi lại tăng trở lại sau đại dịch. Báo cáo có thể sẽ nhắc lại kế hoạch cung cấp 720 máy bay mới trong năm nay, so với 661 chiếc vào năm 2022.
Airbus cũng muốn xây dựng lại chuỗi cung ứng để đạt tốc độ sản xuất 75 máy bay mỗi tháng vào năm 2026. Để đạt được mục tiêu này, gần đây, hãng đã tạo ra một vị trí mới: giám đốc bộ phận máy bay thương mại. Christian Scherer, một người Đức, sẽ đảm nhận vị trí này, vốn chỉ thấp hơn một bậc so với giám đốc điều hành, Guillaume Faury, một người Pháp. Sự chia rẽ Pháp-Đức từng là vấn đề đối với Airbus trong quá khứ. Nhưng việc bổ nhiệm Scherer, một nhân viên kỳ cựu của công ty, có lẽ sẽ không khơi lại vết thương cũ.
Các nước đang phát triển nợ Trung Quốc hơn 1000 tỷ USD, nhiều nước rơi vào bẫy nợ
Hình ảnh vào ngày 16/11/2018, công trường đường cao tốc Vành đai và Con đường đang được xây dựng ở Sri Lanka, vốn của dự án được cung cấp bởi các khoản vay từ Ngân hàng Xuất nhập khẩu Trung Quốc. (Ảnh: Paula Bronstein/Getty)
Dữ liệu mới nhất cho thấy tổng số tiền vay mà các nước đang phát triển nhận được từ Trung Quốc không dưới 1100 tỷ USD. Hơn một nửa trong số hàng chục ngàn khoản vay Trung Quốc phát hành trong 20 năm qua đã hết hạn, nhiều quốc gia đi vay đang gặp khó khăn về tài chính và áp lực trả nợ rất lớn.
Dữ liệu được công bố bởi AidData, phòng thí nghiệm nghiên cứu nổi tiếng của Đại học William & Mary ở Virginia, Mỹ. Phòng thí nghiệm đã thu thập được số liệu về khoản vay mà Trung Quốc cung cấp cho hơn 21.000 dự án tại 165 quốc gia trong hơn 20 năm, với số tiền từ 1100 tỷ đến 1500 tỷ đô la Mỹ.
Reuters cho rằng đây có thể là nghiên cứu toàn diện nhất về tình hình các khoản vay của Trung Quốc cho nước ngoài vay.
Báo cáo cho biết, đỉnh điểm cho vay của Trung Quốc xảy ra vào năm 2016, với tổng số tiền cho vay lên tới 150 tỷ USD. Con số này đã giảm sau khi đại dịch virus corona mới (Viêm phổi Vũ Hán, COVID-19) bùng phát, giảm xuống dưới 100 tỷ USD vào năm 2020.
Báo cáo của Đại học William & Mary chỉ ra rằng trong số các nước đang phát triển nhận được khoản vay từ Trung Quốc, gần 80% hiện đang gặp khó khăn về tài chính.
Trong nhiều năm qua, Trung Quốc đã cung cấp các khoản vay cho nhiều nước nghèo để thực hiện các dự án cơ sở hạ tầng. Cách làm này được được đưa vào “Sáng kiến Vành đai và Con đường” dưới thời lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình. Dự án khổng lồ này nhằm xuất khẩu năng lực sản xuất dư thừa của Trung Quốc sang các nước đang phát triển đã thực hiện được 10 năm.
Các khoản vay của Trung Quốc về cơ bản được dùng để xây dựng các dự án đường bộ, sân bay, đường sắt và nhà máy điện, bao trùm các khu vực rộng lớn như Mỹ Latinh và Đông Nam Á. Ở một mức độ nào đó thì cách làm này đã thúc đẩy tăng trưởng kinh tế của các nước liên quan, và cũng kéo mối quan hệ của các chính phủ các nước này lại gần với Bắc Kinh, đưa Trung Quốc trở thành quốc gia chủ nợ lớn nhất thế giới.
Tuy nhiên, cách làm của Trung Quốc cũng vấp phải sự chỉ trích rộng rãi từ cộng đồng quốc tế. Họ cho rằng việc Bắc Kinh cho vay mà không màng đến khả năng trả nợ của người đi vay là hành vi vô trách nhiệm, đã khiến cho một số nước đang phát triển rơi vào bẫy nợ.
Sri Lanka là một ví dụ điển hình về nạn nhân của bẫy nợ Trung Quốc. Chính phủ nước này phá sản vì không trả được món nợ khổng lồ của Trung Quốc và phải cho Trung Quốc thuê cảng để trả nợ.
Các nước châu Phi như Zambia, Ethiopia, Ghana đã vỡ một lượng lớn nợ của Trung Quốc ở nhiều mức độ khác nhau và không có khả năng trả nợ, hiện tại họ chỉ có thể chờ Trung Quốc miễn giảm nợ cho họ.
Dữ liệu của AidData cho thấy, 55% quốc gia hiện đang trong thời gian trả nợ. Lúc này, tình hình ngành tài chính toàn cầu xấu đi, lãi suất tăng cao, đồng tiền nhiều nước mất giá, kinh tế tăng trưởng chậm lại và nhiều khó khăn mới xuất hiện.
CNN dẫn lời ông Brad Parks, người đứng đầu AidData và là tác giả của báo cáo, cho biết nhiều khoản vay được phát hành trong giai đoạn đầu của “Sáng kiến Vành đai và Con đường” vào năm 2013 và có thời gian ân hạn từ 5 đến 7 năm. Trong thời kỳ đại dịch COVID-19, thời gian ân hạn đã tăng thêm 2 năm.
Ông Brad Parks giải thích: “Bây giờ, tình hình đã khác…Trung Quốc đã là chủ nợ chính thức lớn nhất thế giới trong khoảng một thập kỷ qua, và giờ chúng ta đang ở thời điểm quan trọng khi Trung Quốc thực sự trở thành quốc gia đòi nợ lớn nhất thế giới.”
Báo cáo của AidData cho biết, hơn một nửa số khoản vay do Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc và Cục Quản lý Ngoại hối Nhà nước phát hành trong năm 2021 là các khoản cho vay giải cứu.
Cơ sở dữ liệu của AidData bao gồm các khoản cam kết cho vay và viện trợ trị giá 1340 tỷ USD của Chính phủ Trung Quốc và các ngân hàng nhà nước đối với những người vay thuộc khu vực công, tư nhân ở các quốc gia có thu nhập thấp và trung bình từ năm 2000 – 2021. Tính đến năm 2021, những người đi vay ở các nước đang phát triển này nợ những tổ chức Trung Quốc cho vay tổng cộng từ 1100 tỷ USD đến 1500 tỷ USD.
AP: Nợ Trung Quốc đẩy nhiều nước nghèo đến bờ vực sụp đổ
Ngày 18/5/2023, hãng tin AP của Mỹ đưa tin, hơn 10 quốc gia nghèo đang phải đối mặt với sự bất ổn kinh tế, hoặc thậm chí sụp đổ khi phải vật lộn để trả hàng trăm tỷ đô la cho các khoản vay nước ngoài, phần lớn là từ bên cho vay chính phủ lớn nhất và vô tình nhất thế giới: Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Phân tích của AP về khoảng hơn chục quốc gia nợ Trung Quốc nhiều nhất – bao gồm Pakistan, Kenya, Zambia và Lào – cho thấy khoản nợ của Trung Quốc đang làm cạn kiệt nguồn thu thuế ngày càng tăng, trong khi đó các khoản thuế này để duy trì mở cửa trường học, cung cấp điện và chi trả các khoản cần thiết cho thực phẩm và nhiên liệu.
Hơn nữa, nợ Trung Quốc đang làm cạn kiệt nguồn dự trữ ngoại hối mà các nền kinh tế này dựa vào, để trả lãi cho các khoản vay và tránh sụp đổ.
Báo cáo chỉ ra, các khoản cho vay của ĐCSTQ cho nước nghèo vay thường không minh bạch và khiến cho các nước này nghèo đói hơn và thường xảy ra phản loạn.
Trí Đạt (theo VOA)
Trung Quốc, Úc bắt đầu các cuộc họp thường niên nối lại thương mại
Thủ tướng Úc Anthony Albanese. (Ảnh: YouTube)
Thủ tướng Úc Anthony Albanese đã gặp Thủ tướng Trung Quốc Lý Cường tại Bắc Kinh hôm thứ Ba (7/11), cuộc gặp bắt đầu lại đối thoại thường niên giữa các nhà lãnh đạo là dấu hiệu nối liền quan hệ của hai đối tác thương mại.
Ông Albanese đến Trung Quốc trong chuyến thăm đầu tiên của một nhà lãnh đạo Úc sau 7 năm. Tranh chấp ngoại giao khiến các cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo phải dừng lại trong vài năm qua.
Chủ tịch Tập Cận Bình hôm thứ Hai (6/11) cho biết mối quan hệ ổn định giữa Trung Quốc và Úc phục vụ lợi ích lẫn nhau và cả hai nên mở rộng hợp tác, đồng thời gửi một tín hiệu rằng Trung Quốc sẵn sàng vượt qua những căng thẳng gần đây.
“Việc những cuộc gặp thường niên được tiếp tục là rất quan trọng đối với mối quan hệ của chúng tôi”, Thủ tướng Albanese nói trong bài phát biểu mở đầu cuộc gặp với Thủ tướng Lý tại Đại lễ đường Nhân dân ở Bắc Kinh.
Trung Quốc đã dỡ bỏ các lệnh cấm thương mại đối với hầu hết hàng xuất khẩu của Úc, được áp đặt vào năm 2020 sau khi Úc kêu gọi điều tra quốc tế về nguồn gốc của đại dịch COVID-19.
Ông Albanese cho biết họ sẽ thảo luận về “việc nối lại hoàn toàn tự do thương mại giữa hai nước”, cũng như “hình thành một trật tự khu vực và toàn cầu hòa bình, ổn định và thịnh vượng”.
Hôm thứ Hai (6/11), ông Tập cho biết Trung Quốc “sẵn sàng hợp tác ba bên và đa phương hơn với Úc để hỗ trợ các nước Nam Thái Bình Dương trong tăng cường khả năng phục hồi phát triển, giải quyết vấn đề biến đổi khí hậu và các thách thức khác”.
Hợp tác và đối thoại
Ông Albanese đi từ Trung Quốc đến Quần đảo Cooks vào thứ Ba (7/11) để tham dự Diễn đàn Quần đảo Thái Bình Dương. Đây là cuộc họp thường niên của các nhà lãnh đạo khu vực, Hoa Kỳ và các đồng minh đang tăng cường cạnh tranh ảnh hưởng với Trung Quốc. Thủ tướng Úc nói với các phóng viên rằng mối quan hệ an ninh nên được duy trì trong khu vực.
Ông Albanese, nói trong nhận xét của mình với ông Lý, nhấn mạnh tầm quan trọng của việc quản lý sự cạnh tranh.
“Ở đâu có sự cạnh tranh địa chiến lược, tất cả chúng ta phải quản lý nó một cách cẩn thận, thông qua đối thoại và thông qua sự thấu hiểu”, ông Albanese nói.
Trong tuyên bố sau cuộc gặp, ông Albanese không đề cập đến những khác biệt chính với Trung Quốc – bao gồm căng thẳng ở Biển Đông và quan hệ đối tác công nghệ quốc phòng AUKUS với Mỹ và Anh để bán tàu ngầm năng lượng hạt nhân cho Úc.
Thủ tướng Úc cho biết ông đã tận dụng chuyến thăm kéo dài 4 ngày này để ủng hộ lợi ích của Úc trong các vấn đề thương mại, nhân quyền trong khu vực và trên toàn cầu.
“Dù có những khác biệt giữa 2 bên, nhưng cả Úc và Trung Quốc đều có lợi từ hợp tác và đối thoại”, ông Albanese nhấn mạnh.
Chính phủ Úc cho biết Úc và Trung Quốc đã đồng ý hợp tác về thương mại, biến đổi khí hậu và nông nghiệp.
Dữ liệu hải quan Trung Quốc cho thấy nhập khẩu tháng Mười của Trung Quốc từ Úc đã tăng 12% so với một năm ngoái, lên 11,96 tỷ USD, tăng 4,9% so tháng Chín.
Từ tháng Một đến tháng Mười, nhập khẩu Trung Quốc từ Úc tăng 8,4% lên 128,76 tỷ USD. Năm ngoái, nhập khẩu của Trung Quốc từ Úc tăng 12,7% lên 142,1 tỷ USD.
Anh Nguyễn
Lần đầu tiên sau bốn năm, Trung Quốc và Hoa Kỳ thảo luận về kiểm soát vũ khí hạt nhân
Cuộc họp diễn ra sau khi có một tiết lộ hồi đầu năm nay rằng ĐCSTQ hiện đang trang bị nhiều bệ phóng phi đạn tầm xa và có khả năng hạt nhân hơn cả Hoa Kỳ.
Xe quân sự mang phi đạn xuyên lục địa DF-5B tham gia cuộc duyệt binh tại Quảng trường Thiên An Môn ở Bắc Kinh vào ngày 01/10/2019. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Andrew Thornebrooke
Thứ tư, 08/11/2023
Trong tuần này, các quan chức Hoa Kỳ và Trung Quốc đã gặp nhau tại Hoa Thịnh Đốn để thảo luận về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân, đồng thời duy trì các đường dây liên lạc cởi mở giữa hai quốc gia.
Theo thông tin của Bộ Ngoại giao, hôm 06/11, một phái đoàn do Trợ lý Ngoại trưởng Mallory Stewart dẫn đầu đã gặp Vụ trưởng Vụ Kiểm soát Vũ khí của nhà nước Cộng sản Trung Quốc Tôn Hiểu Ba (Sun Xiaobo.)
Phái đoàn Hoa Kỳ có các quan chức cao cấp của Bộ Ngoại giao, Bộ Quốc phòng, Bộ Năng lượng, và Hội đồng An ninh Quốc gia.
Cuộc họp diễn ra sau một báo cáo hồi tháng Mười của Ngũ Giác Đài cho thấy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) hiện sở hữu hơn 500 vũ khí hạt nhân, đáp ứng được mục tiêu sớm hai năm so với thời hạn mà các quan chức quân đội Hoa Kỳ từng tin rằng chế độ này sẽ đạt được.
Một báo cáo trước đây của Ngũ Giác Đài ước tính rằng Trung Quốc có thể có được 1,000 đầu phi đạn vào năm 2030.
Báo cáo này cũng theo sau một tiết lộ hồi đầu năm nay rằng ĐCSTQ hiện đang trang bị nhiều bệ phóng phi đạn tầm xa và có khả năng hạt nhân hơn so với Hoa Kỳ.
Thông tin của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ nói rằng những cuộc họp như vậy là cần thiết để “kiểm soát một cách có trách nhiệm” mối bang giao giữa Hoa Kỳ và Đảng Cộng sản cầm quyền của Trung Quốc. Tuyên bố này nói thêm rằng các cuộc thảo luận là “thẳng thắn” và “sâu sắc.”
Bản tin còn cho biết phía Hoa Kỳ sử dụng các cuộc hội đàm này để nhấn mạnh tầm quan trọng của tính minh bạch và các cam kết thực tế nhằm giảm thiểu rủi ro mang tính chiến lược liên quan đến những loại vũ khí như vậy. Điều quan trọng là phải “kiểm soát sự cạnh tranh” và “ngăn chặn một cuộc chạy đua vũ trang không bị giới hạn” mà không phải xung đột trực tiếp.
Sự kiện này là cuộc hội đàm đầu tiên về kiểm soát vũ khí giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc sau hơn bốn năm.
Giới lãnh đạo cộng sản Trung Quốc vẫn giữ kín về kho vũ khí hạt nhân của mình và, cho đến nay, họ vẫn từ chối tham gia vào các cuộc hội đàm với chính phủ ông Biden về việc không phổ biến vũ khí hạt nhân và ổn định chiến lược.
Chế độ này thường xuyên yêu cầu Hoa Kỳ trước tiên phải loại bỏ phần lớn kho vũ khí hạt nhân của mình trước khi yêu cầu Trung Quốc tham gia các cuộc hội đàm về kiểm soát vũ khí.
Liên quan đến sự việc trên, China Daily, cơ quan tuyên truyền của ĐCSTQ, đã đăng một bài xã luận ngay sau cuộc họp nói rằng vũ khí hạt nhân của chế độ này “chỉ nhằm mục đích phòng thủ.”
Tuy nhiên, nỗ lực không kiềm chế của ĐCSTQ nhằm tạo ra nhiều vũ khí hạt nhân hơn đã gây ra phản ứng dữ dội từ cộng đồng quốc tế.
Đầu năm nay, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg cho biết chế độ này đang “phát triển kho vũ khí hạt nhân mà không có bất kỳ sự minh bạch nào về khả năng của họ.”
Vào thời điểm đó, ông Stoltenberg cho biết rằng, “Chúng ta nên đẩy lùi những nỗ lực có nguy cơ làm suy yếu khuôn khổ không phổ biến vũ khí hạt nhân hiện có, bao gồm cả hiệp ước cung cấp vũ khí hạt nhân.”
Ông nói thêm rằng Trung Quốc là một phần trong phong trào rộng lớn hơn của các quốc gia độc tài — bao gồm Nga, Iran, và Triều Tiên — đang tìm cách gây bất ổn cho cộng đồng quốc tế thông qua phổ biến vũ khí hạt nhân.
Vân Sa biên dịch
Không có nhận xét nào