Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ tư 15 tháng 11 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp

    Indonesia và Mỹ nâng cấp ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’: Khai thác đất hiếm là trọng tâm

    Trọng Thành /RFI

    15/11/2023

    Washington và Jakarta nâng cấp quan hệ lên mức ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’. Hôm qua, 13/11/2023, tại Nhà Trắng, tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden và đồng nhiệm Joko Widodo thỏa thuận siết chặt hợp tác trong hàng loạt lĩnh vực, từ năng lượng và khí hậu đến kết nối kỹ thuật số và quốc phòng. Khai thác đất hiếm, nguyên liệu chiến lược đối với năng lượng tái tạo và công nghệ bán dẫn, là một lĩnh vực hợp tác chủ chốt. 

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 13/11/2023.

    Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden (P) tiếp đồng nhiệm Indonesia Joko Widodo tại Phòng Bầu Dục ở Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ ngày 13/11/2023. © AP/Andrew Harnik 

    Thông báo của Nhà Trắng cho biết Indonesia và Hoa Kỳ đã nâng mức hợp tác lên cấp độ ‘‘chưa từng có’’, được xây dựng trên ‘‘các giá trị chung dân chủ và đa nguyên’’. ‘‘Đối tác Chiến lược Toàn diện’’ là cấp độ hợp tác song phương cao nhất đối với Indonesia, tương tự như Mỹ vừa ký với Việt Nam. Trong thông báo nói trên, Hoa Kỳ tái khẳng định cam kết hợp tác với Indonesia trong việc ‘‘giải quyết cuộc khủng hoảng khí hậu’’. ‘‘Khai thác khoáng sản bền vững’’ là nội dung số một trong hợp tác khí hậu song phương. 

    Nhân dịp này, bộ Ngoại Giao Hoa Kỳ và bộ Năng lượng và Tài nguyên Khoáng sản Indonesia ký kết một văn bản ghi nhớ (MOU), nhằm thúc đẩy các hợp tác ‘‘để tạo điều kiện về pháp lý giúp tăng cường sử dụng các nguồn năng lượng tái tạo’’, ‘‘hỗ trợ Indonesia phát triển lĩnh vực khoáng sản trọng yếu với mức phát thải thấp, thực hiện mục tiêu của JETP (Đối tác Chuyển đổi Năng lượng Công bằng)’’. JEPT là cơ chế được công bố tại Hội nghị thượng đỉnh G20 2022 ở Bali. 

    Thúc đẩy hợp tác kinh tế

    Theo báo Nhật Nikkei Asia, trước thềm thượng định Biden – Widodo, giới chức cao cấp Hoa Kỳ cho biết hai bên đang có ‘‘các thảo luận bước đầu’’ về hợp tác khai thác khoáng sản, và hướng đến đàm phán về một hiệp định thương mại tự do (FTA) hạn chế, mở ra cơ hội để các doanh nghiệp Indonesia được hưởng lợi từ các khoản trợ cấp của chính quyền Mỹ, theo Đạo luật Giảm lạm phát (IRA), với nội dung chủ yếu là tài trợ cho lĩnh vực năng lượng tái tạo, liên quan chủ yếu đến các doanh nghiệp Mỹ và doanh nghiệp nước ngoài thuộc các quốc gia ký hiệp định thương mại tự do với Mỹ, như Canada hay Úc. 

    Theo đánh giá từ phía Hoa Kỳ, “Indonesia có nguồn cung cấp tài nguyên quan trọng khổng lồ của nền kinh tế ô tô (chạy điện) của thế kỷ 21’’. Indonesia được coi là quốc gia ‘‘có trữ lượng niken lớn nhất thế giới” cùng tiềm năng năng lượng tái tạo lên đến 3.600 gigawatt, theo tổng thống Indonesia. Tuy nhiên, chủ trương hợp tác về khai thác đất hiếm tại Indonesia của chính phủ hai nước vấp phải nhiều phản đối trong chính giới Hoa Kỳ. 

    Theo Nikkei Asia, một nhóm thượng nghị sĩ Mỹ đã lên tiếng phản đối hợp tác với Indonesia, do ‘‘các tiêu chuẩn về quyền của người lao động, bảo vệ môi trường, an toàn và nhân quyền’’ không bảo đảm. Nhóm nghị sĩ này cũng nhấn mạnh đến “sự thống trị” của Trung Quốc trong hoạt động khai thác và tinh luyện khoáng sản tại Indonesia, đặc biệt trong ngành khai thác niken. Bà Julie Lucas, giám đốc điều hành MiningMinnesota, một tổ chức tập hợp nhiều tập đoàn khai khoáng Mỹ, dự báo là Hoa Kỳ và Indonesia ‘‘sẽ phải mất nhiều năm mới’’ mới vượt qua các trở ngại để có thể hợp tác khai thác đất hiếm tại Indonesia. 

    Mục tiêu thượng đỉnh Mỹ - Trung : Duy trì đối thoại tránh dẫn đến xung đột

    Thanh Hà /RFI

    15/11/2023

    Trước khi khai mạc thượng đỉnh quy tụ lãnh đạo 21 thành viên Diễn Đàn Hợp Tác Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC) tại thành phố San Francisco, bang California, tổng thống Mỹ Joe Biden hội đàm với chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, hôm nay 15/11/2023. 

    Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2023.

    Ảnh tư liệu: Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề thượng đỉnh G20, Bali, Indonesia, ngày 14/11/2023. © Alex Brandon / AP 

    Lãnh đạo Nhà Trắng đề ra mục tiêu duy trì kênh liên lạc với Bắc Kinh và hai cường quốc kinh tế của thế giới, tuy là trong thế cạnh tranh với nhau về nhiều mặt nhưng cần tránh dẫn đến xung đột.

    Đặc phái viên của RFI từ San Francisco, Guillaume Nadin cho biết thêm về tầm mức quan trọng thượng đỉnh Mỹ-Trung lần thứ hai kể từ khi Joe Bdien đắc cử tổng thống. 

    « Từ nhiều tháng qua, quan hệ Mỹ - Trung căng thẳng. Chính quyền Biden xem Trung Quốc là một đối thủ cạnh tranh thực thụ, thậm chí coi đó là một điều tốt. Thế nhưng Washington muốn tránh để sự cạnh tranh đó lại dẫn đến một cuộc chiến tranh lạnh, hay tệ hơn nữa là một cuộc xung đột. 

    Một sự cố vẫn có thể xảy ra và  kịch bản ấy đã từng được ghi nhận qua vụ khinh khí cầu dọ thám của Trung Quốc bay qua không phận Hoa Kỳ trước khi bị bắn hạ vào tháng 2/2023. Trung Quốc càng lúc càng hiện diện ở Biển Đông. Mỹ khẳng định vai trò của một quốc gia bảo vệ các quyền tự do lưu thông trên biển trong vùng Ấn Độ -Thái Bình Dương. Do vậy cuộc gặp hôm nay nhằm duy trì các kênh đối thoại ở cấp cao nhất, đồng thời đây cũng là dịp để nối lại các đối thoại về quân sự chẳng hạn.

    Quảng cáo

    Cạnh tranh Mỹ -Trung cũng được ghi nhận về phương diện kinh tế. Theo các quan chức trong chính quyền Biden, thượng đỉnh lần này diễn ra trong bối cảnh thuận lợi cho Hoa Kỳ : kinh tế Mỹ đang vững mạnh. Washington ngụ ý tăng trưởng của Trung Quốc không được bằng. Kinh tế Trung Quốc đã không bật dậy như mong đợi sau giai đoạn Covid và Bắc Kinh khó đạt được mực tiêu tăng trưởng đã đề ra. 

    Cũng chính vì thế mà ông Tập Cận Bình đến San Francisco. Diễn Đàn Hợp Kinh Tế Châu Á - Thái Bình Dương quy tụ hơn 20 thành viên. APEC muốn trông thấy quan hệ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ nếu không được nồng thắm, thì ít ra cũng phải được điều tiết trong một khuôn khổ nhất định nào đó ».

    Khả năng nối lại đối thoại quân sự

    Theo các giới chức Hoa Kỳ được hãng tin AP trích dẫn, hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình gặp nhau tại bảo tàng Filoli Estate, cách trung tâm thành phố San Francisco tầm 40 km về phía nam. Trên nguyên tắc Washington và Bắc Kinh sẽ thông báo một thỏa thuận tái lập lại những trao đổi về quân sự, đặc biệt liên quan đến thỏa thuận MMCA (Military Maritime Consultative Agreement) giảm thiểu rủi ro xảy ra sự cố trên biển và trên không giữa quân đội hai nước. MMCA có hiệu lực từ 1998 và đã bị tạm đình chỉ từ 2020.

    Hợp tác chống biến đổi khí hậu

    Hoa Kỳ và Trung Quốc cũng đã đạt đồng thuận trước khi lãnh đạo hai nước chính thức họp thượng đỉnh, đó là về khí hậu. Trong một thông cáo chung hôm nay 15/11/2023, Washington và Bắc Kinh cùng cam kết đóng góp hết sức mình để hội nghị khí hậu COP28 « thành công ».

    COP28 mở ra tại Dubai từ ngày 30/11-12/12/2023. Giới quan sát đồng loạt cho rằng thành công hay thất bại của hội nghị, phần lớn tùy thuộc vào mức độ hợp tác giữa hai quốc gia thải khí các-bon nhiều nhất trên thế giới là Trung Quốc và Hoa Kỳ.

    Mỹ, Anh áp đặt lệnh trừng phạt Hamas 

    15/11/2023 

    VOA News 

    Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen ngày 14/11/2023 nói hai nước Mỹ, Anh đang cố gắng “triệt bỏ khả năng gây quỹ và sử dụng tiền của Hamas để thực hiện các hành động tàn bạo”.

    Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen ngày 14/11/2023 nói hai nước Mỹ, Anh đang cố gắng “triệt bỏ khả năng gây quỹ và sử dụng tiền của Hamas để thực hiện các hành động tàn bạo”. 

    Hoa Kỳ và Anh ngày 14/11 áp đặt vòng trừng phạt thứ ba nhắm vào nhóm hiếu chiến Hamas người Palestine, cố gắng hạn chế nguồn tài trợ của Iran cho nhóm này và cho một trong những đồng minh của nhóm là tổ chức Hồi giáo Jihad Palestine, sau cuộc tấn công gây sốc của Hamas hồi tháng trước vào Israel.

    Bộ trưởng Ngân khố Hoa Kỳ Janet Yellen cho biết trong một tuyên bố rằng hai nước Mỹ, Anh đang cố gắng “triệt bỏ khả năng gây quỹ và sử dụng tiền của Hamas để thực hiện các hành động tàn bạo”.

    Bà Yellen nói: “Các hành động của Hamas đã gây ra đau khổ to lớn và cho thấy rằng chủ nghĩa khủng bố không xảy ra một cách đơn lẻ.” “Cùng với các đối tác của mình, chúng tôi đang quyết tâm làm suy yếu cơ sở hạ tầng tài chính của Hamas, cắt đứt nguồn tài trợ từ bên ngoài và chặn các kênh tài trợ mới mà họ tìm cách tài trợ cho những hành động tàn ác của họ.”

    Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói các chế tài này nhằm mục đích bảo vệ hệ thống tài chính quốc tế “khỏi sự lạm dụng của Hamas và khỏi các phe hỗ trợ Hamas”.

    Ông Blinken nói: “Sự hỗ trợ của Iran, chủ yếu thông qua Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo, đã tạo điều kiện cho Hamas và các hoạt động khủng bố của [Hồi giáo Jihad Palestine], bao gồm cả việc chuyển tiền và cung cấp cả vũ khí và huấn luyện vận hành”. “Iran đã huấn luyện các chiến binh Hồi giáo Jihad Palestine (PIJ) sản xuất và phát triển phi đạn ở Gaza, đồng thời tài trợ cho các nhóm cung cấp hỗ trợ tài chính cho các chiến binh liên kết với PIJ.”

    Israel nói rằng các chiến binh Hamas đã giết chết 1.200 người bên trong Israel trong cuộc tấn công vào tháng trước và bắt giữ khoảng 240 con tin, chỉ có 4 người trong số đó được thả. Israel đã đáp trả bằng các cuộc không kích mà cơ quan y tế Hamas cho rằng đã giết chết hơn 11.000 người Palestine, trong đó có hàng ngàn phụ nữ và trẻ em.

    Hamas bị Israel, Mỹ, Liên hiệp châu Âu, Anh và các nước khác coi là nhóm khủng bố.

    Ông Mahmoud Khaled Zahhar, thành viên cấp cao và đồng sáng lập của Hamas; đại diện của PIJ tại Iran và phó tổng thư ký PIJ tại Damascus kiêm lãnh đạo cánh chủ chiến của tổ chức này nằm trong số những người bị Washington và London trừng phạt.

    Nabil Chouman & Co, một tập đoàn trao đổi tiền có trụ sở tại Li Băng, cũng là mục tiêu, cùng với chủ sở hữu và người sáng lập tập đoàn. Bộ Ngân khố Mỹ cáo buộc công ty này đóng vai trò là đường dẫn chuyển tiền cho Hamas và cho biết họ đã chuyển hàng chục triệu đô la cho các các phần tử hiếu chiến.

    Các chế tài sẽ đóng băng mọi tài sản ở Mỹ do các quan chức Hamas nắm giữ và cấm người Mỹ tiến hành bất kỳ hoạt động kinh doanh nào với họ.

    Ngũ Giác Đài xác nhận quân đội Hoa Kỳ bị tấn công 55 lần ở Iraq và Syria kể từ hôm 17/10 

    Ryan Morgan 

    Do Ryan Morgan của NTD News thực hiện

    Cẩm An lược dịch

    Thứ tư, 15/11/2023 

    Các cuộc tấn công này đã khiến 59 người bị thương, trong đó có ít nhất 27 quân nhân Hoa Kỳ bị chấn thương não. 

    Ngũ Giác Đài xác nhận quân đội Hoa Kỳ bị tấn công 55 lần ở Iraq và Syria kể từ hôm 17/10

    Một chiếc xe của quân đội Hoa Kỳ hỗ trợ Lực lượng Dân chủ Syria (SDF) ở Hajin, thuộc tỉnh Deir Ezzor, miền đông Syria, vào ngày 15/12/2018. (Ảnh: Delil Souleiman/AFP/Getty Images) 

    Theo phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài Sabrina Singh, trong tháng qua, quân đội Hoa Kỳ đồn trú ở Iraq và Syria đã bị tấn công 55 lần bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái một chiều mang đầy chất nổ. 

    Tại cuộc họp báo hôm thứ Ba (14/11), bà Singh thông báo đã có 27 vụ tấn công nhằm vào binh lính Hoa Kỳ ở Iraq và 28 vụ nhằm vào binh lính Hoa Kỳ ở Syria kể từ hôm 17/10. 

    Phó thư ký báo chí Ngũ Giác Đài cho biết những cuộc tấn công này đã khiến 59 người bị thương, trong đó có ít nhất 27 quân nhân Hoa Kỳ bị chấn thương não và 32 người khác bị thương với “những vết thương không nghiêm trọng khác.” Tính đến nay, không có quân nhân Hoa Kỳ nào thiệt mạng trong mô hình tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái này. 

    Bà Singh và các quan chức quốc phòng khác của Hoa Kỳ cho rằng những cuộc tấn công bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái nhằm vào các lực lượng Hoa Kỳ ở Iraq và Syria này là do các phe phái liên kết với Iran đang hoạt động trong khu vực này thực hiện. Để đáp trả, các lực lượng Hoa Kỳ đã tiến hành ba cuộc không kích khác nhau nhắm vào các cơ sở ở miền đông Syria mà họ nghi ngờ đã được Lực lượng Vệ binh Cách mạng Hồi giáo Iran (IRGC) sử dụng để hỗ trợ cho các cuộc tấn công này. 

    Hôm Chủ Nhật, ngày 12/11, Bộ trưởng Quốc phòng Lloyd Austin tuyên bố các cuộc không kích gần đây nhất của Hoa Kỳ nhắm vào một cơ sở huấn luyện khả nghi ở thành phố Abu Kamal phía đông Syria, và một ngôi nhà nghi là nơi trú ẩn ở thị trấn Mayadin. 

    Răn đe và xung đột khu vực rộng hơn

    Kiểu tấn công gần đây nhằm vào quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Syria này xảy ra sau khi các tay súng Hamas hôm 07/10 tràn vào miền nam Israel từ Dải Gaza và sát hại ít nhất 1,400 người. Vì quân đội Israel đã thực hiện một chiến dịch quân sự trả đũa trên khắp Dải Gaza trong những tuần kể từ các vụ tấn công hôm 07/10, nên Hoa Kỳ đã khai triển thêm các nguồn lực quân sự để ngăn chặn các cuộc tấn công tiếp theo nhắm vào Israel, đồng thời ngăn chặn chiến sự lan rộng khắp Trung Đông. 

    Trong cuộc họp báo của Ngũ Giác Đài, bà Singh khẳng định các cuộc tấn công vào quân đội Hoa Kỳ ở Iraq và Syria là một “vấn đề riêng” không có liên quan gì đến cuộc xung đột Israel-Hamas đang diễn ra, đồng thời cho biết Ngũ Giác Đài tin rằng cuộc xung đột Israel-Hamas vẫn đang nằm trong tầm kiểm soát. Về việc các cuộc tấn công nhằm vào quân đội Hoa kỳ ở Iraq và Syria có liên quan đến Iran, bà Singh cho biết Iran từ lâu đã phản đối sự hiện diện của Hoa Kỳ ở những quốc gia đó và lưu ý rằng các lực lượng Hoa Kỳ đã bị các nhóm liên kết với Iran tấn công trước các đợt tấn công của Hamas hôm 07/10. 

    Bà Singh nói về các cuộc tấn công gần đây của những nhóm này: “Chúng tôi đã chứng kiến điều này từ hồi tháng Ba. Chúng tôi đã chứng kiến điều này trước đây, khi họ tấn công các lực lượng của chúng tôi.” 

    Các quan chức của Hoa Kỳ và Israel xác định không có mối liên hệ trực tiếp nào giữa Iran với kế hoạch tấn công hôm 07/10 của Hamas, nhưng giới lãnh đạo Iran đã ủng hộ các cuộc tấn công này và trước đó các quan chức Hoa Kỳ đã cáo buộc Iran trang bị vũ khí cho Hamas, Hezbollah, và các phe phái Hồi Giáo khác để thực hiện các cuộc tấn công gây bất ổn khắp Trung Đông. 

    Trong cuộc họp báo hôm thứ Ba, phóng viên Đài Tiếng nói Hoa Kỳ Carla Babb lưu ý rằng các cuộc tấn công gần đây bằng hỏa tiễn và phi cơ không người lái nhằm vào quân đội Hoa Kỳ ở Syria và Iraq vẫn tiếp tục bất chấp ba cuộc tấn công đáp trả này của Hoa Kỳ nhằm vào các cơ sở bị nghi ngờ có liên quan đến IRGC. Cô Babb hỏi liệu các cuộc tấn công của Hoa Kỳ có khởi tác dụng răn đe hay không. 

    Bà Singh trả lời: “Tôi nghĩ chúng tôi đang rất cân nhắc về cách thức và thời điểm chúng tôi tiến hành các cuộc không kích vào những nhóm này. Và tôi nghĩ rằng Iran chắc chắn sẽ thấy thông điệp đó.” 

    Phản ứng trước việc phi cơ không người lái của Hoa Kỳ bị nhóm Houthi bắn hạ

    Phóng viên Jennifer Griffin của Fox News đã đặt câu hỏi riêng về tính hiệu quả của khả năng răn đe của quân đội Hoa Kỳ ở Trung Đông sau khi lực lượng Houthi có trụ sở tại Yemen bắn hạ một phi cơ không người lái MQ-9 Reaper của Hoa Kỳ ngoài khơi Yemen hồi tuần trước. Bà Griffin lưu ý rằng Hoa Kỳ đã không có phản ứng nào đối với nhóm Houthis kể từ khi chiếc phi cơ không người lái đó bị bắn hạ vào tuần trước và hỏi liệu việc thiếu phản ứng như vậy có phải là đang chiêu mời thêm hành động gây hấn từ họ hay không. 

    Bà Singh một lần nữa gợi ý rằng Hoa Kỳ có thể sắp có phản ứng đối với nhóm Houthis, nhưng từ chối nói một cách chắc chắn hoặc cung cấp thông tin cụ thể. 

    Bà Singh nói: “Tôi không nói rằng chúng ta sẽ không có hành động đáp trả. Chúng tôi luôn bảo toàn quyền đáp trả vào thời gian và địa điểm mà chúng tôi lựa chọn, nhưng tôi thực sự không có bất cứ điều gì để dự báo cho quý vị vào lúc này.”

    Ngoài việc bắn hạ phi cơ không người lái của Hoa Kỳ hôm thứ Tư, thì gần đây nhóm Houthi còn tham gia vào cuộc xung đột Israel–Hamas đang diễn ra, tuyên bố đã phóng hỏa tiễn đạn đạo và phi cơ không người lái một chiều vào Israel.

    Hacker: Ngân hàng ICBC đã trả tiền chuộc sau vụ tấn công bằng ransomware

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/nganhang-icbcs.jpg

    Ảnh Ngân hàng ICBC tại Bắc Kinh. (Ảnh: Testing) 

    Tuần trước, chi nhánh tại Mỹ của Ngân hàng Công thương Trung Quốc (ICBC) đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng ransomware, làm gián đoạn giao dịch trên thị trường Kho bạc Mỹ ở một mức độ nhất định. Hôm thứ Hai (13/11), đại diện của nhóm hack Lockbit cho biết trong một tuyên bố rằng ICBC đã trả tiền chuộc.

    “Họ đã trả tiền chuộc và thỏa thuận đã hoàn tất”, đại diện của Lockbit nói với Reuters thông qua ứng dụng nhắn tin trực tuyến Tox. Reuters không thể xác minh độc lập tuyên bố của Lockbit.

    ICBC đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

    Ransomware đề cập đến việc tin tặc khóa hệ thống mạng của nạn nhân và yêu cầu tiền chuộc để mở khóa hệ thống, tin tặc cũng thường đánh cắp dữ liệu nhạy cảm để đòi tiền chuộc.

    Công ty con ICBC Financial Services (ICBCFS) tại Mỹ của ICBC đã tiết lộ vào thứ Năm tuần trước (9/11) rằng họ đã phải hứng chịu một cuộc tấn công bằng ransomware, gây ra một số lỗi hệ thống. ICBCFS cho biết công ty đã ngắt kết nối và cách ly các hệ thống bị ảnh hưởng vào thời điểm đó.

    Hãng AP đưa tin tuần trước rằng ICBC không tiết lộ thêm thông tin chi tiết, nhưng các báo cáo cho biết cuộc tấn công được thực hiện bởi LockBit, một nhóm ransomware có các thành viên giao tiếp chủ yếu bằng tiếng Nga và không nhắm mục tiêu vào các nước thuộc Liên Xô cũ.

    Cuộc tấn công khiến ICBCFS tạm thời nợ Ngân hàng New York Mellon 9 tỷ USD do các giao dịch không ổn định, khiến công ty mẹ phải bơm vốn vào đơn vị này để để giải quyết các giao dịch.

    Reuters đưa tin vụ hack lan rộng đến mức email của công ty ngừng hoạt động, buộc nhân viên phải chuyển sang Google Mail.

    Cuộc tấn công ransomware xảy ra trong bối cảnh ngày càng có nhiều lo ngại về khả năng phục hồi của thị trường Kho bạc trị giá 26.000 tỷ USD, vốn rất quan trọng đối với các kênh tài chính toàn cầu và có thể thu hút sự giám sát từ các cơ quan quản lý.

    Một phát ngôn viên của Bộ Tài chính Mỹ không có bình luận ngay lập tức hôm thứ Hai.

    Một nhóm an ninh mạng của Trung tâm Phân tích và Chia sẻ Thông tin Dịch vụ Tài chính cho biết, các công ty tài chính có các giao thức được thiết lập tốt để chia sẻ thông tin về những sự cố như vậy. Người phát ngôn cho biết trong một tuyên bố: “Chúng tôi nhắc nhở các thành viên thực hiện tất cả các biện pháp bảo vệ kịp thời và vá các lỗ hổng nghiêm trọng ngay lập tức”.

    Ông Ren Zhiwei, nhà quản lý danh mục đầu tư tại Penn Mutual Asset Management, cho biết: “Thị trường về cơ bản đã trở lại bình thường”.

    Trong những tháng gần đây, Lockbit đã tấn công một số tổ chức lớn nhất thế giới, họ đánh cắp và tiết lộ dữ liệu nhạy cảm nếu nạn nhân từ chối trả tiền chuộc.

    Theo các quan chức Mỹ, chỉ trong 3 năm, Lockbit đã trở thành mối đe dọa ransomware lớn nhất thế giới.

    Chính quyền Mỹ từ lâu đã khuyến cáo không nên trả tiền cho các nhóm ransomware nhằm nỗ lực phá vỡ mô hình kinh doanh của bọn tội phạm. Các khoản thanh toán tiền chuộc thường được thực hiện dưới dạng tiền điện tử, khó theo dõi hơn và cho phép người nhận ẩn danh.

    Theo Hạ Vũ Tông, Epoch Times

    Triển vọng cuộc gặp giữa Biden và Tập

    Vào thứ Tư, lần thứ hai trong nhiệm kỳ tổng thống của mình, Joe Biden sẽ hội đàm trực tiếp với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Cuộc gặp sẽ diễn ra bên lề Thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương tại San Francisco. Hai nhà lãnh đạo dự kiến sẽ thảo luận về một loạt vấn đề, bao gồm cuộc chiến Israel-Hamas, việc Nga xâm lược Ukraine, tương lai của Đài Loan, và quan hệ kinh tế Trung-Mỹ.

    Cuộc đối thoại giữa Mỹ và Trung Quốc đã tan vỡ vào năm ngoái, sau khi một khinh khí cầu bị nghi là khí cầu do thám của Trung Quốc bị phát hiện đang bay trên bầu trời nước Mỹ – và Biden đã ra lệnh bắn hạ nó. Kể từ đó, các quan chức Mỹ đã cố gắng xoa dịu căng thẳng. Ưu tiên của Mỹ tại đàm phán lần này sẽ là khôi phục liên lạc giữa lực lượng vũ trang của hai nước. Đây được xem là một mục tiêu khả thi. Tương tự, cũng có thể đạt được thỏa thuận nhằm ngăn chặn dòng fentanyl do Trung Quốc sản xuất đổ vào Mỹ. Nhưng không bên nào mong đợi những đột phá lớn hơn. Chỉ cần quan hệ ổn định hơn một chút đã là một kết quả tốt.

    Chương trình chuyển người tị nạn sang Rwanda của Anh

    Hồi tháng 04/2022, chính phủ Anh đã công bố giải pháp cho vấn đề “người tị nạn băng qua Eo biển Manche trên những chiếc thuyền nhỏ.” Nhóm người này sẽ được gửi đến Rwanda, nơi các yêu cầu của họ sẽ được xử lý. Vào thứ Tư, Tối cao Pháp viện Anh sẽ ra phán quyết liệu chương trình này có hợp pháp và có thể tiếp tục hay không.

    Ở một khía cạnh nào đó, phán quyết sẽ không thay đổi được gì nhiều. Việc gửi những người xin tị nạn đến Châu Phi sẽ không giải quyết vấn đề thuyền nhân. Năm 2022, 46.000 người đã vào Anh theo cách này. Dù chính phủ Anh cho biết số người tị nạn theo chương trình Rwanda là “không giới hạn,” nhưng chính phủ ở Kigali cho biết họ chỉ có thể tiếp nhận vài trăm người mỗi năm.

    Tuy nhiên, nếu tòa án cao nhất của Anh chống lại kế hoạch này, phán quyết đó có thể làm sống lại những đề xuất của Đảng Bảo thủ cầm quyền, rằng Anh nên rời khỏi Tòa án Nhân quyền Châu Âu. Nguyên nhân là do Tối cao Pháp viện Anh sẽ giữ nguyên phán quyết trước đó của Tòa Phúc thẩm, tuyên bố rằng chương trình Rwanda vi phạm Công ước Châu Âu về Nhân quyền. Tuy nhiên, kịch bản này có lẽ khó xảy ra hơn, vì kể từ thứ Hai, James Cleverly đã lên thay thế Suella Braverman, Bộ trưởng Nội vụ theo đường lối cứng rắn, người ủng hộ kế hoạch này.

    Thượng đỉnh công nghệ gây tranh cãi ở Lisbon

    Thượng đỉnh Web, cuộc tụ họp thường niên của giới công nghệ, đang được tổ chức tại Lisbon. Khoảng 70.000 người tham dự từ khắp nơi trên thế giới dự kiến sẽ có mặt tại thủ đô của Bồ Đào Nha, khiến sự kiện này trở thành một trong những sự kiện lớn nhất trong các hội nghị kiểu này. Danh sách các diễn giả bao gồm Jimmy Wales, người sáng lập Wikipedia, Chelsea Manning, người chuyên tố giác, và Marcelo Rebelo de Sousa, Tổng thống Bồ Đào Nha. Không có gì ngạc nhiên khi trí tuệ nhân tạo là vấn đề nổi bật trong chương trình nghị sự.

    Sự kiện này đã rơi vào hỗn loạn hồi tháng trước, khi người đồng sáng lập Thượng đỉnh Web, Paddy Cosgrave, đăng trên Twitter những nhận xét chỉ trích các cuộc tấn công của Israel vào Gaza, sau khi phiến quân Hamas thảm sát người Israel vào ngày 7/10. Một số diễn giả nổi tiếng đã rút khỏi sự kiện, cũng như nhiều nhà tài trợ, bao gồm Amazon, Google, và Intel. Cosgrave đã từ chức người đứng đầu sự kiện này, dù ông vẫn nắm giữ phần lớn cổ phần trong doanh nghiệp. Người thay thế ông, Katherine Maher, hy vọng thượng đỉnh diễn ra mà không có tranh cãi gì thêm.

    Turkish Airlines ngày càng bị chính trị hóa

    Vào thứ Tư, Turkish Airlines sẽ bắt đầu các chuyến bay đến Detroit, điểm đến thứ 13 của hãng tại Mỹ. Hãng hàng không quốc gia Thổ Nhĩ Kỳ hiện bay đến nhiều quốc gia hơn bất kỳ hãng hàng không nào khác. Tuy nhiên, có nhiều lời chỉ trích rằng công ty với 49% sở hữu nhà nước này đang ngày càng bị chính trị hóa.

    Fatmanur Altun, vợ của thư ký báo chí của Tổng thống Recep Tayyip Erdogan, đã gia nhập hội đồng quản trị của Turkish Airlines vào tháng 6/2019. Mười tháng sau, Melih Sukru Ecertas, một thành viên nổi bật của nhánh thanh niên thuộc Đảng Công lý và Phát triển cầm quyền, trở thành thành viên hội đồng quản trị. Hai người mới được bổ nhiệm khác đã tốt nghiệp Kartal Imam Hatip, một trường trung học tôn giáo, cùng năm với con trai Erdogan.

    Tranh cãi đang gia tăng. Một quy định gần đây cho phép các phi công và tiếp viên của hãng được nghỉ để cầu nguyện trên chuyến bay, nhưng không phải trong các giai đoạn “quan trọng” của chuyến bay, và họ cũng được nhịn ăn trong tháng Ramadan. Điều này phù hợp với chính sách của Erdogan nhằm làm suy yếu truyền thống thế tục của Thổ Nhĩ Kỳ hiện đại. Nhưng ngay cả các hãng hàng không do các chính phủ theo đạo Hồi nghiêm ngặt hơn điều hành cũng không cho phép các hành động kể trên. Hồi tháng 8, một phi công đã bị sa thải vì gọi quy định mới là một rủi ro về an toàn. Điều đó đã làm dấy lên mối lo ngại về các ưu tiên của hãng hàng không.

    Anh cải tổ nội các: Cựu Thủ tướng Cameron trở lại, bộ trưởng nội vụ bị cách chức

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/cameron.jpg

    Cựu Thủ tướng Anh David Cameron hồi tháng 5/2010. (Ảnh: Flickr của VP thủ tướng Anh) 

    Khi Thủ tướng Anh Rishi Sunak cải tổ nội các, ông bất ngờ bổ nhiệm cựu Thủ tướng David Cameron làm tân Ngoại trưởng Anh hôm thứ Hai (ngày 13/11). Cuộc cải tổ lớn này còn bao gồm: Bộ trưởng Ngoại giao ban đầu James Cleverly được đổi thành Bộ trưởng Nội vụ, và Bộ trưởng Nội vụ ban đầu Suella Braverman bị cách chức.

    Rất hiếm khi một cựu thủ tướng Anh và là một người không phải nghị sĩ nhưng giữ một vị trí cấp cao trong chính phủ, việc bổ nhiệm ông Cameron làm ngoại trưởng được coi là một động thái hết sức bất thường. Văn phòng của ông Sunak hôm thứ Hai cho biết, Vua Charles đã chấp thuận trao cho ông Cameron một ghế trong Hạ viện Anh, cho phép ông trở lại chính phủ với tư cách bộ trưởng mà không cần phải là thành viên được bầu của Quốc hội.

    Ông Cameron, 57 tuổi, giữ chức thủ tướng từ năm 2010 đến 2016 và chủ trì cuộc trưng cầu dân ý về Brexit gây tranh cãi ở Anh, dẫn đến việc ông phải từ chức.

    Trong 7 năm qua, ông viết hồi ký và dấn thân vào lĩnh vực kinh doanh (bao gồm cả sự sụp đổ sau đó của Greensill Capital), ông đã bất ngờ trở lại vị trí hàng đầu trong chính trường Anh.

    Theo Guardian đưa tin, ông Cameron đã giữ thái độ tương đối kín đáo kể từ khi ông không còn là thủ tướng, mặc dù ông bị cáo buộc vận động các bộ trưởng trong chính phủ cung cấp tài chính cho công ty dịch vụ tài chính Greensill Capital hiện đã phá sản hai năm trước.

    Hồi tháng 7, Guardian đưa tin, Ủy ban Tình báo và An ninh của Quốc hội Anh phát hiện ông Cameron được bổ nhiệm làm phó chủ tịch phụ trách Quỹ đầu tư song phương Trung – Anh trị giá 1 tỷ USD, và ông Danny Alexander được bổ nhiệm làm Phó Chủ tịch Quỹ Châu Á của Ngân hàng Đầu tư Cơ sở vật chất, một phần do Chính phủ Trung Quốc thiết kế.

    Ông Cameron viết trên mạng xã hội X rằng: “Mặc dù tôi đã rời xa chính trường trong 7 năm qua, nhưng tôi hy vọng rằng kinh nghiệm của tôi – 11 năm lãnh đạo Đảng Bảo thủ và 6 năm làm thủ tướng – sẽ giúp ích cho thủ tướng (đương nhiệm).” Ông cũng đánh giá ông Sunak là một nhà lãnh đạo “mạnh mẽ và có năng lực”.

    Bà Suella Braverman, nguyên Bộ trưởng Nội vụ đã bị công kích vì nhiều bình luận chống lại cánh tả, khi áp lực buộc ông Sunak phải sa thải bà ngày càng lớn.

    Ví dụ, khi hàng trăm ngàn người tuần hành ủng hộ Palestine ở Anh, bà Braverman cáo buộc họ là “các cuộc tuần hành căm thù” và “côn đồ” đe dọa cộng đồng Do Thái, đồng thời cáo buộc cảnh sát áp dụng “tiêu chuẩn kép”. Bà nói cảnh sát đã phản ứng nhân nhượng hơn đối với những nhà hoạt động biểu tình ủng hộ Palestine và những người ủng hộ Black Lives Matter so với những người biểu tình cánh hữu hoặc những kẻ côn đồ bóng đá.

    Theo BBC đưa tin, là thành viên một viện nghiên cứu thiên hữu và thuộc nhóm cánh hữu của Đảng Bảo thủ, bà Braverman còn nói các nhóm cực hữu Anh tổ chức “phản biểu tình” bị cảnh sát xử lý mạnh mẽ là đúng, trong khi “bọn người ủng hộ Palestine (pro-Palestinian mobs)” lại gần như bị bỏ qua.

    Về vấn đề nhập cư, bà Braverman đã đặt câu hỏi rõ ràng về Công ước Tị nạn năm 1951 của Liên Hợp Quốc vì bà cho rằng luật đã chuyển từ giúp đỡ những người chạy trốn sự đàn áp sang giúp đỡ những người sợ thành kiến, và nói rằng những người thuộc nhóm thiểu số giới tính (LGBTQ+) không thể coi là điều kiện để tị nạn.

    Trí Đạt 

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ ủng hộ ông Trump tranh cử tổng thống 

    15/11/2023 

    Reuters 

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson được cho là người có quan hệ gần gũi với cựu Tổng thống Donald Trump

    Chủ tịch Hạ viện Mike Johnson được cho là người có quan hệ gần gũi với cựu Tổng thống Donald Trump 

    Chủ tịch Hạ viện Mỹ, ông Mike Johnson, đảng viên Cộng hòa cấp cao nhất ở Quốc hội, hôm 14/11 đã tán thành ông Donald Trump giành đề cử của đảng Cộng hòa, động thái cho thấy sự kiểm soát của cựu tổng thống đối với Ðảng Cộng hòa.

    “Tôi hoàn toàn tán thành Tổng thống Trump,” ông Johnson nói trên CNBC.
    Ông Johnson ngụ ý rằng ông đã ‘ủng hộ’ ông Trump trước đây, nhưng không rõ ông đã làm như vậy khi nào. Một đại diện của ông Johnson không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận của Reuters.

    Ông Johnson được bầu làm Chủ tịch Hạ viện hồi tháng 10 sau khi một nhóm nhỏ các dân biểu Cộng hòa phế truất ông Kevin McCarthy, chủ tịch Hạ viện khi đó.
    Trước đó, ông Johnson đã dẫn đầu các nỗ lực trong Quốc hội nhằm lật ngược thất bại trong cuộc bầu cử năm 2020 của ông Trump.
    Sau thất bại của ông Trump, ông Johnson đã soạn thảo một văn bản pháp lý với chữ ký của 125 dân biểu Cộng hòa khác tại Hạ viện, nhằm tìm cách thuyết phục Tòa án Tối cao bác bỏ kết quả bầu cử từ một số bang tranh chấp mà ông Trump đã thua ông Joe Biden.
    Trong cuộc phỏng vấn với CNBC, ông Johnson đã biện hộ cho hành động của Trump, nói rằng cựu tổng thống tin tưởng ‘từ tận đáy lòng’ rằng cuộc bầu cử đã xảy ra gian lận, điều đã bị bác bỏ rộng rãi.

    Tên tuổi ông Johnson vẫn được biết đến tương đối thấp, vì vậy không rõ sự tán thành của ông dành cho ông Trump sẽ có ý nghĩa đến mức nào đối với cử tri. Tuy nhiên, sự tán thành này cho thấy các nhà lập pháp đảng Cộng hòa đã đứng về phía Trump như thế nào. Ông Trump hiện là ứng cử viên hàng đầu trong cuộc đua đề cử tổng thống của đảng Cộng hòa.

    Liên Hiệp Quốc : Thế giới chỉ giảm 2% lượng khí phát thải so với mục tiêu 43%

    Thanh Phương /RFI

    15/11/2023

    Chỉ còn hai tuần nữa là khai mạc hội nghị khí hậu quan trọng nhất kể từ khi đạt được thỏa thuận Paris, Liên Hiệp Quốc báo động những cam kết hiện nay của các quốc gia chỉ dẫn đến việc giảm 2% lượng khí phát thải, trong khi mục tiêu phải đạt được là 43% để có thể kềm chế mức tăng nhiệt độ Trái đất không quá 1,5%. 

    Ảnh minh họa: Buổi sáng đầy khói mù tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 13/11/2023.

    Ảnh minh họa: Buổi sáng đầy khói mù tại Mumbai, Ấn Độ, ngày 13/11/2023. REUTERS - FRANCIS MASCARENHAS 

    Theo AFP, báo cáo của Liên Hiệp Quốc được công bố hôm qua, 14/11/2023, là bản tổng hợp thường niên các cam kết mới nhất về cắt giảm khí phát thải của 195 quốc gia đã ký kết thỏa thuận Paris 2015. Văn bản này đề ra mục tiêu hạn chế mức tăng nhiệt độ của trái đất dưới 2% so với thời kỳ tiền công nghiệp và nếu có thể là dưới 1,5%. Nhưng để có được 50% cơ may kềm chế mức tăng nhiệt độ dưới 1,5%, từ đây đến 2030, lượng khí phát thải của cả thế giới phải giảm 43% so với mức của năm 2019.

    Theo các tác giả báo cáo, kết luận nói trên cho thấy, thay vì đi « những bước nhỏ », các chính phủ phải đi « những bước khổng lồ » tại hội nghị Liên Hiệp Quốc về khí hậu lần thứ 28 (COP28). Cuộc họp này sẽ diễn ra từ ngày 30/11 đến 12/12/2023 tại Dubai và đây sẽ là dịp để đưa ra bản tổng kết chính thức đầu tiên về thực hiện cam kết cắt giảm khí phát thải của thế giới.

    Trong một thông báo, tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Guterres cũng đã thúc giục thế giới rằng đã đến lúc phải có « một supernova » (siêu tân tinh) về tham vọng khí hậu ở mỗi nước, mỗi thành phố.

    Về phần tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua ông nhấn mạnh: « Bất cứ ai chối bỏ những tác động của biến đổi khí hậu đều sẽ đẩy dân Mỹ đến một tương lai cực kỳ nguy hiểm ». 

    Quảng cáo

    Cũng về khí hậu, Liên Hiệp Quốc hôm nay báo động về sự gia tăng « rất đáng quan ngại » các cơn bão cát và bão bụi trên thế giới, nhất là tại vùng Trung Á. Theo Liên Hiệp Quốc, đây là một mối đe dọa cho sức khỏe của nhân loại và là cũng hậu quả của biến đổi khí hậu do những hoạt động của con người gây ra.


    Không có nhận xét nào