Võ Thái Hà tổng hợp
Khai mạc thượng đỉnh APEC, tổng thống Mỹ trấn an các nước châu Á
Minh Anh /RFI
17/11/2023
Một ngày sau khi gặp chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình, tổng thống Mỹ Joe Biden, hôm qua, 16/11/2023, có bài diễn văn khai mạc thượng đỉnh Diễn đàn Hợp tác Kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC), trong bối cảnh cạnh tranh gia tăng giữa Mỹ và Trung Quốc.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu sau hội nghị bàn về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng, bên lề thượng đỉnh APEC, ngày 16/11/2023, tại San Francisco. AP - Godofredo A. Vásquez
Theo AP, trước sự hiện diện của lãnh đạo các nước và doanh nghiệp trong vùng, tổng thống Mỹ Joe Biden cam kết tuân thủ các tiêu chuẩn cao trong thương mại và quan hệ đối tác, những mối quan hệ sẽ mang lại các lợi ích kinh tế cho toàn vùng Thái Bình Dương.
Nguyên thủ Mỹ tuyên bố : « Hoa Kỳ hiện diện tại đây là để ở lại » và khẳng định Hoa Kỳ « đang giảm thiểu rủi ro và đa dạng hóa » nhưng « không tách rời » khỏi Bắc Kinh.
Tổng thống Biden nhấn mạnh đến sự khác biệt giữa Mỹ và đối thủ Trung Quốc khi cho rằng Hoa Kỳ đã đầu tư khoảng 50 tỷ đô la vào các nền kinh tế trong Khuôn khổ Hợp tác Kinh tế châu Á - Thái Bình Dương năm 2023, bao gồm các lĩnh vực công nghệ năng lượng sạch, hàng không và an ninh mạng.
Hãng tin Pháp AFP cho biết thêm tổng thống Mỹ cũng không quên cảm ơn sự đóng góp của nhiều doanh nghiệp châu Á - Thái Bình Dương khi đầu tư « hơn 200 tỷ đô la » vào Mỹ kể từ khi ông nhậm chức.
Còn tại hội nghị bàn về Khuôn khổ Kinh tế Ấn Độ - Thái Bình Dương vì Thịnh vượng (IPEF), tổng thống Biden bảo đảm rằng những « cam kết thực tế, cụ thể đã được đàm phán trong một thời gian kỷ lục ».
IPEF là một hiệp định liên chính phủ, không mang tính ràng buộc, quy tụ 13 nước trong vùng Ấn Độ - Thái Bình Dương, trong đó có Nhật Bản, Ấn Độ, Úc, Hàn Quốc và một phần lớn các nước Đông Nam Á nhưng Trung Quốc không được mời tham gia,
Theo giải thích của AFP, trên thực tế, nếu các cuộc thương lượng về chuỗi cung ứng, chuyển đổi năng lượng và cuộc chiến chống tham nhũng phần lớn đã được đúc kết, thì sáng kiến IPEF đang gặp trở ngại trong vế thương mại, do những bất đồng ngay trong chính nội bộ đảng Dân Chủ, liên quan đến các quy định về lao động.
Truyền thông Pháp, Mỹ lưu ý, những tuyên bố này được đưa vào lúc tổng thống Mỹ và chủ tịch Trung Quốc vừa kết thúc cuộc gặp thượng đỉnh nhằm xoa dịu các căng thẳng giữa hai nước.
Lãnh đạo Trung Quốc, Nhật Bản có cuộc gặp hiếm hoi, tái khẳng định 'quan hệ chiến lược'
17/11/2023
Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida, Chủ tịch Trung Quốc Tâp Cận Bình và Thủ tướng Canada Justin Trudeau (từ trái sang phải) tại hội nghị APEC ở San Francisco, Mỹ, 16/11/2023.
Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida phát biểu rằng họ sẽ theo đuổi mối quan hệ đôi bên cùng có lợi trong cuộc hội đàm trực tiếp đầu tiên giữa hai ông sau một năm, họ nhấn mạnh vào lợi ích kinh tế chung giữa bối cảnh hai nước có một loạt các bất đồng ngoại giao.
Hai nhà lãnh đạo của hai nền kinh tế lớn nhất châu Á đã thảo luận các vấn đề gai góc như lệnh của Trung Quốc về cấm hải sản Nhật và trường hợp một doanh nhân Nhật bị bắt giam ở Trung Quốc vì bị tình nghi hoạt động gián điệp, khi hai ông hội đàm kéo dài cả tiếng đồng hồ ở San Francisco hôm thứ Năm 16/11.
Họ cũng cam kết tổ chức đối thoại cấp cao về các vấn đề kinh tế và hoan nghênh việc khởi động một khuôn khổ thảo luận về kiểm soát xuất khẩu khi hai ông gặp nhau bên lề hội nghị thượng đỉnh của Diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC).
Ông Tập nói với ông Kishida trong cuộc hội đàm rằng hai nước cần "tập trung vào lợi ích chung" và tái khẳng định "mối quan hệ chiến lược cùng có lợi và mang lại cho nó ý nghĩa mới".
Trong tuyên bố chung năm 2008, Nhật Bản và Trung Quốc đã đồng ý theo đuổi “mối quan hệ cùng có lợi dựa trên lợi ích chiến lược chung”.
Tuy nhiên, cụm từ này đã được sử dụng ít đi trong những năm gần đây khi hai nước vốn là đối thủ lâu năm của nhau đã xung khắc về các vấn đề như tuyên bố chủ quyền lãnh thổ, căng thẳng thương mại và vấn đề Đài Loan.
Gần đây nhất, mối quan hệ này đã bị thử thách vì Trung Quốc ra lệnh cấm hải sản của Nhật Bản sau khi nước này quyết định hồi tháng 8 bắt đầu xả nước đã qua xử lý từ nhà máy hạt nhân Fukushima đã bị tê liệt ra biển.
Nói với giới truyền thông sau cuộc hội đàm, ông Kishida cho hay ông đã mạnh mẽ kêu gọi ông Tập bãi bỏ lệnh cấm và đề nghị nhanh chóng trả tự do cho một vị giám đốc điều hành doanh nghiệp đang bị giam giữ, là vụ việc đã giáng một đòn mạnh vào quan hệ thương mại giữa hai nước.
Ông Tập nói rằng Nhật Bản nên xem xét nghiêm túc mối quan ngại của Trung Quốc về việc xả nước ở Fukushima và hai bên đã đồng ý cố gắng giải quyết vấn đề thông qua tham vấn, theo bản tóm tắt về cuộc hội đàm. Bản tóm tắt của Trung Quốc không đề cập đến trường hợp vị giám đốc điều hành của hãng Astellas Pharma đã chính thức bị bắt hồi tháng trước.
Cả hai bên đều ca ngợi sáng kiến tổ chức các cuộc đối thoại thường xuyên về kiểm soát xuất khẩu, là nỗ lực nhằm tránh các biện pháp ăn miếng trả miếng khi các nước trên thế giới tìm cách hạn chế việc đưa nguyên liệu và công nghệ nhạy cảm ra nước ngoài.
Trung Quốc gần đây đã áp đặt các biện pháp hạn chế xuất khẩu kim loại giúp cho sản xuất chip như gali và dự kiến sẽ hạn chế xuất khẩu than chì, được sử dụng trong pin, vào tháng 12. Nhật Bản đã hạn chế xuất khẩu một số thiết bị sản xuất chip.
Bên lề hội nghị thượng đỉnh APEC, ông Kishida cũng đã gặp Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk Yeol trong cuộc gặp lần thứ bảy trong năm nay. Họ hứa sẽ thúc đẩy hợp tác sâu sắc hơn và thảo luận về những mối quan ngại chung như các vụ thử tên lửa của Triều Tiên.
Ba ông Yoon, Kishida và Biden cũng đã tổ chức một cuộc họp ba bên ngắn hôm 16/11.
Các nhà lãnh đạo của diễn đàn Hợp tác Kinh tế châu Á-Thái Bình Dương gồm 21 thành viên đang có mặt tại San Francisco để dự hội nghị thượng đỉnh lần thứ 30 từ ngày 15 đến 17/11.
Tân Ngoại trưởng Anh David Cameron thăm Ukraine
Ông David Cameron. (Ảnh: Tom Evans/ Wikimedia)
Tân Ngoại trưởng Anh David Cameron đã đến Ukraine, gặp Tổng thống nước chủ nhà Volodymyr Zelensky. Đây là chuyến công du nước ngoài đầu tiên của ông Cameron trên cương vị Ngoại trưởng Anh, theo hãng tin Reuters.
Trong đoạn video do Văn phòng Tổng thống Ukraine đăng tải ngày 16/11, ông Cameron đã nhấn mạnh sự ủng hộ của Chính phủ Anh đối với Ukraine. Ngoại trưởng Anh khẳng định London sẽ tiếp tục hỗ trợ Ukraine về mặt tinh thần, ngoại giao và trên hết là hỗ trợ quân sự. Người đứng đầu ngành ngoại giao Anh nói thêm rằng London sẽ hợp tác với các nước đồng minh nhằm đảm bảo trọng tâm chú ý là Ukraine.
Về phần mình, Tổng thống Ukraine Zelensky cảm ơn động thái trên của Chính phủ Anh, trong bối cảnh ông cho rằng cuộc xung đột ở Trung Đông dường như khiến thế giới không còn quá tập trung vào cuộc xung đột giữa Nga và Ukraine.
Tuyên bố của Ukraine không nêu thời gian diễn ra cuộc gặp giữa tân Ngoại trưởng Anh và Tổng thống Zelensky. Cựu Thủ tướng Anh Cameron vừa được bổ nhiệm là Ngoại trưởng nước này trong cuộc cải tổ nội các ngày 13/11 vừa qua.
Việc cựu Thủ tướng Anh David Cameron trở lại chính trường với tư cách là ngoại trưởng là một quyết định kịch tính và bất ngờ hơn bao giờ hết.
Sau khi vận động không thành công trong cuộc trưng cầu dân ý Brexit năm 2016 để người Anh bỏ phiếu ở lại Liên minh châu Âu, ông Cameron đã từ chức ngay lập tức và rời khỏi chính trường kể từ đó.
Ông thậm chí không phải là một nhà lập pháp. Việc ông trở lại vị trí lãnh đạo cấp cao trong chính phủ với tư cách là thành viên không được bầu chọn từ Hạ viện Anh là điều hiếm gặp và làm dấy lên lo ngại về tính trách nhiệm.
Phát biểu trước phóng viên ngày 13/11, cựu Thủ tướng Cameron nói: “Tôi biết việc một thủ tướng trở lại theo cách này là không theo lẽ thường, nhưng tôi tin vào dịch vụ công”.
Cuộc cải tổ nội các lớn cùng ngày do Thủ tướng Rishi Sunak công bố cho thấy ngoài ông Cameron, một số cựu thủ tướng Anh khác cũng quay trở lại chính phủ nhưng với vai trò thấp hơn. Chỉ có khoảng chục cựu lãnh đạo Anh đi theo con đường này từ những năm 1700.
Cho đến nay, di sản của cựu Thủ tướng Cameron đối với Brexit và các quyết định chính trị khác vẫn còn gây tranh cãi sâu sắc.
Tốt nghiệp đại học danh tiếng Oxford, ông Cameron đã lãnh đạo đảng Bảo thủ trở lại nắm quyền vào năm 2010 sau 13 năm quyền lực rơi vào tay phe đối lập. Ông lãnh đạo nước Anh trong 6 năm. Trong nhiệm kỳ đầu tiên, đảng của ông đã chia sẻ quyền lực với đảng Dân chủ Tự do trong một liên minh không mấy dễ dàng.
Ông Cameron trở thành lãnh đạo Văn phòng số 10 phố Downing ở tuổi 43 với tư cách là một trong những thủ tướng trẻ nhất trong lịch sử nước Anh. Nhiều nhà quan sát vào thời điểm đó đã so sánh sức hút của ông với cựu Thủ tướng Tony Blair của Công đảng.
Đối với nhiều người, nền kinh tế “thắt lưng buộc bụng” khắc nghiệt và quyết định tổ chức cuộc bỏ phiếu Brexit của ông vẫn là những cột mốc quan trọng trong thời gian ông nắm quyền, với tác động sâu rộng lên xã hội Anh sau này.
Dưới thời Thủ tướng Cameron, chính phủ Anh đã cắt giảm sâu phúc lợi xã hội và các chi tiêu công khác cho y tế và giáo dục sau cuộc khủng hoảng kinh tế toàn cầu năm 2008.
Lời hứa của ông về việc tổ chức một cuộc trưng cầu dân ý về tư cách thành viên EU, một nỗ lực nhằm xoa dịu những người Bảo thủ nổi loạn và xua đuổi đảng Độc lập cánh hữu của Vương quốc Anh, đã đánh dấu sự sụp đổ của ông. Phe “ở lại” EU của ông Cameron đã bị đánh bại, chỉ giành được 48% phiếu bầu so với 52% của phe “rời đi” được sự ủng hộ từ những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, trong đó có cựu Thủ tướng Boris Johnson.
Vương quốc Anh rời EU vào năm 2020 sau một tiến trình hỗn loạn và những tranh cãi thương mại thời hậu Brexit tiếp tục ảnh hưởng đến chính trị ở Bắc Ireland.
Trong nhiệm kỳ của mình, ông Cameron đã dẫn dắt các mối quan hệ kinh tế và thương mại chặt chẽ hơn giữa Anh và Trung Quốc, chủ trì “kỷ nguyên vàng” của quan hệ Trung – Anh khi ông có chuyến thăm cấp nhà nước tới Trung Quốc.
Lập trường của ông hiện bị nhiều người ở Anh, trong đó có Thủ tướng đương nhiệm Sunak, chỉ trích là sai lầm vì ảnh hưởng của Bắc Kinh ngày càng được coi là mối đe dọa đối với an ninh quốc tế. Trong một tuyên bố, ông Cameron thừa nhận ông không đồng tình với nhà lãnh đạo Sunak về một số quyết định nhưng nhấn mạnh rằng ông sẽ ủng hộ ông Sunak khi Vương quốc Anh tiến tới cuộc tổng tuyển cử vào năm tới.
Phan Anh
Giám đốc FBI Wray: ‘Rất đáng lo ngại’ về những kẻ khủng bố thâm nhập nước Mỹ
Giám đốc FBI Christopher Wray, trong cuộc điều trần tại Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện hôm thứ Tư (15/11), đã bày tỏ “rất đáng lo ngại” về khả năng những kẻ khủng bố thâm nhập vào nước Mỹ từ biên giới phía Nam giáp Mexico.
Dân biểu Michael McCaul (Đảng Cộng hòa, Texas) trong cuộc điều trần đã hỏi ông Wray về suy nghĩ của ông đối với số lượng kỷ lục những vụ chạm trán người nhập cư bất hợp pháp tại biên giới phía Nam, cũng như số lượng gia tăng các vụ chạm trán những người nhập cư bất hợp pháp có tên trong Danh sách Theo dõi Khủng bố.
Ông Wray đáp rằng: “Chắc chắn những con số đó khiến chúng ta lo lắng. Dù vậy, tôi nghĩ ở một vài khía cạnh nào đó, điều quan trọng là phải nhận ra rằng chỉ riêng các con số đó thậm chí không thực sự nói lên vấn đề. Tất cả chúng ta đều đã từng chứng kiến một số lượng nhỏ những kẻ khủng bố nước ngoài đã gây tổn thất nhiều như thế nào. Ý tôi là, đôi khi mọi người điên rồ đến mức cố tình quên rằng chỉ có 19 người đã giết chết 3.000 người”. Ông Wray muốn đề cập đến vụ khủng bố ngày 11/9/2001.
Cũng trong cuộc điều trần nêu trên, Chủ tịch Ủy ban An ninh Nội địa Hạ viện, Dân biểu Mark Green (Đảng Cộng hòa, Tennessee) đã đặt ra câu hỏi rằng liệu có hay không FBI đảm bảo những kẻ khủng bố đã được xác nhận hoặc đang là tình nghi, trong đó có những tên từ nhóm Hamas, đã không nằm trong nhóm đã vào nước Mỹ bất hợp pháp và không bị các quan chức Tuần tra Biên giới bắt giữ.
“Chắc chắn, nhóm người mà ông đang nói đến là nguồn cơn khiến chúng tôi rất lo ngại. Đó là lý tại sao chúng tôi đang rất tích cực sử dụng tất cả 56 tổ công tác chống khủng bố hỗn hợp của chúng tôi”, ông Wray nói.
Trong bài phát biểu khai màn phiên điều trần đã được chuẩn bị trước, ông Wray nói: “Cho đến lúc này, chúng tôi chưa có thông tin để khẳng định Hamas có ý định hoặc khả năng thực hiện các hoạt động khủng bố bên trên nước Mỹ, mặc dù chúng tôi không thể và cũng không xem nhẹ khả năng đó, nhưng chúng tôi đặc biệt quan ngại về khả năng những người ủng hộ Hamas tham gia vào các hành vi bạo lực nhân danh nhóm Hồi giáo này”.
Bộ trưởng An ninh Nội địa Alejandro Mayorkas cũng đã bày tỏ những quan ngại tương tự như ông Wray trong bài phát biểu có chuẩn bị trước mở màn phiên điều trần nêu trên.
Ông Alejandro Mayorkas tuyên bố: “Mối đe dọa của nhân tố ‘sói đơn độc’ nỗ lực khai thác cuộc xung đột giữa Israel và Hamas và xúi giục gây bạo loạn bằng tư tưởng thù hận là đặc biệt đáng quan ngại”.
Bộ An ninh Nội địa Mỹ hồi tháng Mười cũng đã công bố số liệu cho thấy 13 người nhập cư bất hợp pháp vào nước Mỹ và chạm trán lực lượng Tuần tra Biên giới là nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố. Con số này là nhiều hơn tổng số người nhập cư bất hợp pháp nằm trong Danh sách Theo dõi Khủng bố bị bắt giữ từ năm 2018 đến năm 2020, dưới thời chính quyền Tổng thống Donald Trump.
Cũng trong tháng Mười, một chỉ lệnh nội bộ của Bộ An ninh Nội địa, đã âm thầm thừa nhận rằng mối đe dọa khủng bố tràn qua biên giới phía Nam vào nước Mỹ đang là một vấn đề an ninh quốc gia.
Xuân Thành
Triển vọng cho thỏa thuận con tin ở Gaza?
Vào thứ Sáu, quân đội Israel sẽ tiếp tục lục soát bệnh viện al-Shifa ở Gaza để tìm bằng chứng cho thấy đây là căn cứ của Hamas. Israel và Mỹ tin rằng phiến quân đã xây dựng đường hầm bên dưới bệnh viện. Cho đến nay, các binh sĩ đã tìm thấy “tài liệu tình báo,” vũ khí, và những gì họ tuyên bố là thông tin liên kết bệnh viện với một vài trong số 240 con tin bị Hamas bắt giữ. Hôm thứ Năm, Lực lượng Phòng vệ Israel tuyên bố họ đã tìm thấy thi thể của một trong số các con tin, một phụ nữ 65 tuổi tên là Yehudit Weiss, trong một tòa nhà gần bệnh viện.
Chính phủ Israel đang chịu áp lực ngày càng lớn về việc đạt được tiến bộ trong vấn đề con tin. Họ hy vọng rằng các cuộc đột kích vào al-Shifa sẽ buộc Hamas thả một số người mà nhóm này đang giam giữ. Các nhà đàm phán Qatar, Ai Cập, và Mỹ được cho là đang cố gắng trung gian một thỏa thuận trong đó Hamas sẽ thả hàng chục con tin và chia sẻ danh sách những người còn bị giam giữ. Đổi lại, Israel sẽ thả một số phụ nữ và trẻ em Palestine ra khỏi nhà tù, cũng như cho phép đưa thêm viện trợ vào Gaza. Thoả thuận thậm chí có thể tạm dừng giao tranh.
Bầu cử địa phương ở Ấn Độ
Cử tri ở Madhya Pradesh, một bang miền trung Ấn Độ với dân số 72 triệu người, sẽ bầu ra một hội đồng lập pháp mới vào thứ Sáu. Cuộc bỏ phiếu này là một trong nhiều cuộc bầu cử địa phương sẽ diễn ra trong tháng này. Bang Chhattisgarh lân cận cũng tiếp tục bỏ phiếu vào thứ Sáu. Trong khi đó, người dân Rajasthan, một bang lớn ở miền bắc, sẽ đi bỏ phiếu vào ngày 23/11 và bang miền nam Telangana sẽ tổ chức bầu cử một tuần sau đó. Tất cả các phiếu bầu sẽ được đếm vào ngày 3/12.
Các nhà phân tích sẽ theo dõi kết quả cuộc bầu cử địa phương để tìm dấu hiệu về những gì có thể xảy ra trong cuộc tổng tuyển cử vào mùa xuân tới. Tại Madhya Pradesh và Rajasthan, hai bang quan trọng nhất trong vòng bầu cử này, các cuộc thăm dò cho thấy Đảng Bharatiya Janata cầm quyền của đất nước đang ngang ngửa với đối thủ lớn nhất của họ, Đảng Quốc Đại.
Nếu Đảng Quốc Đại nhận được tin tốt trong tháng này, ứng viên thủ tướng của họ có nhiều khả năng đứng đầu một liên minh đối lập, với cơ hội giành chiến thắng trong tổng tuyển cử cao hơn. Nếu không, cơ hội lật đổ thủ tướng Narendra Modi của phe đối lập sẽ rất mong manh.
Chuyến thăm căng thẳng của Erdogan tới Đức
Recep Tayyip Erdogan, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ, sẽ gặp Olaf Scholz, Thủ tướng Đức, tại Berlin vào thứ Sáu. Nội dung hội đàm sẽ tập trung vào quan hệ đối tác kinh tế và tình hình Trung Đông. Đức hiện là đối tác thương mại quan trọng nhất của Thổ Nhĩ Kỳ, và quan hệ này vẫn bền chặt, dù cách tiếp cận phi chính thống của Thổ Nhĩ Kỳ trong việc đối phó với lạm phát cao gần đây đã khiến các nhà đầu tư lo sợ. Đức đã đầu tư hơn 23 tỷ USD vào Thổ Nhĩ Kỳ trong năm 2022 và thương mại song phương dự kiến sẽ vượt 50 tỷ USD trong năm nay.
Tuy nhiên, quan hệ chính trị đang căng thẳng. Xung đột Israel-Gaza đã gây chia rẽ giữa Thổ Nhĩ Kỳ và các đối tác phương Tây. Erdogan đã mô tả Hamas là “những người giải phóng” và cáo buộc Israel phạm tội ác chiến tranh ở Gaza, với sự tiếp tay của phương Tây. Về phần mình, Đức lại thiên về quan điểm của Israel.
Bộ trưởng Tài chính Thổ Nhĩ Kỳ, Mehmet Simsek, được bổ nhiệm vào tháng 6, đã cố gắng hàn gắn quan hệ kinh tế trong các chuyến thăm Mỹ, châu Âu, và các nước vùng Vịnh. Ông hy vọng sẽ thu hút các nhà đầu tư quay trở lại bằng lời hứa về chính sách tài chính chính thống. Nhưng khác biệt giữa Erdogan và Scholz ở Berlin sẽ khiến công việc của Simsek trở nên khó khăn hơn.
Tình hình ảm đạm tại triển lãm xe hơi Los Angeles
Triển lãm Xe hơi Los Angeles, khai mạc vào thứ Sáu tại bang California vốn rất nhiệt tình bảo vệ môi trường, thường là nơi trưng bày các sản phẩm xe hơi chạy bằng pin mới nhất. Nhưng năm nay, với việc doanh số bán xe điện ở Mỹ đang chậm lại, triển lãm có lẽ sẽ không có nhiều đột phá.
Ngoài Lucid Gravity, dòng xe thứ hai của một công ty khởi nghiệp địa phương, không có nhiều xe điện mới được trưng bày. Các nhà sản xuất xe hơi sẽ trình làng những chiếc SUV và Crossover cỡ trung, với hệ truyền động dùng xăng hoặc lai (hybrid). Stellantis, tập đoàn sở hữu các thương hiệu bao gồm Chrysler và Dodge, sẽ không có mặt ở triển lãm năm nay. Họ đang cố gắng tiết kiệm tiền sau cuộc đình công gần đây của công nhân xe hơi Mỹ.
Tương lai của triển lãm xe hơi đang rất bất định. Hầu hết các hãng xe đều thích ra mắt những mẫu xe mới, quan trọng tại các sự kiện của riêng họ. Triển lãm ở Detroit, từng là sự kiện hàng đầu tại quê hương của ngành công nghiệp xe hơi, đã mất dần tầm quan trọng. Triển lãm LA Motor có lẽ sẽ chịu chung số phận.
Không có nhận xét nào