Header Ads

  • Breaking News

    Thời sự đó đây ngày Thứ năm 09 tháng 11 năm 2023

    Võ Thái Hà tổng hợp


    Thượng đỉnh Joe Biden-Tập Cận Bình có thể diễn ra ngày 15/11/2023

    Thùy Dương /RFI

    09/11/2023

    Mặc dù thông tin chính thức chưa được công bố, nhưng hãng tin Pháp AFP hôm nay 09/11/2023 dẫn một số quan chức ẩn danh Mỹ - Trung cho biết hai nhà lãnh đạo Joe Biden và Tập Cận Bình sẽ có cuộc gặp vào thứ Tư 15/11 tại San Francisco, bên lề thượng đỉnh APEC. 

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình (T), trong cuộc gặp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022.

    Tổng thống Mỹ Joe Biden (P) bắt tay đồng nhiệm Trung Quốc Tập Cận Bình (T), trong cuộc gặp đầu tiên tại Bali, Indonesia, ngày 14/11/2022. AP - Alex Brandon 

    Hôm qua, phó thủ tướng Trung Quốc Hà Lập Phong, chuyên trách quan hệ thương mại Mỹ - Trung đã đến San Francisco. Chuyến công du được xem là để chuẩn bị cho cuộc gặp giữa hai nguyên thủ Joe Biden và Tập Cận Bình. Nếu diễn ra, đây sẽ là cuộc gặp đầu tiên giữa hai lãnh đạo Mỹ-Trung từ một năm nay, sau cuộc gặp bên lề thượng đỉnh G20 ở Bali, Indonesia, hồi tháng 11/2022.

    Gần đây, có nhiều dấu hiệu cho thấy Bắc Kinh và Washington muốn xích lại gần nhau. Từ Bắc Kinh, thông tín viên Stéphane Lagarde cho biết thêm chi tiết :

    « Lời mời được loan truyền trong cộng đồng doanh nghiệp Mỹ-Trung hôm thứ Tư (08/11): « Chúng tôi trân trọng mời quý vị đến dự dạ tiệc chào đón một nhà lãnh đạo cấp cao Trung Quốc và phái đoàn chính phủ của ông ấy đến Hoa Kỳ ». Không có tên cụ thể được ghi trên thiệp mời, nhưng dường như ai cũng hiểu người được nói đến là ai. Nhân vật đó dự kiến ​​sẽ đọc một « bài diễn văn quan trọng » trong bữa tiệc tối có giá 2.000 đô la/người. Rất có thể đó sẽ chính là chủ tịch Trung Quốc. Nếu vậy, đây sẽ là chuyến công du đầu tiên của ông Tập Cận Bình đến Hoa Kỳ kể từ năm 2017, trong bối cảnh ngày càng có nhiều dấu hiệu cho thấy đôi bên xích lại gần nhau.

    Từ đầu năm đến nay, có một số quan chức chính trị cấp cao của Mỹ đã đến Trung Quốc, tiếp theo là các chủ tịch - tổng giám đốc của các đại tập đoàn của Mỹ, và sau đó là các doanh nhân. Tuần này cũng vậy, lần đầu tiên có một phái đoàn doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp của Mỹ hiện diện tại Triển lãm Nhập khẩu Thượng Hải. Và kết quả đạt được là hợp đồng Trung Quốc mua đậu nành của Mỹ, thương vụ lớn nhất về đậu nành từ hơn ba tháng nay.

    Các nhà nhập khẩu Trung Quốc đã đặt mua của Mỹ khoảng 10 lô hàng, tương đương với 60.000 tấn đậu nành. Đối với ngành ngoại giao Trung Quốc cũng như đối với chủ tịch Trung Quốc, mục tiêu là nhằm xoa dịu nỗi lo ngại của các nhà đầu tư Mỹ với nền kinh tế lớn thứ hai thế giới ». 

    Hôm qua, chính phủ Trung Quốc đã hoan nghênh « các kết quả tích cực » « sự thành công » trong các cuộc thảo luận Trung- Mỹ trong những ngày qua tại California về hồ sơ khí hậu để chuẩn bị cho thượng đỉnh khí hậu của Liên Hiệp Quốc COP28 ở Dubai.

    Qatar làm trung gian đàm phán để Hamas thả con tin, ngừng bắn ở Gaza

    RFI 

    09/11/2023


    Theo một nguồn thạo tin, Qatar đã đứng ra làm trung gian đám phán trong cuộc xung đột giữa Israel và Hamas vào hôm qua, 08/11/2023, để đạt được thỏa thuận ngừng bắn ở Gaza trong vòng 3 ngày, với điều kiện Hamas trả tự do cho 12 con tin (6 người quốc tịch Mỹ), bị bắt giữ từ ngày 07/10.   

    Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ảnh chụp ngày 13/10/2023. ​

    Thủ tướng kiêm ngoại trưởng Qatar Mohammed bin Abdulrahman Al Thani. Ảnh chụp ngày 13/10/2023. via REUTERS - POOL 

    Từ Dubai, thông tín viên RFI Nicolas Keraudren cho biết thêm thông tin :  

    “Trả tự do cho các con tin để đổi lấy ngừng bắn nhân đạo ở Gaza là nội dung cuộc đám phán do Qatar phối hợp với Mỹ đứng ra làm trung gian. Tuy nhiên, không có nhiều thông tin được tiết lộ vì tính nhạy cảm của hồ sơ.    

    Kể từ ngày 7/10, Qatar luôn giữ vai trò trung gian chiến lược giữa Hamas và Israel, và cách nay hơn 15 ngày, đã đàm phán về việc thả 4 con tin, trong đó có 2 người Mỹ. Doha dự định vẫn sẽ tiếp tục vai trò của mình, tuy nhiên, theo cảnh báo của ngoại trưởng Qatar từ tuần trước,“các đợt mở rộng tấn công của Israel” tại dải Gaza có thể sẽ ảnh hưởng đến việc đàm phán. 

    Qatar đang đứng ở một vị trí phức tạp. Dù không có quan hệ ngoại giao chính thức với Israel, nhưng quốc gia này lại là đồng minh chiến lược với Mỹ. Vào năm ngoái, Washington đã ghi nhận Doha là một đồng minh chủ chốt, dù không phải là thành viên của NATO. Nhà nước quân chủ này cũng cho đặt một văn phòng chính trị của Hamas và hai bên vẫn duy trì quan hệ kinh tế.”  

    Vẫn theo nguồn tin ẩn danh, được AFP trích dẫn, lệnh ngừng bắn ở Gaza mà Qatar đang đám phán cũng liên quan đến miền bắc Gaza, nơi mà các cuộc giao tranh dữ dội vẫn đang tiếp diễn. Hiện Qatar vẫn đang đợi câu trả lời từ phía Israel. Việc đạt được thỏa thuận ngừng bắn có thể cho phép ''gia tăng vận chuyển hàng cứu trợ nhân đạo vào Gaza'' từ cửa khẩu Rafah ở Ai Cập. Chính phủ Israel kể từ đầu cuộc xung đột vẫn bác bỏ mọi lời kêu gọi ngừng bắn nếu Hamas không thả hơn 240 con tin.

    Hoa Kỳ cho Sri Lanka vay hơn 550 triệu đô la đầu tư vào cảng nước sâu

    Thùy Dương /RFI

    09/11/2023

    Theo một quan chức Mỹ hôm 08/11/2023, Hoa Kỳ sẽ cho Sri Lanka vay nửa tỉ đô la để thực hiện dự án cảng nước sâu quốc tế Colombo West (Tây Colombo), do tập đoàn Ấn Độ Adani thực hiện. Đây được xem như phản ứng của Washington trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương và nhằm đáp trả dự án "Những con đường tơ lụa mới" của Trung Quốc. 

    Hoa Kỳ công bố một dự án cảng mới ở Colombo trị giá 553 triệu đô la. Trong ảnh là cảng biển hiện tại ở Colombo, ảnh chụp ngày 08/11/2023.

    Hoa Kỳ công bố một dự án cảng mới ở Colombo trị giá 553 triệu đô la. Trong ảnh là cảng biển hiện tại ở Colombo, ảnh chụp ngày 08/11/2023. AP - Eranga Jayawardena 

    Theo AFP, cơ quan chính phủ Mỹ, Development Finance Corporation (DFC), cho biết sẽ tài trợ 553 triệu đô la cho dự án cảng nước sâu của Sri Lanka. Cầu cảng container được quy hoạch dài 1,4km, sâu 20m và có khả năng tiếp nhận 3,2 triệu container/năm. Sri Lanka có tầm chiến lược quan trọng do nằm trên tuyến vận chuyển hàng hải nhộn nhịp nhất thế giới nối từ Trung Đông đến Đông Á. Từ Colombo, thủ đô Sri Lanka, người đứng đầu cơ quan DFC của chính phủ liên bang Mỹ, ông Scott Nathan, tuyên bố : « Sri Lanka là một trong những trung tâm trung chuyển chính của thế giới, với một nửa số tàu container trên thế giới đi qua vùng biển của nước này ». 

    Lãnh đạo cơ quan Development Finance Corporation của Mỹ bảo đảm rằng đây là khoản vay dành cho khu vực tư nhân, nên sẽ không làm tăng khoản nợ công của Sri Lanka, quốc gia đang hứng chịu khủng hoảng tài chính từ năm ngoái. Đồng thời, ông Scott Nathan nhấn mạnh dự án sẽ củng cố « vị trí của các đồng minh của chúng tôi trong khu vực ». 

    Trên thực tế, cảng nước sâu Tây Colombo, với tổng chi phí ước tính khoảng 700 triệu đô la, nằm ngay cạnh một cảng khác ở Colombo do Trung Quốc điều hành. Hồi năm 2014, hai tàu ngầm của Trung Quốc đã sử dụng cảng này bất chấp sự phản đối mạnh mẽ từ New Delhi.

    Hồi tháng 12/2017, do không thể trả khoản vay khổng lồ của Trung Quốc, Sri Lanka đã buộc phải cho công ty China Merchants Port Holdings toàn quyền khai thác cảng Hambantota ở miền nam, trong vòng 99 năm, làm dấy lên lo ngại về việc Bắc Kinh sử dụng « bẫy nợ » để gia tăng ảnh hưởng. Mặc dù Colombo khẳng định không cho phép nước ngoài sử dụng cảng của Sri Lanka vào mục đích quân sự để chống lại bất kỳ quốc gia nào khác, Ấn Độ và Mỹ vẫn lo ngại sự hiện diện của Trung Quốc tại Hambantota có thể mang lại lợi thế quân sự cho Bắc Kinh ở Ấn Độ Dương.

    Đài Loan theo dõi nhóm tàu sân bay Trung Quốc ở eo biển nhạy cảm 

    09/11/2023 

    Reuters 


    Máy bay cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc.


    Máy bay cất cánh từ tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc. 

    Hôm 9/11, Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết quân đội Đài Loan đã cử lực lượng theo dõi đội tàu hải quân Trung Quốc do tàu sân bay Sơn Đông dẫn đầu đi qua eo biển Đài Loan nhạy cảm, theo Reuters.

    Tàu Sơn Đông tham gia các cuộc tập trận quân sự của Trung Quốc quanh Đài Loan vào tháng 4 và một lần nữa tiến vào Thái Bình Dương vào tháng trước.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết trong một tuyên bố rằng đội hình do tàu Sơn Đông dẫn đầu đã tiến vào eo biển Đài Loan vào chiều ngày 8/11, đi theo hướng bắc nhưng vẫn đi bên trong đường trung tuyến phía đại lục, một ranh giới không chính thức giữa hai bên.

    Bắc Kinh nói rằng eo biển Đài Loan không phải là tuyến đường thủy quốc tế và chỉ có Trung Quốc có chủ quyền ở đó, điều mà cả Đài Loan và Hoa Kỳ đều bác bỏ. Mỹ thường xuyên đưa tàu chiến đi qua eo biển này, gần đây nhất là vào tuần trước, cùng với một tàu khu trục của Canada.

    Bộ Quốc phòng Đài Loan cho biết tính đến sáng ngày 9/11, nhóm tàu sân bay Trung Quốc vẫn tiếp tục di chuyển về phía bắc. Đài Loan đã cử lực lượng “thích hợp” để theo dõi nhưng không nêu chi tiết.

    Bộ Quốc phòng Trung Quốc không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.

    Bộ Quốc phòng Nhật Bản hôm 6/11 cho biết tàu Sơn Đông và các tàu hải quân khác đã tới Biển Đông sau khi tập trận đổ bộ ở Thái Bình Dương trong 9 ngày.

    Tàu Sơn Đông, được đưa vào biên chế năm 2019, cũng đã đi qua eo biển Đài Loan vào tháng 6.

    Trung Quốc, nước chưa bao giờ từ bỏ việc sử dụng vũ lực để chiếm Đài Loan, đã tăng cường hoạt động quân sự gần hòn đảo được quản lý dân chủ này, đáp lại cái mà họ gọi là “sự thông đồng” giữa Đài Loan và Hoa Kỳ.

    Chính phủ Đài Loan bác bỏ mạnh mẽ yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh.

    Slovakia hủy gói viện trợ quân sự hơn 40 triệu euro cho Ukraina

    Hôm qua 08/11/2023, chính phủ Slovakia thông báo ngừng kế hoạch viện trợ quân sự cho Ukraina, trị giá hơn 40 triệu euro. Giành được thắng lợi trong cuộc bầu cử Quốc Hội Slovakia hồi tháng 9 vừa qua, tân thủ tướng Robert Fico, vốn có lập trường thân Nga, đã hủy bỏ quyết định của người tiền nhiệm. Cho đến nay Slovakia luôn là điểm tựa của Ukraina từ khi quốc gia này bị Nga xâm chiếm. 

    Tân thủ tướng Robert Fico, Bratislava, ngày 25/10/2023.

    Tân thủ tướng Robert Fico, Bratislava, ngày 25/10/2023. © Petr David Josek — AP 

    RFI 

    Từ Praha, thông tín viên RFI trong khu vực Alexis Rosenzweig cho biết thêm : 

    “Chính phủ không chấp thuận đề nghị cung cấp thiết bị quân sự cho Ukraina”. Trong một thông cáo, chính phủ liên hiệp tại Slovakia đã cho biết như trên. Đây là gói viện trợ thứ 14, trị giá trên 40 triệu euro, mà ban lãnh đạo bộ Quốc Phòng của chính quyền tiền nhiệm tại Slovakia đã dự định gửi sang Ukraina. Kế hoạch đó bao gồm đạn dược, nòng súng cỡ lớn, tên lửa phòng không, súng cối và mìn. 

    Trước đây, thủ tướng Robert Fico từng thông báo một khi lên cầm quyền, ông “sẽ không gửi sang Ukraina dù chỉ một viên đạn”. Tuy nhiên, trong tuần này, ông cũng đã nói rõ là Slovakia không cung cấp đạn dược miễn phí cho Ukraina. Nhưng theo lời bộ trưởng Quốc Phòng Robert Kalinak, chính phủ sẽ không phản đối nếu như các tập đoàn sản xuất của Slovakia bán vũ khí cho Ukraina. 

    Tân thủ tướng cũng sẽ xem xét lại các quyết định của người tiền nhiệm liên quan tới các hợp đồng mua trực thăng của Mỹ và liên quan đến hiệp ước quân sự với Nhà Trắng đã được Quốc Hội Slovakia thông qua chỉ khoảng 2 tuần trước khi Nga bắt đầu "chiến dịch quân sự đặc biệt" tại Ukraina vào năm ngoái." 

    Bộ Ngoại giao Anh mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/shutterstock_1271139388.jpeg

    Hôm 8/11 vừa qua, Bộ Ngoại giao Anh đã mở rộng danh sách trừng phạt nhằm vào Nga, theo đó áp đặt trừng phạt đối với công ty Krastsvetmet, công ty khai thác khoáng sản Ural và các công ty khai thác vàng Nord Gold và Highland Gold Mining của “xứ sở bạch dương”.

    Được biết, danh sách trừng phạt cập nhật nêu trên còn có công ty tái bảo hiểm quốc gia Nga, Paramount Energy & Commodities, Paloma Precious, Fly Bridge và 20 cá nhân. Toàn bộ tài sản của họ nếu bị phát hiện ở Anh sẽ bị phong tỏa và cấm nhập cảnh vào nước này. Ngoài ra, các hạn chế cũng được áp dụng đối với Liên minh các nhà công nghiệp và doanh nhân Nga.

    Cũng trong ngày 8/11, Đại diện cấp cao của Liên minh châu Âu (EU) phụ trách an ninh và chính sách đối ngoại Josep Borrell cho biết EU sẽ tiến hành lệnh cấm mặt hàng kim cương của Nga sau khi nhận được đủ sự ủng hộ từ các quốc gia Nhóm 7 nước công nghiệp phát triển (G7).

    Theo ông Borrell, cuộc họp kéo dài hai ngày của các ngoại trưởng G7 tại Nhật Bản kết thúc ngày 8/11 đã ủng hộ động thái này. Các nước thành viên EU dự kiến sẽ thảo luận về gói trừng phạt thứ 12 nhằm vào Nga trong tuần tới.

    Trước đó, hôm 6/11, phía EU cho hay rằng họ đang chờ các nước G7 đưa ra một số đề xuất để áp đặt các biện pháp trừng phạt đối với mặt hàng kim cương của Nga.

    Phan Anh

    Iran cố gắng thuyết phục Ấn Độ ủng hộ Hamas

    https://vietluan.com.au/wp-content/uploads/2023/11/gdfghd.jpg

    Hôm thứ Hai (6/11), Tổng thống Iran Ebrahim Raisi đã thực hiện cuộc điện đàm với Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi nhằm nỗ lực lôi kéo liên minh BRICS bảo vệ tổ chức khủng bố Hamas trong cuộc xung đột Israel – Hamas đang diễn ra.

    Thủ tướng Modi mô tả cuộc điện đàm này là một “cuộc trao đổi quan điểm tốt đẹp”, nhưng ông dường như không hào hứng với việc chấp nhận luận điệu của Iran về cuộc chiến ở Gaza cũng như việc cứu Hamas khỏi những hậu quả do các hành động của tổ chức này gây ra.

    Sau cuộc điện đàm, Thủ tướng Modi đã đề cập đến một số chủ đề mà Iran hoàn toàn không muốn thảo luận: “Các vụ khủng bố, bạo lực và thiệt hại về sinh mạng dân thường là những mối quan ngại nghiêm trọng. Ngăn chặn leo thang, đảm bảo viện trợ nhân đạo được tiếp tục và sớm khôi phục lại hòa bình và ổn định là điều quan trọng.”

    Luận điệu của Tổng thống Raisi là Israel đang ném bom bừa bãi vào dân thường ở Gaza mà không có lý do chính đáng nào và các quốc gia khối BRICS nên hợp tác để ngăn chặn Israel thực hiện “tội ác diệt chủng” đối với người Palestine. Tổng thống Raisi muốn Israel ngừng bắn ngay lập tức và vô điều kiện để bảo vệ Hamas, mà không hề cân nhắc đến tội ác chống lại loài người mà tổ chức khủng bố người Palestine gây ra và cũng không cân nhắc đến sự an toàn của người Israel và người nước ngoài mà tổ chức khủng bố này bắt cóc vào ngày 7/10.

    Ấn Độ là một trong những thành viên sáng lập BRICS, trong khi Iran cùng với năm quốc gia khác mới được mời tham gia vào tháng Tám.

    Tờ WION News của Ấn Độ đưa tin, Tổng thống Raisi đã chơi lá bài thực dân khi thuyết phục Thủ tướng Modi. Nhà lãnh đạo Iran đã nhắc nhở ông Modi về cuộc đấu tranh của Ấn Độ chống lại “chủ nghĩa thực dân phương Tây” và sự lãnh đạo của New Delhi trong Phong trào Không liên kết. Tổng thống Raisi ngụ ý rằng Ấn Độ nên thông cảm với người Palestine bởi vì người Israel được cho là “đang thuộc địa hóa” Palestine.

    Thủ tướng Modi đã ủng hộ những nỗ lực nhân đạo ở Gaza, chứ không phải một lệnh ngừng bắn vô điều kiện thân thiện với Hamas như điều mà Tổng thống Raisi mong muốn. Ấn Độ đã bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu hôm 28/10 của Liên Hợp Quốc về một nghị quyết yêu cầu ngừng bắn nhân đạo ngay lập tức bởi vì nghị quyết này không bao gồm “việc lên án mạnh mẽ” các hành động tàn bạo của Hamas và Ấn Độ cảm thấy không thể có sự mập mờ về khủng bố.

    Phát biểu trước cuộc bỏ phiếu của LHQ, phó đại diện của Ấn Độ tại LHQ, bà Yojna Patel, lên án: “Chủ nghĩa khủng bố là một căn bệnh ác tính và không phân biệt biên giới, quốc tịch, hay chủng tộc.Thế giới không nên tin vào bất kỳ lời biện minh nào cho các hành động khủng bố. Chúng ta hãy gạt sự khác biệt sang một bên, hãy đoàn kết và áp dụng cách tiếp cận không khoan nhượng đối với chủ nghĩa khủng bố.”

    Trong một tình huống khá khó xử, Ấn Độ đã ủng hộ bản sửa đổi nghị quyết của LHQ nhằm lên án hành động tàn bạo của Hamas, và bản sửa đổi đó được đưa ra bởi Canada, quốc gia hiện đang có mối quan hệ căng thẳng với Ấn Độ bởi vì Thủ tướng Canada Justin Trudeau đã cáo buộc công khai chính phủ của Thủ tướng Modi đã giết chết một nhà hoạt động người Sikh trên đất Canada.

    Việc Ấn Độ bỏ phiếu trắng trong cuộc bỏ phiếu của LHQ đã gây ra một số tranh cãi tại quê nhà, khi phe đối lập cáo buộc Thủ tướng Modi từ bỏ sự ủng hộ lịch sử của Ấn Độ đối với chính nghĩa của người Palestine.

    Bà Priyanka Gandhi Vadra, tổng thư ký đảng Quốc đại đối lập, chỉ trích gay gắt: “Từ chối đứng lên và im lặng nhìn mọi luật lệ của nhân loại bị nghiền nát, thực phẩm, nước, vật tư y tế, thông tin liên lạc và điện bị cắt đối với hàng triệu người, và hàng nghìn đàn ông, phụ nữ và trẻ em đang bị giết chết, đi ngược lại với mọi điều mà đất nước chúng ta đã ủng hộ trong suốt lịch sử của quốc gia chúng ta.”

    Chính quyền Modi có mối quan ngại sâu sắc về khủng bố, trong đó nổi bật nhất là những người Sikh ly khai. Ấn Độ cũng ngày càng trở nên thân thiết hơn với Israel trong vài năm qua. Tuần trước, báo chi đưa tin, ngành xây dựng của Israel đã xin phép thuê tới 100.000 công nhân Ấn Độ để thay thế những người Palestine bị mất giấy phép lao động sau vụ tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hôm 7/10.

    Giống như cuộc chiến Nga-Ukraine, Ấn Độ đã cố gắng duy trì mối quan hệ lâu năm với Moscow, ngay cả khi hầu hết các đồng minh trong thế giới tự do của New Delhi đứng về Ukraine, thì cuộc chiến ở Gaza đang buộc Ấn Độ phải cân bằng giữa sự ủng hộ mang tính lịch sử đối với người Palestine và mối quan ngại sâu sắc về chủ nghĩa khủng bố. Một vấn đề khác là Ấn Độ mong muốn trở thành lãnh đạo của “Nam Bán cầu”, một nhóm rộng lớn gồm các quốc gia đang phát triển, những nước có thiện cảm với chính nghĩa của người Palestine nhưng cũng lo ngại về việc hợp pháp hóa chủ nghĩa khủng bố.

    Phát biểu với tờ Nikkei Asia hôm 3/11, Giám đốc điều hành Indrani Bagchi của Trung tâm Ananta Aspen lưu ý, Nam Bán cầu không ủng hộ Palestine theo phản xạ như một số nhà quan sát nhận định.

    Ông Bachi giải thích: “Nam Bán cầu là một trong những nạn nhân lớn nhất của chủ nghĩa khủng bố. Ngoài Ấn Độ, đã có nhiều quốc gia trở thành mục tiêu của chủ nghĩa khủng bố thánh chiến.”

    Tờ Diplomat lưu ý, Ấn Độ hiện đang mua khoảng 2 tỷ đô la vũ khí từ Israel mỗi năm, chiếm gần 1/3 xuất khẩu quân sự của Israel. Thủ tướng Modi là một trong những nhà lãnh đạo đầu tiên trên thế giới lên án công khai những hành động tàn ác của Hamas trong vụ tấn công khủng bố hôm 7/10. Nhìn chung, dân số đông đảo và khó tính của Ấn Độ đều ủng hộ Israel trong cuộc xung đột hiện nay.

    Một số nhà phân tích quốc tế đa nghi hơn nói với tờ The Diplomat rằng họ hy vọng Thủ tướng Modi sẽ đưa sự tàn bạo của Hamas vào cương lĩnh chính trị theo chủ nghĩa dân tộc Hindu của mình, ủng hộ Israel một cách công khai như một cách nhắc nhở người Ấn Độ rằng họ có một lượng lớn dân số Hồi giáo bất mãn cần phải lo lắng.

    Một quan điểm hoài nghi khác cho rằng Ấn Độ nóng lòng lên án tổ chức khủng bố Hamas là nhằm giành lại một số ưu ái mà họ đã mất ở các nước phương Tây do từ chối lên án cuộc xâm lược Ukraine của Nga, nhưng Thủ tướng Modi không muốn nghiêng quá nhiều về hướng đó vì lo sợ sẽ mất ảnh hưởng ở Trung Đông vào tay đối thủ Trung Quốc.

    Gia Huy (Theo Breitbart News)

    Phái đoàn hộ tống Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas bị tấn công tại West Bank

    Phái đoàn hộ tổng Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas hôm thứ Ba (7/11) đã bị tấn công tại Bờ Tây (West Bank). Một trong các cận vệ của ông Abbas đã bị thiệt mạng. Nhóm chiến binh cực đoan có tên ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã tuyên bố nhận trách nhiệm về cuộc tấn công này.

    Những nỗ lực ám sát nhắm vào Tổng thống Palestine Mahmoud Abbas diễn ra trong bối cảnh xung đột Israel – Hamas vẫn tiếp diễn tại Gaza, đã đang gây ra sự hoảng loạn trong khu vực.
    Ông Abbas nhận tối hậu thư phải hành động trong vòng 24 giờ

    Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ bị cáo buộc được tổ chức bên trong thể chế an ninh của người Palestine tại Bờ Tây, đã gửi tối hậu thư cho ông Abbas yêu cầu tổng thống Palestine phải hành động chống lại Israel trong vòng 24 giờ. Khi thời gian đưa ra kết thúc, phái đoàn hộ tống ông Abbas đã bị tấn công hôm 7/11. Một trong những cận vệ của ông Abbas đã bị bắn chết trong cuộc đụng độ. Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã chính thức lên tiếng nhận trách nhiệm vụ tấn công này.

    Nhóm chiến binh ‘Những đứa con của Abu Jandal’ đã yêu cầu ông Abbas phải loan báo hoàn toàn phản đối Israel chiếm đóng Bờ Tây và đưa ra lập trường rõ ràng về tình hình Israel không kích Dải Gaza. Đáng chú ý, ông Abbas là chủ tịch của Tổ chức Giải phóng Palestine (PLO), lực lượng kiểm soát Bờ Tây, nhưng đã bị Hamas tước quyền lực tại Gaza vào năm 2007 sau một cuộc bầu cử một năm trước đó.

    Ông Abbas bất ngờ gặp Ngoại trưởng Mỹ Blinken

    Ông Abbas đã có cuộc gặp bất ngờ với Ngoại trưởng Mỹ Anthony Blinken tại Bờ Tây hôm Chủ nhật (5/11). Trong cuộc gặp với ông Blinken, ông Abbas đã yêu cầu Israel phải dừng các cuộc tấn công vào Gaza.

    Ông Blinken đã bất ngờ tới thành phố Ramallah, khu Bờ Tây mà không báo trước. An ninh tại Bờ Tây đã được thắt chặt khi ngoại trưởng Mỹ tới đây. Tuy nhiên, vẫn có hàng chục người Palestine xuống đường biểu tình, giương cao các biển hiệu thể hiện máu tươi đang chảy và các thông điệp gay gắt, trong đó có hiệu ngữ ghi, “Blinken phải chịu trách nhiệm về cái chết của hắn ta”.

    Hải Đăng

    Các ngoại trưởng G7 tuyên bố ủng hộ “tạm dừng chiến sự vì lý do nhân đạo và xây dựng hành lang nhân đạo” ở Gaza, nhưng không kêu gọi ngừng bắn. Israel đã gia hạn thời gian sơ tán khỏi thành phố Gaza sau khi có “phản ứng đáng kể” đối với thời hạn ban đầu là 4 giờ. Khoảng 15.000 người đã chạy trốn khỏi phía bắc thành phố trong thời gian giao tranh tạm dừng hôm thứ Ba. Trước đó, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken nói rằng “các yếu tố then chốt” cho hòa bình bao gồm việc Israel “không sử dụng vũ lực để buộc người Palestine di dời ” và “không tái chiếm” Gaza.

    Mỹ và Trung Quốc ngồi lại với nhau để thảo luận vấn đề kinh tế 

    Vào thứ Năm, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Janet Yellen sẽ bắt đầu hai ngày hội đàm với Hà Lập Phong, phó thủ tướng Trung Quốc phụ trách chính sách kinh tế. Cuộc đối thoại của họ dự kiến sẽ tạo tiền đề cho cuộc gặp hiếm hoi giữa Tổng thống Joe Biden và người đồng cấp Trung Quốc Tập Cận Bình vào tuần tới. Yellen và Hà dự kiến sẽ có nhiều điều để thảo luận.

    Trong một bài xã luận gần đây, Yellen nhắc đến “mối quan ngại sâu sắc của Mỹ đối với các hoạt động kinh tế không công bằng của Bắc Kinh.” Bà trích dẫn “việc Trung Quốc sử dụng trên quy mô lớn các công cụ phi thị trường, các rào cản tiếp cận thị trường, và các hành động cưỡng chế đối với các công ty Mỹ.” Trong khi đó, các quan chức ở Bắc Kinh tỏ ra không hài lòng với các quy định chặt chẽ của chính quyền Biden đối với hoạt động đầu tư của các công ty Mỹ vào Trung Quốc, và việc Mỹ đa dạng hóa các chuỗi cung ứng quan trọng ra khỏi Trung Quốc. Nhưng Yellen nói rằng việc phân tách hai nền kinh tế lớn nhất thế giới sẽ là thảm họa. Chí ít thì về điểm này, bà và ông Hà có thể đồng ý với nhau.

    Hội nghị viện trợ Gaza ở Paris

    Châu Âu đang nỗ lực đưa ra tiếng nói ngoại giao về cuộc khủng hoảng Gaza. Vào thứ Năm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron hy vọng sẽ thu hút sự chú ý đến một chủ đề mà EU từ lâu đã có vai trò nhất định: viện trợ nhân đạo. Ông sẽ chủ trì một “hội nghị nhân đạo quốc tế” về Gaza ở Paris. Cuộc họp sẽ có sự tham dự của các tổ chức phi chính phủ và các nhân vật chính trị bao gồm Ursula von der Leyen, Chủ tịch Ủy ban Châu Âu, cũng như một số nhân vật trong khu vực. Tuy nhiên, không có nhà lãnh đạo Israel nào tham dự.

    Liên Hiệp Quốc ước tính sẽ cần 1,2 tỷ USD để đáp ứng nhu cầu nhân đạo khẩn cấp của Gaza. Trọng tâm ở Paris sẽ là tài chính và hậu cần, do khó khăn to lớn của việc đưa viện trợ vào Gaza. Một ý tưởng là thiết lập một hành lang hàng hải để nhận viện trợ từ Síp. Pháp đã cử một tàu sân bay trực thăng đến khu vực, và sử dụng nó như một bệnh viện nổi. Người Pháp hy vọng sẽ đạt được những kết quả cụ thể tại hội nghị, nhưng quả thật đó là một nhiệm vụ khó khăn.

    Bước ngoặt tàn khốc ở Sudan

    Phần lớn thế giới đang theo dõi trận chiến diễn ra ở Gaza. Nhưng ở Sudan, nơi giao tranh giữa hai lãnh chúa đã gây ra cái mà Liên Hiệp Quốc gọi là “một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo tồi tệ nhất trong lịch sử gần đây,” sự chú ý đang đổ dồn vào một cuộc đối đầu sắp xảy ra ở khu vực phía tây Darfur. Các chiến binh từ Lực lượng Hỗ trợ Nhanh (Rapid Support Forces, RSF), một nhóm bán quân sự nổi loạn đang cố gắng giành quyền kiểm soát đất nước, đã tiến hành một cuộc tấn công chớp nhoáng trước đó. Và giờ đây, họ chuẩn bị chiếm el-Fasher, thủ phủ của bang Bắc Darfur, đồng thời là căn cứ đồn trú quan trọng cuối cùng của quân đội Sudan trong khu vực.

    Việc Darfur thất thủ sẽ giáng một đòn nặng nề vào quân đội—và khiến dân thường phải hứng chịu sự trừng phạt đẫm máu của RSF cùng các đồng minh. Những câu chuyện khủng khiếp về các hành động tàn bạo và bạo lực tình dục đã xuất hiện kể từ khi RSF chiếm được el-Geneina ở Tây Darfur vào tuần trước. Nhiều người cảnh báo về một cuộc diệt chủng, và có lẽ sẽ sớm không còn lực lượng nào có thể ngăn chặn điều đó.

    SoftBank có thể trỗi dậy trở lại?

    Tuần này, WeWork, một công ty cho thuê văn phòng, đã chính thức phá sản. Các nhà đầu tư sẽ theo dõi chặt chẽ kết quả hàng quý mới nhất của SoftBank, tập đoàn đầu tư mạo hiểm Nhật Bản chiếm phần lớn cổ phần trong WeWork, được công bố vào thứ Năm.

    Tính đến quý trước, Quỹ Vision của SoftBank, vốn nổi tiếng với việc ký séc mà không cần thẩm định kỹ lưỡng, đã lỗ tổng cộng 7,5 tỷ USD kể từ khi ra mắt vào năm 2017. Khi định giá công nghệ bắt đầu sụt giảm vào cuối năm ngoái, tình hình tài chính của tập đoàn cũng xấu đi. Kể từ đó, họ đã bán nhiều tài sản, bao gồm cổ phần của Alibaba, gã khổng lồ thương mại điện tử Trung Quốc, và Arm, một nhà sản xuất chip của Anh, để giảm nợ và cải thiện khả năng thanh khoản.

    Hồi tháng 6, Son Masayoshi, nhà sáng lập của SoftBank, tuyên bố tập đoàn đang chuyển trở lại “chế độ tấn công,” chú trọng đầu tư vào trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, thị trường đang định giá SoftBank thấp hơn khoảng 1/3 giá trị ròng số cổ phần mà họ đang nắm giữ, cho thấy các nhà đầu tư vẫn cảnh giác với phong cách đầu tư của Son. Sự sụp đổ của WeWork sẽ không giúp được gì nhiều để thay đổi suy nghĩ đó.


    Không có nhận xét nào