Header Ads

  • Breaking News

    Sáu Lầm Tưởng Về Sự Can Dự Của NATO Trong Khu Vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    Tác giả: TSURUOKA Michito *

     The Diplomat ngày 27 tháng 10 năm 2023

    Biên dịch: Phan Nguyễn Hiền Linh | Hiệu đính: Nga Phạm

    Từ trái sang phải: Thủ tướng Úc Anthony Albanese, Thủ tướng Nhật Bản Kishida Fumio, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg, Thủ tướng New Zealand Jacinda Ardern và Tổng thống Hàn Quốc Yoon Suk-yeol. Ảnh: USPI

    Hãy tôn trọng sự thật dù bạn đứng về phía nào. 

    Sự tham dự của NATO trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương đã và đang trở thành một vấn đề gây tranh cãi và mang tính chính trị hóa cao, nổi bật nhất là đề xuất mở văn phòng liên lạc của khối này tại Nhật Bản đã gây ra tranh cãi quốc tế lớn trước thềm Hội nghị thượng đỉnh NATO tại Vilnius vào tháng 7 năm 2023. Có 6 lầm tưởng phổ biến về sự tham gia ngày càng tăng của liên minh này trong khu vực. Bất kể nhìn từ phía nào, các sự thật này cần được làm sáng tỏ.

    Lầm tưởng 1: Quân đội NATO đang được điều đến khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    NATO không sẵn sàng và không sẵn lòng gửi quân đội đến bất cứ cuộc tranh chấp nào tại Châu Á. Các nước thành viên NATO không đoái hoài đến nó. Đơn giản vì, đối với liên minh, việc kích hoạt  Điều 5 về phòng thủ tập thể để đối phó với bất kỳ tình huống nào liên quan đến Đài Loan chẳng hạn, là hoàn toàn không thể, bởi vì Đài Loan nằm ngoài phạm vi tài phán của NATO. Trọng tâm hợp tác giữa NATO và các quốc gia “AP4” (hoặc IP4) -bao gồm Úc, Nhật Bản, New Zealand và Hàn Quốc- là hợp tác thực tế trên các lĩnh vực như an ninh mạng, tiêu chuẩn hóa, an ninh hàng hải và viện trợ nhân đạo.

    Các quốc gia Châu Âu riêng lẻ, đặc biệt là Vương Quốc Anh, Pháp, và ngày càng tăng là Đức, từng bước tăng cường các tương tác và nâng cao khả năng tương tác của họ đối với Nhật Bản, Úc và các đồng minh, đối tác của Mỹ trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Nhưng NATO sẽ không tự đem quân đến khu vực này.

    Lầm tưởng 2: Các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương sẽ gia nhập NATO 

    Từ góc độ pháp lý và chính trị, các nước Châu Á không thể gia nhập NATO. Điều 10 của Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương quy định rằng các bên chỉ có thể mời các nước ở Châu Âu tham gia hiệp ước. Hơn nữa, có lẽ cơ bản nhất, là các nước trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương - kể cả Úc và Nhật Bản,  không quan tâm tới việc gia nhập liên minh. Vì vậy, chính sách “hướng Đông” của NATO không đồng nghĩa với việc mở rộng sang khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    Lầm tưởng 3: Văn phòng liên lạc NATO tại Nhật Bản sẽ ảnh hưởng đến cân bằng quyền lực tại khu vực và thay đổi bản chất của NATO. 

    Văn phòng liên lạc của NATO sẽ không bao giờ thay đổi được sự cân bằng quyền lực tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương cũng như thay đổi bản chất của liên minh là một tổ chức Châu Âu-Đại Tây Dương. Hiện người ta mới đang xem xét thiết lập một văn phòng với một thành viên có nhiệm vụ thu thập thông tin và điều phối các hoạt động hợp tác với Nhật Bản và các đối tác khác trong khu vực. Đây là một sự đổi mới về mặt hành chính trong phương cách NATO làm việc với đối tác của mình. Cũng vì vậy mà vai trò của văn phòng đề xuất đó trên thực tế sẽ rất hạn chế. Chủ yếu là Bắc Kinh thổi phồng lên tầm quan trọng của kế hoạch mở văn phòng này. NATO đã có một văn phòng liên lạc tại Trụ sở Liên hiệp Châu Phi ở Addis Ababa trước đó, mà không có ai tranh cãi gì về việc NATO không còn là liên minh Châu Âu-Đại Tây Dương nữa.

    Lầm tưởng 4: Sự tham dự của NATO sẽ kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực

    Sự tham gia của NATO sẽ không kích động một cuộc chạy đua vũ trang trong khu vực. Một lần nữa, sự tham dự của NATO trong khu vực không phải để đem quân hay tăng cường bảo đảm về quân sự cho khu vực này. Điều quan trọng hơn là Trung Quốc đang đơn phương và liên tục tăng cường vũ trang tại khu vực này trong suốt vài thập kỷ qua. Chưa từng có quốc gia nào - kể cả Hoa Kỳ - có thể sánh được với Trung Quốc, và kết quả là cán cân quyền lực tại khu vực ngày càng nghiêng theo hướng có lợi cho Trung Quốc. 

    Nhật Bản và các quốc gia khác đang dần nhận thức được điều này và những năm gần đây đã tăng ngân sách quốc phòng của họ. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia tin rằng tốc độ phản ứng đó là chưa đủ, tới mức Tướng Yoshida Yoshihide, một tướng lĩnh hàng đầu của Nhật Bản, đã cảnh báo rằng: “Chúng ta không thể duy trì an ninh của Nhật Bản với năng lực hiện tại.”

    Lầm tưởng 5: Hoa Kỳ đang buộc Châu Âu phải tuân theo chính sách của mình  ở khu vực Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương

    Nếu tin rằng phương Tây chỉ theo dẫn dắt của Hoa Kỳ mà tham gia tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương thì quả là sai lầm. Bắc Kinh vẫn muốn người ta tin là Châu Âu không có lựa chọn nào khác ngoài tuân lệnh Hoa Kỳ. Điều này cũng phản ánh hệ thống cấp bậc trong cách thức mà Trung Quốc nhìn nhận quan hệ quốc tế. Đúng là một số nước Châu Âu sử dụng sự tham dự của mình vào khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, cũng như liên kết với chính sách của Hoa Kỳ về Trung Quốc, để cải thiện quan hệ với Washington. Tuy nhiên, điều này chưa đủ để giải thích động cơ chính.

    Lầm tưởng 6: Châu Âu không có lợi ích an ninh riêng tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương

    Lý do lớn nhất và hiển nhiên nhất để giải thích cho những lầm tưởng bên trên chính là Châu Âu cũng có những lợi ích của riêng họ tại Châu Á. Những lợi ích đó không chỉ có về lĩnh vực kinh tế, mà còn về an ninh và hệ giá trị của Châu Âu, và chúng bị tác động bởi những gì đang diễn ra trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Châu Âu không muốn và cũng không nên khiêu khích Trung Quốc, nhưng cũng không thể đứng ngoài không tham dự trong khu vực này. Để bảo vệ lợi ích của mình tại khu vực, ít nhất Châu Âu cần tăng cường năng lực cảnh báo khẩn cấp để chuẩn bị tốt hơn cho những tình huống bất ngờ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, mà có thể gây ảnh hưởng bên ngoài khu vực. Và sẽ không có lợi cho Châu Âu nếu bị cho là thỏa hiệp chỉ vì sợ phản ứng của Trung Quốc.

    Rõ ràng vẫn có một số nghi ngờ xoay quanh sự tham gia của NATO trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Tuy nhiên, điều quan trọng là tránh tranh cãi dựa trên những khuôn mẫu sai hoặc lầm tưởng vô căn cứ. Cả NATO và các đối tác của khối đều tỏ ra thực tế và cẩn trọng với những gì họ kỳ vọng đạt được thông qua hợp tác tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương này. Dẫu thế, họ vẫn đang thúc đẩy đối thoại, hợp tác với tin tưởng rằng điều đó sẽ thúc đẩy lợi ích tương ứng của họ trong bối cảnh mối liên kết ngày càng mạnh mẽ giữa Châu Âu và khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương.

    * Tsuruoka Michito là Phó Giáo sư tại Đại học Keio và là Nghiên cứu viên thỉnh giảng tại Đại học Quốc gia Úc (ANU), 2023-2024.

    Bài viết được đăng lần đầu trên trang The Diplomat tại 6 Myths about NATO’s Engagement in the Indo-Pacific.


    Không có nhận xét nào