Lê Thành Nhân (lethanhnhan@vietquoc.org)
https://vietquoc.org/
17/11/2023
" Nhưng trong cuộc gặp gỡ lịch sử (50 năm mới có một lần quan trọng như thế này) thì Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã nhượng bộ quá nhiều đối với một đối thủ đầy tham vọng mà trước đây phải dựa vào Mỹ để phát triển, giờ đây lại lên mặt nhìn thẳng vào Tổng Thống Mỹ tuyên bố: “thế giới “đủ rộng lớn” cho cả hai nước, bất chấp những lời lẽ khoa trương và khiêu khích gia tăng trong nhiều năm”.
Trong buổi thảo luận 4 giờ đồng hồ giữa Biden và Tập, Joe Biden nói rằng “Tôi luôn thấy các cuộc thảo luận của chúng tôi thẳng thắn mang tính xây dựng và luôn đánh giá cao chúng” – Có lẽ đó là lời nói “đầu môi chót lưỡi” chứ không thực tâm. Một người ở trong chính trường Hoa Kỳ quá lâu như Joe Biden (trừ khi không quan tâm) thừa khả năng để biết Cộng Sản là ai và phải nắm chắc Cộng Sản KHÔNG bao giờ thảo luận thẳng thắn và xây dựng”.
Hai phái đoàn Mỹ-Trung tại cuộc họp ở Điền Trang Filoli, California
Ngày thứ Tư (15/11/2023), Tổng Thống Hoa Kỳ Joe Biden đã đón tiếp Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình tại Điền Trang Filoli, một khuôn viên có di tích lịch sử tọa lạc cách San Francisco khoảng 25 miles nằm về phía Nam. Cuộc gặp hơn 4 giờ đồng hồ trong đó gồm bữa ăn trưa làm việc, Biden và Tập đi dạo trong khuôn viên Filoli và một cuộc họp riêng với Cố Vấn An Ninh Quốc Gia Jake Sullivan và Ngoại Trưởng Antony Blinken. Sau đó cả hai phái đoàn đến thành phố San Francisco tham dự Hội Nghị Thượng Đỉnh Hợp Tác Kinh tế Châu Á-Thái Bình Dương còn gọi là Hội Nghị Thượng Đỉnh APEC.
TT Joe Biden đón tiếp Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình rất long trọng, một binh sĩ Thủy Quân Lục Chiến Hoa Kỳ trong trang phục oai vệ mở cửa cho Tập Cận Bình xuống xe. Trong khi TT Joe Biden đứng đợi Tập ở lối vào một ngôi nhà của Điền Trang Filoli. Tập bước ra khỏi xe thì Biden tiến tới bắt tay với một nụ cười chào đón thân thiện. Cả hai đứng trước cửa vẫy tay chào mọi người để chụp ảnh và tiến vào bên trong với khung cửa của một lâu đài đóng kín lại. Trong đó đã sắp xếp bàn họp, một bên của phái đoàn Hoa Kỳ gồm có các Bộ Trưởng, Cố Vấn An Ninh Quốc Gia và các phụ tá đặc biệt đã được sắp xếp theo mô thức ngoại giao quốc tế (protocol). Phía bên kia bàn là Tập Cận Bình ngồi đối diện với Joe Biden và những người đồng nhiệm cũng ở vị trí đối diện.
Mở đầu Joe Biden phát biểu – một việc khá đáng chú ý khi Biden phát biểu thì ngoại trưởng Blinken ngồi sát bên phải lo lắng nhìn chăm chú vào mặt Biden – theo tôi thì Antony Blinken lo Biden phát biểu sai hoặc hớ hênh (đã xẩy ra trước đây) thì ngoại trưởng Blinken sẽ ra dấu để tổng thống điều chỉnh? Hai bài mở đầu của Biden và Tập được đưa ra ngoài công chúng, phần còn của buổi gặp gỡ gần 4 giờ không tiết lộ chi tiết.
Những phần dưới đây do người trong nội bộ dấu tên đã tiết lộ với các cơ quan truyền thông, hoặc qua cuộc họp báo ngắn ngủi của Biden cho biết. Tuy vậy, chúng ta cũng có đủ tin tức để nhận định những sự việc xảy ra:
1) Hai sự việc mà Biden cho là quan trọng được Tập đồng ý giải quyết:
Thứ nhất: Các đường dây nóng giữa hai quân đội của Mỹ-Trung đã đồng ý nối lại sau một thời gian dài bị Trung Cộng tự động cắt đứt kể từ khi cựu Chủ Tịch Hạ Viện Nancy Pelosi đến thăm Đài Loan vào tháng 8/2022. Trong cuộc gặp gỡ, TT Biden đã yêu cầu cả hai nước nối lại các đường dây nóng đối thoại giữa quân đội. Và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Lloyd Austin sẽ có đường dây nóng với Tân Bộ Trưởng Quốc Phòng Trung Cộng khi có chính thức bổ nhiệm của Bắc Kinh.
Thêm nữa, Tổng Thống Mỹ còn cho biết là đã đồng ý có đường dây nóng liên lạc trực tiếp với Tập, ông tiết lộ: “Ông Tập và tôi đã đồng ý rằng mỗi người trong chúng tôi có thể trực tiếp nhận cuộc gọi và chúng tôi sẽ được nghe ngay lập tức”.
Thứ hai: Biden và Tập đồng ý rằng Trung Cộng sẽ ngăn chặn việc xuất cảng các mặt hàng liên quan đến chất fentanyl, nguyên nhân hàng đầu gây ra tình trạng sử dụng ma túy quá liều ở Hoa Kỳ. Theo thỏa thuận thì Trung Cộng sẽ truy lùng các công ty hóa chất ở Trung Cộng sản xuất tiền chất fentanyl.
Biden và Tập Cận Bình đi dạo trong khuôn viên Điền Trang Filoli, California
Qua hai sự việc trên chúng ta có nhận định như thế nào?
TT Joe Biden: “không muốn có một chiến tranh xảy ra với Trung Cộng”, do đó ông mong muốn giảm bớt những rủi ro do quân đội Mỹ và Trung Cộng hoạt động ở những khu vực gần nhau đầy nguy hiểm tại châu Á-Thái Bình Dương, điều mà Joe Biden muốn tránh nó leo thang thành một cuộc khủng hoảng chiến tranh Mỹ-Trung trong khi đang tới gần tái tranh cử vào năm 2024.
Chủ tịch Trung Cộng Tập Cận Bình: Trong tư tưởng Tập cũng suy nghĩ như Biden, Trung Cộng chỉ có những hành động hung hăng bắt nạt các nước láng giềng chứ chưa dám có chiến tranh với Mỹ, Tập Cận Bình muốn thị oai với 1.4 tỉ dân Tàu về sức mạnh của Trung Hoa dưới sự “lãnh đạo” của Đảng Cộng Sản Tàu đang sánh ngang vai vế với siêu cường Hoa Kỳ để giải quyết các khó khăn trên thế giới vào thời điểm kinh tế khó khăn đang ập lên đầu người dân Trung Cộng. Tập Cận Bình cũng đưa tín hiệu cho thế giới biết Trung Cộng hiện đang ngồi với Mỹ để giải quyết những căng thẳng trên thế giới – chứ không phải là một quốc gia “bất chấp luật pháp quốc tế, hành động vô nguyên tắc” như thế giới thường lên án là vô trách nhiệm.
2) Vấn đề AI (Artificial Intelligence)
Hai nhà lãnh đạo cũng đồng ý tập hợp các chuyên gia để thảo luận về những rủi ro của trí tuệ nhân tạo (AI) khi sử dụng vào lãnh vực nguyên tử và drone (máy bay không người lái).
Biden đề nghị không dùng AI vào quân sự nguyên tử và drone. Lập tức Đài truyền hình Fox có có một bài bình luận trên TV rằng: Joe Biden đem chiến thắng lớn đến cho Trung Cộng với thỏa thuận hạn chế sử dụng AI trong vũ khí nguyên tử và drone. Đây là một quyết định sai lầm trầm trọng của Joe Biden, bởi vì hiện nay kỹ thuật AI Mỹ đang đi trước Trung Cộng rất xa qua những phát minh của semiconductor. Tại sao Joe Biden lại tự trói tay mình để nhường một lợi thế chiến lược vô cùng quan trọng cho Trung Cộng?!
3) Về Đài Loan
Phía Tập Cận Bình: Cuộc trao đổi về Đài Loan, một quốc đảo có nền chính trị dân chủ mà Trung Cộng tuyên bố thuộc lãnh thổ của mình. Tập nói ưu tiên của Trung Cộng là thống nhất hòa bình với quốc đảo mà họ tuyên bố chủ quyền, Tập Cận Bình tiếp tục nói có thể sử dụng vũ lực nếu giải pháp hòa bình không thực hiện được. Điểm này quá rõ ràng Tập đã tuyên bố trực diện với Biden: “Hãy nhìn xem hòa bình là tốt đẹp, nhưng đến một lúc nào đó chúng ta cần hướng tới giải pháp tổng thể hơn” – “Đến một lúc nào đó” tức là lúc mà Trung Cộng có đủ sức về quân sự và kinh tế đương đầu với Mỹ. “Điệp khúc” này Bắc Kinh thường lặp lại nhiều lần từ trước đến nay – nay không ngừng ngại nói thẳng trước mặt TT Mỹ.
Cùng lúc đó, bên bờ Thài Bình Dương, truyền thông của Trung Cộng kêu gọi Washington ngừng gửi vũ khí tới Đài Loan và ủng hộ Trung Cộng “thống nhất” Đài Loan trong hòa bình.
Đáp trả về Đài Loan, TT Biden nói rằng Hoa Kỳ không thay đổi hiện trạng tại Đài Loan vẫn tuyên bố tôn trọng “Một Trung Hoa”, nhưng sẽ bảo vệ Đài Loan bởi đạo luật được ký kết giữa Mỹ-Đài là “Taiwan Relation Act (TRA)”.
Như vậy với Đài Loan hai bên “vẫn như cũ” không có gì mới mẻ. Các nguyên tắc cơ bản về Đài Loan của hai bên không thay đổi.
4) Về cuộc chiến Israel-Hamas, Nga-Ukraine
Trong gần 4 giờ Biden-Tập đã thảo luận nhiều vấn đề, trong đó có cuộc chiến Nga-Ukraine và Israel-Hamas. TT Joe Biden muốn thấy Trung Cộng sử dụng ảnh hưởng của mình với Iran để ngăn chặn cuộc chiến Israel-Hamas mở rộng, và thúc ép Tập sử dụng đòn bẩy để ngăn Bắc Hàn cung cấp vũ khí cho Nga.
Về cuộc chiến Israel-Hamas, Trung Cộng âm thầm ủng hộ phiến quân Hamas vì tổ chức này là con nuôi của Iran, một quốc gia Hồi Giáo tay chân thân tín với Bắc Kinh tại vùng Trung Đông. Trong thâm tâm của Tập Cận Bình là muốn Mỹ càng ngày lún sâu vào rối ren quốc tế, yếu sức vì bị rút ruột tài chính bởi các cuộc chiến tranh trên thế giới như cuộc chiến Israel – Hamas mới xảy ra một tháng mà Mỹ đã mất hàng chục tỉ USD viện trợ. Do đó Biden yêu cầu Trung Cộng sử dụng ảnh hưởng để ép Iran không đưa phiến quân tấn công các căn cứ quân sự Mỹ ở Trung Đông là đề nghị mang tính “khôi hài”, thiếu thực tế.
Với cuộc chiến tại Ukraine cũng vậy, hãy nhìn những lá phiếu trước Liên Hiệp Quốc và thái độ bênh vực của Trung Cộng đối với Nga như thế nào chúng ta đã quá rõ. Mặc dù chưa có bằng chứng đích thực nào Trung Cộng chuyển vũ khí cho Nga. Nhưng Trung Cộng giúp đỡ cho Nga thoát khỏi trừng phạt kinh tế và tài chính của NATO là rõ ràng. Hiện Trung Cộng đang sát cánh với Nga để làm suy yếu tiềm lược của Mỹ trong hứa hẹn hai nước này “hợp tác không giới hạn”. Như vậy, yêu cầu của Biden đối với Tập trong vấn đề này chẳng khác gì “đàn gảy tai trâu”.
5) Không quan tâm đến nhân quyền, dân chủ, tình trạng Biển Đông và gia tăng phát triển quân sự nhanh chóng của Trung Cộng:
Tập Cận Bình trong lời mở đầu đã bắn tín hiệu rằng các quốc gia không nên tìm cách “sửa sang” nước kia, điều này ám chỉ đến các cáo buộc của Hoa Kỳ về vi phạm nhân quyền đối với người Duy Ngô Nhĩ ở Tân Cương và các cuộc đàn áp của Trung Cộng đối với những người bất đồng chính kiến và vấn đề dân chủ Hồng Kông. Cuộc họp cũng không đặt nặng để giải quyết căng thẳng trên Biển Đông, nơi Mỹ đã từng lên án cáo buộc các tàu chiến Trung Cộng quấy rối chủ quyền biển đảo thậm chí xâm phạm một đồng minh lâu đời của Mỹ như Philippines. Hội nghị cũng không nghe nói gì về chủ quyền của bản đồ “hình lưỡi bò chín đoạn” mà cộng đồng quốc tế phản đối.
Andrew Michta, giám đốc Sáng Kiến Chiến Lược Scowcroft than phiền “sự tăng cường quân sự của Trung Quốc là con voi lớn nhất nằm chình ình trong trong phòng hội”, nhưng nó đã bị đuổi đi trong cuộc gặp gỡ Mỹ-Trung mang tầm vóc thế kỷ ở Điền Trang Filoli. Trong bài phân tích Michta viết: “Sự thay đổi nhanh chóng về năng lực quân sự liên tục gây bất ổn cho khu vực và liên minh chặt chẽ với Nga làm tăng nguy cơ Bắc Kinh tiếp cận được một số kỹ thuật công nghệ quân sự tối tân của Nga” là những điều đáng thảo thuận rốt ráo.
6) Trung-Mỹ đến với nhau với tư thế ra sao?
Hoa Kỳ đang ở tư thế mạnh về kinh tế, mặc dù phải viện trợ quân sự cho Ukraine, Israel và Đài Loan nhưng dân Mỹ không tham gia chiến tranh. Mặc dù vật giá leo thang, giá nhiên liệu cao hơn những năm về trước làm cho đời sống người dân chật vật. Về kinh tế năm 2023 có phần phát triển cao hơn so với các nước trên thế giới.
Về quân sự Hoa Kỳ hiện vẫn là mạnh nhất chưa một nước nào địch nổi. Uy tín ngoại giao quốc tế cũng có nhiều nước “tiền hô hậu ủng”, đặc biệt các nước giàu trong khối G7 và G20.
Về đối nội Hoa Kỳ đang đối diện với tổng tuyển cử quan trọng năm 2024 và một Hạ Viện cầm đầu bởi Đảng Cộng Hòa thường có những quyết định thách thức Joe Biden.
Về cá nhân, Tổng Thống Biden cũng đang gặp những liên hệ bê bối của cậu con trai Hunter Biden đang bị giới đối lập chính trị trong nước Mỹ mổ xẻ tận gốc, cáo buộc cho TT Joe Biden lợi dùng quyền lực để bao che. Tại Hoa Kỳ “lợi dụng quyền lực cho việc riêng tư cá nhân” là vi phạm luật pháp.
Còn Trung Cộng, Tập Cận Bình nhà lãnh đạo quyền lực nhất trong nhiều thập niên, cai trị một chế độ chuyên chính cộng sản tuyệt đối không cho phép bất đồng chính kiến. Tuy thế đến nay Tập Cận Bình phải ràng buộc sinh mệnh chính trị với 1.4 tỉ dân Tàu với mệnh lệnh không được xem Mỹ quá mạnh mà phải lép vế.
Về nội bộ Trung Cộng, Tập Cận Bình đang đối diện với kinh tế suy thoái do đại dịch Covid-19 đem lại và do hệ thống lãnh đạo tập trung quyền lực độc tài của đảng Cộng Sản bóp nghẹt những sáng kiến kinh tế có thể vượt qua những hậu quả đại dịch và thiên tai liên tục. Điều quan trọng là sức mạnh “chuỗi cung ứng” của Trung Cộng đang lung lay tận gốc rễ khi nhìn thấy các công ty nước ngoài lần lượt rời bỏ cơ sở sản xuất tại Trung Cộng để chuyển qua những nước khác.
Về nội bộ Đảng Cộng Sản Tàu, mặc dù khó có được tin tức chính xác bên trong đảng đưa ra. Nhưng sự thật đã phơi bày như ánh sáng ban ngày là trong một thời gian ngắn cả hai bộ trưởng Tần Cương và Lý Thượng Phúc là quan văn, quan võ cao nhất của Bắc Kinh đã bị thanh trừng cho ta thấy trong nội bộ Đảng Cộng Sản Tàu đang có những tranh chấp sinh tử. Và uy thế của Tập Cận Bình không đủ để có thể bảo vệ cho những đàn em tâm phúc chính do Tập đã đưa lên như Tần Cương và Lý Thượng Phúc.
Nội bộ thì lục đục, kính tế lụn bại, ưu thế ngoại giao bị đe dọa… nói chung thì Bắc Kinh đến San Francisco trong tư thế yếu so với Mỹ đang ở thế thượng phong.
Nhưng trong cuộc gặp gỡ lịch sử (50 năm mới có một lần quan trọng như thế này) thì Tổng Thống Mỹ Joe Biden đã nhượng bộ quá nhiều đối với một đối thủ đầy tham vọng mà trước đây phải dựa vào Mỹ để phát triển, giờ đây lại lên mặt nhìn thẳng vào Tổng Thống Mỹ tuyên bố: “thế giới “đủ rộng lớn” cho cả hai nước, bất chấp những lời lẽ khoa trương và khiêu khích gia tăng trong nhiều năm”.
Trong buổi thảo luận 4 giờ đồng hồ giữa Biden và Tập, Joe Biden nói rằng “Tôi luôn thấy các cuộc thảo luận của chúng tôi thẳng thắn mang tính xây dựng và luôn đánh giá cao chúng” – Có lẽ đó là lời nói “đầu môi chót lưỡi” chứ không thực tâm. Một người ở trong chính trường Hoa Kỳ quá lâu như Joe Biden (trừ khi không quan tâm) thừa khả năng để biết Cộng Sản là ai và phải nắm chắc Cộng Sản KHÔNG bao giờ thảo luận thẳng thắn và xây dựng”. Cộng Sản có một bản chất không thay đổi “bám quyền bằng mũi súng bạo lực, và buông quyền trước sức mạnh của đối phương”. Thậm chí Biden còn tỏ ra rất lo sợ một cuộc chiến giữa Mỹ-Trung xẩy ra, Biden nói: “Chúng ta phải bảo đảm rằng cạnh tranh không dẫn đến xung đột và chúng ta phải kiểm soát sự cạnh tranh đó một cách có trách nhiệm”. Ông Biden đã quên dưới chế độ Cộng Sản luôn luôn hành động với phương châm “mục tiêu biện minh cho phương tiện” chứ không có trách nhiệm. Điều này chứng minh bản đồ hình “lưỡi bò chín đoạn” trên Biển Đông là một bằng chứng cụ thể trước mắt thế giới.
Trong khi Tập cũng có nhiều lúc vừa đưa đẩy, vừa đe dọa. Tập Cận Bình nói “Đối với hai nước lớn như Trung Cộng và Mỹ, việc quay lưng lại với nhau không phải là một lựa chọn và việc một bên sửa sang bên kia là không thực tế, xung đột và đối đầu sẽ gây ra những hậu quả khôn lường cho cả hai bên”.
Và Tập cho rằng mối quan hệ Mỹ-Trung là “mối quan hệ song phương quan trọng nhất trên thế giới”, đồng thời tuyên bố Tập và Biden “gánh vác trách nhiệm nặng nề đối với nhân dân hai nước, đối với thế giới và đối với lịch sử”.
Nghe đến gánh vác trách nhiệm đối với thế giới và lịch sử nên TT Biden sáng mắt mà quên đi ông đang nói chuyện với một tên đầu sỏ Cộng Sản. Sau đó không lâu Biden tỉnh ngộ, ông đã nói với phóng viên báo chí rằng: “Nhìn kìa, đúng là ông ấy. Ý tôi là ông ta là một nhà độc tài theo nghĩa ông ta là người điều hành đất nước là đất nước cộng sản, nghĩa là dựa trên hình thức chính phủ hoàn toàn khác với hình thức chính phủ của chúng ta (well look, he is. I mean he is a dictator in the sense that he is the guy who run the country is the Communists country, that is based on the form of government totally different than ours”).
Cuộc gặp gỡ Biden-Tập mà thế giới đang trông đợi, còn cho là “gặp gỡ lịch sử 50 năm mới có một lần” nhưng chiều sâu của những nội dung thảo luận giữa Tổng Thống Mỹ Joe Biden và Chủ Tịch Trung Cộng Tập Cận Bình chỉ trong phạm vi tìm cách giảm nhiệt để ngăn ngừa chiến tranh không hơn không kém.
Joe Biden đã đạt được các thỏa thuận về fentanyl, nối lại đường dây nóng liên lạc quân sự. Còn Tập Cận Bình đạt quá nhiều có thể xem như thoát nạn: Tập đã giành được những nhượng bộ trong chính sách của Mỹ như gát lại những xử phạt đổi lấy hợp tác của Mỹ, biến từ đối địch sang bạn bè nhằm giảm bớt căng thẳng song phương sẽ cho phép Trung Cộng tập trung nhiều hơn vào tăng trưởng kinh tế, và cơ hội thu hút các nhà đầu tư nước ngoài đang ngày càng xa lánh Trung Quốc qua cuộc nói chuyện đầy hứa hẹn của Tập Cận Bình với các nhà đầu tư ở San Francisco với giá vào cửa là 2000 USD. Giống như các chuyên gia Anh đã nhận định: Biden và Tập gặp nhau nỗ lực ổn định quan hệ là quan trọng hàng đầu.
7) Bên ngoài APEC tại San Francisco đang nóng
Người Mỹ gốc nước ngoài tập trung biểu tình ngoài APEC 2023 tại San Francisco, California
Trong khi đó, trên đường phố ở San Francisco, nơi diễn ra hội nghị thượng đỉnh APEC là cảnh các cuộc biểu tình trên đường phố diễn ra bởi những người biểu tình chống cộng, chống cuộc chiến của Israel ở Gaza, chống đàn áp Pháp Luân Công của Trung Cộng.
Còn những người Mỹ gốc Việt tập trung biểu tình chống Chủ Tịch Nước Cộng Sản Việt Nam Võ Văn Thưởng với những khẩu hiệu đòi tư do dân chủ cho Việt Nam cùng với việc chống Trung Cộng xâm lăng hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam.
Người Mỹ gốc Việt biểu tình phản đối Cộng Sản Việt Nam độc tài và Trung Cộng cướp nước tại hội nghị APEC 20213 tại San Francisco, California
Những việc này cho thấy trong thung lũng Điền Trang Filoli yên ắng có những bữa tiệc và đối thoại dàn xếp những việc không thực tế, nhưng xung quanh đỉnh núi bao quanh Điền Trang vẫn còn những tiếng la đầy phẫn nộ đòi giải quyết những thực tế không được quan tâm.
Hoa Kỳ ngày 16/11/2023
Lê Thành Nhân
Tham khảo :
(1) The Reuters
(2) The San Francisco Standard
(3) https://www.dailymail.co.uk/news/article-12754091/biden-xi-jinping-san-francisco-fioli-meeting.html
(4) Fox News
https://vietquoc.org/nghi-gi-ve-joe-biden-gap-tap-can-binh-o-san-francisco/
Không có nhận xét nào