Nguồn: The Lessons for Israel of America’s War in Afghanistan, By Michael A. Cohen, Christopher Preble, and Monica Duffy Toft, Foreign Affairs, November 1, 2023
Nhật Hiên biên dịch.
Làm thế nào để tránh một vũng lầy ở Gaza
Khi Israel thương tiếc vụ hơn 1.400 công dân bị khủng bố Hamas thảm sát vào ngày 7 tháng 10, Tổng thống Mỹ Joe Biden đã tới Tel Aviv để cam kết Mỹ sẽ hỗ trợ. Nhưng khi xuất hiện cùng Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu, Biden cũng đưa ra điều cần thận trọng lưu ý. Ông nhớ lại, sau vụ tấn công 11/9, “ở Hoa Kỳ chúng tôi rất tức giận. Và mặc dù chúng tôi tìm kiếm công lý và có được công lý, chúng tôi cũng đã phạm sai lầm.”
Trong ba tuần qua, Biden hầu như không phải là người duy nhất so sánh ngày 7 tháng 10 và ngày 11 tháng 9, và cho rằng Israel có thể được học từ kinh nghiệm của Mỹ. Nhưng khi so sánh 2 chuyện này, phần lớn đề cập đến toàn bộ “cuộc chiến chống khủng bố” của Hoa Kỳ, dẫn đến việc so sánh một cách khó hiểu cuộc khủng hoảng cấp bách ở Israel với giai đoạn kéo dài hàng thập kỷ trong chính sách an ninh quốc gia của Mỹ. Những gì Israel đang đối mặt hiện nay gần giống với thách thức Washington phải đối mặt ngay sau vụ tấn công 11/9, khi nhiệm vụ cấp bách nhất là suy tính phải làm gì với nơi trú ẩn an toàn của al Qaeda ở Afghanistan. Kiểu so sánh này vẫn không hoàn hảo nhưng phù hợp hơn và hữu ích hơn về mặt phân tích.
Trong 15 tháng qua, chúng tôi đã nghiên cứu các giả định cốt lõi trong nỗ lực của Hoa Kỳ ở Afghanistan, đặc biệt các quyết định của chính quyền George W. Bush trong những tuần và tháng đầu tiên sau chấn thương ngày 11/9. Mặc dù có một số khác biệt chính giữa sự kiện năm 2001 và sự kiện ngày 7 tháng 10– và thậm chí còn có những khác biệt lớn hơn giữa một siêu cường toàn cầu và một đất nước chín triệu người bị bao vây bởi kẻ thù – kinh nghiệm của Hoa Kỳ trong giai đoạn đầu ứng phó với vụ 11/9 có thể mang lại những bài học. hữu ích cho Israel hiện nay. Một là tầm quan trọng của việc lập kế hoạch và đặt ra mục tiêu thực tế – đừng cố làm quá sức mình. Một điều nữa là biết điểm mạnh và năng lực cốt lõi của bản thân, cũng như nhận ra khi nào có lợi để dựa vào người khác. Cuối cùng, với một quốc gia ở vị trí của Israel, các nhà lãnh đạo phải suy nghĩ một cách chiến lược về việc ai có thể hỗ trợ họ đạt được mục tiêu, ai là kẻ thù, và kẻ thù sợ gì và muốn gì.
KHÔNG GIỐNG NHƯNG TƯƠNG TỰ
Có khác biệt rõ ràng giữa tình hình Mỹ phải đối mặt sau vụ tấn công 11/9 và tình huống mà Israel phải đối mặt hiện nay. Sau vụ 11/9, Tổng thống Hoa Kỳ George W. Bush đã so sánh chủ nghĩa khủng bố thánh chiến với chủ nghĩa Quốc xã và chủ nghĩa cộng sản, đồng thời mô tả nó là một mối đe dọa hiện hữu đối với Hoa Kỳ và thế giới dân chủ. Nhưng đó là cách nói cường điệu. Hamas gây ra mối nguy hiểm nghiêm trọng hơn nhiều cho Israel so với những gì al Qaeda từng gây ra cho Hoa Kỳ. Trong 30 năm, Hamas đã thể hiện rõ ý định xóa sổ Israel và vào ngày 7 tháng 10, tổ chức này đã chứng minh rằng có thể thực hiện hành vi giết người hàng loạt ở quy mô không thể chấp nhận được và không thể tưởng tượng được trước đây.
Sau ngày 11/9, Hoa Kỳ tuyên bố một “cuộc chiến chống khủng bố toàn cầu”, mở rộng ra cả các quốc gia đã cung cấp nơi trú ẩn an toàn cho những kẻ khủng bố. Lập luận này được dùng để biện minh cho một cuộc chiến toàn diện do Hoa Kỳ lãnh đạo chống lại Taliban ở Afghanistan, quốc gia mặc dù chứa chấp al Qaeda nhưng không liên quan trực tiếp và, theo nhiều nguồn xác nhận, không biết trước gì về vụ tấn công 11/9. Trong khi đó Israel đã nói rõ rằng kẻ thù duy nhất của họ là Hamas
Giai đoạn đầu tiên trong nhiệm vụ của Hoa Kỳ tại Afghanistan dựa vào quân đội ủy quyền của Afghanistan, Liên minh phương Bắc, với lực lượng Hoa Kỳ chiến đấu chủ yếu từ trên không. Israel không có được sự xa xỉ đó. Họ sẽ phải gửi bộ binh vào nơi nguy hiểm, trong môi trường đô thị đông dân cư, nơi sẽ khó phân biệt được giữa kẻ thù và thường dân vô tội
Cuối cùng, người ta thường quên rằng lúc đầu cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan đã đạt được thành công phi thường về mặt chiến thuật. Chỉ trong hai tháng, al Qaeda đã bị tước đi nơi trú ẩn an toàn và Taliban đã bị tước bỏ quyền lực. Thật khó để tưởng tượng rằng Israel sẽ may mắn như vậy.
TẬP TRUNG VÀO MỘT MỤC TIÊU
Tuy nhiên, những khác biệt đó hầu như không thể so sánh được. Giống như Hoa Kỳ sau ngày 11/9, toàn bộ Israel đã trải qua một chấn thương kinh khủng vào ngày 7/10, làm đảo lộn những đinh ninh về an ninh quốc gia và đòi hỏi một phản ứng mạnh mẽ và ngay lập tức.
Cuộc chiến ở Afghanistan bắt đầu chưa đầy một tháng sau vụ 11/9 và chính quyền Bush không suy nghĩ nhiều về cái gì sẽ thay thế chính phủ Taliban. Thực sự, các quan chức Mỹ rất ngạc nhiên khi lực lượng của Mỹ và Liên minh phương Bắc đã đánh bại Taliban nhanh như vậy. Không chỉ mình họ ngạc nhiên. Thủ lĩnh của Al Qaeda, Osama bin Laden, đã hy vọng Mỹ sẽ can thiệp vào Afghanistan vì tin rằng lực lượng Mỹ sẽ sa lầy vào một cuộc xung đột kéo dài. Nhưng sau khi các chiến binh Taliban hạ vũ khí và tàn quân của al Qaeda bị lực lượng Mỹ và các đối tác Liên minh phương Bắc bao vây trong các hang động ở Tora Bora, bin Laden đã xin lỗi những người đi theo hắn vì đã dẫn họ đến bờ vực diệt vong.
Nhưng các nhà lãnh đạo Israel cần lưu ý rằng, sau thành công ban đầu của Mỹ ở Afghanistan năm 2001, Washington đã đánh mất điều đó. Quyết định xâm lược Iraq sau đó của Mỹ không mang nhiều ý nghĩa chiến lược, khiến các đồng minh chủ chốt trong đó có Pháp và Đức xa lánh, đồng thời khiến công cuộc tái thiết sau xung đột ở Afghanistan có ít sự chú ý và ít nguồn lực hơn mức cần thiết. Mặc dù các quan chức Mỹ nói rằng họ ưu tiên tạo ra một Afghanistan ổn định và an toàn nhưng họ thiếu năng lực và nguồn lực để đạt được mục tiêu đó. Ngay cả khi mọi thứ lý tưởng, Hoa Kỳ cũng sẽ gặp khó khăn để tiến hành xây dựng quốc gia Afghanistan một cách hiệu quả. Nhưng khi mối quan tâm chuyển sang Iraq, nhiệm vụ đó trở nên bất khả thi.
Israel nên học hỏi từ sự đi quá đà của Mỹ và tránh bất kỳ cơn bốc đồng nào trong việc can dự quân sự với Iran hoặc Hezbollah ở Lebanon. Israel phải thu hẹp trọng tâm vào Gaza và ưu tiên giảm thiểu mối đe dọa quân sự từ Hamas. Loại bỏ sự lãnh đạo chính trị và quân sự của Hamas cũng như phá hủy các kho vũ khí và mạng lưới đường hầm của nhóm này là những nhiệm vụ riêng biệt và có khả năng đạt được.
Bất cứ điều gì vượt quá giới hạn đó đều có thể biến tình hình thành một vũng lầy, đẩy Israel vào một cuộc xung đột kéo dài không có hồi kết.
Ở Afghanistan, thái độ tự tin của quân đội Hoa Kỳ cho thấy họ tin là quân đội Mỹ có thể giành chiến thắng không chỉ trong chiến tranh mà cũng trong hòa bình. Tuy nhiên, điều đó vượt xa năng lực cốt lõi của quân đội Hoa Kỳ – và thậm chí của cả các cơ quan dân sự như Bộ Ngoại giao và USAID. Sự hiện diện của Hoa Kỳ ở Afghanistan, mặc dù có mục đích tốt, nhưng thường gây ra các cuộc tấn công khủng bố và trả thù quân sự, trong đó người dân Afghanistan vô tội bị vướng vào làn đạn.
Giống như quân đội Mỹ, quân đội Israel là một lực lượng chiến đấu hiệu quả và có vũ khí cũng như công nghệ cần thiết để giáng một đòn nặng vào kẻ thù. Nhưng quân đội của nước này không được trang bị, cả về mặt văn hóa lẫn chiến thuật, để giải quyết việc chiếm đóng quân sự lâu dài ở Dải Gaza. Do đó, Israel cần có cái nhìn rõ ràng về sức mạnh của mình và hiểu rõ họ có thể dựa vào sự hỗ trợ từ những đồng minh nào. Hoa Kỳ sẽ đóng vai trò quan trọng, nhưng các quốc gia Ả Rập mà Israel đã ký kết các hiệp định hòa bình hoặc hiệp định bình thường hóa cũng sẽ đóng vai trò quan trọng. Israel cũng phải xem xét cách hợp tác với Liên hợp quốc và Chính quyền Palestine (PA), do Tổng thống Mahmoud Abbas đứng đầu. Hầu hết người Israel không tin tưởng vào Liên Hiệp Quốc vì tổ chức này có thành kiến chống Israel. Tuy nhiên, đây có lẽ là tổ chức toàn cầu duy nhất có đủ kiến thức và uy tín để lãnh đạo nỗ lực ổn định sau xung đột ở Gaza một cách hiệu quả. Không có kế hoạch nào cho “tương lai” ở Gaza có thể loại trừ điều đó.
BIẾT KẺ THÙ LÀ AI
Một trong những điểm yếu chính của cuộc chiến của Mỹ ở Afghanistan là không có khả năng chỉ tập trung vào kẻ thù chính. Khi tuyên bố lúc đầu là không có sự khác biệt giữa những kẻ khủng bố và các quốc gia che chở cho khủng bố, Washington đã khiến Taliban cũng sẽ bị đối xử tương tự như al Qaeda –– mặc dù có rất ít điểm chung giữa hai nhóm này. Quả thực, trước khi xảy ra vụ 11/9, giới lãnh đạo Taliban và al Qaeda nhìn nhau một cách cảnh giác. Trong khi al Qaeda tập trung vào thánh chiến quốc tế thì Taliban lại tích cực tìm kiếm sự công nhận, tính hợp pháp và cuối cùng là sự hỗ trợ của quốc tế. Vài lần vào cuối những năm 1990, thủ lĩnh Taliban, Mullah Omar, đã nghiêm túc cân nhắc việc trục xuất bin Laden khỏi Afghanistan, một động thái được nhiều cấp dưới của ông ta ủng hộ.
Đến tháng 12 năm 2001, hai tháng sau khi chiến tranh bắt đầu, Taliban đã bỏ cuộc. Những người xung quanh Mullah Omar nói với ông ta rằng họ có ý định đầu hàng tổng thống mới của Afghanistan, Hamid Karzai – và đã nhiều lần cố làm như vậy. Trong khi những kẻ khủng bố al Qaeda thường chiến đấu đến chết, các chiến binh Taliban phần lớn đã hạ vũ khí và trở về làng của mình, kinh sợ trước khả năng hủy diệt của không quân Mỹ.
Sau thất bại, các cựu thủ lĩnh của Taliban không mấy hào hứng với chuyện nổi dậy và rất tức giận al Qaeda. Theo truyền thống lâu đời của người Afghanistan là xem luồng gió chính trị thổi chiều nào, nhiều người Taliban đã tìm cách điều chỉnh để phù hợp với tình hình thực tế chính trị mới của đất nước. Nhưng Hoa Kỳ không quan tâm đến việc cho phép Taliban thoát khỏi thất bại và sự sỉ nhục. Họ muốn dạy cho nhóm này một bài học và hợp tác với các lãnh chúa bộ lạc hung hãn của nước này để phát động một sứ mệnh chống khủng bố quyết liệt nhắm vào các cựu lãnh đạo của Taliban. Quyết định đó đã khiến người Afghanistan, ban đầu hoan nghênh sự hiện diện của Hoa Kỳ, chống lại họ và chính phủ Karzai. Điều này đã cung cấp nhiên liệu cho cuộc nổi dậy của Taliban vài năm sau đó.
Có những bài học tiềm tàng cho Israel khi hiểu được sự đánh giá và cách xử lý sai lầm của Hoa Kỳ đối với Taliban sau vụ 11/9. PA có thể không hài lòng với cuộc tấn công của Israel ở Gaza và sẽ công khai lên án hành động này, nhưng PA có tiềm năng có thể hỗ trợ giải quyết hậu quả chiến tranh. Israel nên làm mọi thứ có thể để tránh biến PA – vốn đã công nhận Israel và cam kết ủng hộ giải pháp hai nhà nước – thành kẻ thù. Quyền lực hạn chế của PA và tình trạng tham nhũng tràn lan của họ sẽ làm điều này khó khăn, nhưng Israel có thể thực hiện các bước công khai để xây dựng thiện chí.
Thật không may, Tel Aviv dường như lại muốn làm điều ngược lại. Trước ngày 7 tháng 10, làn sóng bạo lực của người định cư từ Israel gây ra đã gia tăng ở Bờ Tây và tăng thêm kể từ cuộc tấn công. Các nhà lãnh đạo Israel cố tình phớt lờ bạo lực này vì nhiều người trong số họ có thiện cảm với những người định cư là thành phần chủ chốt trong liên minh hiện tại của chính phủ. Việc phớt lờ này không chỉ không thể bào chữa được về mặt đạo đức mà còn sai lầm về mặt chính trị. Israel không thể hy vọng dựa vào sự hỗ trợ của PA để giúp quản lý Gaza thời hậu chiến nếu nước này tiếp tục cho phép người định cư tấn công các ngôi làng và cư dân của người Palestine mà không bị trừng phạt.
Israel cần chấm dứt bạo lực ở Bờ Tây ngay lập tức. Họ cũng nên xem xét các biện pháp xây dựng lòng tin, bao gồm việc công bố các hạn chế về tăng trưởng khu định cư, cấp nhiều giấy phép hơn cho người Palestine từ Bờ Tây làm việc ở Israel, đưa lại nguồn thu thuế mà Israel thu cho PA và trả tự do cho các tù nhân chính trị Palestine. Nhưng trên hết, Israel phải giải quyết những bất bình cơ bản và chính đáng đang thúc đẩy sự ủng hộ dành cho Hamas. Điều đó có nghĩa là ngồi lại với PA và đàm phán một giải pháp chính trị cho những khác biệt. Giống như Hoa Kỳ lẽ ra phải chấp nhận rằng Taliban có vai trò trong tương lai của Afghanistan, thì Israel cũng phải đưa ra những lựa chọn chính trị cứng rắn để chấm dứt xung đột với người Palestine. Cuối cùng, đó là cách duy nhất để đảm bảo an toàn cho đất nước.
Không có điều nào trong những điều này sẽ đơn giản. Thủ tướng Benjamin Netanyahu đã dành nhiều năm để chỉ trích và làm nhục PA. Nếu ông Netanyahu từ chức – và các cuộc thăm dò gần đây cho thấy đa số người Israel muốn như vậy sau khi chiến tranh kết thúc, – điều đó sẽ giúp ích quá trình hàn gắn.
Trong khi đó, nhiều người Palestine có thể sẽ coi chính quyền Gaza do PA lãnh đạo là một chế độ không đáng tin. Tuy nhiên, cần lưu ý rằng khi Hoa Kỳ tham chiến ở Afghanistan, Washington nhìn chung cho rằng người Afghanistan sẽ phẫn nộ trước sự hiện diện của Hoa Kỳ. Thực tế ngược lại: hầu hết người Afghanistan hoan nghênh lực lượng Hoa Kỳ và coi họ như những người giải phóng. Mọi thứ chưa chắc sẽ diễn ra theo cách tương tự ở Gaza, mặc dù nhiều người Palestine sẽ vui mừng khi thoát khỏi Hamas. Chỉ một thiểu số dân Palestine quyết tâm thực hiện các hành động khủng bố để giết người Israel. Hầu hết đều muốn cuộc sống bình thường. Israel không nên làm họ chống đối mình thêm nữa. Chiếm đóng thô bạo sẽ chỉ tạo thêm oán hận. Một số cậu bé từng tìm kiếm người thân trong đống đổ nát của Gaza sau cuộc không kích của Israel năm 2014 khi lớn lên có thể nằm trong số những thanh niên sát hại các gia đình Israel vào ngày 7 tháng 10.
Cuộc chiến ở Gaza sẽ không có gì dễ dàng. Nhiều binh sĩ Israel và thường dân Palestine sẽ đau khổ và chết. Nhưng mọi quốc gia đều có quyền tự vệ trước chủ nghĩa khủng bố và Israel cũng không là ngoại lệ. Sau ngày 11/9, Hoa Kỳ gây chiến với al Qaeda và, như Biden nói, “đã có được công lý”. Sau đó, các nhà lãnh đạo Mỹ đã vứt bỏ những lợi thế chính trị và đạo đức bằng hàng loạt quyết định phản tác dụng và thiếu cân nhắc, phung phí thành công ban đầu ở Afghanistan và tạo ra vũng lầy ở đó. Nếu Israel mắc sai lầm tương tự trong cuộc chiến chống lại Hamas, nước này sẽ có nguy cơ nhận một kết quả thảm khốc tương tự.
Nhật Hiên biên dịch.
* Về các tác giả:
MICHAEL A. COHEN là Nghiên cứu viên cao cấp từ xa Thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Trường Luật và Ngoại giao Fletcher tại Đại học Tufts.
CHRISTOPHER PREBLE là Nghiên cứu viên cao cấp từ xa Thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược tại Trường Fletcher, đồng thời là Thành viên cao cấp và Giám đốc Chương trình Tái hình dung lại Đại chiến lược Hoa Kỳ của Trung tâm Stimson.
MONICA DUFFY TOFT là Trưởng khoa Học thuật và Giáo sư Chính trị Quốc tế tại Trường Fletcher và Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược của trường.
https://www.diendantheky.net/2023/11/michael-cohen-christopher-preble-va.html#more
Không có nhận xét nào