16/11/2023
" Lời tác giả: Có nhiều cách gọi tên ông Lưu Bình Nhưỡng, vì ông có học hàm Tiến sỹ lại là Cựu đại biểu quốc hội nhưng vì đã từng là thầy giáo của tôi tại trường đại học luật Hà Nội nên tôi chọn cách xưng là Thầy như tôi đã từng gọi thầy suốt gần 30 năm qua, trong bài viết này".
Công an tỉnh Thái Bình bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng, một quan chức thuộc quốc hội Việt Nam, hôm 15/11/2023.
Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc “không hợp” với bên công an và Viện kiểm sát. Mới đây tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hoà Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng “Thằng khóc thuê đó, đợi đấy”.
***
Sáng ngày 15/11 hàng loạt tờ báo của Việt Nam đều đưa tin “Công an tỉnh Thái Bình đã ra quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam ông Lưu Bình Nhưỡng về hành vi cưỡng đoạt tài sản theo khoản 4 Điều 170 Bộ Luật hình sự”.
Thầy Lưu Bình Nhưỡng là ai?
Sinh ngày 4/2/1963 tại xã Hùng Dũng, Huyện Hưng Hà, Tỉnh Thái Bình, ở tuổi 18 Thầy nhập ngũ và sau 2 năm phục vụ trong quân đội, Thầy trở về thi vào Khoá 8, Đại học Luật Hà Nội năm 1983 (khi đó còn gọi là Đại học Pháp lý đóng tại Thường Tín, Hà Nội). Đến năm 1987 thì tốt nghiệp đại học. Nhờ thành tích học tập xuất sắc và khả năng làm việc trong Đoàn sinh viên rất tốt, Thầy được ở lại trường làm giảng viên môn Luật Lao động, rồi làm trưởng bộ môn sau khi bảo vệ thành công tiến sỹ luật.
Thầy từng tham gia một khoá tu nghiệp ngắn ở Australia và tiếp tục lên làm Phó chủ nhiệm khoa Pháp luật Kinh tế. Thầy được vào diện “quy hoạch” từ sớm nhờ năng lực và tư duy “dám nghĩ, dám nói”. Từ đại học Luật, Thầy chuyển sang làm Chánh văn phòng Tổng cục thi hành án dân sự thuộc Bộ Tư pháp và sau đó là Thành viên của Ban chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương. Với tư cách đó, Thầy đã từng sinh hoạt cùng đảng bộ với tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng và nhiều lãnh đạo cấp cao nhất trong đảng cộng sản. Thầy biết nhiều thông tin quan trọng, cả của lãnh đạo cao cấp và của nhân dân bần nông.
Thầy là đại biểu quốc hội khoá 14 (2016-2021) chuyên trách trung ương, uỷ viên thường trực của Uỷ ban về các vấn đề xã hội của Quốc hội, phó trưởng ban dân nguyện của Quốc hội, phó chủ tịch Nhóm Nghị sĩ Hữu nghị Việt Nam - Thuỵ Sĩ. Thầy thực sự gây được ấn tượng cho nhiều người vì sự thẳng thắn và “trực ngôn” của mình. Ngay từ thời còn là giảng viên đại học, rất nhiều người (cả học sinh và đồng nghiệp) yêu mến Thầy nhưng cũng nhiều người ghét.
Tôi may mắn là học sinh trực tiếp của Thầy tại Đại học Luật Hà Nội (Tôi học K19, Đại học Luật Hà Nội) khi đó thầy dạy tôi môn Luật Lao động. Năm 2001-2003 khi tôi học cao học luât K3 tại trường thì thầy đang làm ở Khoa Kinh tế cho nên có rất nhiều lần gặp Thầy, tôi cũng hiểu phần nào về tính cách và con người Thầy.
Cho dù có rất nhiều thông tin khác nhau về thầy Lưu Bình Nhưỡng trong việc đối xử với học sinh, quan hệ tình cảm cá nhân và cả câu chuyện vật chất, nhưng cảm nhận của tôi thì Thầy là người đáng kính và “rất đặc biệt”.
Dù khá thân tình, Thầy có theo dõi nhưng chưa bao giờ công khai ủng hộ tôi trong các hoạt động đấu tranh cho dân chủ và nhân quyền cho Việt Nam.
Những phân tích pháp lý ban đầu
Qua quan sát thì thấy rằng thầy Nhưỡng bị bắt khẩn cấp khi vừa xuống sân bay Nội bài tối 14/11, sau đó được di lý về nhà và cơ quan để tiến hành việc khám xét nơi ở và nơi làm việc. Khoản 1 Điều 110 Bộ Luật tố tụng hình sự 2015 quy định 3 trường hợp sau đây thì bị bắt giữ người trong trường hợp khẩn cấp:
a) khi có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng;
b) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn;
c) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.
Theo thông tin được báo chí đưa ra và theo suy đoán logic thì thầy Lưu Bình Nhưỡng rơi vào Tiết 3, của Khoản 1, nghĩa là: Công an thấy “dấu vết của tội pham và đang muốn tìm chứng cứ” nên bắt ngay tại sân bay. Có thể nằm ngay trong chính chiếc “cặp đơn từ” mà thầy vẫn hay mang theo.
Cũng chính vì vậy mà các báo đều đưa tin: “Quá trình bắt, khám xét, cơ quan cảnh sát điều tra đã thu giữ nhiều đồ vật, tài liệu có dấu hiệu vi phạm pháp luật phục vụ công tác điều tra mở rộng vụ án”. Đây là dấu hiệu cho thấy việc khởi tố về tội “cưỡng đoạt tài sản” chỉ là những căn cứ để bắt giữ ban đầu để tiếp tục “đánh án” sâu hơn.
Điều 170 BLHS quy định: “Người nào đe doạ sẽ dùng vũ lực hoặc có thủ đoạn khác uy hiếp tinh thần người khác nhằm chiếm đoạt tài sản, thì bị phạt tù từ 1 đến 5 năm”. Khoản 4 quy định nếu: a) Chiếm đoạt tài sản trị giá 500 triệu đồng trở lên b) Lợi dụng hoàn cảnh chiến tranh, tình trạng khẩn cấp, thì bị phạt tù từ 12 đến 20 năm.
Cấu thành tội phạm của “Cưỡng đoạt tài sản” mặt chủ quan là “đoạt tài sản”; cho nên việc mong muốn “đoạt tiền” được đặt ra từ đầu và là mục tiêu theo đuổi đến tận cuối. Báo chí đều nói rất ít đến hành vi của Thầy nên chưa thể võ đoán nhưng việc liên hệ với Cường “quắt” có thể “đồng phạm” với tư cách đã được nhờ cậy” và thầy “giúp” lên tiếng với các bên liên quan.
“Thằng khóc thuê đó, đợi đấy”
Thầy Lưu Bình Nhưỡng cũng đã chia sẻ với tôi một lần về việc “không hợp” với bên công an và Viện kiểm sát. Mới đây tôi được nghe từ một người bạn đang làm trong Chính phủ rằng trong một lần cách đây 3 năm, ông Trương Hoà Bình đã nói về thầy Lưu Bình Nhưỡng rằng “Thằng khóc thuê đó, đợi đấy”.
Đúng là, suốt bao nhiêu năm làm đại biểu quốc hội rồi làm phó Ban dân nguyện, Thầy đã xông xáo vào những nơi vô cùng khó khăn, đụng chạm đến rất nhiều người để nói lên tiếng nói của người dân, để “khóc” cho dân. Là Phó ban dân nguyện, thầy đã nhận đơn, thay mặt dân để chuyển đơn và “liên hệ, phối hợp, thúc ép” rất nhiều cơ quan hành pháp giải quyết nguyện vọng cho người khiếu kiện hoặc khi có vấn đề cần kêu lên Quốc hội.
Có lẽ chưa có ai dám vạch ra những điểm sai trái của Ngành công an. Thầy đã nói rằng: “Tội phạm tham nhũng đang nhảy múa trên lưỡi gươm pháp luật” trong khi Bộ Công an luôn được coi là “Thanh gươm” của Đảng. Chính vì vậy, ngay khi còn đang là đại biểu quốc hội, Thầy đã bị báo Công trực tiếp lên tiếng phản đối .
Không chỉ nặng lòng với những oan trái của dân chúng, phê phán nền hành pháp mà Thầy còn lên tiếng trực tiếp phê phán Quốc hội. Ngày 26/3/2021 Thầy phát biểu: “Quốc hội không được ngủ mê trên quyền lực của nhân dân, không được biến thành căn phòng kín để gom góp lợi ích nhóm, lợi ích cá nhân và chia chác quyền lực của đất nước”
Tiếng nói trực ngôn cuối cùng?
Hệ luỵ của việc bắt giữ là rất lớn, gây sốc cho nhiều người. Một số bạn học và thầy giáo tôi quen không bất ngờ về việc bắt giữ nhưng đã sụp đổ chút niềm tin còn sót lại của họ đối với thể chế chính trị Việt Nam. Cũng có người hân hoan về việc bắt giữ vì theo niềm tin của họ là đã “bắt đúng người, đúng tội”. Nhưng đối với những ai quan tâm đến vận mệnh của đất nước, tha thiết với công lý thì đây là một tin rất xấu.
Chúng ta có thể chắc chắn rằng việc bắt giữ thầy Lưu Bình Nhưỡng với cáo buộc về tội “Cưỡng đoạt tài sản” chỉ là bước đầu tiên. Trước mắt còn cả một chặng đường dài và có thể trong thời gian tới Thầy sẽ lại bị khởi tố về một tội danh khác liên quan đến tập đoàn Vạn Thịnh Phát nếu như đảng muốn “đi tiếp”.
Thầy đã từng lên tiếng cho nhiều người dân bị oan sai, giờ đây ai sẽ chuyển đơn cho Thầy, chuyển đến đâu? Báo chí thì lặng im, Nhân dân thì nháo nhào đặt câu hỏi còn các nhà quan sát chính trị quốc tế thì chỉ biết “nhíu mày” suy nghĩ về ý định thực sự của chế độ trong việc bắt giữ ông Lưu Bình Nhưỡng là gì?.
Phải chăng công cuộc đốt lò chỉ là một sự thanh trừng nội bộ, bóp nghẹt các tiếng nói độc lập để áp đặt quyền lực thống trị tuyệt đối lên toàn xã hội?
https://www.voatiengviet.com/a/thay-luu-binh-nhuong-bi-bat-va-ty-le-cong-ly-/7357648.html
Không có nhận xét nào