Lê Học Lãnh Vân - VNCS: Intel “gác” kế hoạch đầu tư tại Việt Nam
Nguyễn Anh Tuấn - Intel, chủ nghĩa tư bản, và Nguyễn Phú Trọng
14/11/2023
" Phải chăng Việt Nam đã quá giàu mạnh nên việc để mất một hay vài dự án đầu tư tầm cỡ như vậy chẳng đáng cho một người nào phải chịu trách nhiệm sao? Nếu vậy có sợ Việt Nam sẽ mất tiếp những đầu tư làm chậm sự phát triển quốc gia?".
Ngày 08/11/2023, VOV đăng bài “Intel “gác” kế hoạch mở rộng sản xuất chip tại Việt Nam, Bộ trưởng KH&ĐT nói gì?”. Bài viết dưới đây trình bày những suy nghĩ tiếp theo bài báo trên. Các phần ghi (trích) được trích từ bài báo đó.
1) “Trước thông tin Intel (Mỹ) “gác” kế hoạch đầu tư thêm 1 tỷ USD mở rộng nhà máy tại Việt Nam, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, ông cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu.
Một công ty tầm cỡ Intel, khi đã lập dự án đầu tư vào Việt Nam là đã nghiên cứu môi trường đầu tư Việt Nam, so sánh với các nơi có thể đầu tư khác, đã lập nhóm làm việc chuyên biệt từ vài năm trước… cho nên một dự án đầu tư bị bỏ không phải là chuyện một vài tháng gần đây! Thông tin về việc ấy có thể gần đây, nhưng sự việc đã bắt đầu từ trước, với những dấu hiệu từ lâu. Sao Bộ Kế hoạch và Đầu tư “cũng mới tiếp nhận được thông tin Intel như báo chí nêu”?
2) “Lý do họ nói chúng ta thiếu điện và thủ tục hành chính rườm rà“, Bộ trưởng Bộ KH&ĐT nói!” (trích)
Tôi tự hỏi rằng thiếu điện và các thủ tục rườm rà là điều ai cũng biết, đã kéo dài từ lâu. Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã làm gì để khắc phục lý do đó?
3) “Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Nguyễn Chí Dũng cho rằng: “Đây chỉ là một lý do, vấn đề thiếu hụt điện mới chỉ xảy ra ở cục bộ một số nơi, thời gian. Chính phủ cam kết bảo đảm đủ điện cho các doanh nghiệp không chỉ riêng doanh nghiệp nào“” (trích)
Chính phủ cam kết mà doanh nghiệp có tin hay không? Trách nhiệm của chính phủ là phải làm cho doanh nghiệp tin cam kết của mình chứ không phải hỏi tại sao doanh nghiệp không tin!
Khi đưa ra cam kết, chính phủ có tự vấn đã làm hết cách để doanh nghiệp tin vào cam kết đó không?
Chính phủ có tự hỏi xưa nay mình có lần nào KHÔNG giữ cam kết với doanh nghiệp không? Nguyên do của việc KHÔNG giữ cam kết có thuyết phục được doanh nghiệp không? Có được đưa ra với sự chân thành không?
Chính phủ có tự hỏi các quy trình làm việc nội bộ, cách làm việc của chính phủ với doanh nghiệp có đủ làm doanh nghiệp tin tưởng không?
Nói về việc tin tưởng, tôi nhớ Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng năm 2018, khi bênh vực Dự thảo Luật Đặc khu, tuyên bố rằng “Trong dự thảo Luật không có một chữ nào về Trung Quốc hết”. Nhưng điều 55 của Dự thảo ấy lại cho phép “công dân nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh…” sang Việt Nam với điều kiện thị thực dễ dãi, mà nước láng giềng có chung đường biên giới với Việt Nam tại tỉnh Quảng Ninh chỉ có thể là Trung Quốc! Cách nói chuyện như vậy có tạo được niềm tin không? Nếu thiếu Niềm Tin nơi người Việt thì sao có thể mong mỏi điều đó nơi người nước ngoài?
4) “Cuối năm 2021, “Intel đã “rót” 7 tỷ USD đầu tư xây dựng một nhà máy đóng gói và thử nghiệm chip mới tại Malaysia, dự kiến, nhà máy này sẽ hoạt động sản xuất vào năm 2024” (trích)
Khi Intel đầu tư 7 tỉ đô la vào Malaysia, nhiều người quan tâm tới sự phát triển quốc gia rất buồn lo, chính phủ có hành động thích hợp không? Có lập nhóm nghiên cứu vì sao, nhóm đề ra chính sách thu hút đầu tư FDI thích hợp với hoàn cảnh mới khi các doanh nghiệp đa quốc gia chuẩn bị dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc sang các quốc gia lân cận?
5) Tác hại của việc Intel “gác” dự án đầu tư. Có người lập luận rằng không dự án này thì dự án khác, Việt Nam không cần “lụy” dự án nước ngoài như thế. Người ta cần mình chứ không phải mình cần người ta! Lập luận đó rất vô trách nhiệm với quốc gia!
Người dân Việt Nam rất cần những dự án lớn từ những công ty lớn như Intel! Một dự án như vậy tạo bao công ăn việc làm. Hơn thế, một dự án như vậy sẽ kéo theo bao nhiêu dự án phụ trợ. Hơn thế, một dự án như vậy đem niềm tin cho bao công ty khác về môi trường kinh doanh quốc gia. Một dự án như thế là cú hích mạnh góp phần bùng nổ các dự án khác tại Việt Nam! Trong hoàn cảnh suy thoái kinh tế, thất nghiệp tràn lan, với bao khó khăn hiện nay, một dự án như thế càng cần biết bao! Chỉ cần thu hút được hai ba chục phần trăm đầu tư toàn cầu của Intel, mà Việt Nam đang có nhiều lợi thế về địa kinh tế, địa chính trị, nhân lực, tài nguyên, Việt Nam đã có thể thu hút đầu tư vài ba tỉ đô la cho một dự án cao cấp rồi!
Những dòng trên chỉ thảo luận về tác hại trên khía cạnh kinh tế, chưa nói tới các khía cạnh liên quan khác như dân trí được nâng cao về công nghệ, quản trị, đạo đức kinh doanh… và về chính trị, ngoại giao khiến quốc gia tự chủ hơn!
6) Để vuột một dự án đầu tư như vậy là thất bại của quốc gia! Xin đừng quên Intel là một trong vài cái tên quan trọng nhất thế giới! Cho nên lập luận “không dự án này thì dự án khác” là rất vô trách nhiệm. Trách nhiệm đó chủ yếu thuộc về Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
Về việc để vuột mất đầu tư ấy, ông Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng tuyên bố “tiếc nuối và cho rằng đó là quyền lựa chọn của doanh nghiệp” (trích). Ối chao, câu nói nhẹ hều! Ai lại chẳng biết Intel có quyền lựa chọn! Dân chúng này, quốc gia này muốn biết Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã góp phần gì trong việc Intel lựa chọn không đầu tư ở Việt Nam, và ông Bộ trưởng phải chịu trách nhiệm như thế nào cho việc ấy.
Nếu nhìn sự việc trong bối cảnh Việt Nam phải cạnh tranh quyết liệt thu hút đầu tư nước ngoài, trong hoàn cảnh Việt Nam cần chắt chiu từng dự án đầu tư trực tiếp để đón nhận chuyển động của Hoa Kỳ đưa Việt Nam vào chuỗi cung ứng toàn cầu chip, chất bán dẫn và đất hiếm, việc Intel “gác” lại dự án đầu tư tại Việt Nam có tác hại lớn. Mỗi đêm nghe đài truyền hình như Channel News Asia nhắc tên Việt Nam với tài nguyên đất hiếm mà nóng ruột và do đó việc Intel “gác” đầu tư là nỗi buồn ghê gớm!
Phải chăng Việt Nam đã quá giàu mạnh nên việc để mất một hay vài dự án đầu tư tầm cỡ như vậy chẳng đáng cho một người nào phải chịu trách nhiệm sao? Nếu vậy có sợ Việt Nam sẽ mất tiếp những đầu tư làm chậm sự phát triển quốc gia?
https://vietluan.com.au/110100/intel-gac-ke-hoach-dau-tu-tai-viet-nam/
Intel, chủ nghĩa tư bản, và Nguyễn Phú Trọng
Có một chuyện còn đáng lo hơn cả nhỡ một khoản đầu tư của Intel.
Nguyễn Anh Tuấn / Tạp chí Luật Khoa
14/11/2023
Thông tin tập đoàn Intel hoãn mở rộng đầu tư ở Việt Nam được đưa ra ngay sau chuyến thăm của Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden như một gáo nước lạnh cho những ai nghĩ rằng chỉ bằng việc nâng cấp quan hệ, nguồn vốn đầu tư công nghệ cao sẽ từ Mỹ ùn ùn đổ vào Việt Nam. [1]
Dù đôi bên dùng những lời có cánh để mô tả việc hai nước nâng cấp quan hệ lên mức cao nhất theo phân loại của Việt Nam, cũng như Tuyên bố Chung được đưa ra sau đó cũng liệt kê hàng loạt lĩnh vực hợp tác trọng tâm bao gồm chuỗi cung ứng công nghệ cao, những người mơ mộng ở Hà Nội có lẽ cần làm quen với sự thực dụng của người Mỹ và cần làm nhiều hơn nữa nếu thực sự muốn có dòng tiền lớn từ Hoa Kỳ. [2]
Thiếu điện?
Nguồn tin giấu tên của Reuters từng tham gia cuộc họp giữa Intel và chính phủ Việt Nam cho biết tập đoàn này viện dẫn lý do thiếu điện và quan liêu cho quyết định hoãn đầu tư của mình. [3]
Tình trạng thiếu điện đã diễn ra nghiêm trọng vào mùa hè năm nay ở miền Bắc Việt Nam, gần với thời điểm Intel đưa ra quyết định. [4] Nằm trong khu vực cạnh tranh địa chính trị chiến lược giữa Mỹ và Trung Quốc, Việt Nam bị giằng xé giữa ảnh hưởng của hai cường quốc, bao gồm trong lĩnh vực an ninh năng lượng.
Hoa Kỳ cùng các nước G7 cuối năm ngoái, trong nỗ lực trở thành đối tác năng lượng chiến lược với Việt Nam, đã ủng hộ kế hoạch chuyển đổi năng lượng của nước này bằng thỏa thuận đầy tham vọng JETP. [5] Trước đó, Việt Nam nằm trong nhóm ba nước nhận vốn xây nhiệt điện than lớn nhất từ lân bang Trung Quốc, nước vẫn duy trì mối quan hệ mật thiết dựa trên ý thức hệ giữa hai đảng cộng sản và đang nuôi dưỡng tham vọng toàn cầu của mình bằng Sáng kiến Vành đai và Con đường. [6] [7]
Dù một Quy hoạch điện mới đã được thông qua, song chưa có gì chắc chắn tình trạng thiếu điện sẽ không diễn ra trong những năm tới đây ở Việt Nam khi mà việc bắt bớ các nhà hoạt động môi trường đang làm chậm lại việc tiếp nhận hỗ trợ tài chính từ thỏa thuận JETP với G7, trong khi bất kỳ dự án nhiệt điện than mới nào nhận vốn từ Bắc Kinh chắc chắn sẽ gặp phản ứng gay gắt từ công chúng trong nước bởi những quan ngại về môi trường lẫn những lo lắng dân tộc chủ nghĩa. [8] [9] [10]
Hay quan liêu?
Bộ máy hành chính kém năng lực và ưa vòi vĩnh của Việt Nam lâu nay đã thừa tai tiếng với nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
Tuy nhiên, nếu như trước đây, những trở ngại hành chính từ bộ máy quan liêu có thể nhanh chóng được các nhà đầu tư vượt qua bằng cách chi trả phí tổn bôi trơn - một cách nói giảm nói tránh cho hành động hối lộ - thì nay, chiến dịch chống tham nhũng mang thương hiệu “đốt lò” kéo dài gần một thập niên qua đang khiến cho các quan chức trở nên lo lắng hơn cho sinh mệnh chính trị của mình và ngần ngại hơn rất nhiều trước khi đưa ra bất kỳ quyết định nào. [11]
Sự ngần ngại này thể hiện rõ nhất qua hiện tượng đình đốn các dự án đầu tư công từ trung ương đến địa phương. Ở một số tỉnh, thành trước đây nổi tiếng năng động như TP. Hồ Chí Minh hoặc Đà Nẵng, tình trạng lãn công hành chính này đã nghiêm trọng đến mức các lãnh đạo địa phương phải nhiều lần lên tiếng phê phán. [12] Ngay cả trong những ngành thiết yếu như y tế, sự đình trệ của bộ máy quản lý đã trở thành một thứ bình thường mới dẫn đến tình trạng thiếu thuốc và vật tư y tế của hàng loạt bệnh viện từ Bắc vào Nam. [13]
Một bộ máy hành chính rệu rã và thiếu động lực như vậy chắc hẳn cũng không hăm hở tìm cách níu giữ khoản đầu tư của một tập đoàn ngoại quốc nếu tập đoàn ấy thay đổi ý định. Trong môi trường chính trị nội địa đầy biến động của Việt Nam hiện tại, các quan chức có vẻ đang có nhiều thứ liên quan đến bản thân mình để phải lo âu hơn.
Rủi ro chính trị?
Trong Hội nghị Trung ương 8 vào tháng Mười vừa qua, lãnh đạo uy quyền tối cao của Việt Nam - Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng - có một đoạn phát biểu rất đáng chú ý: [14]
“Khuyến khích phát triển cá nhân là đúng rồi, [nhưng] không cẩn thận lại thành tư nhân, rồi lúc nào đó thành tư bản chủ nghĩa cho mà xem, trên thế giới đã có những nước như thế rồi.”
Đọc những bài viết và nghe những bài nói của ông Trọng trong nhiều năm qua, thật khó để cho rằng ông ấy, từ góc độ lý luận, ủng hộ kinh tế tư nhân cũng như bất kỳ thứ gì liên quan đến nó. Trái lại, ông Trọng là người ủng hộ nhiệt thành nhất cho cái mà chủ nghĩa Mác gọi là “quan hệ sản xuất xã hội chủ nghĩa” với những biểu hiện của nó như sở hữu toàn dân về đất đai hoặc kinh tế nhà nước là chủ đạo. [15]
Trong một thời gian dài khuynh hướng này của ông Trọng bị kiềm chế và cân bằng nhờ các nhà lãnh đạo có đầu óc thực dụng, những người ưu tiên làm cho chiếc bánh to ra trước khi nghĩ đến chia nó như thế nào, vì chắc chắn rằng có thế nào thì phần của mình sẽ lớn hơn. Nay thì những đối thủ nặng ký nhất đều đã bị loại bỏ, sự độc tôn quyền lực của ông Trọng đi liền với tính cứng nhắc ý thức hệ sẽ đặt kinh tế tư nhân Việt Nam trước những rủi ro chính trị nghiêm trọng.
Những tập đoàn công nghệ như Intel là hiện thân của chủ nghĩa tư bản vốn chú trọng sáng kiến cá nhân và ái ngại sự can thiệp của chính quyền, có thể đang e ngại trước những rủi ro chính trị mới ở một đất nước mà lãnh đạo tối cao không giấu diếm sự thù địch ý thức hệ như Việt Nam hiện nay.
Dĩ nhiên là các khoản đầu tư ngoại quốc vào Việt Nam thường được bảo vệ bởi các hiệp định bảo hộ đầu tư mà Việt Nam đã ký với quốc gia của nhà đầu tư, giúp rủi ro phần nào được kiểm soát. [16] Nhưng với những tập đoàn như Intel, vì sao phải chấp nhận dù là chút ít rủi ro đi chăng nữa cho khoản đầu tư quan trọng của mình, trong khi đâu thiếu các quốc gia khác thân thiện hơn chào mời? [17]
Nhìn từ góc độ này, sự cứng nhắc ý thức hệ của ông Trọng trong tư cách lãnh đạo uy quyền tối cao của Việt Nam có thể đang là trở lực lớn nhất cho những tham vọng kinh tế của quốc gia trong ít nhất là trong một thời gian nữa.
Và điều này thực sự đáng lo lắng hơn rất nhiều việc hụt một khoản đầu tư từ Intel.
https://www.luatkhoa.com/2023/11/intel-chu-nghia-tu-ban-va-nguyen-phu-trong/
Không có nhận xét nào