Header Ads

  • Breaking News

    Hiệp ước SKYES-PICOT và thảm kịch người KURDS

    Phần 4

    Chủ nghĩa thực dân ở Trung Đông 

    Tác giả: Tôn Thất Thông 

    Tháng Mười Một 2023
    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/photo-kurdische-bewohnten-gebiete.jpg?w=958

    Khu vực sinh sống từ ngàn năm của người Kurds (màu vàng)

    Khi bức tường Bá Linh sụp đổ vào năm 1989, Willy Brandt phát biểu: “Những gì thuộc về nhau sẽ cùng nhau phát triển”. Người Kurds diễn đạt lại như sau: “Cái gì không thuộc về nhau thì không cùng nhau phát triển”. Đây chính xác là những gì mà người Kurds đã trải nghiệm trong thế kỷ vừa qua ở bốn quốc gia: Thổ Nhĩ Kỳ, Iran, Iraq và Syria. Với biện pháp cưỡng bức, đàn áp, tàn sát cũng như diệt chủng văn hóa, tất cả bốn quốc gia này đã cố gắng đồng hóa người Kurds thành dân bản địa. Đây là lý do dẫn đến các cuộc nổi dậy không ngừng của người Kurds, khiến hàng trăm nghìn người thiệt mạng [xem Sahin].

    ***

    Để hiểu tình trạng người Kurds ở Trung Đông do Sykes và Picot tạo ra, chúng ta có thể hư cấu một kịch bản sau đây để so sánh: Giả dụ vào cuối thế kỷ 19, nếu Anh và Pháp đủ mạnh để thao túng vùng châu Á và vẽ lại bản đồ Đông Nam Á tương tự như hiệp ước Sykes-Picot đã làm ở Trung Đông, thì Việt Nam có thể bị chia làm ba vùng: Bắc Kỳ (Tonkin) bị sát nhập vào Trung Hoa, Trung Kỳ (Annam) bị sát nhập vào Lào, còn Nam Kỳ (Cochinchina) bị sát nhập vào Cam Pu Chia. Việt Nam biến mất trên bản đồ thế giới và người Việt trở thành dân tộc thiểu số ở ba nước nói trên, đau khổ và hoài niệm tổ quốc giống như người Chàm hiện nay trên đất Việt. Tình trạng người Kurds hiện nay ở Trung Đông cũng chính xác như thế suốt hơn 100 năm qua.

    Kurds là một dân tộc khá đồng nhất về văn hóa. Từ cả thiên niên kỷ trước, họ sống tập trung trong một vùng rộng lớn trên dưới 500 ngàn cây số vuông, tức khoảng gấp rưởi Việt Nam. Vùng đất định cư người Kurds được gọi là Kurdistan, bất kể đó là khu vực hiện nay thuộc quốc gia nào. Nếu xét trên bản đồ ngày nay, địa phận Kurdistan trước đây (xem bản đồ bên dưới, màu vàng) bao phủ vùng biên giới Tây Bắc Ba Tư, Đông Nam Thổ Nhĩ Kỳ, Bắc Syria và Đông Bắc Iraq. Trong đế chế Ottoman, Kurds là giống dân thuần nhất, sống tập trung trong những tỉnh tự trị dưới sự bảo hộ của chính quyền trung ương Ottoman.

    Mặc dù nằm lọt vào khu vực Trung Đông và tiếp giáp Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng người Kurds không phải là Ả Rập, cũng không phải người Thổ mà là một dân tộc riêng, với truyền thống văn hóa riêng, ngôn ngữ riêng theo ngữ hệ Ấn-Âu (Indogermanic) với nhiều phương ngữ, cho nên giữa người Kurds ở những vùng khác nhau đôi khi cũng khó khăn để hiểu nhau. Đa số người Kurds theo Hồi giáo nhánh Sunni. Theo thống kê dân số năm 2020, người Kurds sống tập trung trong một vùng liên kết nhau giữa biên giới bốn nước kể trên tổng cộng hơn 30 triệu người [xem Wikipedia]. Khi Sykes và Picot vẽ lại đường biên giới để phân chia vùng ảnh hưởng, họ không hề quan tâm đến một dân tộc tương đối đồng nhất về văn hóa đã định cư lâu đời ở đó, sống cùng nhau trên một vùng đất rộng lớn gấp đôi nước Anh và gần bằng nước Pháp.

    Những “đường vẽ trên cát” của Sykes và Picot khi Ottoman tan rã giống như những nhát dao xẻ vào da thịt người Kurds. Thay vì gom họ vào nhau để thành lập một quốc gia tương đối thuần nhất, Anh và Pháp đã chia rẽ họ thành bốn cộng đồng riêng lẻ, làm cho họ trở thành dân tộc thiểu số trong bốn quốc gia khác nhau và như thế, họ thực chất đã trở thành những người vô tổ quốc trên chính mảnh đất truyền thống của mình. Sau Sykes-Picot, không những là 100 năm, mà có lẽ thêm 100 năm nữa, người Kurds ở bốn vùng khác nhau kể trên chưa chắc có thể đấu tranh thành công để thành lập một quốc gia chung, và như thế, vấn đề người Kurds sẽ tiếp tục là một trong những nguyên nhân quan trọng của xung đột bạo lực ở Trung Đông. Cố vấn của Chủ tịch khu tự trị Kurdistan ở Iraq, Zikri Mosa nhận xét: “Sykes-Picot là một sai lầm lớn. Nó giống như một đám cưới ép buộc. Nó đã phá sản ngay từ ngày đầu. Nó vô đạo đức, vì nó tự ý quyết định tương lai của các dân tộc mà không hề hỏi ý kiến của họ” [xem Wright].

    Nhắc lại khi Thế chiến I chấm dứt, theo đề nghị 14 điểm của Tổng thống Hoa Kỳ Woodrow Wilson, các vùng Kurdistan sẽ được hưởng quyền tự trị. Đề nghị đó được các cường quốc thắng trận đồng ý và đưa vào điều 62 của hòa ước Sèvres năm 1920; điều khoản đó quy định rằng, một vùng tự trị người Kurds sẽ được thành lập. Ngoài ra, điều 64 còn hứa hẹn là một quốc gia người Kurds có thể được thành lập sau đó, dưới một số tiền đề nhất định. Nhưng vì sự chia chác đất đai Trung Đông giữa Anh và Pháp, nhất là sau khi Thổ Nhĩ Kỳ chính thức trở thành một quốc gia độc lập được thừa nhận qua hiệp ước Lausanne năm 1923, điều khoản 62 của hòa ước Sèvres bị hủy bỏ. Một vùng tự trị người Kurds không còn là đòi hỏi của các nước thắng trận, nhất là khi Anh cũng không muốn thực hiện điều này. Vì quyền lợi địa chính trị, số phận người Kurds đã bị các cường quốc thắng trận bỏ rơi, và vùng đất người Kurds trở thành món hàng trả giá trong các cuộc đàm phán quốc tế.

    Kể từ đó, người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ, Iraq và Syria trở thành dân tộc thiểu số và viễn tượng thành lập quốc gia Kurdistan độc lập cũng rơi vào quên lãng. Nói cho cùng, những quốc gia nhỏ yếu thế luôn là quả bóng để các cường quốc trả giá trao đổi quyền lợi với nhau. Những hứa hẹn, thậm chí hòa ước nhiều lúc chỉ là những văn kiện mang tính đạo đức hai mặt. Nếu các cường quốc thực dân như Anh, Pháp và sau này là Hoa Kỳ không thừa nhận tội ác của mình trong thế kỷ 19 và 20, đồng thời có những biện pháp cụ thể để bù trừ những tội ác trong quá khứ, thì những tuyên bố đạo đức ngày hôm nay về nhân quyền, dân chủ vẫn bị xem là lối diễn trò đạo đức hai mặt, không thuyết phục được ai, nhất là không thể thuyết phục những quốc gia mà thuật ngữ ngày nay gọi là “Nam bán cầu”, tương tự như thuật ngữ “thế giới thứ ba” trước đây vài thập niên. Các nước Ả Rập ở Trung Đông và nhất là người Kurds đã, đang và sẽ không bao giờ có sự tin cậy đối với các cường quốc phương Tây. Dân chủ, giá trị cốt lõi của phương Tây vì thế càng bị xói mòn và không còn là giá trị chuẩn mực để họ coi trọng.

    Quảng cáo

    REPORT THIS AD

    Đối với người Kurds, việc ký kết thỏa thuận Sykes-Picot đặc biệt đau đớn vì nó chia cắt khu vực người Kurds thành bốn khu vực khác nhau bằng sự vi phạm trắng trợn các quyền căn bản của con người. Ở cả bốn nơi đó, người Kurds đều có một số phận chung về tình trạng bị đàn áp: từ phân biệt đối xử đến cô lập, đồng hóa, cho đến truy lùng diệt chủng. Tuy nhiên, nhiều tác nhân người Kurds vẫn tìm cách đấu tranh cho quyền tự chủ, thể hiện qua hình thức tự trị khu vực hoặc đi xa hơn để tiến đến quyền tự quyết dân tộc.

    Nguyện vọng chung hiện nay của tất cả người Kurds là, “cộng đồng quốc tế hiện nên xem xét nguyện vọng của dân tộc này để có được các quyền hợp pháp và thành lập quốc gia hợp pháp của mình, tức Kurdistan”. Hiệp hội các nhà văn và ký giả người Kurds ở Syria đã đưa ra một tuyên bố rằng: “Mọi người Kurds nên biết trang lịch sử đen tối này về âm mưu quốc tế đã lấy đi quyền của chúng ta với tư cách là một dân tộc. Sự chia cắt địa lý khắc nghiệt càng trở nên tồi tệ hơn khi quê hương của chúng ta bị chuyển từ bàn tay của các cường quốc thực dân để giao lại cho sự thống trị của các chế độ bản địa độc đoán và phân biệt chủng tộc, những chế độ đã bóc lột chúng ta theo những phương cách khủng khiếp hơn” [xem BBC Monitoring].

    Trong thời kỳ Quốc gia Hồi giáo (IS) càn quét Iraq và Syria, điều thật trớ trêu là hai lực lượng hùng mạnh nhất trong vùng Kurdistan lại đang tấn công vào cổ họng của nhau, mặc dù cả hai đều công khai phủ nhận di sản Sykes-Picot: đó là các chiến binh IS và người Kurds ở phía bắc của Iraq và Syria. Ở cả hai quốc gia này, người Kurds đã chứng tỏ là đồng minh hiệu quả nhất của liên minh phương Tây trong cuộc chiến chống IS, mặc dù cả IS và người Kurdes đều có chung quyết tâm vẽ lại bản đồ khu vực. Chủ tịch Khu tự trị người Kurds ở Iraq, Massoud Barzani nói trong một cuộc phỏng vấn với BBC rằng, “Không chỉ là quan điểm riêng của tôi, mà thực tế là Sykes-Picot đã thất bại, mọi chuyện đã kết thúc. Phải có một công thức mới cho khu vực. Tôi rất lạc quan rằng trong công thức mới này, người Kurds sẽ đạt được yêu cầu lịch sử về quyền độc lập của họ”. Và ông nói thêm: “Chúng tôi đã trải qua những kinh nghiệm cay đắng kể từ khi thành lập nước Iraq sau Thế chiến I. Chúng tôi đã cố gắng duy trì sự thống nhất của Iraq, nhưng chúng tôi không chịu trách nhiệm về sự chia rẽ hiện nay – chính những người khác đã phá vỡ trật tự đã có. Chúng tôi không muốn trở thành một phần của sự hỗn loạn và các vấn đề bao quanh Iraq từ mọi phía” [xem Muir].

    Ở Iraq, mặc dù vùng tự trị người Kurds được ghi trong hiến pháp, nhưng thường có sự khác biệt giữa hiến pháp chính thức và nguyện vọng bất thành văn của người Kurds và những người ủng hộ họ. Tương lai có thể phức tạp hơn so với vẻ ngoài chính thức cho thấy, bởi vì nhiều người Kurds vẫn quyết tâm đấu tranh giành độc lập, chứ không chỉ là được hưởng vùng tự trị. Ngoài ra, một số người còn mơ ước thống nhất tất cả người Kurds trong toàn vùng thành một quốc gia duy nhất, điều này sẽ gây ra những hậu quả sâu sắc đối với bốn quốc gia Iraq, Iran, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ – những quốc gia có đông người Kurds sinh sống. Những thay đổi lãnh thổ như vậy sẽ đe dọa gây thêm bất ổn cho khu vực vốn đã bất ổn liên tục từ lâu [xem Dingley].

    Đến đây, chúng ta thử khảo sát tình trạng người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq. Tình trạng người Kurds ở Syria cũng giống như ở Iraq. Riêng người Kurds tại Iran, vấn đề cũng tương tự, nhưng vì vùng đó không liên quan gì đến hiệp ước Sykes-Picot, cho nên chúng ta tạm gác lại vào dịp khác. 

    ***

    Người Kurds ở Thổ Nhĩ Kỳ: Có khoảng chừng 15 triệu người Kurds sống ở Thổ Nhĩ Kỳ, tức khoảng 19% tổng dân số nước này. Theo hiệp ước Sèvres năm 1920, người Kurds được công nhận quyền tự trị. Nhưng đến hiệp ước Lausanne năm 1923, quyền tự trị bị hủy bỏ trong khuôn khổ mới, khi Thổ Nhĩ Kỳ vừa trở thành một quốc gia độc lập. Sau đó, Thổ Nhĩ Kỳ không thừa nhận sự hiện hữu của dân tộc Kurds trên đất Thổ, mà chỉ xem họ là “người Thổ vùng núi” (mountain Türks). Khi đế chế Ottoman chính thức tan rã vào năm 1924, chính quyền Kemal Atatürk ban hành nhiều đạo luật, qua đó, những trường tôn giáo tiếng Kurds và các hội Huynh đệ Hồi giáo người Kurds bị cấm hoạt động [xem Savelsberg]. Người Kurds không được hưởng những quyền lợi của một dân tộc thiểu số. Mục đích của chính quyền Kemal Atatürk là xóa bỏ ký ức lịch sử người Kurds để dần dần đồng hóa họ thành một bộ phận của Thổ Nhĩ Kỳ.

    Từ đó, chưa kể hơn 20 cuộc nổi dậy lẻ tẻ, nhiều cuộc nổi dậy lớn của người Kurds nổ ra để đòi tự trị, thí dụ như cuộc nổi dậy Scheich Said năm 1925, những cuộc nổi dậy ở Ararat suốt thời gian dài từ 1926 đến 1930, nổi dậy ở vùng Dersim 1938, nhưng tất cả đều bị quân đội Thổ Nhĩ Kỳ đàn áp đẫm máu. Ngôn ngữ Kurds bị cấm sử dụng trong giáo dục. Cho đến 1991, truyền thông tiếng Kurds bị cấm phát hành, việc nói chuyện hoặc hát bằng tiếng Kurds ở nơi công cộng là chuyện phạm pháp. Người Kurds chịu ảnh hưởng của chính sách đồng hóa ngặt nghèo, thậm chí bộ trưởng tư pháp Mahmut Esat Bozkurt tuyên bố năm 1930 để ám chỉ người Kurds rằng, “người không phải thuần chủng Thổ chỉ có một quyền duy nhất, đó là quyền làm tôi tớ hoặc nô lệ”. Chính sách của Thổ Nhĩ Kỳ lúc ấy là dần dần xóa bỏ bản sắc dân tộc Kurdistan để đồng hóa họ vào cộng đồng người Thổ.

    Khi các cuộc đấu tranh ôn hòa không đạt đến kết quả, đảng Lao động Kurdistan (KWP – Kurdistan Workers’ Party) chuyển qua đấu tranh vũ trang, kéo dài 15 năm cho đến khi chủ tịch đảng Abdullah Öcalan, với sự giúp sức của CIA, bị tình báo Thổ Nhĩ Kỳ bắt tại Nairobi năm 1999. Sau đó, ông bị kết án tù chung thân. Theo báo cáo của Öztürk Türkdoğan trước quốc hội năm 2012, trong vòng 30 năm, có 34 ngàn người chết, bao gồm 27 ngàn người chết trong các cuộc xung đột vũ trang, thêm 7 ngàn người dân sự chết vì xung đột chính trị, bị mất tích hoặc chết trong tù. Mặc dù hệ thống luật pháp của Thổ Nhĩ Kỳ có những cải cách tiến bộ kể từ 1960 để nới rộng quyền lợi của người Kurds, nhờ thế họ có thể thông qua các đảng chính trị thân Kurds cử người đại diện vào quốc hội, nhưng tương lai một cộng đồng Kurdistan tự trị trong lãnh thổ Thổ Nhĩ Kỳ vẫn còn là một ước mơ khó lòng được thực hiện trong vòng vài thập niên sắp đến.

    Kể từ bước chuyển tiếp qua thế kỷ 21, trong khuôn khổ đàm phán để Thổ Nhĩ Kỳ gia nhập Liên Âu và dưới sức ép của Liên Âu, Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu đưa ra những cải cách trong chính sách người Kurds. Liên Âu nhiều lần lên tiếng đòi hỏi Thổ Nhĩ Kỳ giải quyết ôn hòa vấn đề Kurdistan phù hợp với nguyên tắc pháp quyền và nhân quyền, nhờ thế người Kurds bắt đầu hưởng một đời sống dễ chịu hơn với nhiều quyền tự do về ngôn luận, báo chí, đi lại được luật pháp thừa nhận.

    Tuy nhiên, quá trình đầy hy vọng này đã kết thúc vào mùa hè năm 2015. Đảng Dân chủ Nhân dân (HDP) thân Kurds nhận được hơn 10% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ vào tháng 6. Những người Thổ Nhĩ Kỳ cánh tả cũng nằm trong số cử tri của họ . Tuy nhiên, thành công này không mang lại hiệu quả về mặt chính trị. Vào tháng 7, KWP đã hủy bỏ lệnh ngừng bắn và những nạn nhân đầu tiên vào tháng 7 năm 2016 là hai sĩ quan cảnh sát ở Diyarbakir. Xung đột bạo lực bắt đầu trở lại giữa người Kurds và chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ. Sau khi người Kurds ở Syria đánh bại Nhà nước Hồi giáo (IS) ở thị trấn Kobane vào tháng 1 năm 2015 và ở thị trấn Tall Abyad của Syria vào tháng 6 năm 2015, ban lãnh đạo KWP có lẽ cảm thấy đủ mạnh để nối lại cuộc đối đầu công khai với Thổ Nhĩ Kỳ. Rốt cuộc, những chiến thắng chống lại IS đã góp phần đáng kể vào sự công nhận quốc tế về viễn tượng một dân tộc tự trị. Tuy nhiên, điều này diễn ra đúng thời điểm đối với đảng cầm quyền AKP, những người hy vọng rằng, với chính sách cứng rắn hơn đối với người Kurds, họ có thể giành lại số phiếu mà họ đã mất và có thể một mình cầm quyền trở lại sau cuộc bầu cử mới dự kiến ​​diễn ra vào cuối năm 2015 [xem Savelsberg].

    Vào tháng 7, quân đội Thổ Nhĩ Kỳ bắt đầu ném bom các mục tiêu KWP ở Thổ Nhĩ Kỳ và người Kurds ở Iraq. Kể từ tháng 12, xung đột vũ trang leo thang đến giữa tháng 3 năm 2016 mới thôi, với hậu quả là hơn 350.000 người phải di tản và ít nhất 250 thường dân bị giết. Sự hạn chế tự do báo chí và tự do ngôn luận càng gia tăng.  Bất đồng quan điểm về chính sách người Kurds hầu như không được dung thứ ở Thổ Nhĩ Kỳ nữa. Nội chiến trở lại và không có dấu hiệu nào cho thấy hồi kết của bạo lực. Trước đây, Liên Âu vẫn thường gây sức ép để hỗ trợ người Kurds, nhưng trong vòng 5 năm trở lại đây, khi Thổ Nhĩ Kỳ trở thành một tác nhân quan trọng để ngăn chặn dòng người di tản nhập cư bất hợp pháp vào châu Âu, Liên Âu đành im tiếng. Nhờ thế, chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ càng rảnh tay hơn trong các vấn đề nội bộ và gia tăng đàn áp người Kurds. Viễn tượng tự trị ngày càng bị đẩy lùi ra xa hơn. Thật ra với thế mạnh chính trị, Hoa Kỳ và Liên Âu có thể góp phần giải quyết vấn đề người Kurds, nhưng dường như họ chẳng thà ve vuốt các nước chủ nhà vì lợi ích kinh tế và toan tính địa chính trị, hơn là hỗ trợ cho một dân tộc mà trước mắt không có tài nguyên gì để cống hiến.

    Đã hơn 100 năm nay, người Kurds vẫn phải tiếp tục làm người vô tổ quốc trên chính quê hương của mình, đó là một trong những thành quả bi thảm của bản đồ Trung Đông do Sykes và Picot vẽ ra.

    Người Kurds ở Iraq: Có khoảng 6 triệu người Kurds ở Iraq, chiếm 15% tổng dân số. Họ sống chủ yếu tập trung trong các tỉnh Duhok, Arbil, Sulaimaniya và Kirkuk ở vùng Đông Bắc Iraq. Đó là vùng đất mà trước kia là tỉnh Mosul của đế chế Ottoman. Về mặt chính thức, hiện nay người Kurds ở Iraq không còn là dân tộc thiểu số. Thậm chí trong hiến pháp năm 1970 dưới thời kỳ của đảng Baath, Kurdistan được xem như một “quốc gia thứ hai” bên cạnh cộng đồng Ả Rập. Nhưng trong thực tế, họ phải đối diện với nhiều bất công áp bức từ chính quyền trung ương ở Baghdad.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/iraqi-kurdistan-map.jpg?w=1024

    Bản đồ những vùng Kurdistan ở Iraq
    (vùng tự trị và vùng đang tranh chấp)

    Trở lại thập niên 1920, ở Trung Đông luôn luôn có những lực lượng đối lập người Kurds chống lại sự thống trị của người Anh. Ngay từ năm 1919, Mehmud Berzinci, Thống đốc vùng Sulaimaniyya nổi dậy chống lại thực dân Anh, nhưng bị không quân hoàng gia đàn áp đẫm máu. Đến cuối năm 1922, Berzinci một lần nữa công bố thành lập Vương quốc Kurdistan ở Sulaimaniyya, đứng lên chống trả mọi cuộc đàn áp của không quân Anh, nhưng đến cuối năm 1924 cuộc nổi dậy bị đập tan, Sulaimaniyya bị Anh trở lại chiếm đóng và cuộc nổi dậy hoàn toàn thất bại.

    Khi Iraq được Anh trao trả độc lập vào năm 1932, Kurdistan vẫn chưa được thừa nhận là khu tự trị, mà chỉ là một vài tỉnh thuộc quyền quản lý trung ương Baghdad. Ngoài ra, người Kurds vẫn luôn luôn là đối tượng của chính sách đồng hóa, đàn áp và cô lập của người Iraq Ả Rập. Phải gần 50 năm đấu tranh với hàng chục ngàn người tử vong, Kurdistan mới được hiến pháp Iraq năm 1970 thừa nhận là khu tự trị, mặc dù quyền lợi của họ vẫn bị hạn chế nhiều mặt, từ kinh tế đến giáo dục và phát triển ngôn ngữ. Cộng đồng người Kurds vẫn là đối tượng của sự phân biệt đối xử và đàn áp tàn bạo của chính quyền trung ương ở Baghdad, nhất là từ khi Sadam Hussein lên nắm quyền. Kể từ đó, người Kurds bị chính quyền Sadam Hussein đàn áp một cách có hệ thống, bị truy sát và trục xuất. Chúng ta có thể nhớ lại vào năm 1988, chính quyền Hussein đã dùng vũ khí hóa học để tàn phá hàng trăm làng mạc trong vùng Kurdistan, với hơn 182.000 người bị giết hoặc bị bắt giam. Chỉ riêng ngày 16 tháng 3 năm 1988, với những cuộc không kích bằng bom hóa học, hơn 5000 người Kurds bị thiệt mạng [xem Savelsberg]. Báo New York Times còn cho rằng con số tử vong vì vũ khí hóa học có thể lên đến 6800 người trong ngày hôm đó. Sự kiện này được ghi nhận là thảm họa lớn nhất trong lịch sử xung đột giữa Kurdistan và Iraq.

    Sau Chiến tranh vùng Vịnh lần thứ 2 vào năm 1991, các khu vực Kurdistan do Iraq chiếm đóng đã được giải phóng bởi các đảng của người Kurds và từ đó trở đi, Kurdistan trở thành nơi ẩn náu an toàn của các nhóm đối lập chính trị ở Iraq. Từ năm 1991 đến năm 2003, các đảng người Kurds trên thực tế đã phát triển Kurdistan thành một “quốc gia độc lập” với Iraq, họ thành lập một quốc hội do dân bầu cử, có quân đội và một chính quyền hoạt động hiệu quả. Ngay cả sau đó, sau khi chế độ độc tài của Saddam sụp đổ vào năm 2003, Kurdistan vẫn đóng vai trò là thỏi nam châm thu hút các nhóm Shia và Sunni. Nếu ngày nay chúng ta nói đến quốc gia Iraq, thì điều đó chỉ khả thi nhờ các bên của người Kurds tham gia. Nếu không có họ, gần như không thể tạo ra được một hiến pháp mới dựa trên sự phân tán quyền lực cho các địa phương, dung hòa các giáo phái và các nhóm dân tộc khác nhau. Tuy nhiên, kể từ năm 2007, người Kurds đã kiên nhẫn chờ đợi điều 140 của hiến pháp Iraq được thực thi, theo đó các cuộc trưng cầu dân ý sẽ được tổ chức để xác định lại, liệu các khu vực của người Kurds ở Kirkuk, Khanaqin/Xaneqîn và Sinjar/Shengal vốn dĩ đang được quản lý bởi Baghdad, nay sẽ tiếp tục thuộc quyền kiểm soát của chính quyền trung ương ở Baghdad, hay được quản lý bởi chính quyền người Kurds [xem Sahin].

    Dù cho những tiến bộ đạt được so với người Kurds ở các nước khác, cuộc đấu tranh của người Kurds ở Iraq xem ra vẫn còn gay go để đạt đến sự thừa nhận quốc tế về một quốc gia Kurdistan độc lập. Tuy nhiên họ vẫn không ngừng đấu tranh. Chủ tịch Barzani vùng Kurdistan ở Iraq cho biết nỗ lực giành độc lập là rất nghiêm túc và các công việc chuẩn bị đang được tiến hành “hết tốc lực”. Ông cho rằng, bước đầu tiên phải là “đàm phán nghiêm túc” với chính quyền trung ương ở Baghdad để đạt được sự thỏa hiệp về một giải pháp lâu dài, hướng tới điều mà các nhà lãnh đạo người Kurds gọi một cách lạc quan là “sự chia cắt thân thiện”. Ông nói, nếu điều đó không mang lại kết quả, thì người Kurds sẽ đơn phương tiến hành một cuộc trưng cầu dân ý để khẳng định ý chí độc lập [xem Muir]. Nhưng dù người Kurds ở Iraq có giành được độc lập chính thức hoàn toàn trong tương lai gần hay không, thì họ cũng đã thành lập một thực thể có biên giới, quốc kỳ, sân bay quốc tế, quốc hội và chính phủ cũng như lực lượng an ninh riêng – tức mọi thứ cần thiết của một quốc gia, ngoại trừ hộ chiếu và đồng tiền riêng của họ. Ở mức độ đó, họ thực sự đã vẽ lại bản đồ. Và vùng bên cạnh ở phía bắc Syria, những người Kurds đồng bào của họ về cơ bản cũng làm như vậy, kiểm soát và điều hành những vùng đất rộng lớn dọc biên giới Thổ Nhĩ Kỳ dưới danh nghĩa “tự quản”. Nhưng dù cho thực tế đó, cuộc đấu tranh để xác lập nền độc lập vẫn còn nhiều cam go, còn nhiều lực cản, từ cộng đồng quốc tế, từ các cường quốc khu vực Trung Đông, đến sự tranh chấp với chính quyền trung ương Baghdad cũng như mâu thuẫn nội bộ.

    Tuy nhiên, bên cạnh cuộc tranh đấu gay gắt để giành chủ quyền đã gây ra nhiều khó khăn cho sự phát triển, người ta cũng có thể ghi nhận những tiến bộ không ngừng của công đồng người Kurds tại Iraq, so với các khu vực còn lại của quốc gia. Nhìn trên khía cạnh kinh tế, khu vực Kurdistan đã thay đổi từ vị trí ngoại vi trở thành trung tâm điểm trong những năm gần đây về sự thu hút vốn đầu tư và hàng tiêu dùng. Điều này chủ yếu do một số yếu tố: Đầu tiên, với trữ lượng dầu trong vùng, Kurdistan kể từ 2003 được kết nối vào hệ thống khai thác xăng dầu của Iraq và nhận được 17% doanh thu dầu mỏ của toàn quốc gia, từ đó, điều kiện sống, đặc biệt là của tầng lớp trung lưu, đã được cải thiện rất nhiều. Thứ hai, trong lúc cuộc chiến liên tục diễn ra ở các vùng còn lại của Iraq cho đến 2014, thì vùng Kurdistan vẫn ổn định, điều đó làm cho Kurdistan trở thành một nơi hấp dẫn hơn cho những nhà đầu tư nước ngoài. Thứ ba, đà tăng trưởng kinh tế nhờ vào nguồn tiền mà các lãnh chúa người Kurds đã tích lũy từ nhiều thập kỷ, cũng như các khoản đầu tư từ cộng đồng người Kurds ở hải ngoại vốn là những doanh nhân có mạng lưới kinh doanh toàn cầu. Thứ tư, chính phủ người Kurds tìm thấy và khai thác các mỏ dầu và khí tự nhiên, theo đuổi các chiến lược tiếp thị độc lập. Tuy nhiên, điều này cũng là một trong những lý do làm gia tăng căng thẳng với người Ả Rập thuộc dòng Shia, đại diện cho giới tinh hoa chính trị ở Baghdad. Ngoài ra còn có sự bất đồng về cái gọi là »khu vực tranh chấp«, tức là các vùng Ả Rập đông dân cư nhưng với tỉ lệ người Kurds cao, chẳng hạn như Kirkuk, nơi mà cả Baghdad và chính quyền địa phương người Kurds đều xem là vùng ảnh hưởng của mình [xem Savelsberg]. Điều này xem ra là hiểm họa lâu dài chi phối nền chính trị Iraq và an ninh khu vực.

    Nói tóm lại, người Kurds đang và sẽ vẫn là đối tác, đồng thời là nạn nhân của chính sách địa chính trị của các cường quốc phương Tây ở Trung Đông. Ở Syria, kế hoạch rút quân đội Hoa Kỳ là thí dụ mới nhất về số phận của một dân tộc vốn đã từng mơ ước có thể trở thành nhà nước trong hàng trăm năm qua, nhưng cũng thường xuyên phải chôn vùi những giấc mơ đó. Những diễn biến địa chính trị vượt quá phạm vi ảnh hưởng của họ. Sự chia chác quyền lợi giữa các cường quốc, sự kình địch trong khu vực, sự ngạo mạn và tranh chấp nội bộ nhiều lần khiến người Kurds thất bại [xem Güsten].

    Ngay cả trong tình hình hiện tại ở Iraq và Syria, họ chỉ có một vài lựa chọn giữa một số lựa chọn không mấy khả quan, nếu không nói là những lựa chọn rất tồi tệ đối với một dân tộc đang khát khao độc lập và giữ gìn bản sắc. Tuy nhiên ý chí giành độc lập của người Kurds vẫn không suy giảm. Nếu không có giải pháp hợp lý cho Kurdistan, thì vấn đề người Kurds – bên cạnh vấn đề Palestine – sẽ là những nhân tố gây xung đột tại địa phương và tạo ra bất ổn thường trực cho vùng Trung Đông, thậm chí trong một mức độ nào đó sẽ ảnh hưởng đến an ninh thế giới.

    ./.

    Tôn Thất Thông – Tháng sáu, 2023

    Tài liệu tham khảo

     Asseburg, Muriel: Der Nahostkonflikt (Xung đột ở Trung Đông). Landeszentrale für Politische Bildung – Baden Würtemberg (Trung tâm giáo dục chính trị bang Baden-Würtemberg).  

     Avalon Project (Yale University of Law): The Sykes-Picot agreement of 1916 (Toàn văn bản Hiệp ước Sykes-Picot năm 1916).

     Avalon Project (Yale University of Law): United Nations General Assembly Resolution 181 (Nghị quyết số 181 của Liên Hiệp Quốc về việc phân chia Palestine thành hai quốc gia).

     BBC Monitoring: Sykes-Picot marked with bitterness and regret by Arab media (Truyền thông Ả Rập ghi nhận Sykes-Picot với sự cay đắng và ân hận). BBC 2016.

     BPB Editor: Vor 100 Jahren: Großbritannien und Frankreich vereinbaren das Sykes-Picot-Abkommen (Cách đây 100 năm: Anh và Pháp ký hiệp ước Sykes-Picot). Bundeszentrale  für Politische Bildung, 2016.

     Dingley, James: Kurdistan zwischen Autonomie und Selbstveranwortung (Kurdistan giữa tự trị và tự lãnh trách nhiệm). APuZ – Aus Politik und Zeitgeschichte.

     Encyclopaedia Britannica: Sykes-Picot Agreement 1916.

    Güsten, Susanne: Die Kurden: Partner – und Opfer westlicher Großmachtsinteressen (Người Kurds: Đồng minh và nạn nhân của quyền lợi các đại cường phương Tây). BPB – Bundeszentrale für Politische Bildung.

     Hermann, Rainer: Wurzel des Nahostkonflikts (Nguồn gốc các xung đột ở Trung Đông). Frankfurter Allgemeine Zeitung FAZ, 2016.

     Lemke, Bernd & Brenner, Stefan Maximilian: Irak und Serien – Wegweiser zur Geschichte (Iraq và Seria – Hướng dẫn lịch sử). ZMFB – Zentrum für Militärgeschichte und Sozialwissenschaften der Bundeswehr.

     Muir, Jim: Sykes-Picot – The map that spawned a century of resentment (Bản đồ sản sinh một thế kỷ hận thù). BBC 2016.

     Ottaway, Marina: Learning from Sykes-Picot (Bài học từ Hiệp ước Sykes-Picot). Publication of Wilson Center, Washington DC – Middle East Program 2015.

     Philipp, Thomas: Die Palästinensische Gesellschaft zu Zeiten des Britischen Mandats (Xã hội người Palestine trong thời kỳ Anh cai trị ủy thác). BPB – Bundeszentrale  für Politische Bildung.

     Sahin, Memo: Ein Grosskurdistan aus den Trümmern Iraks und Seriens? (Một đại quốc gia Kurdistan từ đống tro tàn của Irak và Seria?). Network of the German Peace Movement.

     Savelsberg, Eva & Siamend Hajo & Andrea Fischer-Tahir: Die Kurden: Minderheit in allen Staaten der Region (Người Kurds: dân tộc thiểu số trong tất cả quốc gia trong vùng). Trong Lemke, Bernd trang 157-169).

     Schareika, Nora: Wie Willkür zum Dauerzustand wurde (Sự tùy tiến biến thành tình trạng lâu dài như thế nào). N-TV.

     Wright, Robin: How the Curse of Sykes-Picot Still Haunts the Middle East (Tại sao Hiệp ước Sykes-Picot vẫn ám ảnh Trung Đông). The Newyorker 2016.

    https://diendankhaiphong.org/hiep-uoc-sykes-picot-va-tham-kich-nguoi-kurds/


    Không có nhận xét nào