Header Ads

  • Breaking News

    Hiệp ước SKYES-PICOT và BI KỊCH PALESTINE

    Phần 2

    Chủ nghĩa thực dân ở Trung Đông
    Tác giả: Tôn Thất Thông

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/05/photo-uno-teilungsplan-palestina-before-after-1947.png?w=610

    Bản đồ phân chia của Liên Hiệp Quốc (hình bên phải, sau 1947).
    Khu vực dân cư Do Thái trong vùng Palestine (hình bên trái, trước 1947)

    Nhiều nguyên nhân xung đột ở Trung Đông có thể được tìm thấy ở châu Âu. Cơ sở cho các tranh chấp được đặt ra bởi những lời hứa mâu thuẫn của người Anh với người Ả Rập và Do Thái trong Thế chiến I về quyền tự quyết ở Palestine, và bởi các địa vị khác nhau mà người bản địa được hưởng dưới Khế ước Ủy thác của Hội Quốc Liên trao cho Anh từ năm 1922 trở đi. Cuộc diệt chủng người Do Thái ở châu Âu trong nửa đầu thế kỷ 20 đã nâng cao sự ủng hộ quốc tế đối với một nhà nước Do Thái ở Palestine, theo đề xuất của Liên Hiệp Quốc vào năm 1947 với kế hoạch phân chia của họ [xem Asseburg].

    ***

    Trước Thế chiến I, Palestine là một phần của Đế chế Ottoman với chủ yếu là người Ả Rập sinh sống và một số rất ít người Do Thái. Vùng đất này vốn không có giá trị chiến lược gì đáng kể, và Jerusalem cũng chỉ là một thành phố nhỏ chưa tới 10 ngàn dân, nhưng đó là đất Thánh của giáo dân thuộc ba tôn giáo lớn: Do Thái giáo, Kitô giáo và Hồi giáo.  Đi ngược về thế kỷ 19, sự gia tăng chủ nghĩa bài Do Thái và các cuộc tàn sát giáo dân ở châu Âu đã dẫn đến sự thành hình chủ nghĩa phục quốc Do Thái (Zionism) với nhà tư tưởng đi tiên phong là Theodor Herzl người gốc Hung. Ông chủ trương thành lập một nhà nước riêng, hoặc ở vùng Nam Mỹ hoặc lý tưởng là vùng Palestine với đất thánh Jerusalem. Theodor Herzl diễn giải sáng kiến này trong cuốn sách “Quốc gia Do Thái – Thử tìm lời giải cho vấn đề Do Thái” (Der Judenstaat – Versuch einer modernen Lösung der Judenfrage) được xuất bản năm 1896.

    Không ít người Do Thái, những người đã hoàn toàn hòa nhập vào xã hội Tây Âu, xem ý tưởng của Herzl là kỳ quặc hão huyền. Các giáo sĩ chính thống Do Thái thì xem ý tưởng của Herzl là phản đạo, vì họ cho rằng, dân tộc Do Thái phải phân tán khắp nơi vì đó là hình phạt của Chúa, và chỉ có Chúa mới có quyền mang người Do Thái trở lại đất Thánh. Nhưng nói cho cùng, tư tưởng của Herzl động lực làm cho việc người Do Thái di cư đến Palestine ngày càng nhiều.

    Trong lúc đó, người Palestine và các quốc gia Ả Rập cũng có ý định thành lập quốc gia Palestine trên “vùng đất Thánh”, lấy Jerusalem làm thủ đô. Sau Thế chiến I, với sự gia tăng nhập cư của người Do Thái, xung đột bắt đầu xảy ra đồng thời với sự phát triển của các tổ chức tiền chính phủ và xây dựng nhà nước, cũng như sự cạnh tranh ngày càng tăng về đất đai, nguồn nước và tài nguyên giữa các nhóm dân tộc [xem Asseburg]. Để tranh thủ mọi lớp người đứng lên chống lại Ottoman, chính phủ Anh hứa hẹn mọi điều với mọi dân tộc khác nhau trong vùng: Hứa hẹn thành lập quốc gia Do Thái trên vùng Palestine, đồng thời hứa hẹn trả lại vùng Palestine độc lập cho người Ả Rập. Trong lúc đó ở sau hậu trường, Anh và Pháp đã bí mật chia nhau vùng ảnh hưởng qua hiệp ước Sykes-Picot, thực chất là muốn duy trì chính sách thuộc địa tại Trung Đông, chứ những lời hứa độc lập ở trên chỉ là chiến thuật ngoại giao mang tính chất lừa bịp.

    Ở giai đoạn cuối của Thế chiến I, tức vào năm 1917/1918, quân đội Anh chiến thắng Ottoman ở khu vực Palestine. Họ duy trì sự có mặt của quân đội để chiếm đóng khu vực đó và sau chiến tranh, được Hội Quốc Liên chính thức hóa chủ quyền ủy thác vào tháng 7 năm 1922. Ngay sau đó, Anh thông báo rằng, tuyên bố Balfour sẽ có hiệu lực từ năm 1923. Điều đó có nghĩa là Anh ủng hộ việc thành lập một quốc gia Do Thái và cho phép người Do Thái di cư đến vùng đất Palestine, nơi mà người Do Thái chỉ chiếm chưa tới 10% tổng số dân lúc ấy. Cuộc “xung đột thế kỷ” giữa dân Palestine và Do Thái bắt đầu từ đây, mà báo chí thường gọi tắt là “xung đột Trung Đông” vì mức độ quan trọng của nó cho toàn vùng. Người Do Thái thì tranh đấu để việc thành lập quốc gia được thực hiện sớm. Người Ả Rập thì đòi hỏi chủ quyền của quốc gia Palestine. Trước đó trong lúc còn chiến tranh, để tranh thủ người Ả Rập đứng dậy chống lại đế chế Ottoman, Anh hứa hẹn sẽ thành lập nhà nước Palestine độc lập trên vùng đất Palestine. Đồng thời, để thuyết phục giáo dân Do Thái khắp nơi trong đế chế Ottoman, thí dụ vùng Balkans, cầm súng chống lại Ottoman, Anh và Pháp cũng tuyên truyền giải pháp thành lập quốc gia Do Thái ở Palestine. Những sáng kiến vô cùng mâu thuẫn, không có giá trị thực tế mà chỉ là chuyện mị dân để đạt mục đích trong cuộc chiến chống Ottoman.

    Giờ đây sau khi chiến tranh chấm dứt, người Anh không những không trao trả chủ quyền cho người Palestine mà còn lợi dụng Hội Quốc Liên như một diễn đàn quốc tế có uy tín nhất lúc ấy để chính thức hóa vai trò bảo hộ của Anh tại Palestine kể từ 1922. Như vậy, Anh hiển nhiên duy trì sự chiếm đóng bằng quân đội và cảnh sát để có thể đàn áp các cuộc nổi dậy của người địa phương, Ả Rập cũng như Do Thái. Nhắc lại trước đây, Palestine được thỏa thuận là vùng quản lý của Anh, Pháp và Nga. Sau cách mạng tháng 10 năm 1917, Nga không còn vai trò gì nữa trong sự chia chác liên quan đến hiệp ước Sykes-Picot. Qua thỏa thuận năm 1918 giữa hai Nguyên thủ Clemenceau của Pháp và Lloyd George của Anh, sau đó được ghi nhận trong hòa ước San Remo năm 1920 và chính thức hóa bởi Hội Quốc Liên năm 1922, vùng Palestine được qui định thuộc quyền ủy thác của Anh. Như thế kể từ 1922 đến 1948, Anh phải chịu mọi trách nhiệm về những điều gì xảy ra ở Palestine.

    Kể từ 1920, Anh không muốn nhớ điều gì đã hứa hẹn với người Do Thái và Palestine trong lúc còn chiến tranh, mà chỉ muốn duy trì hiện trạng để dùng Palestine làm vùng đệm thông thương từ các vùng khác ở Trung Đông để đi vào Địa Trung Hải, làm cầu nối thông qua kênh đào Suez để đi đến thuộc địa Ấn Độ, một con đường huyết mạch mà người Anh gọi là “Xa lộ Hoàng gia”. Đó chính là cơ sở cho các tranh chấp được đặt ra bởi những lời hứa mâu thuẫn của người Anh với người Ả Rập và người Do Thái trong Thế chiến thứ nhất về quyền tự quyết ở Palestine, và bởi các địa vị khác nhau mà người bản địa được hưởng dưới sự ủy thác của Anh từ năm 1922 trở đi. Cộng đồng Ả Rập cảm thấy bị người Anh lừa dối và phản bội. Sự bất mãn tập thể này đã đưa đến tâm lý thù ghét Anh, Pháp và nói rộng hơn thù ghét thế giới phương Tây trong cộng đồng Ả Rập bắt đầu từ đây và kéo dài hơn 100 năm sau vẫn không suy giảm.

    Trong thời gian cai trị, Anh đứng trước một thế lưỡng nan: Một mặt, hiệp ước ủy thác do Hội Quốc Liên đưa ra đòi hỏi lực lượng ủy thác, tức là Anh ở Palestine, phải đưa dân chúng đến mức độ “trưởng thành chính trị cần thiết” để trao quyền độc lập cho họ. Mặt khác, Palestine là một vùng đệm quan trọng để tiếp cận Địa Trung Hải cần được duy trì ảnh hưởng bằng mọi giá. Cho nên, mặc dù mục tiêu rất rõ ràng và nhất quán, nhưng để đạt đến, Anh có lúc thì cần lấy lòng những người phục quốc Do Thái, lúc khác thì tìm sự ủng hộ của người Ả Rập để khẳng định lợi ích của mình, cho nên chính sách của Anh ở Palestine lúc đầu rất mâu thuẫn và khắc nghiệt. Palestine kể từ 1920 thường xuyên sôi động như một lò lửa. Không những là Anh phải đương đầu với các cuộc nổi dậy của cả người Palestine và người Do Thái, mà giữa người Do Thái và Palestine cũng thường xuyên xảy ra xung đột bạo lực. Giả dụ Anh trả lại độc lập cho Palestine từ 1920 thì chắc hẳn Trung Đông sẽ không hỗn loạn như hiện nay, và bản thân Anh cũng nhanh chóng thoát ra khỏi thế lưỡng nan chính trị.

    Sau cuộc bạo loạn của người Palestine năm 1929, chính phủ Anh thành lập ủy ban điều tra nguyên nhân sâu xa, cuối cùng phát hành “sách trắng Passfield”, trong đó qui định sự hạn chế số lượng người Do Thái nhập cư vào Palestine, cũng như hạn chế quyền mua đất của những người Do Thái giàu có. Người Do Thái nổi dậy phản đối, thêm vào đó là những đợt vận động mạnh mẽ trên bình diện quốc tế của những người phục quốc Do Thái vốn dĩ lúc ấy có ảnh hưởng rất lớn tại Anh và Hoa Kỳ. Vì thế, mặc dù sách trắng Passfield không được rút lại, nhưng chính phủ Anh âm thầm xếp nó vào hộc tủ, những điều khoản trong sách trắng trong thực tế cũng không hề được thi hành.

    Tuy nhiên kể từ thập niên 1930, sự gia tăng đáng kể lượng người Do Thái trốn chạy Đức Quốc xã đến Palestine đã dẫn đến tình trạng bất ổn mới. Sau khi bắt đầu cuộc tẩy chay của người Ả Rập vào năm 1936, Anh thành lập “Ủy ban Peel” và sau đó công bố báo cáo của mình vào tháng 7 năm 1937. Báo cáo này lần đầu tiên nói về sự phân chia vùng Palestine thành hai quốc gia, Do Thái và Ả Rập. Đối với những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái, sau những cuộc thảo luận sôi nổi, Đại hội Thế giới của họ đã chấp nhận đề xuất thành lập hai quốc gia, nhưng người Ả Rập ở Palestine thì bác bỏ nó ngay lập tức, vì như thế họ phải chia đất và chủ quyền cho một bộ phận thiểu số mới nhập cư sau này. Điều này dẫn đến bạo lực gia tăng, nhiều nhà lãnh đạo Palestine bị bắt giữ và người lãnh đạo tối cao của Palestine Mohammed Amin al-Husaini phải bỏ trốn ra nước ngoài [xem Philipp]. Tuy kế hoạch chia đất của Ủy ban Peel không được thực hiện, nhưng ý tưởng này vô tình là cơ sở cho một giải pháp 10 năm sau dưới ảnh hưởng thao túng của một đại cường khác.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/05/photo-teilungsplan-peel-1937.jpg?w=468

    Phân chia lãnh thổ theo kế hoạch của Ủy ban Peel


    Hỗn loạn ở Palestine năm 1936, kéo dài ba năm với hậu quả vô cùng đẫm máu với hàng ngàn người tử vong ở cả ba bên: 3000 người Ả Rập, 2500 người Do Thái và 600 người Anh. Năm 1939, sau ba năm bất ổn và trước thềm Thế chiến II, chính phủ Anh đã xuất bản một sách trắng khác. Nó quy định rằng trong vòng 10 năm, một nhà nước Palestine độc ​​lập sẽ được thành lập, trong đó người Ả Rập và người Do Thái sẽ được đại diện bình đẳng và tham gia vào chính phủ. Dòng người nhập cư Do Thái nên được giới hạn ở mức 75.000 người trong 5 năm tới. Những người nhập cư bất hợp pháp sẽ bị trừ vào khoản này. Việc bán đất cho những người phục quốc Do Thái giàu có cần bị hạn chế. Cả phía Do Thái và Ả Rập đều bác bỏ sách trắng ấy.

    Việc quản lý vùng Palestine theo khế ước ủy thác năm 1922 đã làm cho Anh kiệt quệ về sức lực cũng như tài chính. Quyền lực do Hội Quốc Liên ủy thác cũng không giúp cho Anh đạt được lợi ích gì trong suốt hơn 20 năm, và Anh bất lực trong việc tìm kiếm một giải pháp có thể được hai bên chấp thuận để mang lại hòa bình cho vùng Palestine. Việc xây dựng sự thống nhất về chính trị và lãnh thổ của Palestine chưa có tiền lệ lịch sử nào để người ta có thể tham khảo, do đó, câu hỏi về bản sắc dân tộc và lòng trung thành chính trị hoàn toàn bỏ ngỏ, dẫn đến nhiều chia rẽ và xung đột. Có thể nói, sự chiếm đóng vùng Palestine hơn 20 năm sau chiến tranh là một sai lầm nghiêm trọng của Anh về chính sách đối ngoại, không những làm suy yếu chính mình mà còn gây thảm họa cho Palestine suốt hơn 100 năm. Sau Thế chiến II, nước Anh càng trở nên suy yếu hơn, Palestine không còn là vùng đất đầy hứa hẹn cần phải giữ bằng mọi giá, và nhất là khi Ấn Độ được độc lập vào năm 1947, thì “Xa lộ Hoàng gia” – tên gọi của con đường huyết mạch từ Trung Đông sang kênh đào Suez để đến Ấn Độ – cũng mất chức năng của nó. Vì thế, sau cuộc đánh bom của quân khủng bố Do Thái vào tổng hành dinh của Anh ở Jerusalem cuối năm 1946, Anh đã ngán ngẩm vùng đất Palestine và muốn rút ra càng sớm càng tốt. Nội các Anh quyết định từ bỏ dự án Palestine và vào tháng 2 năm 1947, Anh trả lại quyền ủy thác cho Liên Hiệp Quốc, một tổ chức mới được thành lập sau Thế chiến II, lúc ấy gồm 56 nước thành viên, trong đó chỉ có 6 quốc gia Ả Rập.

    Đến đây xuất hiện một tác nhân mới với quyền lực tuyệt đối của một đại cường đã từng lãnh đạo thế giới chống lại Đức Quốc Xã dẫn đến việc chấm dứt Thế chiến II vào năm 1945. Đó là Hoa Kỳ. Nếu Trung Đông trước 1945 được định hình bởi Sykes-Picot của Anh và Pháp, thì mọi diễn biến lịch sử Trung Đông sau 1945 không nằm ngoài toan tính của Hoa Kỳ. Với lòng kiêu ngạo của nước đã từng lãnh đạo thế giới đánh thắng Quốc Xã Đức, và là chủ nợ của tất cả các nước đồng minh, Mỹ bắt đầu nhúng tay vào những hoạt động bành trướng ảnh hưởng trên thế giới. Trung Đông tất nhiên là một vùng đất quan trọng cần nhắm tới. Nhưng cũng giống Anh và Pháp, thuở ấy người Mỹ có hiểu biết rất hạn chế về lịch sử, tôn giáo và văn hóa của các giống dân Ả Rập, cho nên những giải pháp Mỹ tìm kiếm để giải quyết các vấn đề Trung Đông cũng mang tính chất hời hợt và dễ gây phản cảm trong cộng đồng Ả Rập.

    Về vấn đề Palestine, Tổng thống Harry S. Truman đứng trước một quyết định tế nhị. Một mặt, về khía cạnh lo-gic và đạo đức thì Hoa Kỳ phải ủng hộ những đòi hỏi của người Ả Rập ở Palestine vốn dĩ từ ngàn xưa là cư dân truyền thống của khu vực đó. Nhưng mặt khác, về quyền lợi chính trị thì Do Thái mang lại nhiều lợi ích hơn. Đứng trước cuộc bầu cử Tổng thống vào năm sau, Truman phải quyết định phục vụ cho giới cử tri nào. Lúc đó, người Ả Rập tại Hoa Kỳ chưa tới 100 ngàn người và không có một vai trò xã hội nào đáng kể, trong lúc cộng đồng Do Thái nhập cư vào Hoa Kỳ đã lên đến 4,5 triệu người chủ yếu đến từ các nước châu Âu, trong đó có rất nhiều khoa học gia tiếng tăm (thí dụ Albert Einstein), chính trị gia xuất sắc (thí dụ Henry Kissinger), triết gia, văn sĩ hàng đầu (thí dụ Hannah Arendt, Max Horkheimer, Erich Fromm …), doanh nhân thành đạt và nhiều người chủ ngân hàng. Con số 4,5 triệu lá phiếu cử tri có thể mang lại quyết định cho cuộc bầu cử, cho nên Truman chọn lựa ngã về Do Thái và làm mọi cách để lấy lòng cử tri Do Thái. Đó không phải là quyết định nhất thời chỉ có giá trị một lần, mà nó còn định hướng chính sách Trung Đông của Hoa Kỳ suốt một thời gian dài cho đến ngày nay, bất kể vị Tổng thống thuộc đảng Dân chủ hay Cộng hòa. Quyết định này chính là bước đầu làm tăng tốc quá trình suy tàn của dân tộc Palestine và gắn liền với nó là những xung đột vũ trang liên tục mà Trung Đông và cả thế giới phải bận tâm.

    Vào tháng 5 năm 1947, Liên Hiệp Quốc thành lập Ủy ban đặc biệt (UNSCOP – United Nations Special Committee on Palestine) gồm 11 nước thành viên để tìm giải pháp cho vùng Palestine. Giải pháp thiểu số khuyến cáo việc thành lập một quốc gia liên bang (được ủng hộ bởi ba nước: Ấn Độ, Ba Tư và Nam Tư) trong lúc giải pháp đa số khuyến cáo nên thành lập hai quốc gia độc lập (Canada, Guatemala, Hà Lan, Peru, Thụy Điển, Tiệp Khắc, Uruguay, Úc). Theo đề nghị của UNSCOP, ngày 29 tháng 11 năm 1947, đại hội đồng Liên Hiệp Quốc quyết định chia Palestine làm hai, một quốc gia Ả Rập và một quốc gia Do Thái nằm trên vùng Palestine hiện đang được Anh cai trị. Những người Palestine sống ở đó, mặc dù là những người sở hữu hơn 90% đất đai nhưng đã không được phỏng vấn. UNSCOP phân chia đất đai như sau: Jerusalem được đặt dưới sự quản lý quốc tế. Đất đai được chia cho gần 600.000 người Do Thái chiếm 56% diện tích toàn vùng, trong lúc 1,3 triệu người Palestine chiếm khoảng 43% tổng diện tích của khu vực, kể cả những vùng sa mạc Negev cằn cỗi. Xin xem bản đồ bên dưới về các khu định cư của hai giống dân Ả Rập (màu vàng) và Do Thái (màu nâu) trước và sau khi bị chia cắt, tức ở mốc thời gian 1947.

    Khi hai dân tộc cùng sinh sống và tranh giành nhau một vùng đất, thì giải pháp tốt nhất là tách họ thành hai quôc gia độc lập để tránh xung đột triền miên sau này. Quyết định của Liên Hiệp Quốc vốn là giải pháp hay, nhưng cách phân chia đất đai không công bằng cho Palestine đã gây nên phẩn nộ trong công đồng Palestine và Ả Rập. Nhìn vào bản đồ phân chia đất, chúng ta dễ dàng thấy sự bất hợp lý của giải pháp. Trước hết về dân số, Palestine có 2/3 tổng số dân định cư truyền thống mà chỉ được 43% đất đai, trong lúc người nhập cư Do Thái sau này chỉ có 1/3 tổng số dân mà được hưởng 56% đất. Hơn nữa, Do Thái chiếm vùng ven biển tiếp cận đến Địa Trung Hải với nhiều hải cảng và vùng đất màu mỡ ở phía Bắc. Sự bất hợp lý này có nguyên do phần nào ở 8 nước thành viên lúc lập kế hoạch chia đất. Đó là những nước đồng minh trong Thế chiến II đã hàm ơn Hoa Kỳ về sự hỗ trợ tài chính và vũ khí. Ngoài ra Hoa Kỳ cũng đóng vai trò rất quan trọng trong kế hoạch này. Với sức ép của giới vận động hành lang Do Thái ở Hoa Kỳ, Truman phải chuyển tiếp sức ép này đến UNSCOP để đưa ra giải pháp có lợi cho Do Thái, và tất nhiên UNSCOP cũng phải thực hiện dưới sức ép của Hoa Kỳ. Toan tính chính trị của Tổng thống Truman đã đổ thêm dầu vào ngọn lửa hận thù của người Ả Rập đối với Hoa Kỳ và với cả phương Tây. Đó cũng chính là nguồn gốc của những xung đột không ngừng sau này ở Palestine và cả vùng Trung Đông.

    Bản đồ phân chia được 33 phiếu thuận trong đó có Hoa Kỳ, Nga, Anh, Pháp; 13 phiếu chống trong đó có 6 nước Ả Rập trong Liên Hiệp Quốc; và 10 phiếu trắng. Quyết định này trở nên hiệu lực khi nước Anh chính thức trả lại chủ quyền bảo hộ cho Liên Hiệp Quốc ngày 15.5.1948 và rút quân khỏi khu vực. Trong ngày hôm đó, David Ben Gurion tuyên bố quốc gia Israel độc lập được thành lập. Cùng ngày hôm đó, Hoa Kỳ và Nga thiết lập quan hệ ngoại giao với Israel. Cực kỳ bất mãn với những sự kiện đó, ngày hôm sau, sáu nước Ả Rập là Ai Cập, Jordan, Syria, Lebanon, Iraq và Saudi Arabia xua quân vào vùng Palestine và khai chiến với Israel. Đây là cuộc chiến tranh qui ước đầu tiên giữa Ả Rập và Do Thái trong cuộc tranh chấp vùng đất Palestine.

    Dù tương quan lực lượng vô cùng chênh lệch nhưng Israel đã thắng oanh liệt trận chiến năm 1948. Với sự dàn xếp của Liên Hiệp Quốc, hai bên đồng ý ngưng chiến vào năm 1949, nhờ thế Do Thái có thể bành trướng lãnh thổ từ 14.100 cây số vuông lên 20.700. Khu vực này trở thành lãnh thổ cốt lõi của Israel cho đến ngày nay, trong lúc Palestine chỉ còn lại hơn 6.000 cây số vuông. Qua cuộc chiến này, 750.000 người Ả Rập đã bị trục xuất hoặc rời khỏi làng mạc của họ. Những người khác ở lại và trở thành công dân Israel gốc Ả Rập. Những người tị nạn Palestine không được các quốc gia Ả Rập láng giềng cho nhập cư, mà chỉ có quy chế tạm cư vĩnh viễn trong các trại tị nạn. 39% người tị nạn ở lại vùng phía Tây do Jordan kiểm soát, 26% trốn sang dải Gaza do Ai Cập kiểm soát và 14% di cư đến Lebanon. Israel không cho phép người tị nạn quay trở lại, họ vĩnh viễn trở thành một cộng đồng lưu vong. Ở trong những ngôi làng không bị phá hủy, người Do Thái được đưa đến để chiếm đất và định cư vĩnh viễn [xem Asseburg].

    Xung đột ở Trung Đông giữa Ả Rập và Do Thái xảy ra dồn dập sau đó đều có nguyên do trực tiếp và gián tiếp đến Palestine. Trước hết là cuộc khủng hoảng kênh đào Suez năm 1956, sau đó là cuộc chiến sáu ngày năm 1967 với hậu quả bi thảm cho Palestine: Israel chiếm thêm đất và tiến vào đất Thánh Jerusalem, biến vùng phía tây thành phố thành vùng quản lý của Israel. Ngoài ra, vùng Sinai của Ai Cập cũng bị Israel chiếm đóng cho đến 1979 mới trả lại cho Ai Cập, sau khi hiệp ước hòa bình giữa Ai Cập và Do Thái được ký kết. Diện tích đất đai của Israel sau cuộc chiến sáu ngày bỗng nhiên tăng lên chín lần.

    Trong lúc đại đa số người Israel hân hoan với chiến thắng, thì không ít trí thức Israel theo xu hướng tự do bắt đầu trầm tư lo lắng cho tương lai. Thí dụ, sử gia Anita Shapira nhận xét: “Qua đêm, chúng tôi trở thành một cường quốc, nhưng đôi lúc tôi nghĩ rằng, sự hưng phấn phát sinh từ cuộc chiến sáu ngày cũng là một yếu tố vô cùng độc hại cho tâm lý dân tộc Israel, vì bỗng nhiên chúng tôi có cảm nhận rằng, chúng tôi đạt đến sức mạnh có thể làm tất cả mọi thứ chúng tôi muốn, và cảm giác đó sẽ dẫn đến những điều không hay ho gì. Với cuộc chiến sáu ngày, thắng lợi vinh quang nhất của chúng tôi cũng là điều bất hạnh lớn nhất trong lịch sử quốc gia Israel, vì sự chiếm đóng khu vực Tây Jordan và toàn bộ đất Thánh Jerusalem đã đánh thức dậy một bóng ma đã ngủ yên từ cả ngàn năm trước, đó là chủ nghĩa Messiah trong Do Thái giáo” [Xem Laasch, phút 34]. Hoặc như sử gia Israel Elie Barnavi, cựu đại sứ Israel ở Paris, người đã từng tham gia trận đánh chiếm Jerusalem cũng có cảm nhận tương tự: “Bỗng nhiên có một tình cảm lãng mạn tôn giáo từ những người cực đoan, và đó chính là điều nguy hiểm nhất liên quan đến chính trị quốc gia trong tương lai”. Hai nhà sử học này muốn nói đến thành phần cực hữu với ý thức tôn giáo chính thống và chủ nghĩa quốc gia cực đoan, nhân dịp này họ xem hành động của họ như là sự hoàn thành một sứ mạng chính trị do Thượng Đế giao phó. Cho đến thế kỷ 21, thành phần cực đoan này dù còn thiểu số nhưng vẫn chi phối mạnh mẽ đến nền chính trị Israel. Hiện nay, thành phần này đã trở thành một bộ phận của nội các Benjamin Netanyahu.

    Quả thực, sự thắng trận vinh quang đã tạo điều kiện thuận lợi cho thành phần cực hữu nâng cao sức mạnh, ngày càng có tổ chức chặt chẽ hơn. Họ tiến vào vùng Tây Jordan, chiếm hữu nhà cửa của người Palestine đã bỏ chạy, và xây dựng nhiều khu định cư mới. Chính phủ Israel cũng trở nên kiêu ngạo hơn trong quan hệ  với các đồng minh phương Tây, kể cả Mỹ. Họ thay đổi triệt để chính sách xây dựng khu định cư trên các vùng đất Palestine, bất chấp nhiều nghị quyết lên án của Liên Hiệp Quốc, bất chấp phán quyết của tòa Thượng thẩm Israel về tính vi hiến của chính sách, bất chấp sự phản đối của các nước đồng minh, kể cả sự phản đối của quốc gia bảo hộ quan trọng hàng đầu là USA. Rõ ràng chính phủ Israel muốn tạo ra tình trạng “đã rồi” để mở rộng lãnh thổ. Giải pháp “hai quốc gia” tồn tại song song trên vùng đất truyền thống Palestine cũng bị chính phủ Israel bác bỏ. Palestine chỉ được công nhận như một khu tự trị và chịu sự chi phối hoàn toàn của Israel: nguồn nước, nguồn điện, nguồn thực phẩm, ngoại thương, du lịch v.v…

    Trong vòng 20 năm từ 1948 đến trước cuộc chiến sáu ngày năm 1967, Palestine mất vào tay người Do Thái hơn một nửa đất đai, nhất là vùng đất Thánh Jerusalem đã bị Israel chiếm một nửa. Kể từ đó, diện tích đất đai của Israel chiếm 78% và người Palestine tuy còn giữ 22% diện tích đất đai truyền thống của mình, nhưng thật sự tất cả vùng đất của Palestine đều bị Israel kiểm soát về địa lý, chính trị và kinh tế. Kể từ năm 1967, với sự thành hình khu định cư ngày càng nhiều và được chính phủ Israel bảo vệ, không gian sống thực sự của người Palestine hiện nay chỉ còn 15% trên vùng đất truyền thống của họ.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/05/photo-palestinian-land-history.jpg?w=1024

    Bản đồ khu dân cư Palestine (màu xanh) từ 1946 đến nay (2020)

    Những cuộc chiến tiếp theo đó không mang lại thành quả nào cho Palestine: cuộc chiến Yom-Kippur năm 1973, cuộc chiến Lebanon năm 1982, cuộc tổng nổi dậy của người dân Palestine năm 1982, còn được gọi là Intifada lần thứ nhất, không mang lại kết quả nào. Palestine được các nước Ả Rập ủng hộ tinh thần, vật chất, vũ khí đồng thời được Liên Xô hỗ trợ trên các diễn đàn quốc tế; trong lúc Israel được Hoa Kỳ và các nước phương Tây đứng sau lưng để cung cấp vũ khí hiện đại và bênh vực Israel trong các tổ chức quốc tế. Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần lên án Israel và đòi hỏi Israel phải trả lại các vùng đất đã chiếm nhưng mỗi lần như thế đều bị Hoa Kỳ sử dụng quyền phủ quyết để vô hiệu hóa các quyết định. Mọi cố gắng của khối Ả Rập để đưa Palestine làm thành viên của Liên Hiệp Quốc cũng đều bị Hoa Kỳ phủ quyết. Trong bối cảnh đó, cuộc đấu tranh của người Palestine chống lại Israel là một cuộc đấu không cân sức, cho nên mãi đến nay, người Palestine vẫn không có quyền tự chủ trên chính quê hương truyền thống của mình.

    Với chiến lược bành trướng lãnh thổ bằng chiến thuật tằm ăn dâu, Israel lấn dần đất đai sau mỗi cuộc chiến tranh. Họ cho phép công dân Israel xây dựng các khu định cư mới trong vùng đất của Palestine và đưa quân đội đến để bảo vệ. Bằng cách đó, không gian sống của người Palestine ngày càng bị thu hẹp. Hơn thế nữa, Israel còn phong tỏa đường biên giới để cô lập hóa Palestine không thể thông thương ra bên ngoài. Cửa ngõ duy nhất là 40 cây số bờ biển cũng bị Israel ngăn chặn bằng cách thiết lập vùng cấm, trong đó các ngư dân muốn đánh cá phải chịu sự kiểm soát của hải cảnh Israel. Thêm vào đó, Israel làm suy yếu nền kinh tế bằng biện pháp cấm Palestine xuất nhập khẩu, mọi giao dịch phải thông qua lãnh thổ và chính quyền Israel. Nguồn sống người Palestine hoàn toàn phụ thuộc vào Israel. Ngoài ra kể từ 1967, Israel không công nhận giải pháp hai quốc gia như Liên Hiệp Quốc đề nghị năm 1947, mặc dù mọi nước, kể cả Hoa Kỳ, luôn luôn kêu gọi việc thực hiện giải pháp hai quốc gia trên vùng đất đó. Palestine cho đến nay chỉ được Israel thừa nhận là vùng tự trị chứ không phải là một quốc gia độc lập.

    Trong thực tế kể từ 1967, Palestine là những người vô tổ quốc trên chính quê hương của mình, chịu sự cai trị vô cùng hà khắc của Israel. Bên trong lãnh thổ, người Palestine sống như trong một trại tị nạn khổng lồ, thường trực đối diện với bạo lực và hoàn toàn bó tay khi Israel lấn chiếm đất đai để xây dựng thêm khu vực định cư người Do Thái. Các nước Ả Rập chung quanh cũng không muốn kéo xung đột về phía mình, cho nên người Palestine tị nạn ở các nước chung quanh vẫn chưa được hưởng quyền công dân, vẫn sống tạm bợ trong các trại tị nạn thiếu phương tiện sinh sống, nói gì tới việc phát triển văn hóa. Hơn 60 năm, tức khoảng ba thế hệ trẻ em người Palestine sinh ra trong chiến tranh, sống thường trực với chiến tranh, trong điều kiện khắc nghiệt về vật chất, bạo lực về tinh thần, bản sắc dân tộc cũng ngày càng mờ nhạt. Chấn thương tâm lý của ba thế hệ liên tục sẽ gây những hậu quả khó lường cho hòa bình khu vực, cho cả dân tộc Palestine, nếu quả thật vẫn còn một dân tộc Palestine sẽ tồn tại mãi mãi như chúng ta hy vọng. Chúng ta có thể hình dung rằng, sau hơn 60 năm sống trong bạo lực từ lúc mới sinh ra cho đến lúc trưởng thành, nhiều người trong đó đã sống trong các trại tị nạn suốt nhiều thập niên, cả dân tộc Palestine đều bị chấn thương tập thể. Với sự cai trị hà khắc của Do Thái, tâm lý bạo lực trong người Palestine chỉ có thể tăng lên theo thời gian chứ khó lòng giảm xuống, cho đến lúc họ thực hiện được giấc mơ độc lập.

    Thảm kịch Palestine là di sản trực tiếp của chính sách thuộc địa do Sykes và Picot để lại, được tiếp nối bởi toan tính địa chính trị của Hoa Kỳ ở Trung Đông sau Thế chiến II và sau cùng là Israel làm kẻ thừa hành cộng thêm mộng bành trướng đất đai và quyết tâm tiêu diệt người Palestine. Vì thế, tình hình vẫn tiếp tục hỗn loạn với bạo lực và chiến tranh. Nếu Israel vẫn không chấp nhận giải pháp hai quốc gia cùng tồn tại song song, bạo lực sẽ tiếp tục và mọi bên, kể cả Israel, còn phải đối đầu với bất ổn chính trị làm cản trở công cuộc phát triển. Hoặc một giải pháp thứ hai: Israel thẳng tay diệt chủng dân tộc Palestine. Có Hoa Kỳ và thế giới phương Tây chống lưng, đó là kịch bản rất có thể xảy ra. Dân tộc Palestine có còn tồn tại sau 50 năm nữa? Không ai có thể trả lời được.

    Trong phần sau, chúng ta sẽ đề cập đến số phận của dân tộc Kurds ở một mức độ bi thảm hơn so với người Palestine. Tất cả đều liên quan mật thiết đến những “đường vẽ trên cát” mà Sykes và Picot đã thỏa thuận vào năm 1916.

    ./.

    Tác giả: Tôn Thất Thông

    Tài liệu tham khảo

    1.  Asseburg, Muriel: Der Nahostkonflikt (Xung đột ở Trung Đông). Landeszentrale für Politische Bildung – Baden Würtemberg (Trung tâm giáo dục chính trị bang Baden-Würtemberg).  

    2.  Avalon Project (Yale University of Law): The Sykes-Picot agreement of 1916 (Toàn văn bản Hiệp ước Sykes-Picot năm 1916).

    3.  Avalon Project (Yale University of Law): United Nations General Assembly Resolution 181 (Nghị quyết số 181 của Liên Hiệp Quốc về việc phân chia Palestine thành hai quốc gia).

    4.  BBC Monitoring: Sykes-Picot marked with bitterness and regret by Arab media (Truyền thông Ả Rập ghi nhận Sykes-Picot với sự cay đắng và ân hận). BBC 2016.

    5.  BPB Editor: Vor 100 Jahren: Großbritannien und Frankreich vereinbaren das Sykes-Picot-Abkommen (Cách đây 100 năm: Anh và Pháp ký hiệp ước Sykes-Picot). Bundeszentrale  für Politische Bildung, 2016.

    6.  Dingley, James: Kurdistan zwischen Autonomie und Selbstveranwortung (Kurdistan giữa tự trị và tự lãnh trách nhiệm). APuZ – Aus Politik und Zeitgeschichte.

    7.  Encyclopaedia Britannica: Sykes-Picot Agreement 1916.

    8.  Hermann, Rainer: Wurzel des Nahostkonflikts (Nguồn gốc các xung đột ở Trung Đông). Frankfurter Allgemeine Zeitung FAZ, 2016.

    9.  Muir, Jim: Sykes-Picot – The map that spawned a century of resentment (Bản đồ sản sinh một thế kỷ hận thù). BBC 2016.

    10.  Ottaway, Marina: Learning from Sykes-Picot (Bài học từ Hiệp ước Sykes-Picot). Publication of Wilson Center, Washington DC – Middle East Program 2015.

    11.  Philipp, Thomas: Die Palästinensische Gesellschaft zu Zeiten des Britischen Mandats (Xã hội người Palestine trong thời kỳ Anh cai trị ủy thác). BPB – Bundeszentrale  für Politische Bildung.

    12.  Sahin, Memo: Ein Grosskurdistan aus den Trümmern Iraks und Seriens? (Một đại quốc gia Kurdistan từ đống tro tàn của Irak và Seria?). Network of the German Peace Movement.

    13.  Schareika, Nora: Wie Willkür zum Dauerzustand wurde (Sự tùy tiến biến thành tình trạng lâu dài như thế nào). N-TV.

    14.  Wright, Robin: How the Curse of Sykes-Picot Still Haunts the Middle East (Tại sao Hiệp ước Sykes-Picot vẫn ám ảnh Trung Đông). The Newyorker 2016.


    Không có nhận xét nào