Thứ sáu, 10/11/2023
Yến Nhi biên dịch
" Tất nhiên, cả ba quốc gia kể trên sẽ nhanh chóng phục hồi, nhưng đây là khoảng thời gian bấp bênh và đáng lo ngại của một chính phủ kém hiệu quả, tệ hại, và đôi khi dễ mua chuộc ở ba nền dân chủ lớn lâu đời trên thế giới. Tình trạng đó kết thúc càng sớm thì càng tốt".
Quốc kỳ của Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, Canada, và Liên minh u Châu bay phấp phới trên Sword Beach ở Colleville-Montgomery, vào ngày 05/06/2018 gần Caen, Pháp. (Ảnh: Matt Cardy/Getty Images)
Sống ở Canada, người ta dễ dàng bị khuất phục trước nỗi sợ hãi rằng các quốc gia nói tiếng Anh chủ yếu trên thế giới, bất chấp các tổ chức của họ đã rất lâu đời, vẫn mất khả năng tự quản.
Trong số tất cả các quốc gia trên thế giới có hơn 20 triệu dân, Vương quốc Anh, Hoa Kỳ, và Canada là ba quốc gia duy trì thể chế chính trị ổn định trong thời gian dài. Khi Liên bang Canada được thành lập vào năm 1867, cả Đức và Ý đều đang bị chia thành các nước nhỏ hơn. Nước Pháp đang ở giai đoạn cuối của Đệ nhị Đế chế dưới sự cai trị của cháu trai Napoleon; Nhật Bản thì bị cô lập từ thời trung cổ; Trung Quốc đang trong cảnh chiến loạn; Ấn Độ, Pakistan, Bangladesh, và Miến Điện bị người Anh cai trị; và các triều đại Ottoman, Habsburg, và Romanov nắm giữ gần như toàn bộ phần còn lại của lục địa Á-Âu. Châu Phi bị các cường quốc Âu Châu chia nhỏ, Úc và New Zealand vẫn còn là thuộc địa, còn châu Mỹ Latinh nằm dưới một mớ chế độ chuyên chế.
Chỉ những quốc gia châu Âu nhỏ hơn như Scandinavia, Hà Lan, Thụy Sĩ, và Bỉ, khi đó có dân số đông hơn Canada, mới có thể thực sự được xem là các nền dân chủ. Trong khoảng thời gian đó, chính phủ dân chủ nói chung đã phát triển mạnh mẽ. Hiện nay chính phủ dân chủ quản lý hầu như toàn bộ châu Âu phía tây nước Nga, cũng như Ấn Độ, Nhật Bản, phần lớn châu Mỹ Latinh, và Đế chế Anh cũ (vốn đã chuyển đổi thành Khối thịnh vượng chung).
Lần đầu tiên sau 193 năm, nước Anh có tới năm đời thủ tướng chỉ trong sáu năm với lần thay đổi cuối cùng là năm 2022. Rất có thể cho đến cuộc bầu cử tiếp theo, nước Anh sẽ qua bảy đời thủ tướng trong vòng 18 năm, và đó sẽ là kết quả của sự yếu kém cấp nội các chưa từng có tiền lệ trong lịch sử hơn ba thế kỷ của tất cả các đời thủ tướng Anh, kèm theo đó là tình trạng luôn thay đổi chính phủ, gợi nhớ đến Đệ tứ Cộng hòa Pháp, và một số giai đoạn trong lịch sử Ý gần đây. Trong bài diễn văn nổi tiếng trước Quốc hội Anh năm 1960 dài 3,000 từ được trình bày theo trí nhớ, Tổng thống Pháp, Tướng de Gaulle, người vừa thành lập Đệ ngũ Cộng Hòa, một hệ thống chính phủ có lẽ đã chứng tỏ là thành công nhất mà Pháp từng có — đã tạo ra sự tương phản trong lịch sử gần đây của Anh và Pháp. Ông Gaulle chỉ ra rằng trong 20 năm kể từ lần đầu tiên ông đến thăm nước Anh, trong khi Vương Quốc Anh được điều hành một cách ổn định và khác biệt bởi “những người bạn của tôi, ông Winston Churchill, ông Clement Attlee, ông Anthony Eden, và ông Harold Macmillan,” thì Pháp đã phải trải qua ba nền cộng hòa với sự chiếm đóng tàn bạo của ngoại quốc: một chính phủ ngụy quyền suy đồi, một chính phủ lâm thời, và một chính phủ lưu vong nương nhờ lòng hiếu khách của người Anh.
Các vấn đề chính trị đương thời của Mỹ biểu lộ ra những điều khiến bất kỳ ai mong muốn điều tốt đẹp cho đất nước này cũng phải đau lòng. Và do đất nước này vẫn đóng vai trò quan trọng đối với thế giới phương Tây, nên ngay cả những người không đặc biệt ngưỡng mộ Hoa Kỳ cũng có thể nhận ra mối nguy hiểm đối với toàn thế giới nếu năng lực của chính phủ ở quốc gia này giảm sút đáng kể. Đã có năm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ mà trong đó người được bầu làm tổng thống nhận được ít phiếu bầu [phổ thông] hơn đối thủ chính. Bản thân điều này không phải là một sự kiện đáng lo ngại, và ở Canada trong hai cuộc bầu cử vừa qua, phe đối lập chính thức đã nhận được nhiều phiếu phổ thông hơn chính phủ, nhưng chính phủ đã được bầu lại; điều đáng nói là phe đối lập giành được ít tiểu bang hơn ở Mỹ hoặc ít khu vực bầu cử hơn ở Canada, nhưng lại giành được đa số phiếu bầu nhiều một cách bất thường.
Tại Hoa Kỳ đã có bốn cuộc bầu cử tổng thống bị người ta nghi ngờ đáng kể về tính chính xác của việc kiểm đếm các lá phiếu hợp lệ, trên quy mô có thể ảnh hưởng đến kết quả. Việc đại cử tri sẽ bầu cho ai đã bị đưa ra tranh chấp hồi năm 1876 và được giải quyết bằng cách chấp nhận kết quả bề mặt để đổi lấy ba bước hòa giải mà tổng thống đắc cử chấp nhận (và đã thực hiện). Năm 1960, mặc dù Tổng thống Eisenhower đã tư vấn cho Phó Tổng thống Nixon, người có số phiếu phổ thông nhiều hơn, cần yêu cầu bên tư pháp ra lệnh kiểm đếm lại qua một cuộc điều tra phiếu bầu ở một số tiểu bang có chênh lệch sít sao, nhưng ông Nixon đã không làm như vậy vì ông cho rằng điều đó không có lợi cho đất nước. Năm 2000, Phó Tổng thống Gore dẫn đầu về số phiếu phổ thông nhưng chỉ thua một phiếu Cử tri Đoàn, bởi vì trên bề mặt ông đã thua chỉ vài trăm phiếu ở Florida, nơi có số lượng bỏ phiếu là 5 triệu. Vấn đề này đã bị thử thách tại các tòa án, và đa số thẩm phán của Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ đã định đoạt cuộc bầu cử này theo hướng có lợi cho ông George W. Bush, đối thủ của ông Gore.
Trong năm 2020, để tạo thuận tiện cho việc bỏ phiếu trong đại dịch COVID, nhiều triệu phiếu bầu đã được thu thập bởi các bên không xác định và được gửi đến nơi không phải địa điểm bỏ phiếu; điều này đã diễn ra trong suốt một thời gian dài mà không có ai xác minh tính tính xác thực của những phiếu bầu này. Hệ thống tư pháp, từ các tòa án địa phương đến Tối cao Pháp viện Hoa Kỳ, đã từ chối xét xử bất kỳ vụ kiện nào về tính hợp lệ của kết quả bầu cử, với thực trạng là một số tiểu bang dao động đã không sửa đổi các quy tắc bỏ phiếu và kiểm đếm phiếu của mình thông qua các cơ quan lập pháp tiểu bang cũng như Hiến Pháp yêu cầu, mà bằng sắc lệnh của thống đốc hoặc thông qua các tòa án tiểu bang được lựa chọn.
Đây chính là nguyên nhân cơ bản gây ra sự rạn nứt sâu sắc trong nền chính trị Mỹ hiện nay. Ông Donald Trump tuyên bố một cách hợp lý rằng ông đã bị giở trò, và đối thủ của ông phản ứng lại bằng bốn vụ truy tố chưa từng có tiền lệ đối với một cựu tổng thống, người vừa hay cũng là lãnh đạo của phe đối lập, nếu vị trí đó tồn tại trong hệ thống của Mỹ. Những bản cáo trạng này liên quan đến 91 cáo buộc, hầu hết trong số đó bị các học giả pháp lý khách quan, không bỏ phiếu cho ông Trump, chẳng hạn như giáo sư Alan Dershowitz và giáo sư Jonathan Turley, xem đó là hèn hạ, cũng như có lẽ không có cơ sở về pháp luật và trên thực tế.
Đương nhiên, việc sử dụng những đòn tâm lý chính trị bất hợp pháp như vậy đã làm lung lay sâu sắc niềm tin của công chúng Mỹ vào hệ thống này. Chỉ có một cuộc bầu cử hoàn toàn trong sạch và không thể bàn cãi mới có thể khôi phục được niềm tin đó. Và trước lúc đó, có lẽ là trò hề nói xấu sau lưng mang tính phe phái rằng năm nay Hạ viện đã bỏ trống chức chủ tịch trong thời gian dài sẽ phải dừng lại.
Ở Canada, chúng ta không có các chính phủ luôn thay đổi, và hệ thống bầu cử dường như hoạt động hiệu quả. Tuy nhiên, Canada đang dần mất đi vị thế cạnh tranh của mình trên hầu hết mọi thước đo kinh tế, và chế độ liên bang đương nhiệm đã làm mất thể diện quốc gia một cách oan uổng khi khẳng định rằng các trường học nội trú do chính phủ tài trợ đã chôn cất một số lượng lớn trẻ em bản địa qua đời vì lý do sơ suất hoặc thậm chí bị sát hại trong những ngôi mộ vô danh. Không có bằng chứng nào chứng minh cho những khẳng định này; những ngôi trường được đề cập có những nhược điểm của họ, nhưng sự hân hoan với việc chính phủ này đã cho phép Canada bị miêu tả trên thế giới như một chế độ bán diệt chủng là một nỗi ô nhục của nước này mà chỉ có cách loại bỏ chính phủ này mới bắt đầu xóa tan được.
Đồng thời, việc chính phủ chấp nhận các biện pháp toàn diện mà các đời chính phủ của Quebec đề ra nhằm loại bỏ tiếng Anh ở tỉnh bang đó tạo nên một vụ đồng lõa với sự bất công tập thể khác. Vụ việc nghiêm trọng đến mức uy tín đạo đức của hệ thống liên bang Canada sẽ bị tổn hại cho đến khi tất cả các tỉnh bang trở lại bình thường, được Hiến Pháp bảo đảm tôn trọng ngôn ngữ chính thức lẫn các quyền, về ngôn ngữ và về những vấn đề khác, của tất cả người dân Canada.
Tất nhiên, cả ba quốc gia kể trên sẽ nhanh chóng phục hồi, nhưng đây là khoảng thời gian bấp bênh và đáng lo ngại của một chính phủ kém hiệu quả, tệ hại, và đôi khi dễ mua chuộc ở ba nền dân chủ lớn lâu đời trên thế giới. Tình trạng đó kết thúc càng sớm thì càng tốt.
Ông Conrad Black là một trong những chuyên gia tài chính nổi tiếng nhất ở Canada trong vòng 40 năm qua và là một trong những nhà xuất bản báo chí hàng đầu trên thế giới. Ông là tác giả của các cuốn tiểu sử đáng tin cậy về các Cựu Tổng thống Franklin D. Roosevelt và Richard Nixon, và gần đây nhất là tiểu sử “Donald J. Trump: A President Like No Other” (“Donald J. Trump: Một Vị Tổng Thống Chẳng Giống Ai”), đã được tái bản dưới dạng cập nhật. Quý vị có thể theo dõi ông Conrad Black cùng ông Bill Bennett và ông Victor Davis Hanson trên podcast Scholars and Sense của họ.
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào