Header Ads

  • Breaking News

    Có cái gì luôn đúng không? Trên Internet, giờ không ai biết chắc

    Wall Street Journal

    Tác giả: Christopher Mims 

    Cù Tuấn, biên dịch

    13/11/2023

    Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không còn niềm tin vào truyền thông, chính phủ và các chuyên gia? Nếu bạn không tin tưởng tôi và tôi cũng không tin tưởng bạn, làm thế nào chúng ta ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu hoặc có được những cuộc bầu cử công bằng và cởi mở? Đây là cách mà chủ nghĩa độc tài phát sinh – khi chính bạn đã mất hoàn toàn lòng tin vào các định chế”.

    Tóm tắt: Các công cụ mới có thể tạo video giả và sao chép giọng nói của những người thân thiết nhất với chúng ta. ‘Đây là cách mà chủ nghĩa độc tài phát sinh’.

    Tạo ra và phổ biến những tuyên truyền thuyết phục trong quá khứ là việc của nhà nước. Bây giờ chỉ cần một chiếc điện thoại thông minh là đủ.

    Trí tuệ nhân tạo sáng tạo hiện có khả năng tạo ra những bức ảnh giả, bản sao giọng nói của chúng ta và thậm chí cả video mô tả và bóp méo các sự kiện thế giới. Kết quả là: Từ chuyện cá nhân của chúng ta đến các màn tấu hài chính trị, giờ đây mọi người đều phải đặt câu hỏi, những gì họ nhìn và nghe thấy, liệu có phải là sự thật hay không.

    Từ lâu, chúng ta được cảnh báo về khả năng mạng xã hội có thể bóp méo quan điểm của chúng ta về thế giới, và giờ đây có nguy cơ xảy ra nhiều thông tin sai lệch và gây hiểu lầm lan truyền trên mạng xã hội hơn bao giờ hết. Điều quan trọng không kém là việc tiếp xúc với các sản phẩm giả do AI tạo ra có thể khiến chúng ta đặt câu hỏi về tính xác thực của mọi thứ chúng ta thấy. Hình ảnh thật và bản ghi âm thật có thể bị coi là giả mạo.

    David Rand, giáo sư tại MIT Sloan, là người nghiên cứu về sự sáng tạo, truyền bá và tác động của thông tin sai lệch, nói: “Khi bạn cho mọi người xem những tác phẩm deepfake và AI sáng tạo ra, rất nhiều lần sau khi kết thúc cuộc thử nghiệm mọi người đã nói: ‘Tôi không còn tin vào bất cứ điều gì nữa’.”

    Renee DiResta, nhà nghiên cứu tại Đài quan sát Internet Stanford, cho biết, vấn đề này ngày càng trở nên nghiêm trọng hơn trong thời đại AI biết sáng tạo. Nó được gọi là “lợi ích của kẻ nói dối”.

    DiResta cho biết thêm, sự kết hợp giữa nội dung giả mạo quá dễ để tạo ra và sự nghi ngờ rằng bất kỳ thứ gì cũng có thể là giả mạo, cho phép mọi người chọn những gì họ muốn tin, dẫn đến cái mà bà gọi là “thực tế riêng biệt”.

    Không khó để tìm ra ví dụ về nội dung gây hiểu lầm do AI tạo ra, đặc biệt là trên mạng xã hội. Một hình ảnh giả mạo và được lan truyền rộng rãi về những người Israel xếp hàng trên đường phố để nhập ngũ ủng hộ đất nước của họ có nhiều đặc điểm nổi bật là do AI tạo ra — bao gồm cả những điều kỳ lạ có thể nhận ra nếu bạn nhìn kỹ, chẳng hạn như cơ thể và tay chân bị biến dạng. Vì những lý do tương tự, một hình ảnh được chia sẻ rộng rãi nhằm mục đích chiếu cảnh người hâm mộ treo cờ Palestine tại một trận đấu bóng đá ở Tây Ban Nha sẽ không được mọi người xem xét kỹ lưỡng.

    Các dấu hiệu cho thấy một hình ảnh do AI tạo ra rất dễ bị bỏ sót đối với người dùng không xem kỹ mà chỉ lướt qua, họ có ngay quyền quyết định xem nên thích hay quảng cáo một bài đăng trên mạng xã hội. Và khi khả năng tổng hợp hình ảnh của AI tiếp tục được cải thiện, có khả năng những dấu hiệu giả mạo như vậy sẽ khó phát hiện hơn trong tương lai.

    Rand nói: “Điều mà công việc của chúng tôi cho thấy là hầu hết những người bình thường không muốn chia sẻ những điều sai trái – vấn đề là họ không chú ý”. Ông cho biết thêm, sự chú ý của mọi người vốn đã bị hạn chế và cách thức hoạt động của mạng xã hội – khuyến khích chúng ta say sưa mê mải xem nội dung, đồng thời nhanh chóng quyết định có nên chia sẻ nội dung đó hay không – khiến chúng ta có rất ít khả năng quý giá để xác định, liệu điều gì đó có là sự thật hay là không.

    Với việc nội dung giả mạo ngày càng khó phát hiện ngày càng phổ biến, không có gì ngạc nhiên khi mọi người hiện đang sử dụng sự tồn tại của nó như một cái cớ để loại bỏ thông tin chính xác. Ví dụ như đầu năm nay, trong vụ kiện về cái chết của một người đàn ông sử dụng hệ thống tự lái hoàn toàn của xe Tesla. Các luật sư của Elon Musk đã phản hồi bằng chứng video về việc Musk đưa ra tuyên bố về phần mềm này bằng cách gợi ý rằng sự phổ biến của các video “deepfake” của Musk trước đó là cơ sở để bác bỏ bằng chứng đó, dù nó có thể là thật. Họ nâng cao lập luận đó, mặc dù đoạn clip trong đó Musk đã tuyên bố phần mềm này là không có thật đã được xác minh là có thật. Thẩm phán trong vụ án trên cho biết, lập luận này “rất đáng lo ngại”.

    Gần đây hơn, nhiều người tuyên bố trên TikTok và Twitter, rằng hình ảnh rùng rợn về một nạn nhân trong cuộc tấn công vào Israel của Hamas, do Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu tweet, là do AI tạo ra. Các chuyên gia cho biết, không có bằng chứng nào cho thấy hình ảnh đã bị thay đổi hoặc tạo ra bởi AI.

    Nếu cuộc khủng hoảng về tính xác thực chỉ giới hạn ở mạng xã hội, chúng ta có thể cảm thấy được an ủi khi giao tiếp với những người thân thiết nhất với mình. Nhưng ngay cả những tương tác đó hiện cũng có khả năng chứa đầy sản phẩm giả do AI tạo ra. Ủy ban Thương mại Liên bang Mỹ cảnh báo rằng, những gì nghe giống như cuộc gọi từ một đứa cháu yêu cầu gửi tiền bảo lãnh để được công an thả ra, có thể là sản phẩm những kẻ lừa đảo. Chúng đã lấy cắp bản ghi âm giọng nói của người cháu từ mạng xã hội để lừa ông bà gửi tiền.

    Tương tự, một thanh niên ở New Jersey gần đây bị bắt gặp chia sẻ hình ảnh khỏa thân giả của bạn cùng lớp, được tạo ra bằng công cụ AI.

    Và trong khi đây là những ví dụ độc hại, các công ty như Alphabet, công ty mẹ của Google, đang cố gắng coi việc thay đổi hình ảnh cá nhân là một điều tốt.

    Với điện thoại Pixel mới nhất của mình, công ty đã giới thiệu một bộ công cụ mới và nâng cấp có thể tự động thay thế khuôn mặt của một người trong một bức ảnh bằng khuôn mặt của họ trong một bức ảnh khác hoặc nhanh chóng xóa hoàn toàn ai đó khỏi một bức ảnh.

    Tạo ra những bức ảnh hoàn hảo là một điều tiện lợi, nhưng nó cũng là sự kết thúc của việc ghi lại những kỷ niệm cá nhân đích thực, với những điều kỳ quặc ngẫu hứng và những khoảnh khắc ngoài ý muốn. Joseph Stalin, người luôn thích xóa những người ông không thích ra khỏi các bức ảnh chính thức, chắc chắn sẽ yêu thích công nghệ này.

    Để bảo vệ các bức ảnh gốc, Google đang bổ sung thêm một thông tin chú thích để chỉ rõ liệu hình ảnh có bị thay đổi đối với dữ liệu đính kèm hay không. Nhưng các siêu dữ liệu (metadata) như vậy chỉ có thể truy cập được trong ảnh gốc và một số bản sao, và có thể được loại bỏ dễ dàng.

    Hany Farid, giáo sư tại Đại học California, Berkeley, người chuyên về lĩnh vực AI, cho biết, việc áp dụng nhanh chóng nhiều công cụ AI khác nhau có nghĩa là chúng ta hiện buộc phải đặt câu hỏi nghi ngờ về mọi thứ mà chúng ta tiếp xúc trên bất kỳ phương tiện nào, từ cộng đồng trực tiếp của chúng ta đến địa chính trị, pháp y kỹ thuật số và phân tích hình ảnh.

    Để đặt thời điểm hiện tại của chúng ta vào bối cảnh lịch sử, ông lưu ý rằng cuộc cách mạng PC khiến việc lưu trữ và tái tạo thông tin trở nên dễ dàng, internet giúp việc xuất bản thông tin trở nên dễ dàng, cuộc cách mạng di động khiến việc truy cập và lan truyền thông tin trở nên quá dễ dàng, và sự nổi lên của AI đã khiến việc tạo ra thông tin sai lệch trở nên cực kỳ dễ dàng. Và mỗi cuộc cách mạng đều đến nhanh hơn so với cuộc cách mạng trước đó.

    Không phải ai cũng đồng ý rằng, việc trang bị cho công chúng khả năng tiếp cận dễ dàng với AI sẽ làm trầm trọng thêm những khó khăn hiện tại của chúng ta với thông tin sai lệch. Lập luận chính của các chuyên gia như vậy là đã có nhiều thông tin sai lệch trên internet, vượt quá cả ngưỡng giới hạn mà một người có thể tiếp thu, do đó, việc đưa thêm thông tin giả vào nữa thì cũng sẽ không khiến mọi việc trở nên tồi tệ hơn được.

    Theo Trung tâm Nghiên cứu Pew, ngay cả khi điều đó là sự thật thì cũng không khiến mọi người thực sự yên tâm, đặc biệt khi niềm tin vào các thể chế chính trị đã ở mức thấp nhất trong 70 năm qua, và sự phân cực — thước đo mức độ chúng ta không còn tin tưởng lẫn nhau — đang ở mức rất cao.

    Farid nói: “Điều gì sẽ xảy ra khi chúng ta không còn niềm tin vào truyền thông, chính phủ và các chuyên gia? Nếu bạn không tin tưởng tôi và tôi cũng không tin tưởng bạn, làm thế nào chúng ta ứng phó với đại dịch, biến đổi khí hậu hoặc có được những cuộc bầu cử công bằng và cởi mở? Đây là cách mà chủ nghĩa độc tài phát sinh – khi chính bạn đã mất hoàn toàn lòng tin vào các định chế”.

    https://baotiengdan.com/2023/11/12/co-cai-gi-luon-dung-khong-tren-internet-gio-khong-ai-biet-chac/


    Không có nhận xét nào