Quê Hương tổng hợp
Mỹ từ chối nhập hơn 1.000 lô hàng của Việt Nam liên quan đến lao động cưỡng bức Trung Quốc
22/11/2023
Ảnh minh họa: Một công nhân may đang làm việc ở nhà máy Maxport nơi sản xuất quần áo cho nhiều thương hiệu khác nhau trong đó có Nike
AFP
Việt Nam đang phải đối mặt với sự giám sát chặt chẽ hơn của Mỹ về lao động cưỡng bức Trung Quốc, nước này đứng thứ hai sau Malaysia về các lô hàng bị Mỹ kiểm soát và từ chối.
Theo hãng tin Reuters, kể từ khi được áp dụng vào tháng 6 năm 2022, các quy định chặt chẽ hơn của Hoa Kỳ nhằm giải quyết các vi phạm nhân quyền ở khu vực Tân Cương của Trung Quốc đã dẫn đến việc kiểm soát hơn 6.000 chuyến hàng chở hàng hóa trị giá hơn hai tỷ USD cho đến tháng 9, tháng gần nhất mà dữ liệu hải quan Hoa Kỳ có sẵn.
Dữ liệu chính thức từ Cục Hải quan và Biên phòng Hoa Kỳ công bố hôm 14/11 cho thấy, Việt Nam có 2.070 lô hàng bị kiểm soát chỉ trong năm tài chính 2023 với trị giá gần 550 triệu USD.
Có hơn 1.100 lô hàng trong số đó bị từ chối nhập khẩu (chiếm tỷ lệ 57%) với trị giá hơn 230 triệu đô la, 330 lô hàng chờ được phê duyệt (chiếm 16%) và 554 lô hàng được thông quan.
Trong số lô hàng bị từ chối nhập cảnh, có 50% thuộc về danh mục vật liệu công nghiệp và sản xuất; 30% là mặt hàng điện tử; 19% là quần áo, giày dép và dệt may; 1% còn lại là lô hàng máy công nghiệp và sản phẩm tiêu dùng.
Đỉnh điểm là vào tháng 9/2022, 126 lô hàng của Việt Nam trị giá hơn 42 triệu USD bị kiểm soát, gần 98% bị từ chối nhập cảnh hoặc bị giữ lại để kiểm tra gồm hàng điện tử và giày dép và dệt may.
Cơ quan hải quan Hoa Kỳ không có bình luận ngay lập tức về các dữ liệu này.
Cũng theo hãng tin Reuters, hơn 2/3 số hàng hóa bị từ chối hoặc bị giữ lại đến từ Malaysia hoặc Việt Nam, những nước xuất khẩu lớn các tấm pin mặt trời và chất bán dẫn sang Hoa Kỳ.
Việt Nam cũng là nhà cung cấp hàng đầu về dệt may, da giày và may mặc.
Tân Cương là nơi sản xuất bông và polysilicon lớn, được sử dụng trong các tấm quang điện và chất bán dẫn.
Không rõ liệu các công ty có tạm dừng giao hàng vì những vấn đề đau đầu về việc tuân thủ đạo luật của Mỹ hay không.
Bộ công nghiệp Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của Reuters.
Các chuyên gia trong ngành và chính phủ Việt Nam cho biết họ không biết về vấn đề này hoặc họ chưa nghe thấy bất kỳ mối lo ngại nào.
Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng hôm 16/11 đề nghị Hoa Kỳ xem xét lại việc Việt Nam bị liệt trong nhóm nước mà Washington đã hạn chế xuất khẩu chip, chất bán dẫn.
Theo số liệu của Tổng cục Hải quan Việt Nam công bố hồi tháng 10, xuất khẩu hàng hoá sang Hoa Kỳ từ đầu năm gặp khó khăn do nhu cầu thị trường suy giảm, nên kim ngạch xuất khẩu giảm khoảng 15 tỷ USD so với cùng kỳ năm ngoái (cùng kỳ đạt 85,2 tỷ USD). Tuy nhiên, Hoa Kỳ vẫn là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam.
Washington đã cáo buộc Trung Quốc diệt chủng người Duy Ngô Nhĩ, trong khi các nhóm nhân quyền lên án việc sử dụng rộng rãi các trại giam và lao động cưỡng bức. Trung Quốc đã phủ nhận mọi cáo buộc lạm dụng.
Kể từ khi Đạo luật bảo vệ lao động cưỡng bức người Duy Ngô Nhĩ (UFLPA) của Hoa Kỳ ban hành, các nhà xuất khẩu phải chứng minh sản phẩm của họ không bao gồm bất kỳ nguyên liệu thô hoặc thành phần nào đến từ Tân Cương.
Việt Nam, Lào, Campuchia hoàn tất chuẩn bị cho trao đổi quốc phòng giữa biên giới ba nước
21/11/2023
Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến trò chuyện với người dân vẫy cờ, hoa chào đón đoàn công tác Bộ Quốc phòng ba nước tại buổi kiểm tra, tổng duyệt.
Quân đội Nhân dân
Đại diện Bộ Quốc phòng ba nước Việt Nam, Lào và Campuchia vào ngày 20/11 tiến hành kiểm tra công tác chuẩn bị và tập dợt cuối cùng cho hoạt động trong khuôn khổ Trao đổi Quốc phòng Hữu nghị Biên giới ba bên dự kiến diễn ra vào ngày 12/12 tới đây ở tỉnh Kon Tum, Việt Nam.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 21/11 nêu rõ công tác kiểm tra được tiến hành tại khu vực ngã ba biên giới giữa ba nước.
Nội dung hoạt động cho ngày 12/12 tới đây được cả ba phía thống nhất sau khi tiến hành kiểm tra như vừa nêu.
Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, Thượng tướng Hoàng Xuân Chiến, phát biểu tại cuộc làm việc vừa nêu rằng hoạt động trao đổi quốc phòng ba bên sẽ diễn ra là một sự kiện chính trị quan trọng.
Tây Nguyên là địa bàn sinh sống của nhiều người sắc tộc Việt Nam. Trong những năm qua, nhiều đồng bào sắc tộc phải trốn chạy qua ngã biên giới vì cho rằng họ bị đàn áp, phân biệt đối xử ngay chính trên quê hương của họ.
Chính phủ Hà Nội luôn bác bỏ những cáo buộc mà những người dân tộc thiểu số tại Tây nguyên đưa ra với cộng dồng quốc tế.
Chuyển động quân sự, Biển Đông 22/11/2023
1. Chuyển động quân sự
Trung Quốc
Sau khi băng qua eo biển Đài Loan ngày 9.11, tàu sân bay Sơn Đông của Trung Quốc đã ghé vào quân cảng ở Thanh Đảo khoảng 1 tuần trước khi di chuyển vào Bột Hải ngày 9.11.
Là tàu được biên chế cho Hạm đội Nam Hải, có khả năng tàu Sơn Đông được trưng dụng để huấn luyện kíp thủy thủ đoàn phục vụ trên tàu sân bay khi tàu Liêu Ninh vẫn đang trải qua quá trình bảo dưỡng ở Đại Liên. Vì thế, nó mới quay trở lại Bột Hải.
Trong khi đó, hình ảnh vệ tinh cho thấy tàu sân bay Phúc Kiến có những dịch chuyển nhỏ ở xưởng đóng tàu, gợi ý Trung Quốc có thể đang chuẩn bị cho việc tiến hành thử nghiệm tàu này trong tương lai gần.
Trung Quốc hiện cũng tiến hành vài cuộc tập trận ở các vùng biển gần đảo Hải Nam từ ngày 21 đến 23.11, theo các thông báo của Cục Hải sự Hải Nam.
Mỹ
Tàu sân bay USS Ronald Reagan đã quay trở lại quân cảng Yokosuka sau chuyến tuần tra cuối cùng ở khu vực, chuẩn bị cho việc quay trở về Mỹ, kết thúc đợt triển khai tiền phương kéo dài khoảng 10 năm ở Nhật Bản. Thay thế tàu này trong năm 2024 là tàu USS George Washington.
Tàu sân bay USS Carl Vinson ghé vào cảng Busan ở Hàn Quốc vào ngày 21.11, theo thông báo của Hải quân Mỹ, sau khi kết thúc cuộc tập trận ANNUALEX với Lực lượng phòng vệ trên biển của Nhật Bản. Đây là lần thứ 3 trong năm nay, một tàu sân bay Mỹ ghé thăm Hàn Quốc sau các chuyến thăm của tàu USS Nimitz và USS Ronald Reagan.
2. Biển Đông
1 . Philippines
Philippines vẫn là tâm điểm chú ý trong các diễn biến liên quan đến Biển Đông những ngày qua.
Ngày 21.11, đích thân Tổng thống Philippines Bongbong Marcos thông báo Mỹ và Philippines bắt đầu cuộc tuần tra chung trên biển và trên không ở Biển Đông. Khu vực tuần tra chung nằm ở gần nhóm đảo Batanes ở biển Ba Sỹ, cách Đài Loan khoảng 100 km về phía nam.
Đáng chú ý, theo thông báo của Bộ Quốc phòng Đài Loan, trong ngày 21.11, Trung Quốc đã triển khai máy bay cảnh báo sớm KJ-500 và máy bay trinh sát điện tử Y-8 đến khu vực đông nam và nam của Đài Loan. Không loại trừ khả năng Trung Quốc triển khai các máy bay này để theo dõi cuộc tuần tra chung của Mỹ và Philippines.
Trong một diễn biến hết sức đáng chú ý khác, tờ Nikkei Asia ngày 21.11 đưa tin các quan chức Mỹ và Philippines đã bắt đầu các cuộc thảo luận không chính thức về phương án gia cố tàu BRP Sierra Madre ở bãi Cỏ Mây. Theo đánh giá của giới chức Philippines, con tàu mà phía Philippines sử dụng như một tiền đồn ở bãi Cỏ Mây có nguy cơ bị chìm nếu không được sửa chữa hoặc gia cố trong thời gian tới.
Việc Philippines tiến hành gia cố tàu BRP Sierra Madre, nếu diễn ra, có thể khiến căng thẳng leo thang thêm nữa, bởi Trung Quốc chắc chắn sẽ có phản ứng mạnh. Trong thời gian qua, Trung Quốc luôn viện cớ Philippines vận chuyển vật liệu xây dựng đến bãi Cỏ Mây để ngăn cản các hoạt động tiếp tế của Philippines ở đây.
Phía Trung Quốc tỏ rõ thái độ sẽ không chấp nhận việc Philippines gia cố chiếc tàu cũ này. Vì thế, chắc chắn họ sẽ cản trở hoạt động tiềm tàng của Philippines. Sự can dự của Mỹ trong việc vận chuyển vật liệu hoặc bảo vệ an ninh có thể khiến tàu Trung Quốc và tàu Mỹ lâm vào tình trạng đối đầu với nhau ở khu vực quần đảo Trường Sa.
Trong thời gian trung tuần tháng 11, kể từ chuyến tiếp tế của Philippines vào ngày 10.11, hình ảnh vệ tinh cho thấy các tàu hải cảnh và dân binh Trung Quốc nhiều lần được nhìn thấy xuất hiện ở khu vực phía tây của bãi Cỏ Mây, tức gần phía tàu BRP Sierra Madre. Đây là lần hiếm hoi tàu hải cảnh Trung Quốc tiếp cận tàu này ở khoảng cách gần, có lúc chỉ khoảng 1,5 hải lý.
Trong khi đó, tờ Hoàn Cầu thời báo ngày 20.11 đăng cái gọi là “bài điều tra” cáo buộc Philippines sử dụng thủ thuật tuyên truyền để kích động tình hình bãi Cỏ Mây. Không loại trừ đây có thể là động thái dọn đường dư luận để tiến hành các động thái leo thang trong thời gian tới.
Trong chuyến tiếp tế ngày 10.11, Trung Quốc đã triển khai đến 35 tàu các loại để cản phá hoạt động của Philippines, tăng vọt so với con số 15 tàu vào ngày 22.10. Đặc biệt, Trung Quốc còn triển khai cả một tàu bệnh viện đến địa điểm này.
Theo suy đoán của tôi, các đơn vị hải quân, hải cảnh của Trung Quốc đã chuẩn bị tình huống leo thang với Philippines, kể cả kịch bản có thương vong xảy ra. Tình huống nguy hiểm đã không xảy ra trong ngày hôm đó, có thể vì giới lãnh đạo Trung Quốc sau đó đã chỉ thị cho các lực lượng này không leo thang, để không phá hỏng cuộc gặp của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình và Tổng thống Joe Biden diễn ra ngay sau đó.
Tuy nhiên, không có gì đảm bảo các lực lượng Trung Quốc sẽ không có hành động gây hấn cao hơn sau cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung. Theo tôi, việc Trung Quốc triển khai số lượng lớn tàu ở Cỏ Mây, tàu hải cảnh Trung Quốc áp sát tàu BRP Sierra Madre và việc tờ Hoàn Cầu thời báo có động tác dọn đường dư luận là những tín hiệu gợi ý tình hình có thể sẽ xấu đi trong thời gian tới.
2. Đài Loan
Những tranh cãi trong nội bộ Đài Loan về chuyến tuần tra tự do hàng hải của tàu khu trục Mỹ USS Dewey ở Ba Bình ngày 3.11 vẫn chưa chấm dứt khi tàu Tuần duyên và Bộ Quốc phòng Đài Loan cung cấp những chi tiết mâu thuẫn về khoảng cách của tàu này với Ba Bình.
Trả lời chất vấn ở Viện lập pháp ngày 20.11, Bộ trưởng Quốc phòng Khâu Quốc Chính thừa nhận tàu USS Dewey đã đi vào khu vực 12 hải lý quanh Ba Bình, trái với khẳng định trước đó của Tuần duyên Đài Loan.
Trên thực tế, hình ảnh vệ tinh ngày 3.11 cho thấy tàu Dewey xuất hiện ở vị trí cách Ba Bình 10 hải lý. Ngay cả Hạm đội 7 cũng xác nhận Dewey đã tiến hành qua lại vô hại ở Ba Bình. Nhưng điều khó hiểu là Tuần duyên Đài Loan vẫn một mực khẳng định điều ngược lại.
Vì lẽ gì người Việt ở Việt Nam không có cơ hội như cô Minh ở Nam Hàn?
Trân Văn /VOA
21/11/2023
Cô Nguyễn Hồng Minh trên trang web của KBS. (Hình: Trích xuất từ world.kbs.co.kr)
Chẳng phải đến bây giờ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới biết và đề cập đến cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh. Câu chuyện về cô Minh đã được hệ thống này lặp đi, lặp lại trong ba năm vừa qua.
VTV4 – Kênh đối ngoại của Đài Truyền hình Việt Nam vừa phát phóng sự giới thiệu cô Hong Min Hee, cảnh sát viên Nam Hàn gốc Việt (1). Đây là lần thứ hai trong vòng chưa đầy một tháng (2), các cơ quan truyền thông trong hệ thống truyền thông chính thức đề cập đến việc một nữ du học sinh tên là Nguyễn Hồng Minh, từ Nghệ An sang Nam Hàn du học hồi 2005 sau đó lập gia đình với một người Nam Hàn rồi quyết định định cư tại Nam Hàn. Năm 2017, sau khi sinh ba đứa con, cô Minh quyết định ghi danh, gia nhập lực lượng cảnh sát Nam Hàn.
Để đạt được mục tiêu vừa kể, cô Minh phải ăn kiêng để trọng lượng tương thích với chiều cao, rèn luyện thể lực, tích lũy kiến thức để vượt qua kỳ thi tuyển vào Học viện Cảnh sát. Sau khi tốt nghiệp Học viện Cảnh sát, cô Minh được chỉ định làm việc tại Bộ phận Ngoại vụ (phổ biến luật pháp cho người ngoại quốc, điều tra các vụ người ngoại quốc phạm pháp) của Đồn cảnh sát huyện Jangseong, tỉnh Nam Jeolla. Cô Minh cũng là người lập ra và điều hành một trang Facebook để tư vấn cho người ngoại quốc, trong đó có không ít người Việt về chính sách liên quan đến cư trú, nhập tịch, y tế, đi lại,…
Cô Minh cũng là người được chọn làm phiên dịch trong các chương trình làm việc giữa cảnh sát Nam Hàn và công an Việt Nam. Câu chuyện của cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh không chỉ lan truyền cảm hứng tích cực cho những người Việt nói riêng, người ngoại quốc nói chung, đang cư trú tại Nam Hàn mà còn khiến dân chúng Nam Hàn tự hào vì sự văn minh ở xứ sở của họ – nơi mà bất kỳ ai đủ thiện ý, nỗ lực cũng có thể đạt được điều họ muốn, bất kể họ đến từ đâu. Không phải tự nhiên mà cô Minh trở thành nhân vật trong một chương trình của Đài Truyền hình KBS ở Nam Hàn (3)…
Chẳng phải đến bây giờ các cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam mới biết và đề cập đến cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh. Câu chuyện về cô Minh đã được hệ thống này lặp đi, lặp lại trong ba năm vừa qua (4).
***
Có một điểm đáng ngạc nhiên là nhiều cơ quan truyền thông chính thức tại Việt Nam chỉ biết hào hứng trước chuyện một “cô dâu Việt” có thể “lột xác” để trở thành cảnh sát viên tại Nam Hàn song, không hề bận tâm đến khả năng “lột xác” của người Việt tại chính nơi họ “chôn nhau, cắt rốn”! Tại sao không có bất kỳ cơ quan truyền thông chính thức nào đem chuyện cô Minh được xã hội Nam Hàn trao cho cơ hội mà cô muốn, miễn là cô hội đủ tất cả các điều kiện cần thiết về thể lực, trí lực, năng lực bất kể gốc gác của cô (phụ nữ ngoại quốc) ra so sánh với những chuyện kiểu như gia nhập ngành công an tại Việt Nam?
Năm 2015, dư luận Việt Nam rúng động khi có ít nhất ba trường hợp bị các cơ sở đào tạo bậc đại học của ngành công an từ chối tiếp nhận vì… “cha” của họ từng can án. Hai trong số ba trường hợp này là Lê Thị Bình và Nguyễn Đức Ngà cùng là “đồng hương” của cô Nguyễn Hồng Minh (cùng ngụ tại Nghệ An). Bình đạt 26,25/30 điểm nhưng không được vào Học viện Cảnh sát nhân dân vì trước đó… 22 năm, cha của Bình từng bị phạt 12 tháng tù (5), còn cha của Ngà (người đạt 29/30 điểm) thì không được nhập học vì không khai chuyện trước đó 20 năm cha từng bị phạt tù nhưng tòa cho hưởng án treo.
Tuy nhiên gây xúc động nhiều nhất là trường hợp Bùi Kiều Nhi ở Tuyên Hóa – Quảng Bình. Cô gái này đạt 29/30 điểm song không được phép vào Học viện Chính trị CAND do trước đó 23 năm, cha của cô từng bị phạt chín tháng tù vì “chống người thi hành công vụ” nhưng được tòa cho hưởng án treo. Dẫu cha của Bùi Kiều Nhi đã qua đời song cô gái này vẫn bị xem là không hội đủ “tiêu chuẩn về chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND” (6). Do dư luận hết sức bất bình, Bộ trưởng Công an khi ấy là ông Trần Đại Quang đã ra lệnh cho các cơ sở đào tạo bậc đại học của ngành công an “chiếu cố” cho các trường hợp này.
Sự “chiếu cố” đó không phải vì trắc ẩn, càng không phải do nỗ lực hướng tới văn minh (buộc đương sự phải chịu trách nhiệm liên đới vì lỗi lầm của thân nhân như thời Trung cổ) mà vì cần “giải độc dư luận”. Song song với tuyên bố “chiếu cố”, viên tướng là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Công an khi ấy nhấn mạnh: “Chưa thể bỏ điều kiện chính trị của thí sinh khi xét tuyển” (7). Viên tướng này khẳng định: Chỉ có thể “chiếu cố” những trường hợp cha mẹ, anh chị em của đương sự vi phạm nhẹ còn những trường hợp cùng huyết thống mà án nặng, chắc chắn ngành công an không thể tiếp nhận.
Thỉnh thoảng, công an Việt Nam đề cập đến một số văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến việc tuyển chọn nhân sự cho ngành công an như: Thông tư số 20/2009/TT-BCA (X11) ban hành ngày 10/4/2009 Quy định về thẩm tra lý lịch trong CAND, Thông tư số 53/2012/TT-CA ban hành ngày 15/8/2012 Quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ CAND (8) nhưng không thể tìm thấy những thông tư này trong các trang web lưu trữ – giới thiệu những văn bản quy phạm pháp luật của Việt Nam. Vì sao? Có thể vì các thông tư vừa đề cập không hội đủ tiêu chuẩn văn minh chung.
Sở dĩ kẻ viết bài này phán đoán như thế vì trên một số website chuyên giải đáp những thắc mắc liên quan đến các quy định pháp luật có đề cập đến cái gọi là “tiêu chuẩn chính trị” để tuyển dụng ai đó vào lực lượng CAND: Ngoài việc phải khai về chính mình, đương sự còn phải khai về “ba đời” nhà mình (ông bà nội và anh chị em ruột của cha đương sự, ông bà ngoại và anh chị em ruột của mẹ đương sự/cha mẹ, anh chị em ruột của đương sự nếu mồ côi thì phải khai rõ về những người đã nuôi dưỡng đương sự từ nhỏ đến khi trưởng thành) để công an xác minh và… xét (9)!
***
Bảy năm trước, khi giải thích về “tiêu chuẩn chính trị” của CAND trong việc loại bỏ, sau đó “chiếu cố” những Lê Thị Bình, Nguyễn Đức Ngà, Bùi Kiều Nhi,… viên tướng là Tổng cục phó Tổng cục Chính trị của Bộ Công an khi ấy bảo rằng: Công an là ngành đặc thù, là lực lượng đảm bảo an ninh quốc gia, nên phải tuyệt đối trung thành. Bất kỳ chế độ nào cũng quan tâm đến việc đó. Những tội phạm như xâm phạm an ninh quốc gia, nói xấu đảng, nhà nước… thì những người trong gia đình đó ít nhiều bị ảnh hưởng. Các ngành khác có thể không quan tâm nhưng công an phải chặt chẽ. Thông tư quy định tiêu chuẩn chính trị của cán bộ, chiến sĩ công an nhân dân ban hành từ năm 2012, qua nhiều năm thực hiện chưa thấy phản ánh gì bất cập.
Cũng theo lời viên tướng đó: Mỗi ngành nghề có quy định về tiêu chuẩn khác nhau, khi thí sinh chấp nhận vào ngành thì phải tuân thủ quy định của ngành đó. Chưa có ai nói tiêu chuẩn của Bộ Công an là nặng hay nhẹ, mà các yêu cầu đều đảm bảo hợp lý. Tất nhiên, Bộ Công an không duy ý chí, trong từng thời điểm, có thể khi xã hội phát triển ở góc độ khác thì quy định có thể sẽ được điều chỉnh nhưng ở thời điểm hiện tại, khi đất nước thống nhất chưa lâu thì chưa thể bỏ quy định này được.
Giờ, đất nước thống nhất đã 48 năm, “tiêu chuẩn chính trị” – phân biệt đối xử hết sức phi nhân, vô lý ấy vẫn còn giá trị. Bao nhiêu năm mới đủ lâu? Với những gì như đã biết và đang thấy, cần phải hỏi tại sao đặt định, đề cao “tiêu chuẩn chính trị” như vậy, “thẩm tra lý lịch” nghiêm ngặt, kỹ lưỡng như vậy mà hiệu quả hoạt động của CAND Việt Nam lại như vậy. Tại sao chỉ ở bên ngoài Việt Nam, những người Việt như cô Hong Min Hee – Nguyễn Hồng Minh mới có cơ hội “lột xác”? Phi nhân và vô lý đến mức tàn tệ như vậy thì ai ở với đảng, bao nhiêu công an cho đủ?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/vtv4go/videos/6759467970757040/
(3) https://world.kbs.co.kr/service/contents_view.htm?lang=v&board_seq=387146
(4) https://www.sggp.org.vn/nu-canh-sat-viet-de-men-tren-dat-han-post569645.html
(5) https://tuoitre.vn/khong-duoc-vao-truong-cong-an-vi-ly-lich-974383.htm
(8) https://congan.dongnai.gov.vn/Pages/tthcnoidung.aspx?idtt=59
(9) https://luatminhkhue.vn/xet-ly-lich-3-doi-vao-cong-an-gom-nhung-ai.aspx
Việt Nam thuộc nhóm có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới
Một nhóm người phụ nữ bán hoa quả tại chợ Đồng Xuân, Hà Nội, năm 2019. (Ảnh: shell300/shutterstock)
Việt Nam là một trong các quốc gia có tốc độ già hóa dân số nhanh nhất thế giới và dự báo đến năm 2035 sẽ là 30% dân số.
Thông tin trên được đại diện Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) đưa ra tại Hội thảo bồi dưỡng, nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành tư pháp về phát triển công tác xã hội, do Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế, Bộ Tư pháp tổ chức ngày 21/11.
Thống kê cho thấy, hiện nay số lượng người yếu thế, dễ bị tổn thương, hoàn cảnh khó khăn có nhu cầu sử dụng dịch vụ công tác xã hội nhằm giải quyết các vấn đề xã hội chiếm khoảng 20% dân số.
Trong đó, có khoảng 17 triệu người cao tuổi, 7,06 triệu người khuyết tật, 10 triệu người có vấn đề sức khỏe tâm thần, 2 triệu trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt; khoảng 2,23% hộ nghèo và 3,1% hộ cận nghèo; 3,3 triệu người đang hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng và 1,5 triệu lượt hộ gia đình cần được trợ giúp đột xuất hàng năm…
Tình trạng bạo lực, bạo hành gia đình, phụ nữ và trẻ em bị ngược đãi, bị buôn bán, bị xâm hại; trẻ em lang thang kiếm sống trên đường phố; phòng chống HIV/AIDS, tệ nạn ma túy, mại dâm… tiếp tục là những vấn đề xã hội nóng, bức xúc cần phải tập trung giải quyết.
“Hiện chưa có văn bản quy phạm pháp luật quy định tổng thể, đầy đủ, chuyên sâu về công tác xã hội, quyền và nghĩa vụ của đối tượng công tác xã hội, người hành nghề công tác xã hội, quy trình và các điều kiện đảm bảo cung cấp dịch vụ công tác xã hội; trách nhiệm quản lý nhà nước và điều khoản thi hành về công tác xã hội”, đại diện Cục Bảo trợ xã hội cho hay.
“Dân số già” sẽ dẫn đến hệ lụy gì cho Việt Nam?
Theo cảnh báo đến từ Ngân hàng Thế giới, tốc độ già hóa dân số nhanh sẽ phát sinh rất nhiều vấn đề, trong khi Việt Nam có ít thời gian để thích nghi với một xã hội già hóa hơn so với các nền kinh tế phát triển.
Trước hết, dân số già sẽ đi đôi với việc chi tiêu nhiều hơn cho chăm sóc sức khỏe, hưu trí, trợ cấp, an sinh xã hội… trong khi thời gian để Việt Nam chuẩn bị thích ứng với dân số già ngắn hơn nhiều so với các nước khác, dẫn đến mức tích lũy của quốc gia không đáp ứng kịp nhu cầu của xã hội.
Bên cạnh đó, đa phần người cao tuổi không có tích lũy vật chất, là nhóm rất dễ bị tổn thương với những rủi ro kinh tế, xã hội.
Cơ cấu và mô hình bệnh tật của người cao tuổi ở Việt Nam hiện nay cũng đang thay đổi theo xu hướng bệnh không lây nhiễm ngày càng tăng, vừa tăng chi phí chăm sóc y tế vừa tạo thêm áp lực quá tải cho các bệnh viện.
Ông Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương, cho hay nghiên cứu thực trạng sức khỏe của hơn 610 người cao tuổi (trên 80 tuổi) tại Sóc Sơn (Hà Nội) cho thấy, trung bình một người cao tuổi mắc đến gần 7 bệnh. Trong đó nhiều nhất là bệnh đục thủy tinh thể, bệnh hô hấp, sa sút trí tuệ, tăng huyết áp, bệnh cơ xương khớp, rối loạn mỡ máu… Đây là gánh nặng rất lớn cho bệnh nhân cũng như gia đình, đặc biệt là vấn đề chăm sóc.
Người cao tuổi trong xã hội vẫn là một nguồn lực rất quan trọng và không thể thiếu. Họ là những người có trình độ, kiến thức, kỹ năng chuyên môn và bề dày kinh nghiệm trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Sức khỏe là điều kiện tiên quyết để người cao tuổi có cuộc sống tích cực, truyền đạt những kinh nghiệm sống quý báu và là chỗ dựa vững chắc về tinh thần cho con cháu.
Cùng với tuổi cao là sự xuất hiện của các tình trạng sức khỏe phức tạp có xu hướng xuất hiện vào những năm sau của cuộc đời. Đó là các hội chứng lão khoa như hội chứng dễ bị tổn thương, sa sút trí tuệ, sảng, tiểu không tự chủ, rối loạn dáng đi và ngã, suy giảm hoạt động chức năng…
Thêm vào đó, tình trạng đa bệnh lý, giảm sức đề kháng với bệnh tật, khả năng hồi phục sức khỏe kém đòi hỏi người cao tuổi phải được điều trị và chăm sóc một cách đặc biệt. Mặt khác, chi phí y tế và gánh nặng chăm sóc cho người cao tuổi cũng cao gấp nhiều lần so với người trẻ tuổi.
Tuy nhiên, các chuyên gia cho hay khả năng cung cấp dịch vụ y tế cho người cao tuổi còn nhiều hạn chế, như thiếu các cơ sở y tế (bệnh viện, trung tâm y tế, trạm y tế…) và thiếu nguồn nhân lực chăm sóc người cao tuổi (bác sĩ, điều dưỡng lão khoa, người chăm sóc…).
Bên cạnh đó, hệ thống nhà dưỡng lão, trung tâm bảo trợ xã hội còn hạn chế cả về số lượng và chất lượng…
Minh Long
ĐBQH đề xuất cần đảm bảo cán bộ có thu nhập khá để giảm tham nhũng
Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (Ảnh: quochoi.vn)
ĐBQH đoàn Bình Thuận đề nghị để phòng, chống tham nhũng có hiệu quả cần để cho cán bộ, công chức và viên chức sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội.
Tại phiên Quốc hội hôm 21/11, liên quan đến phòng ngừa tội phạm và tham nhũng, Đại biểu Bố Thị Xuân Linh (đoàn Bình Thuận) nêu trong báo cáo của Chính phủ, Đoàn chủ tịch Ủy Ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các bộ ngành, địa phương đã tiến hành 18.000 cuộc kiểm tra tại 156.708 cơ quan, tổ chức đơn vị.
Qua đó, tiến hành trên 15.000 cuộc kiểm tra thực hiện chế độ, định mức, tiêu chuẩn, phát hiện 900 vụ việc vi phạm, 1.400 người vi phạm và kiến nghị thu hồi, bồi thường 672 tỷ đồng.
Trong nhiệm kỳ qua, các cấp, các ngành đã tiến hành chuyển đổi vị trí công tác việc làm đối với gần 112.000 cán bộ, công chức, viên chức nhằm phòng ngừa tham nhũng và xử lý nghiêm trách nhiệm của người đứng đầu khi xảy ra tham nhũng. Bên cạnh đó, đã thụ lý 934 cán bộ, công chức, viên chức vi phạm thực hiện quy tắc ứng xử.
“Thậm chí tham nhũng, tiêu cực xảy ra ngay ở một số người làm nhiệm vụ phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và trong một số cơ quan thanh tra, kiểm tra và điều tra xét xử”, bà Linh nêu.
Để tiếp tục phòng chống tham nhũng hiệu quả, bà Linh đề nghị cần tiếp tục xây dựng và hoàn thiện chế độ tiền lương hợp lý, nâng cao mức sống của người lao động.
Bà Linh cho rằng lương và phụ cấp là những khoản thu chính và nguồn sống chính của cán bộ công chức. Tuy nhiên, thực tiễn đã cho thấy rằng, chính sách lương phụ cấp cũng còn nhiều bộc lộ, bất cập hiện nay.
“Để góp phần công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực có hiệu quả cần phải quan tâm đến mức sống của cán bộ, công chức và viên chức, cần để cho họ sống bằng lương và có mức thu nhập tương đương với mức thu nhập khá trong toàn xã hội”, bà Linh nói.
Bà Linh còn cho rằng trong quá trình xử lý những người vi phạm, đại biểu cho biết cần có sự phân loại đối tượng như: đối tượng chủ mưu, cầm đầu thì cần phải có biện pháp xử lý nghiêm minh; đối với những người vi phạm do thực hiện theo sự chỉ đạo của người đứng đầu, của cấp trên thì cần phải được xem xét, có chính sách khoan hồng…
Minh Long
Trưởng khoa say xỉn gây tai nạn ở TP.HCM: Bệnh viện làm việc với công an
Bệnh viện Nhân dân 115. (Ảnh: benhvien115.com.vn)
Phía bệnh viện cho biết đang làm việc với công an để xác minh vụ việc một trưởng khoa say xỉn gây tai nạn trên đường Cao Thắng (quận 10, TP.HCM).
Liên quan đến vụ tài xế ô tô có dấu hiệu say xỉn, tông xe và dải phân cách ở khu vực quận 10 (TP.HCM) đêm 20/11, sáng nay (ngày 21/11), báo Dân trí dẫn một nguồn tin cho biết người cầm lái chiếc xe nói trên là một trưởng khoa, làm việc lâu năm tại Bệnh viện Nhân dân 115.
“Bệnh viện đang cử cán bộ qua làm việc với công an để xác minh vụ việc”, lãnh đạo bệnh viện trên cho hay.
Trước đó, khoảng 19h ngày 20/11, một người đàn ông ngoài 40 tuổi lái ô tô mang BKS 51G-244.81 trên đường Cao Thắng (quận 10). Khi vừa qua khỏi ngã tư giao với đường 3/2 (phường 12, quận 10), chiếc ô tô va chạm với một xe máy do một cô gái cầm lái khiến cô này té ngã.
Theo người dân chứng kiến, lúc này, cô gái dựng xe lên để tiếp tục di chuyển thì tài xế ô tô bất ngờ lùi xe về sau rồi đột ngột tăng ga, lao vào xe cô gái và thanh lan can chắn giữa đường. Cô gái thấy vậy nên tìm cách bỏ chạy nên không bị thương.
Chiếc ô tô tiếp tục tông xe máy, cuốn chiếc xe máy vào gầm kéo lê 1 đoạn dài hơn 20m rồi mới dừng lại. Lúc này, nhiều người phát hiện nên tìm cách tránh né. Tài xế ô tô mở cửa xuống xe, người nồng nặc mùi bia rượu và bị người dân giữ lại.
Tại hiện trường, xe máy bị kẹt dưới gầm ô tô. Hai phương tiện hư hỏng nặng. Theo người đi đường, trong lúc dừng đèn đỏ, tài xế lái ô tô bóp còi inh ỏi, có biểu hiện không tỉnh táo khi gây tai nạn.
Tối cùng ngày, công an đã đưa người đàn ông trên về trụ sở để làm việc.
Khánh Vy
Không có nhận xét nào