Quê Hương tổng hợp
VNCS: Giới tranh đấu hoan nghênh chuyến công tác Việt Nam của Báo cáo viên LHQ
07/11/2023
" Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có 7 trong số này đến Việt Nam. Trong khi đó, các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn thì được Hà Nội chấp thuận viếng thăm như nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực, y tế…Lần gần nhất, năm 2017, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền lương thực Hilal Elver, có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Surya Deva bắt đầu đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển từ ngày 01/05/2023.
Ông Deva là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia".
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Đỗ Hùng Việt (phải) tiếp Báo cáo viên đặc biệt của Liên hợp quốc về quyền phát triển, ông Surya Deva. Photo Baotintuc.vn
Giới tranh đấu cho nhân quyền hoan nghênh chuyến công tác của Báo cáo viên Đặc biệt LHQ tại Việt Nam, chuyến thăm đầu tiên từ năm 2017. Ông Surya Deva, chuyên gia nhân quyền phụ trách Quyền Phát triển, đang có mặt tại Việt Nam, và sẽ làm việc tại Hà Nội, Hà Tĩnh, và Thành phố Hồ Chí Minh, từ ngày 6 đến 15 tháng 11.
Trong chuyến thăm Việt Nam lần đầu kể từ khi bắt đầu nhiệm kỳ vào tháng 05/2023, ông Deva sẽ đánh giá các nỗ lực của quốc gia trong việc thực hiện quyền phát triển, việc thúc đẩy hoàn thành các Mục tiêu phát triển bền vững, và xác định những thách thức còn tồn tại, Văn phòng Cao ủy Nhân quyền LHQ cho biết trong một thông cáo hôm 6/11.
Ông cũng sẽ tìm hiểu việc Chính phủ Việt Nam thúc đẩy và đảm bảo sự tham gia hiệu quả của người dân vào quá trình xây dựng chính sách, và ra quyết định liên quan đến phát triển kinh tế, xã hội, chính trị và văn hóa ra sao. Chuyến thăm của Báo cáo viên đặc biệt nhằm hỗ trợ Chính phủ củng cố luật pháp, chính sách và thực hành phù hợp với Tuyên bố về Quyền phát triển (năm 1986) và các tiêu chuẩn liên quan khác.
Báo cáo viên Deva viết trên trang X (Twitter) ngay khi đến Việt Nam: “Rất mong được gặp gỡ các quan chức chính phủ và các bên liên quan khác để đánh giá việc thực hiện Quyền Phát triển. Tôi sẽ xác định sự tiến bộ cũng như những thách thức đang diễn ra và đưa ra những khuyến nghị thiết thực!”.
Từ Tp. Hồ Chí Minh, cựu tù nhân chính trị Huỳnh Thị Tố Nga, chia sẻ ý kiến với VOA về chuyến công tác của ông Deva.
“Chuyến thăm của một chuyên gia LHQ như vậy thì rất đáng hoan nghênh để chúng ta có thể có những thảo luận về vấn đề nhân quyền nghiêm túc và thúc đẩy được nhân quyền ở Việt Nam. Đây là một vấn đề rất tốt cho đất nước của chúng ta”.
Bà Tố Nga, người mãn án tù hồi đầu năm nay, sau khi bị kết án 5 năm tù vì cáo buộc “Tuyên truyền chống Nhà nước”, cho biết thêm:
“Tôi mong rằng LHQ sẽ thúc đẩy vấn đề nhân quyền và dân quyền để vấn đề này được rõ ràng và minh bạch, bởi vì nhà cầm quyền Việt Nam trước cộng đồng quốc tế họ cam kết nghiêm túc chấp hành và đề cao nhân quyền, nhưng thực tế ở trong nước thì họ không làm như cam kết. Trái lại, họ đang bóp nghẹt quyền được nói, quyền được đưa ra ý kiến mang tính xây dựng của người dân ở trong nước”.
Từ Nghệ An, nhà tranh đấu Nguyễn Viết Dũng, chia sẻ với VOA về tính thực tiễn của các chuyến khảo sát như thế này từ LHQ:
“Việc xuất hiện của một báo cáo viên đặc biệt (Special Rapporteur - SR) tại Việt Nam không phải là điều gì mới. Từ trước đến nay đã có nhiều xuất hiện của các SR của các lĩnh vực khác nhau tại Việt Nam nhưng các kết quả thu được sau chuyến thăm so với trước chuyến thăm cũng không quá khác biệt. Tôi đang nhắc đến các kết quả nhằm cải thiện môi trường thực sự cho Việt Nam, chứ không phải là các kết quả nằm trên các báo cáo được in trên các trang giấy”.
“Tuy nhiên, là một người hoạt động vì tự do cho Việt Nam, tôi luôn chào đón mọi chuyến thăm của các SR, đặc biệt là chuyến thăm VN của báo cáo viên đặc biệt của LHQ về quyền phát triển, ông Surya Deva”.
Tổ chức nhân quyền Hiến Chương 19 (Article 19) gửi kiến nghị đến ông Deva hôm 2/11, nhấn mạnh rằng chuyến công tác này “là cơ hội đáng hoan nghênh để gây sức ép với chính quyền Việt Nam về mối quan hệ giữa tự do internet và quyền phát triển”.
“Chuyến thăm của ông Surya Deva là cơ hội tốt nhất để giải quyết các rào cản đối với việc thúc đẩy quyền phát triển ở Việt Nam, xem xét những thách thức đáng kể đặt ra đối với lĩnh vực công nghệ thông tin và truyền thông (ICT) và việc phủ nhận quyền tự do ngôn luận người dân Việt Nam”, tổ chức này cho biết trong một thông cáo.
Tổ chức này nói rằng quyền phát triển ở Việt Nam “hiện đang bị đe dọa bởi những nỗ lực của chính phủ nhằm hạn chế không gian công cộng, đặc biệt là trực tuyến. Trong khi internet và phương tiện truyền thông xã hội từng tạo điều kiện cho không gian dân sự rộng lớn hơn, thì những phát triển về pháp lý và công nghệ gần đây đã cho phép chính phủ đàn áp mạnh mẽ hơn”.
Một số gia đình tù nhân lương tâm Việt Nam hôm 3/11 cũng có buổi gặp gỡ trực tuyến với ông Deva, theo đài BBC và các trang Facebook của gia đình tù nhân Trịnh Bá Phương, Trịnh Bá Tư và Cấn Thị Thêu.
Trước khi hết thúc chuyến công tác tại Việt Nam, ông Deva sẽ tổ chức họp báo vào ngày 15/11/2023 tại một khách sạn ở Hà Nội. Đến tháng 9/2024, ông sẽ trình bày báo cáo của ông tại Hội đồng Nhân quyền LHQ.
Bộ Ngoại giao Việt Nam hôm 6/11 cho biết chuyến công tác của ông Deva được thực hiện theo lời mời của bộ này. Khi tiếp ông Deva, Thứ trưởng Ngoại giao Đỗ Hùng Việt nói rằng “cách tiếp cận của Việt Nam là tôn trọng, bảo vệ và thúc đẩy quyền con người”, theo Báo Tin tức. Ông Việt đồng thời “khẳng định Việt Nam luôn đặt con người ở vị trí trung tâm, là chủ thể và động lực của quá trình phát triển”.
Nhiều năm qua Việt Nam dường như không chấp nhận yêu cầu các chuyến thăm của báo viên đặc biệt phụ trách lĩnh vực nhạy cảm như tình hình của những người bảo vệ nhân quyền, quyền tự do lập hội và nhóm họp ôn hòa, về thúc đẩy và bảo vệ quyền tự do bày tỏ quan điểm và biểu đạt, về tra tấn, hạ nhục…
Theo thống kê của Văn phòng Cao uỷ Nhân quyền LHQ, kể từ năm 2010 đến nay, có 24 lượt Báo cáo viên đặc biệt của LHQ đề nghị thăm Việt Nam nhưng chỉ mới có 7 trong số này đến Việt Nam. Trong khi đó, các lĩnh vực ít nhạy cảm hơn thì được Hà Nội chấp thuận viếng thăm như nợ nước ngoài, nghèo đói cùng cực, văn hoá, lương thực, y tế…Lần gần nhất, năm 2017, Báo cáo viên Đặc biệt của LHQ về quyền lương thực Hilal Elver, có chuyến thăm Việt Nam.
Ông Surya Deva bắt đầu đảm nhận vai trò Báo cáo viên đặc biệt của LHQ về Quyền phát triển từ ngày 01/05/2023.
Ông Deva là Giáo sư tại Trường Luật Macquarie, đồng thời là Giám đốc Trung tâm Luật Môi trường tại Đại học Macquarie, Australia.
Các Báo cáo viên đặc biệt là một phần của Thủ tục đặc biệt (Special Procedures) của Hội đồng Nhân quyền LHQ, đó là một cơ chế độc lập của Hội đồng nhằm giám sát và tìm hiểu tình hình thực tế để giải quyết các tình huống cụ thể của quốc gia, hoặc các vấn đề chuyên đề ở tất cả các khu vực trên thế giới.
Các chuyên gia của Thủ tục đặc biệt làm việc trên cơ sở tình nguyện; họ không phải là nhân viên LHQ và không nhận lương khi làm việc. Họ độc lập không liên quan đến bất kỳ chính phủ hoặc tổ chức nào, và thực hiện công việc với tư cách cá nhân.
Intel gác kế hoạch mở rộng hoạt động sản xuất chip tại Việt Nam
Nguồn hình ảnh, Getty Images
8 giờ trước
Intel đã gác khoản đầu tư theo kế hoạch vào Việt Nam vốn có thể giúp tăng gần gấp đôi hoạt động của nhà sản xuất chip Hoa Kỳ này tại đây. Đây là một đòn giáng vào tham vọng ngày càng tăng của Việt Nam trong ngành công nghiệp chip, theo Reuters.
Trung tâm sản xuất điện tử Đông Nam Á này là nơi đặt nhà máy lắp ráp, đóng gói và thử nghiệm chip lớn nhất thế giới của Intel. Việt Nam đang mong đợi Intel sẽ mở rộng hơn nữa tại đây, đặc biệt sau khi Tổng thống Joe Biden công bố các thỏa thuận hỗ trợ ngành công nghiệp chip của nước này trong chuyến thăm vào tháng Chín.
Việt Nam muốn khẳng định mình là một lựa chọn thay thế Trung Quốc và Đài Loan, trong bối cảnh rủi ro chính trị và căng thẳng thương mại với Hoa Kỳ.
Nhưng ngay sau chuyến thăm của Biden, các quan chức Hoa Kỳ đã thông báo cho một nhóm chọn lọc các doanh nhân và chuyên gia của Hoa Kỳ rằng Intel đã gác lại kế hoạch mở rộng này, một trong những người tham gia cuộc họp nói với Reuters.
Nguồn tin giấu tên vì thông tin này được giữ bí mật cho biết Intel đã đưa ra quyết định đó vào khoảng tháng Bảy.
Người này nói rằng công ty Intel không cho biết lý do tại sao lại dừng việc mở rộng, nhưng một nguồn tin thứ hai tham dự hai cuộc họp riêng biệt trong những tuần gần đây giữa các công ty Mỹ và các quan chức hàng đầu của Việt Nam cho biết Intel đã nêu lên mối lo ngại về sự ổn định của nguồn cung cấp điện và tình trạng quan liêu quá mức.
Một trong những cuộc họp đó diễn ra vào tuần trước tại Hà Nội và có sự tham dự của Phó Thủ tướng Việt Nam Trần Lưu Quang theo Reuters.
Khi được hỏi về kế hoạch này, Intel từ chối bình luận nhưng nói với Reuters: “Việt Nam sẽ tiếp tục là một phần quan trọng trong hoạt động sản xuất toàn cầu của chúng tôi khi nhu cầu về chất bán dẫn tăng lên”.
Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Hà Nội từ chối bình luận. Chính phủ Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận.
Sự thay đổi của Intel sẽ là một đòn giáng mạnh vào tham vọng ngày càng tăng của Việt Nam trong việc đóng một vai trò lớn hơn trong ngành bán dẫn toàn cầu. Họ đã tổ chức các cuộc đàm phán với các nhà sản xuất chip, hy vọng thu hút các công ty đang tìm cách đa dạng hóa chuỗi cung ứng của mình.
Quyết định của Intel được đưa ra sau khi hãng này công bố các khoản đầu tư lớn vào châu Âu vào tháng Sáu và Việt Nam bị thiếu điện trong cùng tháng, buộc nhiều nhà sản xuất phải tạm thời đình chỉ sản xuất.
Intel cũng đang mở rộng đầu tư vào lĩnh vực đóng gói chip tại Malaysia, một trong những đối thủ chính của Việt Nam ở Đông Nam Á.
Trong chuyến thăm Hà Nội của Biden, Nhà Trắng đã tiết lộ những sáng kiến và đầu tư mới của các công ty chip Hoa Kỳ bao gồm Amkor (AMKR.O), Synopsys (SNPS.O) và Marvell (MRVL.O). Intel đã không được đề cập đến.
Chung Seck, đối tác tại công ty luật Baker & McKenzie Việt Nam nói với Reuters: “Bạn không thể đương nhiên cho rằng vì Intel đã đầu tư vào đây nên họ sẽ đầu tư nhiều hơn nữa”.
Reuters đưa tin vào tháng Hai rằng Intel đang lên kế hoạch đầu tư mới có thể trị giá khoảng 1 tỷ USD vào Việt Nam, để thúc đẩy nhà máy trị giá 1,5 tỷ USD của họ tại nước này. Khi được hỏi về kế hoạch đầu tư khả thi vào thời điểm đó, Intel nói với Reuters: “Việt Nam là một phần quan trọng trong mạng lưới sản xuất toàn cầu của chúng tôi, nhưng chúng tôi chưa công bố bất kỳ khoản đầu tư mới nào”.
Cổng thông tin chính thức của chính phủ Việt Nam đã đề cập đến kế hoạch thu hút 3,3 tỷ USD đầu tư bổ sung từ Intel, nhưng sau đó đã gỡ thông tin này khi báo chí đưa tin.
Intel và các công ty đa quốc gia khác đã gây sức ép để chính phủ Việt Nam cung cấp các khoản hỗ trợ tài chính trị giá hàng triệu USD khi nước này đưa ra mức thuế mới đối với các công ty lớn như một phần của cuộc cải tổ thuế toàn cầu. Các kế hoạch về thuế và trợ cấp dự kiến được áp dụng vào năm tới vẫn đang được thảo luận.
Hoa Kỳ đưa Việt Nam trở lại danh sách ‘‘giám sát thao túng tiền tệ’’
Trọng Thành /RFI
08/11/2023
Trong báo cáo định kỳ nửa năm một lần đệ trình Quốc Hội Mỹ hôm 07/11/2023, bộ Tài Chính Hoa Kỳ đã đưa Việt Nam trở lại danh sách các nước cần giám sát về nguy cơ ‘‘thao túng tiền tệ’’. Cùng được đưa vào danh sách này có 5 đối tác thương mại lớn khác của Mỹ, gồm Trung Quốc, Đức, Malaysia, Singapore, Đài Loan.
Trụ sở bộ Tài Chính Mỹ tại Washington. Ảnh chụp ngày 06/06/2019. AP - Patrick Semansky
Theo Reuters, các quốc gia vượt quá hai trong số ba tiêu chí của bộ Tài Chính Mỹ sẽ được đưa vào danh sách ‘‘giám sát thao túng tiền tệ’’ (monitoring list). Cụ thể là thặng dư thương mại với Mỹ trên 15 tỷ đô la, thặng dư tài khoản vãng lai (current account surplus) quá 3% GDP, hoặc lượng mua ngoại tệ ròng liên tục vượt quá 2% GDP trong thời gian một năm (tức ‘‘đơn phương can thiệp trong thời gian dài vào thị trường ngoại tệ’’).
Báo chí trong nước cho hay thặng dư thương mại của Việt Nam với Mỹ là 105 tỷ đô la trong bốn quý tính đến tháng 6/2023, vượt quá xa ngưỡng quy định 15 tỷ đôla, và thặng dư ‘‘tài khoản vãng lai’’ 19 tỷ đôla, tương đương 4,7% GDP trong bốn quý.
Theo Reuters, hiện tại không có đối tác thương mại lớn nào của Mỹ nằm trong danh sách quốc gia thao túng tiền tệ. Hàn Quốc và Thụy Sĩ được loại khỏi danh sách ‘‘giám sát thao túng tiền tệ’’.
Trước đây, hồi tháng 12/2020, chính quyền của cựu tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định cả Việt Nam và Thụy Sĩ đều thao túng tiền tệ do sử dụng các biện pháp can thiệp. Đây là lần thứ ba, tính đến thời điểm đó, chính quyền Mỹ gắn nhãn thao túng tiền tệ lên một quốc gia, lần đầu là vào năm 1994 và lần thứ hai là vào năm 2019 đối với Trung Quốc. Tuy nhiên, ngay sau đó, chính quyền Biden vào tháng 4/2021 đã rút Việt Nam khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ.
Đại sứ Mỹ cam kết tìm cách trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa
07/11/2023
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper (trái) cùng Tổng lãnh sự Tổng Lãnh sự Susan Burns thắp hương tại Nghĩa trang Biên Hòa (còn gọi là Nghĩa trang Bình An) hôm 13/10.
Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Marc Knapper nói Nghĩa trang Quân đội Biên Hòa, nay là Bình An, nơi an nghỉ của những tử sỹ Việt Nam Cộng hòa, cần được đại trùng tu sau khi Dân biểu Hoa Kỳ Michelle Steel nêu quan ngại về tình trạng “đáng buồn” của nơi được xem là một di sản của Chiến tranh Việt Nam.
Dân biểu Steel vào cuối tháng 9 gửi cho Đại sứ Knapper một bức thư trong đó bà bày tỏ quan ngại sâu sắc về việc các ngôi mộ ở nghĩa trang quân đội quốc gia của miền Nam Việt Nam, được chính quyền miền Bắc tiếp quản từ năm 1975 khi Sài Gòn sụp đổ, bị hủy hoại “ở mức báo động.”
Đại sứ Knapper, người tiếp quản nhiệm kỳ đại sứ từ ông Daniel Kritenbrink hồi tháng 1 năm ngoái, cho VOA biết ông đã đi thăm Nghĩa trang Biên Hòa vào tháng trước và nhận thấy tình trạng này.
“Tôi tới thăm Nghĩa trang Nhân dân Biên Hòa/Bình An hôm 13/10 cùng với tổ chức NGO (phi chính phủ) Sáng hội Việt Mỹ (VAF) có trụ sở tại Hoa Kỳ,” Đại sứ Knapper nói trong email trả lời yêu cầu bình luận của VOA về quan ngại của Dân biểu Steel hôm 6/11. “Cá nhân tôi chứng kiến, thấy rằng nghĩa trang cần được trùng tu lớn.”
Trong bức thư gửi ông Knapper đề ngày 29/9, bà Steel nói rằng bà ủng hộ việc trùng tu nghĩa trang hiện là nơi an nghỉ của hơn một chục nghìn binh sỹ Việt Nam Cộng hòa. Theo dân biểu Mỹ, đây là nghĩa trang quân đội quốc gia cuối cùng còn lại ở tỉnh Bình Dương sau khi chính quyền Cộng sản miền Bắc phá hủy hết các nghĩa trang khác của tử sỹ miền Nam Việt Nam sau ngày Sài Gòn sụp đổ.
Nhiều cá nhân và tổ chức, trong đó có VAF, đã giúp trùng tu Nghĩa trang Biên Hòa. Theo ông Kevin Đặng, phó chủ tịch ngoại vụ của hội, VAF đã xây các ngôi một đất thành xi măng vào năm 2014. Ông Kevin, người cùng ĐS Knapper đi thăm nghĩa trang hôm 13/10, cũng cho biết rằng tình trạng của các ngôi mộ này “xuống cấp trầm trọng”.
Nói với VOA hôm 1/11, ông Kevin cho rằng nếu như tình trạng này không được tu sửa thì “trong vòng một thời gian rất ngắn, các ngôi một sẽ bị nứt vì rễ cây” và “sẽ bị xoáy mòn vào các huyệt đạo vì nước mưa.”
Theo Dân biểu Steel, Nghĩa trang Biên Hòa là một “di sản của Chiến tranh Việt Nam vẫn chưa được Đảng Cộng sản Việt Nam giải quyết.”
Bà đề nghị ĐS Knapper “nêu vấn đề của Nghĩa trang lịch sử Quân đội Biên Hòa với Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương và xin văn bản cho phép tiếp cận và cải thiện điều kiện tại nghĩa trang.”
Trả lời VOA, ĐS Knapper cho biết “chúng tôi sẽ tiếp tục làm việc với nhiều nhóm khác nhau, trong đó có chính quyền tỉnh Bình Dương, để tìm cách giải quyết những vấn đề đó.”
Ủy ban Nhân dân tỉnh Bình Dương không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Cựu Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius, trong cuốn sách “Nothing is Impossible: America’s Reconciliation with Vietnam” (Không gì là không thể: Quá trình hòa giải của Mỹ với Việt Nam) ra mắt vào năm 2021, cho biết rằng chính phủ Việt Nam đã để cho Nghĩa trang Biên Hòa xuống cấp và không cho phép cộng đồng người Mỹ gốc Việt chăm sóc nơi đây.
Ông Osius, trong thời gian nhiệm kỳ đại sứ từ 2014-2017, đã đề nghị Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung cho phép người thân của các tử sỹ VNCH được “đào mương và cắt rễ cây”, vốn là nguyên nhân gây xói mòn đất mộ khi mùa mưa đến khiến các quan tài bị cuốn trôi. Theo ĐS Osius, nghĩa trang này đóng một vai trò quan trọng đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, nhất là ở Mỹ, và có thể là “một điểm quan trọng trong sự hòa giải” giữa cộng đồng và chính quyền trong nước.
Bộ Ngoại giao Việt Nam không trả lời yêu cầu bình luận của VOA.
Khi đăng tải các hình ảnh của ĐS Knapper cùng Tổng lãnh sự Hoa Kỳ tại Việt Nam Susan Burns đến thăm Nghĩa trang Biên Hòa hôm 13/10, Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam nói rằng “Lịch sử giữa Hoa Kỳ và Việt Nam đã trải qua nhiều thăng trầm, nhưng cuối cùng, sự can đảm với mong muốn củng cố lòng tin và tình hữu nghị từ cả hai phía đã mang lại kết quả tích cực.”
Hai quốc gia cựu thù đã nâng cấp mối quan hệ lên mức cao nhất, đối tác chiến lược toàn diện, khi Tổng thống Joe Biden tới thăm Việt Nam hôm 10-11/9.
Ông Kevin hy vọng rằng với sự lên tiếng của Dân biểu Steel và sự tận mắt chứng kiến tình trạng Nghĩa trang Biên Hòa của ĐS Knapper, VAF “sẽ nhận được tin vui từ chính phủ Việt Nam” để được phép trùng tu các ngôi mộ bị xuống cấp tại nơi được xem là di tích lịch sử cuối cùng của Việt Nam Cộng hòa.
Bộ trưởng Tô Lâm: Vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu ‘quan hệ sân sau, thao túng nhiều cơ quan’
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm tại buổi chất vấn sáng 7/11. (Ảnh: quochoi.vn)
Bộ trưởng Bộ Công an – Đại tướng Tô Lâm khẳng định nhiều cơ quan đã bị thao túng, có quan hệ “doanh nghiệp sân sau” trong các vụ án lớn như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu…
Tại phiên chất vấn thành viên Chính phủ sáng 7/11, đại biểu Quốc hội Đỗ Huy Khánh (Phó giám đốc Sở Giáo dục Đồng Nai) yêu cầu Bộ trưởng Bộ Công an trả lời về việc điều tra án tham nhũng sắp tới ra sao, sao cho không bỏ lọt, không hàm oan, mang tính cảnh tỉnh theo quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, xử lý một vụ cảnh tỉnh cả vùng, một lĩnh vực”.
Trả lời chất vấn nói trên, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho hay chống tham nhũng là hoạt động trọng tâm của ngành công an trong thời gian qua.
Ông Lâm khẳng định nội bộ ngành công an đã được “làm sạch”, cho rằng đây là một trong những việc cần làm để chống tham nhũng. “Muốn làm chống tham nhũng tiêu cực được thì phải sắp xếp, tổ chức bộ máy tinh gọn, nâng cao ý thức và làm trong sạch nội bộ”, ông Lâm nói.
Tiếp đến, ông Lâm khẳng định các cá nhân tham nhũng đã bị điều tra, truy tố, xét xử theo phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, không bị tác động bởi bất kỳ ai… thu hồi nhiều tài sản cho Nhà nước”.
“Không để đối tượng trốn ra nước ngoài và cũng không dám trốn ra nước ngoài” – Bộ trưởng Bộ Công an tuyên bố.
Nói về giải pháp trong thời gian tới, Bộ Công an đề nghị 4 giải pháp. Thứ nhất là hoàn thiện thể chế, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước trong các lĩnh vực, thấy những sơ hơ thiếu sót thì phải khắc phục ngay. Ông Lâm dẫn chứng các lĩnh vực bị kiến nghị như tín dụng, chứng khoán, trái phiếu doanh nghiệp, đăng kiểm…
“Thứ hai, bổ sung những quy định về kiểm soát quyền lực, nhất là những người đứng đầu bộ, ngành, địa phương. Cần có chế tài mạnh mẽ để cắt đứt quan hệ doanh nghiệp sân sau, không để hình thành đối tượng có thể thao túng nhiều cơ quan, như vụ Việt Á, chuyến bay giải cứu”, ông Lâm nói.
Ông Lâm nhấn mạnh vào khâu xử lý đối tượng, cho rằng hiện nhóm tham ô tham nhũng bị xử lý với hai tội danh chính là tham ô tài sản và đưa hối lộ và nhận hối lộ.
“Bản chất của tội tham ô tài sản là ăn cắp tài sản của nhà nước, của nhân dân về làm của riêng của mình”, ông Lâm nói
Với nhóm tội phạm đưa hối lộ và nhận hối lộ – ông Lâm khẳng định việc này là phổ biến, phổ biến đến mức trong các vụ án tham ô tham nhũng vừa công bố, “chúng tôi chưa bắt đối tượng nào không nhận tiền”.
“Ở đâu đó có ý kiến rằng vì xử lý [tham nhũng] quá cán bộ không dám làm. Không phải. Không phải làm trái, không phải lợi dụng chức vụ quyền hạn mà là nhận hối lộ”, ông Lâm nhấn mạnh.
Bên cạnh các giải pháp trên, ông Lâm đề cập đến chuyển đổi số, cho rằng đây là một trong những giải pháp để hạn chế tham nhũng, nhất là tham nhũng vặt đang nhức nhối.
Đầu tháng 6/2022, Bộ Công an công bố Công ty CP Công nghệ Việt Á thu lãi khoảng 4.000 tỷ đồng và chi hoa hồng khoảng 800 tỷ đồng. Tại kết luận điều tra công bố vào ngày 7/8/2023, Bộ Công an xác định số tiền Công ty Việt Á đã hưởng lợi bất chính là hơn 1.200 tỷ đồng và số tiền chi để đưa hối lộ là hơn 106 tỷ đồng.
Giải thích về con số chênh lệch nhiều tỷ đồng nói trên, tại cuộc họp báo Chính phủ chiều 9/9, Trung tướng Tô Ân Xô, người phát ngôn Bộ Công an cho rằng con số cũ là từ lời khai ban đầu của các bị can. Còn con số đưa ra tại kết luận điều tra là dựa trên chứng cứ. “Chỉ khi có đủ căn cứ chứng minh ông Việt đưa tiền cho ai, đưa bao nhiêu tiền thì cơ quan điều tra mới kết luận”, ông Xô nói, “chứng cứ rõ đến đâu kết luận đến đó”, một số tỉnh vẫn đang điều tra.
Nguyễn Quân
Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu tôm hùm sống từ Việt Nam
RFA
08/11/2023
Tôm hùm đăng "tắc" đầu ra do Trung Quốc đột ngột dừng nhập khẩu (HMH)
VnEconomy
Trung Quốc ngừng nhập khẩu tôm hùm bông bông (Panulirus ornatus) từ Việt Nam từ tháng 10 đến nay mà không công bố nguyên nhân khiến nhiều hộ nuôi tôm lao đao.
Cục Thủy sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn) cho truyền thông hay tin trên trong ngày 8/11 sau khi một số cơ sở xuất khẩu và Hội Nghề cá tỉnh Phú Yên và Khánh Hòa phản ánh sự việc trên.
Theo Cục Thủy sản, Trung Quốc là thị trường lớn nhất của tôm hùm Việt Nam. Tính đến hết tháng 8 năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang Trung Quốc đạt 76 triệu USD, giảm 42% so với cùng kỳ năm 2022.
Ông Nguyễn Ân, Chủ tịch UBND xã Cam Bình, Cam Ranh cho biết trên Vnexpress, từ giữa năm đến nay, Việt Nam chỉ xuất được tôm hùm xanh sang Trung Quốc. Riêng tôm hùm bông, số lượng bán ra tại Cam Bình rất hạn chế vì Trung Quốc đã ngừng mua.
Còn theo phòng Kinh tế huyện Vạn Ninh, Khánh Hòa, toàn huyện có khoảng 35.000 ô lồng đang được người dân nuôi tôm hùm. Trong đó khoảng 17.000 ô lồng (gần 50%) nuôi tôm hùm bông, chủ yếu tập trung tại địa bàn xã Vạn Thạnh. Người nuôi cho biết khoảng ba tháng nay, thương lái dừng thu mua tôm hùm bông khiến người nuôi gặp nhiều khó khăn.
Đại diện Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn trong ngày 8/11 cho hay ngay sau khi nhận được phản ánh về việc Trung Quốc tạm dừng nhập khẩu tôm hùm bông sống của Việt Nam mà không nêu rõ lý do, Cục Chất lượng, chế biến và Phát triển thị trường đã có văn bản gửi Đại sứ quán và Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc. Tuy nhiên, theo thông tin từ Đại sứ quán, Thương vụ Việt Nam tại Trung Quốc, Tổng cục Hải quan nước này đã nhận được đề nghị của phía Việt Nam nhưng chưa thu xếp làm việc theo đề xuất của Bộ.
Bamboo Airways bị phong tỏa tài khoản vì nợ thuế hơn 102 tỷ đồng
08/11/2023
Máy bay Airbus A320 - 200 của Bamboo Airways ở sân bay Nội Bài, Hà Nội hôm 18/4/2019
Reuters
Hãng hàng không Bamboo Airways vừa bị Cục Thuế Bình Định cưỡng chế trích tiền từ tài khoản và phong tỏa các tài khoản ngân hàng vì nợ quá hạn hơn 102 tỷ đồng tiền thuế.
Truyền thông Nhà nước hôm 11/8 dẫn nguồn tin từ Cục Thuế tỉnh Bình Định cho biết đơn vị này đã cưỡng chế thuế từ tài khoản của Bamboo Airways số tiền là 102,5 tỷ đồng. Đây là số tiền thuế nợ quá 90 ngày kể từ ngày hết hạn thời hạn nộp thuế theo quy định.
Các tài khoản ngân hàng của Bamboo Airways bị phong tỏa bao gồm: Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam - Chi nhánh Quy Nhơn; Ngân hàng TMCP Quân đội - Chi nhánh Bình Định và Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam.
Bamboo Airways đang gặp những khó khăn trong vòng gần hai năm qua bắt đầu tư sau khi cựu Chủ tịch hãng này là ông Trịnh Văn Quyết bị khởi tố và bắt giam vào tháng 3/2022 với cáo buộc “Thao túng thị trường chứng khoán”.
Hồi tháng 9 vừa qua, Reuters loan tin cho biết khoảng 30 phi công nước ngoài đã nghỉ việc tại hãng trong vòng hai tháng vào khi hãng đang gặp những khó khăn về tài chính và chậm trả lương cho nhân viên.
Mới đây Bamboo Airways cho biết hãng sẽ hướng đến cắt giảm các hoạt động bay quốc tế và tập trung vào khai thác máy bay thân nhỏ và có thể rút khỏi mạng lưới bay đường dài. Bamboo Airways sẽ giảm tần suất của nhiều tuyến không hiệu quả vì nhu cầu thấp, gia tăng các tuyến có nhu cầu cao.
Không có nhận xét nào