Quê Hương tổng hợp
Vingroup lên tiếng về vụ hai công ty luật Mỹ điều tra VinFast Auto vi phạm luật chứng khoán
17/11/2023
Xe điện VinFast tại triển lãm ở Doha, Qatar hôm 6/10/2023 (minh hoạ)
AFP
Đại diện tập đoàn Vingroup của tỷ phú Phạm Nhật Vượng tại Việt Nam vào ngày 17/11 lên tiếng về thông tin VinFast Auto bị hai công ty luật tại Hoa Kỳ điều tra về vi phạm luật chứng khoán.
Mạng báo Vietnam Finance loan tin dẫn phát biểu của bà Hồ Ngọc Lâm, Trưởng ban Pháp chế Vingroup kiêm Phó Tổng Giám đốc phụ trách Pháp chế VinFast, cho rằng “việc kiện tụng là hết sức bình thường, thường xuyên ở Mỹ nên chúng tôi luôn sẵn sàng đối diện với việc này từ khi quyết định triển khai các hoạt động kinh doanh tại thị trường Mỹ.”
Phát biểu vừa nêu được đưa ra sau khi có thông tin lan truyền trên mạng xã hội về việc hai công ty Luật tư nhân tại Hoa Kỳ là Robbins Gelleer Rudman & Dowd và Pomerantz đang thu thập thông tin từ phía khách hàng để tiến hành cuộc điều tra về khả năng vi phạm luật chứng khoán Hoa Kỳ của VinFast Auto.
Cả hai công ty kêu gọi cung cấp thông tin tập trung vào việc lãnh đạo cấp cao VinFast không thông báo các thông tin quan trọng hoặc có các tuyên bố gây nên hiểu nhầm đến nhà đầu tư chứng khoán.
Bà Hồ Ngọc Lâm cho rằng VinFast luôn hướng đến việc công bố thông tin minh bạch cho nhà đầu tư.
Võ Văn Thưởng hoài công năn nỉ Mỹ công nhận VN có kinh tế thị trường
November 17, 2023
Quan chức Mỹ cao cấp nhất mà Võ Văn Thưởng gặp tại APEC là John Kerry, Đặc phái viên của Tổng thống Hoa Kỳ về khí hậu
“Kinh tế thị trường thì bình đẳng trong việc cạnh tranh với nhau. Nhưng đảng CSVN thì muốn giữ quyền lực cho mình nên ưu đãi những công ty thuộc phe mình, chèn ép công ty không cùng phe. Mỹ nhìn thấy có những công ty được trợ cấp, được ưu đãi về vốn, được hưởng thuế nhẹ, Mỹ biết có sự đối xử phân biệt, thiếu sự bình đẳng trong việc cạnh tranh.”
Võ Văn Thưởng lại kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, tiếp xúc Thống đốc California, gặp lãnh đạo các tập đoàn lớn của Mỹ, thăm đại học hàng đầu và thăm ‘Việt kiều yêu nước’ trong khuôn khổ chuyến công du kéo dài bốn ngày đến Mỹ.
Thưởng đang có mặt ở San Francisco theo lời mời của Tổng thống Mỹ Joe Biden để tham dự Thượng đỉnh APEC và các hội nghị liên quan cũng như có các hoạt động ngoại giao song phương với Mỹ.
Trong buổi trao đổi với Liên minh Doanh nghiệp Mỹ – APEC vào ngày 15/11, Thưởng được báo mạng VnExpress dẫn lời nói rằng ông mong muốn các doanh nghiệp Mỹ tác động đến chính quyền Mỹ để sớm công nhận quy chế kinh tế thị trường của Việt Nam, điều mà phía Mỹ đã hứa sẽ xem xét khi nâng cấp quan hệ hai nước lên đối tác chiến lược toàn diện hôm 10/9.
Nếu được Mỹ công nhận là nền kinh tế thị trường, Việt Nam sẽ có lợi thế trong các cuộc điều tra chống phá giá hay trợ cấp hàng xuất khẩu của Mỹ.
Tuy vậy, công luận nhận định rằng Thưởng hoài công, sau những lần giới chức lãnh đạo CSVN kêu gọi bất thành về chuyện này.
Dưới đây là một số ý kiến đáng lưu ý:
“Kinh tế thị trường mà đảng lãnh đạo thì ai mà thừa nhận mà kêu gào hoài?”
“Dân Việt Nam không có quyền tư hữu làm sao Mỹ công nhận kinh tế thị trường được?”
“Kinh tế thị trường thì bình đẳng trong việc cạnh tranh với nhau. Nhưng đảng CSVN thì muốn giữ quyền lực cho mình nên ưu đãi những công ty thuộc phe mình, chèn ép công ty không cùng phe. Mỹ nhìn thấy có những công ty được trợ cấp, được ưu đãi về vốn, được hưởng thuế nhẹ, Mỹ biết có sự đối xử phân biệt, thiếu sự bình đẳng trong việc cạnh tranh.”
“Mỹ dư biết Việt Nam có một số không ít công ty quốc doanh đội lốt tư nhân để qua mặt WTO và CPTPP nên dù không công khai tố cáo, Mỹ cũng rất khó có thể công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường. Hơn thế nữa, hôm nhậm chức, Võ Văn Thưởng phát biểu rằng “chế độ ta là phải kiên định vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Marx-Lenin”, điều đó có nghĩa nền kinh tế thị trường ở Việt Nam hiện nay chỉ là tạm bợ nếu không muốn nói là giả tạo. Con đường “định hướng xã hội chủ nghĩa” mà Việt Nam đang nhắm tới là cái ngày đánh tư sản mại bản, cướp tư liệu sản xuất đem về lại tay nhân dân để tiến lên chủ nghĩa xã hội.”
“Kêu gọi Mỹ công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường, kêu gọi có nghĩa là xin…! Đúng là kiểu “ngoại giao cây tre”. Việt Nam hiện nay có khác gì Trung Quốc đâu! Sở dĩ được các nước tư bản tự do thương tiếc vì bị Trung Quốc đì và lăm le xâm lược. Nhưng đảng, nhà nước Việt Nam thì lúc nào cũng sợ vía Trung Quốc và tăng cường tình hữu nghị giữa hai đảng cộng sản nhầm duy trì lâu dài thể chế độc đảng…
Với tình hình diễn biến chính trị thế giới hiện nay, Nga thì xâm lược Ukraine, Trung Quốc thì gây hấn Biển Đông đã làm cho thế giới chia làm hai phe rõ rệt: Phe độc tài khủng bố và phe tự do dân chủ. Trong tình thế này, thì CSVN không thể nào theo chiến lược đu dây được nữa.Nếu muốn quốc tếm không riêng một quốc gia nào, công nhận Việt Nam là nền kinh tế thị trường thì hãy cải cách thể chế một cách sâu rộng sao cho giống với các nước tư bản tự do!”
Việt Nam tăng cường mở rộng đảo ở Biển Đông, theo một trung tâm nghiên cứu
Cù Tuấn, biên dịch
17/11/2023
Ảnh: AMTI
HÀ NỘI, ngày 17 tháng 11 (Reuters) – Việt Nam đã tăng cường công việc nạo vét và bồi đắp ở quần đảo Trường Sa ở Biển Đông, tạo ra thêm 330 mẫu đất kể từ tháng 12 năm ngoái, một tổ chức nghiên cứu của Mỹ cho biết trong một báo cáo.
Trong báo cáo tuần này, Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế (CSIS) của Washington cho biết, việc mở rộng này, lớn hơn nhiều so với 120 mẫu Anh đã tạo ra từ năm 2012 đến năm 2022, khiến Việt Nam chỉ đứng sau Trung Quốc về việc xây dựng đảo ở quần đảo Trường Sa, theo quan sát qua hình ảnh vệ tinh.
Bộ Ngoại giao Việt Nam đã không trả lời ngay lập tức yêu cầu bình luận.
Trung Quốc tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển rộng lớn ở Biển Đông, bao gồm cả các khu vực mà Việt Nam đang xây dựng đảo.
Vùng biển này là một trong những tuyến đường thủy có nhiều tranh chấp nhất trên thế giới, nơi có hơn 3 nghìn tỷ USD hàng hóa thương mại đi qua mỗi năm. Trung Quốc, Brunei, Malaysia, Philippines, Đài Loan và Việt Nam đã đưa ra các yêu sách cạnh tranh đối với một phần hoặc toàn bộ quần đảo Trường Sa.
Việc mở rộng gần đây của Việt Nam là đáng chú ý nhất tại Barque Canada Reef, được gọi là Bãi Thuyền Chài ở Việt Nam, nơi mà báo cáo do Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI) của CSIS đưa ra cho biết 210 mẫu đất đã được tạo ra trong năm qua.
Báo cáo cho biết Việt Nam đã bắt đầu sử dụng máy nạo vét để “đẩy nhanh nỗ lực nạo vét” và vào tháng trước, Việt Nam đã bắt đầu nạo vét tại hai thực thể bổ sung, bao gồm South Reef (Đá Nam) và Central London Reef (Trường Sa Đông).
Họ cho biết những nỗ lực của Việt Nam vẫn tập trung vào việc nạo vét và bồi đắp, trong khi việc xây dựng cơ sở hạ tầng vẫn chưa bắt đầu.
Viện nghiên cứu này cho biết Trung Quốc đã tạo ra hơn 3.200 mẫu đất ở khu vực này từ năm 2013 đến năm 2016.
Vào tháng 8, Philippines, Malaysia, Đài Loan và Việt Nam đã bác bỏ bản đồ do Trung Quốc công bố thể hiện các yêu sách chủ quyền của nước này, bao gồm cả Biển Đông.
Mưa lũ, người Huế trở tay không kịp
Liên Thành
Nước sông Hương dâng cao, nhiều nơi ngập nặng (Ảnh: VOV).
“So với trận lũ năm 2022, đợt này nước dâng cao hơn khoảng 5 cm, đặc biệt quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Nhiều bàn ghế của quán cà phê không kịp di chuyển đành buộc lại, ngâm trong dòng lũ”, anh Phan Văn Hóa, 33 tuổi ở gần sông Hương cho biết.
17h hôm qua (15/11), anh Phan Văn Hóa, 33 tuổi ở gần sông Hương cho PV báo VnEexpress biết, hơn 20h tối cùng ngày, bất ngờ mưa như trút nước, lũ từ thượng nguồn tràn qua Đập Đá. Anh Hóa vội vàng dắt hai xe máy từ sân vào nhà, cùng vợ kê tủ lạnh, máy giặt lên cao. Chiếc sup cũng được bơm căng để đi lại khi cần thiết. Khoảng 30 phút sau, nước ào vào nhà, nhanh chóng dâng lên gần một mét.
Vợ chồng anh Hóa phải thức trắng đêm canh lũ và di chuyển đồ đạc lên tầng hai. “So với trận lũ năm 2022, đợt này nước dâng cao hơn khoảng 5 cm, đặc biệt quá nhanh khiến gia đình không kịp trở tay. Nhiều bàn ghế của quán cà phê không kịp di chuyển đành buộc lại, ngâm trong dòng lũ”, anh Hóa nói.
Xác định với mức ngập sâu thế này sẽ khó có thể rút hết trong 1-2 ngày tới, anh Hóa đã chèo sup đi mua thực phẩm dự trữ, mua đèn pin dự phòng.
Nhà cách sông Hương 2 km, chị Trần Thị My Ni, 33 tuổi, ở phường An Đông cũng bất ngờ khi nước lũ dâng nhanh trong đêm. Vợ chồng chị chỉ kịp di chuyển đồ điện tử lên cao, kê cao xe máy, còn lại hầu hết đồ đạc ngâm lũ.
“Tôi đã nhận thông tin lũ trên sông Hương, nhưng chiều qua thấy trời không mưa, nước sông Hương lên chậm nên chủ quan không kê đồ lên cao. Sau 2-3 tiếng buổi tối, nước đã ngập đường, tràn vào nhà 0,5 m”, chị Ni kể.
Nước lũ dâng nhanh nên nhiều cư dân sống trong khu đô thị mới An Vân Dương, TP. Huế đã cẩn thận di chuyển ôtô lên khu đất cao ráo phía trước trong đêm. Tuy nhiên, đến sáng nay nhiều ôtô vẫn ngập nửa bánh xe.
Thống kê của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn Thừa Thiên Huế, trừ A Lưới, 8 huyện thị của tỉnh đều ngập. Nằm ở hạ du ven sông Hương, toàn bộ 36 phường, xã của TP Huế đang ngập 0,5-1,2 m, trong đó khoảng 8.500 hộ dân ngập sâu 0,8-1,2 m.
7 huyện thị khác gồm Phong Điền, Quảng Điền, Hương Trà, Hương Thủy, Phú Vang, Phú Lộc, Nam Đông có khoảng 8.000 hộ dân bị ngập 0,3-0,6 m. Trừ quốc lộ 1 đã thông tuyến chiều nay, các tuyến quốc lộ khác, tỉnh lộ, huyện lộ, liên xã có nhiều đoạn chìm trong biển nước, giao thông chia cắt. Một người chết, một người mất tích do lật ghe.
Để đảm bảo an toàn, tỉnh đã cho toàn bộ học sinh nghỉ học hôm nay và ngày mai. Hơn 3.400 hộ dân với 8.800 người đã được sơ tán khỏi nơi ngập sâu, nguy cơ sạt lở. Điện lực đã cắt điện 824 trạm biến áp vùng thấp trũng, ngừng cấp điện cho 137.000 khách hàng, chiếm 41% tổng số khách toàn tỉnh.
Kinh thành Huế chìm trong biển nước, người dân chạy ghe đưa khách giữa phố kiếm tiền
Lê Thiệt /SGN
16/11/2023
Đại nội Huế như lênh đênh giữa biển nước. Để tránh đàn cá chép, cá koi thoát ra bên ngoài, Trung tâm Bảo tồn Di tích Huế đã dùng lưới vây lại – Ảnh: VNExpress
Nhiều tỉnh miền Trung đang bị mưa lũ nhấn chìm, trong đó Thừa Tiên – Huế là tỉnh chịu ảnh hưởng nặng nhất. Đặc biệt chỉ trong đêm 14 đến sáng 15 Tháng Mười Một, lượng mưa lớn cộng thêm nhiều đập tư nhân xả nước, khiến mực nước tại sông Hương vượt đỉnh lũ lịch sử ba năm trước, năm 2020.
Thành phố Huế đương nhiên bị nước bua vây, nhà dân, các tuyến đường đều ngập sâu, giao thông tê liệt. Đặc biệt, di tích lịch sử Kinh thành Huế cũng chìm trong nước lũ.
Di tích Nghênh Lương Đình, một trong hai công trình triều Nguyễn bị nước lũ bủa vây – Ảnh: VNExpress
Trong các đợt bão lũ Tháng Mười và Tháng Mười Một năm 2020, tại khu di sản Huế, nhiều điểm di tích Nghinh Lương Đình, Cung An Định, Lầu Tàng Thơ… bị ngập sâu, trong đó các cổng vào khu Hoàng Cung Huế nước ngập cả mét. Nhiều di tích dọc sông Hương cũng bị ngập nặng…
Năm nay một lần nữa các di tích lại bị nhấn chìm dưới dòng nước đục ngầu, khiến nhiều người lo lắng, xót xa.
Đến sáng ngày 16 Tháng Mười Một, dù nước đã rút ở những vùng trũng thấp, nhưng kinh thành Huế vẫn mang vẻ tang thương. Người ta chưa vội mừng, vì theo dự báo từ cơ quan khí tượng, trong 24 giờ nữa ở khu vực từ Thừa Thiên Huế đến Bình Định sẽ tiếp tục có mưa to đến rất to với lượng mưa phổ biến từ 150-250mm, có nơi trên 400mm. Nếu mưa xảy ra với cường độ lớn trong thời gian ngắn như thế, Huế lại chìm trong biển nước.
Nhân lúc nước chưa rút, có người chạy ghe giữa phố chở khách kiếm tiền triệu
Nước lũ dâng cao khiến việc đi lại của người dân tại khu vực trung tâm TP Huế gặp rất nhiều khó khăn. Một số người có ghe thuyền nhận ra nhu cầu đi lại của người dân nên mang ghe thuyền ra giữa phố rao chở thuê.
Anh Nguyễn Nam – một chủ ghe, thuyền trú tại phường Vỹ Dạ cho biết:
“Chúng tôi đã có kinh nghiệm sau khi trải qua nhiều đợt lũ lụt. Khi nước lũ dâng cao, người dân không thể chạy ôtô hay xe máy thì ghe, thuyền là phương tiện họ cần đến”.
Theo quan sát của phóng viên báo VietnamNet, từ sáng ngày 15 Tháng Mười Một, tại các trục đường chính như ngã tư Hùng Vương – Bà Triệu – Nguyễn Huệ, đường Tố Hữu, khu vực ngã Sáu… đã xuất hiện hàng chục chủ ghe. Tuy nhiên, không phải ai cũng dùng dịch vụ chuyên chở này vì giá khá đắt.
Anh Nguyễn Quang Tùng muốn đi từ nhà đến trung tâm thương mại tại Hùng Vương – Bà Triệu chỉ khoảng 2km, tuy nhiên anh Tùng giật mình khi người chủ ghe báo giá 400 ngàn đồng/lượt ($16.50) nên anh không đồng ý đi.
Ít phút sau, một chiếc ghe khác chạy qua, anh hỏi thì được báo giá 200 ngàn đồng/lượt ($8.25) nên vui vẻ thuê ghe để đi mua thực phẩm. Hiển nhiên, trên chiếc ghe của người chủ lúc này đã có nhiều người, không còn chỗ ngồi.
Mỗi chuyến, chủ ghe đón khoảng 4 – 5 khách với giá dao động 200 ngàn đến 400 ngàn đồng – Ảnh: VNExpress
Một chủ ghe cho biết, với những người dân làm nghề sông nước, dịch vụ “chạy ghe giữa phố” mỗi năm chỉ được một vài lần nên ai cũng muốn tranh thủ làm.
“Không có giá cố định nào cho dịch vụ dùng ghe chở thuê trong mùa mưa lũ cả mà tuỳ thuộc vào “cái tâm” của từng người.
Hầu hết, trước khi khách lên ghe, tôi thường báo giá trước và nếu đồng ý thì tôi chở chứ không chặt chém gì.
Chủ ghe này tâm sự: “Mỗi chuyến chở khoảng 4 – 5 người, mỗi ngày vợ chồng tôi cũng có thu nhập 5 – 6 triệu đồng”.
Các công ty xổ số Việt Nam đạt mức thu kỷ lục khoảng 94 tỷ đồng/ngày
Các công ty xổ số Việt Nam đạt mức thu kỷ lục khoảng 94 tỷ đồng/ngày. (Ảnh minh hoạ: (Ảnh minh họa: Tian Chad/Shutterstock)
9 tháng đầu năm, khoản thu từ xổ số của Việt Nam đạt mức kỷ lục hơn 34.500 tỷ đồng, tương đương 94 tỷ đồng/ngày, theo số liệu của Bộ Tài chính.
Truyền thông trong nước dẫn số liệu của Bộ Tài chính tính đến hết tháng 9, ước tính thu từ xổ số kiến thiết của cả nước đạt 34.546 tỷ đồng, tăng mạnh gần 20% so với cùng kỳ năm trước. Đây cũng là số thu xổ số kiến thiết trong 3 quý đầu năm cao nhất từ trước đến nay. So với kế hoạch cả năm 2023, khoản thu này đạt 92% tiến độ.
Nguồn thu từ xổ số kiến thiết tập trung tại các tỉnh, thành phố phía Nam. Tính riêng tại TP.HCM, thu từ hoạt động xổ số kiến thiết 9 tháng đầu năm đạt 3.585 tỷ đồng, chiếm khoảng 10% số thu cả nước và tăng 8% so với cùng kỳ.
Tại một số địa phương phía Nam khác, nguồn thu từ xổ số trong 9 tháng đầu năm cũng tăng mạnh và đều đạt trên mức nghìn tỷ. Đơn cử, số thu tại Đồng Nai đạt 1.630 tỷ đồng, tăng 35%; Cần Thơ 1.327 tỷ đồng, tăng 11%; Đồng Tháp hơn 1.520 tỷ đồng, tăng gần 20%; Tiền Giang 1.460 tỷ đồng, tăng hơn 15%; Vĩnh Long thu hơn 1.187 tỷ, tăng gần 10%…
Trong bối cảnh mọi hoạt động kinh tế khó khăn, xổ số kiến thiết là một trong số ít nguồn thu ghi nhận tăng trưởng so với cùng kỳ năm trước. Các nguồn thu lớn khác như thuế thu nhập cá nhân, thuế bảo vệ môi trường, các loại phí, lệ phí, thu từ dầu thô hay hoạt động xuất nhập khẩu đều sụt giảm.
Từ đầu năm 2023, Bộ Tài chính đã cho phép xổ số kiến thiết TP.HCM và 20 công ty xổ số kiến thiết ở khu vực miền Nam tăng số lượng vé phát hành từ 110 tỷ đồng lên 120 tỷ đồng trên một kỳ quay số.
Đến giữa năm, ông Đỗ Quang Vinh – Chủ tịch Hội đồng xổ số kiến thiết khu vực miền Nam – cho biết “xổ số đang ở thời kỳ thuận lợi nhất”. Ban thường trực Hội đồng đã đề nghị Bộ Tài chính cho tăng doanh số phát hành từ ngày 1/10; tăng hơn 8% doanh số lên 130 tỷ đồng mỗi kỳ vì cho rằng lượng vé phát hành “hiện không đủ nhu cầu”.
Điều này đã gây nhiều tranh luận trái chiều. Có ý kiến cho rằng phải kiểm soát sự phát triển quá nóng của thị trường, nhất là đối với khu vực miền Nam.
Bên dưới bài đăng của báo Tuổi trẻ về thông tin trên, nhiều người đã để lại bình luận rất đáng suy ngẫm.
Bạn TON ANH viết: “Kinh tế khó khăn, thất nghiệp tràn lan, người ta trông vào trò chơi may rủi để tìm vận may. Vì vậy nên công ty xổ số vượt dự toán là đúng thôi nhưng nhận xét chung thì đó đâu phải là tín hiệu đáng mừng…”
Một người có tên Hưu để lại bình luận: “Doanh thu xổ số càng tăng càng chứng tỏ người nghèo đang ngày càng tăng và cuộc sống của họ không còn gì để bám víu, chỉ còn hy vọng hão huyền vào trò may rủi, dù biết rủi nhiều hơn may. Người có tiền, có kinh tế ổn định có mấy ai chơi vé số đâu?”
Độc giả có tên Văn Tẻo viết: “Mừng vui cái gì? Mồ hôi nước mắt mặn chát trên mỗi tờ vé số. Ngon thì làm con chip, cái điện thoại bán cho thế giới lấy tiền về, chứ bấu víu ở người tàn tật, người nghèo thì vui cái gì…”
Bạn Trần Thanh Tùng bình luận: “Kinh tế quá khó khăn thì người dân hy vọng vào trúng số, nhưng tỉ lệ trúng quá ít ỏi nên ngành xổ số giàu là phải.”
Khánh Vi
Hải Phòng: Nữ chấp hành viên THADS bị cáo buộc gây thiệt hại gần 5,3 tỷ đồng
Bà Hoàng Thị Vân Anh nghe công an đọc lệnh khởi tố, bắt tạm giam. (Ảnh: vtc.vn)
Nữ chấp hành viên thuộc Chi cục Thi hành án dân sự (THADS) quận Ngô Quyền, Hải Phòng bị cáo buộc hành vi thiếu trách nhiệm gây thiệt hại gần 5,3 tỷ đồng.
Ngày 16/11, truyền thông Nhà nước đồng loạt đưa tin Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao đã tống đạt quyết định khởi tố và thi hành lệnh bắt tạm giam đối với Hoàng Thị Vân Anh – chấp hành viên thuộc Chi cục THADS quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng để điều tra về hành vi “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng” theo khoản 3, Điều 360 Bộ luật Hình sự 2015.
Đây là diễn biến mới nhất sau khi Cơ quan điều tra Viện KSND tối cao thụ lý, điều tra vụ án “Vi phạm quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo quyết định khởi tố vụ án của Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng hồi tháng 5.
Theo cơ quan chức năng, ngày 11/9/2022, Cơ quan CSĐT Công an TP. Hải Phòng nhận được đơn tố cáo về các sai phạm của đấu giá viên thuộc Công ty Đấu giá Hợp danh tài sản Đông Đô (gọi tắt là Công ty Đông Đô) trong quá trình tổ chức bán đấu giá tàu Hải Thắng 18.
Con tàu này là tài sản bị kê biên bảo đảm thi hành án của Chi cục THADS quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng.
Theo kết quả điều tra của công an, chấp hành viên Hoàng Thị Vân Anh ký hợp đồng với Công ty Đông Đô là công ty không đủ điều kiện để tổ chức bán đấu giá, đồng thời ký hợp đồng với cảng không đủ điều kiện để neo đậu tàu Hải Thắng 18, không khảo sát giá thuê neo đậu.
Việc thanh toán tiền thuê cảng để neo đậu tàu Hải Thắng 18 vượt quá số ngày so với hợp đồng và phụ lục hợp đồng, gây thiệt hại 1,3 tỷ đồng.
Ngoài ra, nữ chấp hành viên còn bị cáo buộc thiếu trách nhiệm trong việc kiểm tra, giám sát trong quá trình Công ty Đông Đô tổ chức bán hồ sơ, đấu giá tài sản dẫn tới vi phạm pháp luật, gây thiệt hại 3,98 tỷ đồng trong lần bán đấu giá tàu Hải Thắng 18 lần 1.
Ngoài bị can trên, VKSND tối cao còn ra Quyết định khởi tố bị can, bắt tạm giam Lương Minh Tuấn (SN 1989; trú tại phường Vạn Mỹ, quận Ngô Quyền, TP. Hải Phòng) để điều tra về hành vi “Vi phạm các quy định về hoạt động bán đấu giá tài sản” theo khoản 2 Điều 218 Bộ luật Hình sự 2015.
Bảo Khánh
Giá điện tăng đã ‘nhấn chìm’ ngành thép Việt Nam
17/11/2023
VNTB – Giá điện tăng đã ‘nhấn chìm’ ngành thép Việt Nam Ghi nhanh Hàn Lam Nhiều doanh nghiệp thép tiếp tục chìm trong thua lỗ và dự báo càng ảm đạm hơn khi giá điện vừa điều chỉnh tăng. Mùa báo cáo tài chính quý III vừa mới bắt đầu đã ghi nhận hàng loạt các doanh nghiệp ngành thép đua nhau báo lỗ. Hàng loạt doanh nghiệp phải chật vật tìm cách xoay sở trong bối cảnh nhu cầu của thị trường suy yếu, giá bán đầu ra giảm mạnh trong khi giá nguyên liệu đầu vào lại đắt đỏ, đặc biệt là giá điện vừa được điều chỉnh tăng. Công ty cổ phần Gang thép Thái Nguyên – Tisco (mã chứng khoán TIS) công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý 3-2023 với doanh thu ở mức 2.414 tỷ đồng, giảm 7% so với cùng kỳ năm ngoái. Doanh thu giảm trong khi chi phí tài chính và chi phí doanh nghiệp đều tăng ở mức lần lượt là 13% và 36% so với cùng kỳ đã khiến tổng lỗ sau thuế của doanh nghiệp là 59 tỷ đồng, đánh dấu quý lỗ thứ 5 liên tiếp của Tisco. Bên cạnh TIS, Công ty cổ phần Thép Vicasa – VnSteel cũng ghi nhận thua lỗ trong quý 3 vừa qua. Theo đó, doanh thu thuần của doanh nghiệp đạt 390 tỷ đồng, giảm 18% so với cùng kỳ năm trước và ghi nhận mức lỗ khoảng 3 tỷ đồng. Tuy nhiên, con số này được cho là khả quan vì đã giảm nhiều so với số lỗ 22 tỷ đồng mà công ty này ghi nhận trong quý II vừa qua. Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, lũy kế của Thép Vicasa đạt doanh thu 1.256 tỷ đồng và vẫn có lãi sau thuế hơn 3,5 tỷ đồng do kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm tăng cao, trong khi cùng kỳ lỗ 12,5 tỷ đồng. Một loạt doanh nghiệp họ VNSteel khác là Thép Thủ Đức – VNSteel (TDS), Thép Nhà Bè – VNSteel (TNB) cũng lần lượt báo lỗ sau thuế 491 triệu đồng, 2,7 tỷ đồng, 58,5 tỷ đồng trong quý III/2023. Kim khí TP. Hồ Chí Minh – VNSteel (HMC) là doanh nghiệp hiếm hoi trong nhóm báo lãi quý III dù mức lãi sau thuế chỉ vỏn vẹn 2 tỷ đồng. Hòa Phát dù báo lãi quý III tăng mạnh so với cùng kỳ nhưng lợi nhuận 9 tháng vẫn ở vùng đáy 8 năm. Theo đó, lũy kế 9 tháng, Hòa Phát đạt 85.430 tỷ đồng doanh thu, giảm 27% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế ghi nhận 3.830 tỷ đồng, giảm hơn 60% và tương đương 48% kế hoạch năm. Trong một báo cáo gần đây Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI) cho rằng ngành thép sẽ chưa thể trở lại đà tăng trưởng từ cuối năm nay. Theo PSI, thị trường bất động sản chưa thể có sự sôi động đủ mạnh để kích cầu cho thép xây dựng, dẫn đến khả năng tiêu thụ thép sẽ phụ thuộc nhiều vào việc triển khai các dự án đầu tư công trọng điểm của cả nước. Việc chậm giải ngân vốn đầu tư công sẽ là rủi ro lớn cho ngành thép về cuối năm 2023. Bên cạnh đó, việc xuất khẩu sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong quý IV/2023. Thị trường EU đang trở nên dè dặt hơn với những đơn đặt hàng mới trong tháng 9. PSI nhận định điều này sẽ tiếp diễn trong quý IV khi nhu cầu tiêu thụ là tương đối thấp. Đồng thời, giá bán thép cũng đang thiếu những động lực hỗ trợ. Nhu cầu yếu là lý do chính khiến cho giá thép giảm liên tục trong 2 quý vừa qua. Xu hướng này được dự báo sẽ tiếp diễn trong quý cuối năm. Lãnh đạo nhiều công ty thép đều cho rằng chưa thể dự báo được khi nào sẽ bớt khó khi các vấn đề của thị trường bất động sản nói chung vẫn chưa có dấu hiệu sáng hơn. Trong bối cảnh đó thì mới đây, Bộ Công thương đã quyết định điều chỉnh giá bán lẻ điện bình quân từ 1.920,37 đồng/kWh lên 2.006,79 đồng/kWh, tương đương tăng 4,5% (chưa bao gồm thuế giá trị gia tăng). Đây là lần tăng giá điện thứ hai trong năm nay. Chi phí giá điện đối với các công ty thép là một gánh nặng và tác động này sẽ gia tăng. Cụ thể, trong báo cáo phân tích mới đây của Công ty chứng khoán MiraeAsset, trong thời gian tới, một số ngành sản xuất sử dụng nhiều điện có thể ảnh hưởng tiêu cực như xi măng, hóa chất, luyện kim (thép), giấy. Với toàn cảnh chung đó của kinh tế công nghiệp Việt Nam, cho thấy viễn cảnh của đời sống ở thời gian còn lại ở nhiệm kỳ thứ ba của Tổng bí thư Nguyễn Phú Trọng ngày càng đậm gam màu xám xịt của khủng hoảng niềm tin trong tìm kiếm con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.
Copyright (C) https://vietnamthoibao.org
Việt Nam, Campuchia cam kết hợp tác quốc phòng
16/11/2023
Bộ trưởng Quốc phòng Phan Văn Giang (trái) trao quà lưu niệm cho Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia Tea Seiha tại Hà Nội vào ngày 13/11/2023.
Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam Phan Văn Giang và người đồng cấp Campuchia Tea Seiha vừa có cuộc gặp và cam kết tăng cường hợp tác nhằm mang lại thịnh vượng và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa quân đội và người dân hai nước, truyền thông Việt Nam và Campuchia đưa tin.
Cam kết được hai bên đưa ra trong cuộc gặp song phương vào ngày 13/11 khi Bộ trưởng Seiha dẫn đầu phái đoàn cấp cao của Bộ Quốc phòng Campuchia sang thăm Việt Nam từ ngày 12-14/11 theo lời mời của Bộ trưởng Quốc phòng Việt Nam.
“Trong cuộc gặp song phương, hai bộ trưởng đã tập trung vào việc tăng cường hợp tác giữa quân đội hai nước và duy trì mối quan hệ tốt đẹp giữa hai quốc gia và nhân dân hai nước”, Phnom Penh Post dẫn thông cáo báo chí ngày 14/11 của Lực lượng Vũ trang Hoàng gia Campuchia (RCAF) cho biết.
Lãnh đạo quân đội hai nước đánh giá cao hợp tác quân sự song phương giữa Campuchia và Việt Nam, đặc biệt là mối quan hệ tốt đẹp giữa hai Bộ Quốc phòng.
Hai bên cũng đồng ý tiếp tục trao đổi giữa các cấp và trong vấn đề giáo dục, đào tạo nhằm cải thiện nguồn nhân lực của lực lượng vũ trang hai nước, Khmer Times dẫn tuyên bố của Bộ Quốc phòng Campuchia cho biết.
“Hai bộ trưởng cam kết tăng cường hợp tác an ninh dọc biên giới và ngăn chặn các tội phạm xuyên quốc gia như buôn người và tội phạm ma túy nhằm cải thiện an ninh trật tự cho người dân hai nước”, tuyên bố nói.
Báo Quân Đội Nhân Dân Việt Nam cho biết thêm rằng hai phía cũng đồng ý tiếp tục triển khai thực hiện phân giới cắm mốc, vốn là một trong những nguyên nhân gây ra căng thẳng và xung đột giữa người dân hai nước láng giềng trong những năm trước.
Việt Nam tạm ngừng kinh doanh tạm nhập- tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ Campuchia, Lào
17/11/2023
Xe tải chở gỗ tại biên giới giữa Campuchia và Việt Nam (minh hoạ)
AFP
Kể từ ngày 1/1/2024, hoạt động kinh doanh tạm nhập-tái xuất gỗ tròn, gỗ xẻ từ rừng tự nhiên Campuchia, Lào phải tạm ngưng.
Thông tư số 21/2023/TT-BCT quy định như vừa nêu và truyền thông Nhà nước loan tin ngày 16/11.
Quy định mới được đưa ra sau bốn năm thực hiện một quy định trong lĩnh vực này từ tháng 11/2018 và có hiệu lực đến ngày 31/12/2023.
Mục đích của quy định mới được cho biết nhằm tiếp tục duy trì chính sách để hạn chế tình trạng khai thác, vận chuyển, buôn bán gỗ bất hợp pháp qua biên giới. Nhóm gỗ tròn, gỗ xẻ thuộc danh mục tạm nhập-tái xuất gồm HS 44.03 và 44.07.
Thông tư số 21 có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024 đến 31/12/2027.
Cách đây hơn chục năm, tổ chức Global Witness chuyên theo dõi về tình trạng tham nhũng tại những nơi phong phú nguồn tài nguyên thiên nhiên như gỗ, khoáng sản, dầu mỏ, kim cương…, ra báo cáo nêu rõ một số tập đoàn Việt Nam sang Campuchia và Lào phá rừng để trồng cao su.
Vào tháng 2 năm ngoái, Mạng Mongabay, chuyên đưa tin trong lĩnh vực bảo tồn và môi trường thế giới, loan đi phóng sự cho thấy bất chấp các quy định mới nhằm ‘làm trong sạch’ ngành gỗ Việt Nam, các nhà nhập khẩu trong nước vẫn tiếp tục nhập về khối lượng lớn gỗ cứng từ các điểm nóng về phá rừng trên thế giới.
Kết luận cuối cùng của Hoa Kỳ về điều tra chống lẩn tránh thuế đối với ống thép Việt Nam
17/11/2023
Ống thép
Báo Công Thương
Bộ Thương mại Hoa Kỳ (DOC) đã ban hành kết luận cuối cùng về việc điều tra chống lẩn tránh thuế đối với một số sản phẩm ống thép nhập khẩu từ Việt Nam vào thị trường Mỹ.
Thông tấn xã Việt Nam loan tin ngày 16/11 dẫn thông báo từ Bộ Công thương Chính phủ Hà Nội về quyết định vừa nêu từ phía Hoa Kỳ.
Quá trình điều tra được nêu rõ vào ngày 4/8/2022, DOC đăng công báo khởi xướng điều tra lẩn tránh thuế phòng vệ thương mại đối với một số sản phẩm ống thép nhập từ Việt Nam; chủ yếu thuộc mã HS 7306.61 và 7306.30. Số này bị cáo buộc làm từ thép cán nóng nhập của Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ về rồi gia công, chế biến đơn giản thành ống thép để xuất sang Mỹ. Mục đích được nói là lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tương ứng mà Hoa Kỳ áp dụng đối với các nước/lãnh thổ vừa nêu.
Hôm 9/8 vừa qua, DOC đăng công báo kết luận cuối cùng về việc điều tra sản phẩm ống thép hàn carbon và ống thép hàn không hợp kim dạng tròn của Việt Nam và cho rằng các sản phẩm nhập từ Việt Nam không lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng với mặt hàng tương tự của Đài Loan bởi không dùng thép cán nóng từ Đài Loan.
Còn đối với các sản phẩm ống thép bị điều tra còn lại, vào ngày 9/11, DOC đăng công báo kết luận giữ nguyên nhận định sơ bộ ban hành hồi tháng 4/2023. Theo đó doanh nghiệp Việt Nam có lẩn tránh thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp mà Hoa Kỳ đang áp dụng đối với Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc, Ấn Độ.
Tuy vậy DOC tiếp tục cho phép các nhà xuất khẩu Việt Nam (trừ doanh nghiệp bị kết luận không hợp tác đầy đủ trong quá trình điều tra) được tham gia cơ chế tự xác nhận không sử dụng thép cán nóng có nguồn gốc từ Trung Quốc, Đài Loan, Hàn Quốc để được miền áp dụng biện pháp.
Không có nhận xét nào