Header Ads

  • Breaking News

    Chuyện Việt Nam ngày Thứ ba 28 tháng 11 năm 2023

    Quê Hương tổng hợp

    15 người Việt tỵ nạn tại Thái Lan bị đưa vào trại tạm giam 

    Quang Nguyên /VNTB

    28/11/2023

    Tổng cộng 15 người Thượng đã bị cảnh sát đưa ngay vào trại tạm giam IDC . Những người đang tỵ nạn tại Bangkok cho VNTB biết, lúc 6g30 ngày 23 tháng 11, cảnh sát khu vực Bangyai, quân Nonthabury đã đột nhập 15 căn nhà trong khu những người Việt tỵ nạn đang tạm trú, bắt đi 11 người. Sau đó họ bắt thêm 4 người đang làm mướn gần đó. Tổng cộng 15 người Thượng đã bị cảnh sát đưa ngay vào trại tạm giam IDC, Immigration Detention Centre. Cảnh sát đã rút lui vào buổi trưa hôm sau, tuy nhiên đến tối ngày 28 họ vẫn lảng vảng trở lại. 

    Khu cảnh sát đột nhập bắt người nằm trong vùng bảo trợ của Mục Sư Pornchai, một nhà bênh vực người tỵ nạn nổi tiếng . Qua điện thoại, ông Dan.M.Trần, Giám đốc điều hành quỹ ACF Foundation cho biết cảnh sát Thái đã vào tận mỗi nhà, bắt đi những người đàn ông trưởng gia đình và để lại các người mẹ và con thơ, có người vừa sinh con. Tổ chức của ông đang tích cực vận động chính quyền Thái tha về số người bị bắt vừa qua. Ông Dan. Trần cho biết Thái Lan không ký công ước 1951 chấp thuận người tỵ nạn đến cư trú, cho nên tất cả người tỵ nạn đều bị xem như nhập cư bất hợp pháp. 

    Họ có thể bị bắt giữ bất cứ lúc nào dù đã nhận được chứng nhận tỵ nạn của phủ Cao Uỷ Tỵ Nạn Liên Hiệp Quốc. 

    (1) Khi đã bị cảnh sát bắt vào trại giam, họ chỉ có thể thoát ra bằng ba cách. Thứ 1, đóng tiền phạt với giá 50 ngàn bath, tương dương từ 1500 đến 1700 đô la Mỹ tùy thời giá. Tổ chức ACF F đang tìm cách có tổng số tiền 25500 đô la để bảo lãnh 15 người bị bắt ra. 

    Thứ 2, được đi định cư tại nước thứ 3, 

    Thứ 3, hoặc ký giấy xin về Việt Nam. Những người tỵ nạn không dám trở về vì họ sẽ bị chính quyền Việt Nam bắt, hành hạ và giam cầm. 

    Người tỵ nạn duy nhất xin trở lại Việt Nam từ trại tạm giam cách đây 1 tháng là ông Vũ Quốc Dũng, dù mang chứng bệnh hiểm nghèo cũng đang bị chính quyền giam tại Hóc Môn. Hồi đầu năm nay một người Duy Ngô Nhĩ xin tỵ nạn bị giam giữ tại IDC, Trung tâm giam giữ nhập cư Bangkok (Suan Phlu), đã bị chết, thúc đẩy những lời kêu gọi mới yêu cầu Thái Lan trả tự do cho một nhóm gồm 49 người dân tộc Duy Ngô Nhĩ hiện đã bị giam giữ ở nước này trong 9 năm. Aziz Abdullah, 49 tuổi, qua đời vào ngày 11 tháng 2 sau khi gục ngã trong phòng giam ở Suan Phlu. Chỉ khi anh ngã gục trong phòng giam chung, nhân viên mới đưa anh đến bệnh viện, nơi anh ta được tuyên bố là đã chết.(2) 

    Bên trong nhà tù IDC. Ảnh: ACF Foundation Điều kiện sống trong trại tù IDC của Thái Lan rất khắc nghiệt. Phòng giam khoảng một trăm mét vuông nhốt hơn 120 người và chỉ có một phòng vệ sinh. Nguy cơ lây bệnh tai mũi họng, viêm gan và các bệnh truyền nhiễm khác rất cao. Người tỵ nạn tại Thái Lan từ các quốc gia như Việt Nam, Campuchia, Miến Điện, Bắc Triều Tiên.. và những người du lịch ở quá thời hạn 90 ngày đều có thể bị bắt đưa vào tù. Dù được bảo lãnh ra khỏi IDC, người đã bị tù vẫn phải bị quản chế, trình diện cảnh sát Thái tháng 1 lần và vẫn có thể bị bắt bất cứ lúc nào. 

    Tham vọng của tổ chức ACF F nhận trách nhiệm “bảo lãnh tất cả những người tị nạn và tị nạn Việt Nam ra khỏi IDC (Trung tâm giam giữ người nhập cư) khi bị chính quyền Thái Lan bắt giữ.(3) 

    Xem ra đây là một trách nhiệm rất năng nề dù đã bảo lãnh ra nhiều người tỵ nạn với nhiều quốc tịch khác nhau ra khỏi nhà tù IDC. 

    Quỹ Từ thiện Toàn diện (ACF Foundation), được Bộ Tài chính Hoa Kỳ và Thái Lan công nhận là tổ chức phi lợi nhuận, một tổ chức đã gắn bó và giúp đỡ người Việt tỵ nạn tại Thái Lan, đặc biệt với người Thượng, thuộc cao nguyên Trung Nam Phần Việt Nam, Montagnard, từ năm 2012. 

    Từ năm 2012, những người trong tổ chức ACF F này đã vận động người Mỹ gốc Việt nâng cao nhận thức về cách giúp đỡ người tị nạn trong các lĩnh vực: Nơi tạm trú, thực phẩm, y tế, giáo dục, và đã gửi người qua Thái Lan dậy nghề cho một số phụ nữ trong diện tỵ nạn. Tính từ ngày tổ chức ACF F nhận trách nhiệm bảo lãnh cho những người tỵ nạn về chính trị, tôn giáo đến nay, tổ chức này đã bảo lãnh ra khỏi trại giam IDC Thái Lan ít ra là 82 người. 

    Chi phí bảo lãnh hơn 115,000 đô la Mỹ không kể các chi phí khác như viện phí sanh cho bà mẹ, trẻ em và các bệnh nhân. Số tiền này phần lớn được bỏ ra từ tiền túi của các thành viên của quỹ và của các mạnh thường quân thân hữu. Ông Dan Trần cho biết quỹ cũng rất trông đợi sự đóng góp của mọi người có lòng từ thiện. 

    Có hai cách hỗ trợ từ thiện: 1/ Zelle to donate@acffoundation.org và email tên địa chỉ mạnh thường quân để nhận thơ tạ ơn và đồng thời dùng thơ này khai miễn trừ thuế. 

    2/ Đóng góp online tại https://www.paypal.com/donate 

    Phóng viên VNTB đã liên lạc với một vài tổ chức của người Thượng tại Hoa Kỳ hỏi nếu họ có kế hoạch giúp đỡ, bảo lãnh những người bị cảnh sát Thái bắt nhốt trong mấy ngày qua, nhưng chưa được trả lời.

    Tham khảo: (1) https://www.facebook.com/acffoundation.2016 (2) https://www.globaldetentionproject.org/asylum-seekers-death-reveals-the-brutal-impact-of-thailands-indefinite-detention-measures-and-paltry-treatment-of-people-fleeing-persecution (3)https://mail.google.com/mail/u/0/?tab=rm&ogbl#inbox/QgrcJHsHlmSRcNjKxWtgwkbwNGNfFkCtCmQ?projector=1&messagePartId=0.1
    https://vietnamthoibao.org/.

    Nhật Bản và Việt Nam nâng cấp quan hệ lên thành đối tác chiến lược toàn diện

    Thanh Phương/RFI

    28/11/2023

    Nhật Bản và Việt Nam hôm qua, 27/11/2023, đã chính thức thiết lập quan hệ đối tác chiến lược toàn diện, cam kết mở rộng hơn nữa quan hệ an ninh, kinh tế nhân kỷ niệm 50 năm bang giao song phương. 

    Vietnam's President Vo Van Thuong is welcomed by Japan's Prime Minister Fumio Kishida during his visit to the prime minister's official residence in Tokyo, Japan November 27, 2023.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (P) tiếp chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng trong chuyến thăm dinh thủ tướng tại Tokyo, Nhật Bản ngày 27/11/2023. via REUTERS - POOL 

    Thông báo được đưa ra sau cuộc hội đàm giữa thủ tướng Fumio Kishida và chủ tịch nước Võ Văn Thưởng tại Tokyo hôm qua trong chuyến viếng thăm chính thức của lãnh đạo Việt Nam tại Nhật Bản.

    “Đối tác chiến lược toàn diện” mức cao nhất trong hệ thống phân cấp quan hệ ngoại giao của Việt Nam. Cho tới nay, Hà Nội chỉ mới thiết lập quan hệ này với 5 quốc gia: Trung Quốc, Nga, Ấn Độ, Hàn Quốc và Hoa Kỳ.  

    Trong khuôn khổ “Quan hệ đối tác chiến lược toàn diện vì hòa bình và thịnh vượng ở châu Á và thế giới”, tên chính thức đầy đủ của mối quan hệ mới, lãnh đạo Việt Nam và Nhật Bản đã đồng ý mở rộng hợp tác an ninh, đặc biệt là về việc cung cấp cho Việt Nam các thiết bị quốc phòng của Nhật Bản, hợp tác an ninh hàng hải và chuyển giao công nghệ.

    Hai nhà lãnh đạo cũng cam kết “tiếp tục tăng cường liên kết kinh tế giữa hai nước và khẳng định tầm quan trọng của hợp tác để đảm bảo an ninh kinh tế”. Nhật Bản là đối tác thương mại lớn thứ tư của Việt Nam và là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ ba ở Việt Nam. 

    Theo nhận định của trang mạng Nhật Bản The Diplomat, việc Việt Nam nâng cấp quan hệ với Nhật Bản ”phản ánh mối lo ngại chung của hai nước về sức mạnh và ảnh hưởng ngày càng lớn của Trung Quốc”. Tokyo và Hà Nội đã tăng cường quan hệ quốc phòng song phương, thể hiện qua việc Nhật Bản cung cấp tàu tuần tra cho Việt Nam để giúp nâng cao năng lực thực thi pháp luật hàng hải trên biển và một thỏa thuận về nguyên tắc được ký vào năm 2020, cho phép Nhật Bản xuất khẩu thiết bị và công nghệ quốc phòng sang Việt Nam. 

    Trong khi đó, theo trang mạng Nikkei Asia, hôm qua, lãnh đạo Nhật và Việt Nam cho biết đã thảo luận về hợp tác thông qua chương trình Hỗ trợ An ninh Chính thức (OSA) của Tokyo, tức là chương trình của Nhật Bản cung cấp thiết bị quốc phòng để nâng cao năng lực quốc phòng cho các quốc gia “có cùng chí hướng”. 

    Chương trình OSA của Nhật Bản đã được triển khai trong năm nay, với Philippines, Malaysia, Bangladesh và Fiji được chọn là bốn nước đầu tiên được nhận hỗ trợ. Nhưng, theo Nikkei Asia, Tokyo và Hà Nội hướng tới hợp tác chặt chẽ hơn ngoài khuôn khổ OSA, cụ thể là mở rộng hoạt động huấn luyện chung và thúc đẩy chia sẻ thông tin giữa lực lượng bảo vệ bờ biển của mỗi bên.

    Việt-Nhật bàn về viện trợ quân sự giữa mối đe dọa từ Trung Quốc 

    28/11/2023 

    AP 

    Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) họp báo chung tại Tokyo, ngày 27/11/2023.

    Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng và Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida (phải) họp báo chung tại Tokyo, ngày 27/11/2023. 

    Nhật Bản và Việt Nam ngày 27/11 nhất trí tăng cường quan hệ an ninh và kinh tế trước ảnh hưởng ngày càng tăng của Trung Quốc trong khu vực.

    Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida và Chủ tịch nước Việt Nam Võ Văn Thưởng hội đàm tại Tokyo và nhất trí mở rộng hợp tác an ninh, hợp tác về thiết bị quốc phòng và chuyển giao công nghệ, đồng thời bắt đầu thảo luận về chương trình viện trợ mới của Nhật Bản cho quân đội các nước đang phát triển có cùng quan điểm trong khu vực.

    Hai nhà lãnh đạo tuyên bố mối quan hệ Nhật Bản-Việt Nam sẽ trở thành “đối tác chiến lược toàn diện”, đưa sự hợp tác đang diễn ra giữa hai nước lên “tầm cao mới và tiếp tục mở rộng sang các mặt trận mới”, theo tuyên bố chung do Bộ Ngoại giao Nhật Bản cung cấp.

    Nhật Bản đang nhanh chóng phát triển mối quan hệ chặt chẽ hơn với Việt Nam, một quốc gia Đông Nam Á chủ chốt có vai trò kinh tế và an ninh quan trọng trong khu vực phải đối mặt với sự trỗi dậy và cạnh tranh của Trung Quốc với Hoa Kỳ và các quốc gia phương Tây khác.

    Với loan báo ngày 27/11, Nhật Bản hiện đã giành được vị thế là đối tác hàng đầu của Việt Nam, cùng với Hoa Kỳ, Trung Quốc và Ấn Độ.

    Tại cuộc họp báo chung sau cuộc gặp, ông Kishida tuyên bố Việt Nam là “đối tác quan trọng trong việc đạt được một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. Ông Thưởng cho rằng, sự hợp tác chặt chẽ giữa hai nước góp phần mang lại hòa bình và thịnh vượng cho khu vực.

    Theo thoả thuận Hỗ trợ An ninh Chính thức, Nhật Bản gần đây đã đồng ý cung cấp radar giám sát ven biển cho Philippines, một quốc gia Đông Nam Á có tầm quan trọng chiến lược khác đối với Nhật Bản và Mỹ trong bối cảnh căng thẳng leo thang về Đài Loan, nơi mà Bắc Kinh tuyên bố là lãnh thổ của mình.

    Chính phủ Kishida vào tháng 12 năm ngoái đã thông qua một chiến lược an ninh mới, liên quan đến việc tăng cường quân sự đáng kể, bao gồm cả khả năng phản công. Đây là sự thay đổi lớn từ nguyên tắc chỉ tự vệ của Nhật sau chiến tranh.

    Nhật Bản trong những năm gần đây cũng đã cung cấp một số tàu tuần tra cho Việt Nam để giúp tăng cường năng lực thực thi pháp luật trên biển. Việt Nam là một trong số các quốc gia bảo vệ lợi ích lãnh thổ của mình trước Trung Quốc ở Biển Đông đang tranh chấp. Nhật Bản từ lâu đã có tranh chấp lãnh thổ với Trung Quốc về các đảo ở Biển Hoa Đông.

    Ông Kishida và ông Thưởng nhất trí mở rộng hợp tác trên nhiều lĩnh vực từ thương mại, biến đổi khí hậu và kinh tế để đạt được một “Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

    Ông Thưởng, người đang có chuyến thăm bốn ngày với tư cách là quốc khách hiếm hoi đánh dấu kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao giữa hai nước, cũng sẽ đến thăm Cung điện Hoàng gia để dự cuộc gặp và ăn trưa do Hoàng đế Naruhito và Hoàng hậu Masako khoản đãi. Ông sẽ có bài phát biểu tại Hạ viện, cơ quan quyền lực hơn trong số hai viện quốc hội của Nhật Bản, và thăm một cơ sở năng lượng hydro ở Fukuoka, miền nam Nhật Bản.

    Vật tư y tế ‘giá rẻ’ từ Trung Quốc: Nỗi khổ của bác sĩ và rủi ro của bệnh nhân 

    28/11/2023 

    Nguyễn Lại /VOA


    Ảnh tư liệu - Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh phản đối việc bị chậm trả lương suốt 8 tháng.

    Ảnh tư liệu - Nhân viên Bệnh viện Tuệ Tĩnh phản đối việc bị chậm trả lương suốt 8 tháng. 

    Washington DC —  

    Sau một thời gian dài thiếu thốn vật tư y tế, các bệnh viện trong nước hiện đối mặt với làn sóng vật tư y tế từ Trung Quốc, một phần nguyên nhân dẫn tới tình trạng người nhà bệnh nhân phải tự tìm mua, từ thuốc kháng sinh cho tới thiết bị phẫu thuật, vì, theo các chuyên gia, vật tư y tế Trung Quốc “tuy giá rẻ nhưng đầy rủi ro.” 

    Một chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực không muốn nêu danh tính cho VOA biết trong tư thế một bệnh nhân nằm phòng chăm sóc đặc biệt tại bệnh viện Bạch Mai, ông mới thấu hiểu nỗi khổ của người bệnh khi phải dùng các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc. 

    “Truyền có mấy hôm mà cái kim dỏm nên sưng hết cả hai tay do bị hỏng ven, phá ven sưng tấy lên. Cái kim luồn nó không ra gì nên tự chọc ra khỏi lòng ven, phá hết ven. Mà đấy là mình nằm phòng VIP 3 triệu/ngày rồi đấy. Cả bệnh viện như thế thì biết làm thế nào được… Mấy ngày sau mình phải đem cái bộ dây truyền tốt từ bên viện mình sang.” 

    Cũng theo ông, vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc tràn vào hệ thống y tế Việt Nam là kết cục của quá trình thanh tra toàn diện các dự án cung cấp thiết bị và vật tư y tế thời gian qua, từ đó các bệnh viện đồng loạt tiến hành đấu thầu lại. 

    “Đấu thầu thì Trung Quốc họ vào và thả giá rất thấp, xong rồi về mới sản xuất (theo giá đó) nên giờ 99% là Trung Quốc trúng thầu. Mà Trung Quốc trúng thầu thì chất lượng không ra gì. Đến bây giờ sự hiện diện của hàng Mỹ và hàng châu Âu tại Việt Nam có lẽ chưa được 1%.” 

    Chuyên gia này cho biết thiết bị vật tư y tế giá rẻ Trung Quốc trúng thầu tại các bệnh viện thì cả bệnh viện lẫn bệnh nhân đều bất lợi, chưa nói đến những vấn đề khác. 

    “Ví dụ, một lưỡi dao mổ bình thường là 1.000 đồng/chiếc. Nhưng một ca mổ chỉ cần dùng một cái thôi. Nhưng khi đưa cấu hình là phải thế này thế kia, là thép… thì Trung Quốc sản xuất giống hệt và bán giá là 200 đồng. Nhưng một ca mổ lại phải dùng đến 6 lưỡi. Như thế là mặc dù họ trúng thầu nhưng cuối cùng lại đắt hơn. Như thế là bác sĩ khổ mà bệnh nhân cũng khổ vì tốn tiền hơn. Mà chưa kể là mình không giải trình về bảo hiểm cho bệnh nhân được vì bảo hiểm sẽ hỏi là một ca mổ rạch cái gì mà dùng tới 6 lưỡi dao,”ông phân tích. 

    Vẫn theo lời ông, quan trọng hơn là các loại vật tư y tế này không đảm bảo những yêu cầu khắt khe trong đa số các ca mổ khó trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực. 

    “Nhiều khi bệnh nhân chết mà chắc chắn họ không hiểu lý do tại sao. Hay lấy ví dụ các loại dịch hay kháng sinh. Ngày xưa một lọ kháng sinh có giá từ 70 – 80 nghìn đồng một lọ loại trung bình chứ chưa phải loại tốt đâu. Bây giờ thì được bán với giá 7 – 12 nghìn đồng; và như vậy thì giá thực chất của nó chỉ 5 nghìn đồng. Một lọ kháng sinh 5 nghìn với 80 nghìn nó phải khác nhau một trời một vực, dù cùng một tên công thức hay cùng một loại hoá chất. Loại của Tây phải 80 nghìn, lọ của Trung Quốc chỉ 5 nghìn thôi mà dùng loại 5 nghìn đấy có khi cả tháng chẳng có tác dụng. Trong khi nếu đánh đúng thì chỉ cần 1 – 2 lọ 80 nghìn là bệnh nhân đã khỏi rồi,” vị bác sĩ giải thích thêm. 

    Một đại diện doanh nghiệp, không muốn nêu tên, đã hoạt động trong lĩnh vực cung cấp thiết bị và vật tư y tế cho các bệnh viện trên cả nước nhiều năm qua, chia sẻ với VOA: 

    “Đồ Trung Quốc cũng có dăm bảy loại. Đồ Trung Quốc mà loại tốt thì cũng đắt chẳng kém đồ châu Âu hay đồ Mỹ. Nhưng nếu nhập hàng đấy về bán thì lấy đâu tiền ‘đút vào mồm’ cho ‘bọn kia’. Giống như làm đường đấy. Giao cho anh làm mà anh phải ‘phết’ lại mấy chục phần trăm thì lấy đâu còn tiền để anh làm công trình cho tử tế được.” 

    Từ kinh nghiệm của mình, doanh nghiệp này cho biết nếu không có những tiêu cực trong việc đấu thầu, ăn chia phần trăm đó thì thiết bị vật tư y tế giá rẻ của Trung Quốc hoàn toàn không có cơ hội bán được ở Việt Nam, chứ đừng nói đến chuyện tràn ngập như hiện nay. 

    “Việt Nam mình nó cơ chế như thế, chứ không phải người Việt Nam mình thích dùng hàng kém chất lượng đâu. Người Việt Nam người ta cực kỳ chịu chi cho đồ hiệu, đồ tốt nhất là trong lĩnh vực y tế. Nhưng cơ chế nó như thế,” anh lý giải. 

    Để đáp ứng nhu cầu kỹ thuật trong phẫu thuật các ca bệnh nặng, chuyên gia đầu ngành trong lĩnh vực phẫu thuật não và lồng ngực cho VOA biết hiện ông phải hướng dẫn người nhà bệnh nhân đến những cơ sở mà ông biết để mua các loại thiết bị vật tư y tế cần thiết. 

    “Những hãng không đấu thầu vào viện được thì người ta ký gửi tại các nhà thuốc ngoài cổng viện thì người nhà ra đấy mua thôi,” ông nói. 

    Tuy vậy, theo vị chuyên gia này thì đây cũng chỉ là “giải pháp tình thế.” Không phải gia đình bệnh nhân nào cũng có điều kiện để mua đầy đủ các loại thiết bị vật tư y tế vốn không hề rẻ này. 

    “Mình tiếc cái công học hành thì mình theo đuổi làm trong bệnh viện nhà nước nhưng mà chắc năm tới cũng tính chắc là ra bệnh viện ngoài làm thôi. Chứ làm thế này chán lắm. Chẳng có hiệu quả gì cả vì mình làm gì có trang thiết bị mà làm. Còn nếu cố làm mà không cẩn thận để bệnh nhân chết thì… Thôi ra ngoài mổ mấy ca nhẹ mà kiếm tiền,” chuyên gia này tâm sự. 

    Anh N.H.K, một lãnh đạo phụ trách vật tư và trang thiết bị y tế tại một bệnh viện lớn tại Hà Nội cho biết tình trạng tràn ngập của các loại vật tư y tế giá rẻ từ Trung Quốc tại hầu khắp các bệnh viện hiện nay có nguyên nhân từ quy định cách đây 2 năm trong việc chọn lựa nhà cung cấp. “Bây giờ chúng tôi bị bắt phải đấu giá qua mạng. Tức là đưa lên một cái đề bài thì nhà cung cấp sẽ đấu giá và mình chấm ở trên mạng và sau đó ai được thì họ mới mang hàng đến cho mình. Thế là Trung Quốc cứ nhảy vào đấu giá mà đồ Trung Quốc thì làm sao mà tốt được. Nói ví dụ đơn giản thế này: cái lưỡi dao mổ cắt amidan và nạo va của metronic, Mỹ thì có giá 4,8 triệu thế mà bây giờ Trung Quốc họ chào vào có 200 nghìn/lưỡi.” Anh K cho biết thêm theo quy định thì cứ ai chào giá rẻ nhất là phải mua nếu không sẽ là làm sai và nhiều khả năng bị thanh tra, kiểm tra. 

    Anh K cũng cho biết cách đây hơn nửa năm, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết mới cho phép các bệnh viện công lập tự xây dựng giá gói thầu và mua sắm trang thiết bị y tế công nghệ cao từ Mỹ và Châu Âu để vừa đảm bảo giải quyết khó khăn về vật tư thiết bị y tế trong nước, vừa đảm bảo phòng chống tham nhũng nhưng cho tới giờ nghị quyết này vẫn chưa phát huy được hiệu quả vì giờ đây không ai dám “quyết” những gói thầu cung cấp trang thiết bị y tế với giá cao sau khi cả lãnh đạo Bộ Y tế và nhiều bệnh viện đầu ngành vướng vòng lao lý vì những tiêu cực trong lĩnh vực này. 

    VOA đã cố gắng liên lạc với đại diện Bộ Y tế nhưng chưa nhận được hồi đáp.

    TTVNCS  Phạm Minh Chính: Việt Nam coi trọng quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện với Trung Quốc 

    27/11/2023 

    VOA Tiếng Việt 

    Thủ tướng Phạm Minh Chính (phải) và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào.

    Thủ tướng VNCS Phạm Minh Chính (phải) và Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào. 

    Việt Nam luôn coi trọng, duy trì và phát triển quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam – Trung Quốc và coi đây là yêu cầu khách quan, lựa chọn chiến lược, lâu dài và ưu tiên hàng đầu trong đường lối đối ngoại của mình, Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính khẳng định trong buổi tiệc chiêu đãi Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc Vương Văn Đào và đoàn đại biểu của Bộ này sang thăm và làm việc tại Việt Nam hôm 25/11, trang tin chính thức của chính phủ Việt Nam cho biết.

    Đáp lại, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cam kết tăng cường quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, nói rằng hợp tác thương mại giữa hai nước đã đạt được “kết quả tốt đẹp” và sẽ bao gồm các lĩnh vực chiến lược như nền kinh tế kỹ thuật số, phát triển xanh và thương mại điện tử xuyên biên giới, Reuters dẫn thông cáo của Bộ Thương mại Trung Quốc cho biết thêm.

    Trung Quốc luôn là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam kể từ năm 2004.

    Về đầu tư, Trung Quốc là nhà đầu tư nước ngoài lớn thứ 4 về vốn và đứng thứ nhất về số lượng dự án mới tại Việt Nam.

    Ở chiều ngược lại, Việt Nam là đối tác thương mại lớn thứ 4 của Trung Quốc và là đối tác thương mại lớn nhất trong Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) vào năm 2022.

    Thương mại song phương trong 10 tháng đầu năm 2023 đạt gần 140 tỷ USD.

    Tại cuộc gặp, Thủ tướng Phạm Minh Chính đề nghị hai bên khôi phục chuỗi cung ứng bị gián đoạn, rà soát các văn bản đã ký kết và nghiên cứu nâng cấp, ký kết các thỏa thuận hợp tác mới, thúc đẩy hình thành các khu thương mại xuyên biên giới và tăng cường kết nối cơ sở hạ tầng để thúc đẩy kết nối về kinh tế.

    Lãnh đạo Việt Nam cũng đề nghị Trung Quốc mở rộng nhập khẩu các mặt hàng nông sản chất lượng cao của Việt Nam, giúp hàng hóa Việt Nam thâm nhập sâu hơn vào các địa phương và hệ thống bán lẻ của Trung Quốc, tạo điều kiện thông quan cho hàng Việt Nam và thúc đẩy thành lập các cơ quan xúc tiến thương mại của Việt Nam tại các địa phương của Trung Quốc.

    Về phía Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, ông Vương cam kết sẽ tăng cường quan hệ thương mại song phương với Việt Nam, và đề nghị Việt Nam tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi cho các nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam, tăng cường hợp tác đa phương và cùng thúc đẩy liên kết kinh tế khu vực, trong đó có việc nâng cấp Hiệp định Thương mại tự do ASEAN-Trung Quốc.

    Trung Quốc và Hoa Kỳ đang tranh giành ảnh hưởng với các quốc gia Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, quốc gia vừa nâng cấp mối quan hệ với Washington lên mức đối tác chiến lược toàn diện vào tháng 9 vừa qua. Việc nâng cấp này đã đưa Mỹ, là cựu thù của Hà Nội, lên ngang hàng với Bắc Kinh và Moscow.

    Hồi đầu tháng này, Thứ trưởng Ngoại giao Trung Quốc Tôn Vệ Đông đã dẫn đầu đoàn đàm phán cấp chính phủ sang Việt Nam để bàn về vấn đề biên giới lãnh thổ giữa Việt Nam và Trung Quốc. Cuộc hội đàm giữa ông Tôn Vệ Đông và Thứ trưởng Thường trực Bộ Ngoại giao Việt Nam Nguyễn Minh Vũ được mô tả là diễn ra trong không khí “hữu nghị, thẳng thắn, cầu thị”, giữa bối cảnh căng thẳng về chủ quyền lãnh thổ giữa hai quốc gia láng giềng đang ngày càng gia tăng trong những năm gần đây.

    Vào tháng trước, các nguồn tin am tường nói với Reuters rằng các quan chức Việt Nam và Trung Quốc đang chuẩn bị cho chuyến thăm tiềm năng của Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình tới Hà Nội vào cuối tháng 10 hoặc đầu tháng 11, nhưng ba nhà ngoại giao ở Hà Nội sau đó cho biết chuyến thăm bị hoãn lại cho đến tháng 12.

    Bình Dương: Khởi tố thêm hai cựu cán bộ công an trong vụ cháy Karaoke An Phú

    RFA
    28/11/2023

    Bình Dương: Khởi tố thêm hai cựu cán bộ công an trong vụ cháy Karaoke An Phú


    Xe cứu hoả đến dập đám cháy tại quán Karaoke An Phú ở Bình Dương hôm 6/9/2022 

    AFP 

    Thêm hai bị can là cựu cán bộ công an liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú ở thành phố Thuận An, tỉnh Bình Dương làm 32 người tử vong, đã bị khởi tố.

    Ngày 28/11, truyền thông nhà nước cho biết, Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) tỉnh Bình Dương đã phê chuẩn quyết định khởi tố bị can đối với ông Vũ Trường Sơn (từng công tác tại Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an tỉnh Bình Dương, hiện đã xin ra khỏi ngành) và Phạm Quốc Hùng (từng công tác tại Công an TP.Thuận An) để điều tra về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Trước khi bị khởi tố, ông Sơn từng làm cán bộ thẩm duyệt của Phòng Cảnh sát PCCC - CNCH Công an tỉnh Bình Dương và liên quan đến việc tham mưu ký thẩm duyệt PCCC cho quán karaoke An Phú.

    Ông Phạm Quốc Hùng, đã bị tước danh hiệu công an nhân dân trước khi bị khởi tố.

    Trước đó, Cơ quan cảnh sát điều tra Công an tỉnh Bình Dương đã gửi Viện Kiểm sát nhân dân (KSND) cùng cấp đề nghị phê chuẩn quyết định khởi tố, nhưng sau đó bị trả hồ sơ để điều tra bổ sung.

    Sau khi hoàn thành điều tra bổ sung, hai ông Sơn và Hùng đã bị khởi tố bị can về hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Trong vụ án này, Công an tỉnh Bình Dương cũng đã khởi tố ông Nguyễn Duy Linh (Đội trưởng PCCC Công an TP.Thuận An) và Nguyễn Văn Võ (cán bộ, Công an TP.Thuận An) về cùng hành vi thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.

    Vụ cháy quán karaoke An Phú xảy ra tối 6/9/2022, khiến 32 người chết và 17 người bị thương.

    Sau vụ cháy, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố, bắt tạm giam bị can đối với Lê Anh Xuân (chủ quán karaoke An Phú) về tội "Vi phạm quy định về phòng cháy, chữa cháy".

    Đến thời điểm này, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bình Dương đã khởi tố năm bị can liên quan đến vụ cháy quán karaoke An Phú.

    Việt Nam đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng 6-6,5% và thu nhập bình quân đầu người 4.700-4730 USD

    27/11/2023

    Việt Nam đặt mục tiêu năm 2024 tăng trưởng 6-6,5% và thu nhập bình quân đầu người 4.700-4730 USD

    Chính phủ Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kết hợp với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngAFP 

    Quốc hội Việt Nam vừa thông qua mục tiêu tăng trưởng tổng sản phẩm nội địa (GDP) năm 2024 là từ 6-6,5% và thu nhập bình quân đầu người từ 4.700USD – 4.730 USD.

    Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ ký nghị quyết đối với các mục tiêu tăng trưởng vừa nêu vào ngày 24/11 vừa qua.

    Chính phủ Hà Nội cho biết sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng kết hợp với duy trì ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát và bảo đảm cân bằng cho nền kinh tế...

    Vấn đề tháo gỡ những nút thắt về chính sách và cơ chế cũng được tập trung, giải phóng các nguồn lực và giải quyết các vấn đề cho phát triển thị trường.

    Việt Nam cũng đặt ra mục tiêu giảm 1% tỷ lệ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều.

    Dự báo tăng trưởng GDP cho năm 2023 của Việt Nam được cho biết ở mức khoảng trên 5%, thấp hơn chỉ tiêu đề ra ở mức khoảng trên 6,5%.

    Trung Quốc đặt thêm yêu cầu gây khó cho tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam vào nước này

    27/11/2023

    Trung Quốc đặt thêm yêu cầu gây khó cho tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam vào nước này

    Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu tôm hùm của Việt Nam nên cần phải đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đề ra. 

    https://www.rfa.org/++plone++rfa-resources/img/icon-zoom.pngVnEconomy 

    Tôm hùm Việt Nam muốn được nhập vào thị trường Trung Quốc phải đáp ứng một số yêu cầu mà theo ngành chức năng Việt Nam đang gây khó cho nhiều người nuôi trong nước. Tuy nhiên Trung Quốc là thị trường nhập khẩu chủ yếu mặt hàng này của Việt Nam nên cần phải đáp ứng các yêu cầu mà Trung Quốc đề ra.

    Thông tin vừa nêu được đưa ra tại Hội nghị “Thực trạng cung ứng giống, thức ăn, vật tư nuôi biển; truy xuất nguồn gốc sản phẩm và giải pháp phát triển bền vững nuôi biển Việt Nam” diễn ra hôm 25/11.

    Phó Cục trưởng Cục Chất lượng, Chế biến và Phát triển Thị trường thuộc Bộ Nông nghiệp- Phát triển Nông thôn Việt Nam, ông Lê Bá Anh, cho biết từ ngày 1/2/2021, Trung Quốc quy định tôm hùm bông, một trong hai mặt hàng tôm hùm xuất khẩu chính của Việt Nam sang Trung Quốc, thuộc danh sách nguy cấp nhóm II. Đến tháng 5/2023, Trung Quốc cho sửa luật về bảo vệ động vật hoang dã, trong đó cấm đánh bắt động vật thuộc danh sách nguy cấp ban hành năm 2021. Như thế tôm hùng bông tự nhiên bị cấm đánh bắt, sử dụng, giao dịch buôn bán.

    Cách xác định tôm hùm nuôi, không đánh bắt tự nhiên, phải trải qua quá trình nuôi. Con giống khai thác từ tự nhiên cũng bị phía Trung Quốc xem là tôm khai thác tự nhiên.

    Nước xuất khẩu phải thống kê cơ sở nuôi, sản lượng; đăng ký cơ sở nuôi tôm hùm bông; đăng ký cơ sở bao gói xuất khẩu với Tổng Cục Hải quan Trung Quốc để được phê duyệt.

    Các cơ sở nuôi tôm hùm để xuất sang Trung Quốc còn phải bảo đảm các yêu cầu như hệ thống quản lý an toàn thực phẩm (ATTP) được Tổng Cục Hải quan Trung Quốc đánh giá, công nhận tương đương với hệ thống của Trung Quốc.

    Ngoài những quy định về nhãn mác, tên hàng hóa, tên khoa học còn phải cung cấp thêm thông tin về phương thức sản xuất (đánh bắt hoặc nuôi); khu vực sản xuất, địa chỉ cụ thể vùng nuôi.

    Thống kê cho thấy trong chín tháng đầu năm nay, xuất khẩu tôm hùm của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc giảm hơn 46% so với cùng kỳ năm 2022, chỉ đạt 95 triệu USD.

    Thị trường Trung Quốc chiếm đến 98-99% lượng tôm hùm xuất khẩu của Việt Nam; số còn lại Việt Nam xuất sang Thái Lan, Singapore, Hong Kong, Đài Loan.


    Không có nhận xét nào