Quê Hương tổng hợp
Ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt - Tiếng nói bảo vệ dân oan bị dập tắt
20/11/2023
Ông Lưu Bình Nhưỡng
Quochoi.vn
Bảo vệ dân oan
“Bản thân tôi rụng rời hết chân tay, còn bà con dân oan ở Ngô Thời Nhậm khi nghe tin ông bị bắt thì mọi người đều rất buồn, có một người dám nói lên sự thật giúp bà con nhưng bây giờ bị “bịt mắt bịt miệng” thì bà con rất là vô vọng.”
Ông Nguyễn Trường Chinh, bố của tử tù Nguyễn Văn Chưởng nói với RFA về cảm xúc của mình khi hay tin ông Lưu Bình Nhưỡng, phó Ban Dân nguyện Quốc hội, cựu Đại biểu Quốc hội bị bắt về tội “cưỡng đoạt tài sản” vào hôm 14/11 vừa qua.
Ông Lưu Bình Nhưỡng là tiếng nói hiếm hoi từ Quốc hội lên tiếng một cách công khai về lệnh thi hành án đối với tử tù Nguyễn Văn Chưởng vào đầu tháng 8 vừa qua. Ông Nhưỡng cũng đã nhắn tin trực tiếp cho Chủ tịch nước Võ Văn Thưởng đề nghị tạm hoãn thi hành án, đồng thời tiến hành xem xét theo thủ tục đặc biệt đối với tử từ này.
Ngoài ra, hôm 27/9, ông Nguyễn Trường Chinh còn được gặp trực tiếp ông Lưu Bình Nhưỡng để trình bày về những oan khuất trong vụ án của con trai mình:
“Nói chung vào buổi tiếp hôm ấy, ông ấy cũng hỏi cặn kẽ và cho tôi trình bày hết những oan sai của con tôi.
Ông ấy bảo “cái này thì tôi sẽ tiếp nhận đơn của bác và tôi sẽ đề đạt lên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Tư pháp Quốc hội để có phương pháp giải quyết. Tôi sẽ làm hết sức của mình, còn được như thế nào đó là tùy vào cấp trên của tôi… Thành thử bác cứ chờ đợi. Tôi mong bác có nhiều sức khỏe để tiếp tục con đường tìm công lý cho con của bác.”
Lúc chia tay ông ấy có dặn như thế.”
Không chỉ lên tiếng trước các vụ án oan nổi cộm trong thời gian qua, ông Lưu Bình Nhưỡng còn quan tâm đến các vụ khiếu kiện đất đai lâu năm, điển hình như vụ ở Thủ Thiêm, TP. HCM vốn đã kéo dài hàng chục năm qua.
Ông Nguyễn Hồng Quang, một người dân khiếu kiện đòi đất ở Thủ Thiêm cho biết ông đã in tất cả hồ sơ, chứng từ khiếu nại và trao tận tay ông Lưu Bình Nhưỡng hồi tháng 6/2022:
“Chúng tôi lên gửi cho toàn bộ tập hồ sơ rồi. Ông ấy hứa nhiều lần là sẽ đeo đuổi cái vụ Thủ Thiêm cho tới cùng, cho tới khi giải quyết xong. Ông Nhưỡng hứa nhiều lắm và liên tục gặp người dân Thủ Thiêm, đến bốn năm lần.”
Ông Quang cho biết, trước đây hay đến tận bây giờ, khi ông Lưu Bình Nhưỡng không còn là Đại biểu Quốc hội mà chuyển sang làm bên Ban Dân nguyện, bà con Thủ Thiêm vẫn gởi đơn cho ông là vì:
“Vì tin tưởng ông Lưu Bình Nhưỡng, không phải ông ấy lo lắng cho dân oan, nhưng ông ấy là một người một giáo sư luật 20 năm, ông ấy cũng là một luật sư giỏi, ông ấy cũng là một người am tường về nội tình guồng máy và những tiêu cực, những ách tắc trì trệ trong guồng máy, ông ấy luôn luôn gần gũi người dân, vạch trần, lên tiếng nói cho người dân rất là sâu sắc.”
Tiếng nói phản biện hiếm hoi giữa nghị trường
Trong suốt 17 năm trời ròng rã kêu oan cho con trai của mình, ông Chinh đã từng gởi đơn đến rất nhiều các cơ quan hữu trách, các lãnh đạo tối cao qua các thời kỳ, và một số Đại biểu Quốc hội. Tuy nhiên, trong số tất cả những người mà ông gởi gắm niềm tin, Lưu Bình Nhưỡng là người hiếm hoi dám lên tiếng về các vụ án oan ngay trong nghị trường Quốc hội:
“Ông ấy đã từng nói về vụ Hồ Duy Hải rất mạnh mẽ trên thị trường Quốc hội, thì đó là một minh chứng cho thấy ông ấy là người đứng về phía người dân.
Ông ấy cũng nói về sự lạm quyền của công an, của nền tư pháp Việt Nam xuống cấp, ông ấy nói rất đúng thực tại luôn chứ không sai một cái gì. Gần 500 Đại biểu Quốc hội thì chỉ có một mình ông ấy dám nói mà thôi.
Hồ Duy Hải là một tử tù bị cáo buộc là thủ phạm giết hai nữ nhân viên Bưu điện Cầu Voi ở Long An hồi năm 2008. Tuy nhiên, chứng cứ và thủ tục tố tụng của vụ án này bị cho là có nhiều sai phạm. Ông Hải và gia đình cho đến nay vẫn liên tục kêu oan.
Ông Quang nói vô cùng thất vọng đối với 500 vị đại biểu nhân dân. Những vụ đại án, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống hàng ngàn người dân như vụ Thủ Thiêm đã không được ai nhắc tới trong nghị trường. Trong khi đó, các vị đại biểu lại tranh luận về các vấn đề mà ông Quang cho là nhỏ nhặt, như “đấu giá sim điện thoại số đẹp” hay “đại biểu phải mặc áo dài khi đi họp”…
Vì vậy, khi một người quan tâm đến các vụ dân oan khiếu kiện như ông Lưu Bình Nhưỡng bị bắt, ông Quang cảm thấy rất bất ngờ, buồn và hụt hẫng:
“Người dân chúng tôi hụt hẫng, buồn vì trong 500 anh em Đại biểu Quốc hội, không có mấy người dám nói, riêng ông Lưu Bình Nhưỡng thì đã nói rõ ràng, rất mạch lạc, đi xoáy vào trọng tâm của vấn đề mà thực tế xảy ra.”
Tranh cãi quanh vụ bắt giữ
Ông Lưu Bình Nhưỡng, trước khi bị bắt đã nổi tiếng trên các phương tiện truyền thông bới các phát biểu khá thẳng thắn, dám chỉ trích khuyết điểm của cả “siêu bộ” Công an và Quốc hội. Chính vì vậy, có nhiều ý kiến trong dư luận trái chiều về nguyên nhân ông này bắt, trong đó, có quan điểm cho rằng ông này bị “trả đũa” vì những phát ngôn của mình.
Tối ngày 14/11, Công an tỉnh Thái Bình ra quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam, Lệnh khám xét nơi ở, nơi làm việc đối với ông Lưu Bình Nhưỡng để điều tra về tội “Cưỡng đoạt tài sản”.
Ông Nhưỡng bị cáo buộc có liên quan đến Cường “Quắt” - người đứng đầu một băng nhóm giang hồ, thực hiện nhiều hành vi trái pháp luật ảnh hưởng đến an ninh trật tự, an toàn xã hội.
Luật sư Lê Quốc Quân, người từng là học trò của ông Lưu Bình Nhưỡng khi ông này còn giảng dạy ở Đại học Luật Hà Nội nhận định về vụ bắt giữ người thầy của mình:
“Thầy đã có những phát biểu rất mạnh mẽ trực tiếp phê phán ngành công an, mà còn trực tiếp phê phán luôn cả Quốc hội “đừng đóng kín cửa chia chác quyền lực với nhau”. Đó là những điều thực sự hiếm hoi trong điều kiện hiện tại.
Khi thầy bị bắt thì chắc chắn có rất nhiều ý kiến trái chiều xung quanh sự kiện này và tôi nghĩ là có rất nhiều ý kiến bảo vệ và bênh vực thầy.”
Ông Lê Quốc Quân còn cho rằng, việc bắt và cáo buộc tội danh “cưỡng đoạt tài sản” cho ông Lưu Bình Nhưỡng là một kế hoạch nhằm bôi nhọ danh tiếng người thầy cũ của mình:
“Người ta đưa tin liên quan đến chuyện “Cường Quắt”, rồi lại tiến hành lập biên bản hai cánh cửa gỗ của nhà thờ họ của thầy, thì đó là những việc làm hoàn toàn có chủ đích là hạ nhục thầy, gán ghép thầy với những hoạt động của xã hội đen, giang hồ hoặc là tham lam.
Và điều tôi lo ngại là người ta có thể khởi tố thầy về những điều khác nữa, ví dụ điều gì đó liên quan đến tham nhũng.”
Chính quyền Đắk Lắk gia tăng đàn áp Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên
RFA
21/11/2023
Các tín đồ Hội thánh Tin lành Đấng Christ Tây Nguyên tụ tập lễ Giáng sinh 2022
Mục sư Aga
Chính quyền một số địa phương của tỉnh Đắk Lắk tăng cường sách nhiễu và đàn áp các thành viên thuộc Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên (gọi tắt là Hội Thánh), buộc họ không được tụ tập cầu nguyện và phải rời bỏ nhóm tôn giáo này.
Mục sư Aga, người đồng sáng lập tổ chức tôn giáo không được chính phủ công nhận cho hay, việc sách nhiễu các tín đồ của họ trở nên ráo riết sau vụ tấn công vào trụ sở Uỷ ban nhân dân hai xã ở huyện Cư Kuin hồi tháng 6 và đỉnh điểm là trong hai tuần trở lại đây.
Từ Hoa Kỳ, qua điện thoại ngày 20/11, mục sư Aga cho phóng viên Đài Á Châu Tự Do (RFA) biết trong khi hàng chục tín đồ đang tập trung tại nhà của bà H Ik Kbuôr (vợ của thầy truyền đạo Y Kreč Byă) ở xã Êa Bar, huyện Buôn Đôn vào ngày 15/11 thì công an và cán bộ địa phương xông vào yêu cầu giải tán và lập biên bản về tụ tập sinh hoạt tôn giáo trái phép.
Đến ngày 17/11, công an huyện Buôn Đôn triệu tập nhiều người tham dự buổi sinh hoạt tôn giáo đó lên Uỷ ban Nhân dân xã để tra khảo họ và ép ký cam kết không tái phạm, tuy nhiên những người này từ chối ký.
Công an cũng cảnh báo bà H Ik Kbuôr về việc cho các tín đồ trong Hội Thánh tập trung tại nhà bà để cầu nguyện, đe dọa sẽ phạt tiền hoặc bỏ tù nếu bà tiếp tục sử dụng nhà riêng làm nơi tụ tập sinh hoạt tôn giáo.
Mục sư Aga cho biết công an và cán bộ địa phương lại đến vào sáng chủ nhật (19/11) khi mọi người đang cùng nhau cầu nguyện.
“Sáng chủ nhật thì họ lại đến quấy rầy và không cho anh em nhóm lại. Họ bắt từ bỏ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Thậm chí họ đe dọa nếu tiếp tục thì họ sẽ phạt tiền và thứ hai nữa là sẽ bắt bỏ tù giống như thầy Y Kreč Byă và Nay Y Blang.”
Ông Y Kreč Byă bị chính quyền tỉnh Đắk Lắk bắt giữ vào đầu tháng 4 vừa qua với cáo buộc “phá hoại chính sách đoàn kết dân tộc” theo Điều 116 của của Bộ luật Hình sự, còn ông Nay Y Blang bị Công an tỉnh Phú Yên bắt giữ từ giữa tháng năm với cáo buộc “lợi dụng quyền tự do dân chủ” theo Điều 331. Cả hai chưa được gặp gia đình và luật sư.
Cả hai ông đều là thầy truyền đạo của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên và bị quy kết là có liên hệ với mục sư Aga để chống chính quyền Việt Nam.
Phóng viên liên lạc được với hai tín đồ ở buôn Čuôr Knia bị sách nhiễu trong mấy ngày vừa qua. Một người nói với RFA trong điều kiện ẩn danh vì lý do an ninh:
“Ngày 15/11, công an xông vào nhà của Y Kreč Byă khi chúng tôi đang cầu nguyện. Họ buộc chúng tôi dừng lại và tiến hành lập biên bản, nói rằng việc chúng tôi tập trung là trái phép.
Họ cấm chúng tôi tụ tập sinh hoạt về sau, và đe doạ nếu chúng tôi không nghe theo thì chính quyền sẽ áp dụng các biện pháp mạnh hơn để giải tán tụ tập trái pháp luật và bắt bỏ tù những người chủ trì.”
Một người khác mô tả lại cảnh tượng ngày hôm đó cho hay, trong khi các tín đồ đang cầu nguyện thì một đoàn hơn 20 người công an và cán bộ địa phương đến giải tán, dùng lời nói để bôi nhọ nhân phẩm và giật lấy điện thoại của các tín đồ rồi xoá sạch dữ liệu trên đó.
Mục sư Aga cho biết Hội Thánh đến nay có 20 điểm nhóm ở các tỉnh thuộc khu vực Miền Trung và Tây Nguyên như Gia Lai, Kon Tum, Lâm Đồng và Phú Yên, trong đó Đắk Lắk chiếm một nửa.
Ông cho biết ở những nơi có nhiều điểm nhóm và tín đồ thì chính quyền nơi đó sách nhiễu và đàn áp mạnh còn những nơi có ít tín đồ thì nhà chức trách địa phương không để ý hoặc lờ đi.
Ở những nơi có từ 4-5 gia đình đi theo nhóm đạo này thì chính quyền bắt đầu quấy rối với nhiều hình thức khác nhau. Ông Aga nói:
“Họ không cho anh em nhóm lại vào báo rằng là mỗi gia đình chỉ có được cầu nguyện tại nhà của mình chứ không có đi tới nơi tập trung để thờ phụng Chúa.
Có nhiều nơi thì họ lại bắt phải từ bỏ lập tức Hội thánh Tin lành Đáng Christ Tây Nguyên và bắt ép anh em phải đi đến hội thánh mà họ thường gọi là hội thánh quốc doanh mà có tư cách pháp nhân.”
Theo báo cáo lập bởi tổ chức Người Thượng vì Công lý (MSFJ), trong ngày 19/11, công an và cán bộ địa phương cũng đến điểm nhóm của Hội Thánh ở buôn Kdun, xã Čư Êbur, thành phố Buôn Ma Thuột và buôn Kŏ Đung B, xã Êa Nuôl, huyện Buôn Đôn để ép các tín đồ giải tán và đe doạ sẽ trừng trị họ theo pháp luật nếu tiếp tục tụ tập “trái phép.”
Để kiểm chứng thông tin nhận được, phóng viên gọi điện cho lãnh đạo của Ban Tôn giáo thuộc Sở Nội vụ của tỉnh Đắk Lắk và Công an huyện Buôn Đôn nhưng không ai nghe máy.
Kể từ vụ hai nhóm người Thượng tấn công vào hai trụ sở công an và chính quyền của huyện Cư Kuin, Đắk Lắk vào tháng 6, báo chí nhà nước có nhiều bài viết quy kết Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là tổ chức phản động.
Báo mạng Công an nhân dân, cơ quan ngôn luận của Bộ Công an hồi tháng 9 có bài viết với tiêu đề "Xóa bỏ ‘Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên’ ở miền núi Phú Yên."
Bài viết cho biết, chính quyền đã sử dụng nhiều biện pháp và cho đến nay các đối tượng thuộc Hội Thánh ở huyện Sông Hinh đã bị "phân hóa tan rã, không còn tụ tập mưu tính phạm pháp."
Tác giả Hữu Toàn tiết lộ, trong số 29 người cam kết từ bỏ Hội Thánh, có 24 người đã chuyển sang sinh hoạt Tin Lành thuần túy, năm người còn phải tiếp tục cảm hóa giáo dục. Một trường hợp là thầy truyền đạo Nay Y BLang bị khởi tố như đã nói ở trên.
Trước đó, trong tháng 8 và 9, công an thành phố Buôn Ma Thuột cũng theo dõi và khủng bố tinh thần đối với một số tín đồ của Hội Thánh ở buôn Ju, xã Ea tu nhằm buộc họ rời hội thánh để đi theo Hội Thánh Tin Lành Miền Nam Việt Nam, một tổ chức tôn giáo đã được nhà nước công nhận.
Nhiều tín đồ của Hội Thánh khẳng định họ không làm gì trái pháp luật, chỉ thực hành tự do tôn giáo được ghi nhận trong luật pháp Việt Nam. Họ tuyên bố sẽ tiếp tục sinh hoạt tập trung trong việc thờ phụng Chúa cho dù chính quyền đe doạ bỏ tù.
Theo Báo cáo Nhân quyền tại Việt Nam 2022-2023 mà Mạng lưới Nhân quyền Việt Nam công bố ngày 18/11 vừa qua, chính quyền Việt Nam đàn áp một cách có hệ thống người dân tộc bản địa ở Tây Nguyên từ năm 1975.
Bên cạnh việc lấy đất đai của người dân tộc thiểu số cho các công ty nhà nước và phục vụ di dân, chính quyền còn không cho họ tự do sinh hoạt tôn giáo vì cho rằng việc đi theo các nhóm tôn giáo chưa được công nhận là nguyên nhân của bất an xã hội ở khu vực Tây Nguyên.
Đầu tháng 11, công an huyện Cư Mgar cũng tạm giữ nhiều tín đồ của nhóm Tin Lành tại gia độc lập trong bốn ngày ở trụ sở để tra khảo họ về việc tham gia học trực tuyến về xã hội dân sự và buộc họ phải gia nhập nhóm đạo có đăng ký.
H&M bị cáo buộc ‘phi đạo đức’ vì dùng nguồn cung áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam
20/11/2023
H&M và nhiều hãng thời trang nổi tiếng thế giới hiện đang đối diện với những chỉ trích về vấn đề sử dụng lao động, bảo vệ động vật, thiên nhiên và môi trường trong quy trình sản xuất.
Hãng thời trang nổi tiếng H&M có trụ sở ở Thụy Điển bị cáo buộc “phi đạo đức” vì sử dụng dùng nguồn cung sản phẩm áo khoác chứa lông vũ từ Việt Nam.
Cáo buộc do tổ chức PETA Asia, một tổ chức bảo vệ bảo vệ quyền động vật ở khu vực châu Á, đưa ra sau một cuộc điều tra kéo dài 13 tháng.
PETA nói rằng H&M đã lấy nguồn cung áo khoác từ Việt Nam, nơi các loài gia cầm được cho là phải chịu đựng những “điều kiện khủng khiếp” như bị chặt chân khi vẫn còn sống, bị giết bằng rìu để lấy lông nhồi áo khoác.
PETA cho biết mặc dù H&M bảo đảm rằng sản phẩm của họ không gây hại cho động vật, cuộc điều tra của PETA vẫn cho thấy tình trạng “đáng lo ngại” ở các trang trại nuôi vịt và các lò mổ trên khắp Việt Nam.
Tổ chức này nói họ phát hiện nhiều con vịt bị chọc tiết, bị thương nặng trong chuồng không hợp vệ sinh, và bị nhốt trong những chuồng trại bé xíu chứa đầy phân. Thậm chí, những con vịt ở một cơ sở đã được chứng nhận đạt Tiêu chuẩn Lông vũ có trách nhiệm (RDS) còn bị xẻo mất chân trong khi vẫn còn sống.
“Chỉ có thể tránh được sự tàn ác này bằng cách cắt đứt quan hệ với ngành công nghiệp lông vũ, cho nên PETA đang thúc giục H&M sử dụng chất liệu không có nguồn gốc từ động vật, vốn đã được người mua hàng yêu thích”, Phó chủ tịch cấp cao của PETA Jason Baker nói khi công bố thông tin về cuộc điều tra.
H&M hiện đã gỡ bỏ nhãn lông vũ “có trách nhiệm” khỏi các sản phẩm trực tuyến tại Hoa Kỳ, nhưng hãng này vẫn tiếp tục bán áo khoác chứa lông vũ trên thị trường.
Tổ chức PETA châu Á được thiết lập để bảo vệ quyền của tất cả các loài động vật thông qua giáo dục cộng đồng, điều tra những hành vi được cho là “tàn ác”, nghiên cứu, giải cứu động vật, tổ chức các chiến dịch, những sự kiện đặc biệt với sự tham gia của người nổi tiếng...
Các nhà bán lẻ thời trang trên toàn cầu hiện nay đang đối diện với nhiều vấn đề về “bền vững” trong quy trình sản xuất các sản phẩm của họ.
Hồi tháng 4 vừa qua, tại Đại hội Bán lẻ Thế giới, một trong những hội nghị thường niên lớn nhất trong lĩnh vực này, các giám đốc điều hành của các nhãn hàng nổi tiếng trên thế giới đã bày tỏ những khó khăn mà công ty của họ đang gặp phải khi người tiêu dùng cắt giảm mua hàng ở châu Âu và quốc tế do lạm phát. Thêm vào đó, các quy định mới về chất thải dệt may đang được Ủy ban Châu Âu xây dựng, nhằm yêu cầu các doanh nghiệp chịu trách nhiệm quản lý chất thải mà hàng hóa của họ tạo ra, càng làm tăng thêm áp lực trong công việc kinh doanh.
Liên minh Châu Âu hiện đang nỗ lực chuyển đổi sang nền kinh tế “quay vòng” để đáp ứng yêu cầu về bền vững, trong đó các doanh nghiệp tái chế và tái sử dụng vật liệu thay vì làm cạn kiệt nguồn tài nguyên hữu hạn để tạo ra hàng hóa mới.
Tại một số cửa hàng của của các công ty như H&M, Zara và Uniqlo hiện nay còn cung cấp dịch vụ sửa chữa hàng may mặc. Ngoài quần áo mới, Uniqlo còn bán quần jean và áo sơ mi đã qua sử dụng được thêu chữ “sashiko”.
‘Chiến công’ của Cảnh sát đường thủy: Bắt được hai tàu ‘cát tặc’ trên sông Hồng
Lê Thiệt /SGN
20 tháng 11, 2023
Hai tàu hút cát và tang vật đã bị lực lượng CSGT tạm giữ – Ảnh: CA
Đây là lần đầu tiên lực lượng Cảnh sát đường thủy lập “chiến công” để chào mừng 62 năm ngày truyền thống lực lượng cảnh sát này.
Để vây bắt 2 tàu hút cát trái phép, phòng Hướng dẫn tuần tra kiểm soát và đấu tranh phòng, chống tội phạm trên đường thủy nội địa (Phòng 8, Cục CSGT) phải “phối hợp tác chiến” cùng Công an Hà Nội và Công an Vĩnh Phúc lập phương án “đánh úp”, và đã lập chiến công vang dội.
Điều này khiến dân địa phương cho rằng, nếu không có “hợp đồng tác chiến” có lẽ cảnh sát đường thủy chẳng làm nên “cơm cháo” gì. Không biết có đúng không.
Đại tá Vũ Quang Thái – Trưởng phòng Phòng 8 cho biết, hồi 23:00 ngày 19/11, Tổ công tác của Phòng 8 đã mật phục bắt quả tang một nhóm đối tượng đang thực hiện hành vi hút cát trái phép tại lòng sông Hồng (đoạn qua huyện Mê Linh, Hà Nội).
Tại thời điểm kiểm tra, cảnh sát xác định những người trên tàu gồm: Phạm Đình Thế, SN 1978, thường trú thôn Điệp Thôn, xã Tráng Việt, huyện Mê Linh, Hà Nội; T. H. C, SN 1985, thường trú xã Chân Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam và B. V. T, SN 1991, thường trú xã Nguyên Hòa, huyện Phù Cừ, tỉnh Hưng Yên.
Các phương tiện hút cát trái phép bị CSGT phát hiện, tạm giữ – Ảnh: CA
Theo lời khai ban đầu của ông Thế, nhóm của ông thực hiện hành vi khai thác cát trái phép tại lòng sông bằng hình thức dùng 1 tàu hút và 1 tàu hút cát lên khoang rồi sang mạn bán cho các tàu mua cát.
Đại tá Vũ Quang Thái cho biết thêm, tang vật thu giữ của 2 tàu “cát tặc” ước tính khoảng 600m3.
Tổ công tác đã hoàn thiện một số hồ sơ ban đầu và bàn giao lại Đội Cảnh sát Kinh tế, môi trường Công an huyện Mê Linh để tiếp tục điều tra giải quyết theo quy định.
Ông Thái hứng khởi nói: “Việc quyết liệt vây bắt các đối tượng hút cát trái phép cũng là chiến công để chào mừng 62 năm ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát đường thủy”.
Từ trước tới nay, người dân địa phương chưa bao giờ thấy cảnh sát đường thủy bắt “cát tặc” bao giờ cả, dù nạn hút cát lậu diễn ra từ năm này qua năm khác. Người dân đã nhiều lần báo với chính quyền sự lộng hành của bọn hút cát trộm, nhưng chỉ nhận lại “sự im lặng đáng sợ” của chính quyền các cấp. Ngược lại, họ còn bị đám côn đồ hăm dọa, nếu còn tố cáo với chính quyền, sẽ nhận hậu quả tàn khốc.
Thế nên khi được tin Phòng 8 cảnh sát đường thủy tổ chức trận đánh “vô tiền khoáng hậu”, bắt được 2 tàu cát, người dân rất “hồ hởi, phấn khởi” bảo nhau: “Giá mà mỗi tháng mấy anh lập chiến công chào mừng ngày truyền thống thì người dân vui mừng biết mấy!”
Hoàng Nguyên Vũ - Thêm một đại án để thấy bản chất của giới « siêu giàu »
Bà Lan chiếm đoạt hơn 1 triệu tỉ đồng, bà Nhàn nhận hối lộ trăm tỉ và cả dàn thiếu gia cậu ấm ăn chơi sa đọa bằng những tiền ấy: Còn gì để tin nữa?
Lại thêm một đại án để thấy bản chất thật của “giới siêu giàu” Việt Nam. Bà Trương Mỹ Lan, thông qua việc lũng đoạn ngân hàng SCB, để lại dư nợ không có khả năng thu hồi 433.000 tỉ đồng.
Riêng bà này, lấy tiền sử dụng cho mục đích cá nhân là 1 triệu 066 ngàn tỉ (khoản này bằng 10,7 % GDP Việt Nam năm 2022). Những con số đọc mà còn thấy mệt. Quá khủng khiếp.
Giúp sức cho bà Lan chiếm đoạt số tiền núi như thế, tính đến thời điểm này, có 86 nhân vật. Nguyên cả một đoàn Thanh tra gồm 18 thành viên, trong đó có 9 cán bộ thanh tra của Ngân hàng nhà nước, 2 cán bộ kiểm toán Nhà nước, 4 Thanh tra Chính phủ và 3 người của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, đã nhận hối lộ để che giấu những ung nhọt của SCB và tội ác của bà Trương Mỹ Lan.
Hai nhân vật cộm cán trong đoàn thanh tra này là Trưởng đoàn thanh tra liên ngành Ngân hàng Nhà nước Đỗ Thị Nhàn (nhận hối lộ 120 tỉ đồng) và Phó Chánh thanh tra cơ quan giám sát Ngân hàng nhà nước Nguyễn Văn Hưng (nhận 8,7 tỉ đồng)
Xưa nay người ta chỉ biết siêu đại gia Trương Mỹ Lan của tập đoàn Vạn Thịnh Phát, nhắc đến là người đời vị nể vì độ giàu có và độ lẫy lừng một gia tộc. Có ai nghĩ rằng, lớp vỏ óng ánh đó lại là những bùa phép chiếm đoạt kinh khủng đến vậy.
Một lần nữa, toàn dân lại tỉnh ngộ, thêm một kẻ siêu giàu, thực sự đang giàu bằng việc chiếm đoạt tiền của dân bằng những cú lừa nghiêng rừng nghiêng biển.
Một lần nữa, chúng ta hoàn toàn đặt nghi ngờ về giới này, dù biết vẫn có nhiều người giàu thật sự và tử tế.
Vậy thì xin báo chí, đừng tụng ca thói ăn chơi của những thiếu gia công tử, với siêu xe đơn giản như cái xe đạp, hoa hậu á hậu người đẹp cặp kè cặp nách làm vợ làm bồ. Cái sự xa hoa ăn chơi trác táng ấy, biết đâu là tiền cha mẹ chúng chiếm đoạt.
Và, đó là tiền của người dân, hoặc tiền sử dụng tài nguyên của quốc gia. Trong đó, đáng kể nhất là tài nguyên đất đai.
Qua những đại án, nhìn những gì xảy ra, bộ mặt thật của những đại gia và núi tiền hối lộ mà quan chức đã nhận qua các đại án vừa rồi, nghĩ đến một nền kinh tế đang khủng hoảng, doanh nghiệp điêu đứng, thật sự không biết nói gì nữa.
Nhìn độ xa hoa của thiếu gia đại gia của nhà siêu đại gia khoe mẽ, những cô gái đẹp lượn lờ quanh đời những kẻ ấy mà có không ít báo lá cải tụng ca, với cảnh công nhân thất nghiệp, hay tiểu thương xơ xác, cũng không biết nói gì nữa.
Còn biết tin vào điều gì nữa?
HOÀNG NGUYÊN VŨ 19.11.2023 (Tựa bài do Thụy My đặt)
Nữ kiểm sát viên ở Đắk Lắk bị bắt vì cho vay nặng lãi
Lê Thiệt /SGN
20 tháng 11, 2023
Viện KSND TP. Buôn Ma Thuột – Ảnh: Dân Việt
Để được làm kiểm sát viên không phải dễ, vì vai trò đó có khả năng kiếm tiền rất dễ, trong tất cả các vụ án họ phụ trách. Thế nên, nếu muốn làm, ngoài chuyện phải có “lý lịch trong sạch”, còn phải có tiền.
Ngồi ở vị trí đó rồi, phải biết kiếm tiền để gỡ vốn, lấy lời, rồi tiếp tục kiếm thêm tiền để chung chi cho cấp trên để giữ ghế.
Mà đời nhiều khi không chiều lòng người, nếu không được phụ trách vụ án nào lớn, hoặc một vài tháng mới có một vụ án, thì khả năng kiếm tiền cũng bị hạn chế. Thế nên, một số kiểm sát viên phải tìm cách khác kiếm tiền.
Có lẽ bà Đinh Thị Hiếu – Kiểm sát viên của Viện KSND TP.Buôn Ma Thuột, cũng rơi vào hoàn cảnh éo le như thế. Bà nghĩ cách dùng tiền “đẻ” ra tiền, nhưng phải “đẻ” cho lẹ. Nghĩ tới nghĩ lui, bà Hiếu thấy chỉ có cho vay nặng lãi là kiếm tiền nhanh nhất.
Thế là bà ta lợi dụng chức vụ kiểm sát viên mở các đường dây cho vay nặng lãi. Đối tượng là ai chưa biết, nhưng có vẻ đường dây cho vay này bị đám con nợ kêu than thấu trời xanh, vì bà ta lấy phân lời cao quá.
Cực chẳng đã mới đi vay, mà lỡ vay của bà Hiếu rồi thì trả hoài không hết nợ. Có người chịu không nổi đàn em bà Hiếu khủng bố, đe dọa, nên viết đơn tố cáo với cơ quan công an, với mong muốn thoát khỏi sự khống chế của bà Hiếu. Cũng bởi họ hãi quá!
Thế là bà Hiếu bị bắt. Một nguồn tin chưa kiểm chứng cho biết, số tiền bà Hiếu cho vay cũng chỉ chừng vài chục tỷ thôi, nhưng với lãi suất “nhẹ nhàng” chừng… 300%/năm!
Chẳng biết bà Hiếu làm kiểm sát viên bao năm mà có số vốn lớn thế? Nhưng mà giờ thì xem như xong, “của thiên, trả địa”.
Không có nhận xét nào