Nguồn: “The culture war over the Gaza war”, The Economist, 28/10/2023.
Biên dịch: Cung Nguyễn Thế Anh
01/11/2023
" Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng chú ý về nhân khẩu cần được xem xét. Theo Tim Malloy, một nhà phân tích dữ liệu khảo sát tại Đại học Quinnipiac ở Connecticut, người Mỹ trẻ tuổi hiện nay ít ủng hộ Israel hơn so với các thế hệ trước. Họ có cái nhìn thiện cảm hơn với Palestine. Các cuộc khảo sát của Pew cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa các thế hệ ở Mỹ về cuộc xung đột.
Những cử tri trẻ tuổi thường không có ký ức trực tiếp về vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, thảm kịch đã định hình quan điểm của người Mỹ lớn tuổi về các nhóm khủng bố Hồi giáo như Hamas. Khoảng cách thế hệ này dẫn đến yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến thái độ của phương Tây: hệ tư tưởng nhị phân nổi lên từ các trường đại học Mỹ".
Cuộc xung đột đang hoành hành trên đường phố và màn ảnh ở phương Tây.
“Từ sông ra biển, Palestine sẽ được tự do!” Gần đây, khẩu hiệu sống động này đang vang vọng khắp các quảng trường từ Toronto đến Berlin. Đeo những chiếc khăn quàng cổ ca rô keffiyeh, các sinh viên ở California hô lớn khẩu hiệu khi di chuyển qua các hành lang trường đại học. Các nhà hoạt động cũng treo những dòng chữ này lên tường tại một trường đại học ở Washington, DC.
Cụm từ này có ý nghĩa gì? Bề ngoài, nó như một lời thề giải phóng. Tồn tại đã từ lâu, nó cũng ẩn chứa một thông điệp đe dọa. “Sông” ám chỉ dòng sông Jordan, “biển” ám chỉ biển Địa Trung Hải, và trong bối cảnh này, “tự do” ám chỉ sự hủy diệt của nhà nước Israel. Đây là cách Hamas sử dụng khẩu hiệu này. Vào ngày 21 tháng 10, người biểu tình đã hô vang khẩu hiệu này trong một cuộc tuần hành ủng hộ Palestine tại Tượng đài Nelson, London. Trừ một số trẻ em tham gia, những người hiểu được hàm ý của khẩu hiệu đã tỏ ra khó chịu khi bị hỏi về ý nghĩa của nó.
Jonathan Greenblatt từ Liên đoàn chống phỉ báng, một tổ chức giám sát các nhóm thù ghét ở Mỹ, nói: “Ai quan tâm cũng đều hiểu khẩu hiệu đó có nghĩa là gì”. Các tổ chức tương tự ở Anh và các nơi khác cũng báo cáo về sự gia tăng đáng kể các vụ bài Do Thái kể từ cuộc tấn công của Hamas vào Israel vào ngày 7 tháng 10. (Các trường hợp kỳ thị người Hồi giáo cũng gia tăng ở một số quốc gia.) Sự phổ biến của khẩu hiệu cứng rắn này cho thấy sự thay đổi trong thái độ của phương Tây về cuộc xung đột Israel-Palestine. Có ba yếu tố đang thúc đẩy điều này: công nghệ, nhân khẩu và ý thức hệ.
Cánh tả phương Tây từng ủng hộ chủ nghĩa Phục quốc Do Thái. Tuy nhiên, sau Cuộc chiến Sáu Ngày năm 1967 và việc Israel chiếm đóng Bờ Tây và dải Gaza, lập trường đó đã thay đổi. Kể từ khi chế độ phân biệt chủng tộc Apartheid ở Nam Phi kết thúc, quyền lợi của người Palestine đã trở thành vấn đề được cánh tả phương Tây quan tâm nhiều hơn. Nguyên nhân của sự thay đổi này là chủ đề của nhiều cuộc tranh luận. Một số phân tích cho rằng cánh tả xem Israel là hiện thân của sức mạnh của Mỹ hoặc chủ nghĩa thực dân. Các nhóm Do Thái và những nhóm khác đã thắc mắc: Tại sao tổn thất về người ở Syria hay Afghanistan – nơi cả thủ phạm và nạn nhân đều là người Hồi giáo – lại được ít các nhóm “đúng đắn chính trị” quan tâm hơn?
Sau một thời gian vắng bóng trên các diễn đàn ngoại giao và truyền thông phương Tây, tình hình khó khăn của Gaza hiện đang gây ra nhiều cuộc biểu tình và tranh luận hơn bao giờ hết. Nhiều nghệ sĩ và người nổi tiếng đã công khai viết tâm thư lên án việc Israel đánh bom Gaza và việc các nhà lãnh đạo phương Tây chấp nhận điều này. (Đối lập là quan điểm lên án cuộc thảm sát của Hamas ngày 7 tháng 10 và ủng hộ quyền tự vệ của Israel.) Các cuộc biểu tình ủng hộ Palestine đã diễn ra ở nhiều thành phố, thậm chí ở một số nơi mà việc tụ tập đã bị cấm.
Hai luồng quan điểm trái chiều đang buộc tội lẫn nhau. Ở Anh, đài BBC đã phải đối mặt với phản ứng gay gắt khi họ không gọi Hamas là khủng bố, và họ đã phải điều chỉnh lập trường của đài. Dave Chappelle, một diễn viên hài người Mỹ, bị cho là đã tranh cãi với khán giả trong một buổi biểu diễn ở Boston khi anh bày tỏ sự thương xót của mình đối với cuộc khủng hoảng ở Gaza. Một số sinh viên Mỹ đã bị săn lùng vì quan điểm chống Israel, và các buổi diễn thuyết của các tác giả người Palestine đã bị hủy bỏ. Palestine Legal, một tổ chức hỗ trợ các nhà hoạt động ủng hộ Palestine ở Mỹ, cho biết họ đang “đối mặt với làn sóng phản ứng dữ dội, tương tự như thời McCarthy, nhắm vào sinh kế và công việc của họ.”
Tình cảnh khó khăn
“Im lặng là bạo lực” là một khẩu hiệu phổ biến khác được các phe ủng hộ. Nhiều tổ chức, bao gồm các trường đại học và các hiệp hội, đã bị chỉ trích vì các tuyên bố công khai của họ về cuộc xung đột, hay vì không phát đi một tuyên bố nào cả. Lời kêu gọi hòa bình bị xem là sự nhân nhượng vô nguyên tắc. Những người ủng hộ cả Israel và Palestine đã mượn Ukraine để chỉ ra điều họ coi là đạo đức giả từ hai phe đối lập. Phe ủng hộ Palestine thì coi Gaza là nạn nhân (giống như Ukraine), bị nước láng giềng mạnh hơn chiếm đóng. Phe ủng hộ Israel lại so sánh sự man rợ của Hamas với các tội ác chiến tranh của Nga.
Cảm xúc phân cực và sự lan truyền rộng rãi của những khẩu hiệu là ảnh hưởng của “hiệu ứng buồng vang” trên mạng xã hội. Nhiều người đã bị sốc trước những cảnh quay lại hành động của Hamas, người khác thì lại xúc động trước hình ảnh tang thương ở Gaza. Felix Klein, một Ủy viên Chính phủ liên bang chống chủ nghĩa bài Do Thái, cho biết, tại Đức – nơi một giáo đường Do Thái đã bị đánh bom và các biểu tượng ngôi sao của David bị vẽ bậy lên những ngôi nhà của người Do Thái – một số người Hồi giáo đang sống trong các cộng đồng trực tuyến tách biệt, nơi họ tiếp nhận thông tin từ các nguồn tin kỹ thuật số và quốc tế. Klein nói thêm, nhiều người thuộc bên cực hữu, thủ phạm của phần lớn các vụ phân biệt đối xử người Do Thái tại Đức, cũng sống trong các “buồng vang” tương tự. (Tại Đức và Mỹ, các nhóm Hồi giáo và nhóm cực hữu tìm thấy điểm chung trong quan điểm của họ qua mạng xã hội.)
Hơn nữa, một số video và hình ảnh xúc động đôi khi có thể bị cắt ghép hoặc lấy từ các quốc gia và cuộc xung đột khác, hoặc thậm chí từ trò chơi điện tử. Tương tự như “hiệu ứng buồng vang”, thông tin sai lệch tràn lan trên các trang mạng là một vấn đề quen thuộc và nghiêm trọng trong cuộc khủng hoảng hiện nay.
Vụ nổ tại bệnh viện Ahli Arab vào ngày 17 tháng 10 là một ví dụ tiêu biểu của vấn đề này. Các hãng thông tấn lớn đã vội vàng đưa tin thiếu chính xác, dẫn đến việc hủy bỏ hội nghị thượng đỉnh giữa các nhà lãnh đạo Ả Rập và Tổng thống Joe Biden. Theo Peter Pomerantsev đến từ Đại học Johns Hopkins, nhu cầu về thông tin sai lệch vượt xa nguồn cung của nó. Trong thời chiến, “mọi người có xu hướng tìm kiếm thông tin phù hợp với niềm tin định sẵn của mình,” Pomerantsev nói. “Sự thật không còn quan trọng.”
Mạng xã hội đã khuyến khích cho một cách phản ứng khác của công chúng trước cuộc chiến: sự “giải trí hóa” thông tin. Theo đó, các tin tức châm biếm và phá bỏ những điều cấm kỵ được đánh giá cao, ngay cả trong tình huống tệ nhất. Một số người đã xem hình ảnh các thành viên Hamas sử dụng dù lượn để xâm nhập vào Israel như một loại meme (hình ảnh có tính giải trí). Black Lives Matter Chicago đã đăng tải hình ảnh một người cưỡi dù lượn cùng dòng chữ, “Chúng tôi ủng hộ Palestine”, trước khi gỡ bỏ nó không lâu sau đó. Thông điệp của họ cũng chứa đựng những khẩu hiệu như “Từ Chicago đến Gaza”, “từ sông ra biển”.
Về nhân khẩu: nhập cư đang làm nghiêng cuộc tranh luận văn hóa ở phương Tây liên quan đến cuộc xung đột tại Trung Đông. Dân số Hồi giáo ở các nước phương Tây đang tăng trưởng và biến đổi về thành phần. Yunus Ulusoy từ Trung tâm Nghiên cứu Thổ Nhĩ Kỳ và Nghiên cứu Hội nhập ở Essen cho biết: trước đây, đa số người Hồi giáo ở Đức chủ yếu có nguồn gốc từ Thổ Nhĩ Kỳ. Tuy nhiên, ngày nay, có khoảng 2,1 triệu người Hồi giáo ở đây có nguồn gốc từ Syria, Iraq và các nước khác có quan điểm chống Israel. Ông Ulusoy nói rằng, họ đã mang theo quan điểm của mình về cuộc xung đột – được hình thành trên tinh thần đoàn kết với cộng đồng Hồi giáo toàn cầu, được gọi là “ummah”.
Trong khi đó, nhận thức về Chủ nghĩa Quốc xã và Holocaust, vốn từ lâu đã ảnh hưởng đến quan điểm của Đức về Israel và chủ nghĩa bài Do Thái, ngày càng suy giảm. Theo Giáo sư Julia Bernstein từ Đại học Khoa học Ứng dụng Frankfurt, một số người Hồi giáo cho rằng quá khứ khủng khiếp đó “không phải là lịch sử của chúng tôi”, và hiện nay, chính họ mới là nạn nhân phải đối mặt với thành kiến ở Đức.
Dominique Moïsi, một nhà bình luận nổi tiếng người Pháp, chỉ ra rằng Pháp là quốc gia có dân số theo đạo Hồi và dân số Do Thái lớn nhất ở Tây Âu. Pháp đã trải qua nhiều vụ tấn công khủng bố đẫm máu của Hồi giáo cực đoan trong giai đoạn gần đây, và một quá khứ đau lòng với Đức Quốc xã – cả hai lý do này đều có thể được viện để hỗ trợ Israel. Tuy nhiên, Pháp cũng có những quan điểm đối lập của chủ nghĩa bài Mỹ và sự hối lỗi vì chủ nghĩa thực dân Pháp ở thế giới Ả Rập. Moïsi mô tả tình hình này như là một sự “xung đột ký ức”, tác động đến chính trị và quan hệ công chúng.
Ở Mỹ, tác phẩm có ảnh hưởng lớn nhất trong văn hóa đại chúng về Israel có lẽ là cuốn sách và bộ phim “Exodus”. Cuốn sách, được viết bởi Leon Uris vào năm 1958, kể về quá trình thành lập nhà nước Israel và sau đó được chuyển thể thành phim, với sự tham gia của Paul Newman. (Thủ tướng đầu tiên của Israel, David Ben-Gurion, đã ca ngợi “Exodus” là “tác phẩm tuyên truyền” vĩ đại nhất về đất nước ông.) Nhìn chung, người Mỹ ủng hộ Israel nhiều hơn so với người châu Âu. Các cuộc thăm dò ý kiền gần đây, được tiến hành sau ngày 7 tháng 10, cho thấy sự ủng hộ Israel bên trong đảng Dân chủ đã tăng lên.
Tuy nhiên, có một sự khác biệt đáng chú ý về nhân khẩu cần được xem xét. Theo Tim Malloy, một nhà phân tích dữ liệu khảo sát tại Đại học Quinnipiac ở Connecticut, người Mỹ trẻ tuổi hiện nay ít ủng hộ Israel hơn so với các thế hệ trước. Họ có cái nhìn thiện cảm hơn với Palestine. Các cuộc khảo sát của Pew cho thấy sự chia rẽ ngày càng rõ rệt giữa các thế hệ ở Mỹ về cuộc xung đột.
Những cử tri trẻ tuổi thường không có ký ức trực tiếp về vụ khủng bố ngày 11 tháng 9 năm 2001, thảm kịch đã định hình quan điểm của người Mỹ lớn tuổi về các nhóm khủng bố Hồi giáo như Hamas. Khoảng cách thế hệ này dẫn đến yếu tố thứ ba ảnh hưởng đến thái độ của phương Tây: hệ tư tưởng nhị phân nổi lên từ các trường đại học Mỹ.
Đen và trắng
Nhìn thế giới theo hai màu đen trắng (thuyết Manichaeism) có thể đơn giản hóa các vấn đề phức tạp thành cuộc chiến giữa thiện và ác. Nó ban cho người chọn phe chính nghĩa vòng hào quang đức hạnh. Yascha Mounk, tác giả cuốn “The Identity Trap”, đã lập luận rằng: hệ tư tưởng này mang lại sự thoải mái bằng cách chia rõ thế giới thành các phạm trù đối lập – kẻ thực dân và thuộc địa, kẻ áp bức và kẻ bị áp bức – thường dựa trên chủng tộc. Về cơ bản, nó áp dụng các thuật ngữ và quan điểm từ cuộc tranh cãi về chủng tộc ở Mỹ vào các vấn đề và địa điểm khác trên thế giới. Ông Mounk ghi chú một cách châm biếm rằng: “Cách mà người Mỹ chống chủ nghĩa thực dân lại giống như chính chủ nghĩa thực dân vậy.”
Trong thời đại chia rẽ, nhiều quan điểm cá nhân bị ảnh hưởng nặng nề bởi khuynh hướng chính trị, thay vì ngược lại. Theo ông Mounk, điều này làm cho hệ tư tưởng nhị phân trở nên hấp dẫn: nó cung cấp một ngôn ngữ phổ quát, có thể áp dụng cho bất kỳ cuộc xung đột nào. Trong khuôn khổ này, phe bất lực không thể bị coi là sai, đặc biệt khi đối đầu với phe quyền lực hơn – và không ai có thể vừa bất lực vừa có quyền lực. Hệ tư tưởng này đã giúp kết nối các phong trào giải phóng khác nhau, giống như cách mà các cuộc nổi dậy của chủ nghĩa cộng sản đã tự tuyên bố mình là một thể thống nhất trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh. Ví dụ, khi các quả pháo sáng mang màu cờ Palestine được đốt lên tại Rạp xiếc Piccadilly, một người biểu tình ở London cầm bảng hiệu “Queers for Palestine (Người đồng tính ủng hộ Palestine)” đã nói rằng, “Tất cả các cuộc đấu tranh đều liên quan đến nhau”.
Triết lý này phù hợp với tính chất súc tích và cách đăng nhằm gây chú ý của các bài viết trên mạng xã hội, một lý do khiến nó thu hút được nhiều người ủng hộ. Tuy nhiên, triết lý này không có chỗ cho các quan điểm trung lập và đa chiều để giải quyết các vấn đề phức tạp trong thế giới thực. Cụ thể, vì nó xác định người Palestine là kẻ yếu thế và Israel là kẻ mạnh hơn, nên người Israel không thể bị coi là nạn nhân. Đừng bận tâm đến cuộc lưu đày người Do Thái Mizrahi từ các nước Ả Rập sang Israel. Holocaust chỉ là lịch sử xa xưa.
Lược đồ này trở nên rõ ràng khi một số người coi hành động của Hamas là một hình thức “kháng cự” hoặc “phi thực dân hóa”. Trong tuyên bố của một số sinh viên Harvard, Israel “hoàn toàn chịu trách nhiệm” về sự tàn sát công dân của mình. Nhiều người Do Thái, ở Israel và trên thế giới, cảm thấy thiếu sự đồng cảm với mất mát của Israel – không chỉ ít thông cảm hơn những gì họ nhận được trong cuộc khủng hoảng con tin Entebbe năm 1976, mà còn gần như không có sự đồng cảm nào cả. Trong khi đó, nếu đây đơn giản chỉ là vấn đề đạo đức, thì đối với nhiều nhà hoạt động phương Tây, biện pháp khắc phục lại thẳng thừng và quyết liệt: không phải giải pháp hai nhà nước truyền thống, mà là một Palestine trải dài “từ sông ra biển”.
Đồng minh
Trong giới chính trị tinh anh thiên tả, tình hình có vẻ rất khác. Cả ông Biden và Ngài Keir Starmer, lãnh đạo Đảng Lao động đối lập của Anh, đều ủng hộ mạnh mẽ Israel. Tuy nhiên, sự thay đổi ngày càng rõ rệt trong thái độ của công chúng đối với cuộc chiến có thể để lại hậu quả lâu dài – cả ở Trung Đông và phương Tây.
Ông Biden, Ngài Keir, và các nhà lãnh đạo khác đã phải đối mặt với sự chỉ trích từ một số thành viên trong đảng của mình vì đã từ chối kêu gọi ngừng bắn. Sự phản đối này – thường được thúc đẩy bởi sự đồng cảm tự nhiên đối với người dân Palestine hơn là một hệ tư tưởng vững vàng – có thể ảnh hưởng đến kết quả bầu cử của họ, bao gồm cả việc mất phiếu bầu từ các cử tri Hồi giáo, với một cuộc bầu cử có thể rất sít sao vào năm tới. (Có thể Ông Biden đã cân nhắc đến rủi ro này khi so sánh với chi phí tiềm tàng lớn hơn nếu tuyên bố ủng hộ ngừng bắn.)
Đây có thể không phải là hậu quả chính trị tiềm ẩn duy nhất. Nhiều cử tri theo chủ nghĩa tự do đã thất vọng trước phản ứng của những chính trị gia mà họ từng ủng hộ trong quá khứ. Mối quan hệ giữa những chính trị gia và cử tri cấp tiến hơn vốn đã căng thẳng; đối với cử tri theo chủ nghĩa tự do, những giá trị cốt lõi chung mà họ tin tưởng dường như đã sụp đổ. Nếu cuộc tranh cãi về Gaza là một biểu hiệu của sự phân cực và bất mãn ở phương Tây, thì nó cũng có thể là yếu tố đẩy mạnh cho một sự thay đổi, tái tổ chức chính trị.
Không thể đoán trước được điều gì sẽ xảy ra với Israel và Trung Đông. Sự phẫn nộ của người Mỹ đối với Hamas dường như át hẳn lo ngại về việc Israel đang chuyển mình thành chính phủ cực hữu dưới thời Binyamin Netanyahu, ít nhất là trong ngắn hạn. Các cuộc thăm dò cho thấy hầu hết người Mỹ, bao gồm cả đảng viên Dân chủ, tin rằng việc ủng hộ Israel là vì lợi ích tốt nhất của Mỹ. Tuy nhiên, mức độ và thời hạn của sự hỗ trợ này còn phụ thuộc vào nhiều ẩn số – bắt đầu từ cuộc xâm lược trên bộ vào Gaza và những diễn biến tiếp theo. Chính trị Mỹ cũng sẽ đóng một vai trò quan trọng, bao gồm sự thiết tha của Đảng Cộng hòa đối với chủ nghĩa biệt lập.
Từ góc độ của Israel, quan điểm của Mỹ trong tương lai khiến nước này lo lắng. Và tại châu Âu, khi ký ức về Thế chiến 2 đang dần mờ nhạt và ảnh hưởng từ các cử tri Hồi giáo ngày càng gia tăng, sự ủng hộ dành cho Israel, đặc biệt là ở cánh tả, sẽ có thể tiếp tục suy yếu.
Khủng hoảng tại Israel và Gaza đã cho thấy một bài học rõ ràng. Cuộc chiến thông tin đang cuốn dư luận phương Tây và các xung đột địa chính trị vào những biến động vô tiền khoáng hậu. Cuộc chiến văn hóa và cuộc chiến vũ trang đã không còn là những cuộc chiến tách biệt.
https://nghiencuuquocte.org/2023/11/01/chien-tranh-van-hoa-ben-trong-cuoc-xung-dot-gaza/
Không có nhận xét nào