Nguyễn Anh Tuấn/Luật Khoa
October 24, 2023
" Hay cụ thể hơn, /ai sẽ giúp bảo vệ tự do và tài sản của họ trước một vụ bắt giữ tùy tiện của /một Bộ Công an siêu quyền lực? Một Viện Kiểm sát đóng vai trò như cấp dưới của công an? Một tòa án vốn luôn đồng thuận với mọi cáo trạng từ Viện Kiểm sát, từ công an đưa sang? Một hệ thống báo chí quốc doanh công cụ chỉ ưa minh họa hơn là phản biện quyết định bắt người của công an? Hay một cộng đồng mạng đầy rẫy những kẻ phù thịnh, tự nguyện trở thành lá bài dư luận của công an, hả hê khi bất kỳ người nổi tiếng nào bị bắt giữ mà chẳng màng lý do có chính đáng hay không, chỉ để thỏa mãn những ẩn ức sâu kín của mình?".
Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh bỗng nhiên trở thành dân oan, dù không quan tâm chính trị
Với Ngọc Trinh, dù nghe thật khó tin rằng Ngọc Trinh có thể làm điều gì đó nguy hiểm cho chế độ và Bộ Công an chắc cũng chẳng tin vào điều đó, song như đã nói, bộ máy an ninh đã được cấp đủ động lực và quyền lực để tiến hành những vụ bắt giữ như vậy, nhân danh bảo vệ những nề nếp của xã hội, cũng có nghĩa là để bảo vệ chế độ.
“Chính trị” có thể là từ cuối cùng mà một người muốn dùng để mô tả về Ngọc Trinh. Là một nhân vật giải trí điển hình, hình ảnh Ngọc Trinh trên truyền thông gắn với hàng hiệu đắt tiền, những bữa tiệc xa hoa và vô số scandals – những thứ tạo nên giới showbiz ở khắp mọi nơi, và xa lạ với chính trị.
Nhưng chính bởi thế mà việc bắt giữ Ngọc Trinh, với lý do thiếu thuyết phục về mặt pháp lý, lại mang một hàm ý chính trị sâu sắc.
Hãy bắt đầu từ một giao kèo bất thành văn mà Ngọc Trinh là một bên liên quan.
Có một dấu mốc quan trọng trong lịch sử đương đại Việt Nam đã thay đổi diện mạo của quốc gia cộng sản này: Đổi mới năm 1986.
Kể từ thời điểm này trở đi, những người kinh doanh không còn bị gọi là con buôn mà được trang trọng gọi là doanh nhân. Một ngày đặc biệt đã được dành để tôn vinh họ; và Đảng Cộng sản, như để trấn an những ai còn đang do dự trước lời hiệu triệu làm giàu, đã dang tay chào mời doanh nhân gia nhập hàng ngũ của mình.
Câu chuyện lâu đời về một cuộc xung đột không thể hòa giải giữa giai cấp tư sản và giai cấp vô sản, hoặc giữa kẻ bóc lột và kẻ bóc lột, dần dần trở nên lỗi thời trước một xã hội cuống cuồng kiếm tiền.
Kinh tế thị trường kéo theo xã hội tiêu thụ. Cũng từ lúc này, người ta không còn phải giấu diếm khi tiêu xài hay cảm thấy mặc cảm tội lỗi khi hưởng thụ vật chất, như những gì bộ máy tuyên truyền và xã hội thiếu thốn bấy giờ đòi hỏi nơi họ. Trái lại, từ lúc này, họ chỉ cảm thấy tội lỗi khi không kiếm đủ tiền để tiêu xài và hưởng thụ.
Các chuẩn mực văn hóa cũng biến đổi theo. Giới showbiz ra đời và phát triển thay thế những đoàn văn công quốc doanh, sản phẩm giải trí của họ khiến nền văn nghệ cách mạng trở nên lạc lõng giữa công chúng. Nếu các cán bộ văn hóa cộng sản từng dán nhãn đồi trụy những ai để tóc dài, mặc quần ống loe, không rõ họ sẽ dán nhãn gì khi chứng kiến những hình tượng giải trí hiện nay?
Đã có một giao kèo bất thành văn giữa đảng và dân chúng hàng chục năm qua: miễn sao đừng dính tới chính trị, anh chị sẽ được an toàn để mà mặc sức kiếm tiền và hưởng thụ.
Ngọc Trinh là kết quả không thể điển hình hơn của giao kèo này. Giỏi kiếm tiền, biết hưởng thụ, lại lánh xa chính trị, Ngọc Trinh đã từng rất an toàn, cho đến một ngày.
Thật khó để xác định chính xác đâu là lúc đảng bắt đầu xem xét lại giao kèo này, nhưng thời điểm Đại hội Đảng lần thứ XII năm 2016 khi Nguyễn Phú Trọng loại bỏ đối thủ chính trị quan trọng nhất của mình là Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng chắc chắn là một mốc quan trọng.
Là cây lý luận mác-xít lão làng của đảng và luôn lo lắng đất nước “chệch hướng” hơn là “tụt hậu”, sự thắng thế của Nguyễn Phú Trọng đã phả hơi nóng ý thức hệ ngột ngạt vào bầu không khí chính trị Việt Nam.
Ủng hộ nhiệt thành cho công hữu, Nguyễn Phú Trọng luôn dè chừng kinh tế tư nhân và những biểu hiện phái sinh của nó. Khi phát biểu chỉ đạo Hội nghị Trung ương 8 đầu tháng này, ông Trọng không ngần ngại cảnh báo về nguy cơ Việt Nam chuyển đổi sang tư bản chủ nghĩa.
Bầu không khí chính trị ngột ngạt ý thức hệ kích hoạt những động lực mới trong hệ thống chính trị. Những ai trung thành với các nguyên tắc ý thức hệ sẽ được tưởng thưởng, trái lại, những ai phớt lờ có thể bị coi là tự diễn biến, tự chuyển hóa.
Xu hướng này biểu hiện rõ không đâu bằng ở bộ máy công an vốn có một nỗi ám ảnh kinh niên về kẻ thù tiềm ẩn. Bộ máy này lại đang trở nên quyền lực hơn bao giờ hết khi trở thành công cụ đắc lực cho một cuộc chiến quan trọng khác của Trọng: đốt lò.
Một cách công bằng, động thái này không chỉ đến từ cá nhân ông Nguyễn Phú Trọng, mà còn thể hiện sự bất an của đảng trong một môi trường quốc tế đang thay đổi nhanh chóng.
Đồng nhiệm của ông Trọng ở Trung Quốc là Tập Cận Bình cũng đã phát động những chiến dịch chính trị tương tự với những mục tiêu tương tự như kiềm chế kinh tế tư nhân, trừng phạt xã hội dân sự, chấn chỉnh sinh hoạt văn hóa, loại bỏ ảnh hưởng tư tưởng ngoại lai, nhằm mục đích giữ cho đất nước không bị chệch hướng ra khỏi khuôn mẫu đồng phục của ý thức hệ cộng sản.
Phiên bản Tập Cận Bình ở Việt Nam cũng hành động tương tự, chỉ là với một độ trễ vài năm.
Vì sao lại là Ngọc Trinh?
Nạn nhân đầu tiên của giao kèo bị phá vỡ có lẽ là bà Nguyễn Phương Hằng, chứ không phải Ngọc Trinh, dù rằng quá nhiều tình tiết xung quanh vụ việc của bà Hằng đã khiến công chúng có thể bị phân tâm.
Cả Nguyễn Phương Hằng và Ngọc Trinh không chỉ thành công về tiền bạc mà còn có sức ảnh hưởng với công chúng nữa, nhờ sự trỗi dậy của Internet và mạng xã hội. Nếu như trước đây đảng có thể quyết định ai xuất hiện trước công chúng thông qua độc quyền báo chí và truyền hình, thì giờ đây với Internet và mạng xã hội, đảng không còn quyền lực độc tôn đó nữa. Sự thành công về tiền bạc bởi vậy có thể giúp một người thỏa mãn được khao khát được chú ý và có sức ảnh hưởng.
Trong một xã hội mà các lãnh đạo chính trị thường bị công chúng phớt lờ vì sự đơn điệu buồn chán của họ, những người có sức ảnh hưởng với công chúng, mỗi lần livestream có cả triệu người theo dõi, có thể đã bị diễn giải thành mối đe dọa trước mắt hoặc tiềm ẩn đối với chế độ qua nhãn quan cảnh giác cách mạng của công an.
Bất luận có thực sự tin vào điều đó hay không, bộ máy an ninh vẫn muốn nhắc nhở công chúng rằng ai mới là người quyền lực nhất của đất nước.
Với Nguyễn Phương Hằng, đảng đã không giấu diếm lý do thực sự của việc bắt giữ là “thách thức dư luận”, “thách thức chủ trương của Đảng”.
Với Ngọc Trinh, dù nghe thật khó tin rằng Ngọc Trinh có thể làm điều gì đó nguy hiểm cho chế độ và Bộ Công an chắc cũng chẳng tin vào điều đó, song như đã nói, bộ máy an ninh đã được cấp đủ động lực và quyền lực để tiến hành những vụ bắt giữ như vậy, nhân danh bảo vệ những nề nếp của xã hội, cũng có nghĩa là để bảo vệ chế độ.
Sau Ngọc Trinh là ai?
Nhiều người hoặc không tin rằng đảng đã phá vỡ giao kèo hoặc chưa chuẩn bị cho điều này vẫn cứ đi tìm các thuyết âm mưu và bám víu vào hy vọng rằng họ có thể tránh được số phận tương tự như Ngọc Trinh.
Tuy nhiên, dù lý do bắt giữ Ngọc Trinh có là gì đi chăng nữa, cuối cùng thì họ phải đối mặt với một thực tế phũ phàng: lấy gì đảm bảo cho tự do và tài sản của họ nếu họ bị bắt giữ vì một lý do mù mờ ở Việt Nam?
Hay cụ thể hơn, ai sẽ giúp bảo vệ tự do và tài sản của họ trước một vụ bắt giữ tùy tiện của một Bộ Công an siêu quyền lực? Một Viện Kiểm sát đóng vai trò như cấp dưới của công an? Một tòa án vốn luôn đồng thuận với mọi cáo trạng từ Viện Kiểm sát, từ công an đưa sang? Một hệ thống báo chí quốc doanh công cụ chỉ ưa minh họa hơn là phản biện quyết định bắt người của công an? Hay một cộng đồng mạng đầy rẫy những kẻ phù thịnh, tự nguyện trở thành lá bài dư luận của công an, hả hê khi bất kỳ người nổi tiếng nào bị bắt giữ mà chẳng màng lý do có chính đáng hay không, chỉ để thỏa mãn những ẩn ức sâu kín của mình?
Khi suy nghĩ như vậy họ sẽ nhận ra hóa ra lâu nay tất cả những gì lấy làm đảm bảo cho tự do và tài sản của họ chỉ là một giao kèo bất thành văn giữa đảng và dân chúng, mà họ chẳng có quyền để đàm phán nếu đảng muốn lật kèo.
Đó cũng là lúc họ nên tự đưa ra quyết định cho mình.
https://www.datviet.com/vi-sao-dang-lat-keo-cho-bat-phuong-hang-ngoc-trinh/
Không có nhận xét nào