Header Ads

  • Breaking News

    Uan Tieu – Trung Thu là tết đoàn viên

     

    Viết từ Sài Gòn

    30/9/2023

    " Mình mà không cứu nổi mình thì đi cậy ai giải thoát cho mình. Đói rách thì có thể cưu mang nhau qua bữa chớ ngu mà không tự tìm tòi khai trí thì thần thánh nào mà cứu cho nổi. Cứ mỗi lần nhìn thấy một bầy xôn xao trên mạng thì không khỏi xót xa.

     Lại một mùa Trung thu bất an dằng dặc khi nghĩ về con cái, về tụi nhỏ dân mình."

     Nếu tôi lấy suy nghĩ của mình ra mà nói Trung thu ngày xưa vui hơn ngày nay thì đó là một nhận xét phiến diện, mà cũng chả có căn cứ gì. Bởi ngày xưa tôi vui Trung thu với tâm hồn của một đứa trẻ, nay tôi dòm Trung thu với con mắt của một kẻ sắp về già; hai trạng thái này không tương đồng nên không thể nào đem ra so sánh cho công bằng được. Nhưng sẽ có một phần có thể đem ra soi chiếu được, đó là lấy đứa trẻ ngày ấy nghĩ qua con tôi, lấy một kẻ sắp về già để nghĩ về ba má tôi.

     Nếu lấy tôi ra làm hệ quy chiếu thì ắt hẳn, ngày xưa ba má tôi sẽ không vui vẻ gì, mà đầy lo âu, bất an cho số phận của chúng tôi về sau này. Ngày đoàn viên để tự hỏi có thực sự đoàn viên hay không, để tâm hồn bị giày vò bởi suy nghĩ tiêu cực về mọi thứ tồi tệ sẽ xảy ra trong tình cảnh đất nước điêu linh; một khi mọi rợ, côn đồ được nuôi dưỡng, cái ác lên ngôi đã bao trùm cả bờ cõi. Một xã hội trên danh nghĩa thái bình mà người ta tôn thờ con ác quỷ Hades thì những người hiểu chuyện sao lại không lo sợ cho số phận con cái mình được.

     Cái thời “ngăn sông cấm chợ” ấy, chúng tôi đều thèm khát một cái Tết Trung thu để được ăn bánh. Má tôi thì chẳng bao giờ chịu cắt bánh cho riêng đứa nào, mà phải đợi đông đủ anh chị em, mỗi đứa chỉ được một góc tám. Cho nên thuở đó, có lẽ tôi là đứa thưởng thức bánh sành điệu nhất; tôi tận hưởng tất cả mọi hương vị của nó bằng cách ngắt ra từng miếng thật nhỏ, bỏ vô miệng ngậm cho tan dần, cho tới khi không còn vị ngọt mới nhẹ nhàng nhai nuốt xuống; vỏ bánh có vị riêng, nhân bánh cũng được tôi bóc tánh ra từng loại một mà hưởng thụ; một cái ăn thèm thuồng là một cách ăn ngon nhất trên cõi đời này.

     Lồng đèn thì phải tự làm nên tôi biết Trung thu tới cả tháng trước đó. Tôi theo các anh chị của mình để phụ hợ từ gọt tre, cắt giấy, xếp dún giấy màu, cách làm thẳng giấy kiếng cho đến khi nó thành hình; có lẽ vì vậy mà cái lồng đèn đối với tôi, nó thật đẹp, rất quý và trân trọng từng chút một; được đốt đèn đi khoe trong xóm, được ngắm nhìn ánh lửa đỏ hồng lung linh phát ra từ lồng đèn treo trước cửa thì vui sướng còn gì bằng đối với đứa trẻ như tôi; và tôi cũng biết rằng mình được sanh ra vào cái đêm lồng đèn treo trước cửa đó.

    Trong cái thiếu thốn về vật chất thì tôi được bù lại bằng những giá trị tinh thần. Vào những mùa Trung thu, tôi thường được nghe ba kể về tích Hằng Nga-Hậu Nghệ, về Nghê thường Vũ khúc y do Đường Minh Hoàng sáng tác, về Thiên Bồng Nguyên Soái ghẹo Hằng Nga phải bị đày, về chú Cuội và cây đa tới nỗi tôi nhìn lên nơi ở của chị Hằng thì thấy luôn cây đa và có người ngồi ở đó. Biết bao nhiêu là vẻ đẹp bồng lai tiên cảnh cứ theo trí tưởng tượng của tôi khi ngắm nhìn quả cầu đỏ hồng treo lơ lửng trên không trung, để rồi tôi không khỏi thắc mắc về thi sĩ Tản Đà khi ông ước lên được đó chỉ để “tựa nhau trông xuống thế gian cười” mà thôi!

     Sau này, tôi mới nghe người ta nói Trung thu là Tết thiếu nhi. Lấy con tôi ra mà xem xét thì có vẻ như nó cũng không mặn mà gì với ngày này; lồng đèn thì mua lúc nào cũng có, muôn hình vạn trạng tha hồ mà lựa, chơi chán thì bỏ đi chớ đâu có cái háo hức chờ đợi nó thành hình từ khúc cây tờ giấy; bánh thì nó cũng chả thèm ăn cho dù tôi có hỏi, có lẽ bánh trái đã quá thông thường đối với nó; còn đi chơi thì ôi thôi, các khu vui chơi có đầy, hễ có tiền thì cái gì cũng có, người ta đã bày biện sẵn hết, khỏi cần phải nghĩ suy chi cho mệt, biển cũng có giả, núi cũng có giả, vườn tược lầu đài cũng có giả, tất cả gom chung vào một không gian nhỏ nhộn nhịp, huyên náo và diêm dúa. Cho nên nói tụi nhỏ bây giờ không tư tưởng thì cũng không phải, mà chúng tư tưởng ở trong cái lồng, cái ao, cái chuồng do người lớn áp đặt; cha mẹ thì chỉ việc làm sao kiếm thật nhiều tiền để cho chúng theo kịp, được bằng với con nhà người ta là đủ; rồi đây, đứa trẻ nào lặng ngắm trăng rằm, quan sát bầu trời, tư tưởng ra không gian vũ trụ sẽ bị cho là dị hợm, là tâm thần bất ổn hết.

     Người ta nói Trung thu là Tết trẻ con, nhưng bánh thì được làm lên tới hàng triệu đồng để biếu xén. Theo thống kê của các nhà sản xuất thì mùa Trung thu năm 2006, tiền tiêu pha cho bánh là hơn 800 tỷ đồng; người ta còn ghi nhận có những hộp bánh mà bên trong là vàng, là đô la để làm quà cống nộp quan chức; và phong trào đền ơn đáp nghĩa, mua quan bán chức vào dịp Trung thu đã trở thành một thông lệ. Cho nên nói Tết dành cho trẻ con thì cũng là điều trơ tráo với tụi nhỏ.

    Vừa rồi trên phường cũng có tổ chức một chuyến đi trải nghiệm dành cho bọn trẻ, làm con tôi háo hức tới ngủ cũng không yên, bởi nó nghe tôi nói được đi bảo tàng là sẽ coi được nhiều vũ khí quân dụng. Tới khi thằng nhỏ đi về thì mặt mày bí xị, hỏi má nó thì mới biết là họ gom tụi nhỏ lại đi trong một buổi sáng tới ba chỗ: bảo tàng, nhà văn hóa, nhà truyền thống gì đó. Nhưng không cho tụi nhỏ coi cái gì mà chỉ lấy bối cảnh đó để thuyết giảng về tội ác chiến tranh xâm lược, bè lũ tay sai bán nước, và lòng biết ơn vị cha già dân tộc.

    Họ làm vậy thì được gì trong khi tụi nhỏ không hề yêu thích? Chắc có lẽ chỉ nhằm bảo vệ cho cái cơ nghiệp của họ được trường tồn, được tiếp tục vui hưởng cho thỏa chí cái lòng vị kỷ của họ. Trên thì muốn định hình cho bọn trẻ theo chủ nghĩa Chauvin, để trở thành một lực lượng giỏi phục tùng, để dễ bề sai khiến; dưới thì lợi dụng bọn trẻ ra làm báo cáo, để hoàn thành thành tích xuất sắc, để mưu cầu cơ hội tiến thân. Vậy lúc này những “mầm non thân yêu” ấy trở thành cái thứ gì trong con mắt của đám người già nhân nghĩa đó? Và trong chúng ta, những người đang ra rả chửi bới hằng ngày, những người nhanh nhạy phản ứng với thời cuộc, những người luôn muốn thể hiện tấm lòng thanh bạch giữa bùn lầy thì liệu có ai đang tiếp tay cho công cuộc nhấn chìm cả dân tộc hay không, liệu có ai đang phụ họa cho sự suy đồi trên toàn diện đất nước hay không? Bởi vì theo tôi biết, những người thích ném đá nhất, những người thích lên gân về đức hạnh nhất lại là những kẻ đang cố khỏa lấp tội lỗi của chính mình.

     Vừa qua, có “kẻ kiến tạo” cũng ngọng nghịu lấy lời “tay chết yểu” mà hét hò: Đừng hỏi Tổ quốc đã làm gì cho ta, mà phải hỏi ta đã làm gì cho Tổ quốc. Chỉ vậy thôi mà đã làm cho không ít kẻ cảm thấy mình có lỗi, mình chưa đủ Hiếu với Tổ quốc. Vậy thử hỏi chúng ta cắm đầu cày cuốc để đóng thuế cho ai, chúng ta ăn một cọng rau, uống một giọt nước đều phải chịu thuế kia mà, vậy chưa đủ hay sao, hay phải thí luôn cái mạng như trong đợt dịch vừa qua để họ hưởng lợi trên xác ta thì mới là đủ Hiếu? Cái Tổ quốc mà họ đang nói đó là của ai, mà chúng ta chỉ biết nhắm mắt đưa đầu, chờ trời kêu ai nấy dạ?

    Dân thì có bao giờ lại không tin vào chính quyền, bởi số phận của họ phải tùy thuộc vào chỗ đó, nhưng chính chính quyền thì hết lần này tới lần khác, cứ dối trá lọc lừa, đẩy họ vào cảnh khốn khó lầm than. Cái đói rách của hạng cô thân yếu thế, cái vui hưởng vinh hoa của hạng nắm quyền trong tay, đã làm phép đo để kích động lòng thèm khát thay đổi số phận mà dẫn tới đâu đâu cũng tin tưởng vào phép màu thần thánh. Tiếng hống hách của kẻ lên voi, tiếng oán than của người xuống chó hòa quyện vào bầu không khí trên toàn lãnh thổ đang đề cao chủ nghĩa cơ hội; những con người bị lưu manh hóa cùng cực tới không còn biết liêm sỉ là gì đang múa may, diễn tuồng lôi kéo bọn trẻ vào lối sống của phóng thể sống đời súc vật. Vậy thì còn đâu là tương lai cho bọn trẻ?

    Cũng có một bộ phận lầm tưởng mình khôn ngoan, thức thời, khi họ có điều kiện là cho con cái du học để thoát khỏi cái vấn nạn bại hoại của giáo dục. Nhưng họ nào có biết tuổi trẻ khi vừa mở mắt thường có xu hướng đập phá cái cũ mà tiếp nhận cái mới, điều đó rất có lợi cho dụng ý của người Tây. Chúng tiêm vào bọn trẻ thứ văn hóa lai căng để sau này sẽ trở thành một lực lượng phụng sự đắc lực cho công cuộc tiếp quản của chúng; và tất nhiên những cổ máy do chúng đào tạo sẽ có năng suất và hiệu quả hơn những bộ não chai lì trong nước. Vịt cổ lùn mà muốn hóa thiên nga thì đương nhiên chúng sẽ cho bộ lông để khoát lên cho vừa lòng hả dạ, và sự khuất phục, tính nô lệ sẽ bắt đầu, mọi sự vui hưởng vật chất cũng theo đó mà tăng dần. Trong khi con người có tư tưởng là do hưởng thụ tinh hoa của dân tộc, nay mất gốc rồi thì chỉ còn cái xác mà linh hồn đã giao đứt cho kẻ khác. Vậy thì còn đâu là dân khí cho thế hệ tương lai?  Và trong chúng ta, những người đang ra rả chửi bới hằng ngày một cách mù quáng, những người nhanh nhạy phản ứng với thời cuộc chả biết đúng sai, những người luôn muốn thể hiện tấm lòng thanh bạch giữa bùn lầy.

    Mình mà không cứu nổi mình thì đi cậy ai giải thoát cho mình. Đói rách thì có thể cưu mang nhau qua bữa chớ ngu mà không tự tìm tòi khai trí thì thần thánh nào mà cứu cho nổi. Cứ mỗi lần nhìn thấy một bầy xôn xao trên mạng thì không khỏi xót xa.

     Lại một mùa Trung thu bất an dằng dặc khi nghĩ về con cái, về tụi nhỏ dân mình.

    Sài-gòn, đêm Trung thu 2023.


    Không có nhận xét nào