Header Ads

  • Breaking News

    Tưởng Năng Tiến – Đường Phía Bắc

     

    Lúc còn tại thế, có lúc, ông Phạm Văn Đồng đã phải đối diện với một câu hỏi khó :

    “Xin thủ tướng cho biết ý kiến về sự kiện thuyền nhân hồi 1975, nhất là hồi 1978, 1979… Về nguyên nhân và trách nhiệm trong những sự kiện ấy, với những hiện tượng bán bãi thu vàng và khá nhiều tầu, thuyền bị hải tặc bão tố và chìm trong đại dương… Là người đứng đầu chính phủ, một trong những người lãnh đạo cao nhất của đảng cộng sản, thủ tướng nhìn nhận ra sao trách nhiệm của mình trong cuộc di dân rộng lớn và bi thảm ấy?” (Bùi Tín, “Hai Câu Hỏi Cần Trả Lời Rõ Ràng Trước Khi Thế Kỷ 20 Khép Lại,” Cánh Én, Feb.1999:05).

    Phạm Văn Đồng, tất nhiên, không “nhìn nhận trách nhiệm” gì ráo trọi. Và đây là thái độ chung của giới hữu trách ở Việt Nam – theo như nhận xét của ông Ngô Nhân Dụng : “Khi thấy dân tố cáo bất cứ cái gì, phải chối ngay, phải lấp liếm, bịa đặt, bưng bít, bằng bất cứ cách nào, không bao giờ nhận lỗi.” 

    Ông nhà báo này nói tầm bậy tầm bạ như vậy mà … không trật. Khi được phóng viên báo Nhân Dân, số ra ngày 31 tháng 8 năm 1987, hỏi về cuộc “di dân  rộng lớn và bi thảm ấy,” Trung Tướng Nguyễn Đình Ước (Viện Trưởng Viện Lịch Sử Quân Sự Việt Nam) đẩy cây như máy :

     “Đó là chuyện có thật … Đã có một bộ phận người Việt Nam bỏ đất nước ra đi. Không ít người đã thiệt mạng trên biển do bị chìm thuyền, bị bọn đưa người vượt biên trái phép lừa gạt giết chết. Đó đúng là một thảm cảnh nhưng là hệ quả do những chính sách chống phá Việt Nam từ bên ngoài.”

    Mới đây, ông Dương Trung Quốc  mô tả đó là một “vết thương lịch sử” nhưng (sau một lúc quanh co) ông kết luận rằng là nó sắp … lành đến nơi rồi : “Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử.”

    Cái “hoàn cảnh lịch sử” này ra sao là điều mà ông Tổng Thư Ký Hội Khoa Học Lịch Sử Việt Nam không muốn nói đến. Ông Trương Tấn Sang cũng vậy :

    “Đảng, Nhà nước và nhân dân ta luôn khẳng định người Việt Nam ở nước ngoài là một bộ phận không thể tách rời của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, luôn mong muốn và làm hết sức mình để hỗ trợ đồng bào đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau, ổn định cuộc sống, phát triển kinh tế, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập vào cộng đồng dân cư trên đất nước cư trú…” 

    Dưới mắt nhìn của những người cầm quyền ở Việt Nam thì mấy triệu thuyền nhân cứ y như một đám người từ trên trời rớt xuống, tứ tán khắp năm Châu. Đảng và Nhà Nước đã gom cái tập thể này lại và biến họ thành cục bột, muốn nắn bóp nó ra sao – tùy thích.

    Có lúc Nhà Nước mô tả những kẻ ra đi là một lũ người “bất hảo, cặn bã của xã hội, ma cô, đĩ điếm, trộm cướp, trây lười lao động, ngại khó ngại khổ, phản bội tổ quốc, chạy theo bơ thừa sữa cặn… ”.  Không hiểu đám thuyền nhân đã hành nghề ma cô, đĩ điếm và tổ chức trộm cướp ra sao – nơi đất lạ quê người – nhưng số lượng bơ thừa sữa cặn mà họ đều đặn gửi về cố hương đã cứu toàn dân, cũng như toàn Đảng, thoát chết (đói) nhiều phen.

    Từ đó, Đảng ta đổi giọng : những kẻ  phản bội tổ quốc không những đều được “khoan hồng” mà còn được “tôn vinh” như “những sứ giả Lạc Hồng,” và (bỗng) trở thành “một bộ phận  không thể tách rời của cộng đồng dân tộc,”  hay “là cầu nối phát triển quan hệ hợp tác hữu nghị giữa nhân dân ta với nhân dân các nước trên thế giới…” 

    Thiệt khoẻ!

    Thế còn chính những thuyền nhân họ nghĩ sao? Theo nhận xét của giáo sư Nguyễn Văn Tuấn thì dường như đây là một đám đông thầm lặng, không nghe ai lên tiếng nói năng gì hết trơn hết trọi : “Đúng là một cuộc di tản qui mô lớn chưa bao giờ có trong lịch sử Việt Nam. Nhưng không có ai của Nhà nước chính thức ghi nhận sự kiện này. Tôi chưa bao giờ nghe / đọc một người từ miền Bắc nhắc đến sự kiện này.”

    Nói nào ngay thì có nhưng rất ít. Lý do giản dị chỉ vì những nạn nhân của những biến cố kinh hoàng, vượt ngoài sức chịu đựng bình thường của con người, thường không mấy ai muốn nhắc đến những kinh nghiệm hãi hùng mà họ đã phải trải qua. Đây là hội chứng PTSD (Post Traumatic Stress Disorder) theo như ghi nhận của DSM – IV – TR (Diagnostic and Statistical Manual of Mental Disorder, Fourth Edition. Text Revision. Washington, DC, American Psychiatric Association, 2000 – cẩm nang của khoa Tâm Thần Học).

    Hiện tại, trên bàn viết của chúng tôi chỉ có hai cuốn sách thuộc loại này :

    Góc Bể Bên Trời  của Võ Hoàng có lẽ là tác phẩm đầu tiên, viết về chuyện vượt biên, tạp chí Nhân Văn (California) xuất bản năm 1984. Tác giả vốn là một ngư dân ở Rạch Giá đã ghi lại một cuộc vượt biển “phụ,” một đoạn đường đi “thêm” từ vịnh Thái Lan đến tận Úc Châu – trên một chiếc thuyền con mong manh, thiếu thốn tất cả những phương tiện, những điều kiện cần thiết tối thiểu cho một hải trình dài dặc, và có trăm ngàn thứ gian nguy – của chính ông và bè bạn.


     Buồn Vui Đời Thuyền Nhân của Lâm Hoàng Mạnh, Tiếng Quê Hương (Virginia) xuất bản năm 2011. Đây là tập hồi ký dầy hơn ba trăm trang của một y sĩ kiêm văn sĩ, ghi lại hết sức sống động và chi tiết cuộc trốn chạy của những người Việt gốc Hoa từ bến Tam Bạc (Hải Phòng) qua Hồng Kông, và điểm đến cuối cùng là Anh Quốc.

    Trang sổ tay hôm nay chúng tôi xin dành để giới thiệu một tác phẩm khác ( Đường Phía Bắc) của nhà văn Lê Đại Lãng, tuần báo Trẻ (Texas) xuất bản đầu năm 2012, viết về “hành trình của những người hướng Bắc sinh và sống từ cầu Hiền Lương đến nàng Tô Thị.” 

    Tác giả là một thuyền nhân đi từ phía Nam nhưng có một thời gian dài làm việc thiện nguyện trong những trại tị nạn, ở Hồng Kông. Ông cũng là tác giả của tập bút ký Nước Mắt Trong Tim  do tạp chí Người Dân (California) xuất bản năm 1990, và tiểu luận Vietnamese-English Bilingualism: Patterns of Code-Switching – Routledge Studies in Asian Linguistics – xuất bản năm 2003, ký tên thật là tiến sĩ Hồ Đắc Túc.

    Trong phần lời tựa của Đường Phía Bắc, Lê Đại Lãng tâm sự :

    “Tôi viết lại những mẩu chuyện nho nhỏ mà các bạn  đã kể cho tôi nghe như một người nghèo thiếu  áo, chắp lại những mẩu áo đủ màu đủ cỡ, lành có rách có, đậm có nhạt có, để ráp thành một cái áo vụng về xấu xí mặc cho qua rét mướt mùa đông.  Dù cho công tôi chắp vá mà thành, nhưng chất liệu vẫn là các bạn, nếu có chỗ nào (nói cho le) là hư cấu thì cũng xin coi là cái cúc áo đơm vào để gài kín ngực. Bỏ cái cúc ra, áo vẫn hoàn áo, vải gấm hay vải thô vẫn là của các bạn.  Vốn liếng và chất liệu đã làm nên cuốn sách này là từ đời sống của các bạn tôi… và những hạt mưa dầm.”

    “Những mẩu chuyện nho nhỏ” của người đi từ phía Bắc và những kẻ đi từ phía Nam, gần như, chả khác gì nhau. Đều là những chuyện nát lòng, và những mảnh đời tơi tả, của những kẻ bị đẩy đến bước đường cùng không còn lựa chọn nào khác nên phải (đành đoạn) rời bỏ quê hương đâm sầm ra biển – như một cách lao đời vào cái chết để tìm sự sống.


    Người ta ước đoán chừng vài trăm ngàn thuyền nhân đã vùi thây trong lòng biển cả (*). Những kẻ thoát chết đến được bến bờ không nhất thiết đã là những người may mắn. Đường Phía Bắc là tác phẩm viết về họ, những kẻ trong các trại cấm ở Hồng Kông sau giờ khắc định mệnh “0 giờ ngày 16 tháng 6 năm 1988” –  giờ khắc mà nhiều trại tị nạn ở Đông Nam Á đã đột ngột biến thành những trại tù, qua ngòi bút của Lê Đại Lãng :

    “Những dãy nhà lợp tôn dài hai mươi chín mét, rộng sáu mét trống trải không có giường nhét đủ ba trăm mạng người. Hải băng qua những đường rãnh lềnh bềnh rác lẫn với phân người, theo trưởng buồng lách chân giữa một lối đi hẹp giữa buồng, hai bên thùng bọng la liệt, kẻ nằm người ngồi tràn lan trên nền đất rin rỉn nước.”

    Và đây là vài mẩu đối thoại của những con người sống trong vòng rào của những trại cấm này :

    Tiên sư con cái nhà ai mà cứ ỉa tòe loe ra đấy. Bẩn đéo chịu nổi.

    Giọng một bà trả đũa:

    Con cái nhà bà đấy. Nó muốn ỉa đâu thì nó ỉa, bà thách thằng chó nào đụng tới nó coi nào.

    Gã đàn ông bị chạm tự ái, cáu :

    Ỉa thì có nhà cầu, cứ tươm cả ra đấy thì cái nhà này biến thành lăng bác cả à!

    Tiếng cười rúc rích thú vị, chị đàn bà đổi hướng:

    Có giỏi thì đứng ở Ba Đình nói câu ấy. Qua đây nói ai nghe nào. Lũ hèn…!

    Thằng bé cắt lời mẹ, ré lên đòi chùi đít. Bà mẹ bảo: “Cứ chờ đấy, chừng nào nước mở hẵng rửa”.

    Thằng bé dang dang hai chân đi về giường. Có tiếng la dẫy nẩy: “Coi chừng nó ngồi lên giường là khốn đấy. Địt mẹ, biết thế này ông thèm vào”.

    Ở trong những trại tị nạn này, trẻ con Việt Nam không biết nói tiếng “không.”

    Chúng thay bằng tiếng khác :

    Tao đéo thèm chơi với mày nữa

    Tao đéo vào

    Mầy có cái đó không?

    Đéo có.

    Những mảnh đời méo mó qua những mẩu đối thoại thô tục (thượng dẫn) của những  kẻ may mắn sống sót đến được bến bờ, cùng với oan hồn của hàng triệu sinh linh dưới đáy biển sâu không thể nói lấp liếm cho qua chuyện (”Tôi không nghĩ kiều bào còn lấn cấn nhiều về chế độ chính trị, có lẽ chỉ còn ở một thế hệ nào đó do hoàn cảnh lịch sử”) theo cái kiểu xuê xoa của ông Dương Trung Quốc. Cũng không thể yêu cầu những quốc gia láng giềng đục bỏ những bia tưởng niệm thuyền nhân là kể như huề –  như cách hành xử của ông Trần Đức Lương.

    Họa cộng sản sẽ qua, và sắp qua. Ngoài chuyện Thu Vàng Bán Bãi Vuợt Biên, còn nhiều “vụ động trời” khác nữa – như C.C.R. Đ, Nhân Văn, Xét Lại, Thảm Sát Mậu Thân, Đổi Tiền, Cải Tạo Công Thương Nghiệp, Mười Ngày Học Tập, Khai Thác Bauxit, Vinashin … – cần phải được ghi nhận, và xét xử minh bạch, trong tương lai gần.

    Vấn đề không phải là để tầm thù hay báo oán. Điều này hoàn toàn không cần thiết, và hoàn toàn đi ngược lại với truyền thống văn hoá bao dung dân tộc Việt. Tuy nhiên, quá khứ cần phải được thanh thoả để chúng ta an tâm hơn khi hướng đến tương lai.

    Tưởng Năng Tiến
    3/2012

    (*) Death Tolls and Casualty Statistics Vietnam – Vietnamese Boat People

    Jacqueline Desbarats and Karl Jackson (“Vietnam 1975-1982: The Cruel Peace”, in The Washington Quarterly, Fall 1985) estimated that there had been around 65,000 executions. This number is repeated in the Sept. 1985 Dept. of State Bulletin article on Vietnam.

    Orange County Register (29 April 2001): 1 million sent to camps and 165,000 died.

    Northwest Asian Weekly (5 July 1996): 150,000-175,000 camp prisoners unaccounted for.

    Estimates for the number of Boat People who died: 

    Elizabeth Becker (When the War Was Over, 1986) cites the UN High Commissioner on Refugees: 250,000 boat people died at sea; 929,600 reached asylum

    The 20 July 1986 San Diego Union-Tribune cites the UN Refugee Commission: 200,000 to 250,000 boat people had died at sea since 1975.

    The 3 Aug. 1979 Washington Postcites the Australian immigration minister’s estimate that 200,000 refugees had died at sea since 1975. 

    Also: “Some estimates have said that around half of those who set out do not survive.”

    The 1991 Information Please Almanac cites unspecified “US Officials” that 100,000 boat people died fleeing Vietnam.

    Encarta estimates that 0.5M fled, and 10-15% died, for a death toll of 50-75,000.

    Nayan Chanda, Brother Enemy (1986): ¼M Chinese refugees in two years, 30,000 to 40,000 of whom died at sea. (These numbers also repeated by Marilyn Young, The Vietnam Wars: 1945-1990 (1991))

    Rummel 

    Vietnamese democide: 1,040,000 (1975-87) 

    Executions: 100,000

    Camp Deaths: 95,000

    Forced Labor: 48,000

    Democides in Cambodia: 460,000

    Democides in Laos: 87,000

    Vietnamese Boat People: 500,000 deaths (50% not blamed on the Vietnamese government)




    Không có nhận xét nào