Stu Cvrk
Vân Du biên dịch
02/10/2023
" Hôm 15/09, có thông tin tiết lộ rằng chính phủ liên bang đang cung cấp ưu đãi thuế trị giá 7.5 tỷ USD trong vòng năm năm cho Gotion High-Tech Co., một công ty Trung Quốc được cho là có liên kết với ĐCSTQ và các tổ chức tài chính nhà nước trong một dự án sản xuất pin ở Michigan. "
Cối xay gió phát điện phía trên nhà máy điện hạt nhân do Exelon vận hành gần Marseilles, Illinois, ngày 13/06/2018. (Ảnh: Scott Olson/Getty Images)
Nỗ lực của chính phủ Tổng thống Biden nhằm chuyển đổi nền kinh tế Hoa Kỳ thông qua quản lý quá mức và ngăn chặn hoạt động thăm dò dầu khí trong khi trợ cấp mạnh mẽ cho cái gọi là các nguồn năng lượng tái tạo (và đắt tiền) như phong năng và quang năng, không chỉ bỏ qua chìa khóa then chốt cho tăng trưởng kinh tế (năng lượng giá rẻ) mà còn làm lợi cho mối đe dọa hàng đầu đối với nền Cộng hòa của Mỹ quốc — Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Hãy cùng chúng tôi tìm hiểu vấn đề.
Chính sách năng lượng của ông Biden
Chính sách năng lượng của Tổng thống Joe Biden được quy định trong “Đạo luật Giảm Lạm Phát,” một dự luật tổng hợp trị giá 700 tỷ USD được thông qua hồi tháng 08/2022. Khoảng 369 tỷ USD trong số tiền này được dành cho “năng lượng tái tạo” (30 tỷ USD), việc chuyển đổi lĩnh vực tiện ích sang năng lượng xanh (30 tỷ USD), trợ cấp 10 năm cho cửa ra vào và cửa sổ “tiết kiệm năng lượng,” và “các khoản đầu tư” trị giá hàng chục tỷ USD cho vận tải bằng năng lượng xanh, như Quỹ Di Sản (Heritage Foundation) đã lưu ý. Về vận tải bằng năng lượng xanh, Tổng thống Biden đã ký một sắc lệnh hồi tháng 08/2021, “đặt mục tiêu quốc gia rằng các phương tiện không phát thải sẽ chiếm một nửa số xe hơi và xe tải mới được bán ra vào năm 2030,” theo tường thuật của NBC News vào thời điểm đó.
Tổng thống Joe Biden đưa ra nhận xét về nỗ lực giảm giá xăng cao tại Thính phòng Tòa án Phía Nam tại Tòa nhà Văn phòng Điều hành Eisenhower ở Hoa Thịnh Đốn hôm 22/06/2022. (Ảnh: Jim Watson/AFP qua Getty Images)
Hơn nữa, Tổng thống Biden đã đảo ngược hoàn toàn các chính sách nhằm bãi bỏ quy định và khuyến khích sản xuất dầu khí tại Hoa Kỳ của chính phủ cựu Tổng thống Trump, thông qua việc hủy bỏ các dự án đường ống Keystone XL và Dakota Access, tạm dừng các hợp đồng cho thuê khoan dầu khí mới (gây thêm tâm lý không chắc chắn cho các nhà đầu tư) và cuối cùng là chấm dứt hoạt động thăm dò trên các vùng đất liên bang “được bảo vệ.”
Hậu quả của chính sách nêu trên là Hoa Kỳ chuyển từ một nước xuất cảng dầu khí sang một nước nhập cảng trong hai năm ngắn ngủi và giá xăng tại trạm tăng vọt từ 2.195 USD/gallon vào tháng 12/2020 lên 4.444 USD vào tháng 05/2022. Trước cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2022, chính phủ đã buộc phải giảm nhanh chóng kho Dự trữ Dầu khí Chiến lược (SPR) xuống mức chưa từng có 40% để giảm giá. SPR đáng ra phải được sử dụng cho mục đích khẩn cấp và thời chiến, không phải để thao túng giá trong chu kỳ bầu cử.
Mục tiêu chung của chính sách năng lượng ông Biden đang tạo thuận lợi cho ĐCSTQ, vốn đang tìm cách thay thế Hoa Kỳ để trở thành siêu cường duy nhất trên thế giới, và đồng thời thu lợi từ sự suy thoái của Hoa Kỳ khi Hoa Kỳ theo đuổi sự chuyển đổi năng lượng sai lầm từ các nguồn hydrocarbon rẻ tiền và đáng tin cậy sang các nguồn “năng lượng xanh” phù phiếm, không liên tục, và tốn kém.
Chính phủ Tổng thống Biden đang loại bỏ dần thế mạnh lâu nay của Hoa Kỳ về dầu, khí đốt tự nhiên, và sản xuất phương tiện đi lại chạy bằng xăng, để khuyến khích người Mỹ đầu tư vào công nghệ xanh và mua những chiếc xe điện đòi hỏi các bộ phận có chứa nguyên tố đất hiếm. Theo Financial Times, “Trung Quốc chịu trách nhiệm sản xuất khoảng 90% nguyên tố đất hiếm trên thế giới” và “ít nhất 80% các bước trong số công đoạn chế tạo pin quang năng và 60% tuabin gió và pin xe điện.” Như Real Clear Wire đưa tin hồi tháng Tám, “Kim loại đất hiếm là một phần không thể thiếu trong nam châm, thành phần then chốt đối với động cơ xe điện và tuabin gió. Hoa Kỳ phụ thuộc vào những nguyên liệu này, nhập cảng ròng tới 95%, trong khi Trung Quốc sản xuất 70% số nguyên liệu như vậy trên toàn cầu.”
Tóm lại, chính sách năng lượng của ông Biden mang lại cho Trung Quốc đòn bẩy kinh tế trước Hoa Kỳ theo thời gian, đồng thời làm tăng đáng kể chi phí năng lượng đối với các doanh nghiệp, người tiêu dùng, và quân đội Hoa Kỳ. Đòn bẩy đó còn mở rộng hơn nữa khi đặc phái viên về khí hậu John Kerry thỉnh cầu Bắc Kinh thuyết phục Trung Quốc hợp tác với các chính sách của chính phủ Tổng thống Biden nhằm giảm lượng khí thải để theo đuổi các mục tiêu phát thải ròng bằng không của Liên Hiệp Quốc. Những người cộng sản đang mỉm cười lịch sự trong lúc dẫn đầu thế giới về xây dựng các nhà máy năng lượng đốt than, xây dựng nhiều gấp sáu lần so với phần còn lại của thế giới cộng lại.
Theo đuổi giấc mơ xanh
Hôm 23/04, cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan đã tiết lộ một thay đổi lớn trong định hướng kinh tế toàn cầu, từ các chính sách đồng thuận về “thương mại tự do, bãi bỏ quy định, thuế có thể chấp nhận được và chi tiêu công vừa phải” sang cách tiếp cận tập trung, từ trên xuống, trong đó “chính phủ sẽ thiết lập các nghị trình [kinh tế]… và người đóng thuế sẽ được yêu cầu tài trợ cho các khoản chi tiêu công [khi cần thiết],” theo một báo cáo của GIS. Điều này đồng nghĩa với việc hướng tới một nền kinh tế chỉ huy tập trung đã thất bại ở mọi nơi từng được thử nghiệm, từ Liên Xô cũ đến Cuba, Bắc Hàn cho đến Trung Quốc cộng sản.
Cố vấn an ninh quốc gia Jake Sullivan nói trong cuộc họp thường nhật tại Tòa Bạch Ốc ở Hoa Thịnh Đốn hôm 24/04/2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Hôm 23/07, Cục Bảo vệ Môi trường (EPA) đã đề xướng hai quy định mới. Theo RealClearWire, hai quy định này dự kiến sẽ tạo ra căng thẳng to lớn cho mạng lưới điện vốn đã quá tải của Hoa Kỳ: “một tiêu chuẩn khí thải từ ống xả yêu cầu 60% số xe mới bán ra vào năm 2030 phải chạy bằng điện” và một “Kế hoạch Năng lượng Sạch 2.0 nghiêm ngặt đến mức cách thiết thực duy nhất để nhiều nhà máy tuân thủ là đóng cửa.”
EPA tuyên bố không có quy định nào trong số này sẽ gây ra những vấn đề về độ tin cậy năng lượng cũng như làm tăng giá. Các quy định về xe điện sẽ làm tăng nhu cầu đối với lưới điện và đòi hỏi các công ty điện lực phải đầu tư đáng kể vào hệ thống phân phối điện tại địa phương để sạc các phương tiện đi lại đó.
Hôm 22/08, một thỏa thuận đã được ký kết với một số nhóm sinh thái nhằm “bảo vệ loài cá voi” dẫn đến những hạn chế mới đối với các công ty dầu khí hoạt động ở Vịnh Mexico. Vậy là hoạt động sản xuất dầu khí lại ít hơn đi và chi phí khai thác lại tăng lên thêm.
The Associated Press đưa tin, hôm 07/09, chính phủ Tổng thống Biden “đã hủy bỏ bảy hợp đồng cho thuê khai thác dầu và khí đốt còn lại ở Khu Bảo tồn Động vật hoang dã Quốc gia Bắc Cực tại Alaska… và đề nghị các biện pháp bảo vệ mạnh mẽ hơn chống lại việc xây dựng trên các khu vực rộng lớn của Khu Dự trữ Dầu khí Quốc gia-Alaska.”
Hôm 08/09, các đại diện của ngành vận tải đường bộ thông báo rằng các quy định mới được EPA đề nghị về các phương tiện đi lại và máy móc hạng nặng nhằm giảm lượng khí thải oxit nitơ và các chất ô nhiễm khác sẽ là “không thể đạt được,” “dẫn đến lạm phát cao và khiến các công ty vận tải đường bộ ngừng hoạt động kinh doanh,” và “phá hủy chuỗi cung ứng cũng như khiến nguồn cung cấp thực phẩm của Hoa Kỳ gặp rủi ro,” theo The Post Millennial.
Hôm 13/09, Chủ tịch Ủy ban Chứng khoán và Giao dịch đã làm chứng rằng quy tắc công bố thông tin về khí hậu được đề nghị cho các công ty đại chúng là “không có vấn đề gì lớn.” Nhưng thực tế là trái lại, The Wall Street Journal đưa tin, quy định được đề nghị sẽ yêu cầu “các công ty đại chúng phải tiết lộ những rủi ro về khí hậu giả định và lượng phát thải khí nhà kính, bao gồm cả rủi ro của các nhà cung cấp và khách hàng.” SEC đã phát triển quy tắc này với sự trợ giúp của các nhóm hoạt động vì khí hậu như “Ceres, với mục tiêu được nêu rõ là ‘đạt được một tương lai không phát thải.’”
Hôm 15/09, có thông tin tiết lộ rằng chính phủ liên bang đang cung cấp ưu đãi thuế trị giá 7.5 tỷ USD trong vòng năm năm cho Gotion High-Tech Co., một công ty Trung Quốc được cho là có liên kết với ĐCSTQ và các tổ chức tài chính nhà nước trong một dự án sản xuất pin ở Michigan.
Hôm 18/09, chính phủ đã đề nghị lệnh cấm khoan và khai thác dầu trong 50 năm trên hàng ngàn mẫu đất ở tiểu bang New Mexico.
Suy nghĩ kết luận
Trong nhiều thế kỷ qua, nền văn minh hiện đại và tiến bộ của nhân loại đều dựa trên việc khai thác hiệu quả hydrocarbon (nhiên liệu hóa thạch). Không có những nhiên liệu này, chúng ta sẽ sống trong những ngôi nhà lạnh lẽo, tối tăm, vắng bóng những thiết bị hiện đại giúp cuộc sống trở nên dễ dàng hơn nhiều so với cuộc sống của tổ tiên chúng ta. Sự cải thiện to lớn về mức độ hưng thịnh và mức sống cao của nền văn minh phương Tây kể từ thế kỷ 19 là dựa trực tiếp vào quá trình công nghiệp hóa nhờ năng lượng rẻ và đáng tin cậy.
Theo ghi nhận của Tổ chức Giáo dục Kinh tế (FEE), một điều hiển nhiên là “các quốc gia công nghiệp hóa thông qua việc tăng cường sử dụng nhiên liệu hóa thạch đã không chỉ nhận thấy sự thịnh vượng về kinh tế tăng vọt, mà còn nhận được những lợi ích như tuổi thọ tăng lên, không khí sạch hơn, nước sạch hơn, giảm suy dinh dưỡng, có ít trường hợp tử vong do bệnh truyền nhiễm hơn, và ít trường hợp tử vong liên quan đến biến đổi khí hậu hơn.”
Quá trình chuyển đổi xanh của chính phủ Tổng thống Biden thông qua các quy định bắt buộc từ trên xuống sẽ không bao giờ dẫn đến việc cung cấp năng lượng chi phí thấp và đáng tin cậy cho các gia đình và doanh nghiệp vì mặt trời không chiếu sáng vào ban đêm, gió không phải lúc nào cũng thổi, và công nghệ lưu trữ năng lượng hiện tại không thể đáp ứng nhu cầu trong những điều kiện đó.
Nhưng những người cộng sản Trung Quốc hoàn toàn hài lòng với việc chuyển đổi năng lượng xanh của chính phủ Tổng thống Biden vì họ được hưởng lợi trực tiếp theo nhiều cách: tiếp tục thặng dư thương mại với Hoa Kỳ thông qua bán trực tiếp công nghệ xanh, tăng đòn bẩy kinh tế đối với Hoa Kỳ và các đồng minh, nền kinh tế Hoa Kỳ rối bời và hỗn loạn trong lúc trải qua quá trình chuyển đổi và bị suy yếu vì lạm phát cao, và các năng lực an ninh quốc gia của Hoa Kỳ suy yếu khi tiền của người đóng thuế được chuyển từ việc hiện đại hóa và nâng cao tính sẵn sàng của quân đội sang các sáng kiến năng lượng xanh.
Có thể nói, chính sách năng lượng của Tổng thống Biden là chính sách “Sản xuất tại Trung Quốc.”
https://www.epochtimesviet.com
Không có nhận xét nào