Chúng ta đã nghe nhiều về sự phân chia cánh tả và cánh hữu trong nền chính trị của các nước dân chủ phương Tây, điển hình là Hoa Kỳ. Vậy đối với nhà nước độc đảng như Trung Quốc, liệu có sự phân chia tả hữu trong tầng lớp cầm quyền cũng như trong công chúng nói chung không? Tả và Hữu Sự khác biệt cơ bản giữa cánh tả và cánh hữu nằm ở quan niệm khác biệt về bình đẳng. Cánh tả thường rất quan tâm đến vấn đề bất bình đẳng kinh tế và ủng hộ can thiệp của chính phủ vào nền kinh tế nhằm giảm khoảng cách giàu nghèo, bảo vệ quyền của người lao động và đảm bảo phúc lợi xã hội. Các chính sách mà cánh tả ủng hộ thường bao gồm đánh thuế cao đối với người giàu, áp dụng mức lương tối thiểu, ủng hộ bảo hiểm y tế toàn dân và bảo hiểm thất nghiệp để bảo vệ người dân khỏi rủi ro. Trong khi đó, cánh hữu tin rằng bất bình đẳng là một hiện tượng tự nhiên trong xã hội. Họ ủng hộ thị trường tự do và giảm thuế nhằm kích thích tăng trưởng kinh tế và tạo ra công ăn việc làm. Họ lập luận rằng các chính sách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế sẽ giúp giảm thiểu nghèo đói một cách tự nhiên, từ đó mang lại lợi ích cho tất cả các thành viên trong xã hội. Cánh hữu cho rằng tương tác cung cầu trên thị trường giúp nguồn lực được phân phối một cách hiệu quả, trong khi can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế sẽ dẫn đến bóp méo thị trường, giảm hiệu suất, lãng phí và làm chậm tốc độ tăng trưởng. [1] Cần lưu ý rằng phổ chính trị tả - hữu rất rộng và có tính tương đối. Một chính sách cụ thể ở nước này bị cho là tả nhưng nếu thực hiện ở một nước khác thì lại được phe hữu nước đó ủng hộ. Vậy trong mô hình chính trị độc đảng của Trung Quốc, người dân nói chung có chia thành hai phái chính trị tả - hữu không? Câu trả lời là có. Tả - Hữu ở Trung Quốc Trong một nghiên cứu của tác giả Jennifer Pan và Yiqing Xu về hệ tư tưởng của Trung Quốc đương đại, các tác giả nhận thấy phân cực chính trị ở Trung Quốc xảy ra giữa những người theo chủ nghĩa bảo thủ (conservatism) ở cánh tả và những người theo chủ nghĩa tự do (liberalism) ở cánh hữu. [2] Xin hết sức lưu ý để tránh hiểu nhầm: chủ nghĩa bảo thủ ở Mỹ được xếp vào cánh hữu, nhưng đó là một chuyện khác. [3] Nghiên cứu sử dụng kết quả khảo sát trực tuyến trên trang zuobao.me với sự tham gia của 460.532 người để xác định khuynh hướng chính trị của họ. Kết quả nghiên cứu cho thấy, những người ủng hộ chế độ độc đảng có khuynh hướng ủng hộ sự can thiệp của nhà nước vào nền kinh tế, ủng hộ các giá trị văn hóa - xã hội truyền thống và đề cao chủ nghĩa dân tộc. Những người này được xếp vào phe bảo thủ thuộc cánh tả. Trong khi đó, những người ủng hộ tự do và dân chủ hóa hệ thống chính trị có xu hướng ủng hộ thị trường tự do, các giá trị văn hóa hiện đại cũng như đề cao chủ nghĩa quốc tế. Những người này được xếp vào phe tự do cánh hữu. [4] Bạn có thể xem bảng dưới đây để thấy rõ sự khác biệt giữa cánh tả và cánh hữu về quan điểm chính trị, kinh tế, văn hóa – xã hội và chủ nghĩa dân tộc.
| Phe bảo thủ (cánh tả) | Phe tự do (cánh hữu) | Chính trị | Chế độ độc đảng Nhà nước xã hội chủ nghĩa An ninh quốc gia Chủ nghĩa Mao Đặc sắc Trung Hoa Quyền dân tộc tự quyết | Bầu cử đa đảng cạnh tranh Nhà nước dân chủ lập hiến Tính minh bạch Pháp trị Nhân quyền phổ quát Nhân quyền | Kinh tế | Nhà nước phúc lợi Ủng hộ sự can thiệp của nhà nước Lợi ích công | Thị trường tự do Phản đối can thiệp của nhà nước Quyền cá nhân | Văn hóa – Xã hội | Các giá trị truyền thống Chủ nghĩa tập thể Nho giáo Trí tuệ người xưa Phản đối hôn nhân đồng giới | Các giá trị phương Tây Chủ nghĩa cá nhân Tự do cá nhân Khoa học hiện đại Ủng hộ hôn nhân đồng giới | Chủ nghĩa dân tộc | Chủ nghĩa dân tộc Đoàn kết dân tộc & toàn vẹn lãnh thổ Chống phương Tây | Chủ nghĩa quốc tế Nhân quyền
Thân phương Tây |
Bảng: “Cánh tả” và “cánh hữu” trong nền chính trị Trung Quốc đương đại. Nguồn: Pan & Xu (2015) Ở các quốc gia dân chủ phương Tây, dưới ảnh hưởng của các nhà tư tưởng như John Locke, Adam Smith, Montesquieu và John Stuart Mill, cả cánh tả và cánh hữu đều ủng hộ nền dân chủ đại diện, pháp quyền, quyền tự do cá nhân và nền kinh tế thị trường. [5] Các đảng chính trị thuộc cánh tả và cánh hữu ở phương Tây chỉ khác biệt về ưu tiên chính sách và phương pháp thực hiện. Trong khi đó, sự phân cực chính trị ở Trung Quốc xảy ra giữa cánh tả, ủng hộ duy trì nhà nước độc đảng và cánh hữu, ủng hộ việc xây dựng một nhà nước dân chủ lập hiến với các cuộc bầu cử đa đảng cạnh tranh. Để hiểu tại sao trong nền chính trị Trung Quốc, phái bảo thủ thuộc cánh tả, trong khi phái tự do thuộc cánh hữu, chúng ta cần điểm lại quá trình phát triển chính trị Trung Quốc kể từ thời Mao Trạch Đông. Mao Trạch Đông và giai đoạn cực tả Mao Trạch Đông là Chủ tịch Đảng Cộng sản Trung Quốc từ năm 1949 đến khi ông qua đời vào năm 1976. Thời kỳ này thường được các học giả mô tả là giai đoạn “cực tả” của Trung Quốc. Mao đã tiến hành hàng loạt chiến dịch nhằm “giáo dục” dân chúng và đàn áp, triệt hạ những phần tử bị cho là hữu khuynh, phản cách mạng, chống chính quyền nhân dân. Trong giai đoạn 1950-1952, Mao thực hiện cải cách ruộng đất nhằm thay đổi cơ cấu xã hội và xóa sổ tầng lớp địa chủ ở nông thôn. Các cuộc đấu tố đầy bạo lực diễn ra trong giai đoạn này đã khiến khoảng 800.000 địa chủ bị giết hại. [6] Trong Đại Cách mạng Văn hóa (1966-1976), Mao tuyên bố cần phải đấu tranh bạo lực để chống lại các phần tử phản cách mạng, hữu khuynh và những người theo chủ nghĩa xét lại, những kẻ âm mưu xây dựng một nền “chuyên chính tư sản”. Hưởng ứng lời kêu gọi của Mao, giới trẻ Trung Quốc thành lập các đội Hồng vệ binh tỏa ra khắp đất nước, thực hiện đấu tố, sỉ nhục công khai, đánh đập và giết hại hàng triệu người, bao gồm cả trí thức, cán bộ đảng viên, giáo viên và người cao tuổi. Trong thời kỳ này, Đặng Tiểu Bình cũng bị coi là một phần tử theo chủ nghĩa tư bản, bị thanh trừng, cắt hết các chức vụ và đưa đến lao động trong một nhà máy ở Giang Tây. Về kinh tế, Đảng Cộng sản dưới thời Mao thực hiện mô hình kinh tế kế hoạch hóa tập trung, xóa bỏ tư hữu, cưỡng bách nông dân vào hợp tác xã, trong khi công nhân buộc phải làm việc trong các nhà máy thuộc sở hữu nhà nước. Nhiều biện pháp cực đoan được thực hiện để giảm khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư cũng như giữa thành thị và nông thôn. Ví dụ, việc tăng lương và thưởng cho người lao động ở thành thị bị cấm, nhiều y bác sĩ bị buộc phải phục vụ ở vùng nông thôn thay vì tập trung ở các thành phố lớn. Kỳ thi đại học bị bãi bỏ từ giữa thập niên 1960 do tầng lớp trí thức được xem là có ưu thế trong các kỳ thi này. Các tổ công tác (work units) được “đề xuất” ứng viên vào các trường đại học. Hệ thống này ưu tiên ứng viên có quen biết những người có quyền lực hoặc ứng viên thuộc các tầng lớp nghèo khó trong xã hội, đồng thời loại bỏ những cá nhân có thành phần lý lịch giai cấp “xấu”. [7] Nhìn chung, xã hội dưới thời Mao là một xã hội “nghèo đều”, quyền tư hữu và tài sản tư nhân gần như không tồn tại. Chính quyền ưu tiên phát triển công nghiệp nặng cho mục tiêu quốc phòng và nỗ lực tối đa hóa việc làm ở khu vực thành thị, mà không chú ý đến vấn đề nâng cao năng suất lao động và hiệu suất sử dụng vốn. Mao theo đuổi chính sách tự cung tự cấp, hầu như không có giao thương quốc tế. Việc vay nợ nước ngoài và đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) bị cấm. [8] Đặng Tiểu Bình: Bên phải, quay! Cách mạng Văn hóa chính thức kết thúc khi Mao qua đời vào năm 1976. Giai đoạn từ năm 1978 đến những năm 1990 được xem là thời kỳ Trung Quốc cải cách và hiện đại hóa, từng bước rời xa mô hình “cực tả” của Mao. Trong khi Mao nhấn mạnh vai trò của hệ tư tưởng và đấu tranh giai cấp trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Đặng Tiểu Bình xem trọng tính thực dụng và kết quả. Đặng thể hiện tính thực dụng qua các câu khẩu hiệu “Mèo trắng hay mèo đen không quan trọng, miễn là bắt được chuột” và “Hãy để cho một số người làm giàu trước!”. Phương châm này giúp Trung Quốc chấp nhận áp dụng các yếu tố của phương thức sản xuất tư bản chủ nghĩa, thúc đẩy cải cách kinh tế theo hướng thị trường. Các biện pháp được Đặng cổ xúy bao gồm giảm sự kiểm soát giá của chính phủ, từ bỏ chính sách tập thể hóa nông nghiệp để quay về kinh tế hộ gia đình, tư nhân hóa nhiều ngành công nghiệp thuộc sở hữu nhà nước và thu hút đầu tư nước ngoài. Tác động tổng hợp của các cải cách này làm giảm vai trò của nhà nước trong nền kinh tế và cởi trói khu vực kinh tế tư nhân. Từ giữa thập niên 1980, nền kinh tế Trung Quốc cất cánh, giúp hàng trăm triệu người thoát khỏi nghèo đói. [9]
|
Không có nhận xét nào