Võ Thái hà tổng hợp
Hoa Kỳ: Chủ tịch Johnson bảo vệ ‘truyền thống Do Thái-Cơ Đốc Giáo’ giữa những lời gièm pha về đức tin
Tom Ozimek
31/10/2023
Chủ tịch Hạ viện mới đắc cử Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) diễn thuyết trong phòng Hạ viện sau cuộc bầu cử tại Tòa nhà Quốc hội Hoa Kỳ ở Hoa Thịnh Đốn hôm 25/10/2023. (Ảnh: Win McNamee/Getty Images)
Trong bài diễn văn đầu tiên trước cộng đồng quốc tế, Chủ tịch Hạ viện mới được bổ nhiệm Mike Johnson (Cộng Hòa-Louisiana) đã đưa ra một số khái niệm then chốt để mang lại một “tầm nhìn lạc quan” cho tương lai của Mỹ quốc, bao gồm cả việc dựa trên “truyền thống Do Thái-Cơ Đốc Giáo” mà ông cho biết đã giúp định hướng “di sản phi thường” của nền văn minh phương Tây.
Ông Johnson đã đưa ra nhận định này trong một bài diễn văn trực tuyến hôm 30/10 tại hội nghị khai mạc Liên minh vì Công dân có Trách nhiệm ở London.
“Tôi tin rằng Chúa tập hợp các nhà lãnh đạo lại với nhau để giải quyết những thách thức nhất định,” ông nói với khán giả. Nhận định này đã gợi lại bài diễn văn đầu tiên hồi tuần trước với tư cách Chủ tịch Hạ viện, trong đó ông nói với các nhà lập pháp đồng sự của mình tại Quốc hội rằng ông tin “Chúa là người nâng đỡ những người có thẩm quyền” và rằng “ngày nay mỗi người chúng ta có trách nhiệm trọng đại trong việc sử dụng những ân điển mà Chúa đã ban cho chúng ta để phục vụ những con người phi thường của quốc gia vĩ đại này.”
Thế giới quan hữu thần rõ rệt của ông Johnson đã khiến cánh tả khó chịu. Ví dụ, cựu Tham vụ Báo chí Tòa Bạch Ốc Jen Psaki đã chỉ trích ông Johnson trong một tập của chương trình “Inside With Jen Psaki” hôm Chủ Nhật (29/10), gọi ông là một “người theo trào lưu chính thống tôn giáo” và “có chút khiêm tốn giả tạo” khi ông cho biết ông cảm nhận được Chúa kêu gọi [ông] phụng sự đất nước này.
Nhưng không hề lùi bước trước những lời chỉ trích, ông Johnson đã bảo vệ đức tin của mình và sự đóng góp của các giá trị làm nền tảng cho nền văn minh phương Tây trong bài diễn văn hôm thứ Hai (30/10).
Sau khi bày tỏ niềm tin rằng các vị Thần cũng đang hiện diện ở đó khi các nhà lãnh đạo tập hợp lại để giải quyết các thách thức, ông nói rằng bây giờ là lúc để “bắt đầu công việc đầy thách thức nhằm đẩy lùi những tầm nhìn thất bại hiện đang mang tai họa cho phương Tây.”
Một số vấn đề đang đè nặng lên nước Mỹ và khuấy động nền văn minh phương Tây bao gồm năng lực quản trị kém của một số nhà lãnh đạo chính trị, sự thiếu niềm tin của công chúng vào các tổ chức, sự chia rẽ chính trị sâu sắc và mang tính phá hoại, và một “cuộc khủng hoảng bản sắc” ở phương Tây nói chung.
Ông nêu ra một “tầm nhìn lạc quan” và “câu chuyện tốt đẹp hơn” cho thế giới, đó là cách khôi phục việc quản trị tốt và niềm tin vào các tổ chức, cách củng cố cơ cấu xã hội và tái tập trung vào gia đình, cách cung cấp năng lượng giá rẻ và đáng tin cậy, và cách thuyết phục mọi người rằng việc tìm ra câu trả lời cho những câu hỏi này “là chìa khóa để đạt được sự thịnh vượng lớn hơn trên toàn cầu.”
Ông nói rằng, ngày nay, việc thiếu một khuôn khổ đạo đức và lối đưa tin chung “cần thiết” có thể gắn kết mọi người lại với nhau là nguyên nhân gây ra nhiều vấn đề mà thế giới đang gặp phải, bao gồm cả những căng thẳng bùng phát ở nhiều điểm nóng khác nhau như Trung Đông, Đài Loan, và Ukraine.
Nói rằng nước Mỹ — và thế giới — đang đối mặt với một cơ hội duy nhất để “chọn đổi mới,” ông kêu gọi một sự tập trung đổi mới vào trách nhiệm lớn hơn từ chính phủ cho tới người dân và một ý thức lớn hơn về mục đích cá nhân trong việc góp phần biến thế giới trở thành một nơi tốt đẹp hơn.
Ông Johnson nói: “Cuối cùng, và quan trọng nhất, câu chuyện hay hơn của chúng tôi nói rằng chúng tôi ở phương Tây dựa trên một di sản phi thường được xây dựng dựa trên những điều tốt đẹp nhất của truyền thống tự do cổ điển và Do Thái-Cơ Đốc Giáo.”
Ông nói: “Đây không chỉ là những ý tưởng chính trị. Đây là những nguyên tắc nền tảng đã chi phối cuộc tranh luận công khai của chúng ta trong nhiều thế kỷ và chúng ta nên khắc ghi những điều đó.”
Thanh Nguyên lược dịch
Gaza: Quân đội Israel giao tranh với lực lượng Hamas trong hệ thống đường hầm
Thanh Phương /RFI
31/10/2023
Theo hãng tin Reuters, quân đội Israel hôm nay, 31/10/2023, cho biết đã bắt đầu giao tranh với lực lượng của Hamas trong hệ thống đường hầm do tổ chức này xây dựng dưới các thành phố của dải Gaza, sau khi thủ tướng Benjamin Netanyahu bác bỏ những lời kêu gọi hưu chiến nhân đạo"
Đống đổ nát của các tòa nhà bị phá hủy sau vụ oanh kích của Israel ở Rafah, phía nam Dải Gaza, ngày 31/10/2023. © SAID KHATIB / AFP
Theo lời thủ tướng Israel hôm qua, 30/10/2023, quân đội Israel hiện vẫn đang tiến đánh tại dải Gaza “một cách có phương pháp”. Ông khẳng định “giai đoạn thứ ba” của chiến dịch quân sự đã bắt đầu.
Theo hãng tin AFP, sáng nay, phát ngôn viên của quân đội Israel xác nhận là lực lượng Israel đang có mặt tại nhiều khu vực ở miền bắc dải Gaza. Phát ngôn viên này nhìn nhận là tình hình nhân đạo tại Gaza hiện rất khó khăn, nhưng cho rằng “đó không phải là do chúng tôi”.
Trước tình trạng của hơn 2 triệu người bị kẹt ở Gaza và đang sống trong cảnh thiếu điện, nước và lương thực, thuốc men, lãnh đạo cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine, Philippe Lazzarini, đã kêu gọi một lệnh hưu chiến nhân đạo ngay lập tức. Nhưng thủ tướng Netanyahu đã loại trừ hoàn toàn khả năng này. Ông khẳng định: “Kêu gọi ngừng bắn chẳng khác gì kêu gọi đầu hàng Hamas. Chuyện này sẽ không xảy ra”.
Hôm qua, quân đội Israel thông báo là trong một chiến dịch tấn công trên bộ họ đã giải cứu được Ori Megidish, một nữ quân nhân bị Hamas bắt làm con tin. Người lính này vẫn khỏe và đã được về với gia đình.
Publicité
Hôm nay, Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine cho biết Israel lại oanh kích vào khu vực chung quanh một bệnh viện do họ quản lý, khiến nhân viên y tế và thường dân tị nạn tại đây rất hoảng sợ. Giám đốc của bệnh viện này cho hãng tin AFP biết quân đội Israel đã ra lệnh cho họ phải di tản. Tổng giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới WHO Tedros Adhanom Ghebreyesus đã xem lệnh di tản này là “rất đáng lo ngại”, vì theo ông, di tản một bệnh viện sẽ gây nguy hiểm cho tính mạng của các bệnh nhân.
Theo Hội Trăng lưỡi liềm đỏ Palestine, ngoài các bệnh nhân, bệnh viện này hiện đang có đến 14.000 thường dân, đã vào đây để tránh các vụ oanh kích của Israel. Israel vẫn cáo buộc Hamas dùng các bệnh viện làm nơi giấu vũ khí và chiến binh, cáo buộc mà Hamas đã bác bỏ.
Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua đã cực lực lên án các vụ oanh kích của Israel vào một bệnh viện do Ankara tài trợ và là bệnh viện ung thư duy nhất tại dải Gaza.
Liên minh Châu Âu cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina ‘trong chừng mực cần thiết’
Anh Tuấn
Liên minh Châu u cam kết tiếp tục hỗ trợ cho Ukraina ‘trong chừng mực cần thiết’ (ảnh: AFP).
Hội nghị thượng đỉnh EU tiếp tục lên án mạnh mẽ cuộc chiến tranh xâm lược mà Nga tiến hành chống lại Ukraina, và tuyên bố rằng sự ủng hộ dành cho người dân Ukraina vẫn không thay đổi. Đồng thời Liên bang Nga và giới lãnh đạo nước này phải chịu hoàn toàn trách nhiệm về sự tàn phá và những tội ác đã gây ra.
Điều này được đưa ra trong kết luận được các nhà lãnh đạo Liên Minh Châu Âu thông qua trong cuộc họp thượng đỉnh của Hội đồng Châu Âu vừa qua.
“Hội đồng Châu Âu nhắc lại sự lên án kiên quyết đối với cuộc chiến tranh xâm lược của Nga chống lại Ukraina, và rằng hành động này rõ ràng là vi phạm Hiến chương Liên hợp quốc, đồng thời tái khẳng định sự ủng hộ kiên định của Liên Minh Châu Âu đối với độc lập, chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina trong các biên giới được quốc tế công nhận và các quyền vốn có của nước này.”
Liên Minh Châu Âu cũng cam kết sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ mạnh mẽ về tài chính, kinh tế, nhân đạo, quân sự và ngoại giao cho Ukraina và người dân nước này “trong chừng mực cần thiết”.
Ukraina sẽ ngừng vận chuyển khí đốt của Nga sang châu Âu
Anh Tuấn
Ảnh minh họa: GETTY.
Ukraina không có kế hoạch gia hạn hợp đồng vận chuyển khí đốt của Nga qua lãnh thổ của mình, và hợp đồng này dự kiến sẽ hết hạn vào cuối năm 2024.
Giám đốc điều hành tập đoàn năng lượng nhà nước Naftogaz, ông Oleksiy Chernyshov đã công bố nội dung trên trong một cuộc phỏng vấn với báo giới.
Ông Chernyshov cho biết Ukraina đã quyết định không chấm dứt sớm thỏa thuận vì các nước châu Âu hiện đang phụ thuộc vào khí đốt của Nga. Và nói thêm rằng quyết định này đã không được đưa ra vì lo ngại các vụ kiện có thể xảy ra từ tập đoàn năng lượng Gazprom của Nga.
Tuy nhiên Ukraina sẽ chấm dứt việc cho Nga vận chuyển khí đốt qua lãnh thổ của mình khi hết hạn hợp đồng vào cuối năm 2024.
Trung Quốc: Tàu Philippines “đi vào trái phép” vùng biển gần bãi cạn Scarborough
Ảnh cũ: Tàu cá Philippines (gần) và tàu tuần dương của Trung Quốc (xa) gần bãi cạn Scarborough. (Ảnh: TED ALJIBE/AFP qua Getty Images)
“Philippines ngay lập tức phải chấm dứt các hành vi xâm phạm và khiêu khích,” Quân đội Trung Quốc tuyên bố sau khi một tàu quân sự của Philippines “đi trái phép” vào vùng biển tranh chấp bãi cạn Scarborough.
Tuyên bố này đánh dấu cảnh báo hiếm hoi của quân đội Trung Quốc đối với Philippines về các va chạm của nước này trong vùng biển tranh chấp ở Biển Đông. Quân đội chủ yếu đưa ra các cảnh báo chống lại các tàu chiến Mỹ trong khu vực.
Trung Quốc và Philippines đã có nhiều cuộc xô xát ở Biển Đông, gần đây có những cáo buộc lẫn nhau về vụ va chạm giữa tàu cảnh sát biển Trung Quốc và tàu của Philippines.
“Chúng tôi đang thúc giục phía Philippines ngay lập tức phải chấm dứt các hành vi xâm phạm và khiêu khích, đồng thời nghiêm túc tránh leo thang thêm,” Đại tá Tian Junli, người phát ngôn của Bộ Tư lệnh Chiến khu phía Nam của Quân Giải phóng Nhân dân PLA Trung Quốc tuyên bố.
Bãi cạn Scarborough được Trung Quốc, Philippines và Đài Loan tuyên bố chủ quyền.
Ông nói: “Hành động của phía Philippines đã vi phạm nghiêm trọng chủ quyền, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản trong điều tiết quan hệ quốc tế của Trung Quốc, đồng thời dễ dẫn đến hiểu lầm và tính toán sai lầm.”
Theo ông, Trung Quốc đã theo dõi, giám sát, cảnh báo và phong tỏa tàu theo quy định của pháp luật.
Trước đó vào ngày 25/10, Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden khẳng định tại Nhà Trắng rằng cam kết của Mỹ về việc bảo vệ Philippines vẫn “vững chắc”, sau khi cáo buộc Trung Quốc có những hành động “nguy hiểm và bất hợp pháp” tại Biển Đông.
Ông Biden phát biểu trong cuộc gặp với Thủ tướng Úc: “Bất kỳ cuộc tấn công nào nhằm vào máy bay, tàu hoặc lực lượng vũ trang của Philippines sẽ kích hoạt… Hiệp ước phòng thủ chung của chúng tôi với Philippines.”
Hoa Kỳ và Philippines gần đây đã đồng ý về những nguyên tắc mới trong Hiệp ước phòng thủ chung năm 1951 của họ. Các nguyên tắc hiện tại đề cập cụ thể rằng cam kết phòng thủ chung sẽ được áp dụng nếu có một cuộc tấn công vũ trang vào một trong hai quốc gia tại “bất kỳ nơi nào ở Biển Đông”.
Một ngày sau (26/10), Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố Hoa Kỳ không có quyền can dự vào các vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines.
Phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Trung Quốc Mao Ninh lên tiếng tại một cuộc họp báo thường kỳ: “Mỹ không phải là một thành viên trong vụ việc Biển Đông, họ không có quyền can dự vào vấn đề giữa Trung Quốc và Philippines.”
Bà Mao nói: “Lời hứa bảo vệ Philippines của Mỹ không được làm tổn hại đến chủ quyền và lợi ích hàng hải của Trung Quốc ở Biển Đông, đồng thời cũng không được tạo điều kiện và khuyến khích các yêu sách bất hợp pháp của Philippines.”
Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền đối với gần như toàn bộ Biển Đông, bao gồm một phần vùng đặc quyền kinh tế của Brunei, Indonesia, Malaysia, Philippines, và Việt Nam. Điều này đã gây ra xung đột hàng hải và tranh chấp lãnh thổ leo thang.
Nhật Tân
Quân đội Mỹ thu mua hải sản Nhật Bản để đối phó với lệnh cấm của ĐCSTQ
Ông Rahm Emanuel, Đại sứ mới được bổ nhiệm của Hoa Kỳ tại Nhật Bản (Ảnh: White Cat Photo / Shutterstock)
Hôm thứ Hai (30/10), Đại sứ Hoa Kỳ tại Nhật Bản, ông Rahm Emanuel thông báo, Hoa Kỳ đã bắt đầu mua hải sản của Nhật Bản, để cung cấp cho quân đội Hoa Kỳ đóng quân tại nước này. Ông cho rằng đây là một phần của “cuộc chiến kinh tế” chống lại Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ông Emanuel tin rằng Washington cũng nên xem xét rộng hơn cách giúp Nhật Bản chống lại lệnh cấm hải sản của ĐCSTQ.
“Đó là một hợp đồng dài hạn giữa các lực lượng vũ trang Mỹ và các đơn vị đánh bắt ở Nhật Bản”, Đại sứ Emanuel cho biết.
“Cách tốt nhất mà chúng tôi chứng tỏ trong mọi trường hợp đối phó với sự chèn ép kinh tế của Trung Quốc, là hỗ trợ và giúp đỡ quốc gia hoặc ngành công nghiệp trở thành đích ngắm”, ông nói.
Lô sò điệp đầu tiên được thu mua chưa đến 1 tấn, chỉ chiếm một phần nhỏ trong tổng số hơn 100.000 tấn sò điệp Nhật Bản xuất khẩu sang Trung Quốc năm ngoái. Nhưng ông Emanuel cho biết, sức mua các loại hải sản sẽ tăng dần trong tương lai.
Ông cho biết, Hoa Kỳ cũng đang đàm phán với chính quyền Nhật Bản, để giúp vận chuyển sò điệp đánh bắt tại địa phương trực tiếp đến các nhà máy chế biến đã đăng ký tại Hoa Kỳ.
Đại sứ Emanuel cho biết, số sò này được dùng để phục vụ binh lính và bán trong các cửa hàng, nhà hàng trong căn cứ quân sự, và số lượng sẽ tăng dần lên. Lực lượng đồn trú Mỹ trước đây không mua hải sản địa phương ở Nhật Bản, ông cho biết.
Trước đây, thị trường Trung Quốc Đại Lục và Hồng Kông chiếm tới 40% tổng kim ngạch xuất khẩu thủy sản của Nhật Bản, với mặt hàng xuất khẩu chủ yếu là sò điệp và hải sâm.
Tuy nhiên, sau khi Nhật Bản bắt đầu xả nước đã qua xử lý có chứa chất phát quang phóng xạ triti từ Nhà máy Điện hạt nhân Fukushima I ra biển vào ngày 24/8, ĐCSTQ ngay lập tức tuyên bố cấm hoàn toàn việc nhập khẩu hải sản Nhật Bản, và tuyên truyền mạnh mẽ về sự nguy hiểm của nước thải hạt nhân.
ĐCSTQ thừa cơ chỉ trích Chính phủ Nhật Bản “phớt lờ sự phản đối mạnh mẽ của cộng đồng quốc tế, coi thường các quyền về sức khỏe của người dân ở đất nước này và các nước khác.” Nhưng lại không hề nhắc tới tình trạng ô nhiễm nước thải phóng xạ của Trung Quốc thậm chí còn nghiêm trọng hơn.
Thậm chí báo chí Trung Quốc còn đưa tin giả video một lượng lớn tôm biển hiện đang bất ngờ xuất hiện trên một bãi biển ở Quảng Đông, nhằm cường điệu và chế giễu Nhật Bản. Nhưng video này bị cư dân mạng phát hiện là giả và lên án.
Mặc dù cấm nhập khẩu hải sản Nhật Bản, nhưng theo hệ thống Theo dõi Nghề cá Toàn cầu (GFW) thông qua hệ thống nhận dạng tín hiệu tàu (AIS), phát hiện một số lượng lớn tàu đánh cá Trung Quốc đã tập trung ở vùng biển công cộng cách thành phố Nemuro tỉnh Hokkaido khoảng 1000 km về phía đông.
Ngày 22/9 trên nền tảng mạng xã hội “X”, ông Rahm Emanuel đã đăng hình ảnh các tàu đánh cá Trung Quốc ngày 15/9 đang đánh bắt ngoài khơi bờ biển Nhật Bản, trên hình có thể thấy rõ chữ tiếng Anh “CHINA” được in trên thân tàu.
Hôm Chủ Nhật (19/10), các bộ trưởng thương mại Nhóm G7 đã tổ chức một cuộc họp. Các bộ trưởng kêu gọi Trung Quốc ngay lập tức dỡ bỏ các hạn chế nhập khẩu đối với sản phẩm thủy sản của Nhật Bản, và lên án hành vi uy hiếp kinh tế, cũng như vũ khí hóa thương mại.
Trong một tuyên bố, các bộ trưởng G7 cho biết G7 phản đối việc vũ khí hóa sự phụ thuộc kinh tế, đồng thời cam kết thiết lập quan hệ kinh tế và thương mại tự do, công bằng và cùng có lợi.
Bình Minh (t/h)
Hai trường Đại học tại Ba Lan đóng cửa Viện Khổng Tử
Viện Khổng Tử ở nước ngoài của ĐCSTQ. (Ảnh: Malury Imbernon/Epoch Times)
Ngày 25/10, Đại học Wroclaw ở Ba Lan đã chính thức công bố quyết định đóng cửa Viện Khổng Tử tại trường này – nơi đã cung cấp các khóa học tiếng Trung trong gần 15 năm qua. Đây là trường Đại học thứ 2 ở Ba Lan tuyên bố đóng cửa hệ thống do Chính phủ Trung Quốc (ĐCSTQ) tài trợ này.
Năm 2008, Đại học Wroclaw (Uniwersytet Wrocławski) đã đồng ý cùng các cơ sở của Trung Quốc gồm Hanban và Đại học Hạ Môn thành lập Viện Khổng Tử trong đại học Wroclaw, thỏa thuận hợp tác hết hạn ngày 25/1/2023. Ba tháng trước khi hết hạn, Đại học Wroclaw đã công bố bản ghi nhớ cho hay không có ý định tiếp tục hợp tác với phía đối tác Trung Quốc nữa.
Như vậy với quyết định ngày 25/10/2023, đây là trường Đại học thứ hai ở Ba Lan tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử do Chính phủ của ĐCSTQ tài trợ.
Một trường hợp khác là Đại học Công nghệ Warsaw (Politechnika Warszawska) ngày 28/5 năm nay tuyên bố đóng cửa Viện Khổng Tử. Đại học Công nghệ Warsaw có 20 khoa là trường đại học kỹ thuật lớn nhất và được xếp hạng cao nhất ở Ba Lan, đội ngũ giáo sư và giảng viên của trường tới hơn 2000 người, còn số sinh viên trong nước và quốc tế khoảng 30.000.
Công cụ gián điệp của ĐCSTQ
Trong bối cảnh tội đánh cắp tài sản trí tuệ của ĐCSTQ trên khắp thế giới không ngừng bị vạch trần, cộng đồng quốc tế nhận ra rằng Viện Khổng Tử là một trong những công cụ chính thức của ĐCSTQ, vì vậy việc đóng cửa Viện Khổng Tử là một lựa chọn quan trọng và sáng suốt.
Đại học Wroclaw nhấn mạnh nguyên nhân chính khiến họ dừng hợp tác với Trung Quốc là do cái gọi là giáo viên tiếng Hán “làm tình nguyện viên” của Trung Quốc được biết đến là “công cụ tuyên truyền của Trung Quốc (ĐCSTQ)”.
Đại học Wroclaw thông báo rằng mặc dù đã đóng cửa Viện Khổng Tử nhưng họ sẽ tiếp tục bảo lưu dạy tiếng Trung Quốc, vì “Trung Quốc học là một trong những lĩnh vực được yêu thích nhất” ở Ba Lan. Chính sách của trường chỉ nhằm loại trừ việc quảng bá các giá trị của ĐCSTQ dưới danh nghĩa dạy ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc: “Nghiên cứu về Trung Quốc sẽ được giảng dạy theo chương trình giảng dạy mới, và sẽ chú trọng hơn vào việc nghiên cứu ngôn ngữ và văn hóa Trung Quốc”.
Viện Khổng Tử đầu tiên ở nước ngoài của Trung Quốc được thành lập tại thủ đô Seoul của Hàn Quốc vào tháng 11/2004. Tính đến tháng 12/2018, hệ thống học về Khổng Tử của ĐCSTQ ở nước ngoài đã bao phủ 154 nước và vùng lãnh thổ với tổng số 1,87 triệu học viên, hệ thống này bao gồm 548 Viện Khổng Tử ở các Đại học và 1193 lớp học Khổng Tử ở các trường tiểu học và trung học.
Bề ngoài các Viện Khổng Tử là cơ sở giáo dục phi lợi nhuận, nhưng bản chất là “bộ phận quan trọng trong khuôn khổ tuyên truyền đối ngoại của ĐCSTQ”, bí mật tham gia vào các hoạt động tuyên truyền chính trị. Do đó các Viện Khổng Tử ngày càng bị chỉ trích trên khắp thế giới và không ngừng bị đóng cửa.
Tại Canada, vào năm 2013 và 2014, Đại học McMaster ở Hamilton và Hội đồng Trường học Quận Toronto lần lượt đóng cửa Viện Khổng Tử
Tại Pháp tháng 9/2013, Đại học Lyon 2 và Lyon 3 đã đóng cửa Viện Khổng Tử.
Tại Úc, ngày 22/8/2019 chấm dứt dự án hợp tác Viện Khổng Tử do Cơ quan Giáo dục và Cộng đồng New South Wales thực hiện.
Năm 2020, Thụy Điển và Na Uy chính thức đóng cửa toàn bộ Viện Khổng Tử trên lãnh thổ của họ.
Ngày 13/8/2020, Mỹ đã liệt kê Tổng trụ sở của Viện Khổng Tử Trung Quốc tại Mỹ vào danh sách cơ quan đại diện nước ngoài, về cơ bản các Viện Khổng Tử trong khuôn viên các trường đại học của Mỹ đã đóng cửa trước cuối năm 2020.
Ngày 31/10/2021, Bộ trưởng Bộ Giáo dục Liên bang Đức đã yêu cầu chấm dứt tất cả các Viện Khổng Tử ở Đức.
Theo Hoàng Hạc, Epoch Times
Bình luận: ‘Phép màu Trung Quốc’ không còn, dấu hiệu sụp đổ đã rõ ràng
James R. Gorrie
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Một khu phức hợp chung cư chưa hoàn thiện ở thành phố Tân Trịnh, tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, vào ngày 20/6/2023. (Ảnh: Pedro Pardo / AFP qua Getty Images)
Khi nền kinh tế Trung Quốc tiếp tục suy sụp, dòng vốn đang tháo chạy khỏi đất nước này. Một loạt các vấn đề trong nội bộ lẫn bên ngoài đang thách thức Trung Quốc, và đây cũng không phải là một đợt suy thoái theo chu kỳ.
Như người ta vẫn nói, nếu bạn muốn biết chuyện gì đang thực sự xảy ra, hãy theo dõi đường đi của đồng tiền. Câu nói nổi tiếng đó không chỉ áp dụng cho các công ty và nhà đầu tư nước ngoài đang rút lui khỏi Trung Quốc. Nó cũng áp dụng cho nền kinh tế Trung Quốc.
Thái độ thể hiện qua hầu bao
Trong bối cảnh khó khăn kinh tế lan rộng và sự gián đoạn xã hội ngày càng gia tăng, việc theo dõi dấu vết của dòng tiền cho thấy các nhà đầu tư Trung Quốc đang thể hiện thái độ thông qua hầu bao của họ như thế nào. Chi tiêu tiêu dùng giảm và tỷ lệ tiết kiệm tăng. Vốn đang chảy ra khỏi Trung Quốc bằng mọi cách có thể, và tất cả đều thể hiện thái độ phản đối rõ ràng đối với ông Tập Cận Bình và Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Đổ lỗi ngược cho những người chỉ ra vấn đề
Theo đúng kiểu của ĐCSTQ, nhà nước đổ lỗi ngược cho những người chỉ ra các vấn đề và sai lầm trong chính sách. Ví dụ, bất cứ ai đề cập đến nền kinh tế đang sụp đổ đều có tội trong việc gây nguy hiểm cho “sự ổn định tài chính”. Mặc dù ĐCSTQ có thể cân nhắc tới việc truy tố các nhà báo và nhà kinh tế, những người đưa tin chính xác về số lượng việc làm giảm sút và mức nợ cao, thứ đang gây khó khăn cho chính quyền địa phương, nhưng điều kiện kinh tế ngày càng tồi tệ của Trung Quốc quá rõ ràng và lan rộng để có thể bị che giấu.
Tất nhiên, sự ổn định tài chính không bị đe dọa bởi những lời phát biểu về nó. Chính ĐCSTQ đang phá hủy nền kinh tế. Ngay cả lịch sử gần đây cũng cho thấy ĐCSTQ càng ít tham gia vào nền kinh tế thì nền kinh tế càng hoạt động tốt hơn.
Thị trường bất động sản và lĩnh vực phát triển là những ví dụ hoàn hảo, mặc dù không phải là những ví dụ duy nhất. Cả hai đều tiếp tục bị ĐCSTQ thao túng nặng nề và cả hai đều đang chảy máu. Sự suy sụp tài chính ở các công ty hàng đầu như Evergrande và Country Garden góp phần vào tình trạng bị xói mòn của nền kinh tế nói chung. Các dự án đã hoàn thành nhưng chưa bán được đang bị phá bỏ, công việc trong các dự án hiện tại đang bị tạm dừng và các kế hoạch phát triển khác đang bị hủy bỏ, ngay cả khi các công ty phát triển đang nợ các chủ nợ hàng tỷ USD.
Không chỉ là sự suy thoái theo chu kỳ
Thực tế những gì đang xảy ra đang bắt đầu lộ rõ với người Trung Quốc. Nhiều người hiểu rằng xu hướng hiện nay không chỉ là sự suy thoái theo chu kỳ vốn là điển hình của các nền kinh tế tư bản. Tăng trưởng trong quý II năm 2023 được báo cáo chỉ là 0,8% (khi so sánh theo quý). Tuy nhiên, số liệu thống kê đó hầu như không đáng tin cậy ở một quốc gia sống bằng hối lộ và ân huệ chính trị và thường xuyên làm giả các con số. Mức tăng 4,9% trong quý III được ca ngợi nhưng là con số không đáng tin cậy, với sự sụp đổ của bất động sản, chi tiêu tiêu dùng giảm và xuất khẩu thấp hơn.
Trong tương lai, khi ĐCSTQ nắm quyền kiểm soát nhiều hơn, nền kinh tế trì trệ có thể là kịch bản tốt nhất có thể xảy ra. Việc làm trong lĩnh vực phát triển bất động sản, các ngành liên quan và lĩnh vực sản xuất đều đang gặp khó khăn khi các công ty nước ngoài rời khỏi Trung Quốc.
Một người phụ nữ đi ngang qua các cửa hàng trong trung tâm mua sắm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 18/7/2023. (Ảnh: Greg Baker/AFP qua Getty Images)
Khó khăn của tầng lớp trung lưu
Trong khi đó, các nhà đầu tư cá nhân, hầu hết thuộc tầng lớp trung lưu – những người dồn tiền tiết kiệm cả đời vào những bất động sản thậm chí còn chưa được xây dựng và có thể sẽ không bao giờ được xây dựng – đang chứng kiến tài sản của mình bốc hơi trước mắt khi giá trị tài sản sụt giảm.
Khó khăn của tầng lớp trung lưu chủ yếu do hai yếu tố: chính sách bên trong và bên ngoài. Trong nội bộ, một nền kinh tế dựa trên hối lộ và tham nhũng thay vì dựa trên tín hiệu thị trường – chẳng hạn như cơ chế giá phân bổ các nguồn lực và tài sản ở những nơi cần thiết nhất trong nền kinh tế – sẽ không thể tự duy trì được. Do đó, việc biến các doanh nghiệp tư nhân đang sinh lời thành các doanh nghiệp nhà nước ngập trong nợ nần, vốn là một cách nói uyển ngữ để chỉ sự sung công của ĐCSTQ, đã phá hủy tinh thần kinh doanh – động cơ kinh tế của Trung Quốc.
Thêm vào đó là sự chuyển đổi cơ bản của ĐCSTQ từ định hướng tăng trưởng kinh tế sang an ninh và ổn định nội bộ. Đó là một vòng tròn ác tính trong đó đảng kiểm soát chặt chẽ hơn dẫn đến hoạt động kinh tế ít hơn, sự cưỡng ép tài chính và sự bất mãn của người dân. Sau đó, đảng tiếp tục tăng cường sự kiểm soát của nhà nước và gia tăng áp bức.
Nói tóm lại, ĐCSTQ quan tâm đến việc duy trì quyền lực hơn là phát triển kinh tế hoặc hỗ trợ tầng lớp trung lưu.
Các công ty tháo chạy khỏi Trung Quốc
Nhưng cũng có những yếu tố hoặc tác động bên ngoài.
Trong năm qua, làn sóng tháo chạy khỏi Trung Quốc của các nhà sản xuất phương Tây đã tăng tốc. Các công ty Mỹ và châu Âu đang nhìn thấy những dấu hiệu rõ ràng. Họ nhận thấy thế giới ngày càng mất niềm tin vào các chính sách thương mại và đối ngoại của Bắc Kinh, nhiều công ty dự đoán sự ổn định kinh tế của Trung Quốc sẽ suy giảm và mức độ tách rời khỏi Trung Quốc sẽ cao hơn trong tương lai trước mắt. Kết quả là họ đang chuyển hoạt động vận hành ra khỏi Trung Quốc sang các quốc gia thân thiện hơn.
Xu hướng này được gọi là “friendshoring”. Về bản chất, các quốc gia như Việt Nam, Indonesia, Ấn Độ và Mexico đang thu hút các công ty rời khỏi Trung Quốc. Những nơi này mang lại ít rủi ro chính trị hơn, có chính sách thương mại thân thiện hơn, chi phí lao động thấp hơn và gần gũi hơn với thị trường tiêu thụ. Ngoại trừ trường hợp có xảy ra một thay đổi lớn trong giới lãnh đạo Trung Quốc, các công ty rời khỏi Trung Quốc khó có thể quay trở lại, đây là khoảng trống kinh tế và tài chính ngày càng lớn mà ĐCSTQ phải lấp đầy.
Tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ
Người dân tham dự hội chợ việc làm ở Bắc Kinh, Trung Quốc, vào ngày 26/8/2022. (Ảnh: Jade Gao/AFP qua Getty Images)
Các triệu chứng khác của sự sụp đổ là rõ ràng, chẳng hạn như tỷ lệ thất nghiệp tăng cao trong giới trẻ. Theo báo cáo hiện tại con số này là khoảng 20%, nhưng tính cả những người sống với cha mẹ vì lý do tài chính, con số này có thể lên tới gần 50%. Tình trạng khiếm dụng lao động khiến bức tranh đó càng trở nên tồi tệ hơn, dẫn đến sự tức giận của thế hệ trẻ. Thanh niên bất mãn không thấy có lựa chọn nào tốt cho một tương lai tốt đẹp hơn, và đây có thể là một lực lượng tạo ra sự biến động cần được tính đến.
Mua bất động sản ở Nhật Bản để trốn khỏi Trung Quốc
Tất cả những lý do này, cộng thêm những lý do khác, là nguyên nhân tại sao một số người Trung Quốc giàu có đã bán tài sản ở Trung Quốc của họ nhanh nhất có thể. Họ đang cố gắng hết sức để chuyển tiền ra khỏi Trung Quốc và đầu tư ra nước ngoài trước khi giá trị của các bất động sản Trung Quốc mà họ nắm giữ thậm chí còn mất giá hơn nữa. Họ biết quỹ đạo của nền kinh tế Trung Quốc và muốn rút lui.
Nhiều người đang mua bất động sản ở Nhật Bản.
Vị trí địa lý gần gũi không phải là yếu tố duy nhất thu hút các nhà đầu tư Trung Quốc đến với bất động sản Nhật Bản, mặc dù đó cũng là một yếu tố quan trọng. Một sự hấp dẫn khác là việc sở hữu bất động sản (hoặc một công việc kinh doanh có lợi nhuận) ở Nhật Bản có thể dẫn đến thị thực cư trú dài hạn hoặc thậm chí vĩnh viễn. Điều đó mang lại cho các nhà đầu tư Trung Quốc một lối thoát dễ dàng nhằm trốn khỏi Trung Quốc để tránh cuộc khủng hoảng sắp tới, cũng như tránh được bàn tay sắt của ĐCSTQ.
“Phép màu Trung Quốc” không còn nữa.
Theo The Epoch Times
Bảo Nguyên biên dịch
Liên Hiệp Quốc cảnh báo hệ thống viện trợ cho Gaza « thất bại »
Thu Hằng /RFI
31/10/2023
Phát biểu ngày 30/10/2023 trước Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc, lãnh đạo cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA), Philippe Lazzarini, cáo buộc Israel « trừng phạt tập thể » người dân Palestine ở Gaza. Ông khẳng định « hệ thống được triển khai để đưa hàng cứu trợ vào Gaza thất bại ». Dù khối lượng hàng viện trợ đã được chuyển từ Ai Cập sang Gaza nhiều hơn trong hai ngày qua, nhưng chỉ như « ‘muối bỏ bể’ so với nhu cầu của hơn 2 triệu dân Gaza ».
Ảnh tư liệu : Philippe Lazzarini, lãnh đạo cơ quan Liên Hiệp Quốc về người tị nạn Palestine (UNRWA) tại Gaza, ngày 23/05/2021. AP - John Minchillo
Tổng cộng chỉ có 117 xe tải chở hàng viện trợ vào được Gaza kể từ ngày 21/10, theo thống kê của Liên Hiệp Quốc, và có thêm 39 xe tải đến Gaza trong ngày 30/10, theo thông báo của bộ Quốc Phòng Israel.
Thông tín viên Alexandre Buccianti tường trình từ Cairo :
« Trong hai ngày vừa qua, khoảng 60 xe tải đã chuyển hàng viện trợ gồm thuốc, thực phẩm và đồ uống cho Gaza. Nhưng vẫn không có chất đốt. Khối lượng hàng đã tăng 50% so với những gì được giao tới giờ trong cùng thời điểm. Nhưng khối hàng đó vẫn chỉ là một giọt nước trong đại dương. Thực vậy, khoảng 140 xe tải chở hàng viện trợ đã đến Gaza để giao gần 1.400 tấn, có nghĩa là mỗi xe chỉ chở khoảng 10 tấn trong khi có thể chở đến 30 tấn. Lý do là Israel không cho chất một phần hàng hóa, trước cả khi xe xuất phát. Ngoài ra, rất nhiều xe tải bị trễ do bị lực lượng an ninh Israel kiểm tra nghiêm ngặt ở cửa khẩu Nitzana để có thể tiếp tục đến Gaza cách đó khoảng 50 km. Gần 6.000 tấn hàng viện trợ vẫn đang chờ bên phía Ai Cập để có thể đến Gaza.
Thủ tướng Ai Câp dự kiến đến Rafah thứ Ba này (31/10). Ông Moustafa Madbouli cố nhấn mạnh đến tầm quan trọng và những nỗ lực của Ai Cập để hỗ trợ người dân ở Gaza. Chính quyền Cairo đã liên lạc với nhiều bên ở trong vùng cũng như trên thế giới để gia tăng viện trợ nhân đạo đáp ứng với nhu cầu ở Gaza ».
Publicité
Thiếu nước ngọt, người dân ở Gaza phải uống nước biển
Chính phủ Mỹ cho rằng « trong những ngày tới », có thể « đưa khoảng 100 xe tải mỗi ngày » vào Gaza. Ngày 30/10, người phát ngôn của Hội Đồng An Ninh Quốc Gia Mỹ John Kirby nhấn mạnh « đó là mục tiêu đầu tiên » sau khi tổng thống Joe Biden kêu gọi gia tăng « đáng kể và ngay lập tức » khối lượng hàng viện trợ vào Gaza.
Theo tổ chức Các Bác sĩ thế giới (MDM), được AFP trích dẫn, các bệnh viện ở Gaza bị thiếu đủ mọi thiết bị và thậm chí phải phẫu thuật mà không có thuốc gây tê, gây mê, dưới các trận oanh kích của Israel. Ông Jean-François Corty, phó chủ tịch tổ chức, cho biết vì thiếu nước ngọt, « người dân phải uống nước biển, nhiều người trong đội ngũ của tôi (Các Bác sĩ thế giới) bị tiêu chảy, con của họ sẽ bị mất nước trong vài ngày tới ».
Trên mạng X ngày 31/10, tổ chức Lưỡi Liềm Đỏ Palestine cho biết nhiều vụ tấn công xảy ra quanh bệnh viện Al-Quds khiến « tòa nhà bị rung, người dân phải di chuyển, đội ngũ y bác sĩ thì lo sợ ».
Không có nhận xét nào