Header Ads

  • Breaking News

    Pierre-Antoine Donnet* - Trung Quốc: Nghệ thuật điêu luyện đầu độc thông tin

    Nguồn: “Chine: l’art consommé de la désinformation”, Asialyst, 6.10.2023

    Phạm Như Hồ dịch

    31/10/2023


    " Cùng ngày, người đứng đầu nền ngoại giao Mỹ, Antony Blinken, một lần nữa chỉ thẳng vào Trung Quốc. “Tôi nghĩ mục tiêu của nước này là trở thành cường quốc thống trị thế giới - về quân sự, kinh tế, ngoại giao”, ông khẳng định khi được hỏi về ý định của Trung Quốc trong một diễn đàn do tạp chí The Atlantic tổ chức. Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức. “Các sự kiện đã nhiều lần chứng minh rằng Hoa Kỳ là đế chế dối trá thực sự”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng 9".




    Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong hội nghị thượng đỉnh G20 ở Bali, ngày 16 tháng 11 năm 2022. (Nguồn: PBS)

    Trung Quốc Cộng sản có một kho vũ khí rất tinh vi để đầu độc thông tin trong mọi lĩnh vực. Mục tiêu chính của kho vũ khí này: đảo ngược dư luận, can thiệp vào giới chính trị nước ngoài, tác động đến bầu cử, làm mất uy tín của đối thủ, đưa ra hình ảnh lừa dối về một quốc gia tự cho là gắn bó với hòa bình và lừa dối người dân.

    Ngày 28 tháng 9 vừa rồi, chính phủ Mỹ đã công bố một báo cáo không chối cãi được, trong đó Mỹ cáo buộc Trung Quốc muốn “định hình lại bối cảnh thông tin toàn cầu” thông qua một mạng lưới rộng lớn chuyên về đầu độc thông tin. Các tác giả của báo cáo do GEC, một đơn vị chuyên về cuộc chiến chống lại sự đầu độc thông tin trong Bộ Ngoại giao Mỹ, công bố, viết: “Việc Trung Quốc thao túng thông tin quốc tế không chỉ là vấn đề ngoại giao công cộng mà còn là thách thức đối với tính toàn vẹn của không gian thông tin quốc tế”.

    Các tác giả lưu ý rằng “sự thao túng” này bao gồm cả “tuyên truyền, đầu độc thông tin và kiểm duyệt”. “Nếu ta không làm gì hết, những nỗ lực của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa sẽ định hình lại bối cảnh thông tin toàn cầu, tạo ra những lệch lạc ​​và khoảng trống thậm chí có thể dẫn các quốc gia đưa ra quyết định đặt lợi ích kinh tế và an ninh của họ phụ thuộc vào lợi ích của Bắc Kinh.”


    James Rubin (1960-)

    Theo các tác giả của tài liệu này, Bắc Kinh chi hàng tỷ USD mỗi năm cho “các hoạt động thao túng thông tin ở nước ngoài”. Đồng thời, Trung Quốc xóa đi những thông tin phê phán trái ngược với các lập luận của Trung Quốc về các chủ đề tế nhị như Đài Loan, nhân quyền và nền kinh tế đang suy yếu của nước này. James Rubin, người điều phối GEC và là cựu phát ngôn viên của ngành ngoại giao Mỹ, nói với các phóng viên: “Khi ta nhìn vào các mảnh ghép và ghép chúng lại với nhau, ta sẽ thấy tham vọng đáng kinh ngạc của Trung Quốc nhằm tìm cách thống trị thông tin ở các khu vực quan trọng trên thế giới”.

    Tài liệu của Mỹ tiếp tục, Trung Quốc thao túng thông tin bằng cách thúc đẩy “chủ nghĩa chuyên chế kỹ thuật số”, bằng cách lợi dụng các tổ chức quốc tế và kiểm soát các phương tiện truyền thông sử dụng tiếng Trung Quốc. James Rubin nói thêm: “Đây là mặt tối của sự toàn cầu hóa”, và lo sợ rằng, nếu ta không làm gì hết, “sẽ có sự hủy diệt các giá trị dân chủ một cách chậm chạp và đều đặn”. “Chúng ta không muốn có sự pha trộn giữa thực tế và hư cấu theo kiểu Orwell trong thế giới của chúng ta.” Báo cáo cũng cáo buộc Trung Quốc khai thác mạng xã hội WeChat để truyền bá thông tin sai lệch nhắm vào “những người nói tiếng Hoa và cư trú tại các nền dân chủ” và gã khổng lồ công nghệ Trung Quốc ByteDance, chủ sở hữu TikTok, tìm cách “ngăn chặn những kẻ có khả năng gièm pha Bắc Kinh sử dụng nền tảng của họ”.

    “Dối trá”

    Cùng ngày, người đứng đầu nền ngoại giao Mỹ, Antony Blinken, một lần nữa chỉ thẳng vào Trung Quốc. “Tôi nghĩ mục tiêu của nước này là trở thành cường quốc thống trị thế giới - về quân sự, kinh tế, ngoại giao”, ông khẳng định khi được hỏi về ý định của Trung Quốc trong một diễn đàn do tạp chí The Atlantic tổ chức. Bắc Kinh đã phản ứng ngay lập tức. “Các sự kiện đã nhiều lần chứng minh rằng Hoa Kỳ là đế chế dối trá thực sự”, Bộ Ngoại giao Trung Quốc tuyên bố hôm thứ Bảy, ngày 30 tháng 9.




    Chỉ riêng các hoạt động đầu độc thông tin do bộ máy Đảng Cộng sản Trung Quốc thực hiện, cũng đáng được ghi nhận trong một cuốn sách[1]. Trong số đó, có sự hiện diện ngột ngạt của các đặc vụ Bắc Kinh trên Web, cho dù là Meta (Facebook), LinkedIn, Instagram hay X (trước đây là Twitter), Reddit, Quora và thậm chí cả Pinterest. Một trong những mục tiêu là tấn công những người chỉ trích Trung Quốc: các nhà nghiên cứu, nhà báo, nhà khoa học chính trị, các quan chức dân cử và các nhà hoạt động khác bất cứ họ ở đâu trên thế giới. Những người này bị làm mất uy tín, bị kéo xuống bùn bởi những thông tin sai lệch.

    Những người khác thì, một ngày nọ, phát hiện ra rằng tài khoản của họ đã bị tấn công và sau đó bị nhiễm các văn bản đầu độc thông tin. Một số vụ đã nêu bật các trường hợp các tài khoản email bị các tin tặc tấn công, những kẻ đã sử dụng các tài khoản này để buộc tội chủ sở hữu của chúng trong những vụ án hình sự hoặc phạm tội. Meta công bố vào tháng 8 năm nay rằng họ đã xóa 7.700 tài khoản Facebook và gần 1.000 trang đầu độc thông tin có nguồn gốc từ Trung Quốc được đăng trực tuyến trong giờ làm việc tại Hoa Kỳ. Mục tiêu khác là tràn ngập trang web với những thông điệp có lợi cho Trung Quốc cộng sản.


    Triệu Đình (1982-)

    Nhiều công dân Trung Quốc rời quê hương sang phương Tây sống đã tố cáo những lời dối trá của Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Trung Quốc, đất nước của sự dối trá”: về cơ bản, cách diễn đạt này cũng chính là cách diễn đạt được nhà biên kịch và đạo diễn nổi tiếng người Trung Quốc Triệu Đình (赵婷), hiện đang sống ở Hoa Kỳ, sử dụng[2]. Khi bà nhận được giải Oscar vào ngày 25 tháng 5 năm 2021, người dùng Internet Trung Quốc đã moi ra một cuộc phỏng vấn từ năm 2013, trong đó bà giải thích rằng khi còn là một thiếu nữ, bà đã sống ở một đất nước “ở đó sự dối trá ở khắp mọi nơi.” Thế là đủ để bà ngay lập tức bị gắn mác “kẻ phản bội” ​​ở Trung Quốc, và cùng lúc tất cả các bộ phim của bà ngay lập tức bị cấm chiếu.

    Những người tiếp sức trung thành cho tuyên truyền

    Ở Trung Quốc chính thống, lừa dối, dối trá và viết lại lịch sử là một vũ khí đã được thử nghiệm từ lâu của Đảng, được học từ những năm 1950 ở Liên Xô. Nhưng kể từ đó, Trung Quốc đã vượt qua rất xa ông thầy. Như thế, lịch sử đất nước được viết lại và kể lại một cách rộng rãi để phục vụ cho hệ tư tưởng chính thức. Nó cẩn thận bỏ qua tất cả những trang đen tối của chế độ và của Đảng cũng như tất cả những diễn biến của chế độ trước năm 1949 được cho là có khả năng gieo rắc sự hoang mang trong tâm trí người dân. Những gì còn lại chỉ là một lịch sử bị cắt xén, bị kiểm duyệt hoặc đơn giản là sai sự thật mà chúng ta tìm thấy trong các sách giáo khoa và trên các phương tiện truyền thông đại chúng.


    Nội dung của các phương tiện truyền thông cũng thường xuyên sai sự thật, tất cả đều bị Đảng kiểm soát chặt chẽ để trở thành những tổ chức tiếp sức trung thành cho sự tuyên truyền của Đảng. Cũng sai sự thật là các bản tường thuật ý thức hệ của Đảng, được khéo léo phổ biến khắp cả nước để dạy dỗ dân chúng và đảm bảo sự phục tùng của họ. Số liệu thống kê chính thức cũng sai, vốn chỉ cung cấp một phần sự thật và tô hồng phần còn lại. Đại đa số người Trung Quốc không biết sự thật rằng hàng chục triệu đồng bào của họ đã chết đói trong chiến dịch thảm khốc của Bước Đại Nhảy Vọt (1958-1962) do Mao Trạch Đông lãnh đạo, thậm chí đã từng trải qua nhiều giai đoạn ăn thịt người[3].




    Họ hầu như không biết gì về những hậu quả khủng khiếp trên đất nước của họ vì sự hỗn loạn do Cuộc Cách mạng Văn hóa (1966-1976) gây ra, bi kịch này cũng do tên độc tài khát máu không ngần ngại lợi dụng sự nhẹ dạ cả tin của các Hồng vệ binh trẻ tuổi để gieo rắc kinh hoàng trên toàn quốc và đánh bại các đối thủ trong Đảng[4]. Cũng như về vụ thảm sát Thiên An Môn và cách mà khoảng 2.000 thanh niên biểu tình, vào ngày 4 tháng 6 năm 1989, đã trở thành những nạn nhân bị bắn hạ một cách không thương tiếc dưới làn đạn của Quân đội Giải phóng Nhân dân, theo lệnh của Hoàng đế Đỏ của họ vào thời điểm đó, Đặng Tiểu Bình.

    Á Vận Hội

    Tuy nhiên, các công cụ tuyên truyền đôi khi cũng gặp những trục trặc. Chẳng hạn như khi CCTV (đài truyền hình chính thức của Trung Quốc - ND) phát sóng trực tiếp các trận bóng đá trong khuôn khổ World Cup ở Qatar, những hình ảnh cho thấy khán giả trên khán đài không đeo khẩu trang đã gây ngạc nhiên và hoài nghi đối với những khán giả Trung Quốc vốn buộc phải đeo khẩu trang ở mọi nơi, kể cả ở nhà. Ngay ngày hôm sau, CCTV chỉ quay cận cảnh các cầu thủ nhưng đã quá trễ, sơ xuất này đã gây tác hại rồi. Chủ nhật, ngày 1 tháng 10, ngày kỷ niệm thành lập nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa vào năm 1949, cũng đài truyền hình Nhà nước này, trong bản tin hàng ngày, đã phát đi hình ảnh hai vận động viên Trung Quốc giành chiến thắng ở nội dung 100 m tại Á Vận Hội Hàng Châu.

    Vấn đề là: hình ảnh này, được sử dụng rộng rãi trên Weibo, Twitter của Trung Quốc, hiển thị rõ ràng số 6 và 4 trên áo thi đấu của họ. Sự kế hợp hai con số này vừa là điều cấm kỵ vừa bị cấm trên các phương tiện truyền thông và mạng xã hội vì nó gợi lên trong tâm trí nhiều người Trung Quốc ngày 4 tháng 6 năm 1989: vụ thảm sát Thiên An Môn khi hàng trăm, thậm chí hàng nghìn thanh niên bị Quân đội Giải phóng Nhân dân giết hại, theo lệnh của Đặng Tiểu Bình. Chưa đầy một giờ sau, bức ảnh này đã bị xóa khỏi trang chính thức của CCTV.

    Nhưng tình tiết này cho ta thấy thước đo về mức độ hoang tưởng của chế độ cộng sản Trung Quốc trước một thách thức khó dập tắt: đó là việc người Trung Quốc đã nhân bội sự khéo léo của mình để chỉ trích chế độ trên mạng xã hội thông qua các hiệp hội sử dụng chữ Hán, có vẽ là vô hại nhưng, trong cách diễn giải chúng, lại chế giễu các nhà lãnh đạo của họ hoặc gợi lên những trang đen tối của Trung Quốc cộng sản bị che phủ dưới tấm thảm của sự kiểm duyệt.

    “Sự hiển thị quốc tế”

    Đối với người nước ngoài, kỹ thuật hầu như không thay đổi: nụ cười và sự quyến rũ, được tiếp nối, nếu chúng không hiệu quả, bởi sự đe dọa, ép buộc và, trong một số trường hợp, sự đàn áp, tạo ra sự sợ hãi và quá thường xuyên sự khuất phục. Chế độ Bắc Kinh cũng biết cách được bao bọc bởi một đám đặc vụ nước ngoài phục vụ nó cũng như bởi những kẻ thường được gọi là “những kẻ ngốc hữu ích”. Những người đầu tiên thường bị chế độ mua chuộc và đền bù một cách hào phóng trong khi những người khác là những người hết lòng ngưỡng một “mô hình Trung Quốc” được họ dành cho một sự cuồng tín ngây ngô.

    CGTN, công ty con của CCTV phát sóng ra nước ngoài, gần đây đã tuyên bố rằng hơn 700 “cộng tác viên/stringers” nước ngoài[5] được Nhà nước Trung Quốc trả công cho các dịch vụ của họ bằng cách cung cấp cho họ “khả năng hiển thị quốc tế” và bồi dưỡng (“bonus”), một thuật ngữ kín đáo mà thực ra là tiền bạc. Đôi khi rất nhiều. Trên thực tế, những đặc vụ này còn đông hơn thế nhiều và được trả hậu hĩ để ca ngợi công lao của Trung Quốc cộng sản và phủ nhận “những khẳng định sai trái” của báo chí nước ngoài, đặc biệt là về cách đối xử vô nhân đạo dành cho người Duy Ngô Nhĩ.

    Như thế, chúng ta có thể xem “các phóng sự” của những người phương Tây, những người tự nhận mình là nhà báo, kể lại thời gian họ ở Tây Tạng hoặc Tân Cương, nơi mà chủ yếu họ nói, cuộc sống hoàn toàn màu hồng và dễ dàng. Những người gây ảnh hưởng này hiện diện hằng hà sa số trên mạng xã hội. Bản thân tôi đã từng gặp một số người trong số họ trên mạng, nơi họ tìm cách bôi nhọ nghiên cứu của tôi về Trung Quốc một cách có hệ thống, đôi khi sử dụng những lời lăng mạ thô tục[6]. Những kẻ gây hấn trên mạng/troll hoặc những người gây ảnh hưởng nhận bổng lộc của chế độ Bắc Kinh này có mặt ở khắp mọi nơi: Facebook, LinkedIn, Instagram, X (trước đây là Twitter) và tất nhiên, YouTube, nơi một số có đến hàng trăm nghìn “người hâm mộ”.

    “Năm hào”

    Ở Trung Quốc và trong giới người Hoa sáng suốt ở nước ngoài, người ta gán cho những kẻ phục dịch này và những người sử dụng Internet này biệt danh không mấy hay ho là “wumao” (五毛), “năm hào”, những người lãnh trách nhiệm bảo vệ, với tư cách là tình nguyện viên và/hoặc với tư cách là người ăn lương, đường lối chính thức của chính phủ Trung Quốc. BBC gần đây đã tiến hành một cuộc điều tra về họ và nêu tên của một số người trong số đó. Giống như Barrie Jones, một người Anh tha hương sống ở Trung Quốc, Jason Lightfoot, cha con Lee và Oli Barret, những người phát biểu trên diễn đàn của họ để bình luận về những “lời nói dối” của Phương Tây về Trung Quốc.


    Maxime Vivas (1942-)


    Một số nhân vật trên được trích dẫn rộng rãi trên CGTN. Lee Barrett giải thích trong một trong những video của mình rằng các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc như China Radio International “đề nghị trả tiền đi lại, chuyến bay [và] chỗ ở” cho ông và con trai để đổi lấy những bình luận của ông về chuyến đi của ông, đặc biệt là ở Tân Cương, được đăng trên các phương tiện truyền thông chính thức. Theo BBC, các “phần thưởng” trả cho những nhà báo giả này có thể lên tới 10.000 USD, tùy thuộc vào dịch vụ đã cung cấp. Ở Pháp, chúng ta cũng có một vài ví dụ, trong đó có Maxime Vivas khét tiếng, vào tháng 12 năm 2020, đã xuất bản một cuốn sách có tựa đề Người Duy Ngô Nhĩ, để chấm dứt các tin giả/Ouïghours, pour en finir avec les fake news, được xuất bản bởi NXB Con Đường Tơ Lụa/Les Routes de la Soie, một nhà xuất bản được thành lập vào năm 2017 bởi Sonia Bressler rất kín đáo, người đồng biên tập một tạp chí hàng tháng với một nhà xuất bản của Đảng Cộng sản Trung Quốc.

    Tác giả của cuốn sách này đã tới Tân Cương hai lần với sự hộ tống chặt chẽ và trong khuôn khổ của một chuyến đi được chính quyền Trung Quốc chuẩn bị và giám sát cẩn thận. Ông tố cáo mọi ý tưởng “diệt chủng” ở vùng này. “Trên thực tế,” tác giả viết, “khu tự trị này, có diện tích gấp ba lần nước Pháp, đang thoát khỏi tình trạng lạc hậu và nghèo đói với sự giúp đỡ của cả nước Trung Quốc: hỗ trợ tài chính, phân biệt đối xử tích cực đối với học sinh phải thi tuyển, đào tạo chuyên môn, học ngôn ngữ quốc gia (tiếng phổ thông) tại các trung tâm giáo dục và đào tạo chuyên nghiệp, mà không có một dân tộc nào trong số 56 dân tộc ở Tân Cương bị buộc phải từ bỏ ngôn ngữ, văn hóa, tín ngưỡng hay không tín ngưỡng của họ.”

    Cuốn sách của Maxime Vivas, mặc dù nó nhận được phản hồi rất khiêm tốn hoặc thậm chí không có ở Pháp, nhưng ngược lại, lại được các phương tiện truyền thông chính thức của Trung Quốc như Tân Hoa xã và tờ Nhân Dân Nhật Báo trích dẫn và sử dụng rộng rãi như một bằng chứng không thể chối cãi rằng không có nạn diệt chủng ở Tân Cương. Chính Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cũng đã sử dụng nó trong cuộc họp báo ngày 7 tháng 3 năm 2021, bên lề phiên họp thường niên của Quốc hội.


    Jean-Michel Carré (1948-)

    Gần đây hơn, nhà biên kịch Pháp Jean-Michel Carré đã thực hiện một bộ phim tuyên truyền của Trung Quốc về Tây Tạng, “Tây Tạng, một cái nhìn khác/Tibet un autre regard” với chính tấm áp phích rất có ý nghĩa khi nó trình bày một nữ kỵ sĩ Tây Tạng đang vung lá cờ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Bộ phim này do Pháp-Bỉ hợp tác sản xuất, được kênh Arte của Pháp-Đức bất ngờ phân phối tại Pháp.

    “Huân Chương Hữu Nghị”

    Chúng ta hãy nhớ rằng hầu hết các phương tiện truyền thông nước ngoài không thể đến tay người dân Trung Quốc. Các kênh truyền hình phương Tây đều không thể phát sóng trên đất Trung Quốc, báo chí viết cũng vậy. Tuy nhiên, một bộ phận nhỏ thanh niên Trung Quốc có cả phương tiện tài chính và kỹ thuật vẫn có thể truy cập thông tin nước ngoài bằng cách sử dụng Mạng riêng ảo/Virtual Private Network (VPN) có địa chỉ IP của người dùng được giấu. Nhưng những VPN này đắt tiền và thường nhanh chóng bị các cơ quan kiểm duyệt trên Internet Trung Quốc xác định và làm tê liệt.


    Jean-Pierre Raffarin (1948-)

    Khi nói đến các “tác nhân gây ảnh hưởng”, Pháp cũng không ngoại lệ, với một số bạn bè thân của ĐCSTQ, kể cả trong giới cầm quyền. Trong số đó có cựu Thủ tướng Jean-Pierre Raffarin, người đã nhiều lần nổi bật với quan điểm khoan dung đối với chế độ cộng sản Trung Quốc, đến mức đồng ý bị tuyên truyền công cụ hóa bằng cách chấp nhận xuất hiện trước ống kính CCTV, và không ngần ngại ca ngợi công lao của chủ nghĩa cộng sản kiểu Trung Quốc.

    Ông cũng không ngần ngại mở sổ địa chỉ của mình cho “những người bạn Trung Quốc” của mình, những người đã tận dụng điều này để phát triển các hoạt động tại Pháp. Jean-Pierre Raffarin, người không nói được một từ tiếng Hoa nào nhưng vẫn thường được giới thiệu là một chuyên gia lớn về Trung Quốc, đã được khen thưởng về công việc vận động hành lang không mệt mỏi khi ông được chính Tập Cận Bình trao tặng “huân chương hữu nghị” vào năm 2011.

    “Vô Trách Nhiệm”

    Về lãnh vực can thiệp vào chính trị nội bộ của các nước đối tác của Trung Quốc, có rất nhiều ví dụ minh họa mức độ ngây thơ kinh khủng mà các chính phủ phương Tây đã thể hiện trong nhiều thập kỷ đối với Trung Quốc. Chưa kể đến Hoa Kỳ, Australia, vùng đất được hàng trăm nghìn người Trung Quốc lựa chọn để định cư, từ năm 2019 đã phát hiện ra rằng truyền thông, các trường đại học, quốc hội và thậm chí cả cơ quan hành pháp của họ đã bị các đặc vụ hưởng bổng lộc của chế độ Bắc Kinh xâm nhập. 

    Vương quốc Anh vào tháng trước đã bị rung chuyển bởi một vụ bê bối chưa từng có khi nhà chức trách phát hiện ra rằng phù hiệu cho phép ra vào quốc hội đã được trao cho Chris Cash, một người Anh 28 tuổi, bị bắt vào ngày 13 tháng 3 vì bị nghi ngờ hoạt động gián điệp cho Trung Quốc – điều mà ông ấy phủ nhận. Câu chuyện được tờ Sunday Times tiết lộ vào ngày 10 tháng 9, sáu tháng sau sự việc, đã gây hoang mang ở Westminster. Chris Cash là trợ lý của Alicia Kearns, nghị sĩ đảng Bảo thủ và là chủ tịch Ủy ban Đối ngoại tại Hạ viện.

    Ông tổ chức các sinh hoạt của Nhóm Nghiên cứu Trung Quốc/China Research Group, được thành lập bởi một nghị sĩ khác, Tom Tugendhat, người đã trở thành Bộ trưởng phụ trách An ninh một năm trước. Trong một diễn biến mới vào ngày 17 tháng 9, tờ Times tiết lộ rằng Chris Cash đã vào Westminster với tư cách một du khách đơn giản trong hơn một năm mà không bị điều tra an ninh nhờ mối quan hệ của ông ta với hai nghị sĩ. Ông chỉ nhận được giấy phép (ra vào Westminster) vào đầu năm 2023, nhờ sự can thiệp của Kearns, vài tuần trước khi bị bắt.

    Một tình tiết khác về hoạt động đầu độc thông tin của Trung Quốc: chiến dịch bôi nhọ do Bắc Kinh tiến hành chống lại Nhật Bản khi nước này bắt đầu xả nước nhiễm xạ nhà máy điện hạt nhân Fukushima bị tai nạn ra biển vào cuối tháng 8. Mặc dù các chuyên gia của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA), sau khi phân tích, đã tuyên bố chính đáng rằng không có bất kỳ mối nguy hiểm nào trong hoạt động này, nhưng chính quyền Trung Quốc vẫn cáo buộc Nhật Bản có những hành động “vô trách nhiệm” gây nguy hiểm cho người dân các nước láng giềng và cấm nhập khẩu tất cả các mặt hàng hải sản của Nhật Bản vào Trung Quốc.

    Ngay lập tức, tuyên bố này đã gây ra những hành động phẫn nộ của người dân Trung Quốc tại một đất nước mà chủ nghĩa dân tộc thường xuyên được sử dụng khi chế độ phải đối mặt với các vấn đề nội bộ: đại sứ quán Nhật Bản cũng như các cơ quan, trường học của Nhật Bản trên khắp Trung Quốc đã trở thành mục tiêu của những vụ ném đá và của các hành vi quấy rối qua điện thoại bị Ngoại trưởng Nhật Bản Yoshimasa Hayashi tố cáo là “cực kỳ đáng tiếc”.

    Video được lan truyền

    Điều ngược lại mới đáng ngạc nhiên: Hoa Kỳ cũng là mục tiêu của chiến dịch đầu độc thông tin của Trung Quốc. Điều này được chứng minh bằng những cáo buộc sai trái, trong những tháng gần đây, đã tràn ngập các mạng xã hội Trung Quốc về hành vi ngược đãi gấu trúc trong các vườn thú Mỹ. Những tin tức sai trái này, mà theo các chuyên gia, được khuếch đại bởi những người gây ảnh hưởng, đã bôi xấu “chính sách ngoại giao gấu trúc” của Bắc Kinh, một chính sách được chính phủ Trung Quốc áp dụng trong nhiều thập kỷ, bao gồm việc tặng những con vật này cho các nước khác như một dấu hiệu của tình hữu nghị.

    Một video lan truyền trên nhiều nền tảng của Trung Quốc như Weibo và Douyin đã tiếp sức cho luận điểm theo đó gấu trúc cái Mỹ Hương (Mei Xiang) đã bị Sở thú Smithsonian ở Washington ngược đãi, nạn nhân của hàng chục lần thụ tinh nhân tạo đau đớn. Một chiến dịch dữ dội đã diễn ra sau đó để “giải cứu” và đem Mei Xiang trở về Trung Quốc. Vườn thú Mỹ không muốn bình luận về chiến dịch này, nhưng theo các nhà báo của AFP chuyên kiểm tra nhanh thực chất các thông tin, đoạn video thực sự được quay năm 2015 thực sự cho thấy một con gấu trúc đực đang được kiểm tra y tế. Trên cùng các nền tảng này của Trung Quốc, một hình ảnh cũng cho thấy người bạn của Mỹ Hương, Điềm Điềm (Tian Tian), ​​​​bị buộc dùng thuốc an thần và nằm bất động trong một cuộc kiểm tra. Nhưng một lần nữa, đây là một con gấu trúc đến từ tỉnh Phúc Kiến của Trung Quốc trong một cuộc kiểm tra năm 2005, theo Phòng thí nghiệm nghiên cứu kỹ thuật số của Hội đồng Đại Tây Dương/Atlantic Council (DFRLab).

    Ví dụ mới nhất có tầm quan trọng đặc biệt đối với Bắc Kinh: sự can thiệp của Trung Quốc vào tiến trình bầu cử ở Đài Loan. Khi cuộc bầu cử tổng thống sắp tới, dự kiến ​​diễn ra vào ngày 13 tháng 1 năm 2024, đang đến gần, chính quyền Đài Loan đã cáo buộc Bắc Kinh vào thứ Tư ngày 4 tháng 10 về việc sử dụng các phương tiện “rất đa dạng” để định hướng dư luận trên đảo. Reuters dẫn lời Tổng Giám đốc Cục An ninh Quốc gia Thái Minh Ngạn (Tsai Ming-yen) cho biết: “Cách mà cộng sản Trung Quốc can thiệp vào các cuộc bầu cử rất đa dạng”. Ông nói rõ, Trung Quốc đang sử dụng áp lực quân sự, các công cụ cưỡng chế kinh tế và đầu độc thông tin để tạo ra sự lựa chọn “giữa chiến tranh và hòa bình” trong tâm trí của cử tri Đài Loan.

    Kết quả của cuộc bầu cử này sẽ được Bắc Kinh cũng như phần còn lại của thế giới hết sức chú ý theo dõi. Tùy thuộc vào kết quả này là những lựa chọn sẽ được đưa ra ở Đài Bắc giữa việc theo đuổi chính sách từ chối đàm phán với Bắc Kinh để “thống nhất” với lục địa trong khi vẫn không tuyên bố độc lập chính thức của hòn đảo, luận điểm của ứng cử viên Lại Thanh Đức (Lai Ching-te) của Đảng Dân chủ Tiến bộ (DPP) của đương kim tổng thống Thái Anh Văn, hoặc chính sách có quan điểm thân thiện hơn với chế độ cộng sản Trung Quốc của các ứng cử viên khác. Hiện tại, Lại Thanh Đức đang dẫn đầu khá xa trong các cuộc thăm dò dư luận.

    Vào tháng 9 năm 2021, IRSEM (Viện Nghiên cứu Chiến Lược của Trường Quân Sự-Đội/Institut de Recherche Stratégique de l'Ecole Militaire), đặt dưới sự giám sát của Bộ Quốc Phòng, đã xuất bản một báo cáo đồ sộ (650 trang) về các hoạt động gây ảnh hưởng của Trung Quốc, trong phần mở đầu có nội dung như sau: “Trong một thời gian dài, có thể nói rằng Trung Quốc, ngược lại với Nga, đã tìm cách được yêu mến hơn là gây sợ hãi, thể hiện một hình ảnh tích cực về bản thân với thế giới, khơi dậy sự ngưỡng mộ. Bắc Kinh vẫn chưa từ bỏ sự quyến rũ, sức hấp dẫn và tham vọng định hình các tiêu chuẩn quốc tế, và điều chủ yếu là Đảng Cộng sản không thể “mất thể diện”. Tuy nhiên, cùng lúc đó, Bắc Kinh cũng ngày càng chấp nhận sự xâm nhập và cưỡng ép: các hoạt động gây ảnh hưởng của họ đã trở thành cứng rắn đáng kể trong những năm gần đây và các phương pháp của họ ngày càng giống với những phương pháp mà MosWou sử dụng. Đó là “khoảnh khắc thời điểm của sự lưỡng cực” (Machiavel)” theo nghĩa là Đảng-Nhà nước giờ đây dường như tin rằng, như Machiavel đã viết trong Quân Vương/Le Prince, “thà gây sự sợ hãi hơn là được yêu mến”. Những lời này tóm tắt hoàn hảo tình hình ngày nay.

    Phạm Như Hồ dịch

    Nguồn: “Chine: l’art consommé de la désinformation”, Asialyst, 6.10.2023

    Chú thích:

    [1] Về chủ đề này, đọc cuốn sách của Alex Joske, Khi Trung Quốc theo dõi bạn/Quand la Chine vous espionne, NXB Saint-Simon, 2023.

    [2] Phim Chuyến đi xuyên Hoa Kỳ, phê phán xã hội Mỹ/Road movie critique de la société américaine. Phim này kể về những người già bị ruồng bỏ/giáng cấp ở Mỹ. Phim đã đoạt giải Sư tử vàng tại Liên hoan phim Venise 2020, sau đó là Quả cầu vàng cho phim kịch tính hay nhất và giải Oscar cho phim hay nhất năm 2021.

    [3] Đọc về vấn đề này cuốn “Các tấm bia. Nạn đói lớn ở Trung Quốc/Stèles. La Grande Famine en Chine (1958-1961)” của nhà báo Trung Quốc Yang Jisheng, NXB Seuil, 2012 (do Louis Vincenolles dịch).

    [4] Đọc về vấn đề này cuốn “Lật đổ Trời Đất: Bi kịch của Cách mạng Văn hóa/Renverser ciel et terre: La tragédie de la Révolution culturelle. Trung Quốc, 1966-1976” của cùng nhà báo Yang Jisheng, NXB Seuil, 2020 (do Louis Vincenolles dịch).

    [5] Các nhà báo tự do được trả lương theo bài.

    [6] Ở đây, tôi muốn phân biệt giữa những kẻ gây hấn trên mạng/troll và đặc vụ của Bắc Kinh và những công dân Trung Quốc cư trú tại Pháp, những người, trên mạng xã hội, bảo vệ đất nước của họ một cách hợp pháp bằng cách đưa ra những luận điểm đôi khi ngây thơ nhưng ta vẫn có thể thảo luận với họ. Những người này phần lớn là những người yêu nước gắn bó với đất nước của họ mà tôi sẽ không dám tố giác.


    [*] Pierre-Antoine Donnet, cựu nhà báo của AFP, là tác giả khoảng mười lăm cuốn sách viết về Trung Quốc, Nhật Bản, Tây Tạng, Ấn Độ và những thách thức lớn của châu Á. Năm 2020, người cựu phóng viên tại Bắc Kinh này đã xuất bản cuốn “Le leadership mondial en question, L’affrontement entre la Chine et les États-Unis [Đặt lại vấn đề lãnh đạo thế giới, Cuộc đụng độ giữa Trung Quốc và Hoa Kỳ]”, NXB Editions de l’Aube. Ông cũng là tác giả cuốn “Tibet mort ou vif/Tây Tạng chết hay sống”, NXB Gallimard vào năm 1990 và tái bản vào năm 2019 trong một ấn bản được cập nhật và bổ sung. Sau cuốn “Chine, le grand prédateur [Trung Quốc, nước săn mồi vĩ đại”, NXB Éditions de l’Aube vào năm 2021, thì vào cuối năm năm 2022, ông đã chủ biên một công trình tập thể có tựa là “Le Dossier chinois/Hồ sơ Trung Quốc” (NXB Cherche Midi), và tiếp đó vào đầu năm 2023 cuốn “Confucius aujourd’hui, un héritage universaliste [Khổng Tử ngày nay, một di sản phổ quát]” (NXB L’Aube).

    http://www.phantichkinhte123.com/2023/10/trung-quoc-nghe-thuat-ieu-luyen-au-oc.html#more


    Không có nhận xét nào