Header Ads

  • Breaking News

    Phan Bội Châu qua tài liệu lưu trữ Pháp

    Kỳ 5: Phan Bội Châu với các phong trào đấu tranh trong nước 

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia

    20/10/2019 

    " Lúc 16 h ngày 9/11/1925, toàn bộ quá trình thẩm vấn Phan Bội Châu kết thúc. Ngày 25/11/1922, Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ tuyên án, Phan Bội Châu phải chịu khổ sai chung thân. Tuy nhiên, trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu và nhờ sự can thiệp của Toàn quyền Varenne, ngày 23/12/1925, Phan Bội Châu được ân xá và thả tự do."

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/20/anh-chup-cu-pbc-o-hue-thang-5-1936-182519-201019-57.png

    Ảnh cụ Phan Bội Châu ở Huế, tháng 5/1936

    Tòa Đề hình Bắc Kỳ buộc tội Phan Bội Châu có liên quan đến các vụ tấn công quân Pháp ở Việt Nam, và năm 1913, ông bị kết án tử hình vắng mặt do chủ mưu trong các vụ tấn công ngày 12 và 26/4/1913. 

    Vụ đầu độc quân đồn trú ở Hà Nội, ngày 27/6/1908

    Đồ Đàm là một trong những người tổ chức tích cực vụ đầu độc quân đồn trú đóng ở Hà Nội, ông bị bắt ngày 18/10/1908 và theo lời khai của ông, sự việc này có liên quan đến các sinh viên xuất dương du học Nhật Bản. Bản thân ông không biết đến phong trào cách mạng này cho đến tận tháng 11/1907, thời điểm đó ông được một người tên là Lý Nho dẫn đến gặp Đề Thám. Tháng 4/1908, sau khi trở về từ cuộc gặp với Đề Thám, ông chứng kiến sự tranh luận giữa Đề Thám và Lý Nho về việc Lý Nho không thành công trong vụ tấn công Hà Nội ngày 16/11/1907. Lý Nho trả lời Đề Thám là ông ta sẽ cố gắng thực hiện kế hoạch này vào khoảng tháng tư hoặc tháng 5 năm đó (tháng 5 hoặc tháng 6/1908). Đề Thám đã triệu tập các thân tín và cho biết, Kỳ Ngoại Hầu Cường Để và Phan Bội Châu đã viết thư cho ông rằng trong năm đó họ sẽ trở về Việt Nam và cần thiết phải làm mọi việc giành lại đất nước trước khi họ về nước. Mỗi người cần phải lãnh đạo người dân trong vùng vùng lên. Cuối cuộc thấm vấn, Đồ Đàm cho biết: “Chính Đề Thám là người chủ mưu vụ này. Mong muốn lớn nhất của ông ấy là đánh đuổi người Pháp để phong Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm vua nước Nam. Mọi tài liệu tuyên truyền mà Đề Thám phát cho mọi người đều được ký tên Cường Để và Đề Thám là người liên lạc với Phan Bội Châu”.

    Các vụ tấn công ở Thái Bình và Hà Nội ngày 12 và 26/4/1913

    Những thành công của cách mạng Trung Quốc đã truyền cảm hứng cho Phan Bội Châu. Tháng 2/1912, Phan Bội Châu đến Hồng Kông, một tháng sau ông đến Thượng Hải với ý định đến Nam Ninh để gặp Tôn Dật Tiên nhưng không thành công. Tháng 5/1912, trong phiên họp toàn thể của “Việt Nam Quang Phục Hội”, quyết định thành lập chính phủ lâm thời của nước Cộng hòa Việt Nam trong tương lai đã được đưa ra với các chức danh như sau:

    Cường Để là Tổng Đại Biểu, hay nói cách khác là Tổng thống

    Phan Bội Châu: Bộ trưởng Ngoại giao

    Tán Thuật : Thủ tướng

    Nguyễn Thượng Hiển: Bộ Trưởng tài chính

    Hoàng Trọng Mậu: Bộ trường Quốc phòng

    Nguyễn Cẩm Giang: Bộ trưởng Nội vụ

    Đặng Hữu Bang: Cố vấn

    Cũng tại Trung Quốc mà những người hoạt động cách mạng Việt Nam học cách chế tạo chất nổ, và những loại vũ khí này được dùng trong các vụ ám sát tiến hành ở Thái Bình và Hà Nội năm 1913. Tình báo Pháp khẳng định Phan Bội Châu có liên quan đến các vụ tấn công vụ tấn công ở Thái Bình và Hà Nội ngày 12 và 26/4/1913, thông qua các lời khai của những người có liên quan bị bắt sau đó dù trong các phiên thẩm vấn năm 1925, ông luôn một mực phủ nhận. Ngày 14/02/1914, Phan Bội Châu và Mai Lão Bạng bị cảnh sát Trung Quốc bắt ở Quảng Châu theo đề nghị của Công sứ Pháp ở Quảng Châu và Hồng Kông. Phan Bội Châu bị quản thúc trong tư gia của tổng đốc Long Tế Quang cho đến hết tháng 2 và sau khi tự do, Phan Bội Châu trở về Thượng Hải và đến Nhật Bản. Theo bản án số 167 của tòa án tỉnh Nghệ An ngày 9/10/1918, Mai Lão Bạng bị kết án lưu đày, thay vì bị treo cổ như trong bản án từng tuyên trước đó năm 1909.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/20/ban-an-tu-hinh-tuyen-vang-mat-phan-boi-chau-nam-1913-182519-201019-57.png

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/20/ban-an-tu-hinh-tuyen-vang-mat-phan-boi-chau-nam-1913-tiep-182519-201019-57.png

    Bản án tử hình tuyên vắng mặt Phan Bội Châu năm 1913

    Sáng ngày 18/9/1925

    Câu thẩm vấn số 289: Bức ảnh trong đó có ông và Tán Thuật được chụp khi nào. Những người Trung Quốc này là ai? Họ được ai mời đến (Đưa bức hình số U 28)

    Trả lời: Ngôi nhà mà Tán Thuật trọ là một hiệu thuốc rất đông khách, nhân dịp đám cưới con trai, chủ nhà đã mời Tán Thuật cùng một số người Trung Quốc hay lui tới  để chúc phúc cho đôi uyên ương. Vì tôi cũng hay lui tới nơi này nên tôi cũng được mời đến dự lễ họp gia đình sau đó chụp hình. Tôi không nhớ tên của những người Trung Quốc này, họ không phải trong số bạn của tôi và đó là lần duy nhất tôi gặp họ.

    Câu thẩm vấn số 290: Nguyễn Bá Trác mà ông biết rất rõ đã khai ngày 8/11/1914 (hồ sơ A 1925 tờ số 140) rằng bức ảnh đánh số U 28 gồm những người sau: trên cao từ trái sang phải: Đăng Phung Hồng, con nuôi Tán Thuật, Trần Hà Trương, hai người còn lại là hai người Trung Quốc, hàng dưới từ trái qua phải là Nguyễn Bá Trác, Mai Lão Bạng, Phan Bội Châu, Tán Thuật và hai người Trung Quốc khác. “Những người Trung Quốc này cùng với Phan Bội Châu đã thành lập một hội và để quyên góp tiền; đó chính là vì sao Phan Bội Châu đã mời họ đến một bữa ăn mà tôi cũng vô tình được mời, vào hôm trước hoặc trước nữa ngày tôi đến Thượng Hải. Chính trong bữa ăn này mà bức ảnh được chụp. Đó là để tạo niềm tin cho những người Trung Quốc nàu mà họ hy vọng sẽ có thêm được tiền. Sau khi Phan Bội Châu bị bắt, chúng tôi nghi ngờ những người Trung Quốc này là cảnh sát.

    Trả lời: Tôi vẫn giữ nguyên lời khai liên quan đến việc bức hình được chụp. Cũng giống như Nguyễn Bá Trác, tôi tin rằng những người Trung Quốc này thuộc một nhóm tổ chức đến nhà này và ngồi cùng chúng tôi để làm quen với tôi và để nhận dạng tôi sau đó. Tôi bị bắt ba hoặc bốn ngày sau khi bức hình được chụp. Tôi bị giam giữ hai tháng 2: tôi bị bắt vào khoảng cuối năm Quý Sửu (1913) và bị giam đến tận cuối tháng 2 năm Giáp Dần. Sau khi được trả tự do, họ bắt tôi phải lưu trú bắt buộc trong thành phố Quảng Châu.

    Câu thẩm vấn số 292: Vì lý do gì mà ông bị bắt?

    Trả lời: Tôi bị bắt vì họ cho rằng tôi đã đi theo đảng của Trần Quýnh Minh, lãnh tụ của những người ủng hộ cải cách ở Trung Quốc khi làm việc tại văn phòng của tờ báo do em út của ông ấy làm chủ biên. Chính quyền Trung Quốc đã bắt tôi sau khi tra hỏi tôi về vấn đề này và cho biết thêm “chúng tôi buộc phải có các biện pháp chống lại những người An Nam đến đây, họ mặc theo kiểu người Trung Quốc, trà trộn vào người Trung Quốc và ủng hộ những người theo cải cách”. Họ buộc tôi phải sống trong một ngôi nhà gần sở cảnh sát và cấm đi khỏi Quảng Châu nếu không được cho phép. Trong buổi thẩm vấn ngày 2/10/1925, Phan Bội Châu khai Mai Lão Bạng cũng bị bắt cùng ông, nhưng bị giải và giam ở một nơi khác. Ông bị cảnh sát quản thúc trong khoảng hai năm cho tới khi Trần Quýnh Minh lấy lại Quảng Châu vào cuối năm Ất Mão.

    Câu thẩm vấn số 1762: Trong cuốn sổ thu được từ hành lí của Cường Để, có ghi: đưa 270 đồng cho Đặng Bỉnh Thành để sản xuất thuốc nổ ở Cửu Long (Cao Loun, Hồng Kông). Đó là việc sản xuất thuốc nổ gì?

    Trả lời: Tôi đã khai với các ông rằng tôi chỉ biết Cường Để đã thuê một ngôi nhà ở Cửu Long (Cao Loun, Hồng Kông) làm địa điểm để Đặng Bỉnh Thành và Nguyễn Thành Hiến học sản xuất đạn. 

    Trả lời tại phòng thẩm vấn: Đặng Tử Mẫn cũng tới ngôi nhà đó theo lời mời của Cường Để và ông ta bị mất ba ngón tay trong một vụ nố. Đó là một người Trung Quốc dạy cách chế tạo bom và vì Đặng Bỉnh Thành và Nguyễn Thành Hiến không biết tiếng Trung Quốc, và chính vì điều đó mà Cường Để phải mời Đặng Tử Mẫn. Hải Sử, em của Hải Thần cũng có mặt khi tai nạn xảy ra với Đặng Tử Mẫn.

    (Theo mật thám Pháp, Hải Sử tên thật là Nguyễn Bá Hoạt, cũng như Nguyễn Cẩm Giàng, tức Hải Thần là người làng Đại Từ, Hà Đông, là một trong những học sinh xuất sắc của trường dạy nghề Hà Nội và là nhân viên của trường dạy nghề Long Châu)

    Câu thẩm vấn số 1766: Điều gì diễn ra sau vụ nổ?

    Trả lời: Người Anh đã bắt tất cả những người sống trong ngôi nhà đó, gồm Đặng Tử Mẫn, Hội Đồng Hiển, Đặng Bỉnh Thành, những người khác tôi không nhớ, họ bị bắt ngay lập tức sau vụ nổ.

    Câu thẩm vấn số 1769: Ông có nhận thấy thiệt hại trong vụ nổ ở Cửu Long (Cao Loun), nơi mà Đặng Tử Mẫn bị mất ba ngón tay. Mặc dù không biết các sử dụng bom, ông vẫn có thể biết các tác dụng của nó?

    Trả lời: Tôi nghe nói ngôi nhà bị phá hủy hoàn toàn và một số người khác ngoài Đặng Tử Mẫn cũng bị thương.

    Câu thẩm vấn số 1780: Nguyễn Quang Hào (tờ số F. 345) khai: “Thủ lĩnh nhóm chế tạo bom là Tú làng Đại Từ từng đào tạo những người ném bom”. Phạm Đình Thạc (tờ số F. 207) khai: “Nguyễn Hải Thần, tức Tú Đại Từ có danh hiệu là Tổng Thống Kiến Tạc Quân”. Ông nói gì về điều này?

    Trả lời: Chính xác là Nguyễn Hải Thần được giao sản xuất bom và đào tạo những người ném bom ở Longtchéou (Long Châu)

    Câu thẩm vấn số 1781: Trái với những gì ông vừa khai, họ cũng quan tâm đến việc sản xuất bom ở Cửu Long. Đặng Bỉnh Thành đã viết cho Hoàng Xương ngày 8/10/1912 (tờ K. 132) như sau: “Tôi thấy chậm trễ việc học sản xuất thứ mà chúng ta đã nói đến (bom). Đặng Tử Mẫn đã dạy tôi đôi chút về chất nổ”. Đặng Tử Mẫn không chỉ sản xuất thuốc súng, và mặt khác họ không chỉ sản xuất ở Long Châu đúng không?

    Trả lời: Theo những gì tôi biết, họ chỉ sản xuất thuốc súng ở Cửu Long (Cao Luon), họ không thể sản xuất bom ở đó vì không có máy móc, không có thợ rèn. Đặng Bỉnh Thành đã mua bom theo lệnh của Cường Để.

    Chiều ngày 3/11/1925

    Câu thẩm vấn số 1810: Vụ ném bom khách sạn Hà Nội với sự tham gia của tài xế Nguyễn Van Thuy, Nguyễn Khắc Cẩn cũng có tham gia ngày 26/4/1913 dưới sự chỉ đạo của Nguyễn Trọng Thường, con trai thứ hai của Tán Thuật.

    Trong buổi thấm vấn này sáng ngày 4/11/1925, Phan Bội Châu cho biết gọi Cường Để là Chúa Công, Ngã Công hoặc Hội chủ. Tháng 4 năm Quý Sửu (1913), khi Cường Để đi châu Âu, hành lý của ông ta đã bị cảnh sát Hồng Kông và chính quyền Anh tịch thu, trong đó có cuốn sổ ghi chép.

    Chiều ngày 9/11/1925

    Câu thẩm vấn số 1895. Ông bị buộc tội:

    Khi ở trên lãnh thổ Xiêm La và Trung Quốc, vào thời gian không cụ thể, dựa vào tiền quyên góp, hứa hẹn, đe dọa, lợi dụng quyền hạn, quyền lực, ông đã âm mưu, là thủ phạm, đồng phạm trong vụ ám sát có chủ ý do Pham Văn Tráng, hay Cháng, ngày 12/04/1913 nhằm vào Tuần phủ Nguyễn Duy Hàn bằng cách khích động vụ ám sát này hoặc ra các chỉ thị để tiến hành;

    Cũng tình tiết thời gian và địa điểm tương tự, ông là tòng phạm của vụ sát hại có chủ ý do Phạm Văn Tráng, hay Cháng từng bị kết án, ngày 12/4/1913 tại Thái Bình (Bắc Kỳ) nhằm vào tuần phủ Thái Bình Nguyễn Duy Hàn, bằng cách cung cấp công cụ, là các tạc đạn (bom) dùng vào vụ ám sát;

    Cũng tình tiết thời gian và địa điểm tương tự, dựa vào tiền quyên góp, hứa hẹn, đe dọa, lợi dụng quyền hạn, quyền lực, ông đã âm mưu, là thủ phạm , đồng phạm trong vụ ám sát có chủ ý do Nguyễn Van Tuy, tức Tài Xế và Nguyễn Khắc Cẩn, người đã bị kết án, ngày 26/4/1913 tại sảnh khách sạn Hà Nội, ở Hà Nội (Bắc Kỳ) nhằm vào các chỉ huy Montgrand và Chapuis, bằng cách khích động vụ ám sát hay chỉ thị tiến hành;

    Cũng tình tiết thời gian và địa điểm tương tự, ông là đồng phạm trong vụ ám sát có chủ ý do Nguyễn Van Tuy, tức tài xế và Nguyễn Khắc Cẩn, người đã bị kết án, ngày 26/4/1913 tại sảnh khách sạn Hà Nội, ở Hà Nội (Bắc Kỳ) nhằm vào các chỉ huy Montgrand và Chapuis, bằng cách cung cấp công cụ, bom dùng vào vụ ám sát và biết rằng chúng được dùng vào mục đích đó.

    Cũng tình tiết thời gian và địa điểm tương tự, ông tham gia vào âm mưu nhằm hoặc phá hủy chính quyền, hoặc khích động công dân, người dân trang bị vũ khí chống lại chính quyền trên lãnh thổ Trung Kỳ và Bắc Kỳ với tình tiết tăng tội này, âm mưu đã được tiếp nối bằng hành vi đã được thực hiện hoặc đã bắt đầu chuẩn bị thực hiện;

    Cũng cùng thời gian và địa điểm, tham gia âm mưu nhằm mục đích hoặc phá hoại chính quyền hoặc khích động các công dân, người dân trang bị vũ khí chống chính quyền trên lãnh thổ Trung Kỳ và Bắc Kỳ; 

    Cũng cùng thời gian và địa điểm, tiến hành các hoạt động làm nguy hại đến an ninh công cộng hoặc gây rối chính trị nghiêm trọng;

    Cũng cùng thời gian và địa điểm, tham gia một hiệp hội được thành lập với mục đích chuẩn bị hoặc tiến hành các vụ ám sát nhằm vào một số người hoặc một số tài sản, các vụ ám sát được dự kiến và xử phạt theo các điều khoản  87, 89, 91, 265, 266, 295, 296, 297, 302, 59 và 60 của Luật hình sự sửa đổi bằng sắc lệnh ngày 31/12/1912. Ông có điều gì cần bào chữa thêm?

    Trả lời : Tôi không có gì cần bổ sung vào các lời khai trước đây, tôi vô tội.

    Câu thẩm vấn 1896: Ông có ba ngày để chuẩn bị bào chữa. Ông đã có luật sư bào chữa?

    Trả lời: Không. Các ông có thể chỉ định một luật sư cho tôi.

    Chủ tịch Hội đồng Đề hình: Tôi thông báo với ông rằng tôi chỉ định luật sư Raymon Bona là luật sư bào chữa cho ông tại tòa Thượng thẩm Hà Nội.

    Trả lời: Tôi không có ý kiến trình bày.

    Lúc 16 h ngày 9/11/1925, toàn bộ quá trình thẩm vấn Phan Bội Châu kết thúc. Ngày 25/11/1922, Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ tuyên án, Phan Bội Châu phải chịu khổ sai chung thân. Tuy nhiên, trước phong trào đấu tranh của nhân dân cả nước đòi thả Phan Bội Châu và nhờ sự can thiệp của Toàn quyền Varenne, ngày 23/12/1925, Phan Bội Châu được ân xá và thả tự do.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/20/buc-dien-ngay-24-12-1925-cua-toan-quyen-dong-duong-varenne-ve-viec-tra-tu-do-ngay-lap-tuc-cho-phan-boi-chau-182519-201019-57.png

    Bức điện ngày 24.12.1925 của Toàn quyền Đông Dương Varenne về việc trả tự do ngay lập tức cho Phan Bội Châu

    * Trong tài liệu lưu trữ của Pháp, tên những người liên quan được viết không dấu nên có những tên riêng người dịch chưa thể tra cứu và viết chính xác.

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia

    https://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/phan-boi-chau-qua-tai-lieu-luu-tru-phap-ky-5-phan-boi-chau-voi-cac-phong-trao-dau-tranh-trong-nuoc.htm


    Không có nhận xét nào