Kỳ 3: Phan Bội Châu trở lại Trung Kỳ và chuyến xuất dương lần thứ hai
Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
06/10/2019
" Trả lời: Đúng. Chính xác là Lương Khải Siêu đã khuyên tôi đưa các sinh viên Việt Nam tới Nhật Bản.
Câu thẩm vấn số 140: Vào thời kỳ nào ông đã cho in “Hải ngoại huyết thư”?
Trả lời: Tôi viết tác phẩm này vào tầm khoảng tháng 10 năm Mậu Thân (năm 1908, năm Duy Tân thứ 2), tôi không thể kiểm chứng ngày, sự việc diễn ra cách đây rất lâu; đó là một tác phẩm rất ngắn chỉ có 2-3 trang. "
Phan Bội Châu và Cường Để ở Nhật
Phan Bội Châu trở về Huế vào giữa năm 1905 và thông báo về kết quả chuyến xuất dương đầu tiên. Nam Tỉnh muốn Cường Để tiến hành tuyên truyền ở Nam Kỳ. Nhưng vì cuốn “Việt Nam vong quốc sử” vừa được công bố ở Thượng Hải. Nam Tỉnh quyết định Cường Để xuất dương ngay lập tức đến Nhật Bản.
Kế hoạch đưa Cường Để tới Nhật Bản và được dựng lên như người mang ngọn cờ cho một đảng dân tộc được thành lập trong tương lai vấp phải sự phản đối của Phan Chu Trinh và Phan Thúc Diện, những người không ủng hộ chế độ quân chủ quan lại, lo ngại lịch sử lặp lại như đối với cách mạng Pháp hay những sự kiện tương tự xảy ra ở Nhật Bản năm 1907. Phan Bội Châu cho rằng việc tôn một người trong hoàng tộc làm minh chủ sẽ quy tụ được nhiều quan lại cũng như đảm bảo nguồn tài chính. Và dường như Phan Bội Châu đã thuyết phục được sự phản đối của các nho sĩ.
Cuối năm 1905, Phan Bội Châu xuất dương lần thứ hai, đến Quảng Châu. Cường Để xuất hành sau đó, rời Huế lên tàu mang tên Iyo Maru vào tháng 1/1906, dưới tên gọi khác là Ko De Ha cùng với hai người khác Tchin Yu Ryoku và Yu Tchi Yo đến Hồng Kông (theo báo cáo của mật vụ Pháp). Hai người hội ngộ ở Quảng Châu và cùng tới gặp Tôn Thất Thuyết. Trước khi rời hẳn Quảng Châu, hai người cùng với một số trí sĩ Việt Nam đang sống ở đó, trong đó có Tán Thuật thành lập “Việt Nam Duy Tân Hội”, với mục đích đưa thanh niên Việt Nam Đông Du sang Nhật Bản. Làn sóng xuất dương du học Nhật Bản của thanh niên Việt Nam diễn ra trong suốt năm 1906. Trong số những người xuất dương sau Phan Bội Châu và Cường Để có Nguyễn Thức Canh (tức Trần Hữu Công, người cùng quê Nghệ An với Phan Bội Châu), Đặng Tử Kính (người Nghệ An, lúc đó đang sống ở Xiêm) và Phan Bá Ngọc (bị bắt năm 1918, được ân xá và bị ám sát ở Trung Quốc tháng 2/1922). Các sinh viên Việt Nam theo học ở các trường tư thục khác nhau, đặt dưới sự kiểm soát của chính phủ và cũng như của hội. Theo những thông tin tình báo của Pháp, có khoảng hơn 100 sinh viên Việt Nam đã xuất dương du học Nhật Bản từ 1906-1909, được chia thành ba nhóm như sau: 70 sinh viên Nam Kỳ dưới sự quản lý của Đặng Bỉnh Thành, 10 sinh viên Trung Kỳ và 30 sinh viên Bắc Kỳ dưới sự quản lý của Phan Bội Châu. Các nhóm thay nhau quản lý tài chính, đảm bảo lợi ích cũng như việc học hành của các hội viên.
Đầu năm 1907, Phan Chu Trinh tới Nhật Bản. Ông và Phan Bội Châu gặp nhau ở Hồng Kông, tại cửa hàng Kouang Tcheng Siang và cùng nhau khởi hành. Sau khi tới Nhật Bản, Phan Chu Trinh thuyết phục các thanh niên Việt Nam không nên đi theo đảng của Cường Để và tìm cách đưa một số sinh viên Trung Kỳ về Việt Nam. Cường Để đã thành công khi thuyết phục những thanh niên này ở lại và Phan Chu Trinh một mình về nước, quyết định thành lập một đảng độc lập.
Phan Bội Châu (phải) với Hồ Tùng Mậu (giữa) và Ngô Thành (trái)
Khi được hỏi về làm thế nào để sống khi rời Nhật Bản, Phan Bội Châu trả lời:
“Tôi rời Hoành Tân (Yokohama) giữa tháng 11 năm Mậu Thân và đến Thượng Hải vào cuối tháng 11 hoặc đầu tháng 12 của năm đó. Tháng Giêng năm Kỷ Dậu (1909) tôi làm việc như cộng tác viên của tờ “Thương Báo” ở Thượng Hải và được trả 70 đồng/ tháng. Tôi làm việc cho tờ báo này đến tận tháng 9 của năm Quý Sửu (1913), sau đó tôi đi Quảng Châu. Sau khi nghỉ ngơi ở thành phố này 2 tháng, được được tuyển làm cộng tác viên cho tờ “Trung Quốc nhật báo” ở Quảng Châu với 50 đồng/tháng cho đến tận cuối tháng 6 năm Mậu Ngọ”, ngoài ra ông còn kiếm sống nhờ việc viết thuê khiếu kiện thương mại và thông báo quảng cáo.
Sáng ngày 3/9/1925
Câu thẩm vấn số 104: Hãy khai đầy đủ chuyến xuất dương của ông kể từ khi rời làng: ngày và điểm khởi hành, hành trình đi, ngày và điểm trung chuyển, ngày và điểm kết thúc?
Trả lời: Tôi xin lỗi các ông vì không thể trả lời chính xác về ngày do các sự việc diễn ra cách đây quá lâu, nhưng tôi có thể nói cho ông về tháng diễn ra các mốc sự việc chính. Tôi rời gia đình vào đầu tháng Giêng năm Thành Thái thứ 17 (1905), cùng đi có Tăng Bạt Hổ và Nguyễn Điền. Chúng tôi đến Thanh Hóa và nghỉ lại 6 ngày để Tăng Bạt Hổ có thời gian mua quế, ông ấy cần để mang sang Trung Quốc bán lại. Sau đó, chúng tôi khởi hành đi Nam Định bằng tàu hỏa. Chúng tôi nghỉ một ngày ở đó tại nhà thông phán Duyệt, người họ hàng của Nguyên Diên. Nguyễn Điền chia tay chúng tôi để về quê. Tăng Bạt Hổ và tôi tiếp tục đến Hà Nội và nghỉ 1 ngày tại đó. Chính tại thành phố này mà tôi đã đưa cho Tăng Bạt Hổ 300 đồng để giúp gia đình ông ấy trang trải trong thời gian ông ấy vắng mặt. Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường đi Hải Phòng, ở đó chúng tôi đi tàu biển của Hãng hàng hải đế đến Hồng Gai (Hòn Gai) và dừng nghỉ là Ngọc Sơn, rồi từ đó, chúng tôi đi vào đất liền đến làng Trà Cổ và nghỉ lại đó 1 đêm. Hôm sau, chúng tôi đến Chúc Sơn, địa phương đầu tiên của Trung Quốc mà chúng tôi tham quan, có một cái chợ rất lớn. Chúng tôi nghỉ ở đó 4 ngày để đợi phương tiện đi tiếp. Chúng tôi đến Khâm Châu, nghỉ lại đó 10 ngày để đợi tàu. Chúng tôi tới Bắc Hải, rồi từ đó đi Hồng Kong mất 3 ngày. Vừa đặt chân đến thành phố này, Tăng Bạt Hổ đã đề nghị tôi nghỉ lại vài ngày để ông ấy bán quế thu lại tiền. Số quế bán lại mang về cho ông ấy 500 đồng chỉ trong 5-6 ngày. Chính ở thành phố này mà tôi biết tên thật của ông ấy. Ông ấy hỏi tôi có muốn gặp Tôn Thất Thuyết không. Tôi trả lời rằng tôi có ác cảm với nhân vật này và không muốn gặp ông ấy. Khi biết Thượng Hải là thành phố nổi tiếng nhất của Trung Quốc, tôi quyết định đến đó. Vừa đặt chân đến thành phố này, tôi đã muốn gặp Lương Khải Siêu nhưng được biết ông ấy đã đi Nhật Bản, nên tôi cũng quyết định tới đó. Lương Khải Siêu là tổng biên tập của tờ “Tân Dân Thông Báo” phát hành ở Hoàn Thanh và ở Hoành Tân (Yokohama), Nhật Bản. Tôi muốn gặp ông ấy vì tôi nghĩ ông ấy sẽ giúp tôi công bố các bài viết và giúp tôi kiếm sống. Từ khi rời nhà cho đến lúc đặt chân tới Hoành Tân (Yokohama), tôi luôn ăn vận theo kiểu truyền thống của người Việt Nam, nhưng theo lời khuyên của Lương Khải Siêu, tôi vận âu phục. Lộ phí và ăn ở tốn hết 400 đồng, tôi chỉ còn 400 đồng, và 200 đồng đưa cho Tăng Bạt Hổ để ông ấy về nước. Ở Hoành Tân (Yokohama), tôi trọ trong nhà Lương Khải Siêu, ông ấy rất vui vì biết tôi là người Việt Nam. Ông ấy đặt rất nhiều câu hỏi về đất nước bằng chữ Hán. Để giúp ông ấy có thêm thông tin, tôi đã viết “Việt Nam vong quốc sử” và đưa cho ông ấy xem. Ông ấy đã cho in đồng thời cho thêm thông tin do tôi cung cấp. Đó là vào tháng 10 năm Thành Thái thứ 17. Đó cũng là thời gian Tăng Bạt Hổ chia tay tôi trở về nước. Trong suốt các cuộc trò chuyện, Lương Khải Siêu đã hỏi tôi liệu có những thanh niên Việt Nam đi du học không, liệu các cuộc thi Hương có còn được tổ chứ và liệu có thể thành lập các trường học để dạy học theo cách của phương Tây hay không. Tôi đã trả lời một cách phủ định cho câu hỏi thứ nhất và thứ ba, khẳng định cho câu hỏi thứ hai. Ông ấy cũng nói rằng dân tộc Việt Nam là một dân tộc thông minh, nhưng lại vấn tiếp tục kiểu dạy học truyền thống và nên đưa các thanh niên xuất dương du học.
Chiều ngày 3/9/1925
Câu thẩm vấn số 116: Ông có thể nói rõ ngày ông tới Nhật Bản được không?
Trả lời: Tôi tới Nhật Bản vào đầu tháng 8 năm Thành Thái thứ 17. Tôi khởi hành rời An Nam vào cuối tháng Giêng của năm đó.
Câu thẩm vấn số 122: Cuộc gặp đầu tiên - bút đàm của ông với Lương Khải Siêu được miêu tả trong tạp chí nào?
Trả lời. Trong hai tờ báo là tờ “Tân Dân Thông Báo” và tờ “Minh Thời Báo”, tờ này xuất bản ở Thượng Hải.
Câu thẩm vấn số 123: Cuộc gặp này không bàn về một cuốn sách hay đề tựa của cuốn sách do Lương Khải Siêu viết phải không?
Trả lời: Có, cuộc gặp này bàn về cuốn sách có tiêu đề “Việt Nam vong quốc sử”. Chính tôi là người đưa ra chủ đề cuốn sách với Lương Khải Siêu và ông ấy đã phát triển nó theo các ý kiến cá nhân của ông ấy. Phần lớn của cuốn sách là tác phẩm cuả Lương Khải Siêu.
Câu thẩm vấn số 124: Ông ký tên trong cuốn sách dưới cái tên nào?
Trả lời: Tôi ký tên cuốn sách là Phan Thị Hán. Trong cuốn sách này Lương Khải Siêu đã ký tên tôi dưới bút danh Sào Nam Tử. Tôi đã dùng bút danh này khi tôi đến Thượng Hải và cũng dưới cái tên này mà tôi được biết đến. Lương Khải Siêu đã ký và viết đề tựa cho cuốn sách.
Câu thẩm vấn số 126: Làm thế nào mà ông giao tiếp được với Lương Khải Siêu vì ông không biết tiếng Quảng Châu. Ông khai chỉ qua viết?
Trả lời: Tôi giao tiếp với Lương Khải Siêu qua chữ viết bằng chữ Hán. Một phần của buổi nói chuyện được công bố trên các tờ tạp chí. Văn bản gốc ghi chép tôi để lại trên bàn, chúng tôi nói chuyện với các sinh viên. Về việc Lương Khải Siêu nói hơi quá trong cuốn sách của tôi, tôi nhớ chi tiết liên quan ở trang đầu tiên nói về chuyến đi của tôi cũng như về bạn đồng hành Tăng Bạt Hổ. Về vấn đề này, Lương Khải Siêu đã giới thiệu về chúng tôi như thể chúng tôi đứng trước ông ấy trong cảnh sầu não, mặt đầm đìa nước mắt trong khi trên thực tế khi ấy chúng tôi rất vui vẻ và mỉm cười.
Câu thẩm vấn số 131 : Ông đã khai rằng cuộc gặp với Lương Khải Siêu (Liang Ku Tchao) không có kết quả gì và rằng ông đến gặp ông ta bởi vì ông ta là người nổi tiếng của Trung Quốc hiện đại, rằng ở Việt Nam ông ta được biết đến dưới tên gọi Lương Khải Siêu, rằng các tác phẩm của ông ta về chính trị và văn học rất được tầng lớp nho giáo yêu thích. Ông cũng đã khai rằng rất tự nhiên khi ông tới gõ cửa nhà ông ta và rằng ông đến đó mà không cần thông ngôn, cuộc gặp giữa ông và ông ta được thực hiện qua chữ viết là được thuật lại một phần trong đề tựa của cuốn “Việt Nam vong quốc sử”, ông khai rằng cuộc gặp này không có kết quả nào. Điều đó có đúng không?
Trả lời: Đúng. Chính xác là Lương Khải Siêu đã khuyên tôi đưa các sinh viên Việt Nam tới Nhật Bản.
Câu thẩm vấn số 140: Vào thời kỳ nào ông đã cho in “Hải ngoại huyết thư”?
Trả lời: Tôi viết tác phẩm này vào tầm khoảng tháng 10 năm Mậu Thân (năm 1908, năm Duy Tân thứ 2), tôi không thể kiểm chứng ngày, sự việc diễn ra cách đây rất lâu; đó là một tác phẩm rất ngắn chỉ có 2-3 trang.
Tuy nhiên, trong buổi thẩm vẫn khác, Phan Bội Châu khẳng định lại viết tác phẩm năm 1906 khi Pháp đưa ra bằng chứng là bức thư ông gửi Tòa án Pháp tháng 8/1925 trong đó ghi tác phẩm được viết năm 1906). Tác phẩm này được công bố dưới cái tên Phan Thị Hán và được các sinh viên An Nam thuộc nhóm của Phan Bội Châu, của Cường Để và của Nguyễn Thượng Hiền đem in ở Thượng Hải hoặc ở nơi khác do ông không đủ khả năng chi trả việc in ấn. Phan Bội Châu ở Nhật Bản từ tháng 9 năm 1905 đến tháng 11 năm 1908 và rời Nhật Bản khi tờ “Thương Dân Thông Báo” được Lương Khải Siêu chuyển về Thượng Hải.
Câu thẩm vấn số 142: Ông đã khai đã gặp Tán Thuật trong chuyến đi trở về Quảng Châu. Đó là vào ngày nào?
Trả lời: Năm 1918 (năm Mậu Ngọ).
Tuy nhiên, trên thực tế, trong bức ảnh chụp Phan Bội Châu mà Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ đưa cho ông xem tại buổi thẩm vấn, ngồi bên phải ông là Tán Thuật, bên trái là Lão Bang, Nguyễn Bá Trạch được chụp khoảng năm 1913-1914.
Sáng ngày 4/9/1925
Câu thẩm vấn số 146: Ông đã khai rời nhà vào đầu tháng Giêng năm Thành Thái thứ 14, đến Hoành Tân (Yokohama đầu tháng 8 của năm đó với những điểm dừng chân như sau : 2 ngày ở Thanh Hóa, 1 ngày ở Nam Định, 1 ngày ở Hà Nội, 1 ngày ở Hải Phòng, nghỉ chân ở Ngọc Sơn, Trà Cổ, 4 ngày ở Chúc Sơn, ngôi làng Trung Quốc đầu tiên ông đặt chân đến, 10 ngày ở Khâm Châu, 3 ngày đi từ Bắc Hải đến Hồng Kông, lưu trú tại Hồng Kông mà không đưa cụ thể thời gian, đến Thượng Hải và khởi hành lập tức đi Nhật Bản. Tổng cộng chưa hết 7 tháng đi. Ông trả lời như thế nào?
Trả lời: Tất cả đều đúng trừ thời gian tôi lưu trú ở Hồng Kông và Thượng Hải. Đó là tầm cuối tháng Giêng chứ không phải đầu tháng Giêng năm Thành Thái thứ 17 khi tôi rời làng đi. Tôi ở lại 10 ngày trong một thành phố của Nhật Bản tên là Nagasaki, nơi có nhiều người Trung Quốc làm việc, tiếp đó là Kobé, nơi tôi ở lại 10 ngày để xem liệu tôi có thể gặp người Trung Quốc nào tôi quen hay không. Ở Nagasaki và Kobé có rất nhiều sinh viên Trung Quốc.
Câu thẩm vấn số 157: Cường Để đến Quảng Châu lần đầu tiên vào thời gian nào?
Trả lời: Cường Để đến Quảng Châu khi tôi đang ở Hoành Tân (Yokohama). Đó là năm 1906. Tôi không nhớ chính xác tháng nhưng tôi có thể nói với các ông đó là vào cuối năm đó ông ta đến Nhật Bản.
Câu thẩm vấn số 160: Trong tờ báo Quảng Châu nào mà “Hải ngoại huyết thư” của ông được công bố?
Trả lời: Tôi không biết. Tôi cũng chưa từng nghe đến việc xuất bản tác phẩm này, tôi chỉ biết hiện giờ ở Quảng Châu có rất nhiều tờ báo, trong đó có các tờ báo lớn như Quốc Dân Nhật Báo, Quảng Đông Nhật Báo, Trung Hoa Nhật Báo, Trung Quốc Nhật Báo. Nhưng khi tôi tới Trung Quốc, duy nhất tờ báo Quảng Châu xuất hiện, đó là tờ « Quảng Đông Nhật Báo », tôi cũng nói thêm là trong thời gian ở Nhật Bản, tôi không đọc báo Trung Quốc.
Câu thẩm vấn số 161: Ông đã đọc tờ báo số ra tháng 1/1906 trong đó có tác phẩm « Hải ngoại huyết thư » của ông không? Ông có đọc những bài báo viết về việc Cường Để tới Quảng Châu không?
Trả lời: Tôi không đọc « Hải ngoại huyết thư » cũng như thông báo trong các tờ báo Trung Quốc về việc Cường Để tới Quảng Châu.
Câu thẩm vấn số 162: Vì lý do gì Cường Để rời Quảng Châu đến Hoành Tân (Yokohama?
Trả lời: Cường Để không đến Hoành Tân (Yokohama), ông ấy đến Tokyo và tôi cũng không biết lý do ông ấy đến đó.
Câu thẩm vấn số 166: Ông gặp ông ấy lần đầu tiên ở đâu?
Trả lời: Tôi gặp ông ấy ở trường Đồng Văn Thư Viện ở Tokyo, đó là nơi các sinh viên Việt Nam hay lui tới và Cường Để cũng đến đó. Tôi đến đó để gặp ông ấy. Đó là tầm tháng 5 hay tháng 6 năm Đinh Mùi (1907);
Câu thẩm vấn số 169: Ông ta có nói với ông vì sao ông ta rời An Nam không?
Trả lời: Ông ấy nói với tôi là đến gặp chính quyền Nhật Bản về hoạt động của trường Đông Văn Thư Viện ở Tokyo.
Câu thẩm vấn số 170: Có những sinh viên nào đi cùng với Cường Để ở Tokyo?
Trả lời: Nguyễn Bỉnh Thành, Nguyễn Điển, Hoàng Hưng. Có khoảng 40-50 thanh niên An Nam đi cùng với Cường Để. Cuộc gặp với Cường Để diễn ra trong một quán ăn ngay cạnh trường. Tôi đã gặp Cường Để hai lần trong quán ăn này, một lần khác ở Đấu xảo Tokyo diễn ra tháng 2 năm Mậu Thân 1908.
Câu thẩm vấn số 171: Ông vẫn khăng khăng khẳng định chỉ gặp Cường Để có hai lần, một lần vào năm 1907 và một lần vào năm 1908, mỗi lần không quá 24 giờ?
Trả lời: Chính xác, mỗi lần tôi chỉ ở lại với ông ấy trong 2 hoặc 3 giờ. Tôi đã quên những người cùng tôi gặp ông ấy trong lần gặp thứ hai. Trong lần gặp đó chúng tôi chỉ bàn về trường học của Tokyo. Một lần bị bệnh nặng ở Yakohama, tôi đã viết thư cho một sinh viên của Đồng Văn Thư Viện để cung cấp tin tức về tôi và nhờ giúp đỡ. Cường Để đã đến và mang tiền đến cho tôi. Đó là vào năm 1908. Cường Để ở lại bệnh viện với tôi 1 giờ sau đó về lại Tokyo. Kể từ đó tôi không gặp ông ấy nữa. Tôi cũng không biết khi nào Cường Để rời Nhật Bản. Khi tôi rời Nhật Bản, Cường Để vẫn còn ở đó và ông ấy không thông báo cho tôi về việc đi về của ông ấy.
Sáng 17/9/1925
Câu thẩm vấn số 233. Hãy nói về tất cả bút danh, bí danh của ông?
Trả lời : Tôi thừa nhận được biết đến dưới các tên Trương Văn Đưc, Sào Nam Tử, Phan Thị Hán, Trần Can Phu, Phan Đình Nhạc, Mê Điền, Dao Su Sang, Trương Pháp Tường. Tôi không còn bút danh, biệt danh nào khác. Tôi không biết các tên Phan Dinh Hán, Phan Dinh Sang, Phan Si Hon, Tsao Nam Sen, Me Ti, Me Co, Tran Ba Hoa, To Lang, Ba Mê, Yao Tcheng Chong, Xa Nhan, Dai Chau, Giou Sau, Ông Bội.
Câu thẩm vấn số 234: Ở Nhật Bản, ông được biết đến với những cái tên nào?
Trả lời: Dưới các tên Phan Thị Hán và Sào Nam Tử.
Trong các câu thẩm vấn tiếp theo, Phan Bội Châu cho biết, các sinh viên Việt Nam khi đến Nhật Bản sẽ được Cường Để tiếp đón, đưa đến ở trong các nhà trọ Nhật Bản và sau đó theo học tại trường “Đồng Văn Thư Viện”, tên gọi Nhật Bản là Dobun Shoin. Có ba nhóm du học sinh: nhóm của Cường Để là những sinh viên Nam Kỳ, nhóm của Phan Bội Châu là sinh viên Trung Kỳ và của Nguyễn Thượng Hiền là các sinh viên Bắc Kỳ. Và Cường Để đã thành lập Duy Tân Hội do ông ấy là chủ tịch.
Một số lưu học sinh phong trào Đông Du:
Hàng thứ nhất (ngồi) từ trái qua phải: Trần Đông, Hà Đương Nghiêu, Hải Thần, Phan Bá Ngọc, Đặng tử Mẫn
Hàng thứ 2 (đứng) từ trái qua phải: Nguyễn Thái Bạt, Trương Hưng, Hải Thạc (tức Nguyễn Quỳnh Chi), con trai thứ hai của Tán Thuật, Hoàng Trọng Mậu, Đặng Tử Võ, Quỳnh Lâm, Trần Hữu Lực
Câu thẩm vấn số 237: Những sinh viên Nam Kỳ nào mà ông gặp đầu tiên ở Nhật Bản?
Trả lời: Đó là Lưu Do Hưng, Trần Văn Hiên, Đặng Bỉnh Thành khoảng cuối tháng 6 năm Đinh Mùi (1907), sau đó tôi gặp tiếp Hoàng Quang Thanh, Tô Thanh Chấn, Trân Van Tung và Phan Thế Mỹ vào cuối tháng 6 năm Mậu Thân (1908)
Câu thẩm vấn số 238: Những sinh viên Trung Kỳ đầu tiên ông gặp ở Nhật Bản là ai?
Trả lời: đó là Phan Bá Ngọc, Trần Hữu Công vào cuối tháng 6 năm Đinh Mùi, cuối tháng 6 năm Mậu Thân là Đinh Đoàn Tế, Lê Câu Tinh, Hoàng Trọng Mậu, Ha Dương Nhan[1].
Câu thẩm vấn số 239: Những sinh viên Bắc Kỳ đầu tiên mà ông gặp ở Nhật Bản là những ai?
Trả lời: Đó là Đặng Tử Mẫn, Cao Trúc Hải và Nguyễn Điển vào cuối tháng 6 năm Đinh Mùi (1907), sau đó vào cuối tháng 6 năm Mậu Thân (1908) là Phạm Chấn Yêm, Đăng Văn Kiên và Đàm Kỳ Sinh.
Câu thẩm vấn số 248: Cường Để theo học ở trường nào?
Trả lời: Tôi nghe nói là ông ấy học ở trường Shinbu Gakko (Chấn Võ) mà hiệu trưởng là một nhân vật thân với tướng Fukishima nhưng tôi chưa bao giờ gặp viên tướng này. Tôi biết các tên như Trần Hữu Công, Nguyễn Văn Điển, LươngNhập Nham (tức Lương Ngọc Quyến, chú thích của tác giả) cũng theo học ở trường này.
Câu thẩm vấn số 250: Khi nào Cường Để rời khỏi trường và vì lý do gì?
Trả lời: Tôi nghe nói ông ấy rời khỏi trường vào năm Mậu Thân (1908) nhưng không biết là tháng nào. Tôi cũng không rõ vì lý do gì. Tôi nghe nói ông ấy rời trường vì ý thích riêng của ông ấy.
Câu thẩm vấn số 251: Trường nào nhận nhiều sinh viên Việt Nam nhất?
Trả lời: Tôi nghe nói đó là trường Đồng Văn Thư Viện, theo tiếng Nhật là Do Bun Sho-in.
Câu thẩm vấn số 252: Ông có biết tiếng Nhật không?
Trả lời: Tôi biết một chút.
Câu thẩm vấn số 255: Có đúng là Trần Hữu Công đi cùng ông tới Nhật Bản?
Trả lời: Trần Hữu Công không rời Đông Dương cùng tôi nhưng ông ấy đi cùng tôi từ Trung Quốc đến Nhật Bản (vào tháng giêng năm Đinh Mùi 1907).
Câu thẩm vấn số 283: Trong một trong số những bức thư ông gửi chủ tịch Hội đồng Đề hình, ông khai rằng ông chỉ có ba người bạn thân tín trong số những người An Nam xuất dương và ông kể đến đầu tiên là Phan Bá Ngọc, như chính ông ta khai, là thư ký của ông từ năm 1906-1913. Ông ta biết nhất cử nhất động của ông. Người ta thường tin tưởng người bạn thân tín khi ở xa đất nước và xa gia đình. Ông hãy nói cho chúng tối biết ông đã gặp ông ta ở nước ngoài lần đầu khi nào và ở đâu?
Trả lời: Tôi gặp ông ấy lần đầu tiên vào trung tuần tháng 7 năm Đinh Mùi (1907) tại Hoành Tân (Yokohama) trong văn phòng của tờ báo. Đó là người bạn thân tín của tôi, thư ký của tôi, (bị cáo rút lại lời nói) không phải là thư ký của tôi.
[1] . Trong các tài liệu lưu trữ của Pháp, tên những người liên quan được viết không dấu nên có những tên riêng người dịch chưa thể tra cứu và viết chính xác.
Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I
Không có nhận xét nào