Header Ads

  • Breaking News

    Phan Bội Châu qua tài liệu lưu trữ Pháp

    Kỳ 4: Phan Bội Châu và Việt Nam Quang Phục Hội 

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia

    14/10/2019 

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/14/viet-nam-quang-phuc-hoi-1-063104-141019-95.png

    Các phong trào đấu tranh trong nước năm 1908 đã khiến chính quyền Pháp “để mắt” đến phong trào Đông Du do Phan Bội Châu khởi xướng. 

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/14/viet-nam-quang-phuc-hoi-3-063104-141019-95.png

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/10/14/viet-nam-quang-phuc-hoi-4-063104-141019-95.png

    Chương trình và giấy thề của Việt Nam Quang Phục Hội

    Vụ án Gilbert Chiếu diễn ra tháng 10/1908 liên quan đến cuộc đấu tranh diễn ra ở Bắc Kỳ và Trung Kỳ trong năm đó. Gilbert Chiếu tên thật là Trần Chánh Chiếu, một người Việt quốc tịch Pháp, tri phủ danh dự. Ông có lòng hận thù sâu sắc với quân Pháp, và theo thông tin tình báo Pháp, ông là thân cận của Cường Để và Phan Bội Châu ở Nam Kỳ, cung cấp tài chính và tinh thần hỗ trợ bằng cách thành lập các hiệp hội công nghiệp và thương mại, tuyên truyền bằng cách phát tán các tác phẩm của Phan Bội Châu, gửi các bài thơ tuyên truyền qua đường bưu điện, cho đăng các bài báo chống Pháp trên tờ “Lục Tỉnh Tân Văn” và tổ chức hội họp. Gilbert Chiếu rất tin tưởng vào phong trào do Cường Để và Phan Bội Châu khởi xướng. Ông cũng gửi con trai Jules Trần Chánh Tiết sang Hồng Kông và từng có thời gian sống trong nhà của Phan Bội Châu. Jules Tiết sau đó cùng với Phan Bội Châu đến Tokyo và ở lại Nhật Bản trong vòng 1 tháng cùng với Cường Để.

    Vụ án Gilbert Chiếu đã khiến chính phủ Pháp phải “để mắt” tới các thông tin liên quan đến sự hiện diện của các sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản. Đại sứ quán Pháp tại Tokyo đã yêu cầu chính phủ Nhật Bản giám sát các hoạt động của những sinh viên này và trong trường hợp cần thiết, có thể tiến hành các biện pháp cần thiết như trong thỏa thuận Pháp-Nhật mới ký khi đó (tháng 9/1908).Trong bức thư đề ngày 8/2/1909, bá tước Komura, khi đó là Ngoại trưởng Nhật Bản đã thông báo chính thức cho đại sứ Pháp tại Nhật Bản các kết quả điều tra của cảnh sát mật Tokyo. Theo đó, hầu hết các sinh viên Nam Kỳ đã rời Nhật Bản trong năm 1908, do bị gia đình triệu về nước vì lo ngại khi cảnh sát Pháp tiến hành điều tra vụ Gilbert Chiếu. Chính quyền Nhật Bản cũng cho phép các sinh viên Việt Nam có thời hạn 6 tháng để rời Nhật Bản.

    Chiều ngày 14/10/1925

    Câu hỏi số 1444: Ông rời Nhật Bản bởi vì mảnh đất nơi đây không còn chào đón ông nữa. Ông về Xiêm và rời khỏi nước này năm 1910, thúc giục bởi cách mạng Trung Quốc, đầu tiên ông đến đất Quảng Châu, sau đó ông đưa các thanh niên du học đang ở Xiêm La tới đây. Điều đó có chính xác?

    Trả lời: Đúng, chính xác. Tôi rời Nhật Bản khoảng tháng 9-tháng 10 năm Mậu Thân để đến Xiêm. Tôi không bị trục xuất khỏi Nhật Bản và cũng không chính thức bị mời rời khỏi nước này. Sau khi nhận được đất ở Xiêm, tôi trở lại Nhật Bản tìm gặp các sinh viên để đưa đến Xiêm. Tôi ở lại đó đến tháng 3 năm Kỷ Dậu. Lúc đó Cường Để cũng rời Nhật Bản. Cũng thời kỳ đó, một người bạn Nhật Bản của tôi, ông Nguyên Van Tay Lan cho tôi biết rằng chính phủ Nhật Bản không hài lòng về sự hiện diện cả tôi tại nước họ và tốt hơn tôi nên rời khỏi đó. Tôi đi Quảng Châu và Hồng Kông, sau đó tôi lại đến Xiêm rồi quay trở lại Trung Quốc vào tháng 11 năm Tân Hợi (1911)

    Sáng ngày 26/10/1925

    Câu hỏi 1458: Ai là những người trung thành đi theo ông?

    Trả lời: Phan Bá Ngọc, Hoàng Trọng Mậu, Trần Hữu Lực, Nguyễn Quỳnh Lâm, Nguyễn Trọng Thường, Trần Chấn Đông, Đặng Xung Hồng, Tú Đại Từ (tức Nguyễn Cẩm Giàng), Nguyễn Thái Bạt, Hải Sử, Vo Man Kien, Ha Dương Nhon, Đẳng Tử Võ, Tran Hong Van, Dang Cong Phan, Dang Tu Han, Trần Hữu Công.

    Câu hỏi 1459 : Trong số những người được nhắc đến ở trên, ai là cánh tay phải của ông?[1]

    Trả lời: Trần Hữu Công, Phan Bá Ngọc là những cánh tay phải của tôi.

    Câu hỏi 1464: Ai là người đã lập ra các cửa hàng may đó? Nhằm mục đích gì?

    Trả lời: Tôi thừa nhận là đã mở một cửa hàng may đo ở Nam Ninh để kiếm tiền duy trì việc ăn ở cho các sinh viên. Chính Đặng Tử Mẫn chịu trách nhiệm mở cửa hàng này và quản lý nó. Tôi không biết ngoài cửa hàng này còn có những cửa hàng khác và nhằm mục đích gì.

    Việt Nam Quang Phục Hội do Phan Bội Châu, Cường Để và một số người Trung Quốc thành lập tháng 12 năm Nhâm Tý (1912) ở Quảng Châu (câu thẩm vấn số 1468 và 1469). Ngoài ra còn có Hoàng Trọng Mậu, Trần Hữu Lực, Nguyễn Trọng Thường, Đặng Tử Mẫn. Việt Nam Quang Phục Hội đã phát hành tiền giấy để đổi lấy tiền kim loại nhưng không thành công. (Câu thẩm vấn số 1566). Trụ sở chính của hội đặt ở Quảng Châu, tại ngôi nhà có tên gọi Đông Phương Y Xã. Có một chi nhánh ở Băng Cốc, bị giải tán 1 tháng sau đó. Phan Bội Châu khẳng định hội không có chi nhánh ở Long Châu.

    Câu thẩm vấn số 1638: Hoàng Trọng Mậu viết cho thẩm phán Tòa dự thẩm (tờ số 197, hồ sơ HTM) như sau: “Hội giành lại quốc gia được thành lập dưới vỏ bọc một hội Y học. Các thành viên đã chỉ định Phan Bội Châu làm trưởng hội, mục đích là quyên góp tiền để duy trì hoạt động và nhận được sự ủng hộ của nhiều người Trung Quốc. Nhưng vì những bất ổn diễn ra lúc bấy giờ ở Trung Quốc nên các giúp đỡ này không đủ”. Hội bị giải tán như thế nào?

    Trả lời: Hội bị giải tán ngay lập tức. Tôi không biết Hoàng Trọng Mậu nói sự thật hay không. Việt Nam Quang Phục Hội giải tán vì hai lý do: thiếu tiền để duy trì hoạt động của hội và Tổng đốc Quảng Châu bị thay thế bởi Lương Tế Quang, người  không tán đồng sự có mặt của các sinh viên Việt Nam tại đây. Sau khi hội bị giải tán, Trần Hoa Hưng Á được thành lập, các sinh viên Việt Nam tiếp tục hội họp tại trụ sở của hội này nhưng hội chỉ tồn tại được 1 tháng.

    (Việt Nam Quang Phục Hội do Cường Để làm chủ tịch, Phan Bội Châu là phó chủ tịch, theo thông tin trong cuốn sổ của Cường Để  bị cảnh sát Hồng Kông thu được)

    Sáng ngày 30/10/1925

    Câu thẩm vấn số 1688: Những đồng tiền đầu tiên của ngân hàng cách mạng được in vào thời kỳ nào? Chúng được lưu hành như thế nào?

    Trả tời: Tiền giấy được in vào cuối năm Nhâm Tý (1912) khi đó Việt Nam Quang Phục Hội vẫn đang hoạt động.

    Câu thẩm vấn số 1689: Ông hãy miêu tả các tờ tiền đó, mệnh giá như thế nào? Ai là người ký tên?

    Trả lời: Hai người Trung Quốc tên là Tô Thiên Lan và Lê Niên Nam được giao in các tiền giấy này. Tô Thiên Lan là người phụ trách tài chính của hội. Các chi phí in ấn do Cường Để trả. Tôi không rõ ai là người ký các tờ tiền này, có thể là “Người phụ trách tài chính” của hội, tôi không nhớ hình dạng để miêu tả các tờ tiền này, các mệnh giá hình như là 5 đồng, 10 đồng và 20 đồng. Tôi không nhớ chính xác.

    Câu thẩm vấn số 1690: Ông hãy nhớ lại. Ai là người ký các tờ tiền đó?

    Trả lời: Tôi nghe nói là Hoàng Trọng Mậu đã ký các tờ tiền đó, được viết bằng chữ Hán lẫn chữ quốc ngữ. Chúng đều được in ở Hồng Kông, nơi tôi đang ở khi đó.

    Câu thẩm vấn số 1691: Khoảng bao nhiêu tiền được phát hành?

    Trả lời : Khoảng vài trăm ngàn đồng. Không có tờ 1 đồng, mệnh giá nhỏ nhất mà tôi nhớ là 5 đồng và cao nhất là 20 đồng. Tôi không phụ trách vấn đề này.

    Câu thẩm vấn số 1694: Bộ phận Ngân khố cách mạng hoạt động như thế nào?

    Trả lời : Chính Lê Niên Nam là người được giao là trưởng bộ phận này, được Hoàng Trọng Mậu hỗ trợ, Cường Để là người tổ chức mọi việc.

    Tuy nhiên, theo các thông tin tình báo của Sở Liêm phóng Đông Dương được đưa ra trong các buổi thẩm vấn, các tờ tiền này có mệnh giá là 100, 20 và 5 đồng. Chúng được in tại Quảng Châu dưới sự điều hành của Phan Bội Châu tại cửa hàng nơi đóng trụ sở của Việt Nam Quang Phục Hội, sau đó được vận chuyển đến trường Đức-Trung trong phố Pack Wa Khai và tại phòng thấm vấn, Phan Bội Châu sau đó buộc phải thừa nhận các thông tin trên là đúng (câu thẩm vấn số 1697). Việt Nam Quang Phục Hội hai lần phát hành tiền giấy, lần đầu do Phan Bội Châu đảm trách và lần thứ hai do Cường Để phát hành. Các tờ tiền do Phan Bội Châu phát hành được giao cho những người Trung Quốc làm trong hiệu thuốc Đông Phương Y Xã mang tới Hàng Châu và Long Châu cùng các nơi khác trên đất Trung Quốc. Lần phát hành tiền lần thứ hai do Cường Để được in tốt hơn, với số lượng lớn hơn sau khi lần phát hành thứ nhất do Phan Bội Châu (khoảng 2 trăm ngàn đồng) tiến hành không thành công.

     Đôi nét vê những tác phẩm truyền bá mang tư tưởng cách mạng của Phan Bội Châu từ 1906-1909

    Câu thẩm vấn số 187: Ý định của ông khi viết “Hải Ngoại huyết thư” và “Việt Nam vong quốc sử”?

    Trả lời: Về tác phẩm đầu đó, người ta không thể nói đó thực sự là một tác phẩm, đó là vài trang giấy, ý định của tôi đơn giản là so sánh giữa sự phát triển về trình độ tri thức của dân tộc Nhật Bản với sự uể oải về tri thức của người An Nam. Ý định của tôi là gửi cho đồng bào tôi nhưng tôi không làm được. Bản viết do chính tay tôi viết để ở văn phòng tờ báo “Tân Dân Thông Báo” và giống như mọi bản thảo khác đều hướng tới công chúng. Văn phòng của tờ báo là nơi lui tới của nhiều sinh viên Việt Nam, và rất có thể chính họ đã cho in tác phẩm này và phân phát ở An Nam. Văn phòng của tờ báo đặt ở Hoành Tân (Yokohama. Tôi viết cuốn này vào đầu tháng 2 năm Bính Ngọ. Sau khi gửi bản thảo ở Văn phòng tờ báo, ngay từ khi bắt đầu viết, rất nhiều sinh viên Việt Nam thường lui tới đây có thể đọc, chép lại và cho in tác phẩm này. Tôi không rõ liệu các tờ giấy này đã được làm thành cuốn sách. Về cuốn “Việt Nam vong quốc sử”, đó hoàn toàn là cuốn sách của Lương Khải Siêu bởi 9/10 phần của cuốn sách là do ông ấy viết. Chính ông ấy cũng là người đem đi in và bán; theo đề nghị của ông ấy, tôi đã viết phần trình bày ngắn gọn về tình tình xứ An Nam trong những năm gần nhất. Cuốn sách được viết vào khoảng những ngày đầu tháng 9 năm Thành Thái thứ 17 lúc tôi mới đến Nhật Bản. Cuốn thứ hai mang đặc điểm lịch sử và chủ yếu là giai đoạn lịch sử giữa Tự Đức và Hàm Nghi. Cuốn này nhằm mục đích  thuyết phục đồng loại của tôi vùng lên về mặt trí tuệ.

    Câu thẩm vấn số 597: 550 bản in cuốn “Huyết lệ thư”lần thứ hai với ba thứ tiếng, chữ Nôm, chữ Hán và chữ quốc ngữ, trong đó phần dịch sang chữ quốc ngữ, do một người tên là Francis ký tên chịu trách nhiêm, đã bị cảnh sát Nhật Bản thu được tại một nhà in Nhật Bản và tiêu hủy ngày 7/6/1906 trước sự chứng kiến của ông Gallois, thông ngôn chính thức của Sứ quán Pháp tại Nhật Bản. Gồm 2,5 trang.

    Sáng ngày 6/10/1925

     Các câu hỏi thẩm vấn xoay quanh ba tác phẩm của Phan Bội Châu là :

    “Khuyên quốc dân du học văn” được viết vào tháng 9 năm Ất Tỵ ở Yohokama và được in tại tờ báo nơi Phan Bội Châu làm việc, được in hàng trăm bản và giao cho Tăng Bạt Hổ mang về nước (câu thẩm vấn số 690).

    “Việt Nam vong quốc sử” gồm 10 trang, được gửi ở văn phòng ờ báo tháng 9 năm Ất Tỵ (1905), được in trên 2000 bản và bán ở Trung Quốc. Phan Bội Châu được trả 200 đồng cho quyền tác giả. Tác phẩm được in lần đầu tiên vào khoảng tháng 12 năm Ất Tỵ, ở thể văn xuôi và các sinh viên Việt Nam ở Nhật Bản có cuốn sách trong năm Đinh Mùi và Mậu Thân. Đây cũng là thời kỳ cuốn sách được bán với số lượng lớn ở Tokyo. Lần in thứ hai diễn ra cuối năm Mậu Thân ở Hoành Tân (Yokohama. Pháp coi đây là bằng chứng cho thấy các ý định của Phan Bội Châu khi rời Việt Nam, bởi ngay sau khi đặt chân đến Nhật Bản, Phan Bội Châu đã cho đồng bào của ông thấy ông là một người chủ trương khuấy động tư tưởng chống Pháp.

    Sáng 9/10/1925

    Buổi thẩm vấn sáng ngày 9/10/1925 xoay quanh tác phẩm “Tân Việt Nam” của ông. Pháp đã đưa cuốn sách “Tân Việt Nam”, theo tình báo Pháp, được in tháng 10 và tháng 11 năm Ất Mùi (16/11/1906). Tác phẩm này được viết vào trong tháng 5 và 6 của năm Đinh Mùi (1907 gồm 10 trang, nói về cải cách giáo dục, cải cách thể chế và chuyển đổi chính quyền sang một chế độ mới. Vào tháng 5 năm Đinh Mùi, Phan Bội Châu thường gặp các sinh viên Việt Nam tại văn phòng tờ báo như Phan Bá Ngọc (quê Hà Tĩnh), Lê Cầu Tinh, Đinh Doãn Tế, Hoàng Lợi Tân, Trần Hữu Công, Đăng Quốc Kiều (Trung Kỳ); Nguyễn Khê Chi, Cao Chúc Hải (Bắc Kỳ) Đăng Bỉnh Thành (Nam Kỳ). Báo cáo của Sở Liêm phóng Đông Dương cho biết, ngày 7/11/1907, Phan Bội Châu đặt in 1000 bản “Tân Việt Nam”ở hãng Shoransha thông qua tổng biên tập tạp chí “Vân Nam”. Tất cả được giao ngày 14/11/1907. Tuy nhiên, trong buổi thẩm vấn, Phan Bội Châu trả lời rằng cuốn sách này không do ông viết. Các tác phẩm khác của ông như “Hà Thành liệt sĩ”, xuất bản ở Nhật Bản tháng 11/1907 hay “Sùng bái giai nhân”, tác phẩm nổi tiếng nhất của Phan Bội Châu, được biết nhiều đến trong những người mang tư tưởng chống Pháp ở Nam Kỳ, tuy không được in nhưng được chép lưu truyền.

    Riêng “Việt Nam Quốc sử khảo” được viết ở Thượng Hải, tháng 9 năm Kỷ Dậu (1909) viết về lịch sử xứ An Nam, và như theo lời khai của Phan Bội Châu, được ông viết theo yêu cầu của các sinh viên Trung Quốc muốn học về lịch sử xứ An Nam. Ông cũng cho biết những bài viết của ông trên các tờ báo chủ yếu đề cấp đến giáo dục, thương mại và công nghiệp đều ký tên Phan Thị Hán.

    Kỳ cuối: Phan Bội Châu với các phong trào đấu tranh trong nước


    [1]. Trong tài liệu lưu trữ của Pháp, tên những người liên quan được viết không dấu nên có những tên riêng không thể tra cứu và viết chính xác.

    https://archives.org.vn/phan-boi-chau-qua-tai-lieu-luu-tru-phap-ky-4-phan-boi-chau-va-viet-nam-quang-phuc-hoi.htm


    Không có nhận xét nào