Header Ads

  • Breaking News

    Phan Bội Châu qua tài liệu lưu trữ Pháp

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I 

    22/09/2019 

    Loạt bài Phan Bội Châu qua tài liệu lưu trữ Pháp gồm 5 bài.

    Báo Quốc Dân sẽ lần lượt phổ biến đến Quý độc giả.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/09/22/anh-cu-phan-boi-chau-230409-220919-88.png

    Chân dung cụ Phan Bội Châu

    Kỳ 1: Thân thế Phan Bội Châu 

    Phan Bội Châu là một trong số các trí sĩ Việt Nam yêu nước hết mình tranh đấu giành độc lập cho Việt Nam từ tay thực dân Pháp. Tháng 6/1925, Phan Bội Châu bị thực dân Pháp bắt cóc khi ông đang trên đường rời Thượng Hải qua Khu nhượng địa Pháp để về Quảng Châu và từ ngày 29/08/1925, Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ tiến hành thẩm vấn để luận tội Phan Bội Châu, khi đó ông 59 tuổi. 

    Cuộc đời và sự nghiệp đấu tranh của ông dần được tái hiện qua những trang tài liệu lưu trữ của Sở Liêm phóng Đông Dương (hay còn gọi là Sở Mật thám Đông Dương) đề ngày 5/7/1925 cùng 1896 câu thẩm vấn kéo dài từ ngày 29/8/1925 đến 9/11/1925. Phong trào cách mạng do ông khởi xướng bắt đầu từ việc tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để làm minh chủ, thành lập Duy Tân Hội (1904) và khởi xướng phong trào Đông Du (1905) nhằm vận động thanh niên trong nước xuất dương qua Trung Hoa, Nhật Bản du học để thâu nhận kiến thức mới của nước ngoài về giúp nước nhà, đồng thời viết những tác phẩm khích lệ tinh thần đấu tranh, dân tộc. Chúng tôi xin trân trọng giới thiệu bài viết nhiều kỳ tóm tắt và lược dịch một phần tài liệu lưu trữ của Sở Liêm Phóng Đông Dương liên quan đến vụ án lịch sử xét xử Phan Bội Châu, thuộc phông tài liệu lưu trữ Cao Ủy Pháp ở Đông Dương, hiện đang được bảo quản tại Lưu trữ hải ngoại quốc gia Pháp.

    Thân thế Phan Bội Châu trong hồ sơ mật thám Pháp

    Theo báo cáo mật số 748 của Sở Liêm phóng Đông Dương đề ngày 31/7/1924 gửi Giám đốc Sở phụ trách các vấn đề chính trị và an ninh của Phủ Toàn quyền Đông Dương, Phan Bội Châu sinh năm 1867 ở làng Đan Nhiễm, xã Nam Hòa, huyện Nam Đàn, tỉnh Nghệ An và con trai duy nhất của ông Phan Văn Phổ và bà Nguyễn Thị Xu. Phan Bội Châu có hai người vợ. Vợ cả Thái Thị Huy, người làng Diên Lãm, có một người con trai với Phan Bội Châu tên là Phan Nghi Huynh, vừa lấy vợ là con gái của Đặng Hứa (hay còn gọi là Tú Hứa), người làng Lương Điền, huyện Thanh Chương. Người vợ thứ hai tên là Nguyễn Thị Minh (theo lời khai của Phan Bội Châu, người vợ thứ hai của ông tên là Phạm Thị Minh), người làng Thanh Thủy, có với Phan Bội Châu một người con trai tên là Phan Nghi Đệ và một người con gái tên là Phan Thị Em. Cả hai đều đã lấy vợ, chồng. Con trai Phan Nghi Đệ cưới con gái của Bùi Cúc, người cùng làng với Phan Bội Châu, con gái Phan Thị Em cưới Vương Thúc Oánh, tức Vương Thúc Tư, hay còn gọi là Vương Văn Hoành, con trai của Vương Thúc Quì (đã chết), cử nhân, người làng Hoàng Trù, ngụ cư tại làng Kim Liên. Trong phiên thẩm vấn đầu tiên ngày 29/08/1925, Phan Bội Châu cũng cho biết ông có hai người con trai và một người con gái với hai người vợ khác nhau.

    Sau khi đỗ cử nhân, Phan Bội Châu bắt đầu vận động tuyên truyền ở Nghệ An. Năm 1903, ông về Huế và trở thành gia sư cho Võ Bá Hợp (cũng là cử nhơn nhân, người gốc Thừa Thiên, bị kết án trong phong trào đấu tranh chống sưu thuế năm 1908). Cũng trong thời gian này, ông viết “Lưu Cầu huyết lệ thư”, nói về số phận người dân Lưu Cầu dưới ách đô hộ. Sau khi lưu trú ở Huế, ông tới Bắc Kỳ và Nam Kỳ để cố gắng thành lập đảng chống Pháp. Ở Bắc Kỳ, ông muốn gặp với Đề Thám, nhưng vì Đề Thám bị ốm nên không thể tiếp ông. Ở Nam Kỳ, ông cũng gặp nhà sư Trần Nhật Thị, vốn được biết đến là một trong những người chống Pháp quyết liệt và có uy tín ở Nam Kỳ. Sau đó, Phan Bội Châu quay trở lại Trung Trung Kỳ, nơi ông gặp Tăng Bạt Hổ, người từng cùng vua Hàm Nghi chạy trốn và có thời gian sống ở Trung Quốc, Xiêm La (Thái Lan ngày nay). Tăng Bạt Hổ kết nối để Phan Bội Châu quen với Nam Ngãi, đặc biệt là Nam Tỉnh (Ấm Hàm) và Sơn Tẩu (Tẩu (hay còn gọi là Đô Tuyển, Công Chất, Ông Chủ Ô Gia từng làm chủ sự, đã mất vào năm 1925). Tất cả diễn ra vào năm 1904, khi đó Phan Bội Châu đang chuẩn bị thi nhưng không đậu tiến sĩ. Sau thi Hương, Phan Bội Châu gặp lại Nam Tỉnh và Sơn Tẩu ở Quảng Nam, nơi họ cùng nhau quyết định tôn Kỳ Ngoại Hầu Cường Để, hậu duệ của vua Gia Long làm minh chủ. Họ bắt đầu vận động quyên góp tiền bạc, các phái viên mật được cử đến cho Đề Đạt (tức Cao Đạt, nguyên là đề đốc của Phan Đình Phùng, bị đày đi Côn Đảo từ năm 1918, theo báo cáo của Sở Liêm Phóng năm 1923), khi đó đang sống ở Xiêm La. Phan Bội Châu được giao phò tá Cường Để. Tất cả đều đồng ý và bí mật vào Quảng Nam để nhóm họp với những người ủng hộ về đường lối chính của phong trào. Họ quyết định để Phan Bội Châu đi ra nước ngoài cùng Tăng Bạt Hổ để tìm kiếm sự giúp đỡ.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/09/22/pbc001-230409-220919-88.png

    Hồ sơ thẩm vấn Phan Bội Châu của Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ

    Và trong các buổi thẩm vấn của Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ

    Ngày 29/8/1925

    Câu thẩm vấn số 33: Ông viết “Lưu Cầu huyết lệ thư”vào thời điểm nào?

    Trả lời: Năm 1903, trước khi tôi không đậu cuộc thi tiến sĩ ở Huế. Tôi viết sách này tại Huế và đưa một bản cho các viên chức ở Huế, tôi cũng trình một bản cho các quan thượng thư như Nguyễn Tiến Thuật cùng quan Nguyễn Thân. Tôi không nộp lên Khâm sứ Pháp ở Huế vì tôi không biết ông ấy.

    Câu thẩm vấn số 41: Theo các thông tin tình báo cung cấp cho Hội đồng Đề hình, sau thời gian lưu trú tại Huế lần thứ ba, như theo ông khai tức là vào năm Thành Thái thứ 16, ông đã tiến hành vận động truyền bá khắp Đông Dương trong khi ông khai đó là không đúng. Ông trả lời thế nào?

    Trả lời: Tôi đến Bắc Kỳ một lần, do tỉnh của tôi cử đi để dẫn đầu một số người dân của tỉnh đến xem triển lãm. Tôi đến Hà Nội, Nam Định và Hải Phòng. Triển lãm này diễn ra đồng thời với lễ khánh thành cầu Doumer (Cầu Long Biên ngày nay, được khánh thành năm 1902). Tôi cũng đi qua Bắc Kỳ khi rời Đông Dương.

    Câu thấm vấn số 63: Ông gặp Tăng Bạt Hổ vào ngày nào?

    Trả lời: Tôi gặp ông ấy lần đầu tiên ở Hà Nội khi diễn ra triển lãm, trong một quán ăn. Tôi không biết ông ấy, nhưng trước mặt tôi, mọi người gọi ông ấy là “Ông Tú”, tôi nghĩ rằng ông ấy là tú tài và tôi biết rằng ông ấy hành nghề y, chăm sóc bệnh nhân, tôi nhờ ông ấy giúp đỡ. Tôi nghe nói ông ấy là một người gốc Bình Định. Trong suốt thời gian ở Hà Nội, tôi luôn ăn ở quán ăn ấy nhưng không phải ngày nào Tăng Bạt Hổ cũng đến. Khi trở lại Huế, tôi gặp lại ông ấy, nơi ông ấy hành nghề y, tôi nhắc lại cho ông ấy nhớ cuộc gặp ở Hà Nội, chính lúc đó, tôi mới biết ông ấy tên là Tăng Bạt Hổ. Tiếp sau đó, tôi được biết ông ấy từng nhiều lần đến Trung Quốc và chúng tôi nói nhiều về đất nước này. Những thông tin ông ấy đem đến rất thú vị và hơn thế nữa ông ấy nói được tiếng Quảng Châu. Tôi cũng nói cho ông ấy biết ý định rời Trung Kỳ của tôi và khi tôi thực hiện kế hoạch của mình, ông ấy là người dẫn đường cùng tôi đi đến Trung Quốc.

    Câu thẩm vấn số 73 : Theo các thông tin tình báo cung cấp cho Hội đồng Đề hình, không đúng với những gì ông khai. Nam Thịnh, hay còn gọi là Tiểu La vốn nổi tiếng là một người giỏi về nghệ thuật quân sự, từng tham gia quân nổi loạn do Nguyễn Hiểu cầm đầu trong các sự kiện năm 1885 ở Huế. Còn về Sơn Tẩu, đó là một người có tên là Đỗ Tuyển (hay Đỗ Đăng Tuyển), từng làm chủ sự và tham gia phong trào của Nguyễn Hiểu, một người chống Pháp quyết liệt. Sơn Tẩu, Nam Thịnh sống ẩn nấp trong núi cùng với những người đi theo, chờ thời cơ để nổi dậy. Cả hai đã bị bắt trong các vụ nổi loạn ở Trung Nam Kỳ, một người đã chết ở Côn Đảo, một người chết ở Lao Bảo.

    Trả lời: Tôi không biết gì về những điều các ông vừa nói về hai người này trước khi tôi gặp họ ở Huế. Lúc đó, Nam Thịnh đang thần phục và sau đó đi theo Nguyễn Thân, tôi biết ông ấy vào thời điểm đó vì ông ấy cần tôi giúp một người họ hàng của ông ấy sắp đi thi.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/09/22/pbc002-230409-220919-88.jpg

    Hồ sơ thẩm vấn Phan Bội Châu của Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ

    Buổi thẩm vấn sáng ngày 31/8/1925.

    Câu thẩm vấn số 76: Ông dự thi tiến sĩ vào năm nào?

    Trả lời: Năm Thìn 1904.

    Câu thẩm vấn số 77: Ông làm gì sau khi thi xong?

    Trả lời: Tôi dự thi vào tháng 5. Sau khi không đỗ tiến sĩ, tôi tiếp tục học ở trường Quốc Tử Giám cho tới tận tháng 11, thời kì tôi trở về nhà để an táng cha tôi, ông mất vào tháng 10.

    Câu thẩm vấn số 82: Ông muốn nói gì về những từ :“Thu xếp công việc gia đình”?

    Trả lời: Tôi hiểu những từ này là những vấn đề liên quan đến đời sống vật chất của gia đình đình vì tôi sẽ đi mà không biết khi nào sẽ gặp lại họ. Tôi có hai người vợ, mỗi người vợ tôi có một người con, con trai đầu tiên của tôi với người vợ cả tên Huỳnh, con trai thứ hai với vợ lẽ tên Đệ, hay còn gọi là là Phan Cu Huy, hai vợ của tôi sống ở hai làng khác nhau Đan Nhiễm và Thanh Thủy, trước khi đi tôi phải thu xếp cuộc sống của họ, chỉ dẫn họ những nghĩa vụ phải làm với làng xã như đóng thuế, những giỗ chạp cần phải làm... Khi tôi vắng mặt, con trai Huỳnh, hay còn gọi là Phan Quynh Huy là người thường xuyên thay tôi thờ cúng cha tôi, nhưng vì nó còn quá nhỏ, tôi đã giao cho con nuôi Ấm thay thế tạm thời. Tôi không biết con nuôi Ấm sau này trưởng thành như thế nào vì trong suốt thời gian ở nước ngoài, tôi không thư từ liên lạc với gia đình và tôi chưa bao giờ trở về làng. Con nuôi Ấm đủ 18 tuổi khi tôi ra đi và nó đã đóng thuế. Tài sản của tôi gồm có hai ngôi nhà, tôi để lại một ngôi nhà cho vợ cả Nguyễn Thị Huyên đang sống ở đó và một cho vợ lẽ Phạm Thị Minh. Tôi còn có hai mẫu ruộng và hai vườn thuộc hai ngôi nhà này. Tôi không viết giấy chứng nhận cho các tài sản này vì lý do giá trị không đáng kể. Tôi cũng có một người con gái với người vợ lẽ nhưng theo phong tục Việt Nam, con gái không có quyền hưởng tài sản. Tôi không thông báo với bất kỳ ai về việc ra đi của mình. Sau khi làm hết các thủ tục trên, tôi chỉ nói với vợ cả và con nuôi Ấm rằng tôi sẽ đi vắng một thời gian dài, riêng người vợ thứ hai không hề hay biết về các dự định của tôi. Cũng như hàng xóm láng giềng, họ tin rằng tôi quay về tiếp tục học ở trường Quốc Tử Giám như thường lệ sau mỗi dịp Tết. Lý trưởng làng tôi đến chào tôi trước khi tôi đi, gọi tôi là cử nhân, tặng tôi vài lá trầu và quả cau. Ông ấy cũng tin rằng tôi sắp trở lại trường. Tôi rời làng vào giữa tháng giêng năm Tị (1905). Những ngày đầu tháng giêng, tôi đi lễ thành hoàng làng và chùa. Tôi cũng cầu Thổ Công Thổ Địa phù hộ cho tôi.

    https://archives.org.vn:2001/files/ecm/source_files/2019/09/22/pbc003-230409-220919-88.jpg

    Hồ sơ thẩm vấn Phan Bội Châu của Hội đồng Đề hình Bắc Kỳ

    Câu thẩm vấn số 85. Còn ai khác ngoài người thân của ông biết về các dự định du lịch?

    Trả lời: Chỉ có Tăng Bạt Hổ biết các dự định khởi hành của tôi, bởi vì ông là là người dẫn đường. Khoảng cuối năm Thìn, tôi viết thư cho Tăng Bạt Hổ nói với ông ấy rằng tôi dừng học ở trường Quốc Tử Giám và định đầu năm sau rời khỏi đất nước, tôi hỏi ông ấy có muốn đi cùng tôi và ông ấy khẳng định muốn đến chỗ tôi. Tôi gửi thư cho ông ta ấy vì ông ấy từng ở Trung Quốc và biết tiếng Quảng Châu. Một người khác cũng biết tôi sẽ có chuyến đi dài, đó là người có tên Nguyễn Điển, một trong những học trò cũ của tôi, nhưng anh ta không biết về các dự định của tôi. Theo phong tục Việt Nam, là học trò, anh ta sẽ theo tôi khi tôi rời nhà để mang giúp hành lí trong đó chỉ có vài cuốn sách. Khi tôi tới tỉnh Nghệ An, tôi nói với anh ta rằng tôi không đi về hướng trường Quốc Tử Giám  mà tôi sẽ có chuyến đi dài nhưng không nói rõ là đi đâu. Anh ta đi cùng tôi tới Nam Định sau đó trở về nhà. Nguyễn Điển là một người tận tụy và sau đó anh ta chứng tỏ sự tận tụy với chính quyền Pháp. Chính anh ta là người tháp tùng các nhân viên người Pháp đến Quảng Châu gặp Cường Để để hòng thuyết phục ông ấy khuất phục. Tôi tin rằng Cường Để đã cho người ám sát Nguyễn Điển ở Quảng Châu. Tôi không có thời gian gặp Nguyễn Điển trong thời gian anh ta ở Trung Quốc bởi anh ta bị ám sát theo lệnh của Cường Để, theo tôi nghĩ ít lâu sau khi anh ta tới Trung Quốc.

    Tăng Bạt Hổ đến nhà tôi theo đề nghị của tôi, ông ta đến nhà tôi ở làng, tôi nói cho ông ấy biết về các dự định của mình và ông ấy cùng tôi ra nước ngoài. Chính tôi là người trả lộ phí. Tôi có khoảng 1 ngàn đồng nhờ dạy học ở Huế. Tôi không mang thêm tiền trên người vì tôi tin kiếm sống nhờ khả năng văn chương của mình ở Trung Quốc. Tôi để lại cho gia đình tôi khoảng 200-300 đồng.

    Câu thẩm vấn số 105: Ông vừa nói là chính tại Hồng Kông mà ông mới biết được tên gọi của Tăng Bạt Hổ. Vậy trước đó ông biết đến ông ta dưới cái tên gì?

    Trả lời: Dưới cái tên “Ông Tú Lang” vì khi còn ở làng tôi thường nhờ các học sinh của tôi liên lạc với ông ấy, lúc đó ông ấy ở Huế.

    Ngọc Nhàn - Trung tâm Lưu trữ quốc gia I 

    http://archives.org.vn/gioi-thieu-tai-lieu-nghiep-vu/phan-boi-chau-qua-tai-lieu-luu-tru-phap-ky-1-than-the-phan-boi-chau.htm


    Không có nhận xét nào