17/10/2023
Cách đây hơn 100 năm, có một thanh niên, mới ngoài 20 tuổi, sinh tại Nghệ An đã tới Anh để tìm kế mưu sinh sau khi gia đình gặp hoạn nạn. Theo một nguồn tin chính thống của Hà Nội, đó là thanh niên có tên Nguyễn Tất Thành tới Luân Đôn bằng đường biển vào khoảng giữa năm 1914. Nguyễn Tất Thành đã nhanh chóng có đời tự lập ở xứ người bằng các công việc giản dị như quét tuyết, rửa bát đĩa nhưng cuối cùng đã trở thành Hồ Chí Minh – người khai sinh ra một chế độ, kẻ có quyền lực bậc nhất, cho tới tận lúc chết, của một chính quyền vẫn tiếp tục tồn tại cho tới ngày nay tại Việt Nam.
Cách đây tròn 4 năm, chính xác là vào ngày 22 tháng Mười 2019, có một nhóm thanh niên trai gái, có người tuổi đời chưa tới 20, cũng sinh tại Nghệ An/Hà Tĩnh, cũng cùng nhau mưu tính tới Anh để tìm đường sinh sống hòng cứu giúp gia đình. Tôi không rõ, có ai trong số các bạn trẻ này đã chọn nước Anh vì đã lấy cảm hứng hoặc bị mê hoặc từ cuộc đời của anh thanh niên Thành-Hồ. Song, số phận đã không mỉm cười với họ như đã hào phóng với anh thanh niên Thành-Hồ. Tất cả 39 bạn trẻ đã phải bỏ mạng khi cùng chết ngạt trong một thùng xe đông lạnh trước khi nhìn thấy ánh sáng của thành Luân Đôn.
Ngoài tuổi trẻ, những thanh niên xấu số này còn có chung hai đặc điểm : tất cả đều sinh ra và lớn lên hoàn toàn dưới chế độ do Hồ Chí Minh sáng lập ; tất cả họ, không có ai thuộc gia đình quan chức, dù là cấp xã, của chế độ Hồ Chí Minh.
Thú thật, ban đầu tôi không có ý định viết về sự kiện đau lòng này vì e ngại khơi thêm những đau thương, chắc mãi mãi không nguôi, trong lòng những người thân của họ. Nhưng báo chí Pháp ngay đầu tuần này dấy lại tin bi thảm vì giới chức Pháp bắt đầu mở tòa xử đường dây buôn người, có nhiều người Việt tham gia, đã dẫn tới cái chết đau thương của cả một nhóm - 39 bạn trẻ - cùng một quốc tịch : Việt Nam, như báo giới Pháp nhấn mạnh.
Sự chết của con người không phải là điều lạ lẫm. Con người chết nhiều cùng một lúc, vì tai nạn, vì binh đao-súng đạn, cũng không phải là sự kiện hiếm. Nhưng trong suốt chiều dài lịch sử dân tộc Việt Nam, trải qua nhiều chế độ, chưa thấy ghi nhận một chế độ nào có phong trào liều chết bỏ nước ra đi như dưới chế độ Hồ Chí Minh.
Làn sóng người Việt liều chết bỏ nước ra đi « hoặc con nuôi má hoặc con nuôi cá » vì lý do không muốn sống dưới chế độ Hồ Chí Minh sau biến cố 30/04 là một sự kiện hy hữu đầu tiên của loài người vì đã để lại một thuật ngữ hẩm hiu – «boat people – thuyền nhân» trong lịch sử thế giới. Ngày nay, làn sóng liều chết bỏ nước vẫn tiếp tục bằng nhiều đường, nhiều cách khác nhưng sự quyết liệt ra đi không hề giảm như minh chứng của nhóm 39 bạn trẻ xấu số cách đây 4 năm.
Sau sự kiện bi thảm 39, báo chí khả tín cho biết làn sóng thanh niên Việt nhập cư lậu vào các nước Tây Âu bằng các cách liều chết như nhóm 39 vẫn không chấm dứt. Lý do nào đã khiến con người Việt Nam phải dứt áo ra đi bất chấp cả tính mạng ?
Đối với làn sóng boat people của biến cố 30/04, giới chức chế độ Hồ Chí Minh có thể lặp lại sự ngụy biện rất sắt máu của Phạm Văn Đồng vào năm 1977 tại Paris khi bị báo giới quốc tế gặng hỏi về các trại tù giam giữ không xét xử các viên chức Việt Nam Cộng Hòa, coi họ là những phần tử bất hảo, đã phạm những « tội ác tày trời » chỉ bởi những người ra đi là thuộc chính thể chống cộng sản.
Nhưng giới chức chế độ Hồ Chí Minh không dám đối mặt với câu hỏi tại sao những thanh niên, trai trẻ ngày nay, thuộc hoàn toàn chế độ Hồ Chí Minh, thậm chí còn cùng sinh quán với kẻ khai sinh ra chế độ, cũng chấp nhận dứt áo ra đi bất chấp cả rủi ro có thể mất mạng.
Giới chức chế độ Hồ Chí Minh càng không dám động đến câu hỏi tại sao giới khá giả, kẻ có quyền giàu có cũng hối hả tìm đường, dĩ nhiên bằng các cách tuyệt đối an toàn như mua quốc tịch, đầu tư ra nước ngoài, cho bản thân và con cháu ra đi.
Họ không dám đối mặt với những câu hỏi trên vì họ rất sợ động đến những vấn đề có thể đưa tới sự bộc lộ, thừa nhận cho toàn dân thấy rõ chế độ Hồ Chí Minh là chế độ phản động nhất trong lịch sử dân tộc – đã gây ra sự tuyệt vọng, mất niềm tin âm thầm nhưng tuyệt đối vào tương lai; đã gây ra sự bế tắc ở mọi ngả cho mọi giới, mọi cá nhân trong ước vọng tìm các đường sống vươn lên.
Trong lịch sử Việt Nam, các chế độ trước đây dù không hoàn hảo, thậm chí còn nhiều khuyết tật nặng như các chế độ quân chủ thời suy vong, nhưng luôn để mở các khả năng để biến cải tiến bộ cho xã hội và cá nhân bằng nhiều cách khác nhau. Đặc biệt, môi trường thiên nhiên, môi trường văn hóa – hai điều kiện sống thiết thực và quan trọng cho sinh tồn của con người - trong các chế độ trước còn cho thấy nhiều điều tốt đẹp và tin cậy. Ngày nay, dưới chế độ Hồ Chí Minh, ai còn tin vào sự trong sạch của môi trường và đạo đức của quan chức ?
Thế nhưng, ngay cả sau cái chết bi thảm của 39 thanh niên, Nguyễn Phú Trọng, kẻ đứng đầu đảng do Hồ Chí Minh sáng lập, vẫn cho rằng : «Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay.»
Có thể đây chính là động cơ tiềm ẩn khiến làn sóng ra đi bất chấp tính mạng vẫn tiếp tục sau những tai nạn bi thảm 39. Không nói ra, nhưng không ai có thể an tâm sống trong một môi trường mà kẻ cầm quyền dám bày tỏ sự thờ ơ, coi thường sự đau khổ, mất mát của người dân đến như thế.
Đây thực sự là bối cảnh hết sức u ám, đau buồn cho đất nước và dân tộc,
nhưng tôi vẫn tin rằng rồi chế độ Hồ Chí Minh cũng sẽ phải chấm dứt vì một chế độ khiến cả dân thường lẫn kẻ có quyền đều muốn bỏ xứ ra đi là một chế độ không thể đứng vững.
Song, dù thế nào chúng ta cũng nên có một tượng đài cho chế độ Hồ Chí Minh
để nhắc nhở cho hậu thế biết rõ một giai đoạn lịch sử rất không may của dân
tộc. Tượng đài đó là gì, đó là việc của các nhà chuyên môn mỹ thuật. Nhưng
theo thiển ý của kẻ viết, tượng đài này chỉ cần biểu tỏ làm sao để cho người
nhìn vào nhận ra ngay : đây là một chế độ đã khiến tất cả mọi con dân Việt
Nam đều chỉ muốn ra đi.
PHS
(17/10/2023)
Không có nhận xét nào