24/10/2023
Hôm 10.09 Kim Jong Un đã bí mật lên đường sang Nga. Chú này vốn sợ chết nên ưu tiên đi tàu hỏa bọc thép mà ông và cha chú đã đóng riêng cho họ.
Đoàn tàu này thân bọc thép chịu được đạn chống tăng, kính chắn đạn, sàn chịu được mìn nên nặng đến mức chỉ đi được tối đa 60km/giờ. Bên trong con tàu là cả một sự xa xỉ kiểu bạo chúa [1]. Một kho thực phẩm ướp lạnh chứa tất cả các loại khoái khẩu đắt tiền, từ Cristal Champagne, Hennessy Cognac, vang Bordeaux, fromage Thụy sỹ, tôm hùm tươi v.v… Phục vụ trên tàu toàn là những cô gái trẻ đẹp.
Triều đình nhà Kim đã cho đóng tất cả là 90 toa tàu bọc thép loại này để khi đi đường chia thành 3 đoàn tàu, tàu nào cũng dài 200-250m và có hai đầu kéo. Đoàn tàu đi trước tất nhiên là để kiểm tra các loại chướng ngại vật hoặc bom mìn. Còn Ủn ngồi trong toa nào của hai đoàn tàu sau là vấn đề hóc búa cho bất cứ ai muốn sát hại chú.
Ông bố trời Kim Jong Il suốt đời chỉ đi tàu, thậm chí ông ta qua đời trên tàu vào cuối năm 2011. Năm 2001 ông ta phải ngồi tàu 10 ngày liền để đến Moskva gặp Putin. (Năm 1967 tôi đã đi Đức bằng tàu liên vận quốc tế. Quãng đường từ Đại-Liên (Trung Quốc) xuyên qua Siberia đến Moskva chỉ đi 4 ngày đêm, vì tàu chạy hơn 100km/giờ).
Chú con trời Kim Jong Un thì không sợ máy bay như bố nên tháng 6.2018 đã bay sang Singapore gặp ông bạn Trump. Chiếc chuyên cơ IL-86 mang tên “Chammae-1”, (kiểu như “Airforce One”) bay về hướng Singapore, nhưng trong đó không có chú Ủn. Mục đích của nó chỉ là để thu hút các loại sát thủ trên đời này vào nó.
Còn chú Ủn ngồi trên một chiếc phi cơ khác của Air China. Cơ quan theo dõi không lưu “Flightradar24.com” đã thấy chiếc máy bay này bay đi Băc-Kinh. Nhưng giữa đường nó đổi transponder thành máy bay khác, chuyển hướng bay đi Singapore. Cứ y như điệp viên 007, ngồi trên máy bay vẫn thấy nhột nhột.
Vậy nên mỗi lần sang Trung Quốc, sang Nga hay đi Việt Nam, như năm 2019 gặp ông bạn Trump lần hai, chú Ủn đều đi tàu hỏa. Quãng đường sang Hà Nội dài 4.500km, tàu chậm của chú bò mất 4 ngày. Đường sắt đến Bắc Kinh dưới 800 km chỉ cần một ngày. Tuy lâu nhưng ngồi giữa đám gái đẹp, uống rượu Tây thì cũng còn đáng tiêu khiển. Nếu đi Moskva tàu phải bò mất 10 ngày nên chú hơi nản. Thế là hai lần đi thăm Putin, chú Ủn đều chọn Vladivostok ở Viễn Đông nước Nga làm đích đến thăm. Như kiểu: Con đến thăm nhà bác nhưng chỉ ngồi ở phòng thường trực ngoài cổng, sân nhà bác rộng quá. Phiền bác ra gặp con.
Quãng đường Bình-Nhưỡng – Vladivostok là 1.000km, chú Ủn phải đi hơn một ngày mới đến. Mọi việc bị ém nhẹm như mèo dấu cứt. Putin chiều chú Ủn, phải bay gần 7.000 km sang Vladivostok.
Để thiên hạ không nói là mình chiều thằng oắt, ông ta bảo: Cháu cứ sang ngồi ở phòng thường trực, bác sẽ đến đó, nói là dự hội nghị của đám nhân viên bảo vệ, sẵn gặp cháu luôn. Thế là Putin bay xuyên 8 múi giờ sang Vladivostok dự cái gọi là “Diễn đàn kinh tế Vladivostok”. Xong là chạy ra gặp Ủn.
Việc gì mà cả hai gã đều phải khổ sở như vậy? Ai cần ai trong vụ này? Đây chính là sự đảo điên của lịch sử.
Một gã khổng lồ về quân sự như Nga, đang đòi làm siêu cường trở lại, giờ đây cần đến vũ khí, đạn dược của một thằng lùn, được mình chăm bẵm từ hơn 80 năm qua. Trong cuộc chiến xâm lăng Ukraine, Nga mặc dù đã tăng tốc cực đại nền công nghiệp quân sự của mình, vẫn lâm tình trạng thiếu vũ khí, đạn dược nặng nề. Chú lùn nay đang trở thành một cứu tinh, vì chú bất chấp tất cả, từ danh dự, thể diện đến luật quốc tế. Trung Quốc, Iran hoặc thậm chí cả nước Thổ có thể cung cấp cái nọ cái kia cho Nga, nhưng vừa làm vừa sợ. Ít ra đám này vẫn còn thể diện phải giữ.
Ủn thì bất chấp, vớ đươc ông bố đang chết khát là mang nước sang “bán”. Bán chứ không biếu và lại vòi thêm ít viện trợ.
Bố khỉ, con với chả cái.
_______
Ghi chú:
Cuộc tấn công khủng bố của Hamas vào Israel hôm 7.10.23 làm tôi choáng váng nhiều ngày. Có bạn bảo tôi viết đi, nhưng tôi không thể tả được sự tuyệt vọng của mình. Cuộc xung đột kéo dài hàng ngàn năm này không thể nhìn một cách khơi khơi, lại càng không thể phán xử trắng đen như nhiều người đang làm.
Vụ Hamas thảm sát dã man hơn 1.200 dân thường Israel, trong đó rất nhiều trẻ em đã làm cho tương lai hòa bình cho cả hai dân tộc Do-Thái và Palestine vốn đã đen tối, càng trở nên mờ mịt. Cố gắng hòa bình của những người Do-Thái có lương tâm bỗng bị dập tắt. Nhiều người bỗng cảm thấy sự nghiệp đấu tranh đòi quyền có quê hương của người Palestine không còn tính chính danh.
Mới trước đây hai tuần, thủ tướng Netanyahu đang đối mặt với các cuộc biểu tình rầm rộ phản đối ý đồ dỡ bỏ dần nền dân chủ của ông ta thì nay ông được phe đối lập ủng hộ tuyệt đối trong một chính phủ đoàn kết dân tộc.
Phản ứng của Israel ngay sau đó đang khiến dư luận lo lắng cho số phận của hơn 2 triệu thường dân Palestine ở Gaza. Cuộc chiến tranh Israel-Hamas đang kéo sự chú ý của nhân loại ra khỏi cuộc chiến tội ác của Nga ở Ukraine, làm giảm sút sự viện trợ của phương Tây cho Ukraine. Các căng thẳng khác ở Biển Đông, Đài Loan bỗng nhiên bị sao nhãng.
Để tìm cách cứu được chín con tin Đức bị bắt về Gaza thủ tướng Scholz đã phải muối mặt ăn trưa với tiểu vương Qatar, kẻ đã viện trợ cho Hamas 1,5 tỷ USD…
Thế giới đang đảo điên càng điên đảo.
Điều đáng sợ nhất là cuộc chiến tranh này đang chắp cánh cho các tư tưởng cực đoan, đang khoét sâu hố hận thù. Người Do-Thái ở các nước châu Âu bỗng lo sợ cho sự an toàn của mình trước sự trả thù của người Ả-Rập. Đức và Pháp đã cấm các cuộc biểu tình dưới khẩu hiệu “Tự do cho Palestine”. Trên mạng đầy rẫy những hô hào “Tận diệt Hamas”.
Hiện nay Israel đang chuẩn bị hủy diệt Hamas bằng mọi giá. Bộ trưởng ngoai giao Israel nói: Sau đợt này, sẽ là một Gaza khác. Thủ thướng Netanyahu tuyên bố: Sẽ là một Trung Đông khác. Khác như thế nào? Một nghĩa địa hay một mảnh đất sống thì không ai nói ra. Cựu thủ tướng Israel Bennett phát biểu: Làm gì mà ầm ỹ lên thế? Cuộc ném bom lần này vào Gaza, dù có đẫm máu bao nhiêu thì cũng chỉ như Đồng Minh ném bom hủy diệt Dresden của Đức 1945 [1]. (25.000 người chết trong một đêm).
Có người cho rằng, Hamas đã sai lầm tạo ra Trân Châu Cảng để rồi bị Israel tận diệt, như Mỹ đã tiêu diệt tận gốc chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Vế đầu đúng: Nổi giận vì Trân Châu Cảng, Mỹ đã đánh bại chủ nghĩa quân phiệt Nhật. Nhưng vế sau sai: Người Mỹ thắng trận vừa bảo đảm toàn vẹn lãnh thổ nước Nhật, vừa trao quyền tự quyết cho nhân dân Nhật lại còn đảm bảo danh dự của Nhật Hoàng, vốn là niềm tự hào của người Nhật. Sau đó Mỹ còn giúp đỡ người Nhật dân chủ hóa, hiện đại hóa đất nước. Chủ nghĩa quân phiệt và tư tưởng phục thù hết đất sống, bị tận diệt!
Có người cho rằng mạnh như IS mà còn bị tiêu diệt thì Hamas sức mấy. Đúng, vì Hamas không có tầm cỡ quốc tế, không có tham vọng và khả năng bành trướng như IS. Chúng chỉ hoạt động trong lòng Palestine và chủ yếu là ở Gaza. Nhưng chính vì vậy nên Hamas được coi như một (trong các) ngọn cờ giải phóng dân tộc và được một bộ phận người Palestine ủng hộ.
Bên cạnh một chính đảng mang tư tưởng Islam, một đội quân hoạt động theo phương thức khủng bố, Hamas còn có một hệ thống xã hội dân sự với các cơ quan cứu trợ, từ thiện, giáo dục làm việc rất hiệu quả. Sau khi Hamas quét đuổi chính quyền tự trị Palestine (Palestinian Autonomy – PA) ra khỏi Gaza năm 2007, Gaza bị cắt hầu hết mọi nguồn tài chính do quốc tế viện trợ. Nhưng ở đó không xảy ra nạn đói, không có bệnh dịch. Kể cả Covid 19 cũng được xử lý êm thấm.
Hamas khác các chế độ thần quyền hồi giáo kiểu IS, Taliban hay Al Qaeda ở chỗ không áp dụng các đạo luật hồi giáo khắc nghiệt với dân chúng. Cuộc sống ở Gaza vẫn rất thế tục (secular), phụ nữ vẫn được làm việc, học hành. Tất cả những việc đó giúp cho Hamas có uy tín trong dân chúng Gaza.
Do chấp nhận xã hội thế tục nên Hamas có khả năng tiếp thu, phát triển khá tốt. Cách Hamas chọc mù được tình báo Mossad, xuyên thủng được hệ thống phòng không vòm sắt (Iron Dome) tưởng như bất khả chiến thắng và cách đổ quân đường không mà không có lính dù, cho thấy Hamas đã phát triển khá xa trong mấy năm qua. Đơn cử một việc là 8 ngày sau khi bị Israel oanh tạc, không kích dữ dội chưa từng có, tên lửa Hamas hôm nay vẫn bắn sang Israel, chứng tỏ chúng có tiềm lực.
Khác những lần trước, bộ binh Israel chỉ đợi sau 1-2 ngày dập bom là tràn vào Gaza thì lần này sau 8 ngày họ vẫn chỉ bao vây kín nhưng chưa đánh vào. Họ biết lần này phải đối đầu với một đối thủ tầm cỡ khác những năm trước. Họ đang tính đến cái giá phải trả khi đối đầu với những kẻ cuồng tín vừa tử vì đạo, vừa cùng đường. Cái giá đó không chỉ là sinh mạng của hàng ngàn thanh niên Israel, mà còn là sinh mạng của hàng triệu người Palestine mắc kẹt ở Gaza.
Cho đến hôm nay đã có 2.000 thường dân Palestine, trong đó hơn 600 trẻ em bị thiệt mạng bởi các cuộc không kích của Israel. Quân Israel rải truyền đơn kêu gọi 1 triệu dân Bắc Gaza di tản. Nhưng những người dân đã sống như người tỵ nạn mấy thế hệ biết chạy đi đâu trong cái ổ lửa 368 km² bị bao vây bằng rào thép kín mít này? Cũng có tin là Hamas ngăn cản hoặc khuyên dân chúng không di tản.
Hiện nay đã có vài chục ngìn người đổ về phía nam Gaza, sát biên giới với Ai-Cập và mắc kẹt ở đó trong cảnh màn trời chiếu đất. Ai-Cập không mở cửa, coi đó là việc của Israel và Palestine. Israel cắt điện, cắt nước và đóng kín mọi cửa khẩu, ngăn chặn tất cả nguồn tiếp tế cho Gaza, kể cả thuôc men và lương thực. Một thảm họa nhân đạo đang xảy ra ở Gaza, chưa cần quân Israel tràn vào đánh nhau với quân tử thủ Hamas.
Do vậy việc tận diệt Hamas lần này không đơn giản như một số người suy diễn.
Người Do-Thái, vốn là nạn nhân của nạn diệt chủng Holocaus đang đau đầu. Họ không muốn tạo ra ở Gaza hình ảnh về Warzawa 1943 và 1944 [3]. Việc ông Bennett so sánh Gaza 2023 với Dresden 1945 là ám ảnh luôn bám theo người Do-Thái.
Hôm nay Israel thông báo lùi thời gian tấn công bộ binh vào Gaza “vì thời tiết”. Nhưng có thể vì họ cần chuẩn bị tốt hơn.
Với sức mạnh vượt trội về quân sự, lại được sự hậu thuẫn của Mỹ và NATO, cứ cho là quân đội Israel lúc nào đó sẽ tiêu diệt được đám đầu não và rất nhiều chiến binh Hamas, thậm chí có thể giải cứu được vài con tin. Số thường dân Palestine vô tội bị giết là bao nhiêu không cần biết, rất có thể vẫn là tỷ lệ 100/1 như xưa nay. Chỉ biết là Netanyahu sẽ tuyên bố hoàn thành việc tiêu diệt Hamas để ngồi lại ghế thủ tướng, thoát bị ra tòa.
Nhưng liệu sau đó có hòa bình hay không?
Không! Tôi không đánh đồng bạo lực chủ trương giết dân thường của Hamas với bạo lực của Israel nhằm tiêu diệt bọn khủng bố là chính, có để ý giảm thiểu thiệt hại cho dân thường. Bạo lực chỉ sinh ra bạo lực và vòng xoắn này ngày càng lên cao.
Israel có thể xóa sổ mảnh đất Gaza, biến nó thành khung cảnh mặt trăng, kèm theo toàn bộ lực lượng Hamas. Hàng triệu người Palestine chỉ còn cách phá hàng rào thép, hoặc chạy ra biển thoát cái chết ở Gaza. Họ lại tha hương mang theo mối hận thù như người Do Thái đã chịu 2.000 năm trước.
Cái gốc của của xung đột vẫn còn nguyên, trong khi hận thù của hai bên càng dâng cao.
Đã có lúc người ta tưởng rằng, cái gốc của xung đột đã được xóa bỏ. Hai dân tộc với hai nhà nước có thể chế, có nền văn hóa khác nhau, hai tôn giáo lớn cùng tồn tại bên nhau hòa bình.
[2]https://en.wikipedia.org/wiki/Hamas
[3] Tháng 4-1943 Đức Quốc xã đã bao vây, hủy diệt khu Ghetto Do Thái ở Warzawa, sau khi người Do-Thái ở đây nổi dậy. 40.000 người Do-thái bị giết chết.
Tháng 8-1944, Quân đội Quê hương Ba-lan tấn công giải phóng Warzawa. Đức Quốc xã lại bao vây và hủy diệt thành phố. 180.000 người Ba-Lan đã bị giết. Hồng quân Liên Xô đứng ngoài không vào cứu, vì Quân đội Quê hương là của chính phủ tư sản Ba-Lan.
Vụ bệnh viện ở Bắc Gaza bị ném bom đã dấy lên làn sóng chống Israel trên toàn cầu. Mọi cố gắng ngoại giao nhằm giảm bớt đau khổ cho dân Palestine và cứu 200 con tin thất bại toàn tập. Nguyên thủ của Jordanie, Ai-Cập và Palestine đã hủy cuộc gặp bộ tứ với tổng thống Biden của nước Mỹ siêu cường.
Hai bên đều đổ tội cho nhau. Kẻ nào là thủ phạm thì chưa rõ. Người thì cho rằng dù tên lửa của ai thì cũng đều do Israel không kich Gaza nên mới thế. Israel cho rằng phải không kích Gaza để xóa sổ Hamas khủng bố tàn sát dân thường Israel. Hamas đòi xóa sổ Israel vì tội cướp đất sống của người Palestine. Cái vòng xoắn bạo lực cứ thế dâng cao.
Thời học sinh ở Hà Nội, tôi đã được xem vở kịch nói “Trở về Haifa” (của tác giả Ghasan Kanafan) nói về bi kịch mất quê hương của người Palestine. Ngày nay, mỗi khi nghe câu nói “Sang năm tới Hoàng Sa“” trên Facebook của bác Nghiem Vietanh, tôi lại nhớ đến bài hát của người Do-Thái: “Sang năm về Jerusalem”. Từ thế kỷ 15, đây đã là lời thề của người Do Thái.
Có rất nhiều tác phẩm văn học, tài liệu lịch sử viết về cuộc xung đột này, không thể dẫn giải hết. Chỉ có một sự thật: Mảnh đất mà bên này gọi là Palestine, bên kia gọi là Israel từng là quê hương của cả hai dân tộc. Nằm lọt thỏm trong đó, thành phố Jerusalem từng là cái nôi của cả đạo Hồi, đạo Thiên chúa và đạo Do-Thái. Chiến tranh tôn giáo đã khiến cho người Do-Thái bị mất tổ quốc vào năm 70 sau Công Nguyên. Cả dân tộc bị xua đuổi, chạy tan tác khắp thế giới. Tới đâu họ cũng bị khinh rẻ, bị đàn áp và đã trải qua nhiều nạn diệt chủng.
Những người Palestine và số ít người Do-Thái còn trụ lại trên mảnh đất hình dao găm đó cũng chẳng sướng gì hơn. Họ luôn là nạn nhân của các đế quốc, của các cuộc thánh chiến. Đã tưởng chỉ có thời trung cổ dã man mới gieo rắc thảm họa lên đầu họ. Nhưng đầu thế kỷ 20, khi phương Tây đã có nền dân chủ đại nghị, đã có tự do báo chí, có công pháp quốc tế thì Chủ nghĩa Thực dân lại trở thành nguyên nhân của các xung đột mới. Trên “Diễn đàn Khai phóng” có loạt bài dài nói về “Hiệp ước Sykes-Picot và 100 năm hỗn loạn ở Trung Đông” [1].
Vào ngày 16 tháng 5 năm 1916 cách đây hơn 100 năm, Anh và Pháp ký kết hiệp ước Sykes-Picot để phân chia thuộc địa và các vùng bảo hộ ở Trung Đông sau khi đập tan đế quốc Ottoman. Hiệp ước này mang tên của hai nhà ngoại giao Mark Syke của Anh và François Georges-Picot của Pháp. Người ta đàm tiếu là hai ông dùng gậy vẽ trên cát các đường biên chia thuộc địa cho nước mình. Dù các đường biên sau đó không như các vạch cát thì hiệp ước này đã tạo ra vô số những xung đột sắc tộc, trong đó có hai sự việc nghiêm trọng nhất: Xóa sổ quyền có nhà nước của người Kurd và ngăn cản việc thành lập một nhà nước Palestine. Ai muốn tìm hiểu xin đọc loạt bài trên “Diễn đàn khai phóng”.
Do-Thái là một dân tộc có sức sống mãnh liệt. Trải qua 2000 năm tha hương, bị đàn áp, bị diệt chủng và đồng hóa nhưng trong mỗi gia đình vẫn giữ nguyên tiếng nói và chữ viết, dù bị cấm. Đạo Do-Thái vẫn duy trì. Năm 1896, Theodor Herzl thành lập phong trào Zionism, lấy tên ngọn đồi Zion ở Jerusalem làm mục tiêu trở về quê hương của dân tộc Do-Thái.
Người Hồi giáo cảm nhận được việc này và luôn tìm cách đàn áp những người Do Thái di dân về đây. Các tổ chức kháng chiến Zionist cũng phải bắt đầu bằng khủng bố để chống lại [1]. Do được tổ chức tốt nên năm 1947 họ đã tận dụng cơ hội Liên Hiệp Quốc chia đất, phục hồi quê hương cho người Do Thái để thành lập nhà nước. Nhà nước này được thành lập bởi những người sống sót qua nạn diệt chủng Holocaus và những người thành công trong kinh tế, chính trị, văn hóa trên toàn cầu. Họ là kết tinh ưu tú nhất của dân tộc này và sử dụng bên cạnh kho kiến thức vô bờ bến, cả ý chí sắt đá bảo vệ và phục hưng quê hương. Đây chính là nguyên nhân khiến cho Israel trở thành một nhà nước hùng mạnh, văn minh, vượt xa các nước hồi giáo láng giềng. Họ đã khôi phục tiếng Hebrew từ một tử ngữ thành một sinh ngữ. Năm 1966, Samuel Agnon là nhà văn tiếng Hebrew đầu tiên được giải thưởng văn học Nobel.
Khi nhà nước Israel ra đời năm 1947, người Palestine vẫn chưa có nhà nước. Mảnh đất này luôn là thuộc địa của Ottoman và sau 1917 là của Anh. Mọi nỗ lực thành lập nhà nước của họ đều bị Anh đàn áp. Trong các cuộc chiến tranh 1948, 1967, 1973 cả thế giới Ả-Rập tập trung tiêu diệt nhà nước Do-Thái. Cứ mỗi lần như vậy, người Ả-Rập lại bị mất thêm đất, Lãnh thổ Israel lại mở rộng. Người Palestine bị xua đuổi khỏi quê hương, chạy dạt sang các nước láng giềng. Sau đó chỉ còn người Palestine đơn độc chống lại Israel dưới sự lãnh đạo duy nhất của PLO (Tổ chức giải phóng Palestine). Rồi Israel tổ chức nhiều đợt tấn công sang các nước láng giềng (Syria, Lebanon) nhằm tiêu diêt PLO.
PLO suy yếu không phải vì các đợt tấn công này, mà bởi các mâu thuẫn nội tại và sự sụp đổ của phe XHCN, vốn là chỗ dựa, là hậu phương của họ. Mất mát lớn nhất của PLO là cái chết của ông Yasser Arafat năm 2004. Từ đó ngọn cờ giải phóng Palestine bị gành giật giữa Fatah (nòng cốt của PLO) và các phe nhóm cực đoan: Hamas, Islamic Jihad và cả Hezbollah. Đỉnh cao của cuộc tranh giành quyền lực này là cuộc chiến giữa Hamas và Fatah vào năm 2007. Từ đó Hamas độc chiếm giải Gaza, đẩy toàn bộ lực lượng Fatah và chính quyền tự trị Palestine (Palestinian Authonomy PA) sang bờ Tây sông Jordan.
Bờ Tây sông Jordan thực chất nằm trong tay quân đội Israel. Lực lượng này nằm ở đó để bảo vệ 750.000 người Do Thái sống trong hàng trăm khu định cư liên tục mọc ra như những cái rễ cây tre. Hễ có một hành động khủng bố nào xảy ra là họ tiến vào các thành phố Palestine để “tìm và diệt”. Chính quyền PLO bất lực. Người Palestine coi chính quyền của ông Abbas là bù nhìn và chỉ còn hy vọng vào Hamas.
Xung đột Palestine-Israel vốn mang cả yếu tố dân tộc, lãnh thổ, văn hóa, tôn giáo và cả chính trị. Nhưng xung đột lãnh thổ là khốc liệt nhất. Hiện nay hơn 9 triệu người Do Thái sống trên mảnh đất từng được gọi là Palestine. Họ coi 22.000Km² trong lòng nhà nước Israel và 6.000km² của các khu định cư Do-Thái nằm sâu trong các vùng tự trị của Palestine là quê hương của họ.
Còn 6 triệu người Palestine sống chen chúc trong 6.000km², bao gồm dải Gaza (368km²) và bờ tây sông Jordan. Đó chưa kể 4 triệu người Palestine sống trong các trại tỵ nạn ở các nước láng giềng (Jordanie, Lebanon, Syria, Ai-Cập..). Có thể nói toàn bộ dân tộc Palestine 10 triệu người đều là người tỵ nạn từ 75 năm qua. Dải Gaza là một nhà tù khổng lồ được bao bọc 3 phía bằng hàng rào thép gai. Phía Đông là biển bị hải quân Israel kiểm soát 100%. Tất cả họ đều muốn quay trở lại quê hương cũ của mình mà hiện người Do-Thái đang ở.
Sự bất bình đẳng về lãnh thổ này kéo theo sự bất bình đẳng về tài nguyên đặc biệt là nguồn nước. Các nhà sinh thái học còn coi đây là cuộc chiến vì nguồn nước. Nếu kể ra hết thì còn hàng trăm bất bình đẳng giữa hai bên.
Những người bênh Israel thì cho là người Palestine chỉ thích khủng bố, không đủ năng lực thành lập nhà nước nên mới khổ vậy. Người bênh Palestine thì cho là người Do-Thái vì bị ám ảnh ngàn đời về nạn mất quê hương khiến họ mất khôn, luôn tìm cách bành trướng lãnh thổ, điển hình là các khu định cư chui sâu vào vùng vốn đã được Liên Hợp Quốc chia cho Palestine. Có người phê phán phương Tây luôn bênh Israel vì chịu sức ép của giới tài phiệt Do-Thái. Điều này khiến cho phe PLO mềm mỏng bị lực lượng khủng bố Hamas đánh bại. Hamas đã khiến phong trào giải phóng dân tộc Palestine mất đi tính thế tục, trở thành phong trào thánh chiến mang đậm chất khủng bố hồi giáo.
Sự thật nằm ở đâu đó giữa hai thái cực này. Ở cả hai bên đều có những kẻ cực đoan và những người tỉnh táo. Năm 1993, hai ông Arafat và Rabin đã ký thỏa thuận Oslo về việc thành lập hai nhà nước. Hai vị tổng tư lênh quân đội này đều quá hiểu cái giá của độc lập. Họ kết bạn với nhau đến mức cả hai bà vợ cũng thân nhau. Nhưng nền hòa bình này bị phá hoại, không phải do người Palestine, mà bởi Jigal Amir, một kẻ cực đoan Do-Thái. Hai viên đạn từ họng súng của y đã giết chết ông Rabin vào đêm 4.11.1995.
Ông Arafat đau xót vô cùng vì mất một người bạn lớn. Ông không thể sang dự lễ tang ông Rabin, vì Israel không công nhận PLO. Đêm trước hôm tang lễ vợ chồng ông lặng lẽ sang thăm bà góa Leah-Rabin. Bà Leah kể lại rằng, ông Arafat đã làm một việc chưa từng có của người Palestine. Ông tháo chiếc khăn rằn đội đầu ra, cúi đầu viếng ông Rabin.
Còn nhiều cơ hội bị bỏ lỡ khác bởi cả hai bên. Có một điều là người Do-Thái dù văn minh hùng mạnh đến mấy cũng không thể tiêu diệt hết 10 triệu người Palestine mất quê hương. Cuộc sống trong một xã hội công nghệ cao, giàu có, văn minh mà luôn nơm nớp sợ bị giết thì vô giá trị.
Còn những người nằm dưới mà không thống nhất nổi thành một lực lượng, không tìm được một tiếng nói chung lành mạnh thì suốt đời chịu cảnh bị áp bức.
_____
[1] https://www.ojp.gov/…/jewish-zionist-terrorism-and…
[2] https://diendankhaiphong.org/hiep-uoc-sykes-picot-va-bi-kich-palestine
https://baotiengdan.com/2023/10/23/the-gioi-dao-dien-phan-3/
Không có nhận xét nào