Header Ads

  • Breaking News

    Nguyễn Ngọc Chính - Dương Hùng Cường với “Buồn vui phi trường”

    Thứ Sáu, 13 tháng 10, 2023

    Dương Hùng Cường (1934 - 1979)

    Dương Hùng Cường (1934 - 1979), hay còn có bút hiệu Dê Húc Càn, sinh ngày 1/10/1934 tại Hà nội. Ông gia nhập Không quân, thụ huấn lớp cơ khi viên tại Pháp năm 1953 và trở thành hạ sĩ quan cơ khi phục vụ tại nhiều đơn vị từ năm 1955.

    Giữa thập niên 1960 ông phục vụ tại Phòng Tâm Lý Chiến, Bộ Tư Lệnh Không Quân, với cấp bậc Chuẩn uý. Ông là một cây bút nối tiếng trong giới văn nghệ, cộng tác với nhiều nhật báo, tuần báo ở Sài Gòn.

    Sau 1975, Dương Hùng Cường bị tù cải tạo tới năm 1979. Năm 1984, bị bắt giam với tội danh gián điệp do viết bài gửi ra nước ngoài và qua đời tại nhà tù T20, số 4 Phan Đăng Lưu, Gia Định, năm 1987.

    Nhà thơ Du Tử Lê viết về Dương Hùng Cường:

    “….Nếu không kể những văn nghệ sĩ được CSVN cho về nhà vài ngày để chờ chết thì, Dương Hùng Cường là một trong những nhà văn bị chết trong tù. Cái chết của ông, cho đến nay, vẫn không ai được biết rõ nguyên nhân.

    “Dương Hùng Cường là một nhà văn miền Nam Việt Nam, nổi tiếng, dù viết không nhiều. Cho đến ngày qua đời, ông chỉ cho xuất bản trước sau ba tác phẩm. Đó là các cuốn “Buồn Vui Phi Trường,” “Lính Thành Phố” ký sự và “Vĩnh Biệt Phượng” tiểu thuyết. Mặt khác, Dương Hùng Cường cũng nổi tiếng với bút hiệu Dê Húc Càn, trên tuần báo trào phúng Con Ong của nhà báo Minh Vồ.

    “Bút hiệu Dê Húc Càn của nhà văn Dương Hùng Cường được ký dưới những bài viết châm biếm tệ trạng xã hội, tố cáo những bê bối của các nhân vật tai to mặt lớn ở miền Nam…

    (hết trích)

    Cũng viết về những ngày cuối cùng của tác giả “Buồn vui phi irường”, nhưng với tư cách bạn đồng tù, nhà văn Hoàng Hải Thủy, trong bài “Cái chết của nhà văn Dương Hùng Cường” có nhiều ghi nhận cụ thể, chi tiết hơn. 

    Một buổi sáng tháng 5 năm 1984, khi ở biệt giam 10 và bạn tù Trần Ngọc Tự (Trung úy Không quân). Tự và Dương Hùng Cường quen biết nhau qua Trần Tam Tiệp (Không quân) khá thân ở biệt giam 9, nhà tù Phan Đăng Lưu, chưa kịp nói gì nhiều với nhau thì, khi ghé mắt nhìn ra đầu hành lang hai ông thấy tác giả “Buồn vui phi irường” bị CA áp tải vào phòng giam.

    Trong buổi sáng đó, nhà văn Hoàng Hải Thủy nói, ông được biết ca sĩ Khuất Duy Trác bị giam ở biệt giam 1. Biệt giam này ở ngay đầu hành lang, cạnh bàn làm việc của cai tù gác khu C1, nên Khuất Duy Trác không thể nói năng, hỏi han, trao đổi tin tức gì được với những bạn tù phòng bên. Họ Hoàng nhấn mạnh:

    “Như vậy là anh em tôi 4 người : Dương Hùng Cường, Trần Ngọc Tự, Khuất Duy Trác và tôi - được công an thành Hồ đem xe bông đến nhà rước đi. Trong cùng một đêm. Vài ngày sau chúng tôi được tin anh Doãn Quốc Sỹ cũng bị bắt, đang nằm biệt giam khu C2 đâu lưng với khu C1 của chúng tôi.”

    Không Quân hồi đó có mấy nhà văn, nhà thơ nổi tiếng. Thứ nhất là Toàn Phong, Cung Trầm Tưởng, và Dương Hùng Cường. Một điều khá lạ là trong các vị tư lệnh KQ có tới hai người là nhà văn có tác phẩm và biểu trưng được phần nào tinh hoa của quân chủng.

    Ðó là nhà văn Đại tá Toàn Phong Nguyễn Xuân Vinh với “Đời phi công” và nhà văn Trần Văn Minh, tư lệnh KQ từ năm 1967 đến 1975, tác giả của những tập truyện ngắn “Trong đục”“Chết non” ở trong nước và “Chốn lao xao” ở hải ngoại.

    Cung Trầm Tưởng tên thật là Cung Thúc Cần, sinh năm 1932 tại Hà Nội, gia nhập Không Quân năm 1952 và du học tại Pháp. Ông tốt nghiệp học viện hàng không quân sự nổi tiếng Salon của Pháp, nơi xuất thân của hầu hết các cấp chỉ huy cao cấp của Không lực sau này.

    Sau năm 1975 ông bị cải tạo 10 năm và định cư tại tiểu bang Minnesota, Hoa Kỳ. Thời kỳ 20 năm văn học miền Nam ông là một nhà thơ có nét đặc biệt riêng và ông cũng là người chủ trương tủ sách “Con đuông” nhằm phổ biến tác phẩm trong vòng hạn hẹp và gạn lọc.

    Sang sống ở hải ngoại ông xuất bản 3 thi phẩm: “Bài ca níu quan tài”, “Lời viết hai tay”“Những dấu chân ngang trên một triền phiếm định”. Hơi thơ của ông viết ở hải ngoại rất khác biệt với thơ ông thời trong nước.

    Dương Hùng Cường viết “Buồn vui phi trường” dựa bối cảnh là phi trường Biên Hoà và xóm chơi bời Dốc Sỏi, ở đó những tiếng cười dậy lên trong nỗi buồn bàng bạc. Nhà văn Duyên Anh đã từng tâm sự:

    “Tôi đọc nhiều hồi ký, phóng sự, truyện ngắn, truyện dài của những người không quân viết mà tôi thấy không bằng bút pháp của DH Cường, cái được, cái thực ở đó!”

    Nhà văn Dương Hùng Cường (Dê Húc Càn)

    Ðọc “Buồn vui phi trường” thấy được đời sống những người lính của một thời kỳ có nhiều biến cố, khi ấy quân chủng còn những bước chập chững sơ khai. Những người trẻ tuổi xuất thân từ Rochefort, Salon, Marakech đã đặt nền móng cho một không lực hùng hậu gồm hơn năm chục ngàn chiến sĩ trong hàng ngũ và hai ngàn máy bay đủ loại về sau này. Những phi trường lúc ấy còn nhỏ bé lắm và sinh hoạt cũng trong nhịp rời rạc không như về sau này nhộn nhịp cùng với nhịp độ của chiến tranh.

    Ngay từ phần đầu của cuốn sách, tác giả đã giới thiệu về 2 nhân vật chính trong truyện:

    “Từ sau vụ công tác Cao Nguyên, khi trở về Sàigòn, Trung thường đi chơi với Thắng. Chàng nhận thấy ở cái anh chàng thợ máy biết bay này, có nhiều thứ trái ngược. Vừa già dặn, vừa trẻ con. Vừa từng trải, vừa ngây thơ. Nghĩa là Thắng có thể ngồi nói chuyện Tam Quốc Chí với các cụ già mà còn có thể ngồi đấu chưởng với lũ lỏi.

    “Thắng lúc nào cũng mặc một chiếc quần “Jean” màu xanh, bạc phếch. Chàng còn cầu kỳ, bôi dầu máy thành nhiều vệt dài. Đó là lối trang điểm của James Dean... Thắng có một lối lái xe Vespa bạt mạng. Trên sân đậu phi cơ, Thắng hay biểu diễn nhiều vụ “xin tí lửa” cho anh em coi. Xe đang chạy mau, chàng nghiêng cho sàn xe Vespa quẹt xuống sân. Bên phải, bên trái, bên nào cũng được. Những đống nhớt chảy trên sân, thằng nào chạy xe lên cũng té, mà Thắng chạy qua cứ phây phây…

    (hết trích)

    Thắng vừa được lên chức thượng sĩ nhưng anh chàng có vẻ ghét thậm tệ cái lon này vì nghe có vẻ già nua quá. “Mẹ kiếp, cứ để ông mang lon trung sĩ nhất ông lại còn khoái. Mang cái lon Thượng-sĩ, chẳng ra cái mẹ gì cả!...”

    Trong Không Quân, cấp bực tuy rằng không hạn chế, nhưng phải chạy theo cái nghề mà mình làm. Làm sĩ quan, nếu theo cái nghề quan sát viên thì ít khi nào có thể lên được cái lon thiếu tá. Làm thợ máy, ít khi nào có thể lên được cái lon thiếu úy. Nếu làm lính gác cổng thì ít khi nào lên được tới cái lon thượng sĩ.

    Thắng có bằng tú tài I từ năm 1952, thời gian qua đi mười mấy năm mà Thắng không thi nốt cái bằng tú tài bỏ dở. Ngày đó lại phân biệt “tú tài văn” (thi đậu khi còn ở ngoài “xi-vin”) và “tú tài võ” (đi thi khi vào lính được vớt đến hơn một chục điểm nên rất dễ đậu).

    Có những buổi chiều, khi đèn Sài Gòn vừa bật sáng, Thắng và Trung hay lang thang trên đường Tự Do. Đôi khi, hai đứa tạt vào thăm mấy cái snack bar, tìm mấy chị “me Tây già”, còn sót lại của cái thời “săng-đá”. Những giờ phút đó, Thắng nhớ tới cái trường thợ máy Rochefort, rộng mênh mông, con đường 14 Juillet dài sâu hun hút ở tận bên Pháp.

    Thắng lại nhớ tới những phi vụ buồn chán, trực “flare ship”. Chiếc phi cơ chở đầy bom soi sáng, cất cánh lúc mười giờ đêm, bay vòng vòng ở điểm đợi trên không phận Sài Gòn trong sáu tiếng đồng hồ. Nếu có một đồn bị địch tấn công ở dưới đất gọi lên thì trực chỉ đồn đó để thả những trái hoả châu cho sáng rực cả vùng trời. Còn không thì cứ bay ở trên trời cho hết sáu giờ đồng hồ trực chiến.

    Cuộc đời cứ dần qua cho đúng câu triết lý của dân hạ sĩ quan Không quân trong “cư xá độc thân”: “Ăn cơm Lê Văn Lộc, ngủ hội trường Phi Long, đầu cắm ba ngọn nến”.

    Những quán nước dưới gốc cây điệp, cũng mang lại cho những người lính trẻ, những niềm tủi hận mênh mông. Những người có vợ mở quán nước, lấy việc nhà làm chính, còn những công việc của Không Quân chỉ là công việc phụ!

    Còn những chuyến công tác miền Trung, Thắng là nhân viên phi hành đoàn của một chiếc C47, chở bom soi sáng, túc trực ngoài Đà Nẵng. Chiếc C47 vượt qua hai giờ rưỡi bay, hạ cánh xuống phi trường Đà Nẵng. Thắng đứng giữa biển và núi.

    Thắng vào lính đã gần ba mươi năm, đã qua tất cả các phi trường, nên đi tới đâu, cũng gặp những người quen biết cũ. Với những anh em chữa lửa, Thắng đã từng chia với nhau những lo âu, những bực bội của cái thời Bearcat F8F Biên Hoà, ăn cơm chung với nhau nơi phi trường Nha Trang cát trắng.

    Những chiếc F8F bất thường như những cô gái “tốc-kê”. Sắp sửa hạ cánh, nhất định chỉ thò ra có một cẳng. Tới những con người khu trục tài hoa như Nguyễn Thế Long, Phạm Phú Quốc, Lưu văn Đức... Vừa cất cánh lên khỏi phi đạo, cao độ mới chừng hai trăm thước, lộn một vòng làm một “tonneau” xong thì ba cái bánh xe biến mất!

    Có những lần, tàu bay lộn úp sấp, nằm úp xuống phi đạo, mất nhiều công phu, trục, lôi, kéo, chữa lửa chực sẵn để dẹp từng tia lửa. Đến lúc kéo được ông phi công ra thì ông ta kêu mất kính Ray-Ban, mất bóp!

    Cuộc đời của một phi công trực thăng chở xác chết cũng ly kỳ không kém. Có những xác chết, mặt mày nhăn nhó như đã trải qua những giây phút đau đớn cùng cực trước khi chết. Thường thường, họ cố bấu víu lấy sự sống nhưng những vết thương trên người quá kinh khủng, khiến người nhìn xác chết có cảm tưởng như xã hội của những người đầy đủ xương thịt đã đóng kín cửa lại rồi...

    Khi tên người nào được đem ra đặt tên cho một câu lạc bộ, thì kẻ đó tất nhiên là đã “ngỏm củ tỉ” như Lê Hoành Sơn, Lê văn Lộc, Huỳnh Hữu Bạc… Có những người bạn, từ lâu không gặp, Thắng tưởng rằng nó đổi đi xa, không ngờ một hôm ghé qua một căn cứ, gặp cái bảng tên nó treo trước một quán ăn.

    Những thằng đã chết rồi nếu không đặt tên cho câu lạc bộ, người ta cũng mang tên ra đặt tên cho một con đường. Con đường đi qua cư xá độc thân của Thắng mang tên Thượng sĩ Lê Đình. Ngược con đường Lê Đình là đường Trung úy Trương Hiệp, đường Chuẩn uý Võ văn Xuân, đường Trung uý Nguyễn Thống...

    Tác phẩm “Buồn vui phi trường”

    Khi biến cố 30/4/1975 xẩy ra, Dương Hùng Cường không di tản vì thời gian này, vợ ông, bà Vũ Hoàng Oanh, mang thai đứa con thứ 6; và lại là con trai: niềm mong ước trong bao nhiêu năm của họ Dương. Tuy nhiên, cuối cùng ông cũng không được thấy mặt con lúc ra đời vì đã sớm bị tập trung cải tạo!

    Như một xui khiến của số mệnh, bà Vũ Hoàng Oanh, người yêu của nhà văn khi đó đang làm việc tại phi trường Biên Hoà. Họ đã có có hội gần nhau và cuộc tình dẫn đến kết cuộc tốt đẹp là đám cưới vào năm 1964.

    Định mệnh có những sự trùng hợp kỳ lạ: có hai phụ nữ cùng mang tên Oanh, một người là Vũ Hoàng Oanh (phu nhân của nhà văn Dương Hùng Cường) còn người kia là Ấu Oanh (bạn đời của ca sĩ Duy Trác). Như đã nói ở phần trên, nhà văn và ca sĩ gặp nhau trong lao tù sau ngày 30/4/1975.

    Cả hai người phụ nữ tên Oanh đều là cựu học sinh trường Trưng Vương và định mệnh một lần nữa đưa đẩy cả hai đều chọn ngành sư phạm, ra trường một người về dậy tại Sài Gòn, còn người kia về Biên Hòa.

    Trong thời “điêu linh”, cả hai cô Oanh vừa nuôi con vừa nuôi chồng cải tạo cho đến một ngày, Ấu Oanh viết một câu chuyện trong đó có đoạn thật bi thảm:

    “Oanh được phép đến trại giam Phan Đăng Lưu để nhận diện xác chồng trước khi được phép chôn cất. Đám tang phải làm gấp ngày hôm sau và chỉ cho 2 người mang áo quan vào lấy xác tại khám Chí Hoà mà thôi. Hôm sau tôi đi cùng với Oanh nhưng phải ngồi chờ ngoài gốc cây trước cổng trại cùng với các con nhỏ của Oanh. Số bạn bè và họ hàng thân thuộc đến đưa tiễn đều không được tập trung một nơi mà phải phân tán rải rác dọc theo con đường Hoà Hưng, chờ đợi khi xe tang ra đến đầu đường rồi mới được tháp tùng theo.

    “Tôi chợt nhớ đến bài thơ “Đi nhận xác chồng” của Lê Thị Ý:

    “Mùi hương cứ tưởng hơi chồng

    Ôm mồ cứ tưởng ôm vòng người yêu!”

    Ấu Oanh - Khóc bạn

    ***

    * Tham khảo thêm bài viết “Khóc Bạn” của Ấu Oanh tại http://chinhhoiuc.blogspot.com/2016/04/khoc-ban.html

     http://chinhhoiuc.blogspot.com/2023/10/duong-hung-cuong-voi-buon-vui-phi-truong.html


    Không có nhận xét nào