29/10/2023
" Năm 2009 Trung Quốc đệ đơn xin làm quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực (Arctic Council) với giọng điệu rất hào hiệp là “góp phần hành động để bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ băng tan ở Bắc Cực làm ngập các khu vực ven biển của Trung Quốc” nhưng bị từ chối.
Rút kinh nghiệm, Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước cận cực tại Bắc Âu như Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển nhằm biến họ thành tay trong của mình, lại dùng chiêu mua chuộc và năm 2013 được mời tham gia như một quan sát viên".
Vùng đất hứa bên bờ Địa Trung Hải mà Thượng Đế ban cho Abraham, tổ phụ của người Do Thái, có trở thành đất dữ suốt hơn nửa thế kỷ qua cũng không ngoài sự va chạm giữa hai thế lực cực đoan.
Mà nhân loại có khốn khổ, chịu đựng hết thảm họa này đến thảm họa khác thì cũng, chủ yếu, là do bọn này. Chủ nghĩa phát xít là một thứ cực đoan, bên hữu. Chủ nghĩa cộng sản là giống quá khích, bên tả. Chúng, diễn đạt bằng ngôn ngữ toán học, hoàn toàn giống nhau về “trị tuyệt đối”, chỉ khác ở cái dấu âm–dương hay, ví von cách khác, là hai mặt của cùng một đồng xu nên, từ đầu, rất dễ đến với nhau như có thể thấy qua mối quan hệ giữa Adolf Hitler và Joseph Stalin để rồi, đến lúc động chuyện, lại va nhau đến bốc lửa, tóe máu. [1]
Gần hơn là Hugo Chavez, kẻ mơ tưởng việc xây dựng một thứ “Chủ nghĩa xã hội của thế kỷ 21” với phương châm “Dầu lửa thế giới liên hiệp lại” nhằm đánh sập chủ nghĩa tư bản mà biểu tượng cao nhất là Đế quốc Mỹ. Đã quá khích, y còn phởn lên theo cuộc khủng hoảng năng lượng của thập niên 2010 khi giá dầu tăng vụt nên vung vẩy tiền bạc nuôi sống mô hình kinh tế xã hội chủ nghĩa trên đất nước Venezuela, lại nuôi cả một Cuba ọp ẹp như là nước cộng sản duy nhất của Châu Mỹ La Tinh để rồi, không lâu sau đó, Venezuela lâm cảnh phá sản toàn diện và, bây giờ, hàng hàng lớp lớp người dân bỏ nước ra đi, lội bộ cả mấy ngàn cây số chỉ để được làm di dân lậu trên cái đế quốc mà y không ngớt thù ghét. Và gần hơn nữa là cái cảnh hoang mang và ô nhục của chính “đế quốc” này với vụ tấn công vào quốc hội: cái đám vô lại mà không người tử tế nào muốn ngồi cùng một bàn cà phê nói gì đến chuyện kết làm thông gia này là gì nếu không phải là một đám quá khích hay, ít ra, đui mù chạy theo sự sách động của bọn cực đoan?
Khổ vậy, phiền nhiễu là vậy nên, đó đây, đôi khi chúng ta vẫn nghe những tiếng chép miệng thở dài với lời ước rằng giá như có cách nào đó tống hết bọn cực đoan ra một hòn đảo nào đó, hoàn toàn biệt lập. Tống cổ chúng hết ra đó, bất kể của phái nào. Chúng muốn xin huyết nhau ư? Được thôi, vì chẳng ai tiếc. Chúng nhảy vào mồm sỉ vả nhau ư? Cứ thoải mái, bởi chẳng ai điếc tai. Hay chúng chỉ cắn răng chịu đựng nhau thôi? Càng hay bởi, khi chịu đựng đến mức không thể chịu đựng thêm, chịu đựng đến mức khủng hoảng tinh thần thì, biết đâu cái chịu đựng vô cùng vô tận này sẽ khiến bọn bất bình thường này… bình thường trở lại và, do đó, thế giới sẽ tốt đẹp hơn!
Cái giải đất khô cằn bên bờ Địa Trung Hải nói trên đang quằn quại với sự va chạm giữa hai thế lực cực đoan, Islamist và Zionist và cái xót ở đây là không chỉ có bọn quá khích với nhau mà còn là xương máu của những người ôn hòa, của đàn bà, và của trẻ em. Giết người như quân khủng bố Hamas là một tội ác man rợ. Nhưng tấp nập trút hàng tấn bom đạn lên đầu những khu thị tứ theo lối trả miếng của chính phủ cực hữu Israel càng không phải là văn minh. Hai bên đều đặn lấy máu nhau theo những chu kỳ ăn miếng – trả miếng không bao giờ dứt, đâu là gốc rễ của tình trạng này?
Hẳn nhiên, lỗi lầm không hề đến từ một phía và, có tích mới dịch ra tuồng, nó hoàn toàn không chỉ là chuyện của hôm nay hay chỉ vài ba năm trước. Nhưng sẽ là quá xa nếu chúng ta khơi lại cái thời mà Cựu ước ra đời như một “đại tự sự” để những bộ lạc Do Thái sống rải rác trên vùng đất Canaan thống hợp thành vương quốc Israel cổ đại. Chỉ là quốc gia Israel hiện đại thôi, ra mắt vào năm 1948 như là kết quả của chặng hành trình Exodus hiện đại trải dài từ đầu thế kỷ 20 lúc đất này còn thuộc về Đế quốc Ottoman, đến khi được đặt dưới sự ủy trị của Anh sau Đệ nhất thế chiến.
Cuối thế kỷ 19, trong cảnh vô tổ quốc, bị kỳ thị và đàn áp mọi nơi, người Do Thái bắt đầu mơ tưởng về một quốc gia riêng của mình vói sự ra đời của chủ nghĩa phục quốc Zionism, lấy từ tên ngọn đồi Zion ở Jerusalem và rồi, được hiểu chung như là “đất của người Do Thái”. Sau gần bốn ngàn năm phiêu bạt, người Do Thái đã âm thầm quy tụ về vùng đất hứa đã lưu tên trong kinh thánh để mua đất của người Palestine, dần dà thiết lập các khu định cư để rồi khai sinh quốc gia Israel hiện đại.
Lúc đó, chán ngán với vùng đất không yên, người Anh bỏ của chạy lấy người và năm 1947 Liên Hiệp Quốc đề nghị chia hai, cho cả hai bên, chia luôn cố đô Jerusalem: trong khi người Do Thái hớn hở, vui mừng thì người Palestine đùng đùng nổi giận, thẳng tay bác bỏ.
Đây, có lẽ, là lỗi lầm đầu tiên của người Palestine. Họ, cũng như toàn bộ khối Ả Rập, muốn quét sạch người Do Thái và chính cái tâm lý "không thoả hiệp với kẻ thù" của những thế lực lãnh đạo lúc đó đã khiến dân tộc họ khốn khổ đến tận bây giờ. Khi người Palestine lâm cảnh lưu đày thì những anh em Hồi Giáo Ả Rập chẳng giúp đỡ gì cả, chỉ có sự kích động bằng mồm. Khi Liên Hiệp Quốc thiết lập các trại tỵ nạn tại dải Gaza thì cộng đồng này lại rơi vào cái vòng lẩn quẩn bất tận: ăn không ngồi rồi thì sinh đẻ nhiều, đẻ nhiều mà không có đủ cơ hội học hành và huấn nghệ thì, hệ quả, trở thành nguồn cung cấp nhân lực bất tận cho các đoàn quân khủng bố.
Thêm nữa, ngay từ đầu, người Palestine đã sa vào cái "bẫy" thánh chiến. Để kích động quân dân, giới lãnh đạo đã khơi động tín ngưỡng Hồi Giáo về cuộc chiến chống lại thế lực tà đạo, chỉ có một đường là chống tới cùng, đánh tới chết, chỉ đánh chứ không có đàm. Tuy nhiên, nếu khái niệm "thánh chiến" ra đời trong thời mà người lính còn cưỡi ngựa và đánh kiếm thì nó khó mà áp dụng một cách hiệu quả trong thời đại của xe tăng, trọng pháo và máy bay. Khi một lãnh tụ của họ, ông Yasser Arafat, trở nên thức thời, sẵn sàng thỏa hiệp, ông ta lại bị những thành phần cuồng tín trong cái bẫy thánh chiến này trói tay.
Mặt khác, nếu quân đội Israel bị tố cáo là giết hại đàn bà và trẻ em con thì, trên khía cạnh này, giới lãnh tụ thánh chiến Palestine cũng chẳng thể vô can. Giết đàn bà và trẻ em là một tội ác. Nhưng nhồi sọ, dẫn dụ để đàn bà hay trẻ em nhét bom vào người rồi lao vào chỗ chết cũng là tội ác. Người ngoài có thể phê phán Israel trong việc này nhưng, với những kẻ quá khích đã lạnh lùng lôi kéo trẻ em vào những trận đánh bom tự sát, chúng hoàn toàn không có tư cách này!
Và phía Israel, sai lầm đầu tiên, có lẽ, là giữ chặt những vùng đất đã chiếm được trong cuộc chiến sáu ngày năm 1967.
Đứng vững giữa vòng vây Hồi giáo gần 20 năm và, đến lúc này, với chiến dịch phủ đầu kéo dài chưa đầy một tuần lễ, lãnh thổ Israel đã tăng lên gấp 9 lần khiến phe hữu thắng thế, tinh thần quốc gia lên cao, tin tưởng vào sức mạnh vô đối của mình tại khu vực, do đó quyết bám chặt, không nhả. Những thành phần cực hữu lập luận rằng việc giữ chặt những vùng đất ấy sẽ củng cố an ninh nhưng nó buộc quân đội phải dàn trải để kiểm soát và, do đó, đã trở thành một gánh nặng. Trong khi đó thì chủ trương thúc đẩy việc định cư tại vùng đất chiếm đóng lại dí
Israel vào cái bẫy chính trị khó mà vùng thoát. Một mặt nó đẩy hận thù của người Hồi giáo lên cao. Một mặt nó khiến Israel hết đường lùi khi những người dân đã "an cư" tại vùng chiếm đóng quyết bám chặt mái nhà mới, trở thành nguồn hậu thuẫn không lay chuyển của phái diều hâu, cực hữu và chính bọn này đã reo hò nhảy múa khi Thủ tướng Yitzhak Rabin, nhà lãnh đạo chủ trương đổi đất lấy hòa bình, bị ám sát vào năm 1995.
Trong sự dâng cao của tinh thần Zinoist, phe cực hữu còn nhấn thêm một bước không có đường lùi là tôn giáo hoá vấn đề Jerusalem. Tại đó, trên ngọn đồi "Đền Núi" (Temple Mount) vẫn còn những dấu tích đổ nát của một đền thờ cổ mà người Israel cho là thiêng liêng nhất. Cũng tại đó, trên cái nền hoang tàn này, khi người Palestine làm chủ Jerusalem từ nhiều thế kỷ trước, họ đã xây dựng hai thánh đường gọi là Thạch Đường (Dome of the Rock) và Al-Aqsa mà người Hồi Giáo xem là thiêng liêng vào hàng thứ ba.
Nhưng Israel đã từng sẵn sàng chấp nhận đề nghị chia hai Jerusalem vào năm 1947. Năm 1948 Israel tuyên bố lập quốc và lập tức bị khối Ả Rập tấn công, tuy nhiên Israel đã chiến thắng và đứng vững. Năm 1949, theo thoả thuận ngưng bắn giữa Israel và Jordan, Jerusalem bị chia hai và Israel tuyên bố chọn khu Tây làm thủ đô. Tình trạng này kéo dài đến cuộc chiến sáu ngày năm 1967. Say sưa với chiến thắng ngoạn mục của mình, tinh thần quốc gia pha lẫn tôn giáo cực đoan ở Israel dâng cao hơn bao giờ hết và Jerusalem trở thành biểu tượng bất khả phân ly của họ. Israel sáp nhập khu Đông vào khu Tây để làm thành một thủ đô "thống nhất" và, cũng từ đây, nó trở thành gánh nặng khi những thành phần cực đoan khăng việc không thể chia cắt. Sự cố chấp này đã biến Jerusalem thành vấn đề gai góc nhất trong các cuộc đàm phán về hoà bình và, do đó, đất nước Israel phải liên miên bất an. Trong cuộc đàm phán năm 1999 tại Trại David ở Mỹ, với sự tham gia của nguyên Tổng thống Bill linton, lãnh tụ Palestine, ông Arafat đã không chịu nhượng bộ chỉ vì không được quyền kiểm soát khu phố cổ Jerusalem.
Chỉ chuyện đó thôi, hai bên đã khó nhượng bộ, chung sống hòa bình. Tình trạng còn tệ hại hơn khi những chính phủ cực hữu Israel dồn ép người Palestine vào đường cùng.
Bước vào một khu rừng với một con cọp đã sợ. Nhưng bước vào một khu rừng không cọp mà lúc nhúc hàng ngàn con rắn độc còn đáng sợ hơn. Những chính phủ diều hâu Israel, vì quá tự tin vào sức mạnh của súng đạn quy ước, đã tiêu diệt những con cọp có thể phát hiện từ xa chỉ để dung dưỡng hàng ngàn con rắn độc và chúng ta có thể thấy được cái cung cách võ biền dại dột này qua cách mà chính phủ Sharon đối xử với ông Arafat cách đây hơn 20 năm.
Như là đòn thù nhằm đáp trả vụ tấn công tự sát tại thành phố Netaya do lực lượng Hamas tiến hành, khiến 20 người Israel và một du khách tử nạn, chính phủ Sharon đã bao vây và cô lập ông Arafat suốt bốn tháng trời rồi, đúng ngày thứ Sáu, 29/3/2002, những đoàn xe tăng và thiết giáp Israel tiến vào Ramallah trên dải Gaza để nhắm vào một mục tiêu là ông Arafat. Trong văn phòng hai căn, bít bùng, không cửa sổ này, con người đã sống sót qua gần 100 âm mưu ám sát đã bồn chồn quay máy, gọi đi khắp thế giới để kêu gọi các nguyên thủ, các nhà ngoại giao cũng như các tờ báo lớn hãy góp tay ngăn chặn: "Họ muốn tấn công vào cá nhân tôi. Họ muốn loại bỏ tôi!" Ngay sau đợt tấn công đầu tiên đã có 30 nhà hoạt động hoà bình Tây Phương -- trong đó có nhà hoạt động nghiệp đoàn Pháp Jose Bove -- xông vào văn phòng của Arafat, bất chấp những loạt đạn cảnh cáo của binh sĩ Israel để bày bày tỏ sự ủng hộ với người Palestine và phản đối thói bạo ngược của chính phủ Sharon.
Thoạt tiên, vài giờ trước cuộc tấn công, nội các Sharon quyết định bắt sống và trục xuất Arafat ra khỏi lãnh thổ Palestine. Nguyên Thủ tướng Ariel Sharon tuyên bố: "Chúng ta phải đẩy Arafat đi chỗ khác. Chúng ta không thể để hắn ta ở lại nơi đó!" Tuy nhiên, giới lãnh đạo an ninh và tình báo không đồng ý: Tại Ramallah thì Arafat như con cá nằm trên thớt, đưa ông ta ra khỏi nơi đó thì chẳng khác gì thả hổ về rừng khi tạo cơ hội cho ông ta tiếp xúc với các tổ chức khủng bố khác.
Arafat khét danh là ông trùm khủng bố trong vai trò lãnh tụ Tổ chức giải phóng Palestine (PLO) nhưng năm 1988 tuyên bố chung sống hoà bình với giấc mơ thành lập một nhà nước Palestine độc lập trên vùng Tây Ngạn và dải đất Gaza. Năm 1993, Arafat cùng nguyên Thủ tướng Israel Yithak Rabin ký Thoả ước Olso, nhằm tiến đến một giải pháp hoà bình với sự hình thành của Bộ máy quản trị Palestine (Palestine Authority: PA), một bước tiến mang lại giải Nobel Hòa Bình cho Arafat, Rabin và nguyên Ngoại trưởng Shimon Peres. Năm 1996 Arafat được bầu làm chủ tịch của PA và từ đó trở thành mục tiêu chống phá của những thành phần cực đoan Palestine. Vụ đánh bom tự sát của Hamas kể trên cũng không ngoài ý đồ phá hoại ông Arafat và, qua đó, phá hoại nền hòa bình mà Arafat muốn xây dựng với Israel.
Như thế, chính chính quyền cực hữu Sharon đã tiếp tay Hamas trong việc triệt hạ hình ảnh ông Arafat trong lòng người Palestine, và do đó, gián tiếp đề cao vị thế của Hamas. Nhưng muốn ổn định tình hình thì Israel phải có một đối tác đủ mạnh ở phía Palestine để cùng hướng về tương lai hoà bình. Đối tác đó vừa đủ mạnh, nhưng mạnh trong một mức độ có thể kiềm chế và kiểm soát, trong vòng ảnh hưởng của cộng đồng quốc tế. Người đó, vào thời điểm đó, nhất định phải là Arafat: càng có uy tín, ông ta sẽ thuyết phục cộng đồng Palestine nghiêng về phía mình, thôi không ủng hộ các tổ chức quá khích.
Bởi vậy, khi trả đũa như thế, chính quyền cực hữu Sharon đã đi một nước cờ cực kỳ sai lầm. Qua việc triệt hạ uy tín của Arafat, nó khiến người Palestine cảm thấy bất an với giải pháp hoà bình và khiến những đội ngũ thánh chiến và cảm tử quân ngày càng đông hơn. Mà hậu quả nhãn tiền đã thể hiện ngay cả trong thời gian Arafat bị giam lỏng. Sharon từng tin rằng vô hiệu hoá Arafat là ngăn chặn được những vụ tấn công tự sát, trong bốn tháng giam hãm Arafat ấy những vụ tấn công bằng bom đã không ngớt gia tăng. Và chỉ trong vòng hai ngày sau vụ triệt hạ Tổng hành dinh của Arafat, những vụ khủng bố của Hamas vẫn liên tục diễn ra.
Đó là chuyện của hơn 20 năm trước và bây giờ Hamas lại khiến Israel choáng váng với vụ tấn công vừa qua và đó lại là hậu quả “nhãn tiền” từ những chính sách cứng rắn và thô bạo của chính phủ cực hữu Benjamin Netayahu. Bằng cách nhấn chìm PA và chà đạp nhân phẩm của người Palestine, họ đã vô tình bơm thêm sức mạnh cho Hamas. Không ai khác hơn, chính chính phủ cực hữu của Netayahu là nhà quảng cáo đắc lực để Hamas tuyển mộ chiến binh và kêu gọi trả thù, mà nếu Hamas có bị tiêu diệt thì, với chính sách này, sẽ có những Hamas khác.
Trong những ngày đầu lập quốc, Israel đã thể hiện là những người anh hùng đáng phục: họ bị mất tổ quốc và bằng niềm tin, bằng khối óc, bằng những giọt mồ hôi và giọt máu của mình, họ đã dựng lại nước non. Tuy nhiên, bây giờ Israel, dưới bàn tay những chính phủ cực hữu, đã ngang tàng chà đạp nhân phẩm của người Palestine, không hề tương nhượng. Nhưng có nền hòa bình nào, kể cả hòa bình riêng trong một gia đình thôi, mà không xây dựng từ sự tương nhượng, thỏa hiệp? Mà không phải là Israel không biết điều này. Chính David Ben-Gurion, vị thủ tướng đầu tiên, người tuyên bố thành lập quốc gia Israel, đã phải nuốt đi mối hận Holocast của Đức Quốc xã để nhún nhường kêu gọi người Đức đầu tư, giúp Israel đứng vững trong những ngày đầu lập quốc và thiết lập nên nền móng đầu tiên của sự thịnh vượng sau này.
Chứng kiến những chu kỳ đổ máu không hồi kết như thế thì, dẫu biết là không thực tế, cũng có những lúc chúng ta thoáng nghĩ đến một cảnh “chính trị giả tưởng” với hòn đảo biệt lập dành riêng cho bọn cực đoan, quá khích. Cứ tống hết bọn quá khích của cả Israel cùng Palestine ra đó mà chiến đấu đến giọt máu cuối cùng với nhau, có vậy thì vùng đất dữ bên bờ Địa Trung Hải này mới có cơ may sáng tên là miền đất hứa.
Nhưng, xem ra, từ “chính trị giả tưởng”, chúng ta lại đâm đầu vào “địa lý giả tưởng” bởi, giữa những ngày này, ai có thể tìm ra một hòn đảo như thế? Chỉ là những dãi cát ngầm hay đá ngầm ở Biển Đông thôi, chỉ phơi ra mấy mét vuông khi thủy triều rút mà chúng nó, cái bọn quá khích mang tên Đại Hán, cũng nằng nặc giành cho bằng được. Chúng giành bằng súng đạn.
Chúng giành bằng “lịch sử giả tưởng”. Và chúng giành bằng cả “khảo cổ học giả tưởng” với những bằng cớ vu vơ như là “những bằng chứng lịch sử không thể chối cãi”.
Thậm chí, cả Bắc Cực rất xa, không thể với đến bằng “lịch sử giả tưởng”, chúng cũng có lý lẽ để thò chân!
Bắc Cực hiện đang được xem là một miền đất hứa. Tình trạng biến đổi khí hậu có thể đem lại nhiều thách thức cho nhân loại nhưng, riêng Bắc Cực, lại mở ra những cơ hội mới khi những tài nguyên ăm ắp dưới đáy phát lộ một khi băng tan, chưa kể những thủy lộ mới, ngắn hơn những tuyến hải hành truyền thống rất nhiều. Và bọn Đại Hán này, chỉ lý lẽ với nhau cho sướng miệng thôi thì, như là quốc gia đông dân nhất thế giới, phải gánh chịu những hậu quả của biến đổi khí hậu nhất hạng thế giới nên, để công bằng, phải được san sẻ những miếng ngon mà biến đổi khí hậu mang lại trong khi, đối với bên ngoài, chỉ là “góp phần hành động để bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ băng tan ở Bắc Cực làm ngập các khu vực ven biển của Trung Quốc”.
Không chỉ là lý sự suông, chúng còn vận dụng cả những trò gian thương để chen chân và, gần nhất, đã đổi chác sự ủng hộ với cuộc chiến tại Ukraine để một nước Nga đang rất cần mình trải thảm. [2] Thế giới không yên với bọn cực đoan và thế giới không yên với bọn tham, bọn đói. Chính sự tham lam và đói khát tài nguyên đã làm nẩy sinh ra chủ nghĩa thực dân. Và cũng sự tham và sự đói đã khiến bọn Đại Hán này giăng những cái bẫy nợ nhằm cầm giữ hàng loạt quốc gia như là những con tin.
Xem ra, nhân loại sẽ không bao giờ yên. Những vấn nạn trên “miền đất hứa” nóng cháy da bên bờ Địa Trung Hải vẫn chưa xong mà chúng ta còn phải lo lắng đến ngày “miền đất hứa” lạnh lẽo Bắc Cực nóng lên.
Nguyễn Hoàng Văn
Chú thích:
“How Adolf Hitler Began to Admire Josef Stalin”
https://nationalinterest.org/feature/how-adolf-hitler-began-admire-josef-stalin-201010
https://www.npr.org/transcripts/5366663
https://www.smh.com.au/world/asia/in-beijing-putin-calls-for-help-to-fund-arctic-shipping-route-20231018-p5edaf.html
https://www.thearcticinstitute.org/china-russia-arctic-cooperation-context-divided-arctic/
Hiện tại, trên phương diện luật pháp quốc tế, không nước nào hiện sở hữu Bắc Cực. Năm nước quanh Bắc Cực là Nga, Canada, Na Uy, Đan Mạch (qua Groenland), và Mỹ (qua Alaska) đều bị hạn chế bởi một Vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) có bề rộng 200 hải lý từ bờ biển nước mình.
Từ lâu Liên Xô chủ trương rằng các vấn đề của Bắc cực chỉ được giải quyết trong khuôn khổ các nước thuộc vành đai Bắc cực nói trên. Sau khi Ủy ban Khoa học quốc tế Bắc cực được thành lập vào đầu thập niên 1990, Nga nhượng bộ, thêm Phần Lan, Iceland và Thụy Điển. Năm 1996 Hội đồng Bắc Cực ra đời như là một diễn đàn liên chính phủ gồm 8 nước Canada, Đan Mạch, Mỹ, Phần Lan, Iceland, Na Uy, Thuỵ Điển và Nga để thảo luận về các vấn đề liên quan đến môi trường và phát triển tại khu vực.
Để mở rộng vùng EEZ của mình tại Bắc Cực, các quốc gia phải chứng minh rằng phần Bắc Cực đó là phần kéo dài từ thềm lục địa của mình và về mặt này thì Nga là nhanh chân nhất. Năm 2001 Nga đã đệ trình lên Ủy ban Phân định ranh giới thềm lục địa của LHQ (UN Commission on the Limits of the Continental Shelf) yêu cầu công nhận 1.2 triệu cây số vuông dưới đáy Bắc Băng Dương, chiếm một nửa vùng Bắc Cực, tính từ đỉnh hai núi ngầm Lomonosov và Mendeleev đến Bắc cực là của Nga.
Trung Quốc không dại dột đến mức đòi hỏi chủ quyền nhưng không ngần ngại biểu lộ tham vọng của mình với tài nguyên Bắc Cực và luôn vận động để có chân đứng và tiếng nói trong các vấn đề Bắc Cực.
Năm 2009 Trung Quốc đệ đơn xin làm quan sát viên thường trực của Hội đồng Bắc cực (Arctic Council) với giọng điệu rất hào hiệp là “góp phần hành động để bảo vệ môi trường, tránh nguy cơ băng tan ở Bắc Cực làm ngập các khu vực ven biển của Trung Quốc” nhưng bị từ chối.
Rút kinh nghiệm, Trung Quốc tăng cường quan hệ kinh tế với các nước cận cực tại Bắc Âu như Iceland, Đan Mạch, Na Uy, Thuỵ Điển nhằm biến họ thành tay trong của mình, lại dùng chiêu mua chuộc và năm 2013 được mời tham gia như một quan sát viên.
https://www.diendantheky.net/2023/10/nguyen-hoang-van-at-hua-va-ao-du-tu-ia.html
Không có nhận xét nào