Header Ads

  • Breaking News

    Một thế hệ đánh mất niềm tin

    Tác giả: Georg Fahrion, Der Spiegel Nr. 34/19.8.2023

    Nguồn: Georg Fahrion, Der Spiegel Nr. 34/19.8.2023 – báo giấy, không có link.

    Người dịch: Ninh Dương

    Tháng 10/ 2023

    " Cuộc khủng hoảng do suy thoái kinh tế ở Trung Quốc gây tác động mạnh đến thị trường lao động, ngay cả những người trẻ tuổi được đào tạo tốt cũng không thể tìm được công ăn việc làm. Tuy nhiên, giới lãnh đạo Bắc Kinh nghĩ rằng giới trẻ không nên xử sự như vậy." 

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/nd06-h1-thehedanhmatniemtin.jpg?w=445

    Một tình cảnh tựa như trong một bộ phim hài, nhưng điều đáng tiếc là màn kết thúc lại không có hậu. Wang Weize, 22 tuổi, đã đi dự cuộc phỏng vấn ở một ngân hàng Trung Quốc lớn với tràn đầy hy vọng. Nhưng khi đến nơi, anh thoáng nhìn thấy trong số các đối thủ có mặt một người quen cũ: Nhân vật nổi bật nhất ngôi trường trung học nơi mình đã học, người đạt số điểm cao nhất trong niên khóa với trên dưới 400 học sinh và sau đó theo học tại một trường đại học hàng đầu. Wang nói: “Cảm giác của tôi lúc đó là mình không nhất thiết phải tham dự cuộc phỏng vấn nữa”. “Làm sao có thể cạnh tranh được?”

    Wang tốt nghiệp đại học và vô vọng khi tìm việc làm. Như rất nhiều người trong thế hệ của anh. Sau buổi nói chuyện tại ngân hàng, anh ngồi ở một chi nhánh Starbucks trong khu thương mại trung tâm của Bắc Kinh vào một ngày tháng Tám này. Tại đây, những người mặc đồ complê nhanh chóng lấy một ly cà phê sữa yến mạch, phía bên ngoài, những người giao hàng vội vã băng qua sân trước và mang những hộp đồ ăn trưa đến các tòa tháp văn phòng, do nhiều nhân viên Trung Quốc không rời khỏi bàn làm việc của họ ngay cả trong giờ nghỉ trưa.

    Wang muốn trở thành một trong số người này biết bao – không phải những người giao hàng mà là những nhân viên văn phòng. Vẻ bề ngoài của anh đã thích nghi với họ rồi, anh mặc quần tây và áo sơ mi trắng ủi thẳng thớm, lần cuối anh đến tiệm hớt tóc cách đây cũng không lâu. Anh xấu hổ vì cảnh ngộ của mình: sợ rằng, một trong những người quen có thể phát hiện ra rằng anh vẫn chưa tìm được việc làm.

    Khoảng 1 phần 5 người Trung Quốc trong độ tuổi từ 16 đến 24 không có việc làm ổn định. Số thanh niên thất nghiệp cao hơn gấp ba lần so với con số ở Đức – ngay chính tại một đất nước có nền kinh tế phá kỷ lục trong nhiều thập kỷ. Và tình hình sẽ không sáng sủa hơn: năm 2023, có thêm 11,6 triệu sinh viên tốt nghiệp đại học gia nhập thị trường lao động Trung Quốc. Đó cũng là một kỷ lục.

    Chuyện xảy ra nằm ngoài dự tính. Nền kinh tế cần tiếp tục tăng trưởng, cần tạo ra thêm những việc làm mới, công việc mỗi ngày một khá hơn. Y hệt như đã được vận hành tốt trong một thời gian dài – và cũng như nó đột nhiên không còn hoạt động như thế nữa. Corona đã khiến đất nước rơi vào bế tắc, và kể từ đó hoàn toàn đình trệ. Trung Quốc đang chìm vào một cuộc suy thoái kinh tế.

    Sau khi chính sách zeroCovid kết thúc, người ta đã đặt hy vọng vào một sự bùng nổ. Nhưng điều này đã không xảy ra. Ngược lại, vào tháng 7, số lượng xuất khẩu giảm 14,5% so với tháng này năm ngoái và nhập khẩu giảm 12,4%. Các nhà đầu tư nước ngoài đang quay lưng ngoảnh mặt. Vào quý 1 năm 2022 họ đã đầu tư gần 100 tỷ USD, quý 1 năm nay chỉ có khoảng 20 tỷ và thậm chí quý 2 còn chưa tới 5 tỷ. Nền kinh tế hiện thời chỉ tăng trưởng 0,8% so với quý trước. Đối với Trung Quốc, đây là những con số thảm hại.

    Phải chăng đây là “Sự kết thúc của phép màu kinh tế Trung Quốc” như tiêu đề trong một bài tiểu luận gần đây của Adam Posen, Chủ tịch Viện Kinh tế quốc tế Peterson nêu ra? Alicia García Herrero, nhà kinh tế trưởng khu vực châu Á – Thái Bình Dương tại ngân hàng đầu tư Natixis cho rằng „Sau đại dịch, Trung Quốc thức giấc giữa một thực tế mới về nền kinh tế chậm phát triển trong nhiều năm”». Tăng trưởng sẽ không quay trở lại tầm cao như đã từng đạt. Không một ai tin tưởng vào điều này”. Đối với những người trẻ thất nghiệp ở Trung Quốc, đây là một viễn ảnh chán chường.

    100 đơn xin việc, 5 cuộc phỏng vấn, không một cơ hội

    Wang Weize nghĩ rằng mình đã làm đúng mọi việc. Anh xuất thân từ một gia đình trung lưu hiếu học ở Bắc Kinh. Mẹ làm nhân viên kế toán cho một trường học, cha anh là nhân viên mua hàng của một công ty nhà nước.

    Để lấy bằng cử nhân, Wang theo học chuyên ngành thống kê kinh tế tại một trường đại học kỹ thuật ở Peking (Bắc Kinh). Anh cho biết rằng tính mình nhút nhát không phù hợp với công việc phải giao tiếp với những người khác, ngược lại, anh thích những con số. »Tôi đã tin chắc rằng nhờ đó mình có thể kiếm sống được.“ Hệ thống chấm điểm tốt nghiệp đại học của Trung Quốc dao động từ 1.0 đến điểm tốt nhất là 4.0. Wang đạt điểm trung bình 2,7 – tuy không xuất sắc nhưng cũng thuộc loại trung bình khá. Trước đây, nó hoàn toàn hội đủ điều kiện để bắt đầu sự nghiệp.

    Hiện anh đã viết khoảng 100 đơn xin việc. Anh được mời phỏng vấn năm lần. Nhưng cho đến nay vẫn chưa tiến xa hơn được bước nào. Wang nói anh đang chia sẻ số phận với nhiều người trong số 47 sinh viên tốt nghiệp cùng ngành tại trường đại học. Khoảng 50% số bạn đã có việc làm hoặc tiếp tục học lên cao, “số còn lại thất nghiệp”.

    Số liệu thống kê chính thức về thị trường lao động của Trung Quốc căn cứ vào cuộc khảo sát hàng tháng với 340.000 hộ gia đình thành thị. Thất nghiệp được định nghĩa là những người không có việc làm nhưng đang tích cực tìm việc và có thể bắt đầu công việc trong vòng hai tuần. Mặt khác, những ai làm việc ít nhất một giờ mỗi tuần được coi là có việc làm – ngay cả khi họ chỉ điều hành một cửa hàng trên nền tảng trực tuyến Taobao.

    Theo con số chính thức thì tỷ lệ người thất nghiệp trong tổng lực lượng lao động khá ổn định ở mức từ 5 đến 6%. Mặt khác, vào tháng 6, con số thất nghiệp của lứa tuổi từ 16 đến 24 là 21,3%. Không có một số liệu nào cho tháng 7 – vì hôm thứ Ba, chính phủ đã thông báo rằng kể từ nay họ sẽ không công bố dữ liệu về tình trạng thất nghiệp của thanh niên. Một lời thề mặc khải.

    Dù sao đi nữa, nhiều nhà kinh tế cho rằng số người thất nghiệp cao hơn nhiều so với số liệu thống kê của Trung Quốc. Wang cũng nghĩ vậy. Để thu thập dữ liệu về tình hình việc làm, một nhân viên của trường đại học của anh đã đến căn phòng ký túc xá nơi bốn người họ đang ở chung. Tính đến nay chỉ có mỗi một người tìm được việc làm – ba người còn lại được nhân viên này khuyến khích đánh dấu vào ô “Người hành nghề tự do” trên bảng câu hỏi. “Tôi đã làm theo” Wang nói.

    Zhang Dandan, giảng viên kinh tế tại Đại học Bắc Kinh, viết trên tạp chí Caixin vào tháng 7 rằng tỷ lệ thất nghiệp thật sự của thanh niên có thể lên tới 46,5%. Bà đưa ra ước tính này dựa trên nghiên cứu của mình về các trung tâm công nghiệp Suzhou (Tô Châu) và Kunshan (Côn Sơn) thuộc tỉnh Jiangsu (Giang Tô), miền đông Trung Quốc. Một tỷ lệ cao như vậy có thể được giả định nếu tính gộp luôn những người trẻ không tích cực tìm việc làm hoặc những người được cha mẹ hỗ trợ tài chính. Ngay sau khi xuất bản, bài báo của Zhang đã bị xóa khỏi trang mạng “Caixin”.

    Đối với sinh viên tốt nghiệp ở Trung Quốc, có hai mùa cao điểm trong năm để tìm việc làm: hội chợ việc làm được tổ chức trong khuôn viên trường đại học đầu mỗi học kỳ hai mùa xuân và thu, với sự tham gia của số đông các nhà tuyển dụng lớn. Nhiều sinh viên sắp tốt nghiệp đã có lời mời làm việc trong túi vài tháng trước kỳ lễ tốt nghiệp vào tháng 6 hoặc tháng 7. Ít ra thì mọi chuyện bình thường đều là như vậy cho đến khi Corona làm rung chuyển nền kinh tế.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/nd06-h2-dauchamhet-phepmau-kinhte.jpg?w=474

    Mùa thu năm 2022, zero-Covid vẫn còn hiệu lực. Trung Quốc hầu như không xử lý tốt việc phong tỏa tai hại tại thủ phủ kinh tế Shanghai (Thượng Hải), thêm vào đó, nhiều đợt bùng phát corona địa phương liên tiếp xảy ra. Các công ty khó lòng dự đoán triển vọng kinh doanh của họ. Vì thế mức độ sẵn sàng thu nhận nhân viên mới của họ rất thấp. “Chỉ một số ít có được lời mời nhận việc“, Wang nói.

    Mặt khác, tại các hội chợ vào mùa xuân năm 2023, chủ yếu chỉ có các công việc dịch vụ được mời chào– đây không phải là một lựa chọn đối với anh, người có phần hơi nhút nhát. Trong mọi trường hợp, hiện nay đông đảo ứng viên cạnh tranh giành nhau số chỗ làm ít ỏi – số này không chỉ gồm những người đã ra về tay không trong các vòng tuyển dụng trước mà còn có cả những người đã rút lui khỏi thị trường lao động trong thời đại dịch và bây giờ đang nỗ lực cho một khởi đầu mới.

    Niềm hy vọng nền kinh tế nay sẽ trở lại bình thường khi đại dịch suy giảm vẫn là điều xa vời hiện thực. Nhà kinh tế trưởng tại tổ chức tư vấn Trung Quốc Merics tại Berlin, Max Zenglein cho biết: “Giới lãnh đạo tin rằng sự phục hồi sẽ là một điều tất nhiên”. “Họ đã cho rằng chỉ cần bãi bỏ chính sách zeroCovid và sau đó một công tắc chuyển mạch sẽ được bật lên. Nhưng điều đó không xảy ra”.

    Thêm vào đó, nhiều ứng viên dường như không phù hợp với hồ sơ tổng quan của công việc. Trong một báo cáo, ngân hàng đầu tư Goldman Sachs đã viết về “sự khác biệt giữa các ngành nghề những người trẻ đang theo học và công việc hiện thời”.

    Nhiều công ty tư nhân trước đây được ưa chuộng bậc nhất cũng đang gặp khó khăn. Các công ty bất động sản như Country Garden Holdings hiện đang chật vật với khoản nợ khổng lồ và cuộc khủng hoảng trên thị trường nhà ở. Các nhà cung cấp giáo dục tư nhân như hệ thống dạy kèm New Oriental, một mô hình kinh doanh đã bị chính phủ đập nát để giảm áp lực lên học sinh và phụ huynh. Hoặc những công ty công nghệ như Alibaba, những công ty mà lãnh đạo cho rằng người sáng lập đã trở nên quá quyền lực, đã bị chỉnh sửa bằng cách phải đóng tiền phạt lên đến hàng tỷ USD.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/nd06-h3-immer-mehr-akademiker.jpg?w=524

    Thanh niên Trung Quốc đang phản ứng bằng cách hàng loạt đổ xô vào lĩnh vực công cộng – hoặc ít ra là họ cố gắng làm như vậy. Khoảng 1,5 triệu người tìm việc đã tham gia kỳ thi tuyển dụng công chức của chính quyền trung ương năm nay. Có 37.100 vị trí cần tuyển, 2/3 trong số đó được dành cho sinh viên mới tốt nghiệp. Nếu tính thêm cấp tỉnh, 7,7 triệu ứng viên tham gia tranh giành khoảng 200.000 vị trí trong ngành công vụ. Lần nữa: một kỷ lục.

    »Tôi cho rằng đó là một vấn đề khi mà mối quan tâm của giới trẻ đang thay đổi để đi theo hướng có được một công việc ổn định của một công chức – điều đó không giúp ích gì cho sự tăng trưởng. Ai sẽ điều hành các công ty tư nhân ở Trung Quốc?”, nhà kinh tế trưởng García-Herrero của Natixis đặt vấn đề. “Nhiều doanh nhân, những người  thành lập những tập đoàn khổng lồ này đều là những người trẻ có can đảm chấp nhận rủi ro. Những người này hôm nay ở đâu? Tôi thấy điều này thật đáng lo ngại.” Lĩnh vực tư nhân đã tạo ra hơn 80% việc làm ở Trung Quốc.

    Giới lãnh đạo Trung Quốc đang phản ứng trước tình trạng nguy cấp bằng một hỗn hợp dị thể giữa đề nghị cung cấp trợ giúp và sự thiếu đồng cảm. Một mặt, chính phủ đặt ra mục tiêu tạo 12 triệu việc làm mới ở các thành phố chỉ riêng trong năm nay, nhiều hơn một triệu so với năm 2022. Một chương trình 31 điểm được thông qua vào tháng 7 nhằm mục đích thúc đẩy kinh tế tư nhân. Các công ty nhà nước được yêu cầu cung cấp một triệu chỗ thực tập cho người có trình độ đại học. Quân đội được cho là gần đây đã dành ưu tiên cho sinh viên vừa tốt nghiệp đại học.

    Mặt khác, Peking (Bắc Kinh) đang yêu cầu giới trẻ đừng xử sự như vậy. Người đứng đầu nhà nước và lãnh đạo đảng Xi Jinping (Tập Cận Bình) cho rằng, thanh niên Trung Quốc phải học cách “ăn trái đắng”, tức là phải chấp nhận gian khổ. Bản thân ông có được kỹ năng này khi còn là một thiếu niên, được đưa đến vùng nông thôn để tồn tại qua cuộc cách mạng văn hóa tại một ngôi làng không lưới điện, không nước máy.

    Dường như ông ta cũng có ý nghĩ tương tự dành cho giới trẻ ngày nay. Cuối năm 2022, ông chỉ đạo cán bộ đưa sinh viên tốt nghiệp đại học về nông thôn một cách có hệ thống để “vực dậy nền kinh tế nông thôn”. Tỉnh Guangdong (Quảng Đông) thịnh vượng đã nhanh chóng nắm bắt được điều này và công bố một chương trình nhằm tạo ra 300.000 việc làm thích ứng ở khu vực nông thôn. Tất nhiên, cơ hội để bản thân có thể vươn lên ở đó khiêm nhường hơn  nhiều so với các đô thị Trung Quốc.

    Thế nhưng, nhiều thanh niên Trung Quốc không có khát vọng phục vụ kiểu anh hùng này, họ không còn bình dị như các thế hệ đàn anh. Họ thích chuyển đến các đô thị lớn, như trường hợp của một cô gái 22 tuổi giấu tên đến từ Hebei (Hà Bắc), một tỉnh lân cận Peking (Bắc Kinh). Cô học ngành truyền thông kỹ thuật số và dọn đến thủ đô ba tháng trước vì cô nghĩ rằng triển vọng công việc ở đó tốt hơn. Cô cho biết, sau hàng chục đơn ứng tuyển, cô nhận được ba bốn lời mời làm việc với đồng lương rẻ mạt. Họ muốn thí cho cô 4.000 nhân dân tệ, tương đương với khoảng 500 euro [ND: 13 triệu đồng]. Cô mong đợi ít nhất một khoản tiền gấp đôi. Cô nói: “Tôi không nghĩ rằng kỳ vọng của mình quá cao“. “Làm sao tôi có thể tồn tại ở Bắc Kinh nếu phải giảm bớt?” Cô sẽ dành đủ thời gian để tìm công việc thích hợp.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/nd06-h4-tapcanbinh.jpg?w=456

    Sinh viên tốt nghiệp có trình độ cao lãng phí trong công việc tạm thời

    Các đồng niên khác phản ứng với tình huống nản lòng này bằng cách rút lui. Từ năm 2021, hiện tượng “tang ping” đã được nhắc đến ở Trung Quốc– “nằm bẹp”, như cách tự gọi của giới trẻ, những người từ chối sự cạnh tranh, họ nhận một công việc tạm bợ đây đó, từ bỏ tiện nghi vật chất để chuyển đổi sang một cuộc sống đơn giản, không căng thẳng. Gần đây hơn người ta cũng thường nghe đến “bai lan”, “để nó mục rữa”: một thái độ hoàn toàn bi quan, không còn mong đợi bất cứ điều gì từ cuộc sống.

    https://diendankhaiphong.files.wordpress.com/2023/08/nd06-h5-jugend-ohne-job.jpg?w=311

    Trong cơn túng quẫn, cuối cùng có một số người chấp nhận những công việc thấp hơn trình độ của họ rất nhiều. Một quan chức Bộ ở Peking (Bắc Kinh) cho biết gần đây văn phòng của bà đã tuyển mướn hai thanh niên. Một theo học ở Singapore, người kia học ở Pennsylvania, cả hai đều có bằng cấp về trí tuệ nhân tạo. “Và họ đã được giao những nhiệm vụ gì? Họ ngồi đến tận đêm bên những chiếc máy tính tồi tệ nhất trong văn phòng của chúng tôi và điền các số liệu vào bảng tính Excel.

     “Sinh viên tốt nghiệp Xiao Shai cũng có trình độ chuyên môn cao. Với tuổi 24, cô có hai tấm bằng: cử nhân toán và kinh tế ở Hoa Kỳ và bằng thạc sĩ về khoa học dữ liệu ở Anh. Trước đây, các tập đoàn ở Trung Quốc thường tranh giành những ứng viên có trình độ học vấn quốc tế như thế – đặc biệt khi kiến ​​thức của họ “có thể được sử dụng trong bất kỳ ngành nào”, như Xiao mô tả. Thế nhưng sau 80, 90 đơn xin việc, cô vẫn đang trong tình trạng chờ để được chấp thuận.

    Xiao cũng tự trách mình: không dành thời gian để làm thực tập song song với các môn học chuyên sâu; cô bắt đầu nộp đơn khá muộn vì trước tiên cô muốn tập trung vào luận án của mình. Cô có cảm thấy sợ hãi cho tương lai không? Điều đó không thể tránh được, cô nói. Cô đang khá căng thẳng và cũng “hơi thất vọng”. Cô muốn tận dụng khoảng thời gian thất nghiệp để học cách lập trình tốt hơn – và đang cân nhắc việc rời quê hương một lần nữa. “Có lẽ tôi sẽ nộp đơn xin làm luận án tiến sĩ ở Mỹ.”

    Sáng sớm hôm sau, Xiao sẽ bay đến Qinghai (Thanh Hải), một tỉnh lỵ nội địa miền núi với dân cư thưa thớt ở biên giới Tây Tạng. Cô muốn thực hiện một chuyến đi bộ đường dài ở nơi này, rất có thể sẽ đến thăm một ngôi chùa Phật giáo. Cô không phải là một Phật tử, nhưng “có lẽ tôi sẽ làm một chút nghi thức tôn giáo nào đó”, thắp một nén nhang, nói một lời cầu khẩn, cũng chẳng hại gì.

    Hậu quả chính trị sẽ ra sao nếu giới lãnh đạo đảng không còn giữ được lời hứa về sự tăng trưởng kinh tế lâu dài mà từ đó mọi người đều được hưởng lợi? Liệu sự thất vọng lan rộng trong giới trẻ có khả năng dẫn đến sự bất ổn chính trị không?

    Không có một dấu hiệu gì cho thấy điều này sẽ xảy ra trong nhiều cuộc trò chuyện riêng với những người thất nghiệp trẻ tuổi. Không một ai đổ lỗi cho chính phủ. Thay vào đó, họ tự an ủi rằng mình không đơn độc trong chuyện này hoặc cha mẹ họ bày tỏ sự cảm thông. Tâm trạng của họ dao động giữa sự lạc quan có chủ đích và sự cam chịu thầm lặng.

    Sinh viên tốt nghiệp kinh tế Wang Weize nói rằng lời phàn nàn sẽ không đem lại gì. “Mei banfa,” anh ta nói, bạn không thể làm gì được.

    Nhưng đôi khi anh để lộ sự hoang mang bối rối của mình. Dĩ nhiên bây giờ anh có thể gắng sức lấy bằng thạc sĩ, nhưng với tình hình thị trường lao động này, anh đã không còn tin tưởng rằng một tấm bằng cao hơn sẽ là giải pháp.

    Trong lúc đó, cha mẹ anh khuyên anh thử thời vận ở một công ty nhà nước. Công việc ở đó thường được trả lương thấp, nhưng chỗ làm được coi là an toàn, cũng như các quyền lợi của chế độ hưu trí. Nhưng Wang lại đặt nghi vấn: “Ai sẽ đóng tiền khi tôi đến tuổi nghỉ hưu? Dân số Trung Quốc đang giảm dần”, anh nói. Trong quá trình tìm kiếm một tương lai tốt đẹp, anh nhận ra rằng mình chủ yếu dựa vào sức lực của chính mình: “Bạn phải đảm bảo rằng mỗi ngày đều có giá trị.”

    Nguồn: Georg Fahrion, Der Spiegel Nr. 34/19.8.2023 – báo giấy, không có link.

    https://diendankhaiphong.org/mot-the-he-danh-mat-niem-tin/


    Không có nhận xét nào